Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B
CN 22 B
2-9-2018
————————
Giáo Huấn
THỰC TẾ HIỆN NAY CỦA GIA ĐÌNH
Niềm Vui Yêu Thương số 32
Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta hướng nhìn thực tế của gia đình ngày nay trong tất cả tính phức tạp của nó, với cả ánh sáng và bóng tối… Những thay đổi về nhân học và văn hóa trong thời chúng ta đang ảnh hưởng lên mọi khía cạnh của đời sống, và mời gọi sự tiếp cận có tính phân tích và đa dạng. Cách đây vài thập niên, các Giám mục Tây Ban Nha ghi nhận rằng các gia đình đã có được sự tự do nhiều hơn ‘nhờ một sự phân phối hợp tình hợp lý các bổn phận, các trách nhiệm và công việc”; thật vậy, sự nhấn mạnh nhiều hơn về mối liên lạc cá vị giữa vợ chồng giúp làm cho đời sống gia đình có tính nhân văn hơn’, trong khi “cả xã hội ngày nay lẫn xã hội mà chúng ta đang tiến tới đều không cho phép một sự tiếp tục tồn tại mà không thẩm xét của những dạng thức trước đây”. Cũng thật rõ rằng “các khuynh hướng chính trong những thay đổi nhân học và văn hóa” đang đưa các cá nhân trong đời sống riêng và đời sống gia đình, đến chỗ ngày càng ít nhận được sự hỗ trợ hơn từ các cấu trúc xã hội so với trong quá khứ.
___________________
CN 22 B
(Đnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8.14-15.21-23)
2-9-2018
Chúng ta đang sống Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đức cha giáo phận đã chọn Đền Thánh Anrê Phú Yên, nhà thờ Phước Kiều, nơi thánh Anrê tử đạo, làm điểm hành hương. Trong tập sách “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1775”, nơi mục “Hết Mình Với Đạo Đức Chúa Blời (Trời) Đất”, cha Đỗ Quang Chính viết như sau : “Bổn đạo Đàng Trong chẳng những nhiệt tình với việc “giữ đạo”, sống đạo, mà còn dám làm chứng cho Tin Mừng bằng máu đào”.
Rồi cha kể về cuộc tử đạo của thầy Anrê như sau : “Người đầu tiên can đảm là cậu Anrê, sinh quán tại Mằng Lăng, Tuy Hòa, Phú Yên (cho đến nay chúng tôi chưa biết tên dân sự của cậu, nên cứ tạm theo cha Rhodes gọi cậu là Anrê Phú Yên), tử đạo tại Thành Chiêm ngày 26-7-1644, lúc mới 19 tuổi, trước sự chứng kiến của các bổn đạo và của chính cha Rhodes là người đã rửa tội cho cậu năm 1641 trong dinh tướng Nguyễn Phước Vinh ở Phú Yên, rồi nhận cậu vào Tu hội Thầy giảng. Anrê coi thường cái chết, hơn nữa còn mong muốn được làm chứng cho Đức Kitô. Khi cha Rhodes, các bổn đạo Quảng Nam cùng mấy thương gia Bồ Đào Nha đến an ủi cậu trong tù, cậu đã khuyên lại : “giữ nghĩa cù đ. (cùng Đức) Chúa Jesu cho đến hết hoy (hơi), cho đến blọn đoy (trọn đời)”. Sau khi bị chém, đầu của Anrê được cha Rhodes giữ lại, rồi năm 1649 cha mang di tích thánh này về Rôma. Hiện nay vẫn còn cất giữ tại trụ sở Bề trên Cả Dòng Tên. Xác của vị tử đạo được các thương gia BĐN đưa vế Áo Môn, an táng dưới chân bàn thờ thánh đường Madre de Deus (Mẹ Thiên Chúa)” . Ngay sau khi Anrê tử đạo, cha Rhodes đã thu các chứng từ do những chứng nhân nhãn tiền (testes de visu); về Rôma năm 1649, cha đã xúc tiến thủ tục, xin tôn vinh chân phước cho Anrê; nhưng ngày 5-3-2000 mới được tôn vinh chân phước (Sđd trang 74-75).
Thầy Anrê được rửa tội tại nhà nguyện của bà Ngọc Liên. Cha Rhodes viết về bà như sau : “Một công chúa của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, cũng là nhân vật không thể không nhắc tới, đó là Ngọc Liên công chúa. Bà là trưởng nữ của Sãi Vương, kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh, có lẽ trước năm 1629. Ngọc Liên sinh năm nào không rõ, chỉ biết bà là con gái trưởng của bà Hiếu Văn (Vương hậu của Chúa Sãi); Hiếu Văn sinh năm 1578, qua đời 1630. Ngọc Liên có ba em gái : Ngọc Vạn kết hôn với Chey Chettâ II (Cam bốt); Ngọc Hoa là vợ của Nhật kiều Sataro, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng; Ngọc Đỉnh thành hôn với tướng Nguyễn Cửu Kiều.
Ngọc Liên được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức Vương thái phi, có lẽ được rửa tội năm 1636 do cha Buzomi, mang thánh hiệu Maria Mađalêna. Chồng bà là trấn thủ Trấn Biên dinh (Phú Yên) từ năm 1629-1643, tuy không theo Đạo nhưng lại ‘ước mong mọi người dưới quyền cai trị của ông theo “đạo Hoa Lang”. Ngọc Liên rất nhiệt tình với Đạo, có một nhà nguyện riêng trong dinh của bà và anh chị em bổn đạo có thể tới cầu nguyện. Năm 1641, cha Rhodes ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh Tẩy cho 90 người, trong số này có cậu Anrê Phú Yên. Từ năm 1643, Ngọc Liên theo chồng về cư ngụ tại Thành Chiêm, bà vẫn một lòng với Đạo, hăng say giới thiệu Tin Mừng, kể cả sau khi tướng Vinh qua đời năm 1645. Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương), lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng ĐT. Đến năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô là Antonio de Puerto và Antonio de Santa Maria Caballero (tất cả là người Tây Ban Nha), đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi giạt vào Quảng Nam. Khi cha Metelle Saccano đến ĐT năm 1646, bà cũng lén lút từ Thành Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm. Năm 1663, chính quyền ra lệnh khám xét nhà Ngọc Liên, tịch thâu nhiều của cải, vì bà theo Đạo Hoa Lang, lại còn thiêu hủy nhà nguyện của bà. Hai năm sau Hiền Vương ra lệnh cấm đạo ngặt hơn : ngày 29-1-1665 bà bị giam trong một nhà ngục không mái che, để cho chết đói, chết khát. Sau 5 ngày, bà không chịu nổi, nên đã chối đạo. Tuy nhiên, đầu tháng 2-1665, khi gặp cha Louis Chevreuil MEP, bà đã xưng tội, nhưng bị cha phạt vạ không được rước lễ ngay. Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà vẫn còn sống và vẫn dạy giáo lý (Sđd 73-74).
Trong cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’ (1959, Sàigòn), nhà văn Phạm Đình Khiêm, theo tài liệu trong ký sự của Cha Đắc Lộ, viết về Thày giảng Anrê Phú Yên, làm hang đá như sau : Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) đoàn Thày Giảng đang có mặt tại Kinh đô (Huế). Và lịch sử Giáo Hội VN đã được ghi một cuộc mừng Lễ Sinh Nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thày giảng Anrê Phú Yên, vốn có tài khéo léo dựng nên một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu, gia nhân đến thờ lạy và triều yết ‘‘Vua vinh hiển xuống thế làm người’’. Không có cha, không có thánh lễ, nhưng đặc biệt có một phụ nữ mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách giảng về sự cao cả Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan Tổng Trấn, bà dì của chúa Thượng (Ngươi Chứng Thứ Nhất. tr. 91).
Nhân chứng thư 17 có một lời khai đặc biệt về tài ca hát của Anrê : “ chính nhân chứng đã thấy rằng trong khi cha Alexandre Rhodes dâng Lễ thì ba hay bốn Kitô hữu thầy giảng hát vài bài thánh thi bằng tiếng Việt; sau đó người ta cho nhân chứng biết rằng một người trong số họ là thầy Anrê” (Mạng Antôn Nguyễn Trường Thăng).
Nhân chứng 12 Andre Norete ghi nhận về chuỗi Mân Côi của Thầy :
“chính nhân chứng cũng có một mảnh của chiếc áo dài và một hạt trong chuỗi Mân Côi của thầy mà nhân chứng vô cùng quý mến; hiển nhiên và mọi người dân Kitô giáo ở Nam Việt cũng như ở Macao đây, nhìn nhận thầy Anrê như một vị thánh tử đạo, ai cũng biết rằng thi thể của thầy đang ở Học viện của Dòng Tên trong thành phố này”.
Nhân chứng 10 Andre Dias nói lên thầy lần chuỗi yêu mến Đức Mẹ :
“những ai đã chứng kiến cái chết này và những ai biết được cái chết này đều coi thầy là thánh tử đạo thực sự; và chẳng hạn một số người giữ những thánh tích, và qúi trọng chúng, và chính nhân chứng cũng có vài sợi tóc của thầy Anrê tử đạo, và một vài hột của chuỗi mân côi và con dao mà nhân chứng đã dùng để xẻ thi thể vị tử đạo để ướp xác” (Mạng Antôn Nguyễn Trường Thăng)
Nhân chứng 12 Andre Norete cũng ghi nhận lòng yêu mến lần hạt của thầy : “ Thầy Anrê được dân Kitô giáo ở Đàng Trong cũng như ở Macao đây, nhìn nhận như một vị thánh tử đạo và được cung kính như thế, chính nhân chứng cũng có một mảnh của chiếc áo dài và một hạt trong tràng chuỗi của thầy mà nhân chứng vô cùng quý mến; hiển nhiên và mọi người ai cũng biết rằng thi thể của thầy đang ở Học viện của Dòng Tên trong thành phố này; nhưng nhân chứng không biết Thiên Chúa có thực hiện phép lạ nào do sự chuyển cầu của thầy Anrê hay chưa” (Mạng Antôn Nguyễn Trường Thăng_
Một vài hạt chuỗi nói lên cả một tràng hạt mà người ta đã tìm thấy trong túi áo của thầy. Như vậy thầy Anrê ngoài chiếc áo dài trắng như nhân chứng số 5 mô tả, có lẻ còn mặc bên trong chiếc áo cụt ( bà ba) có túi đựng tràng chuỗi nữa. Trong một thư điện tử gửi cho tôi, cha Roland Jacques Dương Hữu Nhân OMI cho biết hiện nay trong một bảo tàng quan trọng tại Bồ Đào Nha , ngài phát hiện còn lưu giữ một số di vật của thầy Anrê trong đó có một mẫu ảnh thánh, điều mà người quản trị bảo tàng không lưu ý đến và chưa có sử gia nào phát hiện (Mạng Antôn Nguyễn Trường Thăng).
Qua cuộc đời của thầy Anrê Phú Yên, đúng như cha Đỗ Quang Chính viết “Họ hết mình với Đạo Đức Chúa Blời đất”. Nếu so sánh với những người Ít-ra-en trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay, chúng ta thật hãnh diện về cha ông của chúng ta.
Bđ1 : Sách Kinh Thánh ấn bản 2011 của nhóm CGKPV viết : “Sau phần ôn lại lịch sử hành trình của Ít-ra-en trong sa mạc (ch. 1 – 3), ông Mô-sê mở đầu phần “giảng thuyết” của ông. Đây là những lời khuyến dụ thiết tha, nồng nhiệt, để nói với lương tri và con tim của từng người dân, thuyết phục họ gắn bó với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa của họ, nghĩa là tuân giữ mệnh lệnh của Người. Tinh thần bản văn này, được gọi là “truyền thống đệ nhị luật”, sẽ gây ảnh hưởng sâu đậm trên các trào lưu tư tưởng đến sau”.
Ông Môsê nói với dân Ít-ra-en : “Giờ đây hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu đất mà Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em” (Đnl 4,1).
BTM : Cha Nguyễn Công Đoan bình giảng BTM thánh lễ hôm nay như sau : “Trong khi người ta nhận ra Đức Giêsu, liền “rảo qua khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó”, thì lại có một nhóm “những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến”. Hôm trước ta thấy một nhóm kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến, tuyên truyền xuyên tạc rằng Người lấy quyền quỷ tướng mà trừ quỷ con. Hôm nay lại một đám từ Giê-ru-sa-lem kệnh khạng đến vây quanh Đức Giê-su. Họ đến không phải để nghe giảng dạy nhưng để dò xét, bới lông tìm vết : “Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”. Thế là có chuyện để nói rồi ! Họ hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?”. Đề tài hôm nay không phải là Luật Mô-sê hay Luật Thiên Chúa, nhưng chỉ là truyền thống của tiền nhân. Người phản công bằng cách tố cáo họ dựa vào truyền thống mà coi thường, gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa hay bỏ Lời Thiên Chúa…
Xóa bỏ hàng rào về thức ăn, Đức Giê-su đẩy sâu sự thanh sạch đích thật : cái ô uế, xấu xa thật phát xuất từ lòng người, nó là sản phẩm của lòng con người. Mọi thọ tạo do Thiên Chúa tạo thành đều tốt đẹp. Đức Giê-su đang trên đường quy tụ, huấn luyện cộng đoàn của Giáo Ước Mới. Trong giao ước này Luật sẽ được ghi vào đáy lòng nhờ Thánh Thần hiện diện trong chúng ta (x.Gr 31,31-34; Ed 36,22-27), nên thanh sạch cũng phải tận đáy lòng. Thánh Phao-lô sẽ quảng diễn trong thư Ga-lát những hoa trái của tính xác thịt và hoa trái của Thánh Thần, và kêu gọi : “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (x.Gl 5,16-26).
Bđ2 : Bài đọc 2 là thư của thánh Gia-cô-bê. Khi công đồng Giê-ru-sa-lem họp, thánh nhân là giám mục Giê-ru-sa-lem. Thánh Phao-lô coi ngài là một trong những cột trụ của Hội Thánh. Ngài bị ném đá chết. Đoạn thư hôm nay được viết gửi cho “12 chi tộc lưu vong” ở Sy-ri và Pa-lét-tin. Năm câu trong bài đọc, thánh Gia-cô-bê khuyến khích “thực hành”, chứ đừng “lý thuyết’ suông, “làm”, “sống”, chứ không chỉ nói cái miệng : “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22).
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con.
Cha Giuse Nguyễn Trung Thành