Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

2-8-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hội An

GIÁO HUẤN SỐ 35

CÁC THÁNH TRẺ (tt)

Trong cùng thế kỷ ấy, thánh Kateri Tekatwitha, một cô gái thổ dân Bắc Mỹ, bị bách hại vì đức tin của mình và trốn thoát, đã đi bộ hơn 300 cây số trong vùng hoang địa. Kateri đã hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa, và khi chết ngài thốt lên: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”. Thánh Đaminh Saviô phó dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria. Khi thánh Gioan Bosco dạy ngài rằng sự thánh thiện đòi hỏi phải vui tươi, ngài đã mở lòng mình cho một niềm vui đầy sức lan tỏa. Ngài muốn gần gũi các bạn trẻ yếu ớt và côi cút nhất của mình. Đaminh qua đời năm 1857, ở tuổi 14, với lời này: “Ôi, con đang cảm nhận một điều kỳ diệu biết bao!”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873. Khi 15 tuổi, ngài vượt qua rất nhiều khó khăn, ngài thành công trong việc nhập tu viện Cát Minh. Têrêsa sống con đường nhỏ, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Chúa, và quyết tâm dùng lời cầu nguyện của mình để thổi ngọn lửa tình yêu bùng cháy lên giữa lòng Hội Thánh (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 55,56&57).

 ——————————–

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Is 55,1-3; rm 8,35-37; Mt 14,13-21)

 

Thánh Gioan Louis Bonnard (Lu-i Bon-na), tên Việt Nam là Hương. Cha Bonnard Hương là người Pháp, sinh năm 1824. Ngài là con thứ 5 trong một gia đình đạo đức, nhưng nghèo khó, đến nỗi không có tiền đi học. Tấm áo mặc khi rước lễ lần đầu là do tiền ngài đi chăn chiên thuê. Khi 12 tuổi được rước lễ lần đầu, cha Bonnard Hương mong được dâng mình đi tu. Để đáp lại nguyện vọng của con, cha mẹ ngài dù làm ăn vất vả, cũng cố gắng làm gấp đôi, gấp ba, để có tiền cho con đi tu. Trong chủng viện ngài được nghe kể về các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngài tình nguyện gia nhập Hội Thừa Sai Pari. Ngày 24-12-1848 được thụ phong linh mục. Ngay đầu năm sau, năm 1849, cha được sai sang Việt Nam và phục vụ giáo phận Tây Đàng Ngoài, tức là giáo phận Hà Nội ngày nay.

Mùa Chay năm 1852 cha Bonard Hương về giảng tuần tĩnh tâm cho họ Bối Xuyên thì bị bắt và bị giam tù ở Nam Định. Đức cha giáo phận Retord (Rơ-to) Liêu sai cha Phaolô Lê Bảo Tịnh giả dạng vào nhà tù giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho cha. Cha viết thư cám ơn Đức cha, trong đó có những dòng chữ nói về Bí Tích Thánh Thể như sau : “Đã lâu chưa bao giờ con vui đến thế, khi mang trong mình Vua Các Thiên Thần. Phải ở trong tù, khi tay chân bị xiềng xích và cổ phải đeo gông, lúc đó mới hiểu được sự hiện diện của Chúa trong linh hồn êm dịu chừng nào. Được chịu khó một chút cho Đấng đã yêu thương chúng ta quả là một hạnh phúc…”.

Ngày 1-5-1852 Cha Bonnard Hương bị chém đầu tại pháp trường Bảy Mẫu Nam Định. Thi thể của cha bị ném xuống sông. Đức cha Retord Liêu bí mật cho thuyền đi tìm và vớt được xác ngài đem về chôn tại nhà thờ Vĩnh Trị. Ngài mới 28 tuổi, sau 3 năm truyền giáo ở Việt Nam.

BTM : Phép lạ 5 cái bánh và 2 con cá trong BTM thánh lễ hôm nay là hình ảnh của Phép Mình Thánh Chúa.

Cha Nguyễn Công Đoan viết vế Bài Tin Mừng hôm nay : “Hình ảnh Chúa truyền cho dân chúng ngồi xuống trên cỏ rồi cho họ ăn gợi nhớ thánh vịnh 23/22 :

Chúa là mục tử chăn dắt tôi

Tôi chẳng thiếu thốn gì

Trong đồng cỏ xanh tươi

Người cho tôi nằm nghỉ

Chúa cầm bánh và cá, “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng và bẻ ra, trao cho các môn đệ”, trong phong tục dân Ít-ra-en cho tới ngày nay, đó là cách mở đầu bữa ăn. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa cũng làm như vậy, nhưng kèm theo lời lập bí tích Thánh Thể, cũng là Bí Tích Giáo Ước Mới, vì thế trong thánh lễ ngày nay chúng ta cũng lặp lại những lời này, và cụm từ “Bẻ Bánh” đã sớm mang ý nghĩa đặc biệt chỉ về việc cử hành bí tích Thánh Thể (x. Cv 2,42).

Chúa bảo các môn đệ cho dân chúng ăn, họ thú nhận bất lực thì Chúa trao bánh cho họ để họ trao cho dân. Đó là nhiệm vụ mà các tông đồ thi hành ngay sau khi nhận được quyền năng Thánh Thần : phục vụ Lời và bàn ăn, cử hành lễ Bẻ Bánh. Bữa ăn này đã thành hình ảnh vừa gợi lại dân của Cựu Ước được Thiên Chúa nuôi trong hoang địa, vừa loan báo bữa ăn Lời Chúa và Thánh Thể mà chúng ta lãnh nhận ngày nay với tư cách là dân của Giáo Ước Mới” (Tự Đáy Lòng, Tĩn Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 122-123).

Bđ2 : Qua phép lạ này, tuy Chúa Giêsu tránh bàn tay sát nhân của vua Hêrôđê; nhưng vì lợi ích của dân chúng, Chúa sẵn sàng hy sinh. Nói theo kiểu nói của thánh Phaolô trong thư Rôma : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35).

Cha Bonnard Hương vì Chúa Kitô, vì giáo dân Việt Nam, đã không sợ gian nan khốn khó, tình nguyện sang Việt Nam giảng đạo, và sẵn sàng chết. Cha viết: “Được chịu khó một chút cho Đấng đã yêu thương chúng ta quả là một hạnh phúc…”.

Bđ1 : Phép lạ “5 chiếc bánh và 2 con cá”, hình ảnh Thánh Thể, là món quà vô giá Chúa Giêsu tặng ban cho chúng ta. Trong bđ1, ngôn sứ Isaia đã diễn tả: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền có bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng” (Is 55,1-2).

 Isaia nghĩa là “ơn cứu độ của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa là ơn cứu độ” (CGKPV, Kinh Thánh 2011, trang 1549). Người được rước Mình Thánh Chúa là người lãnh nhận chính “Chúa”, được “ơn cứu rỗi”.

Khi rước Mình Thánh Chúa, người rước lễ thưa: “Amen”. Thánh Auguttinô cắt nghĩa: “Lời thưa Amen là lời tuyên bố lòng tin là: con tin thật đây là Mình Thánh Chúa. Con thờ lạy và cung kính rước Chúa”.

Thánh Ambrôsiô nói: “Nếu bạn bị nóng nảy vì những cơn sốt, thì Chúa Kitô là nguồn nước tưới mát; nếu bạn bị tội lỗi áp chế, thì Chúa Kitô là sự giải thoát; nếu bạn cần sự giúp đỡ, thì Chúa Kitô là sức mạnh; nếu bạn sợ hãi sự chết, thì Chúa Kitô là sự sống; nếu bạn ước ao trời cao, thì Chúa Kitô là đường dẫn đến; nếu bạn trốn khỏi bóng tối, thì Chúa Kitô là ánh sáng; nếu bạn cần thức ăn, thì Chúa Kitô là thức ăn” (Armand Duval, Proclame la parole, trng 177).

Cha Bonnard Hương thì nói : “Đã lâu chưa bao giờ con vui đến thế, khi mang trong mình Vua Các Thiên Thần. Phải ở trong tù, khi tay chân bị xiềng xích và cổ phải đeo gông, lúc đó mới hiểu được sự hiện diện của Chúa trong linh hồn êm dịu chừng nào. Được chịu khó một chút cho Đấng đã yêu thương chúng ta quả là một hạnh phúc…” .

Xin Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng chúng con, để chúng con được vui và được sức mạnh làm chứng cho Chúa ở trần gian.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành