Chúa Nhật XX Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 Cn. 9, 1-6; Ep. 5, 15-20; Ga. 6, 51-58

Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6

“Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi”.

Trích sách Châm Ngôn.

Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: “Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta”. Và bảo những kẻ mê muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi; bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Xướng: Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy cho các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc.

Xướng: Hãy giữ lưỡi đừng nói ra điều ác, và ngậm môi cho khỏi thốt ra lời gian ngoa. Hãy lo tránh ác và hành thiện, hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an.’

Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20

“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

TRÁI TIM LÀ NƠI NƯƠNG NÁU

(Hội An 18/8/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Cha Henry Hanson thuật lại rằng, ngài biết một thanh niên thường cô độc đã được giải thoát nhờ lời Chúa được một linh mục giảng giải như sau: Với Chúa Giê-su luôn hiện diện trong nhà Tạm, chúng ta không còn có lý do gì để cảm thấy lẻ loi. Cần nhắc lại sự rõ ràng này là, Chúa Giê-su ở đây trên trái đất này cho bạn.

Thưa anh chị em, vài lời giảng giải rất đơn sơ trên nhưng làm chứng hùng hồn về sự hiện diện của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể. Chúa xác nhận lại với chúng ta hôm nay: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56).

  1. Chúa ở trong trái tim ta

            Chúa Giê-su ở lại với chúng ta trong bí tích Thánh Thể không vì Ngài, mà vì chúng ta, để gặp gỡ và ở lại trong chiều sâu nhất của tâm hồn chúng ta, đó là ở trong tình yêu và tình bạn với chúng ta.

Trước hết, Ngài khơi sâu khát vọng gặp gỡ trong tâm hồn chúng ta. Nếu sự cô đơn lẻ loi nơi người thanh niên làm dậy lên khát vọng được yêu thương, được có bạn hữu, thì Chúa Giê-su cũng đang khơi sâu trong mỗi tâm hồn con người khát vọng đó: được Chúa yêu thương và có Chúa Giê-su là bạn đường, bạn đời. Khi đến với Chúa Giê-su và nhìn lên Chúa Giê-su Thánh Thể, Ki-tô hữu được nhắc nhở rằng, Ngài đã chờ đợi chúng ta hơn 21 thế kỷ rồi, còn cớ gì chúng ta than thở mình đơn độc trong mọi vấn nạn cuộc đời? Còn cớ chi sầu muộn vì không được yêu thương? Tại sao trong tâm hồn ta không có một khoảng sâu thật sâu khát vọng được ở trong Chúa? Ngài đã chờ đợi chúng ta hơn 21 thế kỷ rồi! Chúng ta đòi phải mất bao lâu nữa để đến sống tình thân với Chúa Thánh Thể? Thưa anh chị em, con người với nhau mà còn biết: “Trái tim cho ta nơi về nương náu, được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều”[1]; huống hồ trong trái tim Chúa, trong chính Thịt Máu Chúa, chúng ta không nhận ra được Thánh Thể là nơi nương náu của cuộc đời hôm nay và mai sau của chúng ta sao? Rất cần nơi chúng ta một khát vọng được sống với Chúa.

            Được ở trong Chúa và được sống với Chúa hóa ra là khát vọng của Chúa Giê-su trước khi là khát vọng của chúng ta. Chúa Giê-su nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” Ngài khát khao giữa Ngài và con người có mối tương quan thân mật: ở lại trong nhau. Không phải ở cạnh nhau, nhưng ở trong nhau. Một nhạc sĩ có ý tưởng rất lãng mạn, “sỏi đá cũng cần có nhau.” Phải thổi hồn vào, sỏi đá mới cần có nhau, bằng không, sỏi đá vẫn chỉ ở cạnh nhau, vô hồn, mà không ở trong nhau. Chúng ta từng kinh nghiệm ở cạnh nhau mà không ở trong nhau: kinh nghiệm trong gia đình, trong giao tế và cả kinh nghiệm thiêng liêng với Chúa. Hôm nay Chúa muốn chúng ta ở trong Chúa như khát vọng của người yêu đi tìm người yêu được sách Diễm ca mô tả: băng qua núi qua đồi để tìm gặp và ở với. Từ trời xuống thế, Chúa Giê-su không chỉ đến bên cạnh chúng ta, mà còn trở nên lương thực để ở bên trong chúng ta để chúng ta được ở trong Ngài.

  1. Hãy nương náu trong trái tim Chúa

            “Ở” là một động từ, một hành động. Ở trong Chúa không chỉ là một cảm nhận hay một niềm tin, mà còn là một hành động phải thực hiện.

            Ở lại trong Chúa là giữ tình thân với Chúa trong mọi cảnh huống: thành công hay thất bại, vui tươi hay đau khổ, bình an hay sóng gió. Đừng quên rằng trước khi ra đi chịu khổ hình thập giá, Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4). Lúc thách thức đức tin nhất lại là lúc phải ở lại trong Chúa, là giữ lời Chúa dạy. Chúa Giê-su đã nói, lời của Ngài là nền móng cho căn nhà đức tin của chúng ta lúc sóng gió ập đến. Lúc tương lại tưởng chừng đi vào ngõ cụt lại là lúc phải bám vào Chúa như bám vào con tàu giữa sóng gió. Một nhà thần học sau khi được Giáo Hội nhắc nhở về một số tư tưởng của ông, bạn bè của ông nghe được khuyên nhủ ông hãy rời bỏ Giáo Hội để tha hồ viết hay phổ biến tư tưởng của mình, ông trả lời: giữa lúc sóng gió chẳng ai dại gì rời con thuyền cả. Sóng gió càng thôi thúc chúng ta ở lại trong Chúa hơn.

            Ăn lấy Thịt Máu Chúa là ở trong Chúa. “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” Chúa Giê-su ở trong người rước lễ và chia sẻ sự sống của Ngài cho họ. Ngài hiện diện trong người rước lễ gồm cả ngôi vị và cả thân xác của Chúa nữa, một sự hiện diện mà bí tích Rửa Tội chưa ban cho họ. Khi được Rửa Tội, chúng ta chỉ mới được ân sủng của Chúa Giê-su chạm đến; nay khi rước lễ, chúng ta nhận lấy chính con người của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng ban ân sủng.

            Do đó, Thánh Thể là một lời mời gọi trao đổi tình yêu, trao đổi đến mức sâu xa nhất là ở trong nhau. Vậy, chúng ta cùng nhau khấn nguyện: Lạy Chúa, tình yêu luôn mời gọi tình yêu: Chúa khát khao ở trong con và muốn con cũng khát khao ở trong Chúa, nhất là những lúc sóng gió. Xin cho con kiên trung sống theo lời Chúa, để con được ở trong Chúa. Xin cho con siêng năng rước Chúa xứng đáng, để con được Chúa ở với con, ở cùng con. Những lúc lẻ loi đơn độc, xin cho con cảm nghiệm lời cầu xin của thánh Phê-rô hơn cả: “Lạy Chúa, xin cứu con.” Lạy Chúa, mọi lúc mọi nơi, “Chúa ở cùng con, con ở cùng Chúa.”

[1] Trịnh Công Sơn, Hãy Yêu Nhau Đi.

SUY NIỆM II

HIẾN MẠNG VÌ YÊU

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Nếu hôm nay có ai đến nói chúng ta rằng: Bạn hãy ăn thịt và uống máu tôi đi, bạn sẽ sống mãi không chết bao giờ, thì chắc chắn chúng ta bảo: “đồ điên”. Chính người Do Thái ngày xưa, kể cả các môn đệ, khi nghe Chúa Giêsu nói những lời lẽ tương tự: “Lời ấy chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi” (Ga 6,60).

Thực ra chẳng điên, chẳng chướng tai gì bởi vì Đời Xuân Thu Chiến Quốc, Giới Tử Thôi là người nước Tần, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn có chết đâu. Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại cơ nghiệp, làm vua nước Tần. Đó! Giới Tử Thôi vì vua, vì trung thần và vì yêu vua cho nên hiến thịt đùi cứu mạng sống của một người.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế làm người đã hiến dâng không chỉ bắp đùi mà cả thân mình và mạng sống cho chúng ta được hạnh phúc và sống dồi dào. Qủa thế, “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Ep 2,6-8). Vì vậy, Chúa Giêsu hôm nay nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống“, là thật, chẳng điên và cũng chẳng có gì là chói tai.

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người, vì Máu thịt chính là sự sống; máu huyết thuộc hệ di truyền. Cho nên, người ta thường nói: “Máu huyết của cha, thịt xương của mẹ”. Như thế, máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tinh thần nữa. Cho nên, ông bà có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống như chúng một giàn”. Máu thịt là những thứ làm cho thành người và có sự sống. Cho nên, lấy chúng ra khỏi con người thì đau đớn và chết liền. Vì vậy, ai cũng yêu quí thân xác mình, yêu mạng sống mình. Chúa Giêsu cũng yêu quí thân xác mạng sống Ngài chứ, muốn giữ nó lắm chứ. Chúng ta nhớ lại trong vừa cây dầu Ngài cầu xin Chúa Cha nếu được xin cất con khỏi chén đắng, tức cái chết này nhưng vì yêu Cha, theo thánh ý của Cha nên Con xin tự hiến sống này để ban cho trần gian để họ được sống. Điều đáng nói ở đây Chúa Giêsu không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa, đó chính là Tình Yêu vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Vậy không chỉ ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.

Mạng sống là quý nhất. Nhưng Chúa Giêsu yêu quí chúng ta còn hơn yêu mạng sống của mình, vì như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Cho nên, Người sẵn lòng chịu tiêu hủy mình đi để ở và sống với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta và để ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Cho nên, khi rước Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong tư tưởng, lời nói, việc làm và đường lối của Chúa, trong tình yêu của Chúa và trong lề luật của Chúa. Như thế, ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa, đó mới là người khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 1 Sách Châm ngôn dạy chí lý rằng: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết”. (Cn 6,5-6).

          Vậy, ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta xác tín rằng mỗi lần chúng ta rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Giờ đây tôi sống không phải là tôi sống như là Chúa sống trong tôi. Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5,15-15-19). Nhờ đó, chúng ta sẵn sàng hiến dâng chính mình vì Chúa và tha nhân: biết hy sinh cho nhau và biết kiến tạo hạnh phúc cho nhau qua việc yêu thương, tha thứ và phục vụ. Amen.

SUY NIỆM III

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP

THỨ BÁNH KHÔNG THỂ THIẾU

Mãi mãi là chia sẻ

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật này, thánh Gioan kết thúc phần suy niệm diễn từ bánh trường sinh  Sẽ thật là uổng công khi muốn tách rời điều Ðức Giêsu muốn nói và điều tác giả muốn hiểu – suy tư ở cuối một kinh nghiệm dài về đời sống Hội Thánh  Toàn bộ diễn từ, đặc biệt phần kết luận, trình bày những suy tư của thánh Gioan về mặc khải Ðức Giêsu nói về chính Người qua Lời giảng và thập giá  Ðức Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống và ở mãi với con người  Thịt Máu Người là quà tặng cho nhân loại được sống, là lương thực đưa đến vĩnh cửu và là bảo đảm cho sự phục sinh.

Kết luận của diễn từ cũng chỉ là nhấn mạnh đến thực tại tính của bí tích Thánh Thể  Ðiều này đã được hàm ẩn ở phần trên, còn ở đây được nói đến trực tiếp: những điều Ðức Giêsu nói trong diễn từ rất gần với trình thuật Tiệc Ly  Chính vì thế, tác giả Tin Mừng thứ tư không thuật lại chuyện Ðức Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly; tác giả chỉ đưa ra những suy niệm rất phong phú sau trình thuật hoá bánh ra nhiều

Quả thế, trong suốt lịch sử Dân Thiên Chúa, việc chia sẻ thực sự của ăn vật chất vẫn là điều thường được nhắc đến để rồi bí tích Thánh Thể do Ðức Giêsu thành lập chính là cao điểm  Bí tích Thánh Thể loan báo sự hoàn tất của điều chỉ mới phác thảo trong của ăn vật chất .Do đó, bí tích Thánh Thể buộc con người phải suy nghĩ về cách thức phân phối của ăn trong thế giới hiện nay

Biết bao lần con người đã làm cho dấu chỉ này mất đi nền tảng thực sự của mình  Người tín hữu vẫn mong muốn thế giới đến lãnh nhận bánh này, nhưng lại xao lãng thi hành điều Thiên Chúa muốn, và chính Ðức Giêsu đã mở đầu  Ðó là trao tặng của ăn đích thực cho tất cả mọi người

Trách nhiệm này không chỉ liên hệ đến gia đình hay những nhóm nhỏ, nhưng trở thành một vấn đề có tầm mức quốc tế, liên hệ đến cả lãnh vực kinh tế, chính trị  Ðiều này làm cho con người sợ! Con người cảm thấy dễ dàng khi phải chấp nhận một số ít của cải hơn là phải chia sẻ những gì mình đang có, những lợi lộc mình kiếm được, những kỹ thuật tiên tiến hay kiến thức của mình  Họ sợ rằng những người được họ trao tặng những thứ đó mai này sẽ trở thành đối thủ của họ trên thị trường cạnh tranh, tức là về công việc làm và về bánh ăn!

Nếu những ý tưởng đó thực sự là suy nghĩ của nhiều người thì tại sao họ lại ngạc nhiên khi thánh lễ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu đối với nhiều Kitô hữu, và lại càng chẳng có ý nghĩa gì đối với những người không tin?

Chia sẻ! Một đòi hỏi cần thiết trong mọi thời đại, vì đó chính là trao tặng “thịt làm của ăn”  Ðiều này chỉ có một mình Ðức Giêsu thực hiện đến cùng

Cuộc trao đổi kỳ diệu

Trao tặng cuộc sống: thành ngữ này làm người ta nghĩ ngay đến hành động anh hùng của người băng mình cứu người bị nạn, hay của người chiến binh liều mạng vì lợi ích của đồng đội  Thành ngữ này cũng làm người ta nghĩ đến các bậc cha mẹ, những nhà giáo dục, có thể cả những nhà chính trị thực sự hy sinh vì lợi ích chung. Trao tặng cuộc sống, đó là hy sinh cuộc sống riêng mình vì các con, vì người thân cận, vì người đồng hương  Tất cả thời giờ để phục vụ người khác đều có ý nghĩa là cuộc sống được sử dụng, được tiêu dùng. Thế nhưng, có thực tại nào của nhân loại diễn tả đầy đủ nhất về sự trao tặng này hơn là bữa ăn  Khi bữa ăn chia sẻ diễn ra trong một cộng đoàn yêu thương nhau, thì nó không chỉ là cung cấp của ăn vật chất, bởi vì người dọn bữa ăn cũng như người tham dự đã trao tặng một phần thời gian dành để kiếm sống  Trong bữa ăn như thế, người ta trao tặng phần thời gian đã qua cũng như khoảng thời gian hiện tại để cho người khác được sống và sống vui tươi. Ðó là một thực tại tinh thần mà người ta ít quan tâm  Thật là dễ dàng biết bao khi chỉ nhìn sự vật theo dáng vẻ bên ngoài, và đánh giá bữa ăn theo chất lượng của thức ăn để rồi không nhận ra rằng chỉ một mẩu bánh nhỏ thôi, nhưng do chính người đang đói trao tặng với lòng yêu thương thì có giá trị hơn hẳn bữa tiệc huy hoàng nhất.

Ai hiểu được thực tại này cũng sẽ hiểu được thực tại vô cùng sâu xa do Ðức Giêsu loan báo: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống    Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời”  Ðấng đưa ra lời mời này chính là nguồn mạch tình yêu  Dòng sống Người muốn đưa nhân loại vào khi trao tặng chính Người cho họ, đó là Thiên Chúa. Ai tin tưởng và mở ra trước lời mời của Ðức Giêsu, ai tin tưởng và lãnh nhận tấm bánh do Thiên Chúa ban, thì sự sống đích thực sẽ phát triển nơi người ấy, bởi vì qua tấm bánh, họ lãnh nhận chính con người và sự sống của Ðức Giêsu  Như vậy, khi lãnh nhận thịt và máu Ðức Giêsu, người tín hữu bước vào mối tương quan thân mật hoàn toàn mới  Họ tham dự vào mối hiệp thông thần linh và vĩnh cửu giữa Cha và Con, đồng thời lãnh nhận bảo chứng sẽ được phục sinh vào ngày cuối cùng. Một mẩu bánh, đó là tất cả những gì Ðức Giêsu để lại cho con người kèm theo một lời mời  Ai ăn tấm bánh đó thì được đồng hoá với Ðức Giêsu, trở nên thiêng liêng và được mời gọi trao tặng không giới hạn.  Liệu con người còn có thể hy vọng có một chứng tá tình yêu nào lớn lao hơn là cuộc trao đổi kỳ diệu này? Hiệu quả tinh thần từ những lời của Ðức Giêsu, ta có thể nhận ra ba hiệu quả của bí tích Thánh Thể

Sự sống đời đời và sự sống lại

Thánh Thể làm cho ta được hiệp thông với Ðức Giêsu Phục Sinh, đang ngự bên hữu Chúa Cha  Thân xác sống động ấy trở thành một hạt giống của sự sống vĩnh cửu được gieo vào trong chúng ta  Nhờ đó, ngay tại trần gian này, chúng ta đã bắt đầu tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Đức Kitô ở lại trong người Kitô hữu

Thánh Gioan thường nhắc đi nhắc lại từ ngữ ở lại  Ơn gọi của tất cả chúng ta là được “ở lại với Thiên Chúa, trong Thiên Chúa”  Ngược lại, Thiên Chúa vẫn luôn mong muốn ở lại với nhân loại  Lịch sử cứu độ không có gì khác hơn câu chuyện Thiên Chúa đến ở với con người và làm cho con người được ở với Thiên Chúa

Sống nhờ Chúa Cha

Qua cách dùng từ ngữ của thánh Gioan, chúng ta có thể hiểu rằng Ðức Giêsu sống qua Chúa Cha, nhờ Chúa Cha và vì Chúa Cha  Thật ra, Ðức Giêsu không ngừng bày tỏ điều này trong suốt cuộc đời của Người  Bất cứ hành động hay lời nói nào của Người cũng đều phát xuất từ Chúa Cha và vì tình yêu mến đối với Chúa Cha  Ðức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta đi vào mối tương giao ấy qua việc đón nhận chính thân thể của Người

* * * * *

Chúng con ăn thân xác chí thánh của Chúa,  thân xác đã chịu đóng đinh vì chúng con. Chúng con uống máu thánh của Chúa  đã đổ ra để giải thoát chúng con. Ước mong thân xác của Chúa,  nên ơn cứu độ cho chúng con! Ước chi máu thánh của Chúa,  trở thành ơn tha thứ mọi tội lỗi chúng con.

(theo Phụng vụ Pháp)