Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm A
CHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A
27/8/2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tam Thành và Giáo họ Tam Lộc .
GIÁO HUẤN SỐ 41
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Một Giáo Huấn Của Giáo Hội Thường Bị Bỏ Qua (tiếp theo)
“Công đồng Orange thứ hai đã dạy với thẩm quyền vững chắc rằng con người không thể đòi hỏi gì, xứng đáng gì, cũng không thể mua được ân sủng thần linh, và rằng tất cả sự cộng tác với ân sủng ấy chính là ân ban tiên vàn của nó: “Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng ta nhờ sự tuôn tràn và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần”. Vì thế, Công đồng Trentô, trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta cộng tác trong công cuộc trưởng thành tâm linh, đã tái xác nhận giáo lý ấy: “Chúng ta được công chính hóa cách nhưng không, vì không có gì đi trước sự công chính hóa, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà xứng đáng với ơn công chính hóa; vì ‘nếu do ân sủng, thì không còn dựa vào việc làm nữa; nếu chẳng vậy, thì ân sủng đâu còn là ân sủng nữa’ (Rm 11,6)”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 53).
LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Is 22, 19-23
“Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6 và 8bc
Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa
Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
Xướng: Quả thực Chúa cao cả và thường nhìn kẻ khiêm cung, còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa.
Bài Ðọc II: Rm 11, 33-36
“Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 16, 13-20
“Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Bài TM hôm nay nói đến địa vị giáo hòang của thánh Phêrô, của Giáo hội Công giáo. Và hôm nay cũng là ngày kính nhớ thánh giáo hòang Piô X, người kế vị thánh Phêrô. Nhìn lại cuộc đời của thánh giáo hòang Piô X và các Đức Giáo hòang mới thấy lời Chúa nói với thánh Phêrô là đúng : “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18).
Trong chúc thư, Đức giáo hòang Piô X viết : “Tôi sinh ra nghèo khó, tôi sống nghèo khó, và tôi cũng muốn chết nghèo khó.” Ngài sinh ngày 2-6-1835 trong một gia đình nghèo ở làng quê Ri-ê-sê, gần thành Vê-ni (Venise), nước Ý. Ngài được cha mẹ đặt tên là Giuse Sartô. Ngài là con thứ 2 trong số 10 người con. Gia đình ngài nghèo đến nỗi không có đủ tiền cho ngài đi học. Nhờ cha sở giúp đỡ ngài mới được đi học. Mẹ ngài mua cho ngài một đôi giầy để đi học; nhưng biết gia đình mình nghèo, ngài chỉ mang khi ở nhà, ra khỏi nhà ngài tháo ra vác trên vai, tới trường mới lại xỏ vào.
Tính tình nhu mì dễ thương, ngài được vào ban giúp lễ. Cũng từ đó ngài muốn đi tu làm linh mục. Mẹ ngài sung sướng khi nghe con nói; còn cha ngài thì lo lắng, vì không có tiền để con đi tu. Năm 17 tuổi, khi còn đang học trong Đại Chủng Viện, cha ngài qua đời, ngài muốn về giúp mẹ để nuôi các em, nhưng mẹ ngài không bằng lòng, chỉ muốn con dâng mình cho Chúa. Ngài chịu chức linh mục ngày 28-9-1858, khi mới có 23 tuổi. Ngài làm phó xứ 9 năm, cha sở 8 năm. Sau đó được gọi về Tòa Giám Mục làm việc, rồi làm giám đốc Đại Chủng Viện. Năm 1884, 49 tuổi, ngài được chọn làm giám mục. Ngài cho mẹ ngài xem chiếc nhẫn giám mục, và mẹ ngài cũng cho ngài xem chiếc nhẫn cưới bạc mầu và nói : “Không có chiếc nhẫn của mẹ thì chẳng có chiếc nhẫn của con.”. Năm 1903, 68 tuổi, ngài được chọn làm giáo hòang, lấy danh hiệu là Piô, với khẩu hiệu “Đổi mới mọi sự trong Chúa Kitô.”
Như khẩu hiệu của ngài, thánh giáo hòang Piô X đã đổi mới Phụng Vụ, Kinh Thánh, giáo luật, giáo lý… Ngài đã đi vào lịch sử, với danh hiệu “Vị Giáo hòang của Thánh Thể”, khi cho phép trẻ em 7 tuổi được rước lễ lần đầu thay vì 14 tuổi, và ngài khuyến khích người ta năng rước Chúa. Ngài cũng thay đổi bộ máy của Tòa Thánh. Có lần ngài tâm sự với một người bạn cũ : “Người ta dắt tôi vào chỗ đầy lính tráng bao vây, như Chúa Giêsu khi bị bắt trong vườn Cây dầu.”
Năm 1914, khi vua nước Áo và Hungari khơi mào thế chiến I, muốn ngài chúc lành cho quân đội của họ, ngài trả lời : “Tôi chúc bình an, chứ không chúc chiến tranh.” Ngày 20-8-1914, 20 ngày sau khi thế chiến I bùng nổ, ngài qua đời. Trước khi qua đời ngài nói : “Các con yêu dấu, cha hiến dâng mạng sống của cha. Hằng triệu người chết… Cha muốn giúp tránh chiến tranh, nhưng lực bất tòng tâm.”.
Sau thánh lễ an táng, Đức Hồng y Cascioli nói : “Thiên Chúa sẽ tôn vinh vị giáo hòang này cho thế gian với ba triều thiên : nghèo khó, khiêm nhường, và hiền lành.”
Đức Giáo hòang Piô X cũng như các vị giáo hòang khác theo gót thánh Phêrô, Đức Giáo hòang tiên khởi.
Khi Chúa Giêsu hỏi các tông đồ : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?”, thì thánh Phêrô đại diện cho các tông đồ tuyên xưng : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thánh Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu vừa là “Đấng Kitô”, tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu thóat như dân Do Thái mong đợi, vừa là “Con Thiên Chúa hằng sống”, tức là Thiên Chúa.
Với lời tuyên xưng đó, Chúa Giêsu bảo thánh Phêrô : “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)
Nhà văn Balan, Henryk Sienkievich, viết cuốn “Quo Vadis” (Thầy Đi Đâu Đấy) để diễn tả cảnh bắt đạo dã man của hòang đế Rôma Nêrô và những cái chết anh hùng của thánh Phêrô và các vị tử đạo. Kết thúc trang sách, nhà văn viết : “Trong nháy mắt cái chết đã bao trọn đầu ngài. Máu từ cái cổ to bự phun thành một dòng đen kịt lên những đóa hoa vườn. Hai chân ngài bắt đầu dụi dụi đất – Và ngài tắt nghỉ… Và thế là qua đi Nêrô, như đã qua đi cơn lốc, giông bão, hỏa họan, chiến tranh hay một cơn ác mộng; còn nhà thờ lớn của ông Piotr (Phêrô) cho tới nay vẫn đang ngự trị thành đô và thế giới từ cao nguyên Vatykan.” (Nguyễn Hữu Dũng dịch, Nhà Xuất Bản Văn Học, 2004, trang 815).
Hòang đế Nêrô và thánh Phêrô tất cả đều qua đi; nhưng một bên để lại là “cơn lốc, giông bão”… , còn một bên để lại là “nhà thờ đang ngự trị thành đô và thế giới”, vì một bên là bạo chúa, một bên là đấng thánh.
Bđ1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay Chúa đã hạ bệ Sép-na, vị tể tướng trong triều đình vua Khí-ki-gia nước Giu-đa, vì ông sống xa hoa, đặc biệt là xây mộ cho mình. Chúa nói : “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ. Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.” (Is 22,19).
Bđ2 : Trái lại, qua bđ2, thánh Phaolô đã lên tiếng chúc tụng Chúa, vì “sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò thấu được ! Đường lối Người ai theo dõi được!” (Rm 11,33). Vì thế, thánh Phaolô chỉ gắn bó với Chúa, thà mất mọi sự còn hơn mất Chúa. Thánh Phaolô cũng là một thủ lãnh gương mẫu trong Hội thánh.
Hội thánh tồn tại, vì Hội thánh là của Chúa, và có những vị lãnh đạo thánh thiện (21-8-2005)
SUY NIỆM II
VIÊN ĐÁ VÀ BỜ VAI
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Một người mẹ đố đứa con gái rằng: “Phần nào trong cơ thể quan trọng nhất?” Em trả lời rằng thưa mẹ đó là âm thanh. Thế nhưng người mẹ lắc đầu bảo rằng: “Có rất nhiều người khiếm thính, họ không cần âm thanh”. Em trả lời tiếp: đôi mắt là phần quan trọng nhất. Người mẹ âu yếm nói với con: “Nhiều người khiếm thị họ không cần hình ảnh. Đôi mắt vẫn chưa phải là cần thiết nhất”. Con hãy tiếp tục suy nghĩ. Một hôm ông nội của đứa trẻ qua đời. Người mẹ dẫn con lại chào ông nội lần cuối và nói rằng: “Con đã tìm ra câu trả lời chưa?”. Đứa con ngạc nhiên vì câu hỏi của mẹ trong lúc này, nó tưởng rằng đây chỉ là trò đùa giữa hai mẹ con, nhưng người mẹ trịnh trọng nói: “Phần quan trọng nhất trên cơ thể con người chính là bờ vai. Vì đó là nơi người thân có thể dựa vào khi họ yếu đuối, đau khổ, thất bại, buồn tủi hay mệt nhòa…”. Qủa thế, mỗi người đều cần có một đôi vai để nương tựa trong cuộc sống con ơi. Cho nên, người ta nói: Mẹ cha gánh vác hy sinh. Mẹ cha quên cả thân mình vì con. Cha một đời oằn vai gánh nặng. Mẹ một đời đôi dép lạc bàn chân”. Hay là: “Kia là bờ vai ai. Cho tôi mượn một chút. Trong một phút yếu lòng. Để tôi được bật khóc. Cho nước mắt tuôn rơi. Khi tình tôi cay đắng. Trong đêm trường hoang vắng. Lệ trào ướt hoen mi. Kia là bờ vai ai. Hãy cho tôi mượn một chút để tựa vào”. Người mẹ âu yếm nói với con: “Con ơi! Hôm nay gia đình chúng ta đã mất đi đôi vai của người cha, người ông. Một con người mà cả gia đình đã nương tựa nay đã không còn”.
Vâng, phần quan trọng nhất của con người không phải là phần để cho mình mà là để cho tha nhân. Vì thế, một con người quan trọng trong xã hội là một con người có ích cho người khác. Một người được yêu mến và quý trọng không phải vì địa vị hay chức quyền mà là vì sự đóng góp của họ với cộng đồng nhân loại.
Hôm nay, sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô, Chúa đã đặt Phê-rô làm đá tảng của Giáo hội. Chúa không bảo Phê-rô trở thành một cục đá vô hồn mà là một viên đá sống động, một chỗ dựa cho các tông đồ và cho toàn thể Giáo hội. Phê-rô phải là một tảng đá có một đức tin vững chắc đến nỗi không có gì lay chuyển nổi mới có thể bảo vệ và gìn giữ Giáo hội cho đến hôm nay. Chúa biết con người Phê-rô còn đầy bất toàn, yếu đuối, nhưng Chúa nhận thấy Phê-rô có một tấm lòng nhiệt thành theo Chúa. Ông mến Chúa. Ông luôn mong muốn hoàn thiện đời mình. Ông đã từng vấp ngã, nhưng ông mau làm lại cuộc đời. Chúa chọn ông không vì tài năng đức độ, nhưng vì lòng chân thành của ông. Chúa dùng ông, một con người đã từng vấp ngã để có thể nâng đỡ đức tin còn yếu kém nơi anh em. Chính Chúa đã từng nói với Phê-rô: “khi nào con trở về, con hãy củng cố đức tin anh em con”.
Hôm nay, Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy trở nên những viên đá sống động để xây dựng gia đình, xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, mỗi người một khả năng, mỗi người một hoàn cảnh, Chúa mời gọi chúng ta hãy biết tự xây dựng đời mình bằng những vật liệu mà chúng ta đang có để trở thành những viên đá hữu ích cho tha nhân, đặc biệt là cho gia đình chúng ta đang sống. Có nhiều người nghĩ rằng: mình phải làm ông này bà nọ mới có thể cống hiến cho tha nhân. Đó là chuyện của tương lai, nhưng ngay hôm nay, chúng ta hãy biết vận dụng những khả năng, hoàn cảnh Chúa ban để giúp đời, để cứu đời, để xoa dịu nỗi đau cho những người chung quanh, để trở nên điểm tựa cho anh chị em chúng ta. Vậy:
Nếu chúng ta là người chồng hay người vợ: hãy đưa vai gánh lấy cuộc đời nhau. Hãy là điểm tựa để nâng đỡ chia sẻ buồn vui và cùng dìu nhau qua những thăng trần của dòng đời khi thịnh vượng cung như lúc gian nan, khi ốm đau cung như lúc mạnh khỏe. Nếu chúng ta là người cha, người mẹ: hãy là điểm tựa cho con cái. Hãy sống vì gia đình, vì con cái mà quên đi những niềm vui riêng của mình. Hãy chu toàn bổn phận của mình để xứng đáng là núi thái sơn, là biển rộng bao la cho con cái hưởng nhờ sự ấm áp, sự chở che của tình cha nghĩa mẹ. Còn nếu chúng ta là con cái trong gia đình: hãy gánh vác trách nhiệm với gia đình. Hãy quan tâm tới gia đình, đừng vì sự lười biếng, cẩu thả của mình mà trở thành gánh nặng cho gia đình. Nếu chúng ta là thành viên trong cộng đoàn nhân loại: hãy chung vai góp sức xây dựng hoà bình, xây dựng tình liên đới, hiệp nhất và yêu thương. Hãy biết dùng cuộc đời nhỏ bé của mình để trở nên những viên gạch xây dựng thế giới này mỗi ngày hạnh phúc và an khang hơn. Đặc biệt là Kitô hữu hãy là bờ vai yêu thương cho người mệt nhoài, khi lòng tê tái hay khi thất bại, những lúc sầu vương, cho nhung ai đoạn trường, người lạc hướng mang bao lụy phiền vì cuộc sống lầm than cơ cực bằng an ủi, sẻ chia, giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất để họ tìm được bình an và hạnh phúc.
Trong cuộc sống không có việc gì là việc tầm thường đến nỗi không đáng cho chúng ta làm mà chỉ có những con người tầm thường khi thiếu trách nhiệm với gia đình, giáo Hội và xã hội. Có thể công việc của chúng ta thật bé nhỏ, thật âm thầm nhưng nó lại thật cần thiết cho gia đình, giáo Hội và xã hội. Tuy nhiên, muốn trở thành chỗ dựa cho tha nhân, chúng ta cần phải biết xây dựng đời mình trở nên những viên đá vững chắc, nghĩa là mỗi người cần biết rèn luyện đức hạnh đời mình trên nền móng Lời Chúa và phải được tôi luyện hằng ngày qua việc tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Đó chính là người khôn ngoan. Vì kẻ khôn ngoan là người biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, cho dù có gặp thử thách, gian truân, tựa như nước lũ ngập tràn cũng không lay chuyển. Còn kẻ thiếu đức hạnh, thiếu nền tảng Lời Chúa, không chỉ làm hỏng đời mình mà còn gây tai hoạ cho biết bao người khác, vì “mù dắt mù cả hai sẽ rơi xuống lỗ”.
Xin Chúa giúp chúng ta biết uốn nắn đời mình trở thành những viên đá sống động và bờ vai chỗ dựa hữu ích cho gia đình và những người chung quanh.
SUY NIỆM III
CHÚA GIÊ-SU LÀ AI ĐỐI VỚI BẠN?
(Hội An 27/8/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Có những lúc trong cuộc đời, chúng ta cần nhìn lại đời mình bằng những câu hỏi căn bản. Nghề tôi đang chọn có đem lại ý nghĩa và lợi ích gì cho tôi và gia đình tôi không? Trường tôi chọn học có mở ra tương lai tươi sáng cho tôi không? Nơi tôi ở có tốt cho sức khỏe, nhất là cho sự đầm ấm trong gia đình của tôi không? Hôm nay, Chúa Giê-su còn mời gọi mỗi Ki-tô hữu cần nhìn lại mối tương quan của mình với Ngài qua các câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”, “phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
- Thiên hạ nói về Chúa Giê-su
Người ta nói thầy là ai? Câu hỏi đó của Chúa Giê-su đặt ra cho các môn đệ cách đây hơn 2000 năm đang có rất nhiều câu trả lời trong thời đại này. Một số người cho rằng Chúa Giê-su là vị sáng lập Ki-tô giáo như các vị sáng lập các đạo giáo khác. Có người quả quyết Chúa Giê-su là nhà giảng thuyết nổi tiếng về đạo đức và có đời sống đạo đức. Một số khác đánh giá Ngài là nhà cải cách xã hội, nhà đấu tranh cho những người chịu bất công, người nghèo, người vô gia cư v.v. Vì nhìn Chúa Giê-su là nhà sáng lập tôn giáo, nên nhiều người tùy chọn tôn giáo này hay tôn giáo khác. Vì nhìn Chúa Giê-su là người giảng dạy đạo đức, nên nhiều người trong xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân hôm nay khước từ Ngài, bởi họ cho rằng họ là người quyết định điều gì là đạo đức. Vì nhìn Chúa Giê-su là nhà cải cách xã hội, nên nhiều người không muốn liên lụy với Ngài, bởi họ không muốn dính bén đến điều gì mang tính “cải cách.”
Những người trả lời về Chúa Giê-su như thế là những người đang nhìn Chúa Giê-su từ bên ngoài, những người biết Chúa Giê-su qua những việc Ngài làm, những phép lạ Chúa thực hiện hay qua trung gian của người khác. Những quan niệm thế gian về Chúa Giê-su đang gây nên tình trạng khó khăn cho công cuộc truyền giáo, ngay cả ảnh hưởng bên trong Giáo Hội, bởi đang làm giảm sút đời sống đức tin trong các gia đình, không còn quý chuộng sự thánh thiện và ơn gọi tông đồ, khiến Giáo Hội như thể cây vả không sinh trái. Loại Ki-tô giáo chỉ nhiều lá mà thôi sẽ chết khô. Chúa Giê-su đã rủa cây vả như thế.
Trong hoàn cảnh xã hội này, Ki-tô hữu làm gì? Chúng ta có ý định phản ứng bằng cách vạch trần và tố cáo những quan niệm sai trái của xã hội hay thuyết phục họ sao? Hay Giáo Hội phải thay đổi đức tin của mình cho phù hợp với quan niệm xã hội để cuộc sống có vẻ hài hòa với xã hội sao? Chúng ta không cần giấu diếm rằng sống đức tin vào Chúa Giê-su trong xã hội này là một thách đố lớn. Nhưng ngôn sứ Êgiêkiel giới thiệu cho chúng ta một cách thức lạ thường, đó là củng cố đức tin của chúng ta vào Chúa Giê-su, đánh thức lại đức tin của chúng ta vào Chúa, truyền sự sống cho những điều chúng ta tin, như Chúa Thánh Thần ban sự sống cho bộ xương khô của Êgiêkiel, thay vì tìm cách trốn chạy hay phụ họa theo thế gian.
- Ki-tô hữu nói về Chúa
Vì thế, câu hỏi của Chúa: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15) rất quan trọng đối với mỗi chúng ta hôm nay. Nhà thần học Bonhoeffer, người bị Đức quốc xã treo cổ 3 tuần trước khi Thế Chiến thứ hai kết thúc, đã viết trên tường nhà tù dòng chữ: “Điều cứ giày vò tâm hồn tôi, đó là Chúa Giê-su là ai đối với chúng ta hôm nay?” Do đó, chúng ta cần đánh đổ trong chúng ta sự lầm tưởng cho rằng chúng ta quá vững chãi đức tin vào Chúa Giê-su, để Chúa luôn làm mới mẻ đức tin của chúng ta với câu hỏi: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Chúa không quan tâm nhiều đến những gì thiên hạ nói về Ngài, cho bằng rất muốn lắng nghe người đi theo Ngài nói gì về Ngài, muốn những người biết Ngài từ trong tâm hồn bảo Ngài là ai.
Thánh Phê-rô thưa với Chúa: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Lời tuyên xưng của Phê-rô khác xa cái nhìn của thiên hạ về Chúa Giê-su. Đó là câu trả lời hoàn chỉnh, là câu giáo lý hoàn hảo, câu trả lời đem lại phúc cho thánh Phê-rô. Tuy nhiên, đó không phải câu trả lời vu vơ, mà là kết quả sau một hành trình đi theo Chúa. Bởi chỉ sau kinh nghiệm đi theo Chúa, đi sau Chúa, Phê-rô mới có sự trưởng thành về đức tin như vậy, đức tin khơi dậy niềm vui trong tâm khảm ông và đan kết cuộc đời ông thành lời tuyên xưng và lối sống khác với thế gian. Không có đức tin trưởng thành đó, thánh Phê-rô không có niềm vui và không có đời sống chứng nhân cho Chúa Giê-su.
Về phần mỗi chúng ta, Chúa Giê-su là ai đối với chúng ta? Chúng ta trả lời như bao người giữa xã hội này hoặc như người Do Thái ngày xưa, hay chúng ta trả lời như thánh Phê-rô? Câu trả lời của chúng ta không chỉ được học biết trong Tin Mừng hay trong sách giáo lý, mà Chúa còn muốn chúng ta trả lời rất thực với trái tim chân thành của chúng ta: Chúa Giê-su là ai khi bạn đang sợ hãi? Chúa Giê-su là ai khi bạn đang gặp thất bại, sa cơ? Chúa Giê-su là ai khi bạn trầm trọng trong tội lỗi và muốn buông xuôi, không muốn sống thân thiết với Chúa? Chúa Giê-su là ai khi bạn nói bạn có đức tin nhưng lại không đến với Chúa trong thánh lễ, không đọc và suy gẫm lời Chúa, không lãnh nhận các bí tích? Chúa Giê-su là ai khi bạn đang ở giữa những bạn bè không thiện cảm với Chúa?
Những lúc ấy, bạn có gặp gỡ và thưa với Chúa như thánh Phê-rô: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,” như người đàn bà Canaan: “Xin Chúa cứu giúp con!”, như Mẹ Maria trình bày với Chúa tình trạng hiện đang: “Họ hết rượu rồi!”, như Dorsey: “Lạy Chúa, xin cầm tay con dắt qua giông tố, qua đêm đen và bước vào ánh sáng” hay như tác giả thánh vịnh: “Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Đó là những lúc chúng ta có câu trả lời rất thực với Chúa: Chúa là ai đối với chúng ta.
Xin Chúa cho mọi Ki-tô hữu bền vững trong đức tin và hằng ngày, những khi vui, khi buồn, vẫn xác tín niềm tin của chúng con vào Chúa, bằng lời cầu nguyện và bày tỏ đức tin rõ ràng trong ngày sống của chúng con.