Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm A


CN.20.A

(Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28)

 

Những ngày Đại Hội La Vang vừa rồi, ai đi dự, nếu không đi ở nhà theo dõi trên mạng,  đều phải ca ngợi là hoành tráng, tuyệt vời. Tuyệt vời hơn nữa những giáo huấn của Mẹ Fatima đều đánh động lòng người. Mệnh lệnh của Mẹ dạy đã 100 năm vẫn hiện thực trong cuộc sống hôm nay của mỗi người.

Chẳng hạn lời Mẹ dạy “Cầu nguyện cho người tội lỗi” là lời dạy thực tế và cần thiết biết bao, trong một thế giới thù địch, kèn cựa, tranh giành, hiềm thù nhau !

Hiện ra ngay ngày thứ nhất, ngày 13-5, Đức Mẹ hỏi ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta:

– Các con có muốn sẵn sàng hy sinh chịu đựng mọi đau khổ mà Thiên Chúa sẽ gởi đến, để làm của lễ đền bù mọi tội lỗi người ta xúc phạm đến Chúa, và để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại không ?

 Luxia thưa :

– Vâng, chúng con sẵn sàng

Đức Mẹ nói :

– Các con sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ là sức mạnh của chúng con.

Hiện ra vào một ngày tháng 8 Đức Mẹ căn dặn :

– Các con hãy cầu nguyện, các con hãy siêng năng cầu nguyện và hãy hy sinh đền tội cho các kẻ tội lỗi, bởi vì nhiều linh hồn sẽ phải sa vào hỏa ngục do không có ai hy sinh và cầu nguyện cho họ.

Các em nghiêm chỉnh thực hành lời Mẹ dạy, có khi còn quá điều Mẹ mong.

Để hy sinh cầu nguyện cho người tội lỗi, các em :

– nhịn phần ăn cơm trưa để mang cho các em hành khất

– có ngày các em không ăn gì, chỉ nhai lá cây sồi đắng

– tháng hè oi bức nhịn khát, không uống nước

– không nhận quà bánh người ta cho để ăn

– thắt dây vào người ngày và cả đêm để đền tội (Nguyễn Hữu Thy, Fatima 90 Năm,tr.71).

“Cầu nguyện cho người tội lỗi”chẳng những không khinh ghét, chia rẽ người tội lỗi; trái lại còn xin Chúa sửa dạy người tội lỗi trở về với Chúa, nên người tốt, trở thành bạn hữu với mình. Thường tình chúng ta phân loại, gạt bỏ, kể tội, nói xấu người tội lỗi, không bao giờ cầu nguyện cho họ sửa mình.

Lời Chúa thánh lễ hôm nay cũng dạy chúng ta phải có lòng bao dung. Không kỳ thị phân biệt.

Bđ1 : Dân Do Thái vốn khinh thị, không thể chung sống với người ngoại, huống hồ cùng phụng thờ Chúa trong một đền thờ. Qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa dạy : “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cũng trở nên tôi tớ của Người” (Is 56,6).

Còn được phụng thờ Chúa chung một Đền Thờ : “Được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56,7).

BTM : Qua phép lạ chữa cô con gái của người đàn bà dân ngoại xứ Ca-na-an, miền Tia và Xi-đon của xứ Li-băng ngày nay, Chúa Giêsu bày tỏ cái nhìn đại độ bao chung. Cha O’Sullivan viết : “Trong bđ1 chúng ta nghe ngôn sứ Isaia báo rằng Nước của Đấng Thiên Sai không chỉ giành cho người Do Thái, mà còn cho mọi dân nước. Bài Tin Mừng thánh Mát-thêu kể chúng ta biết Chúa Giêsu cảm kích lòng tin của người đàn bà ngoại giáo, mà nhận lời bà xin chữa lành cho cô con gái của bà. Còn câu chuyện khác kể lại việc Chúa giao tiếp với người ngoại, đó câu chuyện Chúa chữa lành cho người đầy tớ của quan đại đội trưởng (Mt 8,5-13).

Thấy lòng tin của quan đại đội trưởng, Chúa Giêsu nói : “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8,10-12) (The Sunday Readings, Cycle A,307).

