Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b

“Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi”.

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này: “Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”. Dân trả lời rằng: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19. 20-21. 22-23

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai.

Xướng: Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ; Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát.

Xướng: Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Thiên Chúa luôn luôn giải thoát. Người giữ gìn họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy.

Xướng: Sự độc dữ sẽ sát hại đứa ác nhân; kẻ ghét người hiền sẽ phải đích thân đền tội. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.

 

Bài Ðọc II: Ep 5, 21-32

“Mầu nhiệm này thật lớn lao: trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền. Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 61-70

“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

AI ĐI? AI Ở?

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Biết theo ai bây giờ?

Trong phần cuối diễn từ về bánh trường sinh, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54; 6,55-58)  Câu nói này không chỉ làm cho người Do Thái bực mình, mà ngay cả các môn đệ cũng cảm thấy bối rối. Các ông sửng sốt vì lời tuyên bố của Ðức Giêsu  Các ông cũng lấy làm chướng tai, và các ông cũng phản đối  Một số người không muốn nghe những lời như thế nữa, họ rút lui  Tại sao thế?

Ðiều này cũng dễ hiểu.  Từ lâu, họ vẫn hy vọng sẽ được chứng kiến những giây phút vinh quang của Thầy lẫn trò, nhưng Ðức Giêsu đã bỏ qua cơ hội ấy  Ðang khi dân chúng vui mừng vì được ăn bánh no nê và muốn tôn Người làm vua, Ðức Giêsu đã chẳng lợi dụng lòng nhiệt thành ấy để đăng quang: Người đã giải tán dân chúng và cả các môn đệ nữa . Lúc này, câu nói của Ðức Giêsu tạo nên phản ứng không chỉ nơi dân chúng mà cả các môn đệ nữa  Các ông có cảm tưởng như gió đã xoay chiều, và các ông cảm thấy chán nản

Về phần Ðức Giêsu, Người vẫn kiên định với những điều Người vừa tuyên bố  Người hỏi những người thân đang vây quanh: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”

Ðức Giêsu là ai mà vẫn cương quyết không lùi bước ngay cả khi nhìn thấy sự cô đơn hoàn toàn, tức là thất bại?

Trước câu hỏi của Ðức Giêsu, ông Phêrô đã thay mặt cho Nhóm Mười Hai để trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” Câu trả lời này chẳng làm sáng tỏ thêm mầu nhiệm sâu xa vừa được tỏ bày  Có thể coi câu trả lời ấy diễn tả rõ thái độ bối rối  Nếu như giữa Ðức Giêsu và các tông đồ không có những tương giao vốn được kiến tạo dần dần, thử hỏi rằng câu trả lời ấy còn cho thấy tình trạng bi đát như thế nào?

Tuy vậy, câu trả lời của ông Phêrô cũng xuất phát từ lòng khiêm tốn, nên đó còn là tiếng nói của lòng tin  Ðây không phải là lòng tin mù quáng vì dựa trên xác tín những lời của Ðức Giêsu phải có một ý nghĩa nào đó, mặc dù người nghe chưa hiểu  Thế nhưng lòng tin này phải lần lần bước trong bóng tối, phải trải qua những thử thách mới đạt tới mức hoàn hảo.

Như thế, ngày nay cũng như ngày xưa, con người luôn có những lý do để nghi ngờ, để đặt thành vấn đề  Ðối với những ai Người muốn lôi kéo về phía mình, Thiên Chúa không bao giờ làm cho con đường trở thành dễ dàng hơn  Ai muốn viện cớ những khó khăn để trốn tránh, để che giấu chính mình, người ấy làm một điều vô ích. Nhưng liệu mỗi người, với những kinh nghiệm đã trải qua, có thể nói lên như ông Phêrô: “Chúng con biết theo ai bây giờ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”

Sự chọn lựa gay gắt

“Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa”

Lạ lùng quá! Tại sao Ðức Giêsu lại nói với đám đông những lời lẽ như thế? Hôm qua, họ là năm ngàn người, họ sẵn sàng làm thành một đạo binh đi theo Người  Còn Người lại nói cho họ rằng thân xác Người là của ăn và máu Người là của uống  Chẳng lẽ Người coi họ là những kẻ ăn thịt người?

“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”

Thái độ của Ðức Giêsu lạ quá! Người đến để loan báo lời ban sự sống, và Người nói lên như một lời mời  Vậy mà những kẻ thân cận với Người lại không hiểu được lời ấy, và những ai nghĩ rằng Người là Ðấng Mêsia, là Ðấng cứu độ Israel lại lấy làm chướng tai.

Hôm trước, Người đã làm cho bánh hoá ra nhiều  Một hành động rất lạ, đám đông chưa bao giờ được chứng kiến  Tất cả đám đông được ăn no  Họ không rời bỏ Người, cứ bám riết lấy Người  Người đi đâu, họ đi theo đó  Nếu ngày nào Người cũng làm như thế thì tuyệt biết mấy  Phải rồi, Người là Vua.

Thế nhưng, vương quyền của Ðức Kitô khác hẳn điều họ vẫn mong ước: “Thật tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi    vì các ông được ăn bánh no nê”  Người có ý nói: bánh tôi đem đến là điều gì khác chứ không phải thứ bánh các ông ăn hôm qua  Lời Người nói làm một số người tức giận, số khác lại thất vọng  Tuy vậy, lời của Người buộc họ phải đáp trả, phải chọn lựa, hoặc là “tôi không tin và tôi bỏ đi”, hay là “tôi tin và tôi ở lại!”

Một số môn đệ đã bỏ đi, Nhóm Mười Hai ở lại  Các ông ở lại, nhưng phải chăng các ông đã hiểu được Ðức Giêsu và lời Người nói? Có thể các ông không hiểu, nhưng ít là các ông cảm thấy vấn đề Ðức Kitô nêu lên thật thiết yếu  Sau này, vấn đề trên sẽ được đặt ra lại theo một hình thức khác: “Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Khi đó ông Phêrô đã nhân danh những người khác thưa lại: “Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”

Ðức Giêsu vẫn tiếp tục nêu lên câu hỏi ấy với mỗi người: Anh em có ở lại không? Anh em sẽ đi đâu? Anh em chọn bánh đem lại sự sống hay chọn bánh lúa mì?

Chọn lựa này chính là cao điểm trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người  Họ đã đọc Tin Mừng, nhưng liệu họ có sẵn sàng mở rộng tâm hồn để Thần Khí làm cho sống? Họ biết rằng con đường phải đi qua thập giá, phải xuyên qua việc trao tặng cuộc sống của chính mình trong suốt mọi ngày  Họ cũng biết rằng con đường ấy bao hàm nhiều niềm vui, đồng thời cũng đòi buộc nhiều từ bỏ  Nhưng họ có dám bước đi trên con đường đó?

Thật không gì rõ ràng hơn! Quả là một thử thách lớn chứ không phải chỉ là chấp nhận ở đầu môi mà không liều mạng  Câu hỏi Ðức Kitô nêu lên thật cấp thiết  Câu hỏi ấy đã làm cho một số môn đệ rút lui  Câu trả lời của mỗi người cũng rất quyết liệt: nó đưa cả cuộc sống của mỗi người vào đó.

Vẫn có những khoảng tối

Nói cho cùng, Ðức Giêsu quả là một vị Thầy làm cho các môn đệ phải lúng túng  Từ trước đến giờ, Người đặt tất cả lý lẽ trên từ ngữ “thịt”  Phải ăn thịt Người mới được sống đời đời  Lúc này, Người lại kết luận: “Chính tinh thần mới làm cho sống, xác không ích lợi gì”  Rồi cả xác thịt lẫn máu huyết cũng không thể đưa đến lời tuyên xưng: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)

Như thế, phải đợi đến khi Ðức Giêsu phục sinh, thịt và máu mới đạt được ý nghĩa chung cuộc, mới được đón nhận trong lòng tin dứt khoát, “khi anh em thấy Con Người ngự trên nơi Người vẫn ngự trước kia ”

Vì vậy, chúng ta phải đối diện với mầu nhiệm lớn lao này  Tất cả đều tùy thuộc vào lòng tin của chúng ta, vào thái độ của chúng ta đối với Tin Mừng cũng như vào cuộc chiến đấu của chúng ta chống lại những thói quen, những xơ cứng trước bí tích thịt và máu Ðức Giêsu  Nếu không ý thức, cuộc gặp gỡ của chúng ta với Ðức Giêsu sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị, và chúng ta sẽ cảm thấy ngại ngùng trước những lời tuyên bố của Ðức Giêsu

Chấp nhận làm môn đệ Ðức Giêsu là chấp nhận đi trong lòng tin  Chấp nhận Mình và Máu Ðức Giêsu là chấp nhận đi theo Ðức Kitô, trong khi vẫn được bổ dưỡng nhờ bánh Người ban tặng, và chỉ nương tựa vào một mình Người  Mỗi người Kitô hữu vẫn có những khoảng tối, nhưng đó lại là một tiếng kêu hướng lên Chúa Cha, là một lần xác tín vào

Ðức Giêsu, Ðấng có lời “đem lại sự sống đời đời”

SUY NIỆM II

CHÚA NHẬT XXI

Lời Chúa: Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6, 54a. 60-69

TRUNG THÀNH THEO CHÚA ĐẾN CÙNG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Sách Xuất Hành kể chuyện Dân Do Thái được giải thoát cảnh nô lệ lầm tham bên Ai Cập. Thiên Chúa dẫn họ đi trong sa mạc bốn mươi năm, trong sa mạc dân Thiên Chúa  đã cam kết chọn Thiên Chúa, hứa trung thành và chỉ thờ phượng Ngài mà thôi. Thiên Chúa đã ký kết với Dân qua Giao Ước tại núi Sinai và Dân phải trung thành tuân giữ 10 điều răn. Cho nên, bài đọc 1, Sách Giôsuê kể Dân Thiên Chúa được vào Đất Hứa là chứng minh sự trung thành của Thiên Chúa với lời Người đã hứa với các Tổ phụ xưa là sẽ ban cho Dân miền đất chảy sữa và mật, giờ đã có thật. Vì thế, niềm tin vào sự trung thành của Thiên Chúa là điểm tựa cho Dân, để dù sống trong Đất Hứa thịnh vượng, họ vẫn một niềm tin tưởng vào sự hiện diện và sự chăm sóc của Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát họ và đưa họ về miền Đất Hứa. Đồng thời, Dân Chúa phải ý thức rằng họ sẽ có thể sống mãi trong miền đất Thiên Chúa đã ban cho họ, với điều kiện là họ trung thành tuân giữ tất cả những điều Môsê đã truyền qua Lề Luật: “Anh em phải thật cương quyết tuân giữ và thực hành tất cả những gì ghi trong Sách Luật Môsê, không đi trệch bên phải bên trái” (23,6). Vì vậy, Ông Giôsê và cả toàn dân hôm nay đã nói lên sự chọn lựa dứt khoát đó khi hứa rằng: “Không đời nào chúng tôi bỏ Đức Chúa mà đi thờ những thần khác”.

Đến bài Tin Mừng Thánh Gioan kể khi Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hoá nhiều, dân chúng theo Chúa rất đông. Từ phép lạ ấy, Chúa dẫn họ đến lương thực hằng sống: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời”. Nhưng họ cho rằng “lời này chói tai quá, ai mà nghe được”. Nên từ lúc đó, có nhiều người rút lui không còn theo Chúa nữa vì họ theo Chúa và thờ Chúa vì cái bụng đói no nên Chúa Giêsu nói: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Bấy giờ Chúa đặt thẳng vấn đề với nhóm Mười Hai: “Cả anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Nhưng Phêrô đã đại diện các Tông Đồ xác định sự trung thành của mình: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh”.

Sống trong một thế giới đổi thay không ngừng, con người dễ bị lôi kéo vào thái độ thay lòng đổi dạ, không trung thành với chính mình, với người mình tin, mình yêu, mình sống làm việc… cho nên dễ đến đỗ vỡ trong việc làm, trong ký kết các hợp đồng, trong hôn nhân gia đình, tình bạn bị phản bội, người với nhau mất niềm tin, thậm chí cha mẹ anh chị em trong gia đình bất trung, bất tin nhau. Ngay cả các Kitô hữu nhiều lúc cũng bị cám dỗ bỏ Chúa hoặc không sống đúng ơn gọi của mình, nhất là khi đứng trước một biến cố hay một hoàn cảnh; một thử thách hay một cám dỗ; một nỗi buồn hay một niềm vui, giàu hay nghèo… Cho nên chúng ta không lạ gì thấy mình hay nhiều Kitô hữu trước kia là những người đạo đức, nhưng nay không còn đứng vững trước sự bất trung của cuộc sống tạo ra. Có những người đang từ nghèo Chúa ban cho thành người giàu thế rồi bỏ Chúa và bất trung thờ phượng Ngài. Và ngược lại, một số khác đang từ giàu thành nghèo cũng bỏ Chúa. Nhiều người không còn muốn bước theo Chúa vì không thể chấp nhận được những nỗi ô nhục của thập giá trong đời mình. Cũng như những người không còn muốn trung thành với giáo huấn của Hội Thánh vì “lời này chói tai quá, ai mà nghe cho nổi?” Từ lòng trung thành với Chúa sẽ dẫn đưa con người đến lòng trung thành với nhau, nhất là trong đời sống gia đình. Đời sống gia đình hôm nay của đang gặp khủng hoảng. Người ta cam kết thề hứa trung thành suốt đời, nhưng chỉ đi với nhau một đoạn đường ngắn để rồi sau đó chia tay nhau. Vì thế, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay mời gọi các bậc vợ chồng ngước nhìn lên mầu nhiệm Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh để trung thành trong tình yêu hôn nhân.

Chúa muốn chúng ta trung thành và chúng ta cũng muốn trung thành với Chúa và với nhau. Nhưng trung thành bước theo Chúa không phải là điều dễ dàng. Quả vậy, có những lúc ta cảm thấy mình quá yếu đuối, tầm thường, quá bé nhỏ mỏng manh trước sức tấn công của thử thách, của cám dỗ, của tiện nghi vật chất, tiền bạc, thú vui sắc dục, danh vọng, quyền lực…. Chỉ có ơn Chúa mới có thể giúp ta trung thành đi theo Chúa: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ huyết nhục chẳng có ích gì… không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơi ấy cho”. Thánh Phêrô đã nhìn lên Chúa, để tiếp tục chọn lựa trung thành theo Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đi theo ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh”. Quả thực, Thánh Phêrô đã cảm nhiệm được Lời Chúa là ánh sáng, là niềm vui, sức sống và là sự sống nên Ngài đã an tâm tín nhiệm vào Chúa và trung thành theo Chúa cho đến hết hơi cho đến trọn đời.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Thiên Chúa ban cho mỗi người can đảm nói lên lời cam kết theo Chúa và trung thành trong ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi dâng hiến. Chúng ta hãy biết chọn Chúa và Lời Ngài làm gia nghiệp mình cách dứt khoát và vĩnh viễn, dù hôm nay ta chưa biết hết được những gì sẽ đến trong ngày mai. Sự chọn lựa ấy đòi ta trung thành. Và để trung thành trong ơn gọi, ta cần bắt đầu lại mỗi ngày, chỗi dậy mỗi ngày để “trung thành với tình yêu ban đầu” bằng việc đọc kinh sáng kinh tối, siêng năng đọc suy niệm Lời Chúa và tham dự Thánh lễ. Vì chưng, Chúa Giêsu Thánh Thể tự hiến trên bàn thờ và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế chính là bằng chứng tình yêu trung thành của Ngài với chúng ta. Chúa Giêsu Thánh Thể và Lời Ngài là nguồn sự sống luôn luôn tươi mới và là nguồn động lực để ta mãi mãi trung thành đi theo Chúa đến cùng. Amen.

 

SUY NIỆM III

CẦN LÀM SỐNG LẠI ĐỨC TIN VÀO THÁNH THỂ

 (Hội An 25/8/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Sự hiện diện của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể luôn thách thức đức tin những người theo Chúa mọi thời.

  1. Khủng hoảng đức tin vào Thánh Thể

Thời Chúa Giê-su, khi nghe Chúa Giê-su công bố: “Bánh Ta ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”, đám đông liền xầm xì: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Một số môn đệ phản ứng mạnh hơn: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được?” (Ga 6,52), rồi “nhiều môn đệ rút lui không theo Chúa nữa” (Ga 6,66). Thánh sử Gioan kể lại sự thật đó, dù là sự thật đau lòng, bởi đám đông và các môn đệ từng nghe lời Chúa giảng dạy, từng ở với Chúa, từng chứng kiến phép lạ Chúa làm, từng ca tụng quyền năng Chúa – những điều Chúa làm nhằm minh chứng Ngài là Thiên-Chúa-làm-người, và bây giờ Chúa muốn ở trong mỗi con người qua việc con người ăn thịt máu Chúa để được sống, thế mà họ xầm xì và bỏ đi!

Thời nay, cuộc khủng hoảng đức tin vào bí tích Thánh Thể đang là vấn đề trong đời sống tín hữu. Người ta không nói với Chúa “lời này chói tai quá!”, nhưng người ta xa dần thánh lễ; người ta không tuyên bố rút lui, nhưng người ta chỉ thích đứng ngoài nhà thờ khi dự lễ; người ta không nói không tin Chúa Giê-su Thánh Thể, nhưng họ đối xử với Chúa Giê-su Thánh Thể như ai đó xa lạ, nên một năm hay vài năm  mới xưng tội rước lễ một lần; người ta không nhận biết bánh Thánh Thể là chính Chúa, nên từ cách ăn mặc cho đến thái độ của họ trong nhà thờ và trước Nhà Tạm quá bất kính với Chúa.

