Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm A
CN.22.A
(Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)
Ngay lần đầu ngày 13-5-1917 Đức Mẹ hỏi Ba em Luxia, Phanxicô và Giaxinta : “ Các con có muốn dâng mình cho Chúa và đón nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến, đền vì những tội lỗi người ta xúc phạm đến Chúa và xin cho họ được ăn năn trở lại không?”
Chị Luxia thưa : “Dạ chúng con muốn.”
Đức Mẹ dạy : “Vậy từ nay các con sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ phù trợ các con.”
Chiều về, ba mẹ đều đi vắng. Giaxinta đứng ngóng mẹ về. Quên cả lời chị Luxia dặn, vừa thấy bóng mẹ, Giaxinta chạy lại, nắm tay mẹ khoe : “Con thấy Đức Mẹ trên đồi Cova Da Iria.”
Thế là câu chuyện vỡ lở. Tin Đức Mẹ hiện ra loan truyền đi khắp nơi, xôn xao cả xóm làng. .
Ngày 13-6-1917, ngày mà Đức Mẹ hứa sẽ hiện ra đã gần kề. Không biết tính chuyện ra sao. Mẹ của Luxia đến gặp cha sở Manuel Marques Ferreira để xin ngài chỉ bảo. Ngài đề nghị cho cả ba em trở lại đồi Cova theo đúng kỳ hẹn, rồi sau đó đưa từng em đến gặp cha. Ý định cha sở là thế, còn ý của gia đình lại muốn chúng ở nhà, nhưng rồi ông bà cũng phải theo con lên đồi xem chuyện xẩy ra làm sao.
Sáng ngày hôm sau các chị của Luxia dẫn ba em đến gặp cha sở. Ngài nghĩ rằng nếu được Đức mẹ hiện ra, chắc chắn Đức Mẹ sẽ nói nhiều điều quan trọng với ba em. Giaxinta và Phanxicô chỉ nói được vài tiếng, còn Luxia chỉ kể những điều cần phải biết. Sau cùng ngài kết luận: “Nếu Đúc mẹ hiện ra thì chắc chắn Người không chỉ nói phải siêng năng lần hạt mà còn nói nhiều điều khác nữa. Các con không nói rõ ra được thì chứng tỏ đây là việc làm của ma quỷ, và phải cần thời gian mới có thể trả lời được”.
Khi rời nhà xứ, Luxia cảm thấy buồn và tự nghĩ : “Mình đã bị quỷ dữ hiện ra rồi, vì lời cha nói làm sao có thể sai được”.
Sự nghi ngờ ấy mỗi ngày một mạnh, khiến trong giấc mơ Luxia đã thấy quỷ dữ hiện ra cười đùa và đang cố gắng lôi mình xuống hỏa ngục. Cũng từ đó chỗ nào cũng làm em sợ, chỉ một nơi làm em thực sự được an vui là gốc cây sồi, nơi mà các em đã quây quần bên nhau, sống những ngày hạnh phúc.
Gần đến ngày Đức Mẹ hiện ra, Giaxinta và Phanxicô sung sướng bao nhiêu thì Luxia lại cảm thấy lo âu bấy nhiêu, đến nỗi em quyết định không đi đến đồi Cova nữa. Sáng ngày 13-7- 1917, Luxia vẫn cảm thấy hoài nghi và bối rối, nhưng gần đến giờ lên đường Luxia thấy sự thôi thúc càng ngày càng mạnh, nên em chạy đến nhà cậu, thấy Giaxinta và Phanxicô còn ở nhà, chúng rất vui khi thấy chị đổi ý để lên đồi cùng chúng. Thế là cả ba cùng vui vẻ cất bước lên đường.
Những việc phi thường xẩy ra trên đồi Cova Da Ira đã đồn ra khắp nước, khiến dân chúng rất sôi nổi. Phe phản giáo nổi lên chống đối dữ dội. Các báo chí đăng tải tin tức thất thiệt. Các chi tiết suy ra được thêu dệt, nhạo báng và kết án lừa gạt, làm lung lạc niềm tin của các Kitô hữu.