Bđ2 : Cũng cha O’Sullivan viết về bđ2, đoạn thư thánh Phaolô gửi các tin hữu Rô-ma : “18 thế kỷ, con cháu ông Ápraham đã gắn bó với Thiên Chúa, đôi khi gắn bó chặt chẽ. Nhờ họ, Thiên Chúa đem Chúa Kitô và giao ước mới cho chúng ta. Thật là hợp lý, bây giờ, nhờ lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta, Thiên Chúa dùng chúng ta thành dụng cụ để đem họ về với Chúa Kitô. Thánh Phaolô tin rằng một ngày kia lòng thương xót Chúa sẽ đến với họ, đem họ về với Nước Trời. Chúng ta hãy làm cho ngày đó mau đến, để họ không chỉ là anh em với chúng ta trong ông Ápraham, mà còn là anh em trong Chúa Kitô” (Sđd,306).

Qua mệnh lệnh của Mẹ Fatima và Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay giúp chúng ta có đôi mắt nhân từ và có môi miệng thay vì nói những lời chê bai thì dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cho những người tội lỗi.

——————————————-

CN.20.A

Thứ sáu ngày 15-8 vừa rồi là lễ Mẹ Về Trời, cũng là lễ Đức Mẹ La Vang.

Năm 1792 vua Quang Trung băng hà, thái tử Quang Toản lên ngôi, niên hiệu Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh nghi ngờ người Công giáo theo nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn. Vua ra lệnh cấm đạo. Nhiều hình khổ rất là dã man : đóng đinh vào ván rồi cho phơi nắng, đổ dầu vào lỗ rốn cho bấc đốt cháy, buộc tóc lên xà nhà, buộc ngón chân treo lên cho đầu lộn xuống đất v.v… Giáo dân sợ hãi chạy vào rừng La Vang. Tụ họp dưới cây đa lần chuỗi đọc kinh. Đức Mẹ hiện ra. Tay bồng ẵm Chúa Hài Đồng, hai thiên thần cầm đèn quì hai bên. Đức Mẹ an ủi, khuyến khích giáo dân bằng lòng chịu khó. Đức Mẹ bảo hái lá cây chung quanh, nấu lấy nước uống chữa bệnh. Đức Mẹ còn hứa : “Mẹ sẽ nhận lời chúng con kêu xin và từ nay về sau, hễ ai cầu khẩn Mẹ ở đây, Mẹ sẽ nhận lời”.

Quan Vũ Văn Dũng ở ngoài Bắc không thi hành lệnh cấm đạo, bị gọi về Huế. Ngô Văn Sở được sai ra Bắc thay thế. Ngô Văn Sở triệt để thi hành lệnh cấm đạo của vua Cảnh Thịnh. Trái lại những người lương dân lại ra sức bảo vệ người Công giáo. Cha Vinh trốn vào rừng Kẻ Báng, lương dân dẫn về nhà và báo cho người Công giáo đến đem về ẩn trốn. Cha Đoan ẩn trốn dưới hầm vùng Xóm Chè, hằng ngày lương dân đem cơm nước cho cha (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 446. 460.461).

BTM : Lòng bao dung, không kỳ thị, không chia rẽ lương giáo của các lương dân thời nhà Tây Sơn cấm đạo ở miền Bắc là hình ảnh câu chuyện Chúa Giêsu với người phụ nữ Ca-na-an ở vùng Tia và Xi-đôn. Tia và Xi-đôn là những thành phố của nước Li-băng ngày nay, vùng dân ngoại.

Người Do Thái và người ngoại không giao thiệp với nhau. Chính Chúa Giê-su có lần cũng chỉ thị cho các tông đồ “đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10,5-6).

Trong câu chuyện người đàn bà Ca-na-an thì không. Chúa đã giao tiếp với dân ngoại. “Câu chuyện cho thấy :

1) Ơn cứu độ xuất phát từ dân Do thái (Ga 4,22);

2) Ban đầu, tức là trong sứ vụ sinh thời của Chúa Giê-su, việc rao giảng Tin Mừng chỉ dành cho Ít-ra-en mà thôi;

3) Sau đó, trong sứ vụ của Giáo Hội sau Phục Sinh, ơn cứu độ phải được loan báo cho cả  dân ngoại. Việc Chúa nghe lời người đàn bà Ca-na-an tiên báo điều này (Kinh Thánh 2011, trang 2160).

Gọi một người là chó là một sự nhục mạ thậm tệ. Người Do Thái xấc xược gọi người ngoại bang là “những con chó bất trung”, “chó ngoại bang”, sau này gọi người Công giáo là “chó Kitô”. Trong thời bấy giờ chó là con vật kiếm ăn những thứ dơ bẩn ngoài đường, nó dơ dáy, hung dữ và thường bị bệnh… Chữ “kumaria” tiếng Hy lạp có nghĩa là con chó con nuôi trong nhà, là con vật cưng. Bà này là ngươi Hy lạp nên bà nhanh nhẩu, hiểu ngay và đáp lại liền : “Lạy Thầy, đúng như vậy, nhưng chó con ăn những miếng mảnh vụn trên bàn chủ rớt xuống” (William Barclay, The Gospel of Matthew, v.2, trang 122).

Bđ1 : Lòng bao dung, không kỳ thị đã bắt nguồn từ thời ngôn sứ I-sai-a. Trước khi được giải thoát khỏi ách lưu đày ở Ba-by-lon, nước I-rắc ngày nay, vào năm 538 trước Công Nguyên để về quê hương, về đất tổ tiên, ngôn sứ đã nhắc lại lời Chúa căn dặn người Do Thái : “Người ngoại bang gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cũng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giáo ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ của chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56, 6-7).

Bđ2 : Đoạn thư Rô-ma của thánh Phao-lô trong bđ2 cũng nói lên lòng bao dung của Thiên Chúa đối với dân Do thái, lẫn dân ngoại. Thánh Phao-lô bảo dân Rô-ma, dân ngoại : “Trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ (người Do thái) không vâng phục; họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót’ (Rm 11,30-31).

“Một kết luận đầy lạc quan. Một trong những câu đẹp nhất trong Kinh Thánh. Hết thảy mọi người cả Do thái lẫn Hy lạp đều là những người bất tuân phục Thiên Chúa. Nhưng chính Thiên Chúa lại dùng ngay thái độ bất tuân ấy để tỏ cho hết mọi người thấy lòng nhân từ và lòng thương xót của Người” (Kinh Thánh 2011, trang 2508).

Nếu mỗi người trong gia đình chúng ta nhận thấy khuyết điểm của mình mà được Chúa, được người khác bỏ qua; thì khi thấy khuyết điểm của người khác, mình cũng tin là Thiên Chúa cũng bỏ qua, và mình cũng phải bỏ qua. Trong gia đình có thái độ rộng lương bao dung như Chúa, như anh em lương dân thời các thánh tử đạo Việt Nam, gia đình sẽ yên vui, đầm ấm (17-8-2014).

————————————

CN.20.A

Thế giới đang theo dõi chuyện đánh nhau giữa Nga và Gruzia. Năm 1990 Liên Xô sụp đổ. Sau đó 1 năm, năm 1991 Gruzia tách khỏi Liên Xô và đi theo Mỹ. Trong cuộc chiến Nga-Gruzia không đơn thuần  chỉ có hai nước, mà có cả Mỹ nữa.

Chính trị chia rẽ nhau đã đành, cả tôn giáo cũng chia rẽ. Chuyện tử đạo của cha Jaccard Phan, linh mục thừa sai Pháp ở Huế kể rằng : “Tháng 9 năm 1831, giáo dân họ Dương Sơn đang làm ruộng ngoài đồng thì tự nhiên dân làng Cổ Lão bên cạnh ào ào kéo nhau chiếm đất, lấy cớ là giáo dân do cha Jaccard Phan chỉ huy cướp đất của họ. Do đó cuộc gây gỗ và ẩu đả bùng nổ. Dân Cổ Lão còn kéo nhau lên huyện tố cáo. Huyện ra lệnh bắt 73 người trong họ đạo đánh mỗi người 100 roi. Ông phó lý trưởng bị lưu đày, ông lý trưởng và cha Jaccard Phan bị tử hình…” (Nguyễn Việt Châu, Hạnh Tích CTTĐVN, trang 342).

Sự kỳ thị tôn giáo, chính trị, sắc tộc… xảy ra cả ngày xưa lẫn ngày nay, xảy ra hằng ngày và khắp nơi, nơi người có đạo và không có đạo.

Đọc ba bài đọc thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy Thiên Chúa của chúng ta thật là kỳ diệu. Thiên Chúa không hẹp hòi đóng kín, nhưng cởi mở quảng đại.

Bđ1 : Khoảng năm 587 TCN, dân Do Thái bị lưu đày sang Babylon, nước Irak ngày nay. Dân các nước tới sinh sống. 50 năm sau, được thả về quê hương. Họ xây dựng lại nhà cửa và Đền Thờ Giêrusalem. Dân ngoại muốn đóng góp vào việc xây dựng Đền Thờ, nhưng người Do Thái không cho.

Trong bđ1, ngôn sứ Isaia nhắc lại lời Thiên Chúa phán : “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (56,7c). Thiên Chúa còn phán : “Những ai tuân giữ giao ước của Ta đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta” (Is 56,7a). Thiên Chúa còn nhận cả của lễ họ dâng : “Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ tòan thiêu và hy lễ chúng dâng” (Is 56,7b).

Bđ2 : Trong bđ2 thánh Phaolô nói với người Rôma là Thiên Chúa không phân biệt. Người thương xót dân Do Thái và cả dân ngoại, trước là Do Thái, sau là dân ngoại. Thánh Phaolô viết : “Thiên Chúa thương xót mọi người” (Rm 11,32).

BTM : Trong BTM, qua phép lạ Chúa Giêsu chữa cô con gái người phụ nữ Canaan, ngoại giáo, khỏi quỉ ám, đủ thấy tinh thần rộng rãi, óc cởi mở của Chúa Giêsu. Người Do Thái coi người ngoại là kẻ thù, gọi họ là “chó”, một thứ chó hoang chạy rông ngòai đường. Người VN cũng gọi kẻ thù là “đồ chó má”. Chúa Giêsu không gọi bà là “đồ chó”, mà gọi là “chó con”, loại chó được âu yếm và nuôi nấng trong nhà. Chúa còn ca ngợi bà : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật ! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy” (Mt 15,28).

Chúa chúng ta cởi mở bao dung. Xin Chúa giúp chúng con noi gương Chúa (17-8-2008).

———————————————– 

CN.20.A

Hôm nay lễ thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, nhưng vì vào chúa nhật, lễ Chúa trọng hơn lễ các thánh, nên được mừng trước hay sau một ngày . Chúng ta có thể kể chuyện đời ngài, để thêm lòng mến Chúa và yêu Mẹ.

Thánh Kônbê người Ba Lan. Ngài sinh năm 1894. Năm 16 tuổi ngài đi tu dòng Phan sinh. Ngài được du học ở Rôma. Mặc dầu ngài đã đậu tiến sĩ triết và thần học, nhưng ngài thích khoa học. Ngài đã vẽ một họa đồ về con tầu mang phi đạn.

Thánh Kônbê chịu chức linh mục năm 24 tuổi. Ngài nhìn thấy người ta dửng dưng với tôn giáo. Ngài coi đó là một thứ thuốc độc giết người. Nhân loại cần được Đức Mẹ chữa trị. Ngài lập phong trào Chiến Sĩ Mẹ Vô Nhiễm. Đời sống đạo đức, cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ là phương thuốc chữa trị được thứ độc dược giết người này. Ngài ra tờ báo “Hiệp Sĩ Mẹ Vô Nhiễm”. Mỗi ngày xuất bản 1 triệu số. Ngài xây dựng một nhà dòng gọi là “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm”. Có 762 thầy dòng Phansinh sống làm việc trong đó. Năm 1930 ngài sang Nhật truyền giáo. Ngài cũng lập “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm” ở Nagasaki, Nhật Bản.

Năm 1939 Đức Quốc Xã chiếm Ba Lan. Ngài trở về Ba Lan. “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm” của ngài bị trúng bom đổ nát. Ngài bị bắt, gần ba tháng tù đày. Ngài nói : “Tôi muốn chịu đau khổ và chết như một người hiệp sĩ.” Ngài được thả  vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm 8-12-1939.

Hai năm sau, Tháng 2 năm 1941, ngài bị bắt lại. Ngài bị giam ở Ô-súyt (Auschwitz), một trại tù dã man nhất. Tháng 7-1941 một người tù vượt ngục. Cai tù ra lệnh 10 người khác chết thay. Anh cai tù chỉ tay người này, người nọ. Đủ 10 người. 10 người xếp hàng thẳng chuẩn bị đi vào phòng chết đói. Chẳng có gì cho nhau sống. Khát quá thì uống nước tiểu của nhau. Bỗng một người òa khóc kêu to : “Khốn cho vợ con tôi ! Tôi chẳng còn được trông thấy nữa !”. Một người tù giơ cao tay nói : “Tôi muốn chết thay cho người tù đó. Anh ta có vợ có con.” Cai tù hỏi : “Mày là ai ?”. Người tù đáp : “Tôi là linh mục Công giáo.” Người tù không cho biết tên, biết tuổi, chỉ vỏn vẹn khai “Tôi là linh mục Công giáo.”  Mọi sự như chùng xuống. Những tiếng nói, những vẻ mặt đằng đằng sát khí biến mất. Tất cả đều im lặng. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Tình thương đã chiến thắng hận thù. Cai tù gật đầu đồng ý. Cha Kolbe nhập hàng với 9 người kia đi vào phòng chết đói. Cha giúp cho tất cả vui vẻ đón chờ cái chết. Phòng chết biến thành phòng cầu nguyện, tiếng hát thay cho tiếng thét. 6 người đã tắt thở. Chiều ngày 14-8-1941 cai tù tới, thấy cha cùng ngồi trong góc phòng cầu nguyện. Cha còn bình tĩnh giơ tay cho cai tù chích mũi thuốc độc kết thúc cuộc đời. Cha cùng 9 người bạn tù bị vất vào lò thiêu đốt thành tro.

Khi còn sống, Thánh Kônbê đã kể lại rằng : “Tôi đang cầu nguyện, xin Đức Mẹ nói cho tôi biết sau này tôi sẽ ra sao. Đức Mẹ hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một trắng một đỏ. Mẹ hỏi tôi thích cái nào. Tôi đáp : Con thích cả hai. Đức Mẹ cười và biến đi.” Thánh Kônbê đã được cả hai triều thiên : triều thiên đồng trinh và triều thiên tử đạo.

Năm 1982 Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã phong thánh cho cha. Trong lễ phong thánh có sự hiện diện của người tù cha đã chết thay, ông Phanxicô Gia-cô-ni-véc (Francis Gajowniczeck). Trong bài giảng, Đức Giáo hoàng đã nhắc lại lời Chúa Giêsu : “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”.

Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Maria Kônbê chẳng những sống lời Chúa, mà còn theo gương Chúa. Ba bài đọc thánh lễ chúa nhật hôm nay đều nói đến lòng yêu thương không biên giới của Chúa.

Bài đọc 1 : Trước hết là bđ1. Sau lưu đày ở Babylon trở về xây dựng lại quê hương xứ sở và Đền thờ Giêrusalem trên đồi Sion, dân Do Thái không muốn chung sống với dân ngoại. Nhiều dân ngoại muốn đóng góp vào việc xây dựng Đền thờ. Họ không cho. Họ coi dân ngọai là kẻ thù của họ và cả của Chúa. Ngôn sứ Isaia phải nhắc lại lời Chúa : “Người ngọai bang đều được Ta dẫn lên núi thánh, và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta…Vì nhà của Ta là nhà cầu nguyện của muôn dân.” (Is 56,1.6.7). Dù vậy, khi xây xong Đền thờ, người Do Thái không cho dân ngọai ngồi chung cầu nguyện với họ. Dân ngọai muốn đến Đền Thờ thì có chỗ riêng, chỗ mà người Do Thái buôn bán mà Chúa đã xua đuổi.

Bài Tin Mừng : Thoạt nghe câu nói Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Canaan, một phụ nữ ngoại giáo, là chó con, ngày nay chúng ta lấy làm chướng. Trong ngôn ngữ thời Chúa Giêsu, người Do Thái rất ghét người ngoại giáo, và sau này cũng rất ghét người Công giáo. Người Do thái khinh bỉ gọi là “chó ngoại đạo”, “chó Công giáo”. Đó là loại chó lang thang ở ngoài đường. Người Việt Nam cũng gọi kẻ mình khinh ghét là “đồ chó má”. Trong bài TM Chúa Giêsu gọi bà Canaan là “chó con”, là loại chó nuôi trong nhà, loại chó được cưng chiều. Chúa Giêsu không những không khinh bỉ người ngoại đạo, mà còn khen ngợi. Chúa Giêsu nói : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật” (Mt 15,28). Còn dân Do Thái, trước đó Chúa đã phải đau lòng mà nói thẳng : “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15,8).

Bài đọc 2 : Cả thánh Phaolô trong bđ2 cũng chê đức tin của người Do Thái kém người ngọai. Ngài nói : “Thưa anh em…là những người gốc dân ngọai…Nay anh em đã được thương xót, vì con dân Ít-ra-en đã không vâng phục.” (Rm11,13.30).

Tóm lại, Lời Chúa trong thánh lễ đã cho thấy lòng thương của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu. Lòng thương không hạn hẹp, lòng thương vô bờ bến, lòng thương hy sinh, lòng thương hiến mạng sống mình.

Thánh Kônbê đã noi gương Chúa hy sinh mạng sống mình cho người bạn tù.

Cao cả thay ! Vĩ đại thay ! (14-8-2005)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành