Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm A
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
CHÚA HIỂN DUNG
Đn 7,9-10.13-14;2; Pr 1,16-19; Mt 14,1-12
Ngày 06/8/2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Bình Phong
GIÁO HUẤN SỐ 37
HÁI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Thuyết Pê-la-gi-ô Hiện đại (tt)
Những ai theo tâm thức Pê-la-gi-ô hay nửa-Pê-la-gi-ô, ngay cả dù họ sốt sắng nói về ân sủng của Thiên Chúa, thì rốt cuộc họ chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác bởi vì họ giữ một số qui tắc hay kiên thủ trung thành với một phong cách Công giáo nào đó. Khi một số trong họ nói với người yếu đuối rằng mọi sự đều có thể đạt được với ơn Chúa, thì tận thân tâm họ có xu hướng muốn nói rằng mọi sự đều có thể như ý chí con người là tinh thần hoàn hảo, toàn năng, mà ân sủng chỉ cái được bổ sung vào. Họ không nhận ra rằng không phải ai cũng có thể làm được mọi sự, và rằng trong cõi đời này những yếu đuối của con người không được chữa lành một cách hoàn toàn và dứt khoát bởi ân sủng. Như thánh Au-gus-ti-nô dạy : trong mọi trường hợp, Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy làm điều bạn có thể, và hãy cầu xin những gì bạn không thể, và quả thực bạn hãy khiêm tốn cầu nguyện : xin Chúa ban điều Chúa truyền dạy, và xin Chúa truyền dạy điều Chúa muốn (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 49).
LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14
“Áo Người trắng như tuyết”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 9
Ðáp: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.
Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.
Xướng: Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.
Bài Ðọc II: 2 Pr 1, 16-19
“Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 17, 5c
Alleluia, alleluia! – Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 17, 1-9
“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Ngày 13-5-2017, Đức giáo hoàng Phanxicô tới Fatima để phong thánh cho hai anh em ruột Phanxicô và Giaxinta. Hai anh em là con bà cô của chị Luxia.
Phanxicô sinh ngày 11 tháng 6 năm 1908 là con của ông bà Manuel (Ma-nu-en) và Olimpia de Jesus Marto (Ô-lim-pi-a đệ Giêsu Mác-tô). Khi Đức Mẹ hiện ra năm 1917 ở Fatima, Phanxicô mới 9 tuổi, Giaxinta 7 tuổi, và Luxia 10 tuổi.
Trong lần hiện ra đầu tiên, chị Luxia hỏi Đức Mẹ :
– Phanxicô có được lên thiên đàng không ?
Đức Mẹ đáp:
– Được, nhưng em phải đọc Kinh Mân Côi nhiều.
Biết mình sẽ được gọi về thiên đàng. Khi đến gần trường, cậu nói với Luxia và Giaxinta: “Chị và em cứ tiếp tục đi, em vào nhà thờ để thăm Chúa Giêsu Thánh Thể, và cầu nguyện xin Chúa thương những người tội lỗi.”
Tháng 10 năm 1918, Phanxicô ngã bệnh nặng. Nhiều người trong gia đình bảo cậu sẽ nhanh chóng khỏi bệnh, nhưng cậu trả lời : “Đức Mẹ muốn con ở với Mẹ trên trời!”
Trong cơn bệnh hoạn, cậu tiếp tục hiến dâng những kinh nguyện để an ủi Chúa Giêsu đang bị xúc phạm bởi quá nhiều tội lỗi.
Một ngày kia cậu nói với chị Luxia: “Chỉ một ít lâu nữa thôi, em sẽ được lên Trời. Trên đó, em sẽ an ủi Chúa và Đức Mẹ. Giaxinta sẽ cầu nguyện rất nhiều cho những người tội lỗi, cho Đức Giáo hoàng và cho chị. Chị sẽ ở lại đây vì Đức Mẹ muốn điều đó. Hãy làm tất cả mọi thứ như Đức Mẹ nói với chị”.
Khi cơn bệnh trầm trọng và sức khoẻ cạn kiệt dần, Phanxicô không còn đủ sức để đọc Kinh Mân Côi. Một ngày, cậu gọi to: “Mẹ ơi, con không còn có thể đọc được kinh Mân Côi. Đầu con như đang nằm giữa đám mây”.
Ngay cả khi sức mạnh thể lý của mình đã suy sụp, tâm trí cậu vẫn hướng về cõi trường sinh. Cậu đã gọi cha mình, xin cho được rước Mình Thánh Chúa (vào thời đó cậu chưa được Rước Lễ Lần Đầu). Tự chuẩn bị để xưng tội, cậu gọi chị Luxia và em Giaxinta đến bên giường và xin hai người nhắc lại cho cậu những tội lỗi mà cậu đã phạm. Nghe thấy một số tội nhẹ mà cậu đã phạm, Phanxicô rơi nước mắt, nói: “Em đã xưng thú những tội này, nhưng em sẽ xưng những tội này lần nữa. Có lẽ vì những tội đó mà Chúa Giêsu rất buồn, xin cả hai cầu Chúa tha thứ tất cả tội lỗi cho em.”
Cậu được Rước Lễ Lần Đầu (và cũng là lần cuối cùng) trong căn phòng nhỏ bé mà cậu đang nằm chờ chết. Không còn đủ sức mạnh để cầu nguyện, cậu xin chị Luxia và em Giaxinta đọc Kinh Mân Côi thật lớn để cậu hiệp ý. Hai ngày sau, gần cuối cuộc đời, cậu kêu lên: “Nhìn kìa, nhìn kìa, ánh sáng thật đẹp, ở gần bên cửa.” Đến 10 giờ tối, ngày 4 tháng Tư năm 1919, sau khi xin tất cả tha các tội lỗi của mình, cậu đã ra đi một cách thanh thản, không có dấu hiệu đau khổ, hay đau đớn nào. Mặt cậu sáng lên như thiên thần. Miêu tả cái chết của người em họ trong nhật ký của mình, chị Luxia viết: “Phanxicô đã bay về Thiên Đàng trong vòng tay của Mẹ Trên Trời.”
BTM : Được Đức Mẹ cho biết : muốn lên thiên đàng phải lần chuỗi nhiều, từ đó Phanxicô đã siêng năng lần chuỗi. Khi đau yếu, không thể lần chuỗi, thì Phanxicô xin Luxia, Giaxinta lần chuỗi giùm.
Cuộc hiển dung trong Bài Tin Mừng trong thánh lễ muốn dạy chúng ta bài học “Vinh quang của thập giá“. Theo kiểu nói của Victor Hugo, nhà văn Pháp : “Đầu đường thập giá cuối đường vinh quang“. Hay theo kiểu nói của người Việt Nam “Có công mài sắt có ngày nên kim“.
Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Chúa, thì các môn đệ ngỡ ngàng, kinh hoàng. Thánh Phêrô kéo Chúa riêng ra và nói : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (Mt 17,22). Cuộc hiển dung trên núi Tabo là hình ảnh vinh quang của thập giá. Cuộc hiển dung là thành quả của “sau sáu ngày” (Mt 17,1) thập giá lao nhọc. Có thập giá, có đau khổ mới có ngày Chúa Cha hài lòng, Chúa Cha long trọng tuyên bố : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5).
Bđ1 : Bài đọc 1 đọc sách Đa-ni-en. Theo Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, sách Đanien được viết vào thời Ma-ca-bê (Kinh Thánh 2011, trang 1898). Thời Macabê là thời gia đình Mát-tít-gia dám đứng lên chống lại vua An-ti-ô-khô, Hy lạp, bách hại đạo Do Thái và xúc phạm Đền Thờ vào năm 168 tCN. Tác giả sách Đanien “hướng độc giả về thời cùng tận, về vương quốc của Thiên Chúa, về cuộc chiến thắng cuối cùng của Người… Củng cố đức tin, lòng can đảm và sức chịu đựng kiên trì của những kẻ tin giữa cơn bách hại… Cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên thế gian là chuyện chác chắn, và những ai trung thành phụng sự Thiên Chúa sẽ được chung phần chiến thắng của Người” (Sđd, trang 1901).
Trong cuộc hiển dung, biến hình “Dung nhan Người (Chúa Giêsu) chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2) là “những mầu sắc vinh hiển của các người công chính ở trong nước Chúa, theo sách Đanien 12,3” (Đức cha Nguyễn Sơn Lâm, Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm A, trang 403).
Như thế, cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là cuộc chiến thắng trước bách hại đau khổ.
Bđ2 : Bài đọc 2 là đoạn thư của thánh Phêrô, người môn đệ được Chúa cho chứng kiến cuộc hiển dung. Thánh Phêrô viết cho các tín hữu Rôma, khích lệ họ can đảm trong cuộc bách hại của các hoàng đế Rôma suốt hàng 300 năm : “Chúng tôi đã thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa ban vinh quang và danh dự” (1Pr 1,16-17).
Tóm lại, cuộc hiển dung, biến hình của Chúa Giêsu là cuộc chiến thắng của Chúa trước thập giá đau khổ. Với thập giá của Chúa, gương chăm chỉ lần chuỗi của em Phanxicô, chúng ta mạnh dạn tiến bước trên đường đức tin.
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
khi Con Một Chúa biểu lộ dung nhan vinh hiển Người,
Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước
là ông Mô-sê và ông Ê-li-a
để củng cố niềm tin các Tông đồ
vào mầu nhiệm cứu độ
và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa sẽ ban
là nhận chúng con làm nghĩa tử.
Xin cho chúng con nghe lời Con Một Chúa
để mai sau được hửơng gia nghiệp với Ngưới.
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần
đến muôn thuở muôn đời.
SUY NIỆM II
GẶP CHÚA – TA ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Ngày 22-1 vừa qua, tôi nhận được một cú điện thoại lạ gọi đến, tôi vừa mở máy alo thì người đầu kia là một bà mẹ độ 60 tuổi khóc nức nở nghẹn ngào chỉ nói một câu cha ơi, xin cứu con trai con với. Tôi hỏi tại sao, có chuyện gì vậy, tai nạn xe hả bà? Bà khóc không nói nên lời. Tôi nói xin bà bình tĩnh, kể cho con nghe chuyện gì vậy, sao bà khóc. Tôi đợi một hồi lâu, bà hết khóc và nói: “Không cha ơi, con không bị tai nạn gì cả, số là thế nào thằng con trai độc nhất của con đã lâm vào cảnh hút chích, nghiện ngập 16 năm nay, mấy tháng nay nó lên cơn quậy phá, đánh đập và bị công an bắt vào trại cai nghiện, người ta đánh con con gần chết rồi cha ơi. Cách đây mấy ngày, nó đã trốn trại đi đâu mất không tìm thấy đâu cả, con lo sợ quá không biết làm sao. Con gọi cha xin cha dâng lễ cầu nguyện, khấn xin Chúa cứu giúp con”. Tôi nhận lời và nói : “Con sẽ dâng lễ cầu nguyện cho con bà và cho bà, bên cạnh đó bà và con công tác với con nhé, nếu mai con bà trở về bà nói với nói hãy quyết tâm từ bỏ và đến gặp Chúa đi qua việc xưng thú tội và đọc kinh tham dự các Bí tích, chạy đến với Đức Mẹ cầu bầu, chắc chắn Chúa sẽ chữa và cứu cho. Và quả thế, mấy hôm sau người ta gọi báo bà đứa con trai bà ngất sỉu, mình mẩy bầm thâm loạn bị đang nằm ở trên con đường hoang vắng. Bà đến đem con về, mấy ngày mai sau tĩnh lại, thằng con nói xin lỗi mẹ và xin dẫn đến nhà thờ xin xưng tội rước lễ, kể từ đó đến nay hơn 7 tháng anh ta đã tự cai nghiện bỏ hẳn và siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ đều đặng, yêu mến Chúa và Đức Mẹ mãnh liệt vì anh nói rằng Chúa đã cứu anh từ chỗ chết tới chỗ sống cả hồn lẫn xác. Chúa đã biến đổi đời anh nhờ đến gặp Chúa và Đức Mẹ.
Hôm nay, Tin Mừng kể Đức Giê-su đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình lên núi. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Tại sao phải lên núi mà không vào nhà riêng? Bởi vì theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế, Chúa Giêsu đưa 3 ông lên núi là để gặp gỡ Chúa trong tình thân mật và đối thoại riêng tư với Chúa ngõ hầu cho các ông nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng quyền năng đầy lòng bi bi lân tuất như thế nào đối với con người và từ đó các ông sẵn sàng đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ tình yêu của các ông dành cho Chúa khi Thầy trò xuống núi bước vào con đường thập giá khổ đau, chết và sống lại vinh quang.
Điều đáng chú ý ở đây là trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, nhiều người trước Chúa Giêsu, ai gặp được Chúa cũng đều biến đổi. Cụ thể, ông Môsê từ một người chăn chiên, nhưng sau khi gặp Thiên Chúa ở bụi gai bốc cháy, Chúa biến đổi ông thành một người bạn của Thiên Chúa, người thủ lãnh và sứ giả đắc lực cho Thiên Chúa, dẫn con cái Chúa thoát khỏi khổ ải đau thương ở Ai cập, trong sa mạc 40 năm để tiến về đất Hứa bình an và hạnh phúc. Rồi nói đâu xa, Mẹ Maria, sau lời thưa xin vâng, Mẹ gặp chính Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người thật. Mẹ được biến đổi hoàn toàn, trước đây không biết đến người nam, bây giờ biết Thánh Giuse, chồng thanh sạch. Trước đây Mẹ chỉ hiến dâng cho Chúa, nay Mẹ hiến dâng cho chúng ta nữa qua việc đồng công cứu chuộc với Con Mẹ nhờ Mẹ gặp Chúa thường xuyên và để cho Chúa biến đổi. Rồi hôm nay, ông Phêrô đã gặp Chúa và thấy vinh quang của Chúa, ông cũng được Chúa biến đổi từ một ngư phủ đánh cá quê mùa, tội lỗi thành vị thủ lãnh của Hội Thánh Chúa đầu tiên, một vị thánh cột trụ trong Giáo Hội, từ một con người nhút nhát sợ sệt thành một chứng nhân đức tin kiên cường để rồi hôm nay Lời Chúa trong bài đọc 2, Ngài tuyên tín rằng: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.
Chúa Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống“(Ga 8, 12). Quả thế khi chúng ta đến với Chúa, gặp Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, Chúa sẽ thay đổi tâm hồn ta, Ngài sẽ chiếu ánh sáng đem lại sự sống cho ta, Ngài biến đổi đời ta vì Chúa là Tình Yêu. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta ngọn lửa yêu thương thay cho ghét ganh, ngọn lửa phục vụ thay cho bóng tối ích kỷ, ngọn lửa thứ tha thay cho hận thù, Ngài xua đi sự thờ ơ nguội lạnh thay vào đó là đạo đức, kính mến Chúa trên hết mọi sự. Ngọn lửa dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính cộc cằn nóng nảy, thô lỗ khắc nghiệt. Ngọn lửa khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Ngọn lửa bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh chị em. Ngọn lửa tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế tội lỗi trong ta. Vì vậy, càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, tỳ hiềm. Càng gặp Chúa, gần với lòng thương xót Chúa, ta càng được bình an, ý chí và nghị lực càng vươn lên trong cuộc sống đầy bất an và gian nan này. Càng gặp Chúa ta càng yêu mến Chúa, đồng thời càng thêm yêu mến chính mình và mọi người. Và càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn về mọi phương diện.
Trong cuộc sống xao động, ồn ào náo nhiệt ngày hôm nay, người tín hữu biết lên núi nào mà gặp Chúa? Lên núi gặp Chúa chính là những giây phút dành cho Chúa qua việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện…Chính lúc đó, ta thấy Chúa tốt lành biết mấy đồng thời cảm thấy mình thánh thiện nhường bao không cần Chúa biến đổi, nhưng xuống núi là về với cuộc sống đời thường với bao gian nan khốn khó, tội lỗi và bất an, chúng ta cần Chúa và Chúa biến đổi chúng ta thành thánh, thiện và làm cho những gánh nặng, những lo âu, những bất an ra êm ái nhẹ nhàng, bình an và hạnh phúc nhờ đến với Chúa, gặp Chúa và kết hiệp với Ngài trong mọi hoàn cảnh.
Ước gì qua Lời Chúa của Thánh lễ Chúa hiển dung, xin cho mỗi người chúng ta mỗi khi được hạnh phúc hay khi đối diện với những khủng hoảng, bế tắc nghiệt ngã trong cuộc sống đời thường, hãy chiêm ngắm biến cố Chúa hiển dung để hy vọng, để cậy trông, tín thác và tôn thờ Chúa qua việc siêng năng gặp Chúa luôn qua việc cầu nguyện, tham dự Thánh lễ để Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta nên tươi mới, rạng ngời và chan hoà yêu thương niềm vui. Amen.
SUY NIỆM III
THÁNH THỂ – “ĐƯỢC Ở ĐÂY TỐT LẮM!”
Lễ Chúa Hiển Dung (Hội An 6/8/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Ít ai ngờ giấc mơ có thể làm thay đổi xã hội, thay đổi nhiều số phận. Vào ngày 28/8/1963 tại Washington, mục sư Martin Luther King chân tình chia sẻ với 250.000 khán giả bài diễn văn của ông, một bài diễn văn có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại, trong đó, ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Tôi có một giấc mơ.” Bốn từ đó không có trong bản viết của các văn sĩ soạn diễn văn cho ông, nhưng cất lên từ trái tim ông. Ông ước mơ mọi chủng tộc, da trắng cũng như da màu trong xã hội cùng có việc làm và cùng được hưởng tự do. Giấc mơ đó của ông chạm đến trái tim của muôn vàn con người trong xã hội và làm thay đổi xã hội Hoa Kỳ trở nên tốt đẹp, công bằng hơn. Giấc mơ của ông là niềm mục đích cuộc sống của ông, là niềm hy vọng gợi hứng không ngừng cho cuộc đời ông và cho những ai có cùng ước mơ như ông.
Tin mừng lễ Chúa Hiển Dung cho chúng ta cảm thấu giấc mơ của thánh Phê-rô.
- Giấc mơ được ở với Chúa
Sau khi báo cho các tông đồ biết cuộc thương khó, cái chết và phục sinh của mình sắp xảy đến, Chúa Giê-su biết các tông đồ khó đón nhận biến cố cứu độ do Ngài thực hiện, nên Ngài đã đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để tỏ cho các ông biết Ngài là Thiên Chúa ẩn mình, vinh quang Thiên Chúa ẩn giấu trong con người Giê-su Nazareth nay bày tỏ trong gương mặt của Ngài sáng chói như mặt trời và y phục của Ngài như ánh sáng. Vai trò của Chúa Giê-su còn là vai trò chu toàn mọi điều Thiên Chúa hứa với dân Chúa qua Luật, mà Mô-sê là người đem Luật Chúa đến đang hiện diện, và qua các ngôn sứ, mà Êlia là ngôn sứ nổi bật của Cựu ước cùng ở đó. Thánh Phê-rô vừa choáng ngợp, vừa hạnh phúc trước cảnh tượng này, nên đã có ước mơ được ở mãi trong tình trạng có một không hai đó: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia” (Mt 17,4).
Dựng lều là dựng nơi cư trú, là chốn nghỉ chân. Ước muốn dựng lều của thánh Phê-rô gợi nhắc đến biến cố Thiên Chúa hứa ở giữa dân Chúa, nên Ngài bảo Mô-sê làm một lều, gọi là Lều Hội Ngộ hay Nhà Tạm và Thiên Chúa ở trong Lều ấy. Nay, thánh Phê-rô ước muốn Chúa ở lại với mình và mọi người, nên ước mong dựng cho Chúa một cái lều, cùng với lều của Mô-sê và Êlia. Mơ ước của thánh Phê-rô thật thánh thiện, một mơ ước đáng có trong đời mọi người theo Chúa, diễn tả lòng khát khao được ở với Chúa và Chúa ở với mình. Tuy nhiên, thánh Phê-rô đã quên, Thiên Chúa đã cắm lều ở giữa dân Ngài khi cho Ngôi Hai là Chúa Giê-su xuống thế làm người và ở giữa loài người.
- Thánh Thể – “Được ở đây tốt lắm!”
Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người giữa chúng ta. Thịt máu và thân thể của Ngài là chiếc “lều” cắm giữa nhân loại. Không phải Phêrô dựng lều, cũng chẳng phải Mô-sê làm lều, mà chính Thiên Chúa cắm lều ở giữa nhân loại. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa không ở xa chúng ta như ở ngoài vũ trụ này, không ở nơi chốn nào đó chúng ta không thể đến được. Ngay cả khi lên trời, chiếc “lều” là chính thân thể Chúa Giê-su vẫn cứ ở giữa con người và ở trong mỗi người. Bí tích Thánh Thể là “lều” của Thiên Chúa giữa nhân loại. Đức Bênêđictô xác tín như thế.
Do đó, Phêrô không còn phải mơ ước được sống trong bầu khí uy nghiêm và hạnh phúc của quang cảnh biến hình trên núi nữa; trái lại, cần nhận biết “chỉ một mình Chúa Giê-su” là đủ cho giấc mơ thánh thiện của Phêrô. Chúa Giê-su là niềm mơ ước của Phêrô và của dân Chúa, muốn tận hưởng sự kề cận bên Chúa thì cứ đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, chứ không chỉ ngồi ước mơ. Chúa cắm lều trong một thế giới rất thực và nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ ở lại trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6,56). Vì thế, Thánh Thể của Chúa không để chúng ta sưu tầm hay bàn tán, nhưng để chúng ta rước lấy vào lòng như dân Do Thái xưa ăn mana trong sa mạc, để Chúa ở với chúng ta và chúng ta ở trong Chúa. Đó là ước mơ khởi đầu từ Thiên Chúa, Đấng muốn ở với con người.
Đức hồng y Sarah nhận định, sự suy giảm niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể là nguyên do chính của cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội hôm nay. Chúng ta là những giám mục, linh mục và giáo dân chịu trách nhiệm về tình trạng khủng hoảng trong Giáo Hội, trong đời sống linh mục và trong tình trạng tẩy chay Ki-tô giáo hiện nay. Đức hồng y mạnh mẽ phán quyết như thế. Trách nhiệm của chúng ta vì chúng ta không để Chúa Giê-su Thánh Thể cắm lều vào lòng chúng ta.
Vậy, ước gì điều thánh Phêrô mơ ước được ở với Chúa, được chúng ta hôm nay nhận ra Chúa đang cắm lều ở giữa chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Xin Chúa cho chúng ta có lòng khao khát được gần Chúa và ở với Chúa như thánh Phê-rô, cùng xin cho lòng mến yêu Chúa nơi chúng ta thể hiện cách sống động bằng những bước chân mau mắn chạy đến tham dự Thánh Lễ và chầu Thánh Thể, không để bất cứ lý do gì ngăn cản tình Chúa yêu chúng ta và tình chúng ta yêu Chúa. “Ngước mắt lên, các ông thấy một mình Chúa Giê-su mà thôi” (Mt 17,8).