Về phía chính quyền, ông Quận trưởng Arthur Oliveira là người Công Giáo nhưng bỏ đạo từ nhỏ, nên ông đã quyết định ra tay khi việc còn đang trứng nước. Ông cho gọi hai ông bố của Luxia và Giaxinta cùng hai con ra hầu toà ngày 12-8. Không có kết quả gì, ông phải cho họ về. Hôm sau 13-8, ông Quận cùng các người hầu cận dùng mưu đến nhà nói là đưa các em đến đồi Cova để xem phép lạ, nhưng đến giữa đường ông cho đánh xe đi nơi khác tiến thẳng về nhà giam, bắt các em phải kể hết những gì Đức Mẹ đã nói.
Trong lúc ấy tại đồi Cova nhiều tin đồn được tung ra: Ma quỷ sẽ xuất hiện ở trên đồi Cova, lòng đất sẽ mở ra và nuốt hết những ai đến đó. Mặc dù có tin đồn, nhưng người ta cũng vẫn đổ xô về đấy đông trên 15 ngàn người. Độ 11 giờ, Maria Dos Antos, chị của Luxia đốt nến và cùng mọi người đọc kinh, hát dâng kính Đức Mẹ ngay dưới gốc cây sồi. Đến 12 giờ các em cũng chưa đến và không ai biết việc các em bị ông quận bắt cóc cả. Tuy không thấy Đức Mẹ, nhưng có tiếng sấm sét vang lên làm mọi người hốt hoảng và sợ hãi, tưởng như đất rẽ ra vùi lấp họ thật. Nhưng tất cả đều an lành.
Mảnh đất nơi Đức Me hiện ra thuộc sở hữu của gia đình nghèo Luxia nay bị người ta dẫm đạp nát bấy. Có lần ông bố than : “Thế là mất toi 20 thùng bắp rồi, cả đậu và bí đỏ. Nhưng thôi đành chịu vậy.”
Nhà cửa bị mọi thành phần dân chúng đến quấy rầy. Mẹ của Luxia nóng nảy, bực tức. Cha của Luxia thì hoài nghi.
Vào một buổi chiều, đi đâu về, ông gọi Luxia ra riêng nói : “Con đi ra ngoài giếng với ba một chút.”
Đến nơi hai bố con ngồi trên thành giếng. Ông kéo Luxia ngồi sát bên và nói : “Bây giờ con hãy nhìn vào ba và hãy nói cho ba biết sự thật là con đã thực sự nhìn thấy người đàn bà hiện ra ở Cova Da Iria hay không ? Con đừng sợ khi thú thật với ba là con đã không nhìn thấy người đàn bà đó. Có lẽ chẳng qua chỉ muốn vui đùa nên con bày ra nói điều đó, và người ta đã cho là thật. Hay nói một cách đơn giản là con đã nói dối. Con biết là ở đời cũng có nhiều người hay nói dối lắm. Và kể ra những điều đó cũng không có gì là xấu xa ghê gớm lắm. Nhưng cốt là để người ta đừng tới đó nữa. Và như thế mọi sự chấm dứt.”
Luxia thưa : “Con hiểu ý ba nói. Nhưng con đã nhìn thấy bà đó thì làm sao con có thể nói là con không nhìn thấy. Người đàn bà đó còn nói bà sẽ tiếp tục iện ra cho tới tháng 10 mới thôi.” (Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima).
Chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima đâu phải là toàn yên vui, trái lại chẳng những làm cho bản thân ba em đau khổ, mà còn làm cho Giáo Hội lo lắng, chính quyền bận tâm và gia đình xào xáo.
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng cho biết đi theo Chúa cũng gặp những đau khổ.
Bđ1 : Ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bđ1 than thở : “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con” (Gr 20,7).
BTM : Chính Chúa Giê-su cùng tỏ cho các môn đệ biết : “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Mt 16,21).
Thân phận mỗi người chúng ta đi theo Chúa cũng vậy. Chúa bảo : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 20,24).
Bđ2 : Thánh Phao-lô đã trải qua con đường thập giá khi theo Chúa, nên khuyên nhủ chúng ta : “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa : cái gì là tốt. cái gì đẹp lòng Chúa, cái gi hoàn hảo” (Rm 12,2) (3-9-2017).
———————————–
CN.22.A
Cuộc tử đạo của thầy giảng Phê-rô Nguyễn Khắc Tự (18o8-1840) là một biểu hiệu sâu xa mối tình thầy trò, mối tình cha con tinh thần trong Giáo Hội.
Ngày 31-7-1838, sau khi quân lính bắt được linh mục thừa sai Borie (Bô-ri) Cao, các tín hữu sợ liên lụy nên làm ngơ như không biết. Nhưng thầy giảng Tự lẽo đẽo đi theo đám lính, vừa khóc lóc, vừa xin đi theo gót thầy mình. Quân lính thấy thế sinh nghi, bắt thầy đưa đến trước mặt vị thừa sai. Vì không muốn thầy liên lụy, Cha Cao giả bộ không biết “người thanh niên này” là ai. Cha còn tình nguyện bỏ tiền ra để chuộc tự do cho thầy.
Nhưng thầy Tự quyết tâm thực hiện ý định của mình. Thầy tuyên bố mình là đệ tử của cha, và năn nỉ với cha : “Xin cha cho con đi theo cha đến cùng”. Trước thái độ chí tình, vị linh mục xúc động, tháo chiếc khăn quàng xé ra làm hai, trao một phần cho người môn sinh và nói : “Cầm lấy, thầy hãy giữ lấy nó làm bằng chứng lời thầy đã hứa”.
Thầy Tự đã giữ nửa chiếc khăn quàng suốt 2 năm tù đày cho đến ngày tử đạo, trong đó gần 4 tháng cùng bị giam với người cha linh hồn (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 198).
BTM : Câu chuyện thầy Tự xin cha Cao “đi theo cha đến cùng” là hình ảnh sống động lời Chúa Giê-su dạy trong BTM thánh lễ hôm nay.
Sau khi nói đúng lý lịch của Chúa Giê-su là “Đáng Ki-tô”, là “Con Thiên Chúa”, Chúa Giê-su cho các tông đồ biết : “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Mt 16,21).
Khi tuyên xưng Chúa là “Đấng Ki-tô”, trong lòng thánh Phê-rô và các tông đồ nghĩ đến ngày Chúa làm vua, ngày thầy trò được quyền cao chức trọng, ngày được sống trong tháp ngà, được ăn sung mặc sướng. Nào ngờ Chúa lại bảo “chịu nhiều đau khổ…bị giết chết”. Nên chẳng lạ gì, thánh Phê-rô kéo Chúa riêng ra và nói : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22).
Thánh Phê-rô bị Chúa mắng : “Xa-tan lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy” (Mt 16, 23).
Chẳng những Chúa chịu đau khổ, mà cả các môn đệ cũng thế : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thánh giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Bđ1 : Thực tế, ai đi theo Chúa đều phải đau khổ. Chúng ta vừa nghe bđ1, ngôn sứ Giê-rê-mi-a thổ lộ nỗi khổ khi đi theo Chúa.
Ông sinh năm 650 tCN. Gia đình ông là tư tế. Ông được Chúa gọi làm ngôn sứ năm 24 tuổi. Khi quân Ba Tư chiếm Giê-ru-sa-lem, người ta lôi ông trốn sang Ai cập. Ông đã chết ở đó.
Chúng ta nghe ngôn sứ Giê-rê-mi-a than van trong bđ1 : “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ… Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con… Vi lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục suốt ngày… Có lần con tự nhủ : ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa…Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được !” (Gr 20,7-9).
Bđ2 : Những đoạn thư Rô-ma trong các Chúa nhật trước, thánh Phao-lô đã ca ngợi lòng Chúa thương khi cho dân Do Thái cũng như dân ngoại được biết Chúa, được làm con Chúa, dù dân Do Thái và dân ngoại đều bất trung. Trong đoạn thư trong bđ2 hôm nay, thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta đáp trả lòng Chúa thương bằng cách : ‘Đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải thiện con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
“Không rập theo thói đời… cải thiện, đổi mới tâm hồn” đâu phải là dễ, khó lắm, nhiều thập giá lắm.
Chúa Giê-su, ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thánh Phao-lô và thầy Phê-rô Nguyễn Khắc Tự, đã vác thập giá. Gia đình nào cũng treo Thánh Giá trên bàn thờ. Ước chi gia đình chúng ta sẵn sàng theo Chúa vác thánh giá, để “không rập theo thói đời… song, cải thiện, đổi mới tâm hồn” (31-8-2014)
——————————.
CN.22.A
Hôm nay là ngày tử đạo của thánh giám mục Sampedro, tên Việt Nam là Xuyên, giám mục địa phận Trung, tức giáo phận Bùi Chu ngày nay.
Đức cha sinh năm 1821 tại Tây Ban Nha. Gia đình nghèo khổ. Tuy nhiên cha mẹ cũng ráng làm thêm và tằn tiện để có tiền cho ngài đi học. Để đỡ phí tổn cho cha mẹ, Đức cha không đi giày, mà đi bộ tới trường và mượn sách của bạn bè để học. Vừa học Đức cha vừa đi dạy kèm tại các tư gia. Hè về, Đức cha xuống đồng làm ruộng với gia đình. Bạn bè biết Đức cha là người học giỏi mà chịu cảnh chân lấm tay bùn thì ngỡ ngàng. Đức cha nói : “Không việc nào là xấu, nếu việc đó không trái ý Chúa. Chính Cha trên trời cũng đã chọn sinh ra trong hang đá và nằm trong máng cỏ”.
Mỗi kỳ nghỉ hè, Đức cha cũng giúp cha sở dạy giáo lý cho các em xưng tội và rước lễ lần đầu. Đức cha còn nêu gương sáng trong việc chầu Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày . Bạn bè gọi Đức cha là “người cầu nguyện”.
Được nghe nhiều về các thánh tử đạo ở Việt Nam, Đức cha Sampedro Xuyên ước muốn đi tu để được sang Việt Nam truyền giáo. Đức cha vào dòng Đaminh và chịu chức linh mục ngày 29-5-1847 khi được 26 tuổi. Năm sau Đức cha xuống tầu sang Việt Nam. Ngày 28-2-1849 Đức cha đặt chân lên đất Đông Xuyên và đến Nam Am, Hải Phòng, học tiếng Việt. Sau khi biết nói tiếng Việt, Đức cha được sai làm giám đốc Đại chủng viện. Sáu năm sau đặt chân lên đất Việt, ngày 16-9-1855, Đức cha được chọn làm giám mục phó giáo phận Trung (Bùi Chu). Hai năm sau, năm 1857 Đức cha chính bị bắt và bị xử tử tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Đức cha Sampedro Xuyên lên kế vị. Chỉ được 3 năm thì Đức cha bị bắt tại nhà ông trùm Khanh xứ Kiên Lao cùng với hai chú giúp lễ.
Bị giam 20 ngày tại Nam Định, thì bị kết án lăng trì. Ngày 28-8-1858 Đức cha Sampedro Xuyên bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu. Đức cha bị xô ngã nằm dưới chiếu, bị lột quần áo, bị trói hai chân hai tay vào 4 cọc, và 2 cọc ở hai bên nách để khỏi cựa quậy. 5 người lính cầm 5 cái rìu : hai người chặt hai chân, hai người chặt hai cánh tay, sau đó người thứ năm chặt đầu. Cuối cùng Đức cha bị mổ bụng. Người lính cắt bộ gan giơ cao và nói : “Xem này, gan Tây to thật !” Người lính có ý muốn nói : Đức cha can đảm thật. Xác Đức cha bị chôn dưới hố. Lính thúc đàn voi lấy chân đạp hố, nhưng voi không chịu đi. Còn đầu Đức cha bị bêu ba ngày. Sau ba ngày bị băm nát vất xuống sông. Về sau các giáo hữu đem xác Đức cha về chôn tại Đền Thánh Phú Nhai.
BTM : Đức cha Sampedro Xuyên đã thể hiện lời Chúa Giêsu nói vơi các tông đồ trong BTM thánh lễ hôm nay : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Bđ1 : Ngôn sứ Giêrêmia trong bđ1 cũng phải từ bỏ mình, vác thập gia mình. Ngôn sứ nói với Chúa : “Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày” (Gr 20,8).
Bđ2 : Thánh Phaolô cũng khuyên dạy các tin hữu Rôma từ bỏ mình, vác thập giá mình, để trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa : “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1) (28-8-2011)
—————————–.
CN.22.A
Hôm nay là lễ thánh Âutinh. Và hôm qua lễ thánh Mônica. Giáo hội mừng hai mẹ con vào hai ngày liền nhau. Nhưng mẹ trước, con sau, vì có mẹ mới có con.
Qua cuộc đời hai vị thánh, chúng ta mới hiểu được thánh giá hằng ngày, đồng thời đâu là hạnh phúc chân thật.
Thánh Monica sinh năm 332 tại Ta-gas-te, nước An-gê-ri, Phi châu. Khi thánh Mônica 22 tuổi, cha mẹ gả cho ông Pa-tri-xi-ô. Ông vừa lớn tuổi hơn, vừa tính tình nóng nảy, lại không có đạo. Bạn bè lo lắng cho cuộc hôn nhân này. Ít năm sau người ta hỏi thánh Mônica : “Làm sao chị có thể sống thuận hòa với một ông chồng nóng nảy dữ dằn như vậy ?” Thánh Mônica cho biết là ngài không bao giờ cãi vả với chồng; trái lại luôn luôn bình tĩnh, dịu dàng. Khi chồng giận, chờ cho chồng nguôi đi, ngài mới ôn tồn nói chuyện. Thánh Mônica là con người luôn luôn yêu chuộng sự hòa thuận. Ngài nói điều tốt người ta làm, chứ không nói điều xấu người ta phạm. Mẹ chồng cũng khó tính và không ưa ngài. Ngài phải chịu đựng và khéo léo cư xử.
Thánh Mônica và ông Patrixiô sinh được hai người con trai là thánh Âu-tinh và Na-vi-gi-ô, và một người con gái là Pê-pê-tu-a. Vì chồng không có đạo, nên thánh Mônica phải dạy các con về đức hạnh cũng như về đạo lý. Ngài thường kể cho con cái nghe đời sống các thánh, nhất là các thánh tử đạo, để con cái bắt chước và nâng tâm hồn lên với Chúa. Thời đó, khi lớn người ta mới rửa tội. Thánh Monica phải dậy dỗ các con luôn ước ao được rửa tội, được làm con Chúa.
Thánh Âutinh, đứa con trai đầu, rất thông minh, song làm biếng học hành. Hai ông bà muốn cho con học tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp là hai thứ tiếng các nhà trí thức thời đó phải biết. Thánh Âutinh đi học xa, không ở gần gia đình, bi tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của bạn bè : uống rượu, trai gái, nói dối, ăn cắp. Học ở Các-ta-giơ (Carthage), thánh Âu tinh bị tiêm nhiễm lạc giáo Ma-ni-kê. Nghe tin đó thánh Mônica coi thánh Âutinh như đã chết rồi. Ngài ra sức cầu nguyện cho đứa con phản bội. Một đêm kia, ngài mơ thiên thần hiện đến bảo ngài : “Con bà ở với bà”. Thánh Mônica kể cho Âutinh giấc mơ. Âutinh nói với mẹ : “Ô, đúng vậy, mẹ sẽ đi ở với con.” Nhưng thánh Mônica nói lại : “Mẹ không nói mẹ ở với con, mà nói con ở với mẹ.” Suốt đời, thánh Âutinh vẫn nhớ giấc mơ này.
Thánh Mônica tìm đến các Đức Giám mục và linh mục xin chỉ dẫn, có cách nào bảo ban thánh Âutinh. Các ngài nói : “Đứa con được bà tha thiết cầu nguyện cho như thế, thì không thể nào hư đi.”
Khi 29 tuổi, thánh Âutinh xin mẹ đi Rôma để dạy học, dạy khoa hùng biện. Thánh Mônica không cho đi. Thánh Âutinh đánh lừa mẹ lên tầu trốn đi. Thánh Mônica đứng trên hải cảng nhìn chiếc tầu của con đang lướt sóng xa dần. Hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má. Nhưng thánh Mônica không chịu thua. Ngài cũng lên tầu đến Rôma tìm con.
Từ Rôma, thánh Âutinh thường tới Milanô để nghe thánh giám mục Ambrôsiô giảng. Thánh Ambrôsiô có tài hùng biện. Thánh Âutinh đến nghe không phải để nghe lời giảng, mà để bắt chước cách giảng. Tuy nhiên lời giảng của thánh Ambrosiô dần dần thấm vào lòng, khiến thánh Âutinh phải thừa nhận đạo Công giáo mới là chân lý, còn lạc giáo Manikê là sai. Qua lời giảng dạy của thánh Ambrôsiô, thánh Âutinh muốn trở về với Chúa. Nhưng phải đợi khi đọc cuộc đời thánh Antôn tu rừng, thì thánh Âutinh mới dứt khóat trở về với Chúa.
Vào một ngày mùa hè, ngồi một mình trong khu vườn, thánh Âutinh nghe có tiếng gọi, giống như tiếng một trẻ nhỏ : “Hãy cầm lấy mà đọc.” Vào nhà, thấy cuốn Tân Ước, thánh Âutinh mở ra, tình cờ thấy đọan thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma : “Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt, mà thỏa mãn các dục vọng.” (13,14).
Quyết định trở về với Chúa, thánh Âutinh đến bên mẹ và nói cho mẹ biết quyết định của mình. Thánh Mônica ôm thánh Âutinh và khóc. Hôm nay ngài không khóc vì buồn, mà khóc vì vui. Lễ vọng Phục Sinh năm 387 thánh Ambrôsiô đã rửa tội cho thánh Âutinh. Năm đó thánh Âutinh 32 tuổi. Hàng mấy chục năm bỏ Chúa, làm khổ mẹ.
Thánh Âutinh quyết định trở về quê hương Angêri. Hai mẹ con dẫn nhau lên tầu. Tới cảng Ostia, thánh Mônica nói với thánh Âutinh : “Bây giờ mẹ chẳng cần niềm vui nào nữa, niềm hy vọng của mẹ đã hòan tất.” Thình lình thánh nữ bị sốt nặng. Biết giờ chết đến, thánh Mônica nói với thánh Âutinh : “Con hãy chôn mẹ ở đây.”. Thánh Âuinh thưa mẹ : “Không được, đây là đất khách quê người. Con đem mẹ về bên mộ ba.”. Thánh Mônica bảo : “Chôn đâu cũng được. Đừng quan tâm. Mẹ chỉ xin con một điều : bất cứ con ở đâu, con hãy nhớ mẹ trong các thánh lễ.” Thánh Mônica qua đời. Thánh Âutinh không khóc, vì biết mẹ là thánh, mẹ về với Chúa, để Chúa thưởng công. Thánh Âutinh thưa với Chúa : “Lạy Chúa, con được làm con Chúa, là nhờ Chúa cho con một người mẹ.”. Nhớ công ơn mẹ, thánh Âutinh viết : “Tôi hòan tòan mang ơn mẹ tôi. Nếu tôi không mất linh hồn, đó là nhờ mẹ tôi. Mẹ tôi đã đau khổ vì tôi. Kể sao cho xiết. Khóc đêm khóc ngày. Tim như nhỏ từng giọt máu, để làm của lễ hy sinh cho tôi.”
Đạo cũng như đời, con đường hạnh phúc, con đường thành công là con đường chịu khó, con đường đau khổ, con đường thập giá.
Bài Tin Mừng : Bài TM chúa nhật tuần trước, thánh Phêrô đại diện cho các tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô”, nghĩa là Đấng Thiên Sai, Đấng Thiên Chúa sai đến trần gian để cứu đời.
Tuy nhiên, người Do Thái ai nấy lại quan niệm Đấng Thiên Sai là đấng cầm quân khiển tướng đem lại nền độc lập cho quê hương xứ sở, đấng lật đổ bạo quyền Rôma đem lại nền thịnh vượng cho muôn dân. Người Do Thái nhiều lần đã trông mong Chúa như thế. Nên khi thấy Chúa làm phép lạ bánh và cá ra nhiều cho người ta ăn no nê, thì người Do Thái đã tôn Chúa làm vua, và Chúa phải lánh mặt, lên núi một mình (Ga 6,15).
Sợ các môn đệ cũng giống như người Do Thái, nên sau khi nghe các tông đồ tuyên xưng mình là Đấng Kitô, Chúa Giêsu phải cho các ông biết, qua bài TM chúa nhật hôm nay, Đấng Kitô “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Mt 16,21).
Các tông đồ, qua thánh Phêrô, chẳng những không hiểu, còn can ngăn Chúa : “Xin Thiên Chúa thương đừng đề Thầy gặp phải chuyện ấy.” (16,22) Chúa mắng : “Xatan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của lòai người.” (16,23).
Tuy bị mắng là Xatan, nhưng Chúa không đuổi đi. Xatan cám dỗ Chúa trong sa mạc, Chúa đã đuổi đi : “Xatan kia, xéo đi !” (Mt 4,10). Chúa chỉ bảo thánh Phêrô và các tông đồ : “Lui lại đằng sau Thầy !” Lui lại đằng sau Chúa, nghĩa là đi theo Chúa, bắt chước Chúa, theo gương Chúa mà vác thập giá. Chúa bảo : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (16,24). Thánh Luca còn thêm từ “hằng ngày” : “Vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23), nghĩa là “hằng ngày” vác thập giá, hằng ngày đều có thập giá, “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34).
Bài đọc 1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay cho ta thấy nỗi khổ, thập giá của ngôn sứ Giêrêmia. Ngôn sứ Giêrêmia thi hành sứ vụ tại Giêrusalem vào giai đọan bi thương nhất của nước Do Thái, tức là giai đọan mất nước. Năm 587 tCN đế quốc Babylon đã đem quân xâm chiếm, tàn phá Đền thờ, và bắt lưu đày sang Babylon. Theo lệnh Chúa, ngôn sứ báo trước cho dân biết thảm cảnh đó. Nhưng họ không tin và còn chế diễu, nhục mạ ngôn sứ, như ngôn sứ than thở : “Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên : ‘Bạo tàn ! Phá hủy !’ Vì Lời Chúa, mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.” (Gr 20,8)
Bài đọc 2 : Từ đọan 12 của thư Rôma, thánh Phaolô viết về nền luân lý, về cách sống của người Kitô hữu. Như đọan thư đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô viết : “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hòan hảo.” (Rm 12,2)
Có người nói rằng : kiếm được một đồng bạc đã khổ, kiếm được một chữ khổ hơn, song kiếm được một nhân đức còn khổ hơn nhiều. Qủa thật, qua đời sống của thánh Âutinh sửa đổi một nết xấu, tập được một nhân đức khó hơn biết bao (28-8-2005)
————————————–.
CN.22.A
Chúa Giêsu bảo các tông đồ : “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Thật là nghịch lý !
Theo Chúa là để được giầu sang, phú quí, ăn no mặc ấm. Chứ có ai theo mà lại vác thập giá, đeo cái khổ vào thân ?
Khổ vì tội cũng cam phận, như tên trộm lành nói với tên trộm dữ : “Chúng mình chịu như thê này là đáng kiếp, xứng với việc mình làm” (Lc 23,41). Chứ còn người lành sao lại bị bệnh tật ? Người có công lao với Chúa sao lại bị số phận hẩm hiu đói khổ ? Chúa công bình, Chúa nhân từ ở chỗ nào ?
Ngày 11-2-1984, trong tông thư “Ý Nghĩa Đau Khổ”, Đức giáo hòang Gioan-Phaolô II đã mô tả cái tâm trạng hoang mang dằn vặt đó như sau : “Con người không đặt câu hỏi ‘Tại sao có đau khổ’ với thế giới, dù rằng đau khổ của con người thường xuất phát từ thế giới, nhưng lại đặt ra với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và là Chúa của thế giới. Trong lãnh vực này, con người không những gặp phải nhiều tình trạng vỡ mộng và xung đột với Thiên Chúa, mà còn có thể đi đến chỗ chối từ Thiên Chúa. Thực vậy, nếu sự hiện hữu của thế giới giúp con người nhận ra sự hiện diện, sự khôn ngoan, sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa, thì sự dữ và đau khổ dường như lại làm lu mờ hình ảnh đó, đôi khi còn bôi xóa hòan tòan” (số 9).
Bđ1 : Ngôn sứ Giêrêmia trong bđ1 hôm nay chẳng những đã buông lời trách thân trách phận, mà còn như trách Chúa nữa : “Lạy Chúa, Chúa đã dụ dỗ con, và con đã để cho Chúa dụ dỗ… Suốt ngày con đã trở nên trò cười, ai nấy đều nhạo báng con… Con những tự nhủ : Con sẽ không nghĩ đến Chúa nữa, cũng chẳng nhân danh Chúa mà nói nữa” (Gr 20,7-9).
Trả lời sao trước sự đau khổ của người lành, người lương thiện, người vô tội, người có công lao với Chúa ?
Sau khi đã trải qua những ngày dài trên giường bệnh, Đức hồng y Veuillot, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, vị tiền nhiệm của Đức hồng y Casaroli ngày nay, vài giờ trước lúc lâm chung đã nói như sau : “Chúng ta đã viết những câu văn hoa mỹ về đau khổ. Chính tôi, tôi cũng đã hăng hái nói về đau khổ. Hãy bảo với các linh mục rằng đừng nói gì về đau khổ cả”.
Vậy chẳng có câu trả lời cho vấn nạn đau khổ sao ? Chả nhẽ cứ im lặng ? Bi quan quá đi, khủng khiếp quá đi !
Thánh Phanxicô Assisi đau rất nặng. Ngài phải chịu nhiều cơn đau mãnh liệt đến nỗi ngài nghĩ không còn đủ sức chịu đựng. Ngài than trách Chúa, nhưng ngài nghe như có tiếng từ trời phán : “Phanxicô, nếu mặt đất được lót bằng vàng, biển khơi bằng dầu thơm, núi đồi bằng đá quí, thì con đã chẳng chịu đựng mọi khốn khổ để chiếm hữu cho được chúng mới thôi sao ?”
Thánh nhân thưa lại : “Con không xứng đáng với một kho tàng như thế”.
Chúa đáp lại : “Phanxicô, con hãy biết rằng đời sống vĩnh cửu là kho tàng mà Ta dành cho con đó. Và các đau đớn con đang chịu là bảo đảm của đời sống vĩnh cửu đó !” (Góp Nhặt trang 126).
BTM : Chúa Giêsu xưa cũng đã nói với các tông đồ, chúng ta vừa nghe trong BTM : “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt thân, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ?” (Mt 16,25-26).
Hôm nay cũng là ngày Quốc Khánh. Cách nay 45 năm, ngày 2-9-1945, quốc khánh đầu tiên, chủ tịch HCM đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, trong đó có câu : “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Tòan thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của ăn, để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Như thế, đau khổ chỉ trả lời được bằng cuộc sống vĩnh cửu, và thập giá chỉ trả lời được bằng phục sinh vinh quang.
Đức giáo hoàng đã kết luận Tông Thư “Ý Nghĩa Đau Khổ” : “Ước mong rằng những đau khổ của anh chị em hiệp với Thanh Giá của Đức Kitô sẽ chiến thắng” (2-9-1990)
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành