Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
29-8-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hòa Ninh, Giáo họ Mông Triệu
GIÁO HUẤN SỐ 40
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Một khát vọng và kinh nghiệm sống (tt)
Điều này cũng có thể áp dụng cho những lúc khó khăn, những hoàn cảnh mà ta phải kinh nghiệm đầy đủ thì mới học được thông điệp mà chúng có thể dạy mình. Như các Giám mục Thụy Sĩ diễn tả : “Thiên Chúa ở đó, nơi mà chúng ta nghĩ rằng Ngài bỏ chúng ta và chẳng còn hy vọng gì hơn về ơn cứu độ. Thật là nghịch lý, nhưng đối với nhiều Kitô hữu, đau khổ và bóng tối đã trở thành… những nơi gặp gỡ Thiên Chúa”. Khát vọng sống hết mình và kinh nghiệm những điều mới mẻ cũng được cảm nhận bởi nhiều người trẻ trong hoàn cảnh khiếm khuyết về thể lý, tâm thần và giác gian. Dù có thể họ không luôn luôn có được cùng những kinh nghiệm như những người khác, họ sở hữu những nguồn lực, và những khả năng kỳ diệu thường vượt xa trên mức bình thường. Chúa Giêsu ban cho họ những quà tặng khác, mà cộng đoàn được mời gọi nhìn nhận và trân trọng, để họ khám phá kế hoạch yêu thương của Người cho mỗi người trong họ (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 149).
———————
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
(Đnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18. 21b-22.27; Mc 7,1-8.14-15.21-23)
Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng
Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng là giáo dân họ Đầu Nước, xứ Cù Lao Giêng, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Sốt sắng với việc đạo và nhiệt thành với việc tông đồ. Được giáo dân và cha sở chọn là ông Biện của giáo xứ, nhất là Đức Giám mục chọn là ông Câu của các xứ đạo toàn tỉnh An Giang. Nhà của ông là nơi trú ẩn của các vị linh mục và thừa sai.
Ngày 7-1-1859 được mật báo, nhà ông chứa chấp các đạo trưởng. Hôm đó có thừa sai Pernot và cha sở Phêrô Đoàn Công Quí. Vừa dâng lễ xong, thì được tin quân lính đến bao vây giáo xứ. Cha Pernot trốn thoát; còn cha Quí nghĩ mình là người Việt Nam, có thể ẩn trốn với giáo dân. Nhưng cha đã bị bắt cùng với ông Câu Phụng, người chứa chấp các cha.
Sau 6 tháng bị tra khảo và giam tù, ngày 31-7-1859, hai cha con bị đem ra pháp trường Chà Và. Cha Quí bị chém đầu; ông Câu Phụng bị cột giây thừng vào cổ, hai người kéo.
Tại pháp trường, ông Câu Phụng nói với con trai và các đồng đạo : “Hãy tha thứ cho kẻ thù. Đừng báo oán những kẻ tố giác và kết án tôi, Hãy tha thứ, hãy tha thứ, vì chính tôi đã tha thứ”.
Ông Câu cởi ảnh Thánh Giá ở cổ, đeo vào cổ con gái, cô Anna Nhiên, và nói: “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh Chúa Giê–su Ki–tô, Chúa chúng ta. Ảnh này quí hơn vàng bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé !” (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 251-253).
Bài đọc 1 (Đnl 4,1-2.6-8) Những lời căn dặn của người sắp tạ thế bao giờ cũng trang trọng và xúc động. Những lời căn dặn của ông Câu Phụng chẳng khác gì những lời căn dặn của ông Môsê trong bài đọc 1 hôm nay!
Lời Chúa trong bđ1 đọc trong sách Đệ Nhị Luật. Đó là những lời căn dặn của ông Môsê với dân Ít-ra-en, trước khi ông tạ thế. Ông Môsê muốn qua sông Gio-đan cùng với dân mà không được. Sách chép: “Thuở ấy, tôi đã năn nỉ Đức Chúa rằng: Lạy Chúa là Đức Chúa, Ngài đã bắt đầu cho tôi tớ Ngài thấy Ngài thật là vĩ đại và tay Ngài mạnh mẽ. Có thần nào trên trời dưới đất thực hiện được những công trình và những chiến công như ngài? Xin cho con được qua sông Gio-đan và nhìn thấy miền đất tốt tươi ở bên kia sông. Vì anh em, Đức Chúa bất bình với tôi, Người không nghe tôi; Đức Chúa phán với tôi: “Đủ rồi! Đừng bao giờ nói với Ta về chuyện ấy nữa! Hãy lên đỉnh núi Pít-ga, ngước mắt nhìn về phía tây, phía bắc, phía nam, phía đông, và mở mắt ra mà xem, vì ngươi sẽ không được qua sông Gio-đan này. Hãy truyền lệnh cho Giô-suê, hãy làm cho nó nên mạnh mẽ và can đảm, vì chính nó sẽ dẫn đầu dân này qua sông, và chính nó sẽ cho chúng hưởng đất mà ngươi sẽ thấy, làm gia nghiệp (Đnl 3,23-28)
Ông Mô-sê không được sang, thì căn dặn dân: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4,1-2). Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân tộc khôn ngoan và thông minh! Phải, có dân tộc nào vĩ đại được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mắt anh em? (Đnl 4,6-8).
Bài Tin Mừng (Mc 7,1-8.14-15.21-23): Ông câu Phụng khuyên con cái ông tha thứ và cầu nguyện là những việc chính đáng, chứ không giả dối như dân Do Thái.
Sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể: “Những người Pha-ri-sêu và một số Kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến” (Mc 7,1).
Cha Nguyễn Công Đoan viết: “Hôm trước ta đã thấy một nhóm kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến, tuyên truyền xuyên tạc rằng Người lấy quyền quỷ tướng mà trừ quỷ con. Hôm nay lại một đám từ Giê-ru-sa-lem khệnh khạng đến vây quanh Đức Giê-su. Họ đến không phải để nghe giảng dạy, nhưng để dò xét, bới lông tìm vết: “Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”. Thế là có chuyện để nói rồi! Họ hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa” ?
“Đề tài hôm nay không phải là luật Mô-sê hay luật Thiên Chúa, nhưng chỉ là truyền thống của tiền nhân. Người phản công bằng cách tố cáo họ đưa vào truyền thống mà coi thường gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, hủy bỏ Lời Thiên Chúa.
“Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giáo luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.
Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử ! Còn các ông, các ông lại bảo : “Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ là “co-ban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau, mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”
“Đức Giê-su mở đầu bằng cách trích dẫn và áp dụng lời sách I-sai-a vào những kẻ bắt bẻ môn đệ của Người và tuyên bố họ là những kẻ đạo đức giả. Từ Hy Lạp có nghĩa ‘kẻ tự cho mình là’. Diễn viên trên sân khấu Hy Lạp đeo mặt nạ. Người đạo đức giả là người đeo mặt nạ đạo đức. Lột cái mắt nạ ra thì thấy mặt thật của họ khủng khiếp như thế nào. Đức Giê-su dẫn chứng bằng cách thức họ thực hành điều răn bia Luật thứ hai : ‘yêu người như yêu mình’, trước hết là thảo kính cha mẹ’.
“Sau khi khóa miệng thầy dạy giả hình. Đức Giê-su giải nghĩa cho đám đông về điều mấy thầy Pha-ri-sêu vừa bắt bẻ môn đệ, công bố một nguyên tắc đơn giản để phân định :
‘Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo : ‘Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra , là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai thì nghe” (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 117-119).
Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm viết : “Đức Giê-su muốn người ta phải kiểm điểm lại đời sống tôn giáo và đạo đức của mình. Và để khỏi tiếp tục lầm lạc, Người khuyên mọi người hãy bắt đầu rửa sạch lòng, để nguồn có trong thì những dòng tư tưởng chảy ra từ tâm hồn mới sạch. Công việc này ai cũng phải làm và phải làm đi làm lại (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm B, trang 404).
Bài đọc 2 (Gc 1,17-18. 21b-22.27) : Cha Hồ Thông viết : “Tác giả bức thư trong bài đọc 2 là của thánh Gia-cô-bê, người anh em họ của Đức Giê-su. Thánh nhân là người lãnh đạo đầu tiên của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, ngài không phải là thánh Gia-cô-bê tông đồ, anh của thánh Gio-an, tử đạo vào năm 44 sCN. Vả lại ở đầu thư tác giả không giới thiệu mình là tông đồ. Để phân biệt, người ta gọi Gia-cô-bê tông đồ là ‘Gia-cô-bê tiền’, Gia-cô-bê anh em họ của Chúa Giê-su là ‘Gia-cô-bê hậu’.
Thư được gửi cho các cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do Thái, sống rải rác trong thế giới Hy Lạp-Rôma. Thư được viết vào năm 58 và 62.
Từ lời nhắc nhớ đạo lý ngắn gọn về ơn gọi Ki-tô hữu, thánh Gia-cô-bê rút ra những kết luận thực tiễn quan trọng là phải có một đức tin tích cực và đặc biệt phải quan tâm đến những người nghèo.
Thật có ý nghĩa biết bao khi tác giả viện dẫn việc giúp đỡ cô nhi quả phụ như là mẫu gương, đây là lời căn dặn truyền thống. Như vậy thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh sự liên tục từ luân lý Mô-sê đến luân lý Tin Mừng. Luân lý Tân Ước không hủy bỏ, nhưng kiện toàn luân lý Cựu Ước. Đây là sự ghi nhận căn bản của bức thư này. Hành xử như vậy chính là giữ mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian, cách nói này vang dội Tin Mừng Mác-cô được trích dẫn hôm nay về sự thanh sạch trong lòng (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 175-176).
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong giờ kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phê-rô ngày 2-9-2020 : “Chúng ta hãy xét mình xem chúng ta đón tiếp Lời Chúa như thế nào . Trong ngày Chúa nhật, chúng ta lắng nghe Lời Chúa trong thánh lễ. Nếu chúng ta lắng nghe một cách lơ đễnh và hời hợt, thì Lời Chúa sẽ không giúp chúng ta được bao nhiêu đâu. Mà trái lại chúng ta phải đón nhận Lời Chúa với một tinh thần và một con tim mở rộng, như một mảnh đất tốt tươi, để Lời Chúa có thể được tiêu hóa, và đâm hoa kết trái trong cuộc đời cụ thể của chúng ta (Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Trong Năm B, trang 272).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành