Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm A


CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A

Ngày 10/9/2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hội yên

Giáo xứ Phước Kiều

GIÁO HUẤN SỐ 42

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Một giáo huấn của Giáo Hội thường bị bỏ qua (tt)

Giáo lý của Giáo hội Công giáo cũng nhắc chúng ta rằng ân sủng được trao ban thì ‘vượt quá năng lực của trí năng và ý chí con người’ và rằng ‘đối với Thiên Chúa, con người chẳng có quyền đòi hỏi Ngài bất cứ gì cả. Giữa Thiên Chúa và chúng ta là một khoảng cách khôn lường’. Tình bạn của Ngài muôn trùng siêu việt vượt trên chúng ta, ta không thể mua nó với những việc làm của mình, nó chỉ có thể là một quà tặng do sáng kiến yêu thương của Ngài. Điều này mời gọi chúng ta hân hoan sống tinh thần biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này, vì ‘khi người ta nhận được ân sủng, thì ân sủng đã nhận được ấy  không thể do người ta xứng đáng’. Các thánh tránh đặt niềm tin tưởng vào công việc của mình : ‘Vào buổi chiều của cuộc đời này, con sẽ đến trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, vì lạy Chúa, con không xin Chúa đo đếm các việc làm của con. Tất cả sự công chính của chúng con đều nhiễm tì vết trước mắt Chúa’. (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 54).

LỜI CHÚA

Ed 33,7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18,15-20

Bài Ðọc I: Ed 33, 7-9

“Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: “Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết”; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng” (x. c. 8).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!

Xướng: Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.

 

Bài Ðọc II: Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông

Ngài sinh năm 1790 tại Gò Thị, Qui Nhơn. Đức cha Cuenot (Quy-nô) Thể đặt ngài làm đầu tòan thể các xứ đạo hạt Bình Định. Ngòai Trung trong Nam gọi là “Ông Câu”, ngòai Bắc gọi là “Ông Chánh Trương”. Ngài rất đạo đức và đặc biệt có lòng kính mến Đức Mẹ. Ngài dành một gian nhà làm nhà nguyện dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. ‘Hổ phụ sinh hổ tử’. Cha nào con nấy. Cha thánh thì con cũng thánh. Ngài có một người con làm linh mục là cha Nguyễn Kim Thư. Cha hoạt động ở miền Phan Thiết. Trên đường đi đày, ngang qua Phan Thiết, ngài được diễm phúc cha Thư ra đón và ban các phép sau hết cho ngài. Ngài còn có người con gái tên là Anna Nhường là nữ tu dòng Mến Thánh Giá.

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông có một người cháu tên là Út. Đứa cháu sống ngang tàng, ăn chơi phóng đãng, nhiều lần bị ngài quở mắng. Đứa cháu chẳng những không nghe, còn viết thư cho quan tỉnh Bình Định tố cáo ngài chứa chấp các đạo trưởng, các linh mục. Thế là ngài bị bắt, bị giam tù ở Bình Định. Gia đình muốn dùng tiền đút lót để ngài được tha, nhưng ngài nói : “Cha đã già cũng chẳng ham sống lâu nữa. Cha sẵn sàng bị tù đày và chịu chết vì danh Đức Kitô. Đừng xin  tha cho cha”.

Chúa ban cho ngài đôi chút của cải. Ngài rộng tay giúp đỡ dân chúng trong làng xóm không phân biệt lương giáo, nên quan cũng muốn tha ngài. Quan khuyên ngài : “Ông dẫm chân lên thập giá đi ! Chỉ tôi với ông biết thôi, rồi về ông xưng tội là xong, có chi đâu”. Ngài đáp : “Không được, thập giá tôi tôn kính mà dẫm lên sao được”. Sau 3 tháng tù, vua ra án cho ngài là bị đày vào Vĩnh Long.

Vừa đi vừa phải mang gông, đội nắng đội mưa, thân già sức yếu, thánh Anrê Nguyễn Kim Thông chịu đựng sao nổi. Đi được ít chặng đường, lính phải tháo gông cho ngài. Tới Chợ Quán, ngài đã yếu sức, nhưng còn tiếp tục đi tới Mỹ Tho mới ngã quỵ. Ngài đọc xong kinh ăn năn tội và kinh Kính Mừng thì tắt thở. Hôm đó là ngày 15-7-1855. Ngài thọ 65 tuổi. Giáo hũu an táng ngài tại Cái Nhum, Vĩnh Long. Sau này cha Thư, con ngài, và bà con họ hàng đã cải táng đem về chôn tại Gò Thị, Qui Nhơn.

BTM  : Theo thánh Mt, đời sống chung thường xảy ra 5 vấn đề sau đây :

  • Ghen tỵ : người làm lớn người làm nhỏ, kẻ ở bậc trên người ở bậc dưới… (Mt 18,1-4)
  • Có người làm gương mù, gương xấu… (Mt 18,5-10)
  • Có người đi sai đường lạc lối , như con chiên lạc…(Mt 18,12-14)
  • Phải sửa lỗi cho nhau… (Mt 18,15-18)
  • Phải tha thứ cho nhau… (Mt 18,21-35).

BTM thánh lễ hôm nay nói đến vấn đề đời sống chung. Đó là “sửa lỗi cho nhau”. Chúa Giêsu đề nghị  5 cách sửa lỗi :

– Cách I : Một người : “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình với nó mà thôi” (Mt 18,15).

– Cách II ; Hai hay ba người : “Hãy đem theo một hay hai người nữa, để  mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng (Mt 18,16).

     – Cách III : Đi thưa Hội Thánh : “Nếu nó không nghe, thì hãy đi thưa Hội Thánh”   (Mt 18,17a).

     – Cách IV : Dứt phép thông công : “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế “ (Mt 18,17b).

– Cách V : Cầu nguyện : “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin  bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19).

‘Chúa chúng ta cũng nói đến tình trạng cùng cực, đó là người phạm lỗi không nghe ai cả. Bấy giờ hãy trình với Hội Thánh hay vị có thẩm quyền. Nếu người ấy cũng từ chối nghe cả người hữu trách, thì bảo cho họ đi thôi. Họ đã tự loại mình ra khỏi lòng Mẹ Hội Thánh, họ tự ý không muốn làm người anh em trong lòng Nhà Cha chung nữa. Chỉ cò cách cầu nguyện cho họ mà thôi.

Có một tác giả nói về tình yêu như sau :

Chuông chỉ là chuông khi được gõ

Bài ca chỉ là bài ca khi được hát lên

Tình yêu được đặt vào trái tim của bạn

Không phải để ngủ vùi trong đó,

Tình yêu chỉ là tình yêu khi được trao ban

Bạn hãy xem lại lòng mình, rồi bạn hãy bước đi mà sửa sai – với tình yêu – và chấp nhận sửa sai – với tình yêu – Chỉ với giá ấy, bạn mới làm cho gia đình, giáo xứ, Hội Thánh trở thành bí tích về sự hiện diện của Chúa Kitô, vì Ngài đã nói : ‘Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giũa họ’ (Vũ Phan Long, Bài Giảng Chúa Nhật A, trang 302-303).

Bđ1 : Qua bđ1, nếu ai không sửa lỗi cho người anh em, thì sẽ bị Thiên Chúa phạt. Thiên Chúa phán với ngôn sứ Êdêkien : “Ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu” (Gr 33,8).

Bđ2 : Với đoạn thư Rôma trong bđ2, sửa lỗi cho nhau là yêu người, là chu tòan Lề Luật. Thánh Phaolô viết : “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngòai món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu tòan Lề Luật” (Rm 13,8).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng

Chúa cứu chuộc và nhận chúng con làm nghĩa tử,

xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn

này chúng con là những kẻ tin kính Đức Kitô,

thì xin cho chúng con

được trở nên những người tự do đích thực

và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.

Chúng con cầu xin

SUY NIỆM II

SỬA LỖI NHAU

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 Tại một tu viện kia, có ông thầy ngang ngược, ban đêm trốn ra khỏi tu viện; có lẽ ông thầy đang gặp khủng hoảng gì đó. Nhiều người bảo người ta thấy ông thầy này về khuya lắm. Cha giáo bận tâm lo lắng không biết làm sao giúp người anh em mình vượt qua được tình trạng khủng hoảng này. Cha giáo lấy tràng hạt ra đọc kinh. Chục kinh thứ nhất không thấy ông thầy về; chục kinh thứ 2 cũng chẳng thấy ông thầy đâu; chục kinh thứ 3 còn dang dở thì nghe thấy tiếng mở cửa. Ông thầy về tới- đồng hồ cũng đã điểm 1h. Cha giáo lặng lẽ chỉ nói với người anh em: ngủ sớm đi em kẻo mai mất lễ. Nào ngờ, thời gian thấm thoát – ông thầy trở thành một linh mục rất dễ thương – gần gũi, yêu thương, cảm thông với anh chị em giáo dân của mình.

Như vậy đứng trước những hành vi xấu xa tội lỗi của anh em, tôi nên làm ngơ hay nói sự thật. Tôi nên giúp họ nhận ra điều sai lỗi hay tôi theo chủ nghĩa “mackeno”. Tôi có bổn phận giúp người anh em tìm lại bình an tâm hồn khi sống theo đạo lý làm người, và làm con Chúa hay tôi để họ mãi sa lầy trong vũng bùn tội lỗi và bóng đêm của gian tà.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải can đảm và kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi cho nhau là hành vi bác ái, là giúp anh em mình sống đúng phẩm giá làm người, là nỗ lực đưa anh em mình trở về nẻo chính đường ngay. Sửa lỗi cho nhau không chỉ là điều cần thiết mà còn là bổn phận của các bậc làm cha mẹ, anh chị, hay của những người có nghĩa vụ giáo dục và hướng dẫn người khác. Vì thế, ca dao tục ngữ có câu: “nuôi con chẳng dạy chẳng răn – Thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”. Còn Lời Chúa trong bài đọc 1 khẳng định rằng nếu ngươi thấy người có lỗi và báo cho kẻ có lỗi phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình (Ed 33,9).

Thế nên, sửa lỗi anh em trong đức ái không có nghĩa là dò xét, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít ra nhiều. Càng không được kể lỗi lầm của anh em ra bất cứ ai, hay la lối chửi mắn thóa mạ nhưng lấy lời lành mà khuyên dạy, vì chưng chúng ta cần ý thức rằng “nhân vô thập toàn”, là người ai cũng có lầm lỗi, là người ai cũng có khiếm khuyết, nên cần cảm thông hơn là kết án, nên giúp họ làm lại cuộc đời hơn là tẩy chay vì không ai trong chúng ta là người hoàn hảo; thánh thiện hết. Vì thế, Chúa Giêsu đưa ra những bước sửa lỗi cho nhau:

Bước thứ nhất là đối thoại. Đối thoại là nói những điều chân lý, những điều đúng và hợp tình hợp lý hầu giúp họ nhận ra việc họ làm, lời họ nói là sai. Đối thoại để họ nhận ra lầm lỗi, để họ ý thức được việc họ làm, lời họ nói là xấu, sai với đạo lý làm người, chứ không phải chỉ trích, trách mắng người ta.

Bước thứ hai cần thêm người khác tác động. Người khác ở đây có thể là bạn bè thân hữu của người phạm lỗi, hay là người có uy tín trong cộng đoàn. Người khác tác động là người khuyên bảo, chỉ dẫn và giúp người người phạm lỗi nhận ra chân lý đúng sai chứ không phải bạ ai cũng nói lỗi tội của tội phạm, gặp ai cũng nói tội xấu của hối nhân… làm như thế người có lỗi chỉ thêm mặc cảm vì lỗi của mình, và oán ghét chúng ta hơn là biết ơn chúng ta.

Bước thứ ba là đưa ra cộng đồng. Người ta vẫn thường nói “xã có phép tắc của xã. Làng có khuôn phép của làng”. Mỗi xã hội đều có những lề thói giúp nhau sống kỷ cương và đảm bảo an ninh xã hội. Thế nên, cộng đồng sẽ giúp cho con người sống tốt hơn và cho môi trường sống được lành mạnh và an bình hơn.

Bước thứ tư: hãy cùng nhau hợp lời cầu nguyện cho họ. Trên hết mọi sự là hãy cầu nguyện cho người anh em chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta vì nhu cầu cộng đoàn và cho cộng đoàn sẽ được Chúa chấp nhận như Lời Chúa Giêsu hôm nay nói: “Thầy bảo thật: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Như vậy, bác ái Kitô giáo không cho phép chúng ta dửng dưng hay làm ngơ trước lầm lỗi của tha nhân, nhất là những lầm lỗi có thể gây ảnh hưởng xấu trong cộng đoàn, hay mất an ninh cho xã hội. Bác ái Kitô giáo đòi hỏi chúng ta cảm thông với yếu đuối của tha nhân, nhưng không dung dưỡng sự xấu trong cộng đoàn. Chúng ta không được thanh trừng hay tẩy chay anh em nhưng phải thanh tẩy môi trường chúng ta đang sống khỏi những thói hư tật xấu, những tệ nạn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống chung của cộng đoàn, như Ngôn sứ Ezekien trong bài 1 đã đón nhận sứ điệp từ trời cao: “Hỡi con người, Ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Itraen, ngươi hãy nói cho những kẻ lầm đường lạc lối biết đường trở về nẻo chính đường ngay để nó được sống”. Đó cũng chính là sứ điệp mà Chúa cũng nói với cộng đoàn – nói với từng người chúng ta. Chúng ta không phải là những người hoàn toàn vô trách nhiệm với anh em chị em của mình; tất cả chúng ta sống liên đới với nhau trong ân nghĩa. Không ai là một hòn đảo giữa cuộc đời này, chúng ta có trách nhiệm trong cuộc đời của nhau; trong sự thành toàn của nhau trên con đường tiến về Vương quốc. Vì thế, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy rằng: Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luậ. tNgươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 33,8.10).

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Lời Chúa soi lòng mở trí để chúng ta luôn dám nói sự thật với anh em, biết lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, để kiện toàn anh chị em chúng ta ngày càng nên trọn lành thánh thiện như lòng Chúa mong muốn. Amen

 

SUY NIỆM III

ĐỂ ĐƯỢC LỢI NGƯỜI ANH EM

(Hội An 10/9/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

             Không ai là một hòn đảo, thế mà con người thường bị cám dỗ sống như một hòn đảo, không muốn liên đới với ai. Tuy nhiên, khi con người dù có những thành đạt về các lãnh vực xã hội, mà không biết hiện diện cho và vì người khác, họ đang để cho khả năng liên đới và yêu thương của mình bị chết ngộp. Lời Chúa hôm nay muốn phục hồi khả năng liên đới của Ki-tô hữu đối với anh chị em mình.

  1. Nguy cơ mất tình liên đới

            Thánh Kinh cho biết, khả năng liên đới dễ bị đánh mất. Thánh Kinh nêu ra nhiều trường hợp. Ông phú hộ giàu có không quan tâm đến Lazarô, người ăn xin nằm ở cổng nhà mình. A-đam sau khi phạm tội không muốn liên đới với E-và nên không còn gọi E-và là “xương thịt” của mình, mà gọi là “người đàn bà,” như thể kẻ xa lạ. Câu chuyện Ca-in đề cập đến việc mất liên đới rõ ràng hơn. Sau khi giết em mình, Ca-in được Thiên Chúa hỏi: “Ca-in, Abel em ngươi đâu rồi?” Ca-in đáp: “Con có phải là người giữ em con đâu?”

            Có nhiều lý do người ta không muốn liên đới với người khác. Có người cho rằng tôi có đủ mọi điều kiện vật chất, nên không cần liên đới với ai. Có người không muốn phiền lụy đến ai và không muốn ai liên hệ đến mình nên không cộng tác với người khác. Có người lấy lý do mỗi người có công việc riêng, hoàn cảnh riêng, nên dễ dàng nói: “Tôi đâu có phải là người giữ anh chị em tôi đâu?” Chúng ta đã xem nhau như người xa lạ. Đức hồng y Marty nhận xét, khi chúng ta muốn giữ sự yên tĩnh hay không liên đới với người khác, thì chúng ta không phải là Ki-tô hữu nữa. Thực vậy, Ki-tô hữu là người được Chúa Giê-su giao phó hết mọi người cho mình. Không có gì liên quan đến người khác hay thế giới mà xa lạ với Ki-tô hữu, bởi Ki-tô hữu được Thiên Chúa đặt vào thế giới này để đưa thế giới về với Thiên Chúa. Do đó, không phải tôi không muốn liên đới với người khác, mà là Chúa muốn tôi như người coi sóc anh chị em mình, giúp họ sống liên đới với Chúa và cộng đoàn Giáo Hội.

  1. Bổn phận phục hồi tình liên đới

            Thiên Chúa muốn chúng ta liên đới với nhau và phục hồi tình liên đới là bổn phận của người môn đệ Chúa. Thánh Phaolô quả quyết: “Anh em đừng mắc nợ ai điều gì, ngoài việc phải yêu mến nhau (Rm 13,8). Lời Chúa trong sách ngôn sứ Êzêkiel phán quyết mạnh mẽ hơn: “Nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác phải chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi nợ máu nó bởi tay ngươi” (Ed 33,8). Vì vậy, Chúa dạy: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi” (Mt 18,15).

            Trước hết, “hãy đi và sửa dạy.” Đó là một mệnh lệnh. Rất cần một cuộc đối thoại với anh chị em mình và xem trọng họ là người bình đẳng trong cuộc đối thoại tìm chân lý và sự thánh thiện. Đây là nhiệm vụ đầy ái ngại đối với mọi Ki-tô hữu. Nhưng đối với thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần luôn thúc giục Ki-tô hữu tiến hành cuộc đối thoại tốt lành đó. Thánh Phaolô viết: “Nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Gl 6,1).

Thứ đến, đối với Chúa, phục hồi tình liên đới đòi hỏi có lòng tôn trọng anh chị em mình, sửa lỗi “riêng ngươi và nó thôi,” nghĩa là sửa lỗi kín đáo, chứ không rủa sả, bêu xấu anh chị em mình trên facebook hay trên các phương tiện đại chúng như thói đời. Mục đích của việc sửa lỗi giữa cá nhân với nhau nhằm để được lợi người anh em, chứ không để mất người anh em. Thiên Chúa xuống thế cứu vớt con người, không muốn một ai hư mất đi. Cũng vậy, Giáo Hội là không là nơi chốn bình an cho tội lỗi, nhưng là nơi chốn bình an cho những người tội lỗi. Thì đối với Ki-tô hữu, niềm hy vọng anh chị em mình được trở lại với Chúa phải lớn hơn mọi nghi ngại. Đức cha Fulton Sheen nhận xét, “người chai đá cũng biết trồng hoa hồng.” Nghĩa là không ai hoàn toàn hư hỏng, hoàn toàn bất trị. Vì vậy, niềm khao khát “để được lợi người anh em” sẽ giúp Ki-tô hữu vượt thắng những nghi ngại, không chỉ nghi ngại cho chính cuộc đối thoại, mà còn nghi ngại vì quá khứ không hoàn hảo của mình.

Và cuối cùng là tha thứ cho nhau. Câu chuyện người mắc nợ không có lòng thương xót trong Tin Mừng Matthêu giúp Ki-tô hữu nhớ đến bổn phận tha thứ. Một người chủ tha cho một người mắc nợ số nợ khổng lồ 10.000 yến vàng, nhưng kẻ được tha nằng nặc đòi nợ của bạn mình chỉ 100 đồng bạc, câu chuyện này có ý nghĩa đối với từng người trong cuộc đối thoại phục hồi tình liên đới. Chúa tha thứ cho chúng ta và muốn chúng ta tha thứ nhau và chờ đợi chúng ta thực hiện mong ước của Chúa.

Như vậy, phục hồi tình liên đới là bổn phận của mỗi Ki-tô hữu nhằm để được lợi người anh em. Đồng thời, giữa cuộc liên đới của Ki-tô hữu luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ.” Ước gì lúc này chúng ta được nhìn thấy gương mặt của anh chị em từng bất hòa với chúng ta trong thánh lễ này và trong mọi việc của giáo xứ. Xin Chúa cho chúng ta bình an dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, bởi nhờ Chúa hiện diện và hướng dẫn từng bước, mà chúng ta “được lợi người anh em” và có Chúa ở giữa chúng ta.