Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm A
Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm A
23-8-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Vĩnh Điện
GIÁO HUẤN SỐ 38
CÁC CON LÀ ‘HIỆN TẠI” CỦA THIÊN CHÚA
Sau khi lướt qua Lời Chúa, chúng ta không thể duy chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới, ngay lúc này đây, họ đang giúp làm phong phú thế giới. Các bạn trẻ không còn là những trẻ con nữa. Họ đã tới lúc bắt đầu đảm nhận nhiều trách nhiệm chia sẻ với người lớn trong việc phát triển gia đình, xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, thời đại đang thay đổi, khiến chúng ta tự hỏi: người trẻ hôm nay thực sự thích gì? Điều gì đang diễn ra trong đời sống của họ? Về mặt tích cực: Thượng Hội Đồng nhìn nhận rằng các thành viên trong Giáo hội không luôn luôn áp dụng cách tiếp cận của Đức Giêsu. Thay vì lắng nghe người trẻ, “rất thường có một xu hướng đưa ra những câu trả lời đóng gói sẵn và những giải pháp tiền chế, mà không cho phép họ nêu lên những câu hỏi thực sự của họ, cũng không đối mặt với những thách đố mà họ đề ra”. Nhưng một khi Giáo hội gạt bỏ các định kiến chật hẹp và nghiêm túc lắng nghe những người trẻ, thì sự thấu cảm này sẽ làm cho Giáo hội nên phong phú, vì “nó cho phép người trẻ đóng góp cho cộng đoàn biết trân trọng những cảm thức mới và khảo sát những vấn đề mới” (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, các số 64&65).
——————————————————
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20)
Sau 22 ngày bị giam ở Hội An, ngày 3-7-1645 cha Đắc Lộ (Rhodes) lên tầu về Áo Môn (Ma Cao), mang theo thủ cấp thầy Anrê, vĩnh biệt nước Nam. Cha kể: “Tôi không biết tả sao cho xiết những tiếng khóc than của giáo dân đứng vĩnh biệt tôi ở bến. Họ khóc lóc vật vã, kêu gào thảm thiết làm cho trái tim tôi se lại. Đứng trước lòng trìu mến của những giáo dân tốt lành đó, tôi không nói được nên lời, chỉ biết gật đầu đưa tay gạt nước mắt vĩnh biệt họ” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 189).
Sau một thời gian ngắn ở Áo Môn, bề trên sai cha đi Rôma. Ngày 27-6-1649, sau 3 năm hành trình cha mới tới Rôma. Ngày 2-5-1650, cha đệ lên Bộ Truyền Giáo một bản tường trình đại ý như sau: “Giáo hội Việt Nam là một Giáo hội phồn thịnh và đông giáo dân mà chưa có một ai được lãnh nhận phép thêm sức. Rất nhiều người chết mà không được lãnh nhận các phép bí tích, vì thiếu linh mục. Một Giáo hội đang gặp cơn thử thách của bách hại, can đảm đổ máu để chứng minh đạo…Xin Bộ cấp tốc sai các Giám mục đến để thành lập Hàng Giáo Sĩ Bản Quốc…Với một giáo đoàn đông gần 300.000 và mỗi năm thêm chừng 15.000, phải sai đi ít nhất 300 linh mục và có thể là 400 phòng chết dọc đường. Nhưng tìm đâu ra số linh mục đông như thế? Tìm đâu ra tầu bè để chuyên chở? Tìm đâu ra tiền bạc để cung cấp cho các ngài? Con số đông các thừa sai có thể làm cho các vua chúa nghi ngờ và đưa đến cuộc bách hại tương tự như ở Nhật. Giáo hội Nhật đã chết vì thiếu Hàng Giáo Sĩ Bản Quốc…Cần phải thành lập Hàng Giáo Sĩ Bản Quốc, vì các ngài có thể lẩn tránh dễ dàng trong những khi bị bách hại…” (Nguyễn Hồng, sđd, tập II, trang 21).
Ở Rôma, ngày 1-8-1651, cha Đắc Lộ gửi bản tường trình lên Đức Giáo Hoàng. Alexandre VII. Đức Giáo hoàng muốn chọn ngài làm giám mục tiên khởi. Cha Đỗ Quang Chính viết: “Đắc Lộ rất yêu mến Việt Nam, nhưng lúc này đã 59 tuổi rồi, sợ không chịu nổi những khó khăn tinh thần, vật chất ở VN và những cuộc hành trình lâu dài đầy nguy hiểm. Chính cha Đắc Lộ đã viết: “Bây giờ tôi già rồi và hầu như sắp sửa đi xuống mộ” (Hai Giám Mục Đầu Tiên Ở Việt Nam, trang 70)
Cha Đắc Lộ không nhận chức giám mục, thì Bộ Truyền Giáo đề nghị ngài đi tìm ứng cử viên tại Ý, sang cả Thụy Sĩ (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 70).
Sau 3 năm chưa có kết quả, ngày 11-9-1652 cha đi Pháp. Nước Pháp lúc đó là một nước đạo đức, và có nhiều hội đoàn đạo đức. Cha được giới thiệu với hội “Bạn Hiền”. Hội đề cử 5 người sang Rôma vận động tại chỗ.
Còn về tài chánh nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ: bà Miramion và bà De Ricouart hiến nhà, cha Lambert dâng tài sản, Hội Thánh Thể lập hội hàng hải để chuyển chở, tìm kiếm nguồn lợi giúp đỡ, nhất là bà công tước Aiguillon. Cha Pallu viết về bà : “Tôi bị xúc động từ đáy lòng, cảm thấy hổ thẹn vì một người phụ nữ lại nhiệt tình hơn một linh mục đối với ích lợi của Giáo hội và việc cải đạo các lương dân… Bức thư này làm nóng lên trong tôi những ước muốn truyền giáo trước đây… thiết nghĩ đó là cơ hội thuận lợi Chúa ban và tôi nhất quyết không coi thường chút nào để được thành tựu. Chúng tôi phải làm gì ở đây? Đúng là phải đưa sắt vào lò, nung lại với một lòng sắt đá thì sẽ tới đích” (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 99).
Ngày 13-5-1658 Bộ Truyền Giáo đề cử và ngày 29-7-1658 Đức Giáo hoàng chấp thuận: cha Phanxicô Pallu và cha Lambert de La Motte làm giám mục. Cha Pallu thụ phong ngày 17-11-1658 tại thánh đường thánh Phêrô ở Rôma; cha Lambert thụ phong tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Paris ngày 2-6-1660.
Ngày 9-9-1659 Đức Giáo hoàng chỉ định Đức cha Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài; Đức cha Lambert coi sóc giáo phận Đàng Trong.
Như thế, có giám mục mới có phép thêm sức, mới có linh mục.
Việc tìm và chọn giám mục cho Giáo hội Việt Nam là hình ảnh việc Chúa Giêsu chọn thánh Phêrô làm giáo hoàng trong Bài Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay.
Bài Tin Mừng : Cha Nguyễn Công Đoan viết: “Mát-thêu bỗng cho ta thấy Chúa và các môn đệ đi lên phía Bắc, đến thành Xê-da-rê Phi-líp-phê… Tại vùng này, Chúa Giêsu hỏi các môn dệ: ‘Người ta nói Con Người là ai ?”. Các môn đệ vốn ở lẫn với đám đông nên dễ dàng trả lời. Nhưng đó chỉ là câu hỏi mào đầu. Câu hỏi chính theo sau: ‘Còn anh em bảo Thầy là ai?’. Sau chuyện Chúa đi trên mặt biển, các ông đã bái lạy và tuyên xưng: ‘Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa’ (Mt 14,33). Hôm nay thì ông Phê-rô nhanh miệng nói thay cho tất cả : “Thầy là Đấng Ki-tô. Con Thiên Chúa hằng sống”.
Sau lời tuyên xưng của ông Phê-rô do Cha trên trời mặc khải, Chúa Giê-su công bố việc thiết lập ‘Hội Thánh’. Cộng đoàn của giao ước mới: ‘Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.
Cuối Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su nói: “xây nhà trên cát” thì sẽ bị nước cuốn, “xây nhà trên đá” thì “mưa sa nước cuốn hay bão táp ập vào nhà ấy cũng không sụp đổ”.
Trong dụ ngôn “con chiên lạc” Mát-thêu kể rằng người chăn chiên để 99 con chiên trên núi mà đi tìm con chiên lạc, tức là để nơi an toàn (Mt 18,12-14).
Sách Xuất Hành kể rằng lúc dân Ít-ra-en không có nước uống, họ kêu trách ông Mô-sê, ông Mô-sê kêu lên, Đức Chúa truyền “đập vào đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống” (Xh 17,1-7).
Các Thánh vịnh nhiều lần ví Thiên Chúa là núi đá, là tảng đá.
Quyền lực thù nghịch của Thiên Chúa và loài người từ ban đầu là cái chết do Xa-tan cầm đầu và đưa vào thế gian. Chúa sẽ thắng cái chết, nên ngôi nhà Hội Thánh Chúa xây lên thì quyền lực tử thần sẽ không làm gì được.
Chúa dùng một hình ảnh khác để nói về sứ mạng của Thánh Phê-rô, chiếc chìa khóa: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
Chúa đặt ông Phê-rô làm đá tảng của tòa nhà Hội Thánh, thì Chúa trao chìa khóa tòa nhà này cho ông, để cho thấy đây không phải ngôi nhà hoang vô chủ, ai muốn làm gì thì làm, nhưng là ngôi nhà của Chúa và Chúa có người đại diện để giữ cửa.” (Tự Đáy Lòng, Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 133-137).
Bài đọc 1 : Trong bài đọc 1, ngôn sứ I-sai-a kể chuyện Thiên Chúa truất phế tể tướng Sép-na, vì “Sép-na đã lợi dụng quyền hành xúi giục vua Khí-ki-gia chống lại nước Át-sua, kêu gọi Ai Cập giúp đỡ. Ngôn sứ I-sai-a hoàn toàn chống lại việc này, Giu-đa phải cậy dựa vào Đức Chúa, chứ không được cầu cứu ngoại bang. Giu-đa đã không cậy dựa vào Đức Chúa, nên đã đưa đến chỗ Giu-đa và thành Giêrusalem sụp đổ” (Kevin O’Sullivan OFM, The Sunday Readings A, trang 309).
Bài đọc 2 : Sách Kinh Thánh của nhóm CGKPV viết về đoạn thư của thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Rôma như sau : “Thánh thi ca ngợi Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan nhưng rất thương xót. Thánh Phao-lô liên kết Is 40,13 và G 4,13 để nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không mắc nợ ai. Mọi việc Người làm đều do lòng thương xót của Người” (trang 2508).
Qua bđ1 và bđ2, các nhà lãnh đạo của Giáo hội phải cậy dựa vào lòng thương của Chúa, chứ không nên cậy dựa vào thế gian.
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ thương Giáo hội Việt Nam và Đức cha Giuse của giáo phận Đà Nẵng chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành