Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm A


CN.23.A

(Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20)

 

Đọc chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha, mà năm nay kỷ niệm 100 năm (1917-2017), chúng ta thấy lòng thương xót của Đức Mẹ đối với loài người tội lỗi của chúng ta bao la biết là dường nào. Như Chúa Giê-su đi tìm con chiên lạc, thì hiện ra lần thứ ba ngày 13-7-1917, Đức Mẹ bảo ba em : “Chúng con hãy hy sinh hãm mình để đền bù cho những người tội lỗi.

Theo lời tường thuật của chị Lu-xi-a cho Đức Giám mục Giáo phận : “Sau lời dạy hy sinh hãm mình để đền bù cho những người tội lỗi, Đức Mẹ mở rộng hai tay ra. Tia sáng từ tay Đức Mẹ chiếu ra như thể xuyên thủng trái đất, và chúng con liền thấy một biển lửa vĩ đại và đang ngụp lặn trong đó là ma quỉ và các linh hồn có hình dáng người, thân thể họ đều như than đang cháy đỏ rực, trong suốt hay đỏ hồng. Họ bơi lội trong biển lửa đó, bị những ngọn lửa đẩy lên cao và từ biển lửa đó có hơi khói bốc lên ngùn ngụt, sau đó họ lại bị rơi tung tóe xuống khắp tứ phía giống như những đốm lửa nhỏ trong một đám cháy lớn, kèm theo những tiếng kêu gào, khóc than thảm thiết, vì do đau đớn và thất vọng. Điều đó thật khủng khiếp. (Khi chứng kiến điều đó, con đã sợ hãi thét lên). Còn ma quỉ thì mang những hình dạng thú vật thật kỳ lạ khác nhau, trông rất xấu xa và khủng khiếp. Tất cả chúng đều trong suốt, tương tự như những cục than đang cháy đỏ. Vì quá sợ hãi và để cầu cứu, Đức Mẹ đã nhân từ và buồn bã nói với chúng con : ‘Các con đã nhìn thấy hỏa ngục, nơi mà linh hồn của những người tội lỗi sẽ phải rơi vào. Để cứu vớt các linh hồn đó, Thiên Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội trên khắp thế giới…Khi lần hạt Mân Côi, thì sau mỗi chục hạt, chúng con hãy đọc ; Lạy Chúa Giê-su, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn’” (Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, trang 65-67).

Chị Luxia kể tiếp : “Thị kiến về hỏa ngục đã làm cho Giaxinta quá ghê sợ rùng rợn, đến nỗi tất cả mọi hy sinh hãm mình và mọi đau đớn khổ sở ở đời này đối với em chẳng có nghĩa gì cả, nếu như em có thể cứu được một vài linh hồn  khỏi sa hỏa ngục”.

Giaxinta thường ngồi bệt xuống đất hay ngồi trên một hòn đá và trầm ngâm nghĩ ngợi : “Hỏa ngục ! Hỏa ngục ! Em rất thương các linh hồn phải sa vào đó ! “

Giaxinta run rẩy quì xuống, chắp hai tay cầu nguyện như Đức Mẹ dạy : “Lạy Chúa Giê-su, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Giaxinta không muốn ăn uống gì cả, em nói : “Em muốn hy sinh hãm mình đền bù cho những người chỉ biết ăn uống say sưa.”

Dù đã bị bệnh, một ngày kia Giaxinta muốn đi lễ, em nói : “Em đi lễ thay cho những người đã không bao giờ đi lễ ngày Chúa nhật”.

Ngoài việc hy sinh hãm mình, Đức Mẹ còn yêu cầu các em siêng năng lần hạt mỗi ngày. Kể từ ngày Đức Mẹ hiện ra, mỗi khi ba em đem chiên ra ngoài đồng, Giaxinta thường bỏ đi đến ngồi một mình lần chuỗi cho những kẻ có tội được trở lại.

BTM : Đức Mẹ Fatima dạy hy sinh hãm mình, lần chuỗi cầu nguyện cho những người tội lỗi, còn Chúa Giê-su, con của Mẹ, thì dạy “sửa lỗi” : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt 18,15). Chúa dạy 5 cách sửa lỗi :

1.“Mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15)

2. “Đem theo một hay hai người nữa” (18,16)

3. “Hãy đi thưa Hội Thánh” (Mt 18,17a)

4. “Hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,17b)

5. “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19).

Đức cha Nguyễn Sơn Lâm giải nghĩa như sau : “Mở đầu đoạn TM hôm nay, thánh Mat-thê-ô  kể hai câu chuyện môn đệ đến hỏi Chúa: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Chúa liền gọi một người em nhỏ đến, đặt nó ở giữa mọi người và tuyên bố: Đấy, ai nên nhỏ như em bé này thì sẽ là người lớn nhất… Ai tiếp nhận em là tiếp nhận Chúa. Ai làm cớ cho em nhỏ nào như vậy hư đi, sẽ đáng buộc đá vào cổ rồi lăn xuống biển… Thế nên đừng có khinh một em nhỏ nào như thế. Có lẽ môn đệ chưa kịp hiểu ý Chúa, thì Người nói tiếp : Ai có 100 con chiên mà lạc mất một, lại không đi tìm con chiên lạc ấy ? Cũng vậy Cha trên trời không muốn để mất một em nhỏ nào. Rồi Chúa lại nói thêm : Nếu anh em con phạm tội, thì con hãy đi tìm và làm như thế này thế này… ” (Giải Nghĩa Lời Chúa.A, trang 313).

Hai câu chuyện : “Ai là người lớn nhất” và “Con chiên lạc” cũng có trong các sách Tin Mừng khác, nhưng ở chỗ khác chứ không ở mục “sửa lỗi” (Lời Chúa Cho Mọi Người, trang 108).

Bđ1: Trong bđ1 Thiên Chúa phán với ngôn sứ Ê-dê-ki-en : “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).

Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô giải nghĩa : “Cùng với việc rao giảng giáo lý Phúc Âm, chúng ta phải tha thiết cầu xin cho tội nhân đươc ơn trở lại. Và chúng ta phải sung sướng như Ê-dê-ki-em thấy trước rồi đây ơn cứu độ sẽ chan hòa khắp nơi. Nhân loại được đổi mới. Và hạnh phúc triển nở từ trong tâm hồn” (Sđd, trang 312).

Bđ2 : Đức cha Sơn Lâm cũng giải nghĩa bđ2 như sau : “Người ta có thể nghĩ chỉ cần giữ những điều Luật dạy : không tà dâm, không giết người, không tham lam của người …Nhưng họ quên điều quan trọng : phải giữ những điều ấy để yêu thương anh em. Bác ái phải là động lực, là khởi hứng của công bình. Dĩ nhiên phải chu toàn mọi phận sự công bình với anh em, nhưng phải chu toàn vì bác ái, bởi lẽ bác ái là mục đích của mọi hành vi công bình. Không có lòng yêu thương anh em thì vẫn chưa chu toàn mọi điều công bình Luật dạy, cho dù đã làm những việc ấy, bởi vì chưa đạt tới mục đích của những việc công bình kia. Thế nên, chúng ta phải có lòng bác ái. Chúng ta phải cư xử với nhau theo tình bác ái. Áp dụng điều này vào vấn đề anh em lỗi phạm, chúng ta sẽ chấp nhận dễ dàng những điều sách Ê-dê-ki-en và Tin Mừng thánh Mat-thêu dạy”” (Sđd, trang 316).

Chúng ta thường coi khinh người tội lỗi. Sửa lỗi thì ít, chê bai, nói xấu thì nhiều. Lời dạy của Chúa trong thánh lễ hôm nay và lời khuyên của Đức Mẹ Fatima giúp chúng ta có thái độ đúng đắn với người tội lỗi : họ là anh em của chúng ta, để chúng ta cầu nguyện cho họ được nên tốt, chứ không phải là kẻ thù để bêu xấu, hạ nhục, loại bỏ (10-9-2017).

——————————

CN.23.A

Chúa nhật tuần trước chúng ta biết thời vua Minh Mạng có con số thánh tử đạo nhiều nhất là 58 vị. Sau thời vua Minh Mạng là thời vua Tự Đức, con số thánh tử đạo là 50 vị. Tuy nhiên chưa kể những vị chưa được phong thánh. Thời Tự Đức có chủng sinh Phaolô Bột.

Chủng sinh Phaolô Bột người xứ Sơn Miêng, giáo phận Hà Nội, là con trai duy nhất của gia đình bà Maria Mận. Chồng chết sớm, cả con trai út cũng chết sớm, chỉ còn Phaolô Bột.

Phaolô Bột là đứa con có hiếu, biết đỡ đần mẹ. Hằng ngày Phaolô Bột đem những chiếc nón mẹ đan ra chợ bán. Phaolô Bột còn được thừa hưởng lòng đạo đức của mẹ. Sáng tối đọc kinh dâng lễ. Xứ Sơn Miệng có thầy Nguyễn Cần tử đạo. Câu chuyện tử đạo của thầy Cần được mẹ làm mẫu gương để dạy dỗ Phaolô Bột. Vì thế Phaolô Bột đã muốn đi tu để nối gót theo thầy.

Đêm 22 rạng ngày 23-1-1858, tổng đốc Nam Định sai quan mang 700 binh lính về vây làng Kẻ Báng, cũng là nơi chủng viện Phaolô Bột tu tập. Quan quân đã bắt được 17 bô lão, cha thánh Lê Bảo Tịnh, giám đốc chủng viện và 4 chủng sinh : Phaolô Bột, Gioan Pháp, Phaolô Tuấn và Phaolô Hương.

Khi bị tra tấn, nào là roi vọt, nào là kìm kẹp, 16 bô lão đã bước qua Thánh Giá bỏ đạo, chỉ còn ông trùm Kẻ Báng vững đức tin. Ông bị lưu đày và chết ở Lạng Sơn.

Sau khi tra khảo 17 bô lão, đến lượt 4 chủng sinh. Chỉ trừ Gioan Pháp 14 tuổi, không bước qua Thánh giá bỏ đạo. Chú bị lưu đày trên Lạng Sơn. Còn 3 chủng sinh khác, kể cả Phaolô Bột đã 17 tuổi cũng bước qua Thánh giá bỏ đạo.

Phaolô Bột trước hết về chủng viện, nhưng cha sở Kẻ Báng nói : “Chủng viện không có chỗ cho người chối Chúa, bỏ đạo”.

Phaolô Bột về với cha sở Sơn Miêng, quê nhà. Cha sở nghiêm khắc bảo : “Chú có sống bao lâu chăng nữa kệ chú; còn tôi, tôi coi chú  như người đã chết”.

Phaolô Bột biết mẹ mình cũng sẽ đuổi, nhưng hết chỗ nương thân, đành phải về với mẹ. Nào ngờ vừa bước vào nhà, mẹ đã mắng : “Không bao giờ tao tiếp nhận một kẻ phản Đạo, dù kẻ đó là con tao .. Con ơi, nếu con chết, mẹ được diễm phúc khóc con như khóc một vị Tử Đạo. Nhưng hỡi ôi, hôm nay mẹ khóc, không phải vì sung sướng, nhưng là vì xấu hổ đau đớn, vì đã trót sinh ra một kẻ phản Đạo .. Chẳng thà bỏ thân vì Đức Tin tại Nam-Định còn hơn vác xác về đây sau khi đã phản bội Thiên Chúa, gây ô nhục cho Đạo của mẹ và của dòng họ nhà ta!”.

Phaolô Bột trở lại Nam Định tuyên xưng đức tin và bị voi giầy chết ngày 14-9-1858.

BTM : Những lời cha sở Kẻ Báng, Sơn Miêng, nhất là bà mẹ nói với chú Phaolô Bột là những lời răn dạy sửa chữa mà Chúa Giêsu dạy trong BTM thánh lễ hôm nay : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi cho nó” (Mt 18,15).

Chúa dạy chúng ta 4 phương thế sửa lỗi : 1- Một mình đến nói, 2- Với một hai người đến nói, 3- Nhờ cộng đoàn nói, 4- Cầu nguyện.

Đa số chúng ta dùng 3 phương thế đầu, mà quên phương thế thứ bốn : Cầu xin Chúa sửa lỗi.

Bđ1 : Sửa lỗi cho nhau là một bổn phận. Không sửa lỗi cho nhau là không chu toàn bổn phận. Chúa nói với ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong bđ1 : “Ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Gr 33,8).

Bđ2 : Đoạn thư Rô-ma trong bđ2 thánh Phao-lô dạy chúng ta “đã yêu thương thì không làm hại đồng loại” (Rm 13,10). Như thế, không sửa dạy nhau là làm hại nhau, là không yêu thương nhau.

      Trong cuộc sống gia đình, lời Chúa dạy sửa bảo nhau thật là đúng. Chồng không sửa  dạy được vợ, vợ không sửa dạy được chồng, cha mẹ không sửa dạy được con cái, anh em không sửa dạy được nhau. Tóm lại mọi người trong nhà chẳng ai bảo được ai. Gia đình đó là một đại họa (7-9-2014).

———————————–

CN.23.A

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông sinh năm 1790 tại Gò Thị, Qui Nhơn. Đức cha Cuenot (Quy-nô) Thể đặt ngài làm đầu tòan thể các xứ đạo hạt Bình Định. Ngòai Trung trong Nam gọi là “Ông Câu”, ngồi Bắc gọi là “Ông Chánh Trương”. Ngài rất đạo đức và đặc biệt có lòng kính mến Đức Mẹ. Ngài dành một gian nhà làm nhà nguyện dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Hổ phụ sinh hổ tử. Cha nào con nấy. Cha thánh thì con cũng thánh. Ngài có một người con làm linh mục là cha Nguyễn Kim Thư. Cha hoạt động ở miền Phan Thiết. Trên đường đi đày, ngang qua Phan Thiết, ngài được diễm phúc cha Thư ra đón và ban các phép sau hết cho ngài. Ngài còn người con gái tên là Anna Nhường là nữ tu dòng Mến Thánh Giá.

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông có một người cháu tên là Út. Đứa cháu sống ngang tàng, ăn chơi phóng đãng, nhiều lần bị ngài quở mắng. Đứa cháu chẳng những không nghe, còn viết thư cho quan tỉnh Bình Định tố cáo ngài chứa chấp các đạo trưởng, các linh mục. Thế là ngài bị bắt, bị giam tù ở Bình Định. Gia đình muốn dùng tiền đút lót để ngài được tha, nhưng ngài nói : “Cha đã già cũng chẳng ham sống lâu nữa. Cha sẵn sàng bị tù đày và chịu chết vì danh Đức Kitô. Đừng xin  tha cho cha”.

Chúa ban cho ngài đôi chút của cải. Ngài rộng tay giúp đỡ dân chúng trong các làng xóm không phân biệt lương giáo, nên quan cũng muốn tha ngài. Quan khuyên ngài : “Ông dẫm chân lên thập giá đi ! Chỉ tôi với ông biết thôi, rồi về ông xưng tội là xong, có chi đâu”. Ngài đáp : “Không được, thập giá tôi tôn kính mà dẫm lên sao được”. Sau 3 tháng tù, vua ra án cho ngài là bị đày vào Vĩnh Long.

Vừa đi vừa phải mang gông, đội mưa đội nắng, thân già sức yếu, thánh Anrê Nguyễn Kim Thông chịu đựng sao nổi. Đi được ít chặng đường, lính phải tháo gông cho ngài. Tới Chợ Quán, ngài đã yếu sức, nhưng còn tiếp tục đi tới Mỹ Tho mới ngã quỵ. Ngài đọc xong kinh ăn năn tội và kinh Kính Mừng thì tắt thở. Hôm đó là ngày 15-7-1855. Ngài thọ 65 tuổi. Giáo hũu an táng ngài tại Cái Nhum, Vĩnh Long. Sau này cha Thư, con ngài, và bà con họ hàng đã cải táng đem về chôn tại Gò Thị, Qui Nhơn.

BTM  : Theo thánh Mt, đời sống chung thường xảy ra 5 vấn đề sau đây :

Ghen tỵ : người làm lớn người làm nhỏ, kẻ ở bậc trên người ở bậc dưới… (Mt 18,1-4)

Có người làm gương mù, gương xấu… (Mt 18,5-10)

Có người đi sai đường lạc lối , như con chiên lạc…(Mt 18,12-14)

Phải sửa lỗi cho nhau… (Mt 18,15-18)

Phải tha thứ cho nhau… (Mt 18,21-35).

BTM thánh lễ hôm nay nói đến vấn đề 4 của đời sống chung. Đó là “sửa lỗi cho nhau”. Chúa Giêsu đề nghị  5 cách sửa lỗi :

– Cách I : Một người : “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình với nó mà thôi” (Mt 18,15).

– Cách II ; Hai hay ba người : “Hãy đem theo một hay hai người nữa, để  mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng (Mt 18,16).

– Cách III : Đi thưa Hội Thánh : “Nếu nó không nghe, thì hãy đi thưa Hội Thánh”   (Mt 18,17a).

– Cách IV : Dứt phép thông công : “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế “ (Mt 18,17b).

– Cách V : Cầu nguyện : “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin  bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19).

Bđ1 : Qua bđ1, nếu ai không sửa lỗi cho người anh em, thì sẽ bị Thiên Chúa phạt. Thiên Chúa phán với ngôn sứ Êdêkien : “Ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu” (Gr 33,8).

Bđ2 : Với đoạn thư Rôma trong bđ2, sửa lỗi cho nhau là yêu người, là chu tòan Lề Luật. Thánh Phaolô viết : “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngòai món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu tòan Lề Luật” (Rm 13,8).

Trong đời sống chung, gia đình, cộng đòan  hay Giáo Hội, sửa lỗi cho nhau là điều cần thiết. Nhưng dễ gì sửa lỗi cho nhau. Thánh Anrê Kim Thông sửa lỗi cho một đứa cháu mà còn bị vạ vào thân, huống hồ sửa lỗi cho đấng bề trên, sửa lỗi cho người làm lớn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đề nghị cách thứ năm : đó là “cầu nguyện”. Thánh nữ Mônica đã dùng cách “cầu nguyện”. Nhờ cầu nguyện, thánh Âutinh đã trở về với  Chúa (4-9-2011)

——————————————-

CN.23.A

Năm nay kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, nước Pháp. Đức Mẹ hiện ra với chị Benadétta mới 14 tuổi. Đức Mẹ hiện ra 18 lần, từ ngày 11-2-1858 đến ngày 16-7-1858. Trong 18 lần, 4 lần Đức Mẹ bảo chị cầu nguyện cho những người tội lỗi.

Lần thứ 6 ngày 21-2, Đức Mẹ bảo : “Hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi”.

Lần thứ 8 ngày 24-2, người ta thấy chị đi trên đất bằng hai đầu gối, miệng lẩm bẩm : “đền tội…đền tội…đền tội.” Chị nói : “Đức Mẹ bảo làm như vậy để đền tội cho người tội lỗi”.

Lần thứ 9 ngày 25-2, Đức Mẹ bảo chị uống nước và ăn cỏ . Chị đứng lên đi về phía sông. Đức Mẹ dùng ngón tay chỉ về phía hang. Chị thấy vũng nước đục, chị không uống. Chị cào đất ba lần sâu hơn. Lần 4 chị uống và rửa mặt. Sau đó chị ăn cỏ. Những người hiện diện cho chị điên.

Lần thứ 10 ngày 27-2, chị uống nước và ăn cỏ.

Qua phép lạ ở Lộ Đức, Đức Mẹ bảo cầu nguyện và ăn năn đền tội cho những người tội lỗi. Chúng ta mới hiểu rằng người tội lỗi làm Chúa buồn và gây tại họa cho tha nhân. Dầu vậy Thiên Chúa dùng mọi cách để kêu gọi họ trở về với Chúa.

Bđ1 : Trong bđ1 Thiên Chúa dùng ngôn sứ như người canh gác, để nhắc nhở, để giúp cho kẻ ác thống hối ăn năn. Thiên Chúa phán : “Ta đã đặt ngươi làm người canh gác. Ngươi sẽ nghe từ miệng Ta phán với kẻ gian ác rằng : Hỡi tên gian ác chắc chắn ngươi phải chết .Ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa…Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu” (Ed 33,7-8).

BTM : Trong BTM Chúa Giêsu dạy chúng ta 5 cách để sửa dạy người tội lỗi :

Cách I : “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15).

Cách II : “Hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết” (Mt 18,17).

Cách III : “Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh” (Mt 18,17a).

Cách IV : “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,17b)

Cách V : “Nếu ở dưới đất , hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19). Thánh nữ Monica đã dùng cách IV là cầu nguyện cho thánh Âutinh ăn năn trở lại.

Bđ2 :Sửa dạy là yêu thương, chứ không phải là ghét bỏ. Thánh Phaolô trong bđ2 nói : “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,9-10).

Không sửa dạy là làm hại. Sửa dạy là yêu thương. Người VN có câu : “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” (7-9-2008)

————————————————

CN.23.A

Ngày 3-9 lễ thánh Grêgôriô Cả. Ngài vừa là giáo hòang vừa là tiến sĩ của Hội thánh. Ngài sinh năm 540 tại Rôma. Ngài là con của một nghị viên danh giá và giầu có của thành Rôma. Chính ngài lớn lên cũng là quan tổng trấn của thành Rôma. Lạ lùng, dù trong bộ y phục lộng lẫy và sang trọng của một vị quan lớn, thánh Grêgôriô lúc nào cũng ước muốn đi tu. Sau khi thân sinh qua đời, ngài đi tu. Ngài biến các lâu đài của gia đình ngài để lại thành những bệnh viện, những nhà tế bần. Dù chỉ muốn sống trong nghèo hèn, im lặng trong tu viện; song vì vâng lời, ngài chấp nhận làm đại sứ của Đức Giáo hòang tại Constantinople của Giáo hội phía Đông. Sau 7 năm, ngài được trở về sống âm thầm trong tu viện. Rồi năm 590, Đức giáo hòang Pêlagiô qua đời, ngài được chọn làm giáo hòang. Lúc đó ngài 50 tuổi.

14 năm trên tòa Phêrô, thánh Grêgôriô đã làm biết bao nhiêu việc cho Chúa và cho Giáo hội, đến nỗi ngài được tặng danh hiệu “Cả”, có nghĩa là lớn lao, vĩ đại. Thế mà ngài đã lên tiếng tự trách mình : “Hỡi con người, Ta đặt ngươi làm tuần canh trên nhà Israel…Ta hãy xem Chúa gọi kẻ Người sai đi là tuần canh luôn phải đứng ở trên cao để có thể nhìn thấy từ xa có gì đang đến. Thế nên ai được đặt làm tuần canh dân chúng thì phải dùng đời sống mà đứng ở trên cao, để có thể canh chừng giúp ích cho dân. Thật là đau khổ cho tôi, khi phải nói lên những điều này, vì khi nói như thế, tôi đang tấn công chính mình : lưỡi tôi đã không rao giảng đủ, và khi rao giảng đủ thì đời sống của tôi lại không đi đôi với lời tôi nói.

Nhận lỗi mình như Đức Giáo hòang Grêgôriô đã là khó, nhưng sửa lỗi cho người khác còn khó còn nhiều. Vậy mà Lời Chúa thánh lễ hôm nay bảo chúng ta phải sửa lỗi cho nhau.

