Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C


CN 23 TN NC 2016 

(Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12-17; Lc 14,25-33)

Thập giá trong đời

Lực sĩ bơi lội Michael Phelps, người được nhiều huy chương nhất trong tất cả các kỳ thi thế vận hội, cách đây hai năm đã suýt tự tử. Vào thời điểm đó, anh bù đắp khoảng trống và nỗi đau của mình bằng ma túy và rượu, vì thế những thứ này còn đưa anh vào vòng xoáy hủy hoại hơn. Năm 2009, anh bị cấm bơi ba tháng vì một bức hình anh hút được lan truyền trên mạng; dù bị phạt nhưng cũng không ngăn anh tiếp tục cuộc chơi. Tệ hơn nữa khi anh bị bắt lần thứ hai, vì tội say rượu lái xe trong vòng mười năm. Phelps ở dưới đáy. Những ngày sau khi bị bắt, anh sống cô lập và anh tiếp tục uống. Trong một buổi phỏng vấn với hãng tin ESPN, anh thú nhận: «Tôi không còn một sự tự tin nào. Tôi nghĩ không có gì có giá trị và thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi. Tôi tự nhủ, tốt nhất là tôi nên tự tử». Các huy chương vàng cũng không an ủi anh được: anh không còn tìm được ý nghĩa cuộc đời.

Sự quan phòng đã làm cho gia đình và các bạn của anh thuyết phục được anh vào một trung tâm phục hồi để đuổi các tư tưởng xấu này. Dù mới đầu anh không muốn nghe, nhưng cuối cùng anh chấp nhận số của mình và đi trên con đường chữa lành. Phelps mang theo anh quyển sách Mục đích hướng dẫn đời sống (The Purpose Driven Life) của Rick Warren. Đó là quyển sách do lực sĩ Ray Lewis tặng anh, lực sĩ Lewis là cựu phòng vệ của đội Ravens của Baltimore. Không những anh đọc mà anh còn cho nhiều bệnh nhân khác mượn, họ đặt cho anh biệt danh «Michael Người Rao Giảng».

Các lực sĩ đều mê huy chương, đó là sự tưởng thưởng cho công trình khó nhọc. Nhưng sự chú ý của truyền thông chỉ có một thời gian. Trong khi Đức Tin dựa trên tình yêu, một tình yêu giúp tìm lại thăng bằng và phối cảnh. Ngoài việc tìm lại Đức Tin trong thời gian ở trung tâm phục hồi, Phelps cho biết, một phần sự rối loạn của mình là do sự thiếu vắng người cha. Khi anh 9 tuổi, cha mẹ của anh ly dị và để bù cho sự thiếu thốn này, anh bắt đầu bơi. Một khi đã chinh phục được nước thì nỗi đau lại trồi lên mặt.

Trong tuần lễ gia đình ở trung tâm, Phelps đã có dịp tiếp xúc với cha mình và đã giúp anh chữa lành. Lần đầu tiên họ ôm nhau từ nhiều năm nay, điều này đã giúp Phelps đi tới đàng trước. Một vài tháng sau khi ở trung tâm phục hồi, Phelps ngõ lời xin cô bạn gái Nicole Johnson của mình làm đám cưới. Họ đã đính hôn và sẽ làm đám cưới sau kỳ thi Thế vận hội. Khi lần đầu tiên bồng con mình trên tay, Phelps đã khóc. Anh thổ lộ với hãng tin ESPN: «Tôi bàng hoàng không nói lên lời. Tôi nhận ra thế nào là một tình yêu thật». Đứng trước trách nhiệm mới của gia đình, cuộc thi thế vận kỳ này sẽ là lần chót. Nhờ ơn Chúa, lực sĩ Phelps đã ra khỏi vực thẳm để về với cuộc sống. Có thể anh không hoàn hảo, nhưng Đức Tin của anh đã dẫn anh đi trên một con đường mới. Anh hiểu, dù số lượng huy chương vàng có nhiều như thế nào thì chúng cũng không có khả năng cứu được anh. (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch, Đối với Michael Phelps mọi huy chương không thể sáng chói nếu không có Chúa)

Kình ngư huyền thoại Michael Phelps, vô địch huy chương vàng Olympic hôm nay đã không thể đạt những kỳ tích, nếu không có sự đồng hành của bà mẹ Debbie Phelps. Người đã quyết tâm rèn luyện Michael Phelps vượt qua nỗi sợ xuống nước từ hồi 7 tuổi và hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) lúc 9 tuổi. Khi đã lên đỉnh vinh quang, Michael Phelps lại đắm đuối vào những cám dỗ ma tuý, rượu chè, cờ bạc, cá ngựa, nhưng nhờ trông cậy vào ơn Chúa và tình yêu, anh lại tiếp tục gặt hái huy chương thếvận hội. Anh đã có tiền tài, danh vọng, chỉ thiếu có Chúa, nên mới lạc lối.

Trong Tin Mừng Luca hôm nay, Đức Giêsu nêu lên những điều kiện bắt buộc tuân theo, để làm môn đệ Người, để đi theo Người. Đó là từ bỏ vật chất, tình cảm thế tục và chấp nhận thập giá. Ở đời, bất cứ ai chẳng nhiều ít, cũng đều vấp phải đau khổ, khó khăn, thách đố, nên ra sức tránh né. Nhưng Đức Giêsu lại đòi hỏi phải gánh vác lấy, không được từ chối: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Thập giá bản thân

Thách đố nặng nề hơn cả chính là tính xác thịt. Chống lại bản năng, thú tính, ham muốn, chính là một thập giá bất khả phân ly, liên tục cho đến nhắm mắt xuôi tay. Có thể gọi là thập giá tu thân. Thánh Phaolô khuyên nhủ Kitô hữu hãm mình, không nô lệ bản thân: “Chúng ta hãy ăn ở đứng đắn, như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh  em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.“ (Rm 13, 13-14)

Tiếp đến, thập giá còn là bổn phận và trách nhiệm, mà bất cứ ai sống trong cuộc đời cũng phải gánh vác. Làm con cái, cha mẹ, làm tu sĩ, Linh mục, đều có trọng trách, đều được Chúa giao cho một nén, hay nhiều nén bạc sinh lãi, tuỳ theo khả năng. (Mt 25, 14-20) Đó chính là thập giá tích đức. Mong ngày sau, được hân hạnh nghe lời khen của Ông Chủ: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25, 21)

Thập giá Kitô hữu

Ngoài thâp giá tha nhân, như quan tâm, nhân ái, tận tuỵ chăm sóc, tận tình phục vụ những người cô quả, nghèo đói, bệnh hoạn, đau khổ, bị bỏ rơi, cần được yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, người tín hữu Kitô còn phải vác thập giá chứng nhân, gieo vãi hạt giống Tin Mừng khắp nơi. Như chính Đức Giêsu đã trao phó nhiệm vụ cao cả cho các môn đệ, những người theo Người: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8)

Đức Giêsu cũng thẳng thắn tiên báo những gian khổ, nguy hiểm, thách đố, dành cho các môn đệ khi thi hành sứ vụ: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.” (Mt 10, 16) Những thập giá đau đớn, xót xa: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10, 22)

Tránh né vác thập giá, hay “khôn ngoan” thoả hiệp, thông đồng, hiệp lực, cộng tác với quyền lực đen tối của sự dữ, với văn minh sự chết, để cọng sinh, hỗ tương, thuận lợi “giữ đạo,” đều là trắng trợn nguỵ biện, xảo ngôn, cùng đối phó, phản nghịch, bất trung với Tin Mừng. “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” (Lc 14, 27)

Thử thách gian khổ là “giấy phép theo Chúa” để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá mà theo Ta.” (Đường Hy Vọng, số 714)

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, chúng con quá mỏng dòn, yếu đuối, dễ ngã lòng, xin Chúa luôn ban Thánh Thần đến an ủi, khích lệ, phù hộ chúng con can trường vác thập giá hàng ngày, luôn trung thành theo Chúa. Khấn xin Mẹ Maria, cầu bầu chúng con luôn chấp nhận những khó khăn, vất vả, đắng cay trong đời cho nên, cho đẹp lòng Chúa. Amen.

——————–

CN.23.C

5-9-2010

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật tuần trước nói đến lòng khiêm nhường và hiền lành. Lời Chúa tuần này nói đến sự từ bỏ và thánh giá.

Bài TM : Chúa Giê-su trong bài TM đòi hỏi những ai theo Chúa, những ai là người Công giáo phải đặt Chúa lên trên, trên gia đình, trên mạng sống : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).

Coi Chúa trọng hơn gia đình, trọng hơn mạng sống là một sự chọn lựa, một tính toán phải khôn ngoan, giống như sự chọn lựa tính toán của người xây tháp : “Ai muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn xem mình có hoàn thành nổi không ?” (Lc 14,28).

Đi theo Chúa là kết quả của sự suy nghĩ gây cấn, giống như sự suy nghĩ của ông vua trước khi ra trận : “Có vua nào đi giao chiến, trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?” (Lc 14,31).

Bđ1 : Đặt Chúa lên trên còn giống như người Do Thái, vào những năm 100 trước Chúa Giês-u sinh ra. Họ bị dao động, bị chao đảo, không biết chọn Chúa hay chọn sự lôi cuốn của thế gian, của văn hoá Hy Lạp. Sách Khôn Ngoan bđ1 viết : “Những gì thuộc hạ giới chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới có ai dò thấu nổi hay chăng ?” (Kn 9,16).

Bđ2 : Đi theo Chúa đòi hỏi phải từ bỏ quyền lợi, từ bỏ lối sống cũ của mình, như ông Phi-lê-môn trong bđ2. Ông Phi-lê-môn ở Cô-lô-sê có người nô lệ tên là Ô-nê-xi-mô. Không biết lý do gì khiến anh nô lệ trốn đi. Khi bị giam tù ở Rô-ma, thánh Phao-lô gặp anh. Thánh Phao-lô đã rửa tội cho anh và bảo anh trở về lại với chủ. Theo luật thời đó, người nô lệ một khi đã trốn mà bị bắt lại thì chỉ có chết. Nhưng thánh Phao-lô đã xin ông Phi-lê-môn tha giết cho anh. Hơn nữa, thánh Phao-lô còn yêu cầu ông Phi-lê-môn đừng coi anh là một nô lệ, song hãy coi anh là một đồng đạo, một người anh em trong Chúa Ki-tô, bình đẳng ngang hàng với mình. Thánh Phao-lô viết : “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến” (Plm 15-16).

Như vậy, đi theo Chúa là đặt Chúa lên trên

                           Tức là đặt nhẹ tình cảm gia đình

                           Tức là đặt nhẹ mạng sống

                           Tức là từ bỏ sự hấp dẫn của thế gian

                           Tức là từ bỏ quyền lợi và lối sống cũ.

Đặt nhẹ và từ bỏ như thế làm sao không đau khổ. Chúa Giêsu bảo: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).

Những người Công giáo Việt Nam đầu tiên cũng đặt Chúa lên trên hết, cũng phải đặt nhẹ mọi sự, đã từ bỏ, đã vác thập giá.

Cha Đắc Lộ kể lại : năm 1640 Trịnh Tráng ra lệnh cấm đạo. Lệnh được dán trước nhà các cha dòng Tên ở Thăng Long. Vì các cha dạy ai theo đạo thì chỉ có một vợ một chồng, cấm chồng chung vợ chạ. Người có quyền, người giầu có thời đó, chẳng những có một vợ, mà còn có nhiều vợ. Vì luật nhất phu nhất phụ, Đạo đụng chạm đến cấp trên, đến giới nhà giầu. Nên, Trịnh Tráng ra lệnh cấm, và truyền đốt ảnh tượng, chuỗi, sách giáo lý.

Lính đột nhập khám xét nhà các cha 8 ngày, đốt hết mọi thứ. Ở các địa phương lính tráng cũng tới lục xét từng nhà giáo dân.

Ở xứ Kẻ Đông, tức Hải Dương, Hải Phòng ngày nay, có ba cô trinh nữ rất can đảm, thà chết chứ không bỏ Chúa, không làm trái luật Chúa dạy.

Cô Vit-ta bị một anh lính bắt, tuốt gươm dí vào ngực, đe doạ : “Nếu cô không chiều theo tôi, cô sẽ bị đâm chết”. Cô kháng cự quyết liệt nói : “Anh muốn đâm thì đâm, tôi sẵn sàng chết cả ngàn lần, còn hơn là ưng thuận điều bất nhã anh yêu cầu, và phạm tội đến Thiiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ”. Người lính bỡ ngỡ, thán phục lòng can đảm của cô và thả cô ra về (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Gía, trang 42)

Còn hai cô Mô-ni-ca và Nym-pha nhất quyết không chịu làm vợ lẽ. Hai cô trốn lên Thăng Long. Trên đường trốn hai cô bị bắt. Hai cô bị chôn dưới hố. Lính lấp đất chỉ chừa hai cái cổ. Qua một đêm hai cô vẫn còn sống. Sáng ra một giáo hữu đi ngang qua, đã cứu hai cô, dẫn hai cô vào Thăng Long, đến ẩn trốn trong một gia đình đạo đức. Cuối cùng, ba cô Vit-ta, Mo-ni-ca và Nym-pha sống chung trong một nhà, giống như sống trong một tu viện (Đỗ Quang Chính, Sđd trang 43).

——————————

CN.23.C

5-9-2004

Lời Chúa chúa nhật tuần qua kêu gọi chúng ta sống khiêm nhường. Lời Chúa chúa nhật tuần này kêu gọi chúng ta sống từ bỏ những gì không xứng với một người môn đệ Chúa, một người Công giáo.

Bài Tin Mừng : Câu mở đầu bài TM thánh lễ hôm nay là : “Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su” (Lc 14,25). Người ta đi theo Chúa rất đông, nhất là nơi chặng cuối tiến về Giê-ru-sa-lem. Vì họ tin rằng : Chúa Giê-su là Đấng Thiên sai, Đấng Thiên Chúa sai đến, để giải phóng đất nước họ khỏi ách thống trị của người Rô-ma. Họ theo chân Chúa Giê-su vào thủ đô Giê-ru-sa-lem, là để được chứng kiến cuộc giải phóng, là để chung vui cuộc chiến thắng người Rô-ma của Chúa.

Thế nhưng, Chúa Giê-su quay lại bảo họ : “Ai đến với tôi, mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26-27).

Nghe Chúa bảo, chắc họ chưng hửng. Niềm hy vọng họ đợi trông nơi Chúa hóa ra không. Trái lại, Chúa lại đòi hỏi họ : không phải là chiến thắng kẻ khác, mà là chiến thắng bản thân mình, chiến thắng chính mình.

Trận chiến cuộc đời gồm hai mặt trận : mặt trận tình cảm và mặt trận nhiệm vụ. Mặt trận tình cảm : “Ai đến với tôi, mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Cha Nguyễn Thế Thuấn không dùng từ “dứt bỏ”, mà dùng từ “ghét”.

Có lẽ bản văn của nhóm PVCGK dùng từ “dứt bỏ”, để giảm nhẹ sự ngược đời của từ “ghét”. Có ai ở đời mà lại “ghét” cha mẹ…, ngay cả “dứt bỏ” cũng đã ngược đời rồi.

Bản gốc Hy lạp chính là “ghét”, ghét đối với người Do Thái chỉ có nghĩa là yêu kém hơn, yêu cha mẹ kém hơn yêu Chúa.  Chúng ta vừa mừng lễ thánh Cla-ra ngày 11-8. Khi thánh Cla-ra bỏ nhà đi tu, ông Mo-nal-do (Mô-nan-đô), cậu của thánh nữ, tới bắt đem về. Nhưng thánh nữ đã ôm cứng bàn thờ, quyết chọn Chúa mà thôi. Thánh Cla-ra đã yêu Chúa hơn cha mẹ.

Mặt trận thứ hai là nhiệm vụ : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Nhiệm vụ nào mà chẳng có gánh nặng, chẳng có thánh giá, chẳng có đau khổ.

Đức cha Va-len-ti-nô Vinh, giám mục giáo phận Đông Đàng Ngòai (Hải Phòng), quê ở Tây Ban Nha, ngày 30-3-1858 tới Việt Nam giảng đạo. Đức cha Xuyên cảm thấy mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào, nên đã chọn cha Vinh làm giám mục phó. Đức cha đã viết thư về Tây Ban Nha cho mẹ như sau : “Mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao ? Mẹ qúi mến của con ơi, con sống tươi vui lắm. Con làm giám mục cơ mà ! Thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ. Chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm giám mục là phải được ngồi trên lưng ngựa à ? Không, chúng con tuột giầy ra giữa đêm hôm tăm tối, nhòai hết chỗ lội này đến quãng lội khác. Vậy mà cứ vui thôi. Một hôm con lội sáu dặm đường, trên mưa tuôn dưới bùn trơn, con ngã sòanh sọach không biết bao nhiêu lần. Tuy là giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Nhưng giáo hữu ở đây tốt lắm, tới nhà đã thấy họ đổ nước đầy chum cho con tắm rửa, để chuẩn bị dâng lễ…Ở đây người ta sống mạnh, sống vui, nhanh nhẹn lắm. Chúa an ủi chúng con trong lao nhọc. Con tuy là ‘trai già’ mà nhảy qua vũng lội vẫn lẹ như sóc vậy. Mẹ ạ, Vinh trước đã là đứa con nhảy nhót qua núi đồi thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm cho những tên qủi già nhất trong hỏa ngục phải run sợ”.

Bài đọc 1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 đưa ra một đức tính khác của người đi theo Chúa. Đó là theo đuổi đức khôn ngoan của Chúa. Sở dĩ sách Khôn Ngoan yêu cầu điều đó, bởi vì  vào thế kỷ I trước Chúa giáng sinh, nền văn hóa của Hy Lạp rất hấp dẫn, đến nỗi nhiều người Do thái đã bán tín bán nghi những gì Sách Thánh viết, mà tin vào nền văn hóa của Hy Lạp. Tại A-le-xan-drie ở Ai Cập, trước Chúa giáng sinh 2 thế kỷ, nhà vua Pơ-tô-lê-mê đã xây dựng một bảo tàng, rồi triệu tập mọi nhà trí thức thông thái về để nghiên cứu mọi lãnh vực : tóan học, thiên văn, địa lý, thuốc men, cách trí, vật lý, triết học. Sách Khôn Ngoan đã viết phản ảnh sự tìm tòi của thời đó : “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khai phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng ?” (Kn 9,16).

Điều này vẫn đúng cho ngày nay. Được bao nhiêu người công giáo cầm đọc, tìm hiểu cuốn Kinh Thánh, hay một cuốn sách đạo, một tờ báo đạo ? Chắc chắn là rất ít, phần đông là đọc sách đời, báo đời. Vì thế sách Khôn Ngoan đã nhắc nhở :  Con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Thiên Chúa, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ” (Kn 9,18).

Bài đọc 2 : Thư thánh Phao-lô gửi cho ông Phi-lê-môn trong bđ2 nêu lên tình nghĩa anh em bình đẳng trong Chúa Kitô. Khi thánh Phao-lô bị giam tù ở Rô-ma thì gặp  anh Ô-nê-xi-mô, một người nô lệ của ông Phi-lê-môn, đã trốn đi. Thánh Phao-lô đã biết Ô-nê-xi-mô, vì thánh Phao-lô đã ở nhà ông Phi-lê-môn ở Cô-lô-sê. Thánh Phao-lô đã rửa tội cho anh ta. Nay gửi trả anh ta lại cho ông Phi-lê-môn, thánh Phao-lô không những xin ông Phi-lê-môn tha thứ cho anh Ô-nê-xi-mô, mà còn bảo ông không được coi anh ta là một nô lệ, mà là một người anh em trong Chúa Kitô. Thánh Phao-lô viết : “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến” (Plm 15-16).

Như vậy, đi theo Chúa không phải là vào một đảng phái, một phe nhóm, để chống lại với phe nhóm khác, với người khác. Song, đi theo Chúa là đổi mới bản thân mình. Từ nay có một quan niệm mới, một cái nhìn mới, một lối sống mới.

——————————–

CN.23.C

10-9-1989

Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,

thì không thể làm môn đệ tôi được

Lc 14,27

Ông Ka-lin-nin nói : “Con người hạnh phúc nhất là con người đặt ra những mục đích lớn lao, và đấu tranh cho những mục đích đó, với tất cả sức lục của mình“.

Sống trên đời dù muốn dù không, ai cũng có một hay nhiều mục đích. Chúng ta đi học thì phải có mục đích học cho giỏi, cuối năm phải lên lớp, phải thi đậu. Rồi phải nghĩ một mai lớn lên làm gì ? Làm linh mục, làm ma sơ, làm bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ v.v…

Khi đã định cho mình một hướng đi, thì phải nghĩ cách thế để thực hiện, thực hiện cách nào.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đưa hai ví dụ : ví dụ thứ nhất một người muốn xây cái tháp, ví dụ thứ hai một ông vua muốn đi giáo chiến với một ông vua khác.

Muốn xây tháp thì phải tính toán, phí tổn bao nhiêu, có khả năng thực hiện được không ?

Muốn giáo chiến với vua khác, thì xem một vạn quân của mình có thể thắng nổi hai vạn quân của địch không ?

Khi đã tính toán, bàn tính xong là dốc quyết thực hiện. Một khi thực hiện thì đòi phải gắng công chịu khó. Có chịu khó mới đạt được mục đích.

Do đó Chúa Giê-su bảo : “Ai không vác thập giá minh mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27), nghĩa là không chịu khó, không gắng sức thì khộng thể đạt đích.

Ông Ni-cô-la Tel-sa là một nhà vật lý nổi tiếng. Để đạt được điều mơ ước, ông phải có ý chi, phải tập luyện như sau : “Nếu tôi có một món ăn gì mà tôi thích lắm, như bánh hay kẹo, thì tôi đem cho liền, dù làm như vậy khổ tâm lắm đấy. Nếu có một bài làm hay bài tập nào mà tôi ghét lắm, thì tôi làm liền. Phải nhiều năm như vậy…“.

Việc học, việc làm , một người tốt còn đòi gắng công gắng sức, chịu khó như vậy, huống chi là muốn làm con Chúa, làm môn đệ Chúa.

Lơi Chúa thật là chí lý : “Ai không vác thập giá minh mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).

Linh mục Nguyễn Trung Thành