Chúa Nhật XXI TN C


CẤP BÁCH CHIẾN ĐẤU ĐI VÀO CỬA HẸP NƯỚC TRỜI
Tuần 21 Thường Niên (Hội An 21/8/2002)

Khi được hỏi về mối nguy cơ mới nào đang đe dọa đời sống tín hữu thời đại này, Đức Bênêđíctô chia sẻ: ngày nay người ta không truy nã hay đàn áp Ki-tô hữu cách công khai, mà người ta tỏ vẻ khoan dung, cởi mở đón nhận mọi suy nghĩ, đề cao tự do sống ngoài đòi buộc của Phúc Âm. Tưởng thế là khoan dung, nhưng thực ra, họ tìm mọi cách triệt tiêu đức tin bằng cách kết án đức tin thiếu khoan dung, kết án Hội Thánh bảo thủ, cuồng tín. Dù vậy, Hội Thánh vẫn trung thành chọn sống theo đức tin được các tông đồ truyền lại, chọn sống theo những lời Chúa Giê-su dạy bảo, như chọn đi vào cửa hẹp được Chúa Giê-su nói đến, được Ngài ví là chính Ngài: “Ta là cửa cho chiên,” vì Hội Thánh biết rằng cửa Giê-su là cửa mở vào sự sống đời đời.
1. Cửa hẹp Nước Trời luôn mở cho mọi dân tộc
Trình thuật Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giê-su đang trên đường lên Giêrusalem sẵn sàng cho cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Bấy giờ có một người hỏi Chúa: “Thưa Ngài, phải chăng chỉ có một số ít được cứu độ?” Khi hỏi như thế, ông ta đinh ninh rằng ơn cứu độ chỉ dành cho số người được chọn là dân tộc Israel của ông, còn các dân tộc khác phải đứng ngoài. Có lẽ ông nghĩ rằng hỏa ngục thì đầy người, còn Nước Trời thì lác đác vài người. Đối với Chúa Giê-su, không phải chỉ dân Israel mới có visa vào Nước Trời, bởi Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người, cả những người ngoài Do Thái. Sách Khải Huyền nói đến sự thật đó trong cảnh tượng tưng bừng ở Nước Trời có đông đảo người quây quần bên Con Chiên: “một đoàn người thật đông không thể nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Vì thế, thay vì trả lời câu hỏi phải chăng chỉ có ít người được cứu độ, Chúa Giê-su chỉ dẫn cho mọi người biết làm thế nào để được cứu độ và gấp rút thực hiện điều đó trước khi quá muộn.
Chúa bảo chúng ta “hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24). Chúa Giê-su không bao giờ lừa dối con người. Ngài không tìm sự ủng hộ và tiếng vỗ tay của con người để nói rằng đường vào Nước Trời rộng thênh thang hoặc cho phép những người đi vào con đường ấy sống thoải mái theo ý riêng, không cần một nỗ lực sống thánh nào. Chúa Giê-su không chiều theo thị hiếu của đám đông để nói con đường vào Nước Trời là con đường dễ dãi, muốn làm gì thì làm, cứ buông trôi theo đám đông. Không. Chúa nói với chúng ta sự thật, sự thật thế nào Chúa nói như vậy: cửa vào Nước Trời là cửa hẹp. Chúa cho biết cửa rộng rãi buông thả không phải là cánh cửa mở vào ơn cứu độ, mà nó sẽ đưa dẫn con người kết thúc trong trống rỗng và đi vào chỗ chết đời đời; còn cửa hẹp là cửa đưa con người vào cõi sống.
“Hẹp” không có nghĩa kích thước của nó hẹp, nhưng “hẹp” vì sự đòi hỏi của nó. Giải thích con đường hẹp này, Đức Bênêđíctô đã nói, Đấng Cứu Độ mời gọi chúng ta vào dự tiệc hằng sống với chỉ một điều kiện và là điều kiện duy nhất, đó là sống theo Chúa Giê-su, sống với Chúa Giê-su và theo gương Chúa mang thập giá hiến tế, để cống hiến cho ơn cứu độ của anh chị em mình. Theo Đức Bênêđíctô, những ai muốn đi vào Nước Trời phải biết từ bỏ những gì vướng víu, kềnh càng như tội lỗi, đam mê điều xấu xa hay tính ích kỷ mà can đảm chấp nhận sự khó nhọc dấn thân lo cho phần rỗi anh chị em mình. Chúa không cho phép bất cứ ai quyền nới rộng cửa theo ý mình hay theo thị hiếu của đám đông, mà chỉ có cửa duy nhất vào Nước Trời là cửa hẹp, là sống theo Chúa Giê-su. Vì hẹp, nên ít người tìm thấy nó và ít người chọn bước vào.
2. “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”
Chúa nói, cửa hẹp đòi hỏi chúng ta phải chiến đấu mà vào. Thánh Phaolô giải thích thêm, đó là cuộc “chiến đấu cao đẹp vì đức tin” (1Tm 6,12). Chúng ta không thể nói với Chúa “con từng là bạn của Chúa, là thân hữu của Chúa, vì con đã được ăn uống với Chúa, được nghe Chúa giảng dạy. Con từng là hồng y, từng là giám mục, từng là linh mục, từng là tu sĩ làm đến chức cao, từng là giáo dân thuộc hội đoàn này, hội đoàn khác v.v” nên nay con có điều kiện để vào Nước Trời.” Có thể bấy giờ Chúa nói với chúng ta: “Ta không biết các ngươi.” Vì sao? Vì những chức vụ và tước hiệu chúng ta có là do Chúa ban để chúng ta vượt thắng những ước muốn ngu xuẩn, lánh xa đời sống buông thả, để trở nên công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người cho đến ngày Chúa đến. Những tước vị và chức vụ đó không có thế lực ở Nước Trời. Chúa cần một đời sống chiến đấu làm sáng danh Chúa minh chứng chúng ta đang đi vào cửa hẹp, đang đi vào cửa sự sống. Có gì khó chiến đấu cho bằng chống trả tội lỗi và những đam mê thấp hèn nơi chính bản thân? Có gì khó vượt thắng cho bằng từ bỏ ý riêng để đón nhận thánh ý Chúa và can đảm đảm trách bổn phận truyền giáo? Đến đây, chúng ta hãy lặp lại lời lẽ đầy đức tin của Gio-suê tại đại hội Sikhem: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em tùy ý chọn… Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi thờ phượng Đức Chúa” (Gs 24,15).
Nhận thức cửa vào Nước Trời là cửa hẹp, bước theo Chúa Giê-su là can đảm đi vào đường thánh giá, là chấp nhận sống đời Ki-tô hữu, điều đó cần thiết với mỗi chúng ta lúc này. Tuy nhiên, mạnh dạn bước vào cánh cửa hẹp của Nước Trời là điều cấp bách được Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta ngay lúc này, kẻo khi Chủ nhà đã đóng cửa lại, bấy giờ mọi sự trở nên quá trễ đối với chúng ta.
Xin Chúa cho chúng con hiểu rằng: theo Chúa là chấp nhận đi vào cánh cửa hẹp, là theo Chúa trên con đường thánh giá phục vụ và làm sáng Danh Chúa Cha. Xin cho con biết từ bỏ con đường dễ dãi, buông thả, nhưng dám đặt cuộc đời con vào tay Chúa, để con sống tin yêu Chúa và kiên tâm sống theo lời Chúa dạy như đi vào cửa hẹp vậy. Lạy Mẹ Maria, giúp trợ giúp con.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

 

CN 21 TN NĂM C

21-8-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo họ Mông Triệu

 

GIÁO HUẤN SỐ 39

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Các môi trường thích hợp

 

Chúng ta cần làm cho tất cả các cơ chế của chúng ta được trang bị tốt hơn, để trở nên hấp dẫn hơn đối với người trẻ, vì thực sự rất nhiều người có cảm giác bị bỏ côi cút. Ở đây tôi không qui chiếu đến những vấn đề gia đình, nhưng là muốn nói đến một kinh nghiệm nào đó của các chàng trai và các cô gái, của người trẻ và người trưởng thành, của các bậc cha mẹ và các con cái. Đối với tất cả những kinh nghiệm’mồ côi’ này – có lẽ bao gồm cả chúng ta – thì các cộng đoàn như giáo xứ hay trường học, nên cung ứng các cơ hội để người ta cảm nghiệm tình yêu vị tha và sự triển nở, sự khẳng định chính mình và trưởng thành. Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy họ đã kế thừa những giấc mơ bất thành của cha mẹ và ông bà, những giấc mơ bị phản bội do bất công, do bạo lực xã hội, do ích kỷ và thiếu quan tâm đến người khác. Nói tắt, họ cảm tấy bị bật rễ. Nếu người trẻ lớn lên trong một thế giới tan hoang, rất khó để họ giữ sống động được ngọn lứa của những giấc mơ và những kế hoạch lớn. Nếu họ lớn lên  trong một sa mạc trống rỗng ý nghĩa, thì làm sao họ nuôi dưỡng được một khát vọng dâng hiến đời mình để gieo các hạt giống ? Kinh nghiệm về sự đứt đoạn , sự trốc rễ, và sự sụp đỗ những điểm tựa nền tảng – được nhấn thêm bởi nền văn hóa truyền thông ngày nay – gây ra một cảm thức mồ côi sâu xa, mà chúng ta phải đáp ứng bằng cách tạo lập một môi trường huynh đệ có sức lôi cuốn, ở đó những người ta có thể sống có định hướng (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 216).

CN 21 TN NĂM C

Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30

Lòng đạo đức các giáo dân VN tiên khởi

Cụ Phaolô, cố vấn của hoàng tử trấn thủ Quảng Nam, đã sống trong chay lạt cầu nguyện (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở VN,I,73)

Cụ Phê-rô từ khi về hưu, đã sống cảnh tu trì luyện đạo. Muốn cho tinh thần sảng khoái để dễ bề chiêm ngắm đạo lý lẽ trời, cụ ăn chay không ăn thịt, ăn cá, mỗi ngày chỉ húp một chén cháo lỏng, có khi 2,3 ngày mới dùng bữa một lần Người ta bảo cụ đã thành tiên, tranh nhau đến xin bùa hộ mệnh, lá số và thuốc tiên (NH.,sdd, t.72).

Cậu Inhaxu 14t cha mẹ cấm ăn chay (NH, sđd, 195)

Nhân ngày sinh của quan tuần phủ Hưng Yên, một đại tiệc dọn ra cho các gia nhân, và cho mời cha Bombin. Ngày ấy nhằm thứ sáu, người Công giáo kiêng thịt. Quan tuần nói với gia nhân rằng : “Ta không muốn đề cao cũng không chỉ trích đạo nào cả, nhưng ta muốn xem ai trong các ngươi vâng lời ta không, vì ta muốn hết mọi người phải ăn thịt trong ngày hôm nay”. Cha Bombin nói với người đầu bếp, song có ý để quan nghe : “Ông cứ dọn toàn thịt thôi. Nếu ai không ăn quan đánh cho 50 roi, rồi đuổi ra khỏi nhà”. Giờ ăn đến, 7 người có đạo không ăn. Trước khi đánh đòn, ông trách mắng. Bảy người trả lời rằng họ là người có đạo phải vâng luật Giáo Hội là không ăn thịt ngày thứ sáu, và họ sẵn sàng chịu đòn. Quan giả làm nghiêm, dạy nọc 7 người ra đánh. Tất cả nằm xuống. Nhưng quan không đánh, còn khen : “Nếu các ngươi không trung thành với Đấng các ngươi thờ, thì các ngươi trung thành với ta sao được ?”. Rồi ông nói với 7 người : “Các ngươi quả thật là tôi trung, xứng đáng là gia nhân của ta” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội CG ở VN,T.II,tr.19-20).

Cha thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm : Để công việc tông đồ được kết quả tốt, cha thiết tha cầu nguyện với Đức Mẹ và ăn chay một tuần hai ngày thư tư và thứ bảy. Ngài nói : “Lời cầu nguyện phải đi đôi với việc hy sinh hãm mình, có như thế thì công việc tông đồ mới mong có kết quả tốt, và mới được Chúa và Đức Mẹ chúc phúc” (Nguyễn Đức Việt Châu, Hạnh Tich CTTĐVN, tr.478).

Cha Vinh Sơn Nguyễn Thời Điểm 77t, sống khắc khổ, ăn chay mỗi tuần hai ngày thứ tư và thư sáu (BĐS, sđd, II.140)

Cha Phêrô Trương Văn Thi 76t là một linh mục nhân đức, mỗi ngày đọc kinh ba bốn giờ, cử hành thánh lễ trang nghiêm, ăn uống đạm bạc, thường ăn chay các ngày thứ sáu, mặc dầu sức khỏe yếu kém, với chứng đau dạ dầy.Thừa sai Jeantet Khiêm kể : Tôi quen biết người từ năm 1835, tôi phục người về lòng đạo đức thâm sâu, đức tính hiền hòa, khôn ngoan và kỷ luật” (BĐS,II,171).

Cha Dũng Lạc sống nhiệm nhặt. Ngoài những ngày chay tịnh theo luật Giáo Hội, cha còn giữ suốt mùa chay, nhiều khi suốt cả ngày thứ sáu thứ bảy quanh năm. Bữa ăn của cha như một dân quê nghèo. Thường xuyên cha chỉ dùng nhũng món ăn đơn giản (BĐS,II,172)

Thời gian chờ đợi trong tù, các tín hữu xin được phép mang cơm hằng ngày, hai cha Thi và Dũng vẫn tìm cách hãm mình, bảo họ đừng mang thịt hay cá. Các ngài vẫn giữ chay các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Thừa sai Jeanet Khiêm viết thư vào đề nghị cha già Thi bớt khổ chế, cha vẫn không thay đổi (BĐS,II,174).

Cha Giuse Nguyễn Đình Nghi 47t chuyên chăm việc giảng dạy, siêng năng ngồi tòa, rất đạo đức. Cha có biệt tài giúp tội nhân ăn năn hối cải. Cha ăn chay nhiều ngày nhiệm nhặt, các thày giảng lo cho sức khỏe của cha, đã can gián cha nhiều lần (BĐS,II,203)

Cha Lê Bảo Tịnh ăn chay các ngày thứ sáu, nằm đất (BĐs,II,315.318).

Anh Lôrensô Ngôn trong tù ăn chay mỗi tuần ba ngày (BĐS,II,457)

Cụ Phêrô từ khi cáo lão về hưu, đã sống cảnh tu trì luyện đạo nghêm ngặt. Muốn cho tinh thần sảng khoái để dễ bề chiêm ngắm đạo lý và lẽ trời, cụ ăn chay lạt, không ăn thịt cá, mỗi ngày chỉ một ít cháo lỏng, có khi 2,3 ngày mới dùng bữa một lần. Người ta bảo cụ đã thành tiên, tranh nhau đến xin bùa hộ mệnh, lá số và thuốc tiên (NH.T I, t 72)

Cụ Phaolô, cố vấn quan Quảng Nam, ăn chay lạt và cầu nguyện. Tránh những tiệc tùng đầu xuân. Cụ tìm nơi thanh vắng cầu nguyện, chiêm niệm (NH.I,t 73)

Đời sống đạo đức của giáo dân VN tiên khởi hợp với Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1 (66, 18-21): Cha Sullivan viết : ‘Ngôn sứ viết đoạn văn này cho những người Do Thái từ nơi lưu đày trở về vào năm 538 tCN. Mục đích là an ủi họ, khi thấy thành Giê-ru-sa-lem tan hoang, quê hương nghèo đói. Giê-ru-sa-lem sẽ hưng thịnh, các dân nước sẽ tìm đến. Nó sẽ trở thành trung tâm cho các dân tộc từ các nơi tìm đến học biết Thiên Chúa (The Sunday Readings, trang 310).

Bài Tin Mừng (Lc 13,22-30): BTM hôm nay kể : ‘Có kẻ hỏi Người : Thưa Ngài, những người được cứu rỗi thì ít, có phải không ? Người bảo họ : Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào’ (Lc 13,24).

Bài đọc 2 (Dt 12,5-7.11-13): Thư Do Thái trong bđ2 viết : “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy. Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú, mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước” (12,7.11-13).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý

Xin cho tất cả chúng con  biết yêu luât Chúa truyền

và mong điều Chúa hứa

Để dầu sống giữa thế sự thắng trầm

Chúng con vẫn nuôi một lòng thiết tha

với cõi phúc chân thật

Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

 

Lm Giuse Nguyễn Trung Thành