 Bài đọc 1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay là những lời trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ngôn sứ Êdêkien là một trong bốn ngôn sứ lớn ở trong Cựu Ước. Ngài thi hành nhiệm vụ ngôn sứ từ năm 593-571 trước Chúa giáng sinh. Năm 597 ngài bị lưu đày sang Babylon cùng với vua và các vị  quan quyền trong dân Giuđa. Sau 4 năm lưu đày, ngài được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ để nói cho dân Giuđa đang sống kiếp lưu đày. Ngài phải giảng rằng vì tội bất trung mà dân Giuđa phải lưu đày; nếu không ăn năn sám hối thì Đền thờ cũng chẳng còn, nước Giuđa chẳng còn tồn tại, và còn ai sống sót thì bị đưa sang Babylon làm nô lệ lần nữa.

Thiên Chúa bảo : “Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen. Ngươi sẽ nghe lời  từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (Ed 33,7)

Nếu từ chối không rao giảng thì chính ngôn sứ bị Thiên Chúa đòi nợ máu. Thiên Chúa phán : “Ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.” (33,8).

Bài Tin Mừng : Bài TM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu đưa ra 4 cách để sửa lỗi người đồng lọai :

1- Gặp gỡ cá nhân với cá nhân. Chúa Giêsu bảo : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (Mt 18,15)

2- Đem theo một hai nhân chứng. Chúa Giêsu bảo : “Nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng.” (18,16)

3- Đưa ra Hội thánh. Chúa Giêsu bảo : “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.” (18,17a). Trong thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô khuyên hãy kiện nhau ở tòa đạo. Ngài viết : “Khi xảy ra tranh chấp với kẻ khác, có người trong anh em dám đi kiện cáo trước mặt người ngọai, mà lại không đến trước mặt các thánh !…Chẳng lẽ trong anh em lại không có người nào khôn ngoan có thể xử các vụ tranh chấp giữa anh em mình ư ? Đằng này anh em đã kiện nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước tòa những người không có đức tin.” (1Cr 6,1.5-6).

4- Dứt phép thông công. Chúa Giêsu bảo : “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe nghe, thì hãy kể nó như một người ngọai hay một người thu thuế.” (Mt 18,17b).

Tuy nhiên, việc sửa lỗi cho nhau không chỉ có tính cách pháp lý hay luân lý, mà còn có tính cách thần học; phải đặt trên sự phán xét của Thiên Chúa, chứ không trên sự phán xét của con người. Chúa Giêsu bảo : “Dưới đất anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (18,18). Thánh Giacôbê cũng viết : “Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đóan người anh em là nói xấu và xét đóan Lề Luật. Nếu anh xét đóan Lề Luật thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đóan Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thóat và tiêu diệt. Còn anh là ai  mà dám xét đóan người thân cận ?” (Gc 4,11-12)

Để biết những xét đóan của mình có phải là của Chúa hay không thì phải cầu nguyện. Chúa bảo : “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh emợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy có ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19). Chỉ có thánh Mt mới ghi lại lời này, mà lại ghi lại trong việc sửa lỗi cho nhau, chứ không ở trong việc cầu nguyện.

Cầu nguyện không những để biết ý Chúa, mà còn để Chúa sửa chữa, vì ngòai Chúa ra ai có thể thay đổi được lòng người.

Bài đọc 2 : Trong bđ1 và bài TM, sửa lỗi cho nhau là vì Chúa, chứ không vì mình, thì trong bđ2, thư Rôma của thánh Phaolô, sửa lỗi cho nhau, vì yêu thương nhau.  Thánh Phaolô viết : “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại đồng lọai; yêu thương là chu tòan lề luật.” (Rm 13,9-10) Đó là một cách nói khác, chứ  yêu nhau cũng là yêu Chúa.

Tóm lại, hãy sửa lỗi cho nhau trong bầu khí thiêng liêng và yêu thương, trong tinh thần siêu nhiên và bác ái (4-9-2005)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành

.