Còn bạn, Mình Máu Thánh Chúa có là nguồn mạch sự sống và trung tâm cuộc đời bạn không?

  1. Mình Thánh Chúa là nguồn mạch sự sống và trung tâm của đời Ki-tô hữu

Trước cơn khủng hoảng đức tin vào Mình Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp “Giáo hội từ Thánh Thể” đã mời gọi toàn thể tín hữu hãy làm sống lại lòng tôn thờ Thánh Thể và khơi dậy lại đời sống mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể, bởi Thánh Thể là chính Thân Mình Chúa Giê-su ban tặng cho chúng ta.

Lời Chúa hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến ngày tận thế được thực hiện trong bí tích Mình Máu Chúa. Chúa Giê-su ở với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng không cách nào sâu xa và trọn vẹn bằng cách Ngài ở với chúng ta trong Tấm Bánh Thánh Thể. Ngay từ thuở sơ khai, Hội Thánh tin lời Chúa Giê-su xác quyết về chính Thân Mình Ngài trong bánh Thánh Thể: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì được sống đời đời”(Ga 6,54). Vì thế, Hội Thánh tin chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Thể không phải bánh thông thường và thức uống thông thường, nhưng là thịt và máu Chúa Giê-su, Đấng đến làm thức ăn nuôi dưỡng và phục hồi mối tương quan của chúng ta với Chúa và với nhau. Bằng con mắt đức tin, chúng ta thấy Chúa Giê-su trước mặt, Đấng nhập thể làm người, đã chết và đã sống lại, là Đấng hằng sống và đang sống giữa Hội Thánh trong phép Thánh Thể. Một sự vật thì được nhìn bằng con mắt thể lý; một mầu nhiệm đức tin thì được cảm nhận bằng con mắt đức tin. Đức tin này là một cánh cửa, qua đó, chúng ta như các nhà thần bí, nhận thức sâu xa hơn tình yêu của Chúa dành cho chúng ta biểu lộ trong sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể. Bi kịch trong thời đại này là trong khi Ki-tô hữu thiếu lửa và niềm xác tín vào bí tích Thánh Thể, thì thiên hạ cuồng nhiệt cổ xúy loại trừ Thiên Chúa!

Vậy, làm thế nào để đáp lại tình yêu của Chúa Giê-su Thánh Thể?

  1. Làm sống lại đức tin vào Thánh Thể

Có nhiều điều để khôi phục đức tin và lòng yêu mến Thánh Thể. Ở đây, chúng ta thực hành ba điều.

Trước hết, tín hữu tạ ơn Chúa và thờ phượng Ngài bằng việc tham dự thánh lễ. Được đầy tràn đức tin vào Thánh Thể, tín hữu có nhiệm vụ tạ ơn và thờ phượng Thiên Chúa. “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho” (Tv 116,12). Thánh lễ chính là lễ tạ ơn của Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa. Cách thức tạ ơn này đến từ Thiên Chúa, Chúa bảo: “Hãy làm việc này mà nhờ đến Ta.” Do đó, bổn phận tham dự thánh lễ, đặc biệt mỗi Chúa Nhật, là một biểu hiện quan trọng sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Giê-su Thánh Thể. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: Thánh lễ là thời gian nằm ở trung tâm đời sống ki-tô hữu, là thời gian dành cho Chúa Giê-su, là hành động yêu thương của những ai là chi thể Chúa Giê-su. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban Mình Máu Ngài nuôi sống chúng ta.

Thứ đến, khi thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa nói: “Mình Thánh Chúa Ki-tô,” chúng ta không chỉ tin mà còn tuyên xưng: “Amen,” tin Mình Máu Chúa là của ăn cho tôi, đồng thời cúi mình trước Mình Thánh Chúa trước khi rước Chúa, cúi mình trước Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm, ăn chay một giờ trước khi rước lễ để biểu hiện đức tin rõ ràng vào bí tích Thánh Thể.

Cuối cùng, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên nhủ: “Việc thờ phượng chung của chúng ta trong thánh lễ phải đi đôi với việc thờ phượng riêng trong giờ Chầu và viếng Thánh Thể, để tình yêu dành cho Chúa nên trọn vẹn.”

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, của ăn chúng con rước lấy là chính Chúa, Đấng muốn ở trong con và con được ở trong Chúa.