Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm B


Niềm Vui Yêu Thương số 15

MỘT KHUNG CẢNH CHO BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Ở đây chúng ta cũng thấy một khía cạnh khác của gia đình. Chúng ta biết rằng Tân Ước nhắc đến “các Hội Thánh họp tại gia”(x. 1Cr 16,19; Rm 16,5; Cl 4,15). Một không gian sống động của gia đình có thể chuyển thành một Hội Thánh tại gia, một khung cảnh cho bí tích Thánh Thể, tức sự hiện diện của Đức Kitô tại bàn ăn. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh trong sách Khải Huyền, trong đó Chúa nói : “Này, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Ở đây chúng ta thấy một gia đình đầy ắp sự hiện diện của Thiên Chúa, của kinh nguyện chung, và của mọi ơn phúc. Đây là ý nghĩa của đoạn kết Thánh Vịnh 128 được trích dẫn ở trên : “Đó là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài. Nguyện Chúa từ Xi-on chúc phúc cho bạn (Tv 128,4-5)

———————————–

CN 20 B

(Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58)

19-8-2018

Cha Gioan Louis Bonnard Hương sinh ngày 1-3-1824 tại Pháp. Năm 12 tuổi cha vào chủng viện. Học hành không xuất sắc, nhưng hiền lành và đạo đức. Trong chủng viện, được nghe nhiều tin tức và mẫu gương truyền giáo, nên cha ước mong sang Việt Nam truyền giáo. Ngày 4-11-1846 cha xin vào hội Thừa Sai Paris và thụ phong linh mục ngày 24-11-1846. Cha được sai vào giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội).

Đức cha Retord Liêu đặt tên Việt Nam cho cha là Hương. Khi cha bị giam trong tù, Đức cha đã viết thư và cắt nghĩa tên “Hương” mà Đức cha đặt cho cha : “Tôi đã chúc lành cho cha khi đặt cho cha danh xưng đẹp đẽ : “Hương”, nghĩa là người cha của Quê Hương, là Hương Trầm, là Hương Thơm. Chính lúc này đây quê hương yêu dấu đó đang xuất hiện cho cha trong ánh huy hoàng, vì cha sắp là một trong những công dân hạnh phúc. Chính lúc này đây Hương trầm quí giá chuẩn bị đốt lên trên bàn thờ tử đạo và bay đến tận ngai Đấng Vĩnh Cửu. Chính lúc này đây, Hương thơm đáng ca ngợi sẽ làm hài lòng Đức Giê-su như bình hương của cô Ma-đa-lê-na, sẽ làm cho thiên thần và loài người, trời và đất hân hoan vì Hương vị ngọt ngào của nó”.

Cha bị bắt tại Bối Xuyên ngày 21-3-1852. Quan huyện giam giữ cha một đêm, sáng hôm sau áp giải lên tỉnh Nam Định. Hơn một tháng trong tù, cha bị ra tòa và tra khảo 4 lần. Khi bị hỏi về những nơi cha ở hay đi qua, nếu không khai sẽ bị đánh đòn, cha đáp : “Các ngài muốn đánh thì đánh, chứ đừng mong tìm được một lời có hại đến các tín hữu. Tôi đến đây để phục vụ cho đến chết. Các ngài lầm to nếu nghĩ tôi sẽ tiết lộ điều gì rất nhỏ”. Khi quan bảo cha đạp lên Thánh Giá, cha trả lời : “Tôi đã nói tôi không sợ đòn đánh lẫn cái chết, tôi sẵn sàng chịu tất cả… Tôi không đến đây để chối đạo, hay làm gương xấu cho các tín hữu”.

Cha Hương cũng viết thư cho cha mẹ như sau : “Cha mẹ đừng buồn khi hay tin con bị bắt giam và đổ máu vì Chúa Ki-tô. Cha mẹ có yêu con thì hãy vui mừng vì con được phúc trọng ấy… Sẽ có ngày cha mẹ và con được đoàn tụ trên thiên đàng, khi đó chẳng còn lo phải xa cách nhau nữa”.

Thứ sáu Tuần Thánh năm 1852, Đức cha Liêu sai cha Lê Bảo Tịnh đem Mình Thánh Chúa vào nhà tù cho cha, cha nói : “Đã lâu tôi chưa bao giờ vui đến thế, khi mang trong mình Vua Các Thiên Thần”.

Sáng ngày 1-5-1852, cha được rước lễ lần cuối, rồi vui vẻ theo quân lính ra pháp trường Bẩy Mẫu và bị chém đầu (xem những tranh ảnh trên mạng Giáo Phận Đà Nẵng hay Hà Nội).

Cha Bonnard Hương gọi Mình Thánh Chúa là ‘Vua Các Thiên Thần’ : “Đã lâu tôi chưa bao giờ vui đến thế, khi mang trong mình Vua Các Thiên Thần”.

 Bđ1 : Bữa tiệc trong sách Châm Ngôn của  bài đọc 1 thánh lễ hôm nay là một bữa tiệc thịnh soạn. Trước hết Đức Khôn Ngoan là Thiên Chúa ra tay làm tiệc  rượu ngon thịt béo : “Hạ thú vật, pha chế rượu” (Cn 9,2). Chẳng những sai đầy tớ đi mời, Chủ tiệc còn lên nơi cao đích thân kêu mời không phân biệt kẻ khôn người dại : “Hỡi người ngây thơ hãy lại đây. Với người ngu si, hãy đến đây mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế” (Cn 9,4-5). Nhà đãi tiệc cũng sang trọng : “Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng nên 7 cây cột” (Cn 9,1).

Sách Kinh Thánh ấn bản năm 2011 của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ giải nghĩa : “Đức Khôn Ngoan xây nhà có bẩy cột, nghĩa là một ngôi nhà lớn như một cung điện nhà vua. Đức Khôn Ngoan dọn tiệc hẳn để mừng tân gia. Bữa tiệc này không chỉ dành cho người quen biết, mà cho tất cả những ai đang cần. Thức ăn Đức Khôn Ngoan mời các thực khách chính là những lời giáo huấn. Giáo huấn này đem lại sự sống và sự hiểu biết” (x.Is 55,1-3; Am 8,11) – (trang 1296).

BTM : Sách Kinh Thánh của nhóm CGKPV cũng viết : “Trong cả đoạn 6,53-58, độc giả thấy nổi bật những ý tưởng sau đây : ai ăn thịt và máu Đức Giê-su, thì ở đời này được kết hợp với Người, được sự sống đời đời, và vào ngày sau hết được sống lại” (trang 2365).

Trong tập sách “Hạt Giống Nẩy Mầm tập 5 Các Chúa Nhựt năm B”, cha Hồ Bặc Xái kể : “Khi Mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô xin lập một chi nhánh của Dòng bà, bà đã kiên trì xin cho bằng được có một linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Bà giải thích lý do : sở dĩ các nữ tu  có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày. ‘Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống’” (trang 127).

Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phao-lô khuyên dân thành Ê-phê-sô nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay : “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại…Chớ say sưa rượu chè…Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,15.18.19).

Muốn sống được như thánh Phao-lô khuyên, chắc chắn chúng ta phải được Mình Thánh Chúa nuôi dưỡng, tăng cường nghị lực, như thánh Bonnard Hương nói, hay mẹ Tê-rê-sa Calcutta mong ước.

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành