Chúa Nhật XXIII TN C


ƠN GỌI TÔNG ĐỒ ĐƯỢC BIẾU KHÔNG, NHƯNG GIÁ ĐẮT

Tuần 23 Thường Niên (Hội An 4/9/2022)

            Hôm nay Chúa nói với mọi người, chứ không riêng gì Nhóm nhỏ Mười Hai: “Ai trong các ngươi không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14,33). Con người thực dụng ngày nay có thể than thở: giá làm môn đệ của Chúa quá đắt! Sao Chúa không ra giá rẻ hơn? Sao thánh Phaolô nói ân sủng được Chúa cho không, biếu không, miễn phí (x. Rm 6,23)? Phải, ơn làm môn đệ Chúa là ơn miễn phí, nhưng không rẻ.

  1. Ơn gọi làm tông đồ được biếu không, cho không

            Trong thư gởi tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phaolô xác tín, mọi ơn chúng ta có được không do bởi sức hay bởi bàn tay chúng ta làm nên, mà do Thiên Chúa ban cho (2,8-9). Vì tình yêu, Thiên Chúa cho không, biếu không ân sủng của Ngài cho chúng ta. Ơn làm môn đệ của Chúa cũng là quà tặng miễn phí Chúa ban cho mỗi chúng ta, là kho tàng Chúa đặt vào trái tim của những người Ngài chọn và mời gọi họ theo Ngài. Ngài đi bước trước chọn gọi môn đệ. Khi con người chưa biết rõ Thiên Chúa, Thiên Chúa đã xuống thế làm người, ở giữa con người. Khi con người chưa nhận biết sự cao sâu của tình yêu Chúa, Chúa đã chịu chết để cứu độ con người. Khi con người chưa nhận ra Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa đã cho con người biết ai tin vào Chúa Giê-su thì được ơn cứu độ, được làm môn đệ Ngài. Mọi ân sủng, cách riêng ơn làm môn đệ Chúa là ơn ban miễn phí, được Thiên Chúa quảng đại ban cho, chứ không do công sức chúng ta.

            Tuy nhiên, để ban ơn cho chúng ta, Thiên Chúa đã phải trả giá đắt bằng việc “ban Con Một của Ngài cho thế gian.” Giá đắt Thiên Chúa phải trả không dưới dạng vàng, bạc hoặc tiền của, nhưng bằng máu châu báu của Chúa Giê-su trên thánh giá, không phải cho người vô tội, mà cho chúng ta là người tội lỗi. Nhà thần học người Đức, Dietrich Bonhoeffer khẳng định, ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta không hề rẻ, vì Thiên Chúa trả giá bằng mạng sống của Con Ngài, trao phó Con Ngài cho chúng ta. Đúng vậy, Thiên Chúa không muốn một ai hư mất, Ngài muốn mọi người sống trong ân sủng làm con cái và môn đệ của Ngài, nên Ngài đã phải chịu chết trên thánh giá. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi đó là Quà Tặng Thiên Chúa ban cho thế gian. Quà Tặng Giê-su thật tuyệt vời, nhưng không có món quà nào đắt giá đến thế. Vì vậy, ơn Chúa ban, cách riêng ơn làm môn đệ Chúa không phải ơn giá rẻ, nên Chúa Giê-su đòi hỏi: “Ai trong các ngươi không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Ta.”

  1. Ơn gọi làm tông đồ là ơn giá đắt

            Có người sẽ thắc mắc: tại sao ơn Chúa biếu không mà còn đòi hỏi người môn đệ phải trả giá đắt vậy? Hãy thử hình dung, chúng ta là một sinh viên không đủ sức đóng học phí, nay được học bổng. Việc được miễn phí như thế có miễn chuẩn cho anh ta khỏi nỗ lực học hành không? Hay càng đòi hỏi anh ta cố sức hơn cho xứng với lòng hào hiệp miễn phí của ân nhân?

            Trong tác phẩm “Cái giá của người môn đệ” (The cost of Discipleship), tác giả Dietrich Bonhoeffer phân tích: người môn đệ dễ bị cám dỗ xem ân sủng Chúa ban cho là thứ ân sủng rẻ tiền, nghĩa là thích được gọi là môn đệ Chúa nhưng vẫn sống theo trào lưu thế tục, thích được nghe lời Chúa nhưng không thích biến đổi đời sống theo Tin Mừng, thích được ban ơn tha thứ nhưng không thích từ bỏ tội lỗi, thích được ân sủng nhưng không thích sống đời môn đệ, thích theo Chúa mà không có thánh giá. Trong khi ấy, ơn được đi theo Chúa là ơn cao quý Chúa ban cho, đòi hỏi người theo Chúa nhận ra ơn ấy như kho báu giấu trong ruộng, người tìm gặp về bán hết những gì mình có mà mua lấy, như viên ngọc quý người đi buôn tìm thấy, về bán hết mọi sự để mua cho kỳ được, như các tông đồ bỏ thuyền chài, gia đình mà đi theo tiếng gọi “Hãy theo Ta” của Chúa. Vì thế, không lạ gì Chúa Giê-su đòi hỏi những người muốn làm môn đệ Chúa phải từ bỏ người thân, từ bỏ của cải và vác thánh giá theo Chúa. Chúa không bảo chúng ta ghét bỏ người thân, nhưng nếu người thân trở thành trở ngại cho tình yêu và lòng phục vụ của chúng ta đối với Chúa, chúng ta chọn yêu mến và phục vụ Chúa. Chúa không bảo chúng ta đừng làm việc để có của ăn, nhưng nếu công việc và thứ của cải nào ngăn trở sự thánh thiện và bổn phận truyền giáo, chúng ta chọn sống thánh thiện và nỗ lực truyền giáo như lời Chúa dạy. Chúa bảo chúng ta vác thánh giá, nghĩa là mời gọi người môn đệ hằng ngày dám đóng đinh ý riêng của mình, chết cho tội lỗi và đặt Chúa trên hết mọi sự.

            Những đòi hỏi của Chúa Giê-su hôm nay không phải dễ chịu đối với người theo Chúa. Đan cử, thánh Thomas More là vị đại quan dưới triều vua Henry VIII (Anh Quốc). Vì không chấp nhận cuộc ly dị của nhà vua, Thomas More bị nhà vua tuyên án tử hình. Trước cái chết, thánh nhân đã viết thư cho con gái như sau: “Con gái thân mến, bố sẽ không bất tín với Chúa, dù bố cảm thấy yếu đuối khi sắp phải đương đầu với nỗi sợ hãi… Bố sẽ bắt chước ông Phê-rô kêu cầu Chúa cứu giúp bố. Bố tin rằng Chúa sẽ đặt đôi tay thánh thiện lên bố và ngay trong cơn bão biển, Chúa sẽ giữ bố khỏi chìm xuống.” Cái giá Thomas More đánh đổi để làm môn đệ Chúa là mạng sống của thánh nhân. Nhưng điều đó dễ hiểu, vì Chúa Giê-su đáng giá cho Thomas More quyết định từ bỏ hết mọi sự để theo Chúa.

            Cũng vậy, Chúa Giê-su đáng cho chúng ta từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những vướng bận, từ bỏ những lý do thường nại vào để thoái thác theo Chúa, vì Chúa là Đấng Cứu Độ, là Đấng ban sự sống đời đời, cho chúng ta ơn làm con Chúa, ơn làm môn đệ Chúa với giá đắt là mạng sống của Ngài. Xin cho mỗi chúng ta chọn lựa như thánh Phaolô: “Vì Chúa, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

 

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

TỪ BỎ ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ THI HÀNH SỨ VỤ THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA

Điều răn thứ 4 trong 10 Điều răn Đức Chúa Trời dạy ta phải: “Thảo kính cha mẹ”, vì cha mẹ là đấng sinh thành và cho chúng ta vào đời làm người. Hơn thế nữa, Sách Lêvi nói cha mẹ có uy lực đặc biệt giống như uy quyền của Thiên Chúa để dạy Đạo và luân thường đạo lý cho con cái để thành nhân và thành thánh nên “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Lv 20,9). Vâng, người Việt nam chúng ta cũng rất coi trọng việc hiếu thảo với cha mẹ, vì “công cha nghĩa mẹ cao vời, làm con thảo kính trọn đời chớ quên”. Ấy vậy, hôm nay Chúa Giêsu bảo: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ (Tin Mừng Mác-cô nói là ghét bỏ) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được”. Mới nghe qua, ai trong chúng ta nhủ thầm rằng Lời Chúa hôm nay sao khó nghe quá, nghịch lý quá!

Trong tiếng Do thái không có thể văn so sánh hơn, kém, nhiều hơn, ít hơn… cho nên Chúa Giêsu dùng cụm từ dứt bỏ hay ghét bỏ, hàm ý là yêu hơn, tức là “Ai đến với Ta mà không yêu Ta hơn cha mẹ….”. Thử hỏi, Chúa Giêsu là ai, nhân danh cái gì, quyền lực nào mà bắt tôi phải yêu Người hơn cha mẹ. Chúa Giêsu dựa vào đâu mà dám mời gọi chúng ta quyết liệt như thế? Xin thưa, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, Ngài dựa vào sức mạnh của chân lý, đó là Thiên Chúa cội nguồn mọi tạo dựng, Đấng thương xót mọi người nên ban phát mọi ơn lành, cứu chuộc và thánh hóa và làm cho con người sống viên mãn trong tình yêu thương xót của Chúa Ba Ngôi.

Rõ ràng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống vì thương xót nhân loại nên đã xuống thế làm người, chịu nạn, vác thập giá và chịu chết để cho con người được sống dồi dào và viên mãn. Còn cha mẹ chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh ra và dưỡng dục cho ta nên người. Thiên Chúa mới chính là nguồn mạch sự sống, nguồn mạch mọi ơn lành, là Đường, là Sự thật và là Sự sống cho chúng ta nên chúng ta phải yêu Chúa hơn cha mẹ là vậy.  Vì vậy, Đức Cha Fulton Sheen nói rằng: “Trong lịch sử thế giới nhiều vị sáng lập các tôn giáo dạy điều hay lẽ phải, sự thật nhưng không có vị tôn giáo nào tự xưng mình là Đường, Sự thật, và Sự sống như Chúa Giêsu”. Chẳng hạn, mới sinh ra Đức Phật đi bảy bước, một tay chỉ lên trời một tay chỉ dưới đất nói: “trên là Trời, dưới đất, duy có ta là quý hơn cả”. Cho nên, người mới nói: “Cầu trời khấn Phật”. Còn trong Kinh Coran có ghi: “Không có một Đấng thiêng liêng nào khác ngoài Allar. Chỉ có một Đấng Allar và Mohamét là người của Ngài sai xuống”.Rõ ràng các ngài dạy chân lý, chứ không là chân lý, còn Chúa Giêsu là chân lý, là Thiên Chúa thực, thương xót và yêu thương con người một cách chân thực nhất. Đây là nét độc đáo và là niềm tin quyết liệt của Đạo Công giáo vì vậy Chúa Giêsu là trung tâm của niềm tin, lẽ sống của chúng ta.

          Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu thương xót, vì vậy chúng ta là con cái của Chúa đương nhiên phải đặt tình yêu thương xót của Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu. Nói cách khác, tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái bạn bè, tha nhân và ngay cả chính mình. Cho nên, là môn đệ của Người, chúng ta vẫn phải yêu mến người thân, mọi người hay ngay chính bản thân mình và cũng phải quí trọng của cải mình có vì chúng là những ơn lành Chúa ban nhưng tiên vàn phải yêu mến Chúa hết linh hồn, trí khôn, tức là môn đệ của Chúa phải sống như Chúa trong mọi sự. Chính vì thế, phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư để không những đi theo Chúa, mà còn nói lời vàhành động yêu thương, tha thứ, phục vụ và hy sinh cho người mình yêu như Chúa Giêsu vậy. Cụ thể, là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người, tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha là thương xót và cứu độ hết mọi người.

Là môn đệ Chúa Giêsu, Thánh Nữ Têrêsa Calcutta đã dám từ bỏ tất cả để thi hành sứ vụ thương xót như Chúa.  Tâm hồn Thánh Teresa Calcutta luôn tràn đầy ánh sáng Chúa Kitô, một tâm hồn bừng cháy tình yêu thương xót thôi thúc Thánh Nữ một điều duy nhất là: “Đem tình yêu thương xót của Thầy đến cho người khốn khổ nhất trong xã hội“. Mẹ được giao phó sứ mạng thi hành tình yêu thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại, đặc biệt đối với người nghèo, hận hoạn và khuyết tật. Cho nên, Mẹ đã sống âm thầm, giản dị và khó nghèo. Mẹ đã xóa mình đi đến nỗi, ít ai còn nhớ đến cái tên Agnes Gonxha Bojaxhiu mà chỉ biết Mẹ Teresa Calcutta, một Kitô hữu, một Nữ tu có một đức tin vững bền, một đức cậy bất chấp phong ba và một đức ái vượt mọi biên thùy để trở thành một “người Mẹ của người nghèo”. Mẹ Teresa Calcutta đã giã từ cuộc sