Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm C


CHỖ TỐT NHẤT LÀ CHỖ RỐT HẾT ĐỂ PHỤC VỤ
Tuần 22 Thường Niên (Hội An 28/8/2022)

Để hiểu bối cảnh dụ ngôn này, chúng ta cần hiểu giai cấp xã hội trong thời Chúa Giê-su. Xã hội Do Thái bấy giờ là một phần của đế quốc Rô-ma và bị ảnh hưởng nặng nề não trạng giai cấp của Rôma. Là công dân Rôma, giàu có, chức quyền thì được xem có địa vị cao trong xã hội. Não trạng này ảnh hưởng đến các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, những người háo danh. Chúa Giê-su nói họ thích may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm ghế đầu trong hội đường (x, Mt 23,1-7). Ngay cả những môn đệ Chúa Giê-su cũng bị lôi cuốn theo làn sóng đang “hot” này. Giacôbê và Gioan xin Chúa cho ngồi chỗ “VIP” bên tả, bên hữu Chúa và các tông đồ khác cũng muốn làm lớn như thế. Họ muốn chọn chỗ nhất để được vinh danh trước mặt mọi người và được người khác phục vụ. Vì thế, khi thấy nhiều người đến dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, Chúa Giê-su cảnh báo họ coi chừng mất trắng, vì vị trí họ cần có chỗ là ở trong Bàn Tiệc Nước Trời, chứ không phải trong bữa tiệc trần gian và phục vụ là cách thế chiếm vị trí vinh dự trong Bàn Tiệc Nước Trời.
1. Giá trị của chỗ rốt hết trong bữa Tiệc Nước Trời
Trong đám tiệc Chúa Giê-su dự, có nhiều người quan trọng và nhiều người tự xem mình là quan trọng, vì người mời là một thủ lãnh Pha-ri-sêu. Quan sát rất kỹ việc họ chọn chỗ nhất, Chúa Giê-su cho mọi người nghe dụ ngôn được trình thuật hôm nay. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su thường dùng dụ ngôn như thế, nghĩa là dùng một câu chuyện ngắn gọn dễ hiểu để cho mọi người, từ người bình dân đến người học thức, một bài học thâm thúy về sự thật cứu độ, về những điều Thiên Chúa muốn nói. Hôm nay, Chúa Giê-su dùng dụ ngôn đưa mọi người từ thái độ chọn chỗ trong bữa tiệc trần gian đến việc phải chọn chỗ thế nào trong Bàn Tiệc Nước Trời.
Theo Chúa Giê-su, Ki-tô hữu cần xoay chuyển 1800 quan niệm của mình để có chỗ trong Bàn Tiệc Nước Trời. Nếu trong bàn tiệc trần gian, khách dự tiệc ai nấy vênh vang tôi là người quan trọng, là VIP, phải được ngồi chỗ nhất, thì trong Bàn Tiệc Nước Trời, chỗ nhất dành cho những người khiêm tốn. Vì người trần có thể lầm lẫn khi đánh giá ai là người cao trọng, nhưng Thiên Chúa thì không lầm lẫn, Ngài biết rõ con người tận tâm hồn. Người đời có thể đánh lừa người khác khi chứng tỏ mình quan trọng, có chức quyền, họ gần như trở thành một người khác hẳn, từ dáng đi, cách nói, cách bắt tay, họ khệnh khạng hơn, tỏ vẻ “oai vệ” hơn, “bề trên” hơn. Họ nghĩ dáng vẻ bên ngoài sẽ đánh lừa thiên hạ về con người thật của mình. Nhưng họ không thể đánh lừa Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong mỗi người. Tác giả thánh vịnh 139 xác quyết, Thiên Chúa biết ta đứng, ta ngồi, ta nghĩ tưởng gì Chúa thấu suốt từ xa. Trước mặt Thiên Chúa, ai là người cho mình có chỗ đầu hết? Do đó, Giê-su cảnh báo: “Hễ ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên lên” (Lc 14,11).
2. Chỗ tốt nhất là chỗ rốt hết để phục vụ
Sự khiêm hạ này không phải là chiến thuật tạm thời chọn chỗ thấp để sẽ được nâng cao, cũng chẳng phải Chúa bảo chúng ta chọn chỗ cuối nhà thờ hay bên ngoài nhà thờ mà tham dự thánh lễ, nhưng “chỗ cuối” Chúa nói đến là một thái độ của tâm hồn trước Thiên Chúa. Ai dám đánh giá vua Đa -vít hèn hạ vì phạm tội ngoại tình và giết người? Trước mặt thiên hạ, ai cũng ngợi khen tài trí của nhà vua và tôn vinh sự cao trọng của nhà vua, nhưng Đa-vít thú nhận con người hèn hạ của mình với Thiên Chúa và nài xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. Người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ đã nhìn nhận con người yếu đuối của mình và xin Chúa thứ tha. Họ như những người thợ mò ngọc trai, càng lặn xuống sâu càng hy vọng được ngọc quý. Họ càng khiêm tốn trước Chúa, họ càng được ơn tha thứ và hưởng lòng yêu thương của Chúa ban. Họ biết vị trí của họ trước mặt Thiên Chúa, đồng thời biết vị trí của họ trong tình thương của Thiên Chúa. “Hễ ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên lên.” Chọn chỗ khiêm hạ trước mặt Chúa xuất phát từ lòng chân thật trong họ.
Sự khiêm hạ chọn chỗ cuối là một quyết định chọn phục vụ. Người ta thích làm lớn, thích chỗ nhất trước mặt thiên hạ hay tỏ vẻ mình quan trọng là để tránh phục vụ, để đòi hỏi được phục vụ. Chúa Giê-su đã nói: “Còn các con thì không như thế” (Mt 20,26). Người chọn chỗ thấp phục vụ là người tự nguyện bước theo Chúa Giê-su thánh giá, phục vụ cho đến chết. Vì thế, chỗ thấp phục vụ của ông Simon vác thánh giá theo Chúa đã được các thế hệ sau nhắc đến, chỗ thấp phục vụ của thánh Maximilian Kolbe chết thay cho một tù nhân đã được thế giới ngưỡng mộ, chỗ thấp phục vụ của nhiều tín hữu đã đem lại đức tin và niềm vui cho cuộc đời biết bao người, nay được Thiên Chúa dành chỗ vinh dự trong Nước Chúa. Và ngày nay, Giáo hội không cần những người háo danh chọn chỗ nhất như những người trong đám tiệc, mà đang cần những Ki-tô hữu khiêm hạ phục vụ trong giáo xứ, giáo phận. Một ngàn người ngồi đó dành chỗ nhất trong đám tiệc mừng nhà mới không bằng một hai người xăn tay phục vụ dựng xây ngôi nhà. Cũng vậy, đám đông sẽ vô nghĩa nếu trong đám đông không một ai chọn chỗ rốt hết để phục vụ.
Vì vậy, ước gì mỗi chúng ta đừng đua chen tìm chỗ đầu hết như những kẻ háo danh, nhưng vui vẻ đảm trách bổn phận phục vụ Chúa và Giáo Hội, giáo xứ ngay trong lúc này cách khiêm tốn và mạnh mẽ. Làm nhanh, làm tất cả, làm tốt phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và giáo xứ cách vui tươi là điều Chúa muốn nơi chúng ta lúc này.
Lạy Chúa, này đôi bàn tay xây xước vì chia sẻ. Xin dâng Chúa. Này bàn chân thương tích vì phục vụ. Xin dâng Chúa. Này con tim tả tơi vì tình yêu dành cho Chúa. Xin dâng Chúa. Xin dâng lên Chúa ước muốn chọn chỗ rốt hết để phục vụ của con.

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

 

CN 22 TN NĂM C
28-8-2022

CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tam Thành
Giáo họ Tam Lộc

GIÁO HUẤN SỐ 40
MUC VỤ GIỚI TRẺ
Các môi trường thích hợp (tt)

Nói tóm, dựng một ‘mái nhà’ là dựng một ‘gia đình’. Đó là học cảm nhận mình được nối kết với người khác bằng những mối gắn kết không chỉ thực dụng và vị lợi, nhưng là được kết hợp sao cho mình được cảm thức đời sống của mình có tinh nhân văn hơn. Dựng một mái nhà là cho phép giấc mơ thành hiện thực, và làm cho đời sống thường ngày của ta bớt lạnh lẽo, thờ ơ và vô danh. Đó là tạo lập các mối gắn kết bằng những việc đơn giản hằng ngày mà ai cũng có thể làm. Như tất cả chúng ta đều biết, một mái nhà giả thiết mọi người cùng làm việc với nhau. Không ai bị thờ ơ hay đứng ngoài, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây dựng mái nhà ấy. Điều này cũng giả thiết phải cầu xin Chúa ban ơn sủng để ta học biết kiên nhẫn, tha thứ cho nhau, và bắt đầu mỗi ngày. Tôi phải tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần ? Bẩy mươi lần bẩy, cần bao nhiêu thì cung ứng bấy nhiêu. Việc tạo lập những mối gắn kết đòi phải có sự tin tưởng được nuôi dưỡng hằng ngày qua sự kiên nhẫn và tha thứ. Và đó là cách mà phép lạ xảy ra. Chúng ta cảm thấy rằng ở đây mình được sinh lại, ở đây tất cả chúng ta được sinh lại, bởi vì chúng ta cảm nhận sự nâng niu của Thiên Chúa giúp ta có thể mơ về một thế giới đầy tình người hơn, và do đó cũng là một thế giới thuộc về Thiên Chúa nhiều hơn (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 217).
CN 22 TN NĂM C
Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14
– Ngày 1-9-1885, Văn Thân Quảng Nam
thình lình kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu.
– Ngày 2-9-1885 trận chiến mở màn
– Ngày 3-9-1885 một ngày nguy ngập, tuyệt vọng và khủng khiếp
– Ngày 4-9-1885 trận chiến ‘đánh lừa’
(PCĐ, Đi Tìm Đức Mẹ Trà Kiệu, trang 36-46)

Thánh Bô-na-ven-tu-ra khiêm nhưòng

Trong nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bônaventura luôn tỏ ra khiêm tốn. Người ta kể rằng Đức Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô X truyền cho thánh Tô-ma và Bô-na-ven-tu-ra soạn thảo bộ kinh lễ Thánh thể. Khi hai vị này yết kiến Đgh để trình bày công việc. Thánh Tôma đọc trước, trong khi đó thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình (Theo Vết Chân Người, trang 34).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng kêu gọi chúng ta lưu ý đến đức khiêm nhường.

Bài đọc 1 (Huấn Ca 3,17-18.20.28-29) : Tác giả sách Huấn Ca là một người Do Thái đạo đức, sống khoảng năm 200 tCN. Ông viết sách này để khuyến khích người đồng hương sống tuân theo Luật Mô-sê và những truyền thống đạo đức. Trong bđ1 hôm nay là những lời khôn ngoan của một người thánh thiện, sống suy niệm Luật Chúa mặc khải cho dân Chúa. Chúng ta đọc một vài câu : ‘Càng làm lớn, con càng phải tự hạ’ (3,18). ‘Người (Chúa) được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó’ (3,28).

Bài Tin Mừng (Lc14,1.7-14): Cha Vũ Phan Long viết về BTM hôm nay như sau : ‘Một trong nhưng bận tâm chính của con người là đạt được vinh quang và danh tiếng, là xác dịnh địa vị, đạt được vị trí . Mỗi người cứ muốn ở cao hơn người khác, xa hơn người khác. Những người đồng bào với Đức Giê-su hôm ấy đã tỏ lộ khuynh hướng này qua việc muốn có những chỗ nhất. Chỗ nhất là chỗ đầu bàn hoặc ở giữa bàn.
Dường như Đức Giê-su lại ban một qui luật ứng xứ khôn khéo, đó là khi đi dự tiệc, cứ chọn chỗ thấp, không phải do khiêm tốn, nhưng do tính toán, và cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ cho khách mời. Như thế ta sẽ khỏi xấu hổ khi bị chủ nhà mời ngồi lùi xuống mà nhường chỗ cho người đáng trọng hơn, hoặc sẽ được nở mặt nở mày khi được chủ nhà mời lên trên. Thực ra Đức Giê-su không có mục đích nhắc lại một qui luật ứng xử khôn khéo. Người đã nói theo kiểu dụ ngôn nhằm cho chúng ta hiểu rằng cứ lo tìm chỗ và tìm danh dự thì thất bại thôi; tốt nhất cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ ngồi. Điều này đúng với loài người, theo những qui luật họ đang theo. Nhưng Đức Giê-su nói thế để đưa chúng ta đến khẳng định: ‘Phàm ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên’. Chúng ta không thể không nghĩ tới dụ ngôn ‘người Pharisêu và người thu thuế’, với câu kế tương tự (Lc 18,14). Khi các môn đệ cãi nhau về chỗ nhất, Đức Giê-su đã dạy họ về sự phục vụ (22,24-27).
Khao khát danh dự và uy thế, ra sức đánh bóng hào quang của mình đều không có giá trị gì trước nhan Chúa. Chúng ta không bận tâm về cái tôi của mình, vì đó là một thứ ích kỷ (Các Bài Tin Mừng Luca Dùng Trong Phụng Vụ, trang 266-267).

Bài đọc 2 (Dt 12,18-19.22-24a): Cha Sullivan viết : Lý do Giáo hội chọn bài hôm nay làm bài đọc vi tác giả muốn các người Do Thái trở thành Kitô-hữu để ý đến sự trổi vượt của mặc khải Ki-tô giáo so với Cựu Ước mà họ xử dụng trước khi trở lại. Chúng ta đừng quên rằng Ki-tô giáo đặt nền tảng trên tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại (The Sunday Readings, trang 220).
Thư viết: ‘Thưa anh em, khi đến cùng Thiên Chúa, anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối, và giông tố…Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời… Anh em đã tới cùng vị Trung gian giáo ước mới là Đức Giê-su (12,18.22.24).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,
mọi sư tốt lành đều bởi Chúa mà ra
để những gì tốt đẹp nơi chúng con
ngày càng phát triển
và được chăm sóc giữa gìn
Chúng con cầu xin. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

 

Lm Giuse Nguyễn Trung Thành