Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

30-8-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Lệ Sơn

GIÁO HUẤN SỐ 39

CÁC CON LÀ ‘HIỆN TẠI’ CỦA THIÊN CHÚA (tt)

Người lớn chúng ta có thể thường bị cám dỗ để liệt kê các vấn đề và các nhược điểm của giới trẻ. Có lẽ một số người ủng hộ điều đó, cho rằng như vậy chúng ta tỏ ra sắc sảo trong việc nhận định những khó khăn và những nguy hiểm. Nhưng một thái độ như thế sẽ dẫn tới điều gì, nếu không phải là xa cách hơn, ít gần gũi hơn, và ít sự hỗ trợ nhau hơn? Bất cứ ai được kêu gọi trở thành một phụ huynh, mục tử hay người hướng dẫn các bạn trẻ thì phải có tầm nhìn xa, để biết trân trọng ngọn đèn còn leo lét cháy, trân trọng cây lau mong manh dù bị dập vùi nhưng chưa đứt gẫy (x. Is 42,3). Đó là cái khả năng nhìn thấy đường đi nơi mà kẻ khác chỉ thấy hiểm họa. Đó là cách mà Thiên Chúa Cha nhìn mọi sự. Ngài biết cách nâng niu nuôi dưỡng những hạt giống thiện hảo trong trái tim người trẻ. Vì thế tâm hồn của người trẻ phải được xem là “đất thánh”, nơi mang các hạt giống sự sống thần linh, chúng ta phải “cởi giầy” ra trước khi đến gần và bước sâu hơn vào Mầu nhiệm (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, các số 66&67).

————————————————————————————–

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)

Ngày 27-8 lễ thánh Mônica và ngày 28-8 lễ thánh Âutinh. Giáo hội mừng hai mẹ con vào hai ngày liền nhau. Nhưng mẹ trước, con sau, vì có mẹ mới có con. Qua cuộc đời hai vị thánh, chúng ta mới hiểu được thánh giá hằng ngày, đồng thời đâu là hạnh phúc chân thật.

Thánh Monica sinh năm 332 tại Ta-gas-te, nước An-gê-ri, Phi châu. Khi thánh Mônica 22 tuổi, cha mẹ gả cho ông Pa-tri-xi-ô. Ông vừa lớn tuổi hơn, vừa tính tình nóng nảy, lại không có đạo. Bạn bè lo lắng cho cuộc hôn nhân này. Ít năm sau người ta hỏi thánh Mônica: “Làm sao chị có thể sống thuận hòa với một ông chồng nóng nảy dữ dằn như vậy?” Thánh Mônica cho biết là ngài không bao giờ cãi vã với chồng; trái lại luôn luôn bình tĩnh, dịu dàng. Khi chồng giận, chờ cho chồng nguôi đi, ngài mới ôn tồn nói chuyện. Thánh Mônica là con người luôn luôn yêu chuộng sự hòa thuận. Ngài nói điều tốt người ta làm, chứ không nói điều xấu người ta phạm. Mẹ chồng cũng khó tính và không ưa ngài. Ngài phải chịu đựng và khéo léo cư xử.

Thánh Mônica và ông Patrixiô sinh được hai người con trai là thánh Âu-tinh và ông Na-vi-gi-ô, và một người con gái là Pê-pê-tu-a. Vì chồng không có đạo, nên thánh Mônica phải dạy các con về đức hạnh cũng như về đạo lý. Ngài thường kể cho con cái nghe đời sống các thánh, nhất là các thánh tử đạo, để con cái bắt chước và nâng tâm hồn lên với Chúa. Thời đó, khi lớn người ta mới rửa tội. Thánh Monica phải dậy dỗ các con luôn ước ao được rửa tội, được làm con Chúa.

Thánh Âutinh, đứa con trai đầu, rất thông minh, song làm biếng học hành. Hai ông bà muốn cho con học tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp là hai thứ tiếng các nhà trí thức thời đó phải biết. Thánh Âutinh đi học xa, không ở gần gia đình, bi tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của bạn bè: uống rượu, trai gái, nói dối, ăn cắp. Học ở Các-ta-giơ (Carthage), thánh Âu tinh bị tiêm nhiễm lạc giáo Ma-ni-kê. Nghe tin đó thánh Mônica coi thánh Âutinh như đã chết rồi. Ngài ra sức cầu nguyện cho đứa con phản bội. Một đêm kia, ngài mơ thiên thần hiện đến bảo ngài: “Con bà ở với bà”. Thánh Mônica kể cho Âutinh giấc mơ. Âutinh nói với mẹ: “Ô, đúng vậy, mẹ sẽ ở với con.” Nhưng thánh Mônica nói lại: “Mẹ không nói mẹ ở với con, mà nói con ở với mẹ.” Suốt đời, thánh Âutinh vẫn nhớ giấc mơ này.

Thánh Mônica tìm đến các Đức Giám mục và linh mục xin chỉ dẫn, có cách nào bảo ban thánh Âutinh. Các ngài nói: “Đứa con được bà tha thiết cầu nguyện cho như thế, thì không thể nào hư đi.

Khi 29 tuổi, thánh Âutinh xin mẹ đi Rôma để dạy học, dạy khoa hùng biện. Thánh Mônica không cho đi. Thánh Âutinh đánh lừa mẹ lên tầu trốn đi. Thánh Mônica đứng trên hải cảng nhìn chiếc tầu của con đang lướt sóng xa dần. Hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má. Nhưng thánh Mônica không chịu thua. Ngài cũng lên tầu, một chiếc tầu khác, đến Rôma tìm con.

Từ Rôma, thánh Âutinh thường tới Milanô để nghe thánh giám mục Ambrôsiô giảng. Thánh Ambrôsiô có tài hùng biện. Thánh Âutinh đến nghe không phải để nghe lời giảng, mà để bắt chước cách giảng. Tuy nhiên lời giảng của thánh Ambrosiô dần dần thấm vào lòng, khiến thánh Âutinh phải thừa nhận đạo Công giáo mới là chân lý, còn lạc giáo Manikê là sai. Qua lời giảng dạy của thánh Ambrôsiô, thánh Âutinh muốn trở về với Chúa. Khi đọc cuộc đời thánh Antôn tu rừng, thì thánh Âutinh dứt khóat trở về với Chúa.

Vào một ngày mùa hè, ngồi một mình trong khu vườn, thánh Âutinh nghe có tiếng gọi, giống như tiếng một trẻ nhỏ : “Hãy cầm lấy mà đọc.” Vào nhà, thấy cuốn Tân Ước, thánh Âutinh mở ra, tình cờ thấy đọan thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt, mà thỏa mãn các dục vọng.” (13,14).

Quyết định trở về với Chúa, thánh Âutinh đến bên mẹ và nói cho mẹ biết quyết định của mình. Thánh Mônica ôm thánh Âutinh và khóc. Hôm nay ngài không khóc vì buồn, mà khóc vì vui. Lễ vọng Phục Sinh năm 387 thánh Ambrôsiô đã rửa tội cho thánh Âutinh. Năm đó thánh Âutinh 32 tuổi. Hằng mấy chục năm bỏ Chúa, làm khổ mẹ.

Thánh Âutinh quyết định trở về quê hương Angêri. Hai mẹ con dẫn nhau lên tầu. Tới cảng Ostia, thánh Mônica nói với thánh Âutinh : “Bây giờ mẹ chẳng cần niềm vui nào nữa, niềm hy vọng của mẹ đã hòan tất.” Thình lình thánh nữ bị sốt nặng. Biết giờ chết đến, thánh Mônica nói với thánh Âutinh : “Con hãy chôn mẹ ở đây.”. Thánh Âutinh thưa mẹ : “Không được, đây là đất khách quê người. Con đem mẹ về bên mộ ba.”. Thánh Mônica bảo : “Chôn đâu cũng được. Đừng quan tâm. Mẹ chỉ xin con một điều : bất cứ con ở đâu, con hãy nhớ mẹ trong các thánh lễ.” Thánh Mônica qua đời. Thánh Âutinh không khóc, vì biết mẹ là thánh, mẹ về với Chúa, để Chúa thưởng công. Thánh Âutinh thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con được làm con Chúa, là nhờ Chúa cho con một người mẹ.” Nhớ công ơn mẹ, thánh Âutinh viết : “Tôi hòan tòan mang ơn mẹ tôi. Nếu tôi không mất linh hồn, đó là nhờ mẹ tôi. Mẹ tôi đã đau khổ vì tôi. Kể sao cho xiết. Khóc đêm khóc ngày. Tim như nhỏ từng giọt máu, để làm của lễ hy sinh cho tôi.

Đạo cũng như đời, con đường hạnh phúc, con đường thành công là con đường chịu khó, con đường đau khổ, con đường thập giá.

 Bài Tin Mừng: Bài TM chúa nhật tuần trước, thánh Phêrô đại diện cho các tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô”, nghĩa là Đấng Thiên Sai, Đấng Thiên Chúa sai đến trần gian để cứu đời.

Tuy nhiên, người Do Thái ai nấy lại quan niệm Đấng Thiên Sai là đấng cầm quân khiển tướng, đem lại nền độc lập cho quê hương xứ sở, Đấng lật đổ bạo quyền Rôma đem lại nền thịnh vượng cho dân nước. Người Do Thái nhiều lần đã trông mong Chúa như thế. Nên khi  thấy Chúa làm phép lạ bánh và cá ra nhiều cho người ta ăn no nê, thì người Do Thái đã tôn Chúa làm vua, và Chúa phải lánh mặt, lên núi một mình (Ga 6,15).

Sợ các môn đệ cũng giống như người Do Thái, nên sau khi nghe các tông đồ tuyên xưng mình là Đấng Kitô, Chúa Giêsu phải cho các ông biết, qua bài TM chúa nhật hôm nay, Đấng Kitô “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Mt 16,21).

Các tông đồ, qua thánh Phêrô, chẳng những không hiểu, còn can ngăn Chúa: “Xin Thiên Chúa thương đừng đề Thầy gặp phải chuyện ấy.” (Mt 16,22) Chúa mắng: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (16,23).

Tuy bị mắng là Xatan, nhưng Chúa không đuổi đi. Xatan cám dỗ Chúa trong sa mạc, Chúa đã đuổi đi: “Xatan kia, xéo đi!” (Mt 4,10). Chúa chỉ bảo thánh Phêrô và các tông đồ: “Lui lại đằng sau Thầy!” Lui lại đằng sau Chúa, nghĩa là đi theo Chúa, bắt chước Chúa, theo gương Chúa mà vác thập giá. Chúa bảo: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24). Thánh Luca còn thêm từ “hằng ngày”: “Vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23), nghĩa là “hằng ngày” vác thập giá, hằng ngày đều có thánh giá, “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34).

 Bài đọc 1: Bđ1 thánh lễ hôm nay cho ta thấy nỗi khổ, thập giá của ngôn sứ Giêrêmia. Ngôn sứ Giêrêmia thi hành sứ vụ tại Giêrusalem vào giai đọan bi thương nhất của nước Do Thái, tức là giai đoạn mất nước. Năm 587 TCN đế quốc Babylon đem quân xâm chiếm, tàn phá Đền thờ, và bắt lưu đày sang Babylon. Theo lệnh Chúa, ngôn sứ báo trước cho dân biết thảm cảnh đó. Nhưng họ không tin và còn chế diễu, nhục mạ ngôn sứ, như ngôn sứ than thở : “Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên : ‘Bạo tàn ! Phá hủy !Vì Lời Chúa, mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.” (Gr 20,8)

 Bài đọc 2: Từ đọan 12 của thư Rôma, thánh Phaolô viết về nền luân lý, về cách sống  của người Kitô hữu. Như đoạn thư đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô viết : “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12,2)

   Người ta nói rằng: kiếm được một đồng bạc đã khổ, kiếm được một chữ khổ hơn, song kiếm được một nhân đức, một tính tốt còn khổ hơn nhiều. Quả thật, qua đời sống của thánh Âutinh. sửa đổi một nết xấu, tập được một nhân đức khó biết bao. Nhưng nhờ lời cầu nguyện của mẹ ngài.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp các con cái Mẹ vui vẻ vác thánh Giá: thánh giá cuộc đời, thánh giá gia đình, thánh giá làm con Chúa, thánh giá và thánh giá…

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành