Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Xh 16, 2-4.12-15; Ep 4, 17.20-24; Ga 6, 24-35)

Bài Ðọc I: Xh 16, 2-4. 12-15

“Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”

Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Ðây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: ‘Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi’”.

Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là: “Cái gì vậy?” vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Ðó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54

Ðáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

Xướng: Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời. Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời. – Ðáp.

Xướng: Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm. – Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Ep 4, 17. 20-24

“Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Ðức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Ðức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 24-35

“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.

Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.

Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.

Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

 Từ lương thực mau hư nát đến lương thực trường tồn

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Bài đọc 1 Sách Xuất Hành kể Dân Ít-ra-en được Thiên Chúa giải thoát cảnh nô lệ bên Ai cập, vượt qua Biển đỏ rồi vào sa mạc tiến về đất Thiên Chúa hứa cho dân. Hành trình di cư đi trong sa mạc 40 năm ấy, họ đói kêu lên Thiên Chúa và rồi Thiên Chúa cho họ được ăn thịt chim cút vào buổi chiều, còn buổi sáng khi ngủ dậy họ ra trước lều lượm một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Man hu? ” Nghĩa là: “Cái gì đây? Họ hỏi ông Môsê. Ông Mô-sê bảo họ: “Đó là bánh ĐỨC CHÚA ban cho anh em làm của ăn! Rồi ông Môsê căn dặn họ ai ăn bao nhiều thì lượm bấy nhiêu đủ ăn trong ngày thôi, không được để dành cho ngày mai. Một số người đã không nghe lời ông Mô-sê: họ để dành cho đến sáng thì có giòi bọ và xông ra mùi hôi thối. Cho nên sau này, Chúa Giêsu trong kinh lạy Cha dạy, ta cầu nguyện: xin cho chúng con hôm nay lương thực dùng đủ là vậy.

Đói, đó là thảm trạng và là nỗi ám ảnh thường xuyên nhất của nhân loại từ xưa cho đến hôm nay. “No, đói” vẫn là giấc mơ của hàng trăm triệu con người… Trước khi nói đến Bánh Hằng Sống trong Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng tuần trước Chúa Giêsu đã chạnh thương đám dân nghèo khổ đi theo Ngài, họ đói, không có bánh ăn. Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều họ ăn no nê còn dư 12 thúng bánh và cá, đây là thứ lương thực hư nát. Điều đáng chú ý ở đây, tấm bánh Chúa Giêsu phân phát cho đám đông dân chúng ăn no nê là dấu chỉ lòng thương yêu của Thiên Chúa đối với dân chúng đang đói. Đáng lý ra họ phải nhận ra Thiên Chúa, nhận ra tình thương của Ngài qua tấm bánh mà họ nhận được chứ nhưng đàng này, sự cứng lòng và đam mê vật chất, lương thực hư nát đã khiến họ không thể nhận ra mối tương quan giữa tấm bánh và con người làm ra bánh hay phép là hóa bánh ra bánh nhiều, cũng chẳng nhận ra ý nghĩa của việc Chúa bẻ bánh và chia sẻ cho họ ăn no: Ngài đã chia sẻ tấm bánh đó như là biểu tượng của chính Thân Thể Ngài sẽ bị bẻ ra, tan nát, bầm dập trong cuộc khổ nạn và phục sinh. Vì thế, Chúa Giêsu phải nói thẳng với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Thì ra, họ chạy theo Chúa Giêsu chỉ vì cơm bánh chứ không phải vì tin Chúa Giêsu là Bánh đích thực ban sự sống đời đời. Dấu lạ bánh bởi trời mời gọi chúng ta tin yêu và phó thác nơi Chúa Giêsu, là Tấm bánh tình thương, lương thực trường tồn.

Không phải tấm bánh làm ra tình thương, mà chính tình thương làm ra tấm bánh. Thế giới chúng ta ngày ngay thực ra đã không thiếu và không bao giờ thiếu cơm bánh, nhưng thiếu tình thương và niềm tin vào Thiên Chúa, nên bánh đã không được bẻ ra hay hóa ra nhiều cho hết mọi người. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thứ bánh của tình thương và niềm tin. Cho nên, khi Ngài bẻ bánh phân phát cho người ta và dặn dò chúng ta hôm nay: “Anh em phải ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Chính Tôi là Bánh Trường Sinh, ai đến với Tôi, không hề phải đói, ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”.

Vâng, Chúa Giêsu nói: “Chính Tôi là Bánh Hằng Sống”: Khẳng định long trọng này của Chúa Giêsu không một chút mông lung, mơ hồ. Một ý tưởng, một lý tưởng hay lý thuyết thì có thể mơ hồ, nhưng một con người có danh xưng cụ thể nói ra và thực hiện thì chân lý rõ ràng, không có gì mơ hồ cả. Bánh sự sống, lương thực đem lại sự sống và sự sống vĩnh cửu, bất hoại, chính là bản thân Chúa Giêsu. Và để đón lấy một con người, một Đấng làm sự sống và lẽ sống cho mình, thì “công việc” của chúng ta là phải “đến với” và “tin vào” Chúa Giêsu. “Đến với” và “tin vào” nghĩa là khao khát và no thoả. Cho nên, mỗi lần rước lấy Tấm Bánh Hằng Sống chúng ta phải cảm nghiệm được Chúa Giêsu như tâm điểm luôn thu hút chúng ta đến với Ngài và đến với nhau, làm cho tất cả nên một, một tấm bánh duy nhất: Bánh của tình thương và tin yêu phó thác. Vì vậy, Sách giáo lý Hội thánh công giáo dạy rằng thứ nhất, khi ta rước Mình Thánh Chúa chúng ta được hiệp thông với Chúa Giêsu vì chưng Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 5,56-57). Như vậy, rõ ràng, chỉ khi nào chúng ta còn rước Mình Thánh Chúa, chúng ta nắm chắc sự sống đời đời. Thứ đến, Sách giáo lý Hội thánh công giáo dạy rằng khi rước Mình Thánh Chúa Giêsu, chúng ta được củng cố sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Giêsu đó là Hội Thánh. Vì chưng những ai rước Mình Thánh Chúa, đều được kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu nhờ đó, Chúa Giêsu kết hợp mọi tín hữu thành một thể duy nhất là Hội Thánh. Chúng ta nên nhớ rằng khi chịu phép rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Hội Thánh rồi nhưng nay khi chúng ta Rước Mình Thánh Chúa là chúng ta thực hiện sự tháp nhập này như lời Thánh Phaolô nói: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta luôn xác tín rằng Thánh thể Chúa Giêsu là lương thực trường tồn nuôi linh hồn và thân xác sống dồi dào và sự đời đời. Để được như vậy, chúng ta thực thi Lời Chúa dạy chúng ta phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, chúng ta phải để Thần Khí đổi mới tâm trí chúng ta, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện (Ep 4,22-24). Amen.

 

SUY NIỆM II

LÀM HAY LÀ?

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Lời tuyên bố gây sững sờ

Ðoạn văn hôm nay mở đầu cho cuộc đối thoại dài giữa Ðức Giêsu với đám đông dân chúng muốn tôn Người làm vua, sau khi họ được chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều  Cuộc đối thoại này được gọi là diễn từ về bánh trường sinh, trong đó Ðức Giêsu đáp lại việc tìm kiếm của đám đông dân chúng qua những tuyên bố quan trọng, nhưng họ không hiểu nổi  Ðức Giêsu cố gắng giải thích cho họ hiểu tầm mức sâu xa của những điều mới xảy ra  Bánh Người vừa ban cho đám đông mới chỉ là một dấu chỉ, qua đó Người loan báo một thực tại còn sâu sắc hơn nhiều  Thực tại ấy là nguồn mạch đích thực của sự sống, bởi vì nó không chỉ diễn tả tình yêu, nhưng chính là tình yêu

“Tôi là bánh trường sinh” 

Một tuyên bố đầy mâu thuẫn và có tính khiêu khích  Lời tuyên bố này buộc các thính giả phải đặt mình vào một tầm mức hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống thể lý  Họ phải tự đặt câu hỏi cho chính mình: Ðâu là khát vọng cơ bản đang thúc đẩy họ? Phải chăng họ là những người đang ở trong tình trạng no nê, thoả mãn vì đã được ăn và bây giờ không còn đói? Họ có cảm thấy khao khát một chuyện gì khác không, và chuyện đó là gì?

Lời tuyên bố của Ðức Giêsu không có ý nói bánh ăn của con người không làm cho họ cảm thấy ngon miệng  Người cũng không nói với họ là nhu cầu ăn uống không cần thiết nữa và phải loại bỏ  Người có ý buộc họ phải đào sâu khát vọng của mình: họ có mong muốn được sống vĩnh cửu hay chỉ sống đời này? Người cho họ hiểu rằng con người không thể sống được nếu không có mối liên hệ với thế giới đang nuôi dưỡng mình  Con người không thể sống được nếu không có mối liên hệ với người khác cũng như với chính mình

Ðó là điều Ðức Giêsu muốn đề nghị qua lời tuyên bố “Tôi là bánh trường sinh”

“Việc Thiên Chúa muốn là các ông tin” 

Khi đám đông đến gặp Ðức Giêsu, Người đã nói với họ: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”  Ðức Giêsu biết dân chúng đi tìm Người không phải vì đã hiểu được dấu lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng vì những mục đích phàm trần  Trong thâm sâu, có lẽ Ðức Giêsu muốn nói với họ rằng: “Việc các ông phải làm là đừng tìm kiếm thứ của ăn hư nát, nhưng là nhận ra trong dấu lạ tôi vừa thực hiện là hành động của Chúa Cha  Chính Chúa Cha đã trao cho tôi làm thay, và tôi là người do Chúa Cha sai đến  Hãy tin vào tôi, đó là việc các ông phải làm”

Lời tuyên bố làm đám đông ngạc nhiên, chưng hửng.

Tin vào tôi tức là vào Ðức Giêsu, người đang nói chuyện với đám đông  Ðây không phải là tin cách mù quáng nhưng là đi vào trong nhãn quan mới của người đang nói chuyện  Tin Ðức Giêsu là Ðấng được Chúa Cha sai đến có nghĩa là khám phá nơi chính bản thân mình ý nghĩa về cuộc sống của mình, về khát vọng cũng như lời mời gọi của mình. Lời đề nghị của Ðức Giêsu không bảo người ta phải rút lui, nhưng thúc đẩy họ đạt đến chân lý sâu xa đang ẩn giấu nơi tâm hồn con người, vì con người che giấu chân lý

Về phần mình, qua hành động, qua cuộc sống và cái chết, Ðức Giêsu buộc mỗi người phải đối diện với thực tại ấy  Ai chấp nhận mở ra, người ấy vượt lên trên những biểu hiện bên ngoài, hiểu được nền tảng của thực tại và họ sống

Cuộc đối thoại quyết liệt

Cuộc đối thoại giữa Ðức Giêsu và đám đông quả là một thứ bi kịch  Ðức Giêsu muốn bày tỏ những điều bí nhiệm, còn dân chúng lại cứ muốn hiểu theo nghĩa vật chất  Các cử chỉ và lời lẽ của Ðức Giêsu do thánh Gioan thuật lại ghi nhận rằng mối căng thẳng từ bên trong mỗi lúc một tăng thêm  Người ta phải đau đớn mà nhìn nhận rằng, giữa hai bên, không hề có sự thông cảm, khoan nhượng  Một cuộc đối thoại quyết liệt

Khởi đầu, đám đông đi tìm Ðức Giêsu  Sau khi được Người cho ăn bánh no nê, họ đã lạc mất Người, và họ đi tìm . Nhưng họ đi tìm ai? Có phải là tìm người vừa cho họ ăn bánh, hay là người sẽ giải quyết những vấn đề cụ thể của họ? Sau khi được Ðức Giêsu nuôi ăn, họ nghĩ rằng mình có quyền chiếm đoạt Người  Gặp Ðức Giêsu, họ đưa ra một loạt câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” – “Ông sẽ làm gì đây?” – “Ông làm được dấu lạ nào?” Và cuối cùng, như một lệnh truyền: “Xin ban cho chúng tôi”

Làm, đó là từ ngữ chính của đám đông  Họ muốn Ðức Giêsu phải luôn làm một điều gì đó, một điều gì mới với tư cách là một nhà ảo thuật đầy khéo léo  Và họ sẽ đưa ra nhận xét về Ðức Giêsu theo những việc Người làm

Ðể đáp lại từ làm của đám đông, Ðức Giêsu nói: “Tôi là”  Họ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”

Ðức Giêsu đáp: “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm là tin vào Ðấng Người đã sai đến”

–        Xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy

–        Chính tôi là bánh trường sinh  Hãy đến và hãy tin

Ðây chính là trọng tâm của bi kịch; không có ánh sáng Thần Khí, không thể nào vượt qua được  Không có thái độ sẵn sàng, làm sao có thể hiểu được là là quan trọng nhất, và “tôi làm” chỉ là một hình thức của “tôi là”?

Quả thật, người ta không thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa mà trong thực tế lại ghét anh em mình  Nhưng người ta càng không thể coi điều này hơn điều kia để rồi không sống chính sự sống của Ðức Kitô, không sống tình yêu Người trao tặng qua cuộc sống của Người

Trong thực tế, người ta thường bỏ qua khó khăn này  Người ta dễ dàng quả quyết Ðức Giêsu là bánh trường sinh, nhưng lại không nhìn nhận đó là lương thực của mình  Người ta rất ao ước đón nhận Bánh trường sinh, nhưng lại không muốn tiến đến với Ðức Kitô, không muốn nhận lấy thập giá và bước đi theo Người

Cuối cùng, người Do Thái chẳng hiểu được Ðức Giêsu muốn nói với họ  Họ chỉ mong muốn Ðức Giêsu làm cho họ có bánh ăn, chứ không muốn Ðức Giêsu là bánh cho họ

Bánh là chính Thiên Chúa

“Tôi là bánh trường sinh”

Ðây là một khẳng định quan trọng Ðức Giêsu gửi đến mỗi chúng ta  Qua câu nói này, Ðức Giêsu muốn nói với chúng ta: “Hãy đến với tôi, anh em sẽ không còn đói; hãy tin vào tôi và anh em sẽ không còn khát”

Thật thế, chúng ta đói, chúng ta thiếu, không phải chỉ bánh ăn; chúng ta khát không phải chỉ nước uống  Chúng ta còn đói, còn khát tình bạn  Chúng ta cần gặp được một cái nhìn, cần được nâng đỡ cách thân tình qua sự trợ giúp đầy tình huynh đệ  Chúng ta cần biết, cần thấy rằng chúng ta được người khác hiểu biết, thông cảm, và nhất là được người khác yêu mến

Sau nữa, chúng ta còn đói khát điều căn bản hơn là chính Thiên Chúa  Cơn đói khát này, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm thoả mãn  Vì thế, Thiên Chúa đã đến với chúng ta, không chỉ như một sự kiện, nhưng nơi một con người là Ðức Giêsu Kitô

Chìa khoá mở ra tương lai của chúng ta chính là Ðức Kitô, và chỉ một mình Người

Chúng ta phải tiến đến với Ðức Kitô, chứ không phải là đi tìm bánh

Chúng ta phải đáp lại sự hiện diện của Ðức Kitô không chỉ bằng từ ngữ, nhưng bằng thái độ sẵn sàng do Thần Khí thúc đẩy, Người sẽ giúp chúng ta nói lên:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đến. Chúa thực là bánh trường sinh, là bánh từ trời xuống”.

* * * * *

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,  xin ban cho chúng con Người Con của Chúa. Xin cho chúng con được ăn  thịt và máu Người.

Xin cho chúng con được hưởng  tất cả những gì Người đã nói và đã làm giữa chúng con.

Người thường nói lương thực của Người là thi hành ý Chúa. Xin dạy chúng con  đừng chỉ tìm sống cho riêng mình  để biết mến yêu người khác,  và như vậy,  được bước từ cõi chết sang cõi sống.

(theo F. Cromphout)

 

SUY NIỆM III

CHÚA GIÊ-SU THÁNH THỂ LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG

(Hội An 4/8/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Chúng ta được tạo dựng để biết khao khát, biết đói, nên chúng ta có nhu cầu được ăn, được nuôi dưỡng. Khi cơ thể biết đói là lúc ta đang cần ăn. Không ai dạy đứa bé biết đói cả, mà đó là ơn Thiên Chúa ban cho. Do đó, biết đói là dấu chứng đang sống, cơ thể tốt và đang cần lương thực để sống. Trong đoạn 6 Tin Mừng theo thánh Gioan, thánh sử Gioan phân biệt có hai loại đói: đói thể lý và đói tâm hồn. Đói thể lý là cơn cồn cào trong dạ dày; đói tâm hồn là cơn khắc khoải sâu xa bên trong lòng. Nhưng cơn đói cũng có cám dỗ của nó.

  1. Cám dỗ từ cơn đói thể lý và linh hồn

            Cám dỗ của cơn đói thể lý. Ê-sau và Gia-cóp là hai anh em sinh đôi. Ê-sau là anh, là người hưởng quyền thừa kế của cha mình. Nhưng trong lúc cơn đói cồn cào, Ê-sau đánh đổi quyền trưởng nam cho Gia-cóp để lấy chén cháo đậu! Đối với Ê-sau lúc đó, quyền trưởng nam không bằng chén cháo đậu! Chúa Giê-su cũng từng chịu cơn đói 40 đêm ngày. Biết vậy, ma quỷ đến cám dỗ Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3). Nhưng Chúa Giê-su không đánh đổi lòng yêu kính Thiên Chúa Cha để thỏa mãn cơn đói tức thời.

            Cơn đói thể lý hay đói vật chất vẫn cám dỗ con người thời đại hôm nay thường xuyên. Vào một dịp thực hiện lệnh tiêu hủy hàng giả, đang lúc những món hàng nhìn qua chẳng phân biệt được với hàng chính hãng bị cán nát dần dần, những người đứng xem lóa mắt, tiếc của, lòng tham chỗi dậy, thế là họ quăng hết sĩ diện cúi xuống chỉ vì mấy thứ hàng giả ấy. Lòng tham của cải đã làm biến dạng nhân cách quá nhiều người, họ quăng hết mũ cao áo dài để giành giật cho thỏa mãn cơn đói vật chất, dù đôi khi quá dư thừa trong nhà họ. Họ sa vào cơn mê vật chất.

            Cám dỗ của cơn đói tâm hồn. Sách các vua thuật lại chuyện vua Achaz vốn có nhiều tài sản, nhưng trong ông vẫn luôn dậy lên tham vọng chiếm đoạt, nên ông đã giết Naboth để chiếm lấy vườn nho của nạn nhân. Cơn đói dục vọng trong tâm hồn của vua Đa-vít dữ dội, đến nỗi nhà vua giết vị tướng Uria thân cận của mình mà chiếm lấy vợ ông ta. Cơn đói tham vọng cám dỗ con người mãnh liệt, không trừ ai.

            Cơn đói tâm hồn đang cám dỗ người thời đại chúng ta. Người ta dễ dàng đánh đổi đức tin để tìm lấy sự đãi ngộ của thế gian, đánh đổi sự vững bền của mối quan hệ hôn nhân thánh thiện để lấy một mối quan hệ rẻ tiền hoặc đánh đổi niềm vui sâu sắc và thanh cao của tình bạn để lấy những lời tán tỉnh mưu toan. Thay vì khao khát một tình yêu chân thành, chúng ta vội vàng rước lấy những khoái cảm xác thịt mà tưởng rằng đó là tình yêu. Người ta đói khát danh vọng đến nỗi  trong thoáng chốc, đánh mất chính con người và danh dự của mình.

            Những cám dỗ từ cơn đói thể lý đến cơn đói tâm hồn đưa dẫn chúng ta tìm kiếm những thứ “của ăn hay hư nát,” chóng qua. Nhưng Chúa Giê-su bảo: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”, nhưng còn sống nhờ lời Thiên Chúa, đặc biệt Lời đã làm người là Chúa Giê-su. Do đó, Chúa Giê-su quả quyết: “Chính Ta là bánh ban sự sống” (Ga 6,35).

  1. Nuôi dưỡng cơn đói Thánh Thể Chúa Giê-su

             Chúa Giê-su biết nhu cầu trong mỗi chúng ta, vì thế, Chúa bày tỏ mối quan tâm của Ngài bằng cách làm phép lạ cho bánh ăn, chữa lành bệnh tật v.v, nhưng mục đích xuống thế của Chúa còn lớn hơn và Chúa cho con người biết trong tâm khảm họ còn có nỗi khắc khoải về nhu cầu cho linh hồn: đó khao khát có mối tương quan mới với Chúa Giê-su, khao khát một sự sống mới, sự sống đời đời, nghĩa là khao khát chính Thân Mình Chúa Giê-su. Đó là lý do Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Chính Ta là bánh ban sự sống”.

            Chúa Giê-su là Bánh ban sự sống cho chúng ta, có nghĩa Thánh Thể là lương thực của tâm hồn chúng ta, là Chúa ở trong chúng ta, ở với chúng ta. Theo thánh Augustinô: “Từ thân xác mẹ Maria Chúa đã mặc lấy xác phàm. Trong thân xác ấy Chúa đi giảng dạy và trao ban cũng chính thân xác ấy cho chúng ta làm của ăn để chúng ta được cứu chuộc.” Các môn đệ Gioan tẩy Giả đã hỏi: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” và ngày hôm nay mọi người hỏi Ngài: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu?”, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cho biết: “Mỗi ngày Giáo Hội trả lời: Chúa Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể, trong bí tích hy tế và phục sinh của Chúa Giê-su. Trong và qua bí tích Thánh Thể, bạn biết nơi cư trú của Thiên Chúa hằng sống giữa lịch sử nhân loại.” Chúa Giê-su Thánh Thể làm thỏa mãn khao khát sâu xa nhất trong linh hồn con người, là tất cả đối với những ai tin tưởng vào Ngài. Đối với Giáo Hội, Giáo Hội nhận lấy sự sống của mình từ bí tích Thánh Thể, từ sự hiện diện thực sự này. Nếu không có cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ này với Chúa Giê-su Thánh Thể, Giáo Hội chắc chắn sẽ khô héo, bởi Chúa Giê-su đã nói: “Bánh Ta ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống.”

            Vậy, chúng ta tự hỏi: “Trong tôi, có cơn đói bánh Giê-su, Bánh ban sự sống không? Tôi đến nhà thờ để tìm kiếm gì? Vì để có được ơn ban cho thể xác và tinh thần hay để nhận lấy Chúa Giê-su là sự sống cho linh hồn tôi? Chúng ta thường xin Chúa: “xin cho con lương thực hằng ngày,” tại sao chỉ nhận lấy Chúa một lần trong một năm, hay rước lấy Chúa chỉ một lần trong tuần? Chúng ta không thể nhận lấy Thánh Thể Chúa vào lòng mà lại không để Ngài làm biến đổi chúng ta nên giống Ngài, thách đố chúng ta để cho Ngài hướng dẫn và chúng ta thuộc trọn về Chúa.

            Lạy Chúa, Chúa cho chúng con Thánh Thể Chúa làm bánh ban sự sống cho chúng con, nuôi dưỡng và ở với chúng con. Xin cho con luôn đói khát Chúa, vì Chúa là lương thực hằng ngày của chúng con. Trong Chúa, con mới thỏa cơn đói khát của linh hồn.