Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

6-9-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo họ Mông Triệu

GIÁO HUẤN SỐ 40

SỐNG  TRONG MỘT THẾ GIỚI KHỦNG HOẢNG

Các Nghị phụ Thượng hội đồng đau buồn ghi nhận rằng: “Nhiều người trẻ hôm nay sống trong những vùng chiến sự và kinh nghiệm bạo lực dưới vô vàn hình thức: bắt cóc, truy bức, tội phạm có tổ chức, buôn người, khai thác nô lệ và tình dục, lợi dụng thời chiến để cưỡng hiếp, vân vân. Nhiều người trẻ khác, vì đức tin của mình, phải đấu tranh để tìm chỗ của mình trong xã hội và phải chịu những bách hại khác nhau, ngay cả bị thảm sát. Nhiều người trẻ khác, do bị ép buộc hay do bởi không có chọn lựa nào khác, phải sống bằng việc phạm tội ác và những hành động bạo lực: các bimh sĩ trẻ em, các băng nhóm tội phạm vũ trang, hoạt động buôn ma túy, khủng bố, vân vân. Tình trạng bạo lực này hủy hoại nhiều cuộc đời người trẻ. Những sự lạm dụng và nghiện ngập, cùng với bạo lực và vọng động, là một số trong những lý do đẩy người trẻ vào tù tội, với tỉ lệ cao hơn được ghi nhận nơi một số nhóm sắc tộc và xã hội nào đó (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 72).

————————————–

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20)

Thời vua Minh Mạng có con số thánh tử đạo nhiều nhất là 58 vị. Thời vua Tự Đức, con số thánh tử đạo là 50 vị. Tuy nhiên chưa kể những vị chưa được phong thánh. Thời Tự Đức có chủng sinh Phaolô Bột.

Chủng sinh Phaolô Bột là người xứ Sơn Miêng, giáo phận Hà Nội ngày nay. Anh là con trai duy nhất của gia đình bà Maria Mận. Chồng chết sớm, cả con trai út cũng chết sớm, chỉ còn Phaolô Bột.

Phaolô Bột là đứa con có hiếu, biết đỡ đần mẹ. Hằng ngày Phaolô Bột đem những chiếc nón mẹ đan ra chợ bán. Phaolô Bột còn được thừa hưởng lòng đạo đức của mẹ. Sáng tối đọc kinh dâng lễ. Xứ Sơn Miệng có thầy Nguyễn Cần tử đạo. Câu chuyện tử đạo của thầy Cần được mẹ luôn kể lại, làm mẫu gương dạy dỗ Phaolô Bột. Vì thế Phaolô Bột đã đi tu để nối gót theo thầy.

Đêm 22 rạng ngày 23-1-1858, tổng đốc Nam Định sai quan mang 700 binh lính về vây làng Kẻ Báng, cũng là nơi chủng viện Phaolô Bột tu tập. Quan quân đã bắt được 17 bô lão, cha giám đốc chủng viện thánh Lê Bảo Tịnh, và 4 chủng sinh: Phaolô Bột, Gioan Pháp, Phaolô Tuấn và Phaolô Hương.

Khi bị tra tấn, nào là roi vọt, nào là kìm kẹp, 16 bô lão đã bước qua Thánh Giá bỏ đạo, chỉ còn ông trùm Kẻ Báng vững đức tin. Ông bị lưu đày và chết ở Lạng Sơn.

Sau khi tra khảo 17 bô lão, đến lượt 4 chủng sinh. Chỉ trừ Gioan Pháp 14 tuổi, không bước qua Thánh giá bỏ đạo. Chú bị lưu đày trên Lạng Sơn. Còn 3 chủng sinh khác, kể cả Phaolô Bột đã 17 tuổi, cũng bước qua Thánh giá bỏ đạo.

Phaolô Bột trước hết về chủng viện, nhưng cha sở Kẻ Báng, nơi đặt chủng viện, nói: “Chủng viện không có chỗ cho người chối Chúa, bỏ đạo”.

Phaolô Bột về với cha sở Sơn Miêng, quê nhà. Cha sở nghiêm khắc bảo: “Chú còn sống bao lâu chăng nữa kệ chú; còn tôi, tôi coi chú  như người đã chết”.

Phaolô Bột biết mẹ mình cũng sẽ đuổi, nhưng hết chỗ nương thân, đành phải về với mẹ. Nào ngờ vừa bước vào nhà, mẹ đã mắng: “Không bao giờ tao tiếp nhận một kẻ phản Đạo, dù kẻ đó là con tao … Con ơi, nếu con chết, mẹ được diễm phúc khóc con như khóc một vị Tử Đạo. Nhưng hỡi ôi, hôm nay mẹ khóc, không phải vì sung sướng, nhưng là vì xấu hổ đau đớn, vì đã trót sinh ra một kẻ phản Đạo … Chẳng thà bỏ thân vì Đức Tin tại Nam-Định còn hơn vác xác về đây sau khi đã phản bội Thiên Chúa, gây ô nhục cho Đạo của mẹ và của dòng họ nhà ta!”.

Phaolô Bột trở lại Nam Định tuyên xưng đức tin và bị voi giầy chết ngày 14-9-1858.

Chuyện thánh Phaolô Bột là tấm gương “sửa lỗi” Chúa dạy trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.

Bài Tin Mừng: Trước khi dạy “sửa lỗi cho nhau” (Mt 18,15-18), Chúa Giêsu kể dụ ngôn “con chiên lạc” (Mt 18,12-14). Nên cha Nguyễn Công Đoan viết: “Nhưng không chờ đến khi chiên bị lạc mới đi tìm, phải chặn trước bằng sửa bảo nhau. Chúa dạy một trình tự theo bác ái: bước thứ nhất là “một mình anh với nó thôi”, “nếu nó không chịu nghe” thì bước thứ hai là “hãy đem theo một hay hai người nữa”. “Nếu nó không nghe họ” thì bước thứ ba là “Hãy đi thưa Hội Thánh”. Bước thứ tư: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Chúa mở rộng quyền “cầm buộc” và “tháo cởi” cho cả Hội Thánh như một cộng đoàn.

Cha viết tiếp : Thiên Chúa thiết lập cộng đoàn Hội Thánh để qui tụ loài người, đã bị tội lỗi làm tan rã, làm một trong Đức Ki-tô, nên Thiên Chúa thích người ta họp nhau cầu nguyện: “Nếu ở dưới đất hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”. Lý do là: “Ở đâu có hai, ba người họp nhau lại nhân danh Thây thì có Thầy ở giữa họ”. Thiên Chúa đã tuyên bố ở sông Gio-đan: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người”. Khi chúng ta tụ họp nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô thì có Chúa Ki-tô ở giữa chúng ta. Nhờ Người chúng ta đẹp lòng Thiên Chúa (Tự Đáy Lòng, Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 156-157).

Thường chúng ta rêu rao cái xấu của người ta, chứ không sửa lỗi. Nếu có sửa, thì cũng quên phương pháp “cầu nguyện”.   Các phương pháp trước không sửa được, thì cầu nguyện cho người ta. Người ta đã khổ vì cái xấu, mà còn bị lên án, bị rêu rao cái xấu, thì nhục nhã và đau khổ biết bao!

Bài đọc 1: Bài đọc 1 đọc sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.  Nhóm CGKPV giới thiệu ngôn sứ như sau: “Ê-dê-ki-en trong tiếng Hip-ri có nghĩa là Thiên Chúa làm cho mạnh sức. Ông là một tư tế. Bằng chứng là trong tác phẩm của ông, ông tỏ ra chú trọng đến Đền Thờ, việc phụng tự theo Lề Luật, việc giữ ngày sa-bát, những nghi thức cần giữ để được thanh sạch…Và với tư cách là tư tế, ông còn giải quyết những trường hợp khó khăn về luân lý (trang 1806).

Trong bđ1, Thiên Chúa đã nói với ngôn sứ Êdêkien: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy, sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác, phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33,8-9).

Bài đọc 2: Thánh Phaolô viết trong bđ2: “Thưa anh em, anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8). Nhóm CGKPV viết: “Đó là lời dạy “yêu thương là chu toàn Lề Luật” của thánh Phao-lô với cộng đoàn Rô-ma: “Đức ái là món nợ lớn nhất người tín hữu phải trả cho người khác. Được Thiên Chúa yêu thương, người tín hữu có bổn phận yêu thương anh em. Bác ái là dấu hiệu căn bản của Ki-tô giáo (trang 2510).

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xưa ở Trà Kiệu, Mẹ dẫn chúng con vượt khó để đến với Chúa Giêsu, thi nay xin Mẹ giúp chúng con cũng vượt khó, đến với anh chị em, để sống vui vẻ với nhau.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành