Chúa Nhật XX TN – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời


LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

CN 20 TN NĂM B

15-8-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Vĩnh Điện

GIÁO HUẤN SỐ 38

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Một khát vọng sống và kinh nghiệm (tt)

Làm sao Thiên Chúa có thể vui thích khi ai đó không có khả năng thưởng thức những phúc ân nho nhỏ mỗi ngày, khi mắt ai đó bị che khuất và không nhìn thấy những niềm vui thú đơn sơ ở khắp xung quanh ta? “Không ai tệ hơn kẻ làm khổ chính mình” (Hc 14,6). Hoàn toàn khác với việc vồ vập những thú vui mới, là điều ngăn cản ta tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, chúng ta được mời gọi mở mắt nhìn và dành một chốc lát để cảm nhận trọn vẹn mọi món quà bé nhỏ của đời sống với lòng biết ơn. Thật rõ, Lời Chúa mời gọi các con thưởng thức cái hiện tại, chứ không duy chỉ chuẩn bị cho tương lai: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Nhưng điều này không giống như việc dấn mình  một cách vô trách nhiệm vào một cuộc sống phóng đãng, vốn chỉ đưa tới một sự trống rỗng và bất mãn dai dẳng. Đúng hơn, đó là sống trọn vẹn cái hiện tại, dùng các năng lực của mình vào những điều tốt lành, vun xới tình huynh đệ, học theo Đức Giêsu và tận dụng những niềm vui bé nhỏ của đời sống, vì đó là những quà tặng của tình yêu Thiên Chúa (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 46&47).

 ——————

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

CN 20 TN NĂM B

(Kh 11,19a; 12,1-6a.10b; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56)

Có hai câu chuyện không tin Đức Chúa và Đức Mẹ lên trời :

  1. Jeannette Vermersch: Ngày 12-4-1961 phi hành gia Gagarine, người đầu tiên bay lên vũ trụ. Trong một cuộc mít-ting mừng thành quả khoa học này, bà JV (Gian-net Véc-méc), người Pháp, đã dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay là lễ lên trời, không phải là lễ lên trời của một vật giả tưởng, bày đặt, bay lên một cách lạ lùng. Không, đây là một chàng thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, mới 27 xuân xanh, tức là Gagarine, anh ta lên cao hơn trời.”
  2. Phi hành gia Titov: Ngày 6-8-1961, phi hành gia Titov bay vào vũ trụ. Khi về lại trái đất, ông cũng tuyên bố: “Không có Thiên Chúa, thần thánh nào trên đó cả !

Sau này một tờ báo viết : “Những dụng cụ tinh xảo của phi thuyền Spoutnik và những hỏa tiễn liên lục địa, đã không ghi nhận một dấu hiệu nào cho biết có Thiên Chúa và đạo quân trên trời của Người. Tôn giáo dạy rằng chỉ có thể lên trời sau khi chết. Nhưng sự thật là người đồng thời với chúng ta đã lên trời đang khi họ còn sống.

Ông Yuri Gagarin, phi hành gia Liên Xô, là người đầu tiên bay lên trời và bay vòng quanh trái đất vào ngày 12-4-1961. Sau chuyến bay, ông phát biểu rằng : “Ông không thấy Chúa ở trên trời”.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2006, người bạn của ông là Petrov nói rằng: ông Gagarin không nói lời đó. Đó là lời của một vị trong cuộc mít-tinh mừng chuyến bay của ông Gagarin. Ông Petrov cũng cho biết: ông Gagarin đã rửa tội khi còn bé.

Trong tạp chí Forma, cha sở giáo xứ Chính Thống của ông cũng nói: trước chuyến bay vào vũ trụ, ông đã dự lễ rửa tội cho con gái đầu của ông; và gia đình thường đi dâng lễ Giáng sinh và Phục sinh. Trong nhà của phi hành gia có trưng bày ảnh tượng. Ông Gagarin sinh năm 1934, chết năm 1968 trong vụ tai nạn máy bay đâm nhau.

Cha Phanxicô Federich, tên Việt Nam là Tế. Cha là người Tây Ban Nha. Ngày 28-8-1735, cha được sai sang Việt Nam truyền giáo. Cha học tiếng Việt ở giáo xứ Lục Thủy, Bùi Chu. Sau 6 tháng cha biết nói tiếng Việt, cha đi truyền giáo các vùng Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh. Được 2 năm, ngày 3-8-1737 cha bị bắt và bị giải về Thăng Long, bị tù, bị tra tấn.

Quan hỏi cha : “Chết rồi, ông hy vọng đi về đâu ?

Cha đáp : “Đi lên trời hưởng phúc trường sinh”.

Quan cự lại : “Chết rồi, xác chôn dưới đất, mà ông nói là lên trời. Ông nói vô lý quá”.

Cha giải nghĩa : “Xác nằm yên trong mộ, nhưng linh hồn là bản tính thiêng liêng. Linh hồn có hai đường đi : một là lên trời hưởng phúc đời đời; hai là xuống hỏa ngục chịu khổ muôn đời. Tùy theo tội phúc của mỗi người khi còn sống”.

Quan lại hỏi : “Có thật lên trời được không ?

Cha đáp : “Nếu không thì làm sao tôi có can đảm sẵn sàng chịu đòn vọt, tra tấn, xỉ nhục, vui lòng chịu chết.

Sau 8 năm bị giam cầm tra tấn, ngày 20-1-1745 cha bị chém đầu.

Đức Mẹ Fatima hiện ra 6 lần, Hiện ra lần thứ ba, ngày 13-7, Đức Mẹ cho Ba Em thấy hỏa ngục. Em Luxia đã kể lại như sau: “Chúng em nhìn thấy một biển lửa bao la. Ma quỉ và các linh hồn hư mất bơi lội trong đó. Các linh hồn trông như những thanh củi cháy đỏ rên xiết than van”. Thấy cảnh hỏa ngục, Ba em run sợ, la lên, nhìn lên Đức Mẹ van xin. Đức Mẹ buồn bã nói: “Chúng con vừa thấy hỏa ngục nơi những người tội lỗi phải sa vào. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trên trái đất này. Nếu điều Mẹ bảo được thi hành, nhiều linh hồn được cứu thoát và hòa bình sẽ đến với thế giới…Mẹ xin rước lễ vào mỗi thứ bảy đầu tháng…

Hiện ra lần thứ hai ngày 13-6, Đức Mẹ bảo người ta lần hạt sau mỗi chục, đọc kinh: “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con cho khỏi lửa hỏa ngục, xin dìu các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần Chúa thương xót hơn.

Sách Giáo Lý của Hội Thánh viết: “Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi tì vết nguyên tội, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả xác cả hồn, và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để Mẹ được đồng hình đồng dạng cách sung mãn hơn với Con mình, là Chúa các chúa và là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Cuộc lên trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự phục sinh của Con mình và là việc trước sự phục sinh của các kitô hữu khác: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, khi sinh con Mẹ vẫn khiết trinh, khi yên nghỉ Mẹ vẫn không lìa bỏ trần gian: Mẹ đã đến với Đấng là nguồn mạch sự sống, chính Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống và chính Mẹ, bằng lời khẩn cầu của Mẹ sẽ cứu linh hồn chùng con khỏi chết (số 966).

Tín điều về ‘Ðức Trinh Nữ Maria linh hồn và xác lên trời’ do Ðức Thánh cha Pio XII đã long trọng công bố ngày 01 tháng 11 năm 1950, với Sắc lệnh “Thiên Chúa vô cùng vinh hiển” (Munificentissimus Deus). Ngài nói: “Để danh Chúa được cả sáng và thành kính tôn vinh Đức Mẹ đầy ơn phúc, ta dùng quyền Thiên Chúa ban, quyền hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô, quyền riêng trong chức vụ Giáo hoàng mà công bố phán quyết: Đức Maria hồn xác lên trời là một tín điều”.Việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã được sùng kính từ thế kỷ thứ II trong Giáo Hội. Qua suốt giòng lịch sử, tín điều này đã được các nhà thần học nghiên cứu và tranh luận. Sau khi nghiên cứu và tham khảo hàng Giám mục, các nhà thần học trên thế giới, Đức Piô đã trình bày rõ ràng như sau: “Ðây là một chân lý đã ăn rễ sâu vào trong lương tâm và truyền thống của Giáo hội. Ðây không phải là việc tạo nên một tín điều mới, một chân lý mới về Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh” (Cha Nguyễn Văn Thư).

Ba bài đọc thánh lễ hôm nay đều nói đến Đức Mẹ Lên Trời.

Bài đọc 1 (Kh 11,19a;12,1-6a.10ab): Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” viết : “Một người phụ nữ xuất hiện trong ánh vinh quang, nhưng lại quằn quại vì sắp sinh con. Người tượng trưng cho nhân loại. Ở đầu sách tượng trưng cho nhân loại là người phụ nữ đã phạm tội, bà E-và. Giờ đây thì ngược lại, chúng ta thấy một nhân loại đẹp ý Chúa: quằn quại trong cơn đau sinh nở bởi vì toàn bộ lịch sử của chúng ta là bước đường gian khổ chuẩn bị chờ đón ơn cứu độ. Người phụ nữ sinh một người con trai là chính Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Thế là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người. Ơn cứu độ phát xuất từ Thiên Chúa đồng thời cũng xuất phát từ nhân loại.

 Người phụ nữ tượng trưng cho nhân loại biết cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa và cũng là biểu tượng của Đức Ma-ri-a sinh hạ Đức Giê-su: đó là hình ảnh Hội Thánh trốn vào hoang mạc (c.6), nghĩa là sống cuộc sống thiêng liêng của mình, xa cách thế trần và được Lời Chúa nuôi dưỡng trong những cơn bách hại: một ngàn hai trăm sáu mươi ngày hay ba năm rưỡi (x.11,11)- (trang 2162).

 Cha Kevin O’Sullivan, OFM viết trong sách “Những Bài Đọc Chúa Nhật Năm B” như sau: “Bản văn trong sách Khải Huyền được chọn cho ngày lễ Mẹ Lên Trời hôm nay, vì sự liên kết chặt chẽ giữa Chúa Ki-tô, Đấng Thiên Sai và Cứu Độ, với Đức Mẹ. Đức Ma-ri-a được chọn từ đời đời là mẹ của Người Con Chúa theo bản tính con người. Mẹ gắn bó với Con trong công trình cứu rỗi. Chương trình cứu độ bị tội lỗi và Sa-tan chống đối” (trang 460).

Bài Tin Mừng (Lc 1,39-56): Cha Nguyễn Công Đoan viết trong sách “Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Lu-ca”: “Điều gì đã xảy ra trong lòng Đức Trinh nữ Ma-ri-a sau khi thiên sứ giã từ? Để nói lên điều ấy, Lu-ca kể ngay việc Đức Trinh nữ Ma-ri-a vội vã lên đường đi viếng bà Ê-li-sa-bét và xử dụng đoạn Cựu Ước kể việc vua Đa-vít rước Hòm Bia Giao Ước về Giê-ru-sa-lem (x.2Sm 6). Hòm bia Giao Ước bị người Phi-li-tinh (dân Palestine) đoạt trong một trận chiến cuối đời thượng tế Ê-li (1Sm 4,1-11) rồi gửi trả lại và Hòm Bia lưu lại ở Kia-giát Gio-a-rim (1Sm 6,1-7,1). Sau khi vua Đa-vít chiếm được Giê-ru-sa-lem làm thủ đô, vua đi rước Hòm Bia về (2Sm 6,1-19). Lần thứ nhất này xảy ra tai nạn: ông Út-da bị chết, vua Đa-vít sợ: “Hòm bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được?”. Vua gởi Hòm Bia ở nhà ông Ô-vét Ê-dôm. Ba tháng sau, nghe tin nhà ông Ô-vét Ê-đôm được chúc phúc, Đa-vít đi rước Hòm Bia về lều đã dựng gần nhà mình.

Vua Đa-vít sợ thì kêu lên: “Hòm bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được ?” Còn bà Ê-li-sa-bét, khi nghe tiếng Đức Ma-ri-a chào, thì “đứa con trong bụng nhảy mùng”, bà được đầy Thánh Thần, “kêu lớn tiếng”, nói lên mầu nhiệm Đức Ma-ri-a đang mang trong lòng: “bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này”! Thế là chúng ta có đám rước Hòm Bia Giao Ước Mới với đứa con trong bụng nhảy mừng và bà mẹ lớn tiếng tung hô.

Đức Ma-ria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng rồi trở về nhà mình” “độ ba tháng”gợi lại thời gian Hòm Bia ở nhà Ô-vét Ê-đôm, càng làm rõ hơn sự đối chiếu giữa Đức Ma-ri-a là Hòm Bia Giao Ước mới với Hòm bia Giao Ước cũ. Hòm bia xưa giữ Lời Thiên Chúa khắc trên hai bia đá, còn Hòm Bia Giao Ước mới mang Lời Thiên Chúa đã làm người. Xưa Thiên Chúa xuống trên núi Xi-nai uy nghi trong khói và lửa, phán bằng tiếng sấm tiếng sét, rồi khắc Luật trên bia đá trao cho ông Mô-sê. Nay Thiên Chúa xuống làm bào thai yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a để lập Giao Ước Mới.

Chúng ta chỉ có thể thinh lặng thờ lạy và cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa vì Người đã làm những việc kỳ diệu nơi Đức Mẹ. Đức Mẹ được đầy ơn phước là cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi Đức Mẹ cũng là vì chúng ta. Trong kịch nghệ Hy lạp, thì sau mỗi phần diễn lại có một bài ca nói lên ý nghĩa của cảnh vừa diễn. Lu-ca áp dụng nghệ thuật này, và cho chúng ta 4 bài ca: “Ngợi Khen”, “Chúc Tụng”, “Vinh Danh”, “An Bình Ra Đi” (trang 69-71).

Bài đọc 2 (1Cr 15,20-27) : Bđ2 đọc thư thánh Phao-lô gửi cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tố. Cha Kevin viết : “Thánh Phao-lô làm chứng là một ngày kia tất cả mọi người sẽ được chỗi dậy từ cõi chết. Một số người không tin. Thánh Phao-lô phải bác bỏ điều sai lạc đó. Ngài nhắc lại một trong những điều căn bản của đức tin họ đã lãnh nhận là sự sống lại của Đức Ki-tô. Những bằng chứng cho đức tin này ngài viết trong đoạn thư 11,1-11.

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II viết: “Đức Maria đã đi vào vinh quang thiên quốc, vì Người đã đón nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng trinh khiết và trong trái tim của Người. Khi nhìn lên Đức Maria, người kitô hữu học cách khám phá ra giá trị của thân xác mình và gìn giữ nó như đền thờ của Thiên Chúa, trong khi đợi chờ ngày sống lại. Việc lên trời của Đức Maria, một đặc ân được dành riêng cho Đức Mẹ  Chúa Trời, trở thành một giá trị vô song cho cuộc sống và thân phận của toàn thể loài người (Phan Tấn Thành chuyển ngữ, Những Bài Huấn Giáo Về Đức Maria,1999, trang 212)

Gẫm thứ bốn Mùa Mừng là : “Thứ  bốn thì gẫm Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời, ta hãy xin cho được chết lành trong tay Đức Mẹ”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành