Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm A
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Ngày 03/9/2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tam Thành
Giáo họ Tam Lộc
GIÁO HUẤN SỐ 41
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Một giáo huấn của Giáo Hội thường bị bỏ qua (tt)
Công đồng Orange thứ hai đã dạy với thẩm quyền vững chắc rằng con người không thể đòi hỏi gì, xứng đáng gì, cũng không thể mua được ân sủng thần linh, và rằng tất cả sự cộng tác với ân sủng ấy chính là ân ban tiên vàn của nó. Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng ta nhờ sự tuôn tràn và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì thế công đồng Trentô , trong khi nhấn mạnh tầm quna trọng của việc chúng ta cộng tác trong công cuộc trưởng thành tâm linh, đã tái xác nhận giáo lý ấy : ‘Chúng ta được công chính hóa cách nhưng không, vì không có gì đi trước sự công chính hóa, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà xứng đáng với ơn công chính hóa, vì nếu do ân sủng thì không còn dựa vào việc làm nữa, nếu chẳng vậy, thì ân sủng đâu còn là ân sủng nữa (Rm 11,6)’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 53).
LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Gr 20, 7-9
“Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa
Xướng: Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước!
Xướng: Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.
Xướng: Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.
Xướng: Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con.
Bài Ðọc II: Rm 12, 1-2
“Anh em hãy hiến thân làm của lễ sống động”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 16, 21-27
“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Hành trình sang Viễn Đông
Đức cha Lambert, từ nay được gọi là giám mục Beryte, đề nghị với giám mục Helipolis (Pallu) để mình lên đường trước bằng cách vượt Địa Trung Hải, rồi đi đường bộ tới vùng Ấn Độ Dương. Người ta đồng ý, và ngài khởi hành ngày 18-7, tay chống gậy, cùng đi với linh mục Bourges, người sau này làm giám mục hiệu tòa Auren là một trong các đại diện tông tòa ở giáo phận Đàng Ngoài, và với một người giúp việc. Ngài không bảo cho một ai trong nhà ngài cư trú, thậm chí em ruột ngài cũng chỉ hay được khi ngài rời Paris nhiều ngày. Qua việc này, nói được là ngài đã để lại một tấm gương cao đẹp và hữu ích cho những người khác noi theo về việc tránh những phiền phức khi chia tay, bởi vì những người quen biết có thể làm chậm trễ hoặc gây trở ngại cho cuộc ra đi.
Đến Lyon ngài vào trung tâm từ thiện như kẻ vô danh; tại đây ngài bị sốt liên tục 52 ngày, đến nỗi phải chịu các phép sau cùng. Ngài sốt sắng đón nhận các phép khiến người ta biết được đây là một con người nhân đức, nhưng không hề biết ngài là ai, và dự định nào khiến ngài phải lưu lạc đến đây. Ngài hôn mê suốt 2 ngày, và khi các bác sĩ đã xem ngài là một bệnh nhân vô phương cứu chữa, khi người ta tin ngài sắp trút hơi thở cuối cùng, thì cơn sốt biến mất. Mọi người ngạc nhiên không thể tin nổi là cùng một người đó chỉ trong chớp nhoáng chuyển từ cơn hấp hối sang hồi phục, từ sắp chết sang sống. Sự thay dổi đột ngột này vượt quá mọi phỏng đoán của nghề nghiệp họ cũng như sức công hiệu của thuốc men.
Thiên Chúa đã bắt đầu thử thách ngài như thế ngay những bước khởi đầu của hành trình. Sau khi đưa ngài đến nấm mồ để tập luyện ngài phó thác cho Chúa Quan Phòng. Người lại rút ngài ra như phép lạ để bảo đảm với ngài là Thhiên Chúa luôn che chở ngài trong những cơn nguy hiểm cực kỳ nhất trong tương lai, cũng như để dạy cho ngài tư nay phải sống như một người đã phục sinh vì lợi ích của lương dân. Ngài phải thông ban sự sống ân sủng cho những con người này đến mức hao mòn cuộc đời ngài, luôn sẵn sàng hy sinh nó để lo việc hoán cải họ, hiến tế nó để phục vụ họ (Jacques-Charles Brisacher, Cao Kỳ Phương chuyển dịch, Cuộc Đời Đức cha Lambert De La Motte, Giám Mục Hiệu Tòa Béryte, trang 124-126).
Lời Chúa ba bài đọc thánh lễ hôm nay cũng nói đến đau khổ.
Bài đọc 1(Gr 20,7-9) : Trong bđ1 của CN 12 năm A, cha Kevin O’Sullivan viết : ‘Ngôn sứ Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ vào tuổi 23. Ngài nói về Giê-ru-sa-lem trong thời Giu-đa gặp khó khăn nhất, Vua quan, tư tế và dân chúng quan tâm đến chính trị hơn là Thiên Chúa. Họ bị lệ thuộc vào Ba-bi-lon và bị nộp thuế cho chính quyền ngoại bang. Họ tìm sự giúp đỡ của người Ai Cập để thoát ách Ba-by-lon, nhưng ngôn sứ Giê-rê-mi-a phản đối. Ngài tiên đoán Ai Cập chẳng giúp được gì, mà Giu-đa còn bị tàn phá, dân chúng bị lưu đày, Đền thờ bị phá hủy, thành phố bị tàn phá. Giê-rê-mia mạnh mẽ tố cáo sự bất trung của dân Chúa. Vì thế, ngôn sứ bị bắt giam một thời gian. Họ quyết định giết ngài, thả ngài xuống giếng. Cuối cùng bị lôi sang Ai Cập và bị dân chúng ám sát.
Bđ1 chúa nhật hôm nay, ngôn sứ đã than van : “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên : ‘Bạo tàn, phá hủy. Vì lời Chúa mà con đây bị xỉ nhục và bị chế diễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ : ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’ (20,5-9).
Bài Tin Mừng (Mt 16,21-27) : Cha Đặng Quang Tiến viết về BTM ; ‘Có một sự thống nhất giữa Chúa Giê-su và những người đi theo Người là đi chung một con đường từ thương khó đến phục sinh. Những điều Chúa Giê-su dạy các môn đệ về sự từ bỏ và vác thập giá được rút ra từ cuộc thương khó của Ngài. Ai chấp nhận chương trình của Thiên Chúa trên mình, người ây cũng sẽ được chung phần vinh quang với Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh (Tin Mừng Được Loan Báo, Năm A, trang 313).
Bài đọc 2 (Rm 12,1-2) : Thánh Phao-lô viết : ‘Anh em đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo’ (Rm 12,2). Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết : ‘Ngài cho thấy rõ mỗi người có chức năng riêng của mình trong Giáo hội: chúng ta thấy ở đây rất khác với cách giữ đạo ở những nơi mà trong thánh lễ, số đông chỉ là’thính giả’ (trang 1960).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, mọi sự tốt lành bởi Chúa mà ra,
xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa,
để những gì đẹp nơi chúng con
ngày càng phát triển,
và được Chúa chăm nom giữ gìn.
Chúng con cầu xin.
SUY NIỆM II
MẤT VÀ ĐƯỢC
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Tối qua 18/8, công an TP. Hà Nội cho biết, khoảng 17h50 chiều cùng ngày, người dân quanh khu vực ngõ 174 Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã phát hiện một cháu bé bị mắc kẹt tại khe tường giữa 2 ngôi nhà. Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp với Công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường tìm cách giải cứu bé sơ sinh. Đến 18h cùng ngày, Công an huyện Gia Lâm đã giải cứu thành công cháu bé. Người ta kể: “Từ khoảng 3h sáng, có mấy bạn nữ ở trên phòng đã thấy em bé khóc, chắc lúc đó bé mới được sinh ra. Buổi chiều, mọi người vẫn nghe thấy tiếng khóc thì mới tìm xung quanh và thấy em bé ở trong khe nhà. Ban đầu, mọi người lại tưởng là con búp bê kẹt trong khe. Sau nhìn lại thấy em bé giãy giãy nên mọi người mới biết là bé sơ sinh”. Ngày 21.8, theo thông tin từ Công an huyện Gia Lâm, sau 2 ngày tiến hành xác minh, sàng lọc, đã xác định được mẹ của bé sơ sinh bị bỏ rơi tên N.K.H. (20 tuổi) hiện đang là sinh viên học năm thứ 2 Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo thông tin, lý do H. vứt con sau khi sinh vì có thai ngoài ý muốn, do tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến việc học nên đã giấu bạn bè và gia đình.
Theo tính toán cúa mình, mẹ của bé sơ sinh kia khi bỏ rơi bé thì mình được khỏi bị tai tiếng, khỏi phải khổ, không bị thất học và khỏe cái thân nhưng cô đánh mất rất nhiều: mất nhân cách, lương tâm, đạo đức, tình mẫu tử và tính người, sự sống đời đời.… Cho nên, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.
Người Kitô hữu chỉ thực sự hạnh phúc khi dám mất đi cái tạm bợ để được lại cái vĩnh hằng, dám mất đi cái mau qua để được lại cái trường tồn. Người Kitô hữu chỉ thực sự khôn ngoan khi sẵn lòng mất đi của cải phù vân để được lại gia tài vĩnh cửu, mất đi sự sống hay chết để được lại sự sống đời đời. Hiểu được cái gì phải mất đi và cái gì sẽ được lại đã không phải là dễ dàng, mà sống được điều đó lại càng khó khăn hơn. Vì, đâu phải dễ dàng từ bỏ những cái mình thân thiết nhất, yêu quí nhất; những cái mình dày công kiếm tìm, theo đuổi. Đâu phải dễ dàng, để mất đi những thú vui, khoái lạc, thỏa mãn giác quan, đê mê thân xác. Đâu phải dễ dàng triệt tiêu cái tôi cao ngạo, tự mãn, tự tôn đã từng được vuốt ve, nuông chiều.
Phải suy nghĩ cho thật nhiều, phải cầu nguyện cho thật lâu, để sáng suốt nhận định về cái được, cái mất, cũng là để khỏi phải hối tiếc khi đã quá muộn. Đây hẳn là câu mà Đức Giêsu đề nghị chúng ta suy nghĩ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Theo Thầy là phải từ bỏ chính mình hẳn là không dễ dàng. Theo Thầy là vác thập giá mình mà theo lại không dễ chịu chút nào. Nếu thế, thì đây là một đòi hỏi hết sức gắt gao, nghiêm túc không thể tùy hứng làm hay không làm. Vì ngay sau đó, Đức Giêsu đã cảnh báo: “Người (Chúa Cha) sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”. Các Tông đồ đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa nên đã được gấp trăm cả đời này lẫn đời sau. Các vị tử đạo đã từ bỏ sự sống ngắn ngủi, để được lại sự sống muôn đời. Thánh Têrêsa đã từ bỏ cả tuổi thanh xuân nương mình trong chốn viện tu, để được lại biết bao linh hồn nhờ lời cầu nguyện, hy sinh âm thầm. Augustinô đã từ bỏ đời sống xa hoa trụy lạc, để được lại một vị thánh giám mục khôn ngoan thánh thiện lừng danh trong Giáo Hội. Thánh Maximilien Kolbe đã từ bỏ chính mạng sống mình, chết thay cho người bạn tù, để được lại chính Chúa là nguồn sự sống.
Mỗi Kitô hữu đều có những cái để từ bỏ, nhưng cần thiết nhất và cũng khó khăn nhất là phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi cao ngạo, ích kỷ, hưởng thụ, để được ngay từ bây giờ niềm vui, an bình và hạnh phúc. Trên nỗi đau của từ bỏ chúng ta thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh. Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm của thiên đàng. Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nói: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh chị em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh chị em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.
Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của chúng con. Amen.
SUY NIỆM III
GIÁ TRỊ CỦA LINH HỒN
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú.
(Hội An 3/9/2023)
Đức cha Fulton Sheen thường nói, cuối đời của chúng ta, chúng ta sẽ gặp một trong hai gương mặt: gương mặt của Chúa Giê-su hoặc gương mặt của Sa-tan. Và một trong hai gương mặt đó sẽ nói với chúng ta: “bạn thuộc về tôi.” Bất cứ Ki-tô hữu nào cũng ước muốn được gặp Chúa Giê-su và thuộc về Chúa Giê-su, không chỉ cuối đời mà mọi ngày trong đời. Cho khát vọng ấy, chúng ta phải nêu rõ chọn lựa của chúng ta: chọn lời lãi cả thế gian hay chọn mạng sống, chọn linh hồn? Chúa hỏi chúng ta như thế đấy: “Nếu được lợi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống mình, thì được ích gì?” Câu hỏi của Chúa đơn giản nhưng rất sâu xa, bởi nó định hướng cho cuộc đời mỗi người.
- Đừng coi rẻ linh hồn
Được lợi cả thế gian là được những thứ thế gian có: tiền của, danh vọng, thành đạt, thỏa mãn và nhiều thứ khác. Mất mạng sống hay mất linh hồn là đánh mất mối tương quan mật thiết với Chúa Giê-su.
Trước hết, chúng ta cùng nhận thức, Chúa Giê-su không kết án của cải vì nó là của cải. Chúa cũng không lên án những người thành đạt hay có danh vọng như những kẻ mị dân thường làm. Một người giàu có, thành đạt có thể siêu thoát với của cải và dùng chức vụ để phục vụ; trái lại, một người nghèo có thể bị tiền bạc ám ảnh và ganh ghét những người có chức vị. Chúa muốn con người lãnh nhận của cải Chúa ban cho để sống và để san sẻ. Chúa muốn con người lãnh nhận chức vụ để phục vụ người khác, nhất là phục vụ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su cảnh giác lòng say mê quyền lực và của cải nơi chúng ta. Một khi có của cải, danh vọng, nếu không cảnh giác, chúng ta tưởng mình chiếm được chúng, nhưng thực ra, chúng như dây leo dần dần xiết chết cây cho nó leo chung quanh thân. Và những ai tin rằng tiền bạc có thể làm được mọi sự, thì họ cũng cố gắng làm mọi sự để có tiền bạc. Giuđa đã chẳng bán Chúa 30 đồng bạc đó sao? người ta đã chẳng thêm một chút hóa chất vào thực phẩm để kiếm lời được vài ba đồng bạc mà đánh mất linh hồn mình đó sao? Bởi họ nghĩ tiền bạc có thể đem lại cho họ mọi sự. Người ta quên tục ngữ Ý đã nói: “Tiền bạc mở được hết mọi cánh cửa, trừ cửa thiên đàng.”
Trong xã hội đề cao hưởng thụ này, một xã hội cung cấp đủ thứ vật chất, chỉ cần ngồi gọi, “ship” giao tận nhà, chúng ta cảm thấy thoả mãn như người phú hộ và nói với chính mình: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm, ngươi hãy nghỉ ngơi ăn uống vui chơi đi.” Bấy giờ Thiên Chúa bảo: “Hỡi kẻ khờ dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ bỏ lại cho ai?” và Chúa muốn nói thêm: Nếu được lợi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống mình, thiệt mất linh hồn thì được ích gì? Vì vậy, đừng coi rẻ linh hồn mình.
- Linh hồn vô giá
Nếu có ai hỏi chúng ta: “Bạn đáng giá bao nhiêu tiền?”, câu hỏi đó xúc phạm phẩm giá chúng ta và làm chúng ta buồn giận, vì không có gì ở thế gian này đáng giá so với linh hồn của chúng ta. Bức tranh Les Femmes d’Alger do chính bàn tay Picasso vẽ có trị giá hơn 4.000 tỷ đồng VN, huống hồ linh hồn do chính bàn tay Thiên Chúa ban cho, không phải sản xuất đồng loạt, nhưng cho từng người, độc đáo không trùng lặp với ai! Chính Thiên Chúa đặt để linh hồn là “hình ảnh Thiên Chúa” vào trong mỗi người chúng ta. Vậy, có gì đánh đổi được linh hồn chúng ta?
Vả lại, Chúa Giê-su đã đổ máu của Ngài trên thánh giá để cứu lấy linh hồn chúng ta. Thánh Phê-rô đã khẳng định: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng qua như vàng hay bạc mà anh em được cứu thoát… Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Ki-tô” (1Pr 1,18-19). “Cứu chuộc” có nghĩa là mua lại. Chúa Giê-su không chịu chết vì chúng ta xứng đáng để Ngài phải cứu chuộc. Không, đừng lầm tưởng như thế! Chúng ta là những tội nhân, những kẻ ngỗ nghịch với Chúa. Chúng ta xứng đáng với cái chết. Vì thế, ơn cứu chuộc của Chúa dành cho chúng ta xuất phát từ lòng thương xót của Ngài. Ngài muốn cứu lấy tạo vật được Ngài tạo dựng theo hình ảnh và vinh quang của Ngài. Ngài làm cho linh hồn chúng ta xứng đáng với cái chết cứu chuộc của Ngài, chứ không vì chúng ta xứng đáng. Ma quỷ muốn chúng ta mất linh hồn, còn Chúa Giê-su cứu lấy linh hồn chúng ta. Vì thế, linh hồn chúng ta vô giá, đừng để mất linh hồn.
Linh hồn sẽ mất, nếu chúng ta để linh hồn đói khát Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể. “Người ta sống không chỉ vì cơm bánh, mà còn do mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Linh hồn sẽ mất, nếu chúng ta để “những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm tâm hồn, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì” (Mc 4,19).
Vậy, vào ngày sau cuối muốn được gặp gương mặt Chúa Giê-su và thuộc về Chúa Giê-su, thì hằng ngày linh hồn và toàn thân chúng ta cần hướng về Chúa, cảm tạ ơn Chúa đã cứu lấy linh hồn ta. Xin Chúa cho chúng ta biết quý linh hồn của mình và linh hồn người khác, đừng đánh mất linh hồn, bằng cách trong mọi hoàn cảnh vẫn thân thưa được với Chúa như ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Chúa, Chúa đã quyến rũ con và con đã để cho Chúa quyến rũ.” Xin Chúa cho chúng ta vác thánh giá đi theo Chúa và xin Chúa chiếm lấy linh hồn chúng ta, vì Chúa là tất cả của chúng ta.