Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm C
CN.18.C
(Gv 1,2;2,21-23; Cl 3,1-5.9; Lc 12,13-21)
31-7-2016
Vào thời kỳ đầu của Giáo Hội có thầy phó tế Lô-ren-sô. Thầy được Đức giáo hoàng hoàng Six-tô trao nhiệm vụ coi sóc tài sản của Giáo Hội. Dưới thời hoàng đế Đê-xi-ô cấm đạo, Đức giáo hoàng bị bắt. Khi Đức giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, thày lẽo đẽo theo sau khóc : “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho con đi theo”. Muốn chiếm đoạt tài sản Giáo Hội, hoàng đế ra lệnh bắt thầy và truyền trong vòng ba ngày thầy phải nộp tài sản Giáo Hội. Sau ba ngày thầy trở lại, đem theo đám dân nghèo. Chỉ tay vào đám dân nghèo, thầy nói : “Đây là tài sản của Giáo Hội”. Quá tức giận, hoàng đế ra lệnh nung chiếc giường sắt để nướng thầy. Vui vẻ chịu đựng, thầy còn trêu : “Một bên đã chín, xin nướng bên kia nữa”. Không kể các thánh Tông Đồ, thầy là vị thánh được dân chúng mến mộ nhất. Trong sách lễ thời Đức giáo hoàng Lê-ô vào thế kỷ IV có 14 lễ kính thầy. Thời Trung Cổ, 34 nhà thờ mang tên thầy. Thầy là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Rô-ma.
Giáo Hội Việt Nam thời đầu cũng có một vị thánh như thánh Lô-ren-sô. Đó là cha Đaminh Nguyễn Văn Xuyên là quản lý cho Đức cha Delgado (Đen-ga-đô) Y, giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng). Biết cha là quản lý, tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh cho đánh đòn để cha trao nộp tài sản của giáo phận. Một lần cha bị đánh đòn, quan đứng bên cạnh thúc giục : “Đánh nữa, đánh nữa cho tới khi nó bỏ đạo và trao nộp tài sản”. Cha trả lời : “Tôi chẳng có đồng nào trong người”. Quan cho nung kìm dí vào người cha. Giáo dân thương, quyên tiền nộp để cha được tha, cha nói : “Anh em hãy để tiền lo cho giáo xứ thì hơn, đừng tốn tiền chuộc tôi làm chi vô ích. Ý Chúa đã muốn, chẳng ai làm khác được. Anh em cứ bình an về nhà, nhớ cầu nguyện cho tôi chịu sự khó cho nên“. Cha bị chém đầu ngày 26-11-1839 tại pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định.
Người đời coi trọng đồng tiền. Họ đã ví :
Tiền là tiên là Phật
Tiền là sức bật của lò xo
Là thước đo của lòng người
Là tiếng cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Tiền là hết ý.
BTM : Nhưng Chúa Giê-su trong BTM thánh lễ hôm nay dạy chúng ta : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm đâu” (Lc 12,15).
Trong dụ ngôn Chúa dạy, sau khi tích trữ thóc lúa và của cải, ông phú hộ thỏa mãn tự nhủ : “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn chơi cho đã” (Lc 12,19).
Chúa Giê-su liền dạy : “Thiên Chúa bảo ông ta : ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).
Bđ1 : Bđ1 đọc trong sách Giảng Viên. Sách Giảng Viên mang hình thức một cuốn tự truyện của Cô-he-lét về những suy tư, thao thức, về ý nghĩa của cuộc đời và phương cách để sống tốt của mỗi người. Ông tuyên bố rằng tất cả mọi chuyện con người làm đều là “phù vân”, chóng qua; người khôn và kẻ dại cũng đều kết thúc bằng cái chết. Côhelét vẫn ủng hộ những hành động khôn ngoan như là một phương tiện để sống cuộc đời trần thế nhưng rồi ông vẫn không cho rằng nó mang đến ý nghĩa cho sự sống đời đời. Ông gợi ý rằng người ta nên tận hưởng những niềm vui đơn giản trong cuộc sống thường ngày, vì đó là quà tặng Thiên Chúa ban. Sách Giảng Viên kết thúc bằng câu: “Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu.” (12:13). Câu kết luận của sách Giảng Viên đồng nghĩa với lời Chúa Giê-su dạy “lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.
Bđ2 : Thánh Phao-lô trong bđ2 cũng dạy : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1.2).
Sau đó thánh Phao-lô kể những gì thuộc hạ giới : “Ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5).
Thánh Lô-ren-sô, thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên không chê tiền bạc của cải, nhưng muốn nó làm lợi cho phần linh hồn như Chúa Giê-su dạy.
Tin Mừng “không kết án người giàu, nhưng là lòng tôn thờ của cải vốn làm cho con người vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố như thế trong cuộc nói chuyện với hai nhà báo Andrea Tornielli của Vatican Insider, và Giacomo Galeazzi của nhật báo La Stampa.
Ông Paul Riff , giáo sư tâm lý tại Đại học California, đã thực hiện một nghiên cứu về cách tiền bạc thay đổi mối quan hệ giữa người và người. Ông nhận định : Hầu hết các kết quả cho ra rằng tiền bạc có tác động tiêu cực lên hành vi của con người. “Càng có nhiều tiền, người ta càng có xu hướng tập trung vào bản thân mình, và kém nhạy cảm hơn với hạnh phúc của những người xung quanh“.
Ông nói tiếp : “Ngày nay, làm từ thiện đã là hoạt động thường thấy của rất nhiều người giàu thế giới. Năm ngoái, nhà sáng lập Facebook. Mark Zuckerberg. đã cam kết hiến tặng 99% cổ phiếu Facebook đang nắm giữ để làm từ thiện. Người giàu nhất thế giới-Bill Gates, và huyền thoại đầu tư-Warren Buffett, đồng sáng lập cũng cam kết cho đi (Giving Pledge) và thuyết phục người giàu cho đi ít nhất nửa tài sản của mình.”
Ông Riff kết luận : “Giàu có khiến con người tự tách biệt mình. Vì thế, điều cần làm là phải kết nối họ lại với những người xung quanh để đưa họ ra khỏi thế giới riêng.”
———————————–
CN.18.C
1-8-2010
Mừng 350 năm thành lập hai giáo phận Đàng Ngoài Đàng Trong, hai giám mục đầu tiên (1659-2009) và 50 năm lập Hàng Giáo Phẩm (1960-2010), GHVN không thể nào quên ơn dòng Tên và dòng Chúa Cứu Thế.
Dòng Tên do thánh Inhaxiô Loi-ô-la sáng lập, Giáo Hội mừng lễ hôm qua 31-7. Dòng Chúa Cứu Thế do thánh Anphong sáng lập, Giáo Hội mừng lễ hôm nay 1-8.
Dòng Tên là dòng đã sáng tạo Chữ Quốc Ngữ cho dân tộc VN. Cha Alexandre de Rhodes (tên VN là Đắc Lộ) là người có công nhất. Để nhớ ơn cha, tượng bán thân của cha được đặt tại Văn Miếu Hà Nội, và tại TP.Sàigòn có một con đường mang tên cha ở sau dinh Thống Nhất.
Năm 1533 hạt giống TM đầu tiên được gieo vãi trên mảnh đất Trà Lũ, Bùi Chu. Từ năm 1533 có nhiều linh mục đến truyền giáo, nhưng bằng thông ngôn, không nói được tiếng Việt, đến rồi đi, không ở liên tục. Mãi 82 năm sau, năm 1615 dòng Tên đến truyền giáo tại Đà Nẵng, Hội An. Các cha giảng bằng tiếng Việt, thay nhau đến ở liên tục, nhiều người theo đạo, rồi có nhà thờ, có nhà xứ, có giáo xứ, có lễ, có kinh, có rước kiệu, có sách vở… Và năm 1659, sau 44 năm hiện diện của dòng Tên, GHVN có giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, có giám mục. Năm nay chúng ta kỷ niệm 350 năm (1659-2009).
Dòng Tên do thánh Inhaxiô sáng lập. Ngài sinh năm 1491 tại Tây Ban Nha. Ngài là con trai út trong 11 người con của một gia đình quí phái giầu có. Lớn lên ngài được ông bố gửi đi học làm sĩ quan quân đội. Năm 1521, quân Pháp đánh chiếm nước Tây Ban Nha. Hầu hết các sĩ quan Tây Ban Nha đầu hàng. Sĩ quan Inhaxiô tử thủ đến cùng. Ngài bị trúng trọng pháo của quân đội Pháp gẫy chân. Khi nằm nhà thương, để giết thời giờ, ngài đọc sách. Ngài muốn đọc sách viết về tình cảm, về chiến tranh. Người ta đưa cho ngài hai cuốn sách : “Cuộc đời Chúa Kitô” và “Hạnh các thánh”. Ngài miễn cưỡng đọc. Không ngờ hai cuốn sách làm tâm hồn ngài rúng động. Ngài tự nhủ : “Tôi phải thực hiện điều mà thánh Phanxicô và Đaminh đã làm.” Ngài trở về với Chúa. Ngài đến Pari học thần học. Ngài chiêu mộ được 6 người bạn. Cùng 6 người bạn, ngày 15-8-1534, lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngài lập dòng Tên.
Thánh Anphong sáng lập dòng Chúa Cứu Thế. Ngài là luật sư nổi tiếng của nước Italia. Ngài rất tự hào về tài năng của ngài. Trong một vụ kiện tầm thường, vì kiêu ngạo và khinh thường đối thủ, ngài bị thua. Quá xấu hổ, ngài ở trong phòng đóng cửa suốt hai ngày. Trong hai ngày đó, ngài nhận ra sự giả dối và chóng qua của thế gian. Ngài đã than thân trách phận : “Ôi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa.” Ngài trở về với Chúa. Ngài lập dòng Chúa Cứu Thế năm 1732.
Dòng Chúa Cứu Thế từ Canada đến Huế năm 1925, ra Thái Hà Hà Nội năm 1928 và vào Kỳ Đồng Sàigòn năm 1933. Các cha dòng đặc biệt cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Bđ1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay là những trang đầu của sách Giảng Viên. Sách Giảng Viên viết vào thế kỷ III trước CGS. Người Hy Lạp tin vào tài năng vô hạn của con người. Vì thế, sách Giảng Viên khuyên người Do Thái đừng tự cao tự đại, đừng nghĩ rằng con người tài ba và bất tử; song hãy nhớ rằng con người là con vật có hạn, phải chết, mọi sự ở đời đều là phù vân, như mây bay : “Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2).
Bài TM : Qua câu chuyện “Người phú hộ” trong TM, Chúa Giêsu cũng dạy : “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).
Bđ2 : Và thánh Phaolô trong thư Côlôsê cũng khuyên chúng ta : “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới…Anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người anh em : ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam…” (Cl 3,2.5).
Thế nhưng, “có tiền mua tiên cũng được”. Nên, người ta ăn cắp, người ta tham nhũng, người ta “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ hôm nay thật là ngược đời, thật là không thực tế.
Cuộc đời hai thánh Inhaxiô dòng Tên và thánh Anphong dòng Chúa Cứu Thế chứng minh Lời Chúa là thật, là đúng. Đời này qua mau, đời sau tồn tại. Tội lỗi là của cải giả tạo, làm người ta đau khổ; đạo đức thánh thiện là của cải thật đem lại hạnh phúc cho con người.
—————————-
CN.18.C
5-8-2007
Học trò rủ nhau buôn tiền giả
Khi bị chủ quán phát hiện mua hàng bằng tiền giả, cả nhóm thanh niên bỏ chạy. Một người bị tóm lai với tang vật 900.000 đồng tiền giả, loại mệnh giá 200.000 và 50.000 đồng. Đó là Nguyễn Thanh Liêm trú tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ.
Ngày 2-7-2007 khi Liêm đang cùng 4 người bạn theo học tại một trường nghệ thuật ở Phú Thọ dùng tiền giả mua thuốc lá thì bị chủ quán và công an phát hiện. Biết Liêm bị bắt, hơn 14 triệu đồng tiền giả được nhóm 4 học sinh mang đi gửi để xoá dấu vết. Tuy nhiên việc này đã bị bại lộ. Mở rộng điều tra, cơ quan an ninh điều tra Phú Thọ phát hiện hàng loạt chủ hàng ở huyện Phù Ninh đã trở thành nạn nhân của nhóm.
Theo kết quả xác minh, do làm mất đàn piano của bạn, để kiếm tiền mua đền, Nguyễn Chung Quân tìm cách tiêu tiền giả. Bỏ ra 2,5 triệu đồng, Quân thu mua về số tiền giả gấp 4 lần. Sau vài phi vụ tiêu thụ trót lọt, Quan rủ Liêm cùng nhóm bạn đang theo học nghệ thuật tham gia. Để góp vốn làm ăn, có người còn mang đồ đi cầm, lấy 4,5 triệu đưa cho Quân để lên Lạng Sơn lấy hàng.
Hai binh sĩ thật thà
Vào hồi 12g45 ngày 7-7-2007 hai binh nhất Dương Ngô Chiến và Trần Huỳnh Long, tiểu đội 3, trung đội 2, đại đội 2, phân đội cảnh vệ sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn không quân B70, trong lúc làm nhiệm vụ tại cổng gác số 5 thì phát hiện một cái bóp màu đỏ của ai đó rơi tại vệ đường. Khi mở ra, Chiến và Long vô cùng sửng sốt vì trong bóp có rất nhiều tiền, vàng và đôla Mỹ. Đang băn khoăn chưa biết của thì có một phụ nữ khoảng 30 tuổi đi xe máy đến đòi chia phần. Chiến nghiêm nét mặt nói dứt khoát : “Chị đi đi, chúng tôi sẽ tìm người bị mất trả lại…”
Trong lúc mở chiếc bóp, các anh phát hiện 2 tấm giấy ra vào cổng gác mang tên Lê Văn Vịnh, chủ nhiệm quân y đơn vị H94, đoàn phòng không B67 và Trần thị Thuáy Hà là vợ. Hai anh Chiến và Long kịp thời báo cáo chỉ huy đại đội và liên lạc với đồng chí thượng ta Nguyễn Quốc Tống chỉ huy trưởng đơn vị H30, đoàn B67 (đơn vị gần cổng gác) để tìm người đánh rơi. Khoảng gần 1 giờ sau, thấy một phụ nữ hốt hảng đến tìm kiếm. Sau khi xác định chị đúng là chủ nhân của chiếc bóp, các anh đã cùng đồng chí Tống trả lại.Trước sự chứng kiến của mọi người, chị Trần thị Thuý Hà, nhân viên công ty Đăng Khoa số 382G đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P8,Q3, đã nhận lại số tiền bị mất gồm : 60 triệu đồng, 1.000 USD, 1nhẫn vàng, 2 vé máy bay, 3 thẻ ATM, 1CMND, 1 giấy phép lái xe, 1 giấy đăng ký xe máy và 2 giấy ra vào cổng. Chị cho biết đây là toàn bộ số tiền dành dụm của gia đình chị trong nhiều năm qua và ngỏ ý có chút tiền bồi dưỡng nhưng anh em dứt khoát không nhận.
Binh nhất Dương Ngô Chiến nhập ngũ tháng 2-2006, quê thôn Vân Ngò, xã Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang, trong một gia đình có 3 chị em. Chiến là con út. Bố mẹ đều làm ruộng, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Còn binh nhất Trần Huỳnh Long nhập ngũ tháng 10-2006, quê Long Hoà, Cần Được, Long An, cha làm ruộng, mẹ buôn bán nhỏ. Long là con cả trong gia đình, các em còn nhỏ đang đi học, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng chẳng khá giả gì.
Hàng tháng với phụ cấp binh nhất 200.000 đồng, các anh đếu dành dụm gửi về phụ giúp bố mẹ. Được biết đây là lần thứ hai Chiến và Long nhặt được của rơi trả lại cho người mất. Lần trước vào dịp cuối năm 2006 và đã được đơn vị khen thưởng.
Được hỏi tại sao nhặt số tiền lớn như vậy lại đem trả ? Sau nụ cười bẽn lẽn, các anh đều trả lời : “Vì chúng tôi là bộ đội cụ Hồ”. Trao đổi với chúng tôi, trung tá Cần Đức Nghị, chỉ huy trưởng phân đội, cho biết : “Dương Ngô Chiến và Trần Huỳnh Long là những chiến sĩ chăm học tập và rèn luyện, có tinh thần tự giác cao. Hành động nhặt được của rơi trả lại người mất của các đồng chí thật đáng biểu dương…”
Bài TM : Bài TM Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đừng tham lam, bởi vì “« Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm đâu” (Lc 12,18).
Có tiền mua tiên cũng được, nhưng có tiền không thể mua được mạng sống. Mạng sống của nhóm sinh viên trường Nghệ Thuật Phú Thọ quả thật đã không được bảo đảm. Các anh đã bị phát giác và bị bắt. Lý do của cải không bảo đảm mạng sống con người, vì con người sẽ chết. Cái chết cướp đi cả mạng sống lẫn tiền bạc của cải.
Trong câu chuyện ông phú hộ, thấy thóc lúa của cải của mình chất đầy các kho lẫm, ông sung sướng tự nhủ : “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !” (Lc 12,19). Nhưng rồi cái chết đến, ông bị mất tất cả : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (12,20).
Bđ1 : Trước Chúa Giêsu 300 năm, ông Côhelét trong sách Giảng Viên, bđ1, cũng nói giống như Chúa Giêsu : “Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ” (Gv 2,21).
Đời này có người nói “Hy sinh đời bố củng cố đời con”. Tiền bạc của cải sẽ để lại cho con cái của mình, không mất đi đâu cả. Đúng của cải để lại cho con cái, nhưng mình mất cái quí giá nhất trên đời : đó là phần rỗi linh hồn, sự sống đời đời. Chúa Giêsu bảo : “Kẻ nào thu tích của cải mình, mà không làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21). Người ta thường nói : “Tiền vào thì Chúa ra”.
Nếu không tin có đời sau, không tin phần rỗi đời đời, thì của cải do tham lam làm bẩn lương tâm, làm mất danh dự.
Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phaolô dạy các tín hữu Côlôsê như sau : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1), nghĩa là phải nghĩ đến đời sau, đến thiên đàng hoả ngục. Nghĩ đến thiên đàng hoả ngục thì của cải đúng là phù vân, nghĩa là mây bay, là hơi nước. Mây bay, hơi nước thì chóng qua. Thật thà, thánh thiện mới bền vững, tồn tại muôn đời.
Linh mục Nguyễn Trung Thành