Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm B


Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a

“Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5

“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?”

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?

Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 31-37

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

CÁI CHẠM ĐẾN CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật

Tai để nghe và miệng lưỡi để ca tụng

Ngày nay, người ta vẫn gặp những đứa trẻ bị giam hãm trong nỗi cô đơn bởi vì chúng bị mù, bị câm, bị điếc ngay từ lúc mới chào đời  Nhiệt tâm và kỹ thuật chuyên môn của các chuyên viên đôi khi cũng đem lại thành công đôi chút là giúp cho những đứa trẻ tật nguyền này biểu lộ một vài cử chỉ, bập bẹ được vài tiếng  Tuy vậy, có những đôi mắt, những đôi tai và miệng lưỡi bị đóng kín: có rất nhiều người, nhiều đôi vợ chồng “không hiểu được nhau”, “không nói với nhau”! Có biết bao “cuộc đối thoại giữa những người điếc” đang diễn ra tại các quốc gia, nơi những nhóm người, những cộng đoàn: người ta không tin nhau, không đón nhận người khác trong nỗi yếu đuối của họ  .

Những tình trạng này có thể giúp người tín hữu hiểu được ý nghĩa biểu tượng trong câu chuyện Đức Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng  Đức Giêsu nhận thấy rằng đám dân được tuyển chọn nay đã trở nên điếc, không nghe được lời giảng của Người, và không lắng nghe lời Người mời gọi thay đổi nếp sống, nên Người du hành sang miền đất thuộc dân ngoại: Tia, rồi Xiđon và Thập Tỉnh  Đức Giêsu có mặt ở giữa đám dân không có tai để nghe lời Thiên Chúa và không có miệng để ca tụng Người  Họ giống như các ngẫu tượng có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe

Và đây, một minh hoạ cụ thể về đám dân ngoại này: người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu

Đức Giêsu bắt đầu làm việc  Hình như việc đặt tay không không đủ  Sự dữ lớn quá  Đức Giêsu kéo riêng người bệnh ra một nơi, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh  Người còn ngước mắt lên trời cầu nguyện, rên một tiếng    Cái ác thật mạnh! Đức Giêsu chiến đấu chống lại nó, không phải là không khó nhọc; nhưng cuối cùng, Người đã chiến thắng: tai anh đã mở ra, lưỡi anh hết bị buộc lại .Phép lạ này vừa là việc chữa lành người bệnh, vừa là một Tin Mừng cho dân ngoại, và cũng là một dấu chỉ quý giá cho Hội Thánh.

Chữa lành người bệnh: Đức Giêsu tái tạo miệng lưỡi và đôi tai của anh, cho chúng hoạt động được  Như thế, Người bày tỏ quyền năng sáng tạo của Người

Tin Mừng cho dân ngoại: Đức Giêsu ban cho họ, như đã ban cho dân Israel, đôi tai để nghe lời Thiên Chúa, và miệng lưỡi để ca tụng Người cách đúng đắn  Tất cả đều được mời gọi hưởng ơn cứu độ.Dấu chỉ quý giá cho Hội Thánh: cử chỉ lấy nước miếng bôi vào tai, và nhất là lời đọc Épphata – Hãy mở ra được nhắc lại mỗi khi cử hành bí tích Thánh Tẩy  Nhân loại vẫn khép kín nơi chính mình, giờ đây được mở ra và tái lập cuộc đối thoại với Thiên Chúa của mình.

Như vậy, Đức Giêsu muốn mọi người trở thành “những người có trách nhiệm”, những người có khả năng nghe và đi vào cuộc đối thoại đem lại ơn cứu độ do Giao Ước thiết lập  Trước thái độ khép kín nơi chính mình – thái độ của những người giàu có, người quyền thế, những người kiêu căng, trước những thái độ vô tâm, tự mãn, ích kỷ, Đức Giêsu vẫn luôn nói: “Hãy mở ra”  Hãy mở ra để đón nhận ơn cứu độ đích thực, hãy mở ra để cùng dấn thân với Thiên Chúa .

Hãy mở ra

Người ta biết nhiều đến bản văn này qua từ ngữ “Épphata – Hãy mở ra”  Dĩ nhiên chủ đề chính của bản văn này là mở ra, nhưng cần phải hiểu là có nhiều mức độ

*        Đức Giêsu, người chữa lành

Đối với những người cùng thời với Đức Giêsu, tất cả những cử chỉ do thánh Máccô thuật lại là những cử chỉ thông thường vẫn gặp thấy nơi những người chữa bệnh: tách riêng bệnh nhân, tiếp xúc thể lý (đặt tay vào tai), thấm nước miếng và bôi lên người bệnh

Trong một xứ sở thuộc dân ngoại, tức là miền Thập Tỉnh, Đức Giêsu xuất hiện như một người chữa bệnh  Tuy nhiên, dân ngoại nhận ra Đức Giêsu không giống như những người khác: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”

*        Phép lạ tạo nên hai cuộc cắt đứt:

–        Đức Giêsu có những cử chỉ giống như người khác, nhưng tự căn bản, những cử chỉ này mang ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn  Người thực hiện điều ngôn sứ Isaia báo trước (35,5) theo một ý nghĩa mới

–        Phép lạ xảy ra tại một miền đất ngoài lãnh thổ Israel  Điều này cho thấy Đức Giêsu muốn mở rộng mặc khải cho toàn thể nhân loại

Thái độ mở ra của con người

Kẻ vừa điếc vừa ngọng chính là biểu tượng của tình trạng không có thông tin, không có hiệp thông  Anh ta không đón nhận được tiếng nói, và cũng không phát ra được lời nào  Anh ta tựa như một người đã chết, đã bị vùi lấp và giờ đây anh ta gặp Đức Kitô, Đấng là Lời và là Sự Sống

Đối với người bệnh, phép lạ này là một cuộc sinh ra mới, là một cuộc phục sinh  Anh ta mở ra với sự sống, với thế giới bên ngoài, với những con người đang sống bên cạnh  Nhận định này cũng tương tự như trường hợp người mắc bệnh cùi  Do sự can thiệp, do lời cầu nguyện của Đức Giêsu, sự sống không thể tắt lịm, và nếu sự sống có sự ác bị ngăn lại, thì cũng được khai thông

Sự tái sinh này xảy ra do cuộc tiếp xúc với con người Đức Giêsu (đụng chạm, nước miếng)  Điều này nhấn mạnh đến một kinh nghiệm thiêng liêng  Sinh ra trong sự sống do Thiên Chúa ban không phải là kết quả của cây đũa thần điều khiển từ xa  Phải có một sự hiện diện, một cuộc tiếp xúc  Chính vì vậy, sự nhập thể của Con Thiên Chúa là một yếu tố không thể tách rời của mặc khải  Chính nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu mà nhân loại yếu đuối có thể chạm đến và cảm được điều thiêng thánh (x  thánh Éprem)

Đến với dân ngoại hôm nay

Ngày nay cũng như hôm qua, các Hội Thánh của chúng ta, thân thể của Đức Kitô cũng đang du hành sang các miền đất của dân ngoại  Thay vì Tia, Xiđon, Thập Tỉnh là những tên gọi mới

Khắp nơi, những người đang vây quanh chúng ta chẳng có tai để nghe lời Thiên Chúa, chẳng có miệng lưỡi để nói lên lời ca tụng Thiên Chúa

Hãy nhìn vào đám đông này với niềm hy vọng chắc chắn rằng họ không ở xa ơn cứu độ  Họ chờ đợi Đức Kitô đến trong chúng ta để chạm vào tai họ, và cởi dây đang buộc lưỡi họ  Khi ấy, sẽ có nhiều tiếng nói vang lên để cùng chúng ta ca tụng Thiên Chúa, miễn là chúng ta để cho Thiên Chúa chạm đến, miễn là tai chúng ta mở ra để nghe lời Thiên Chúa, miễn là lưỡi chúng ta đưa ra để đón nhận bánh từ trời xuống

Vì vậy, hãy mở ra để lắng nghe và đón nhận những giáo huấn Tin Mừng! Hãy mở ra để nói lên lòng tin cùng với tất cả cuộc sống! Hãy mở ra để môi miệng thốt lên lời kinh “Lạy Cha chúng con”  Được như thế, đời sống của chúng ta sẽ trở nên một lời nói sống động, và sẽ hoàn toàn quy hướng về Đức Giêsu Kitô

Và khi ấy, người khác cũng kinh ngạc mà thốt lên: “Ông ấy làm gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”

* * * * *

Lạy Chúa,

Chúng con cảm tạ Chúa cho chúng con được sống  hôm nay và ngày mai,  cũng như hôm qua và mỗi ngày  trong ân sủng của Chúa,  trên mặt đất, với bánh ăn và ánh sáng,  với những con người vây quanh. Chúng con cảm tạ Chúa  vì chúng con đang sống ở đây và lúc này,  và được cảm nhận cả nỗi buồn lẫn niềm vui. Chúng con cầu xin Chúa,  để dù tương lai hay sự chết

cũng không tách rời chúng con khỏi Đức Giêsu Kitô,  khỏi tình yêu của Chúa  đối với con người  cũng như đối với mặt đất.

(theo H.Oosterhuis)

SUY NIỆM II

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – B

Lời Chúa: Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37

NGHE VÀ THI HÀNH LỜI CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Phép lạ Chúa Giêsu đã làm để chữa người câm điếc được Thánh Marcô ghi lại xem ra thật là đơn giản dễ dàng: Ngài kéo riêng người câm điếc ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, bôi nước miếng vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời thở dài và nói: “Ephata!” nghĩa là “Hãy mở ra!” Tức thì lỗ tai anh mở ra, nghe được rõ ràng, lưỡi hết buộc lại và nói được rõ ràng. Mọi người chứng kiến việc này hết sức ngạc nhiên thán phục, họ nói: “Ngài làm được mọi sự tốt đẹp. Ngài làm cho người điếc được nghe, người câm được nói”. Lời thán phục của dân chúng chính là lời Ngôn Sứ Isaia đã loan báo cho dân Israel về Đấng Cứu Thế trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Như thế chứng tỏ là dân chúng đã nhận ra Đấng Thiên Sai Cứu Thế đã đến rồi. Ngài chính là Đức Giêsu đang thực hiện lời Ngôn Sứ Isaia trước mắt họ.

Thánh Kinh cho chúng ta biết con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, vì vậy, phải làm thế nào để cuộc sống của chúng ta vươn tới chỗ hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với nhau, hiệp thông với cả vũ trụ. Để tiến tới sự hiệp thông chúng ta phải dùng ngôn ngữ để nghe, nói và chia sẻ với nhau. Nhờ lời nói chúng ta có thể diễn tả được suy tư, cảm xúc tâm tư trong lòng. Nhờ tai nghe để hiểu được tiếng nói của thiên nhiên, nghe được tâm tư, nỗi lòng của người khác. Từ đó chúng  sẽ hình thành một cuộc đối thoại, kiến tạo một sự hiệp thông giữa con người với người, con người với thiên nhiên và vũ trụ, để hòa thành một cuộc sống đáng sống, ý nghĩa phong phú hơn. Như vậy, nếu chúng ta không thấy, không nghe, rõ ràng chúng ta sẽ bị cắt đứt khỏi thế giới bình thường của con người. Vì thế trong các trường khuyết tật bây giờ người ta cố gắng giúp cho các em tập nghe và tập nói, để các em có thể hội nhập vào thế giới bình thường của con người. Biết được nỗi đau của những người câm điếc ta sẽ thấy quý cái tai và cái miệng của mình. Lúc ấy chúng ta sẽ nhận được đấy chính là ân huệ và là một quà tặng lớn lao Thiên Chúa ban cho ta mà ta không biết tạ ơn.

Chúng ta có miệng và tai tốt lắm. Nhưng có khi nào chúng ta nghĩ mình bị câm điếc theo nghĩa toàn diện không? Chúa Giêsu đã có lần mắng các Tông đồ: “Các anh có mắt mà như mù, có tai mà như điếc“. Thực sự vậy, nếu chúng ta quay lại định nghĩa của Kitô Giáo về mục đích của con người là sự hiệp thông. Và ngôn ngữ là phương thế để dẫn chúng ta đến sự hiệp thông. Lúc ấy chúng ta sẽ khám phá ra rằng rất nhiều khi tai và miệng thay vì dẫn đến sự hiệp thông thì nó lại ngăn cản và có thể sẽ huỷ diệt sự hiệp thông với Thiên Chúa, với chính mình và với thiên nhiên. Chúng ta trở thành câm điếc theo nghĩa đó.

Phải chăng chúng ta cũng nằm trong hạng người có tai thính nhưng không nghe; không nghe vì không biết lắng nghe. Có miệng lưỡi nói được rõ ràng, nhưng không mở lời ca tụng Chúa, ngợi khen Chúa. Cho nên, nhiều khi tham dự thánh Thánh lễ nhưng mà không bao giờ mở miệng đáp thưa với Chúa cùng với cộng đoàn phụng vụ. Có miệng lưỡi nhưng không nói tiếng nói yêu thương, tha thứ với nhau trong cuộc sống? Chính vì thế chúng ta  cần để Chúa Giêsu thương chữa lành bệnh câm điếc tinh thần của ta. Vâng, nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được Thánh Thần mở tai, mở lưỡi, mở mắt để ta có thể hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Chính tính kiêu căng, lòng ích kỷ, tội lỗi đã bịt tai, cột lưỡi chúng ta lại không cho chúng ta hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Vì thế, chúng ta xin Thiên Chúa cứu chữa tai mắt miệng tâm hồn chúng ta để ngày càng nghe rõ Lời Chúa và tiếng cầu xin sự giúp đỡ của tha nhân rõ hơn, nói những lời ngợi khen Chúa, tạ ơn Chúa mạnh mẽ hơn, nói những lời cảm thông, tha thứ với anh chị em can đảm hơn ngõ hầu ngày càng thấy rõ hơn đường lối kỳ diệu của Chúa và đường lối phục vụ anh chị em. Vì Ngài chính là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, nơi Ngài ơn cứu độ, sự giải thoát đã đến với chúng ta.

Trong gia đình mà vợ chồng không biết lắng nghe nhau hoặc mạnh ai nấy phát ngôn, hoặc ông nói gà bà nói vịt, không ai chịu nghe ai nữa, thì làm sao gia đình có được hạnh phúc? Biết lắng nghe nhau và đối thoại cởi mở chân thành sẽ giúp vợ chồng thông cảm chia sẻ, như thế sẽ tránh được biết bao bữa cơm không lành canh không ngọt! Tình cha mẹ và con cái cũng sẽ đậm đà mật thiết khi con cái biết lắng nghe cha mẹ và cha mẹ cũng biết lắng nghe con cái. Ở trường học cũng thế, giữa học sinh và thầy cô giáo, giữa các bạn trẻ, cũng phải biết lắng nghe nhau. Và nhất là trong nhà thờ, người Kitô hữu phải biết lắng nghe Lời Chúa để hiểu ý Chúa muốn nói gì với chúng ta và mở miệng lưỡi ra để loan truyền Tin Mừng của Chúa. Ngoài cuộc sống xã hội, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của người cô đơn, người phiền muộn, kẻ âu lo, người nghèo đói để rồi nói với họ những lời tình nghĩa yêu thương, an ủi đỡ nâng, giúp đỡ và sẻ chia. Vì thế, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?”.

Lạy Chúa xin cho con biết lắng nghe và thi hành luật Chúa truyền dạy. Amen.

SUY NIỆM III

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – B

“EPHPHATA” – HÃY MỞ RA

Tuần 23 Thường Niên (Hội An 8/9/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Khi Chúa Giê-su đi vào vùng Thập Tỉnh, tức mười tỉnh lỵ nhỏ phía đông sông Jordan, đối với người Do Thái, đó là vùng dân ngoại, người ta đã mang một người bị câm điếc đến với Chúa Giê-su và xin Ngài chữa lành. Chúa chạm đến tai và lưỡi anh, rồi nói bằng tiếng Aram: “Ephphata”, nghĩa là “hãy mở ra.” Lập tức, tai anh ta nghe được, miệng anh ta nói được. Sự việc tưởng chừng tự nhiên như bao cuộc chữa lành khác, nhưng đối với Đức Bênêđictô, lời “Ephphata” tóm tắt sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su: đến nói lời tình yêu của Thiên Chúa cho con người và khơi dậy trong trái tim con người tình yêu dành cho Thiên Chúa, một tình yêu sống động diễn tả được mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và tha nhân.

  1. Thiên Chúa nói lời tình yêu

Con người được tạo dựng để lắng nghe lời Thiên Chúa và chuyện trò với Thiên Chúa. Được chia sẻ và sống tình yêu với Thiên Chúa là mục đích Thiên Chúa tạo dựng con người. Sách Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa đã nói lời Ngài cho A-đam và E-và nghe, đồng thời ở bên cạnh chuyện trò với họ. Điều tệ hại xảy ra khi họ nghe theo Satan cám dỗ, họ không còn nghe lời Chúa dạy và không còn giữ mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Họ trốn khỏi mặt Thiên Chúa. Không chỉ A-đam và E-và, tác giả thư gởi tín hữu Do Thái cho biết, “thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta,” nhưng con người cứ đóng tai trước lời Chúa và sống xa cách Thiên Chúa như thể chưa hề biết Ngài. Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho biết, trong họ đang có một trái tim chai đá, khiến họ dù đang sống trong đoàn dân của Thiên Chúa mà lòng xa cách Thiên Chúa. Đối với thánh kinh, sự khép kín và xa cách Thiên Chúa không chỉ phụ thuộc vào giác quan, vào đôi tai hay đôi môi, mà còn do sự cứng lòng, do bên trong, do nơi sâu thẳm nhất của con người có một trái tim chai cứng trước lời Chúa nói. Ngay cả khi “đến thời sau hết, Thiên Chúa nói qua Thánh Tử của Ngài” là Chúa Giê-su, con người vẫn cứ như người điếc trước lời Chúa và như người câm trước lời Chúa mời gọi làm người loan báo Tin Mừng. Chúa Giê-su đã trách: “Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6,46).

Nhìn lại bản thân, chúng ta chẳng phải điếc lác quá nhiều lần trước lời Chúa đó sao? Có bao giờ bạn lắng nghe và ghi nhớ lời Chúa được công bố trong thánh lễ? Có bao giờ bạn mở Tin Mừng để nghe Chúa Giê-su nói với bạn? Có bao giờ bạn dành thời giờ để như Mẹ Maria “suy đi nghĩ lại trong lòng” những lời Chúa nói và những việc Chúa làm trong đời sống Hội Thánh, đời sống xã hội và đời sống gia đình cũng như đời sống cá nhân của bạn? Hậu quả của sự điếc lác của trái tim là tình trạng cứ lì lợm trong tội lỗi, vô cảm trước lời Chúa, khiến bạn không còn sống tình thân với Chúa. Bạn có biết sự thiếu vắng lời Chúa trên môi miệng và hành động của bạn đã dẫn đến hậu quả nhiều người hôm nay trong xã hội hay cộng đồng bạn đang sống chưa biết Chúa không? Đức hồng y Suenens nhận định: “Con người thời nay không điếc, họ muốn nghe lời Chúa, nhưng con cái Chúa mắc bệnh câm, vì không nói với bạn bè điều mình tin.”

Vì thế, chúng ta chân thành mong mỏi được phúc lành như người bị bệnh câm điếc Tin Mừng thuật lại hôm nay, được Chúa nói lời “Ephphata” chữa lành đôi tai điếc và chiếc lưỡi câm cho đến khi chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa và truyền đạt lời Chúa cho nhau.

  1. Lời “Ephphata” chạm đến tín hữu

Chúa Giê-su đến thế gian để nói lời “Ephphata”, khai mở lòng trí và miệng lưỡi chúng ta. Ngài chữa lành theo cách của Ngài, dẫu Ngài có thể phán một lời thì người câm điếc có thể nghe và nói được. Nhưng Chúa Giê-su chạm đến anh ta, chạm đến trái tim điếc lác và đen tối của anh với tình thương của một người cha chữa lành con cái mình. Chúa muốn dùng bàn tay quyền năng với lòng thương xót của Ngài chạm đến con người và cuộc đời của anh, dùng lời của Chúa chạm đến trái tim của anh, như Chúa đã nói trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ez 11,19).

Đức Bênêđictô khẳng định, trong bí tích Rửa Tội, Chúa Giê-su cũng khai mở tâm hồn và môi miệng, đôi tai của người được rửa tội. Linh mục chạm tay vào miệng và tai của thụ nhân chúc lành, xin Chúa mở tai để người tân tòng nghe lời Chúa và môi miệng để họ tuyên xưng đức tin vào Chúa. Vì thế, chúng ta, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cần nài xin Chúa chạm đến trí lòng chúng ta mỗi ngày, nhờ đó, chúng ta sống lại ơn gọi của bí tích Rửa Tội, bằng cách sống xứng đáng là con cái Chúa, khao khát nghe lời Chúa hằng ngày và nhạy bén trước lời Chúa dạy như Samuel thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”, đồng thời môi miệng chúng ta được mở ra nói lời Chúa cho tha nhân. Bao nhiêu người trong gia đình, bạn bè đang muốn được nghe lời Chúa, chẳng lẽ những môn đệ của Chúa hôm nay lại câm nín sao?

Chúng ta cần nhớ lại lời Chúa nói với Giêrêmia: trước khi ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, đã thánh hóa ngươi và đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân. Giờ đây, Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Chúa cũng đã thánh hóa chúng ta như thế, đặc biệt qua bí tích Rửa tội, để chúng ta có khả năng mở tai nghe lời Chúa, mở miệng nói lời Chúa và làm chứng Chúa giữa mọi người.

Lạy Chúa, xin thánh hóa con, để con thuộc về Chúa, là khí cụ của Chúa.