Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm B
CN.18.B
5-8-2018
—————————–
GIÁO HUẤN SỐ 36
Lịch Giáo Phận trang 97
THÁNH THỂ
Thánh Thể đòi hỏi chúng ta phải là chi thể hội nhập vào một thân thể Hội Thánh duy nhất. Người thông dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không thể đồng thời lại xúc phạm đến cùng Thân Thể ấy qua sự chia rẽ bè phái và phân biệt đối xứ giữa các chi thể của Thân mình. Thật vậy, ta cần biết “phân định” Thân Mình của Chúa, nhận ra Thân Mình ấy bằng đức tin và đức ái trong các dấu chỉ bí tích cũng như trong cộng đoàn, nếu không thì ta ăn và uống án phạt mình (1Cr 11,29). Bản văn Kinh Thánh này là một lời cảnh báo nghiêm túc cho các gia đình sống khép kín trong tiện nghi riêng biệt và tự cô lập mình, đặc biệt hơn cho các gia đình vẫn còn vô cảm trước những đau khổ của các gia đình nghèo và túng quẫn nhất. Như thế việc cử hành Thánh Thể trở thành một lời kêu gọi mỗi người không ngừng “tự xét mình” (c.28), để mở mang cánh cửa của gia đình mình ra hướng đến hiệp thông rộng lớn hơn với những người bị xã hội loại trừ và như vậy mới thực sự lãnh nhận bí tích Thánh Thể, là bí tích của tình yêu làm cho chúng ta nên một thân mình duy nhất. Đừng quên rằng “cái thần bí” của Bí tích có đặc tính xã hội. Ai hiệp lễ (rước lễ) mà không để cho mình được thôi thúc như một nghĩa vụ đến với người nghèo và người đau khổ, hoặc thông đồng với các hình thức khác nhau của Chia rẽ, khinh miệt và bất công, thì người ấy đã nhận lãnh Thánh Thể một cách bất xứng. Ngược lại, các gia đình được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể với một ước muốn chính đáng, thì việc khát khao tình huynh đệ, ý thức xã hội và sự dấn thân đi với người nghèo của họ càng được gia tăng (Niềm Vui của Tình Yêu, số 186).
————————-
CN.18.B
(Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35)
Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc sinh năm 1795 tại Bắc Ninh. Gia đình là ngoại giáo. Vì nghèo, gia đình dìu dắt nhau lên Kẻ Chợ (Hà Nội) kiếm sống. Cũng vì nghèo, gia đình gửi cậu cho một thầy giảng nuôi nấng. Cậu được rửa tội và mang tên thánh Anrê. Cậu được học hành. Cậu có trí nhớ đặc biệt, chỉ đọc hai lần là thuộc lòng. Cậu còn có khiếu thơ phú. Thánh nhân được học làm Thầy giảng, 10 năm sau vào học tại chủng viện Vĩnh Trị, và ngày 15-3-1823 chịu chức linh mục. Cha sống nhiệm nhặt, chẳng những ăn chay suốt mùa chay, mà còn ăn chay vào các ngày thứ tư, thứ sáu, thứ bẩy hằng tuần. Cha thương giúp đỡ người nghèo.
Cha bị bắt ba lần. Lần thứ nhất tại Kẻ Roi, và được ông tổng Thìn bỏ tiền chuộc. Lần thứ hai bị bắt khi đến Kẻ Sông xưng tội với cha Thi và được giáo hữu chuộc với 200 quan tiền. Trên đường về, thuyền cập bến để tránh mưa gió. Quan quân đến khám xét, cha và cha Thi bị bắt. Đức cha đưa tiền cho bổn đạo đến chuộc, nhưng hai cha xin để hai cha được vâng theo ý Chúa. Hai cha bị giải về Hà Nội, giáo dân thương đi theo rất đông. Quan lấy làm lạ hỏi : “Đạo trưởng có gì mà dân chúng thương tiếc quá vậy ?”. Một phụ nữ đứng gần trả lời : “Các cha dạy dỗ chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy chồng hiền lành, đừng cờ bạc rượu chè, dạy vợ sống thuận thảo với chồng theo như giáo lý trong đạo”.
Trong tù, các cha luôn đọc kinh cầu nguyện, đặc biệt sáng tối đọc kinh chung với các bạn tù có đạo. Ngày lễ Các Thánh 1-11-1839, cha Trân đem Mình Thánh Chúa vào nhà tù. Vừa thấy, cha Lạc kêu lên : “Chào bác, tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi !”. Cha trao Mình Thánh cho cha Thi, rồi cung kính rước Chúa.
Hai cha bị án chém đầu. Trước khi chém, lý hình nói : “Chúng tôi làm theo lệnh trên, các thầy đừng chấp”. Hai cha lãnh phúc tử đạo ngày 21-12-1839 tại Cầu Giấy, Hà Nội (Thiên Hùng Sử, trang 456-459).
Cha Dũng Lạc nói Mình Thánh Chúa là “lương thực”. Trong Bài Tin Mùng thánh lễ hôm nay, Chúa Giêsu nói với người Do Thái : “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).
Bđ1 : Bài đọc 1 đọc sách Xuất Hành. Sách kể cuộc xuất hành của người Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập, đi về Đất Hứa. Tới sa mạc Sin thì hết lương thực mang theo. Dân chúng than trách hai ông Mô-sê và A-ha-ron : “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây !” (Xh 16,3).
Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : “Ta đã nghe con cái Ít-ra-en kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng : Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng các người sẽ được ăn bánh thỏa thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 16, 12).
BTM : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay đọc một đoạn bài giảng của Chúa Giê-su trong hội đường Ca-phác-na-um. Sau khi làm phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá ra nhiều nuôi 5000 đàn ông ăn, chưa kể đàn bà trẻ em. Thấy phép lạ Chúa Giê-su làm, họ muốn tôn Chúa lên làm vua, để đuổi người Rô-ma, giải thoát ách đô hộ cho quê hương đất nước, Chúa phải trốn lên núi. Ở trên núi thấy thuyền chở các môn đệ gặp sóng gió, Chúa xuống cứu, rồi lên bờ, Chúa gặp dân chúng đi tìm Chúa. Chúa vào hội đường giảng cho họ : “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Bánh thường tồn, đem lại phúc trường sinh chính là Chúa. Chúa nói : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).
Bđ2 : Bđ2 chúng ta tiếp tục đọc thư Ê-phê-sô của thánh Phao-lô. Trong đoạn thư này, thánh Phao-lô thúc giục hãy bỏ lối sống cũ, mà sống lối sống mới : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của chúng ta, từ khi vào đạo, các ngài sống một nếp sống mới, khác với nếp sống hồi chưa theo đạo, như người phụ nữ trả lời cho vị quan thắc mắc tại sao dân chúng quí mên các cha, thấy các cha bị bắt, bị chết thì thương khóc. Người phụ nữ nói : : “Các cha dạy dỗ chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy chồng hiền lành, đừng cờ bạc rượu chè, dạy vợ sống thuận thảo với chồng theo như giáo lý trong đạo”.
Mình Thánh Chúa là lương thực đem lại sức sống, sức mạnh, để chúng ta sống tốt đạo đẹp đời.
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu cho chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành