Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm A


CN.21.A

(Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20)

Năm 1917 hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ cho ba em Luxia, Phanxicô, Giaxinta biết ba bí mật, ba sự việc quan trọng. Chị Luxia chỉ cho các Bề Trên Giáo Hội biết, không phổ biến ra dân chúng. Ba bí mật đó là :

– Bí mật hỏa ngục

– Bí mật Tôn Sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, Dâng Lễ và Rước lễ Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng để cầu nguyện cho nước Nga. Nếu không, Thế Chiến Thứ Hai sẽ xảy ra.

– Bí mật Thứ Ba được Đức Mẹ cho biết lần hiện ra thứ ba ngày 13-7-1017. Chị Luxia tường trình như sau : “Chúng con nhìn thấy bên trái Đức Mẹ có một vị thiên thần trong tay trái cầm một thanh gươm bằng lửa, và từ lưỡi gươm bốc lửa như muốn đốt cả thế giới. Nhưng khi những ngọn lửa chạm ánh hòa quang từ tay phải Đức Mẹ chiếu ra, thì ngọn lửa bị dập tắt. Còn vị thiên thần giơ tay phải chỉ vào mặt đất hô to : ‘Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn ăn đền tội’. Chúng con đã thấy một ánh sáng kỳ lạ, đó chính là Thiên Chúa. Thấy một cái gì xem như thể những con người trong tấm gương, khi họ đã đi qua tấm gương thì chúng con thấy một vị Giám mục mặc áo trắng, và chúng con biết đó là Đức Thánh Cha. Nhiều vị Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ trèo lên một ngọn núi dốc, trên đỉnh núi có dựng một tượng Thánh Giá được làm bằng gỗ thô, hình như bằng gỗ cây sồi còn để cả vỏ. Trước khi Đức Thánh Cha đến chỗ đó, ngài đi qua một thành phố lớn, mà một nửa đã bị phá hủy còn một nửa cũng sập đổ, với những bước đi run rẩy do bị đau đớn và lo lắng, ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những xác chết ngài đã gặp trên đường đi. Khi đến được ngọn núi, ngài quì xuống dưới chân tượng Thánh Giá khổng lồ. Ở đó người bị một đám lính giết chết. Họ bắn súng và mũi tên vào ngài. Sau đó các vị Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều người đời khác, cả đàn ông lẫn đàn bà thuộc mọi giai cấp và địa vị cũng chết cách tương tự như thế. Dưới hai cánh tay Thánh Giá có hai vị thiên thần, mỗi vị tay cầm một chiếc bình bằng thủy tinh. Các vị hứng máu các vị Tử Đạo vào trong bình và cho các linh hồn ở gần Chúa uống” (Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, trang 108-109)

Bản văn bí mật thứ ba này được Đức Hồng y Josef Ratzinger (Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI) công bố ngày 26-6-2000. Đức Thánh Cha bị bắn súng trong bản văn là hình ảnh Đức Gioan-Phaolô II bị ám sát ngày 13-5-1981.

Vào ngày 13.5.1981, anh Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.

Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến ngài dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ngài sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu.

Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Ngài sống sót là cả một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005.

Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm anh Ali Agca, nói chuyện và nhất là ngài đã tha thứ cho anh.

ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Anh Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất: «Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?»

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma – ngày 13 tháng 5 (1981) – cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 -1917. Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài.

Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn Đức Mẹ cứu sống ngài, và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.

Và đây là bức ảnh mới được công bố gần đây, cho thấy sự can thiệp nhiệm mầu của Đức Mẹ Maria vào ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô bị ám sát, ngày 13 tháng 5 năm 1981.

Chúng ta không hiểu tại sao Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II đã muốn cất dấu tấm hình chụp nầy trong nhiều năm. Vatican đã vừa mới công bố tấm hình chụp nầy lần đầu tiên. Tấm hình được một vệ sĩ của người chụp ngay chính lúc Đức Thánh Cha bị tấn công và đang ngã xuống trong chiếc xe đặc chế (papamobil) của Người. Các bạn có thể nhìn thấy đau đớn hiện trên mặt Người.

Joaquin Navarro Valls, phát ngôn nhân Toà Thánh vào thời gian đó, đã tuyên bố người ta mất nhiều năm để nghiên cứu tấm hình chụp khó tin nầy và tất nhiên là về chất lượng rửa hình, vì khi được chuẩn bị kỹ càng, không ai có thể nhìn rõ ràng bởi vì tấm hình không sáng sủa. Cuối cùng, sau nhiểu kiểm duyệt và tìm tòi, dưới sự kiểm soát của các chuyên gia nhiếp ảnh trên thế giới, họ đã quyết định không hề có “giả mạo’ và ngày nay họ cho chúng ta món quà đẹp đẽ nầy về Mẹ Thiên Chúa.

Các bạn có thể nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa ôm Đức Gioan-Phaolô II trong tay Mẹ (Google)

Qua câu chuyện Đức gíao hoàng bị ám sát, lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô trong Bài Tin Mừng thật là đúng  : “Anh là Phêrô , nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thày, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các vị lãnh đạo, cho các vị phục vụ Hội Thánh (27-8-2017)

 —————————————

CN.21.A

Đức giáo hoàng Phanxicô đã viếng thăm nước Đại Hàn. Tại đây ngài đã gặp giới trẻ Á châu, đại diện các HĐGM Á châu, nhất là ngài đã phong chân phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Năm 1984, trong chuyến viếng thăm nước Đại Hàn, Đức GP II đã phong thánh cho 103 vị tử đạo. Cộng hai lần, GH Đại Hàn đã có 227 vị thánh và chân phước.

Việt Nam chúng ta mới có 118 vị : 117 vị thánh và 1 vị chân phước. Tuy nhiên, theo cha Hồng Phúc, Bộ Phong Thánh  hiện còn lưu giữ đơn xin phong chân phước cho 1315 vị tử đạo, trong đó có hơn 200 nữ tu Mến Thánh Giá (Sống Đạo, trang 418). Nếu Tòa Thánh chấp nhận, thì Giáo Hội VN chúng ta sẽ có một con số thật lớn là : 1433 vị.

Số các Thánh Tử Đạo thời vua Minh Mạng là nhiều nhất : 58 vị.

Vua Minh Mạng ra lệnh cho quan tỉnh Nam Định phải bắt cho bằng được Đức cha Hermovilla (Héc-mô-vin-la), tên Việt Nam là Vọng, giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài, tức là 4 giáo phận ngày nay : Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình.

Quan Nam Định Trịnh Quang Khanh ngày đêm cho quân lính đi lục soát các xứ đạo để bắt Đức cha. Trước khi bắt được Đức cha, họ bắt được cha Võ Văn Duệ, cha Nguyễn Văn Hạnh, cha Đặng Đình Viên, cha Ngyễn Văn Tự, ông trùm Hoàng Lương Cảnh, hai thầy giảng Hà Trọng Mậu, Bùi Văn Úy và ba giáo dân Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Mới và Nguyễn Văn Vinh.

Cha Duệ đã 83 tuổi, đôi mắt bị mù. Nằm trên giường, nghe tiếng chân người đi bên ngoài, cha nói to : “Hãy báo cho các quan biết tôi ở đây. Tôi là đạo trưởng đây (tức là linh mục), hãy đến mà bắt tôi”.

Bổn đạo xin cha im lặng kẻo liên lụy đến dân làng, cha nói : “Tôi không thể im được vì tôi đã hứa với Đức cha Y (tức là Đức cha Delgado chết rũ tù  ngày 12-7-1838): khi nào Đức cha bị bắt , xin cho phép con đi theo”.

Một hôm nghe tiếng gọi, lính bước vào nhà, cha nói : “Bây giờ các ông đã có đạo trưởng, hãy bắt nộp cho quan đi”. Một thầy giảng đứng đó nói lại : “Ông nội tôi đó, các anh đừng để ý làm gì, ông ấy già nua lú lẩn, cho mình là đạo trưởng đó thôi”.

Bổn đạo đành đem cha ra ở trong một túp lều giữa cánh đồng, nhờ một bà già đạo đức chăm sóc. Ngày 4-7-1838, có một toán lính đi qua, cha nói to : “Các chú tìm đạo trưởng hả ? Tôi là đạo trưởng đây !”. Cha bị bắt và bị điệu về Nam Định. Ở trong tù được 3 ngày, thì người ta đem cha Hạnh đến giam chung.

Hai cha ra tòa, quan bảo cha Duệ : “Ông lão bước qua thập giá đi, rồi về”. Cha đáp : “Xin quan đừng bảo tôi làm thế, tôi không nghe đâu”.

Quay sang cha Hạnh, quan  hỏi : “Ông dạy dân chúng những gì ?”. Cha trả lời : “Tôi dạy người ta làm điều lành, tránh điều dữ”.

Quan lại hỏi : “Tại sao không bước qua thập tự ?”. Cha đáp : “Thập tự đối với chúng tôi là tượng trưng cho ơn cứu độ, nên không ai được chà đạp, vì đó là một trọng tội… Kẻ trung thành với Chúa Giêsu, khi chết được lên thiên đàng”.

Quan hỏi tiếp : “Thế những người không thờ ông Giêsu, chết đi đâu ?”. Cha dịu dàng nói : “Xuống hỏa ngục !”. Quan tức giận, tay cầm quạt, quan đập vào đầu cha, rồi chửi mắng cha, truyền đánh cha 15 roi.

Có lần thay vì bảo bước qua Thánh giá, quan bảo cha Hạnh bước qua ảnh Đức Mẹ. Đã không bước qua, cha còn cúi xuống ôm hôn ảnh Đức Mẹ. Quan tức giận cho đánh 100 roi.

Quan cho người vào nhà tù dụ dỗ hai cha bỏ đạo. Có người bảo cha Hạnh : “Ông không thoát chết đâu, bỏ đạo đi”. Cha Hạnh đáp : “Phải, sự chết đã hẳn rồi. Trước đây tôi chẳng được sự ấy, thì lấy làm buồn lắm”.

Lần khác có người dụ dỗ cha Hạnh bỏ đạo sẽ được làm quan, cha trả lời : “Dù tôi được làm quan ngay ngày hôm nay, tôi cũng không bỏ đạo đâu. Tôi chỉ mong được làm con Đức Chúa Trời thôi”.

Ngày 1-8-1838, hai cha bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định. Cha Duệ 83 tuổi được khiêng bằng võng; còn cha Hạnh 66 tuổi đi bộ, vai mang gông. Đến pháp trường, cha Hạnh nói với cha Duệ : “Đến nơi rồi !”. Cha quay ra nói với giáo dân : “Anh chị em ở lại bình an, hai chúng tôi về thiên đàng hưởng phúc vô cùng”. Lính chém đầu hai cha.

BTM : Lời tuyên xưng đức tin của các thánh tử đạo Đại Hàn và Việt Nam, riêng hai cha Duệ và Hạnh là hình ảnh sống động lời tuyên xưng của các tông đồ trong BTM thánh lễ hôm nay.

Chúa Giê-su đã hỏi các tông đồ : “Người ta nói Con Người là ai ?” (Mt 16,13). Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16,14).

Sau khi các tông đồ cho Chúa biết dư luận quần chúng, thì Chúa hỏi ý kiến chính các ông : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” (Mt 16,15). Ông Phê-rô đại diện thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Thánh Phê-rô không xếp Chúa vào hàng các ngôn sứ, song Chúa là “Đấng Kitô”, là  “Đấng Thiên sai”, là “Thiên Chúa”.

Với lời tuyên xưng tuyệt vời do Chúa Cha mặc khải, Chúa Giê-su đặt thánh Phê-rô làm giáo hoàng, làm người đứng đầu Giáo Hội.

Bđ1 : Bđ1 nói về việc ông Sép-na, tể tướng trong triều đại vua Khít-ki-gia, bị Chúa phế bỏ : “Đức Chúa phán : Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị”, vì ông Sép-na sống trong xa hoa giầu có. Ông đã xây mồ mả cho ông thật đẹp (Is 22,16). Ông thích cỡi những con ngựa quí (2V 18,23-24).

Qua câu chuyện Chúa truất phế ông Sép-na, những người lãnh đạo, dầu được Chúa chọn, cũng phải sống ngay chính, đạo đức. Nếu không sẽ bị Chúa phế bỏ.

Bđ2 : Với đoạn thư Rô-ma trong bđ2, thánh Phao-lô đã ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau khi kể lại việc dân Do thái cũng như dân ngoại không vâng phục Thiên Chúa, nhưng Chúa không nhớ đến tội lỗi, Chúa vẫn thương xót. Do đó, thánh Phao-lô đã lên tiếng ca ngợi :  “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào” (Rm 11,33).

Trong gia đình chúng ta, Chúa sắp đặt mỗi người một địa vị, một nhiệm vụ : người làm cha, người làm mẹ, người làm con. Tuy nhiên trong cuộc sống, có người đã không sống xứng với địa vị, bỏ bê nhiệm vụ. Dầu vậy, Chúa vẫn bỏ qua lỗi lầm, Chúa vẫn thương, Chúa vẫn nâng đỡ gia đình chúng ta. Chúa thương yêu gia đình chúng ta biết bao! (24-8-2014)

—————————————–

CN.21.A

Chúng ta thường thấy các vị giám mục đội mũ cao, mặc áo tím, cầm gậy vàng giống như một ông vua. Giáo Hội Việt Nam đã có một vị  giám mục trong ngày phong chức đội mũ giấy do tay mình dán, mặc áo vá do tay mình khâu, cầm gậy tre do tay mình chặt ở bụi về, nơi phong chức là căn hầm đào dưới lòng đất. Đó là Đức cha Valentinô Ôchoa, người Tây Ban Nha, tên Việt Nam là Vinh, giám mục giáo phận Trung, ngày nay là Bùi Chu.

Đức cha Valentinô Vinh là con nhà nghèo không có tiền đi học. 12 tuổi Đức cha theo ba đi làm thợ mộc cho một nữ tu viện Đaminh. Tại tu viện, Đức cha gặp được một vị linh mục dòng Đaminh làm linh hướng nhà dòng giúp đở. Ngòai giờ lao động, Đức cha được cha linh hướng dạy học và được nghe kể chuyện các vị truyền giáo tử đạo ở Việt Nam. Từ đó Đức cha ước mong được làm linh mục để sang Việt Nam truyền giáo. Sau 6 năm chịu khó học hành, Năm 18 tuổi Đức cha được giới thiệu vào chủng viện. Ngày 14-8-1851, năm 24 tuổi, Đức cha được chịu chức linh mục và được giữ lại làm linh hướng cho chủng viện, nhưng lòng cha vẫn hướng về Giáo Hội Việt Nam. 6 năm sau, năm 1857 Đức cha cùng với 7 linh mục xuống tầu sang Manila để đến Việt nam. Ngày 30-3-1858 Đức cha đặt chân lên đất Việt Nam và về Kiên Lao, Thái Bình trình diện Đức cha Xuyên.

 Biết mình sắp bị bắt, Đức cha Xuyện chọn cha Vinh làm giám mục phó. Đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14-6-1858, lúc 2g sáng lễ phong chức được cử hành dưới căn hầm ở nhà ông trùm Chi xứ Ninh Cường, Bùi Chu. Một tháng sau Đức cha Xuyên  bị bắt, Đức cha Vinh kế vị. Suốt 3 năm làm giám mục Đức cha phải ẩn trốn trong căn hầm ở nhà anh Thăng xứ Tử Nê, Bắc Ninh. Có lần Đức cha khấn với Đức Mẹ : nếu Đức Mẹ cho giáo phận được an bình, khỏi bị bắt bớ, thì Giáo phận sẽ xây dựng một đền thờ dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đó là Đền thánh Phú Nhai bây giờ.

Cuộc bắt đạo ở Bùi Chu quá gắt gao, Đức cha lánh sang Hải Phòng, nhưng ngày 25-10-1861 Đức cha bị bắt. Bị giam trong tù ít ngày, ngày lễ Các Thánh 1-11-1861 Đức Cha bị chém đầu tại pháp trường Năm Mẫu, Hải Dương. Xác Đức cha phải chôn tại chỗ. 4 tháng sau giáo dân mới được cải táng đem về chôn tại nhà thờ Thọ Ninh, Bắc Ninh. Xác Đức cha vẫn tươi như khi còn sống.

BTM : Khi thụ phong giám mục, Đức cha Vinh còn đội mũ giấy, áo vá, gậy tre, tòa giám mục trong căn hầm dưới lòng đất. Chứ thánh Phêrô được Chúa Giêsu phong làm giáo hòang chẳng có gì. Nơi cử hành lễ phong chức là miền Xêdarê Philipphê, miền của dân ngoại

Xêdarê là vua Xêda của Rôma; Philipphê là ông Philippê, con vua Hêrôđê. Xêdarê Philipphê thuộc nước Syri, cách hồ Galilê khoảng 50 cây số. Xêdarê Philipphê có một ngọn đồi lớn, trong đó có một hang động rất đẹp. Người ta tin rằng hang động này là nơi thần Pan, thần thiên nhiên, sinh ra. Người Syri còn xây dựng nhiều đền thờ thần Baan, thần gió bão, thần nông nghiệp.

Nịnh bợ người Rôma, vua Hêrôđê xây một đền thờ bằng đá cẩm thạch trắng tóat để kính hòang đế Xêda. Sau này con ông là Philipphê chỉnh trang lại cho đẹp hơn.

Tại miền đất ngoại giáo và vô số đền thờ thần ngoại này, Chúa Giêsu đã phong chức giáo hòang cho thánh Phêrô. Chúa Giêsu tuyên bố : “Anh là Phêrô , nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thày, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Bđ1 : Ngày lễ thụ phong giáo hòang của thánh Phêrô, và ngày lễ thụ phong giám mục của thánh Valentinô Vinh không có lễ đài, không có cờ quạt, không có kèn trống, không có đông đảo giáo dân. Mọi sự đều âm thầm, đều đơn giản. Thế nhưng đó là một lễ phong chức chinh hiệu, vì thánh Phêrô, thánh Valentinô, những con người  được thụ phong, thực sự là những đấng thánh, là những vị yêu Chúa và thương dân.

Trái lại, tể tướng Sép-na, thủ tướng của triều vua Khít-ki-gia của nước Do Thái  vào thế kỷ 8 trước công nguyên, tuy chức trọng quyền cao, nhưng bản chất là con người hèn hạ, thiếu đạo đức. Thay vì khuyên vua cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa, thì ông khuyên vua cậy trông vào binh lực của người Ai Cập. Vì thế, ông Sép-na bị Thiên Chúa loại bỏ. Qua ngôn sứ I-sai-a trong bđ1, Thiên Chúa phán : “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ. Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị” (Is 22,19).

Bđ2 : Khi ông Samuen chọn lựa người làm vua dân Ítraen thay cho vua Saun, Thiên Chúa căn dặn : “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm; người phàm chỉ nhìn thấy điều mắt thấy; còn Thiên Chúa nhìn thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7).

Suy gẫm vào việc Chúa chọn thánh phêrô và thánh Valentinô, chúng ta phải  kêu lên như thánh Phaolô trong bđ2 : “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào !” (21-8-2011)

———————————————-

CN.21.A

Tận mắt thấy cảnh hòang đế Nêrô bắt đạo và giết các tín hữu, thánh Phêrô sợ hãi chạy trốn ra khỏi thành Rôma. Khi ra tới công thành, gặp Chúa Giêsu đi vào thành, thánh Phêrô hỏi Chúa : “Chúa ơi, Chúa đi đâu đấy ?” (Quo vadis, Domine ?). Chúa trả lời : “Thày vào thành Rôma để vác Thánh Giá một lần nữa”. Nghe vậy, thánh Phêrô quay lại để chịu chết tử đạo.

Nhà văn Balan Sienkievich đã viết một tập truyện tả lại cảnh hòang đế Rôma bắt bớ giết các tín hữu. Nhà văn đã lấy câu thánh Phêrô hỏi Chúa “Quo vadis, Domine” làm nhan đề. Tập truyện được giải thưởng Nobel Văn Học năm 1905. Tập truyện kết thúc với những dòng chữ sau đây : “Thế lá qua đi Nêrô như đã qua đi cơn lốc, giông bão, hỏa hoạn, chiến tranh hay một cơn ác mộng; còn nhà thờ lớn của ông Phêrô cho tới nay vẫn đang ngự trị thành đô và thế giới từ trên cao nguyên Vaticanô” (trang 801).

Hòang đế Nêrô tưởng rằng giết được thánh Phêrô, giết chết những người có đạo là đạo Chúa sẽ hết, sẽ tàn. Nhưng không ngờ chính hòang đế Nêrô mới hết, mới tàn; còn đạo Chúa vẫn đứng vững cho tới ngày nay. Đúng như lời Chúa nói với thánh Phêrô trong BTM thánh lễ hôm nay : “Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (MMt 16,18).

BTM : Theo BTM, trước khi đặt thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh, Chúa Giêsu đưa các tông đồ lên phía Bắc, tới thành Xêdarê Philipphê và hỏi các tông đồ nhận xét thế nào về Chúa.

Đây là một thành phố của người ngoại giáo, có hàng chục đền thờ thờ các thần ngoại giáo. Ông Philipphê còn tạc một tượng vua Xêdarê bằng cẩm thạch thật lớn, đặt trong đền thờ. Chúa Giêsu không đưa các tông đồ về Giêrusalem, có đền thờ của Chúa, mà lại đưa đến một nơi ngoại giáo, có các đên thờ ngoại giáo. Như thế Chúa muốn các tông đồ : chọn Chúa hay chọn các thần ngoại giáo ?

Bđ2 : Bđ2 là lời ca ngợi của thánh Phaolô về kế hoạch Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại. Thánh Phaolô ca ngợi : “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò thấu ! Đường lối của Người ai theo dõi được !… Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời” (Rm 11,33.36).

Nhìn về Hội Thánh Chúa thiết lập, qua 2000 năm, với bao sóng gió, thử thách, đau thương, Hội Thánh Chúa vẫn đứng vững. Đường lối của Chúa thật kỳ diệu.

Bđ1 : Càng kỳ diệu hơn khi thấy Hội Thánh vẫn tồn tại, mặc dầu có những nhà lãnh đạo không được như Chúa muốn. Biết bao lãnh đạo của Hội Thánh giống như ông Sépna trong bđ1. Chúa đã chọn ông làm tể tưởng triều đình, nhưng ông đã không sống theo đúng chức phận. Ông bị Thiên Chúa tống ra khỏi chức vụ, đuổi ra khỏi địa vị, và chọn người khác thay thế.

Thánh Bênađô đã suy nghĩ về Hội Thánh như sau : “Hội Thánh là đối tượng của bọn kiêu căng khinh chê, nhưng là hiền thê của Đức Kitô. Hỡi nữ tử Giêrusalem, nàng đen mà đẹp. Nàng xanh xao nhợt nhạt, vì mệt mỏi đau khổ qua cuộc lưu đày dài đằng đẵng; song nàng được trang sức bằng nữ trang thượng giới” (Sách Giáo Lý, số 771).

Hãy cầu nguyện cho Hội Thánh (24-8-2008).

—————————————-

CN.21.A

Bài TM hôm nay nói đến địa vị giáo hòang của thánh Phêrô, của Giáo hội Công giáo. Và hôm nay cũng là ngày kính nhớ thánh giáo hòang Piô X, người kế vị thánh Phêrô. Nhìn lại cuộc đời của thánh giáo hòang Piô X và các Đức Giáo hòang mới thấy lời Chúa nói với thánh Phêrô là đúng : “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18).

Trong chúc thư, Đức giáo hòang Piô X viết : “Tôi sinh ra nghèo khó, tôi sống nghèo khó, và tôi cũng muốn chết nghèo khó.” Ngài sinh ngày 2-6-1835 trong một gia đình nghèo ở làng quê Ri-ê-sê, gần thành Vê-ni (Venise), nước Ý. Ngài được cha mẹ đặt tên là Giuse Sartô. Ngài là con thứ 2 trong số 10 người con. Gia đình ngài nghèo đến nỗi không có đủ tiền cho ngài đi học. Nhờ cha sở giúp đỡ ngài mới được đi học. Mẹ ngài mua cho ngài một đôi giầy để đi học; nhưng biết gia đình mình nghèo, ngài chỉ mang khi ở nhà, ra khỏi nhà ngài tháo ra vác trên vai, tới trường mới lại xỏ vào.

Tính tình nhu mì dễ thương, ngài được vào ban giúp lễ. Cũng từ đó ngài muốn đi tu làm linh mục. Mẹ ngài sung sướng khi nghe con nói; còn cha ngài thì lo lắng, vì không có tiền để con đi tu. Năm 17 tuổi, khi còn đang học trong Đại Chủng Viện, cha ngài qua đời, ngài muốn về giúp mẹ để nuôi các em, nhưng mẹ ngài không bằng lòng, chỉ muốn con dâng mình cho Chúa. Ngài chịu chức linh mục ngày 28-9-1858, khi mới có 23 tuổi. Ngài làm phó xứ 9 năm, cha sở 8 năm. Sau đó được gọi về Tòa Giám Mục làm việc, rồi làm giám đốc Đại Chủng Viện. Năm 1884, 49 tuổi, ngài được chọn làm giám mục. Ngài cho mẹ ngài xem chiếc nhẫn giám mục, và mẹ ngài cũng cho ngài xem chiếc nhẫn cưới bạc mầu và nói : “Không có chiếc nhẫn của mẹ thì chẳng có chiếc nhẫn của con.”. Năm 1903, 68 tuổi,  ngài được chọn làm giáo hòang, lấy danh hiệu là Piô, với khẩu hiệu “Đổi mới mọi sự trong Chúa Kitô.

Như khẩu hiệu của ngài, thánh giáo hòang Piô X đã đổi mới Phụng Vụ, Kinh Thánh,  giáo luật, giáo lý… Ngài đã đi vào lịch sử, với danh hiệu “Vị Giáo hòang của Thánh Thể”, khi  cho phép trẻ em 7 tuổi được rước lễ lần đầu thay vì 14 tuổi, và ngài khuyến khích người ta năng rước Chúa. Ngài cũng thay đổi bộ máy của Tòa Thánh. Có lần ngài tâm sự với một người bạn cũ : “Người ta dắt tôi vào chỗ đầy lính tráng bao vây, như Chúa Giêsu khi bị bắt trong vườn Cây dầu.

Năm 1914, khi vua nước Áo và Hungari khơi mào thế chiến I, muốn ngài chúc lành cho quân đội của họ, ngài trả lời : “Tôi chúc bình an, chứ không chúc chiến tranh.”  Ngày 20-8-1914, 20 ngày sau khi thế chiến I bùng nổ, ngài qua đời. Trước khi qua đời  ngài nói : “Các con yêu dấu, cha hiến dâng mạng sống của cha. Hằng triệu người chết… Cha muốn giúp tránh chiến tranh, nhưng lực bất tòng tâm.”.

Sau thánh lễ an táng, Đức Hồng y Cascioli nói : “Thiên Chúa sẽ tôn vinh vị giáo hòang này cho thế gian với ba triều thiên : nghèo khó, khiêm nhường, và hiền lành.

Đức Giáo hòang Piô X cũng như các vị  giáo hòang khác theo gót thánh Phêrô, Đức Giáo hòang tiên khởi.

Khi Chúa Giêsu hỏi các tông đồ : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?”, thì thánh Phêrô đại diện cho các tông đồ tuyên xưng : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thánh Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu vừa là “Đấng Kitô”, tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu thóat như dân Do Thái mong đợi, vừa là “Con Thiên Chúa hằng sống”, tức là Thiên Chúa.

Với lời tuyên xưng đó, Chúa Giêsu bảo thánh Phêrô : “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

Nhà văn Balan, Henryk Sienkievich, viết cuốn “Quo Vadis” (Thầy Đi Đâu Đấy) để diễn tả cảnh bắt đạo dã man của hòang đế Rôma Nêrô và những cái chết anh hùng của thánh Phêrô và các vị tử đạo. Kết thúc trang sách, nhà văn viết : “Trong nháy mắt cái chết đã bao trọn đầu ngài. Máu từ cái cổ to bự phun thành một dòng đen kịt lên những đóa hoa vườn. Hai chân ngài bắt đầu dụi dụi đất – Và ngài tắt nghỉ… Và thế là qua đi Nêrô, như đã qua đi cơn lốc, giông bão, hỏa họan, chiến tranh hay một cơn ác mộng; còn nhà thờ lớn của ông Piotr (Phêrô) cho tới nay vẫn đang ngự trị thành đô và thế giới từ cao nguyên Vatykan.” (Nguyễn Hữu Dũng dịch, Nhà Xuất Bản Văn Học, 2004, trang 815).

Hòang đế Nêrô và thánh Phêrô tất cả đều qua đi; nhưng một bên để lại là “cơn lốc, giông bão”… , còn một bên để lại là “nhà thờ đang ngự trị thành đô và thế giới”, vì một bên là bạo chúa, một bên là đấng thánh.

Bđ1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay Chúa đã hạ bệ Sép-na, vị tể tướng trong triều đình vua Khí-ki-gia nước Giu-đa, vì ông sống xa hoa, đặc biệt là xây mộ cho mình. Chúa nói : “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ. Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.” (Is 22,19).

Bđ2 : Trái lại, qua bđ2, thánh Phaolô đã lên tiếng chúc tụng Chúa, vì “sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò thấu được ! Đường lối Người ai theo dõi được!” (Rm 11,33). Vì thế, thánh Phaolô chỉ gắn bó với Chúa, thà mất mọi sự còn hơn mất Chúa. Thánh Phaolô cũng là một thủ lãnh gương mẫu trong Hội thánh.

Hội thánh tồn tại, vì Hội thánh là của Chúa, và có những vị lãnh đạo thánh thiện (21-8-2005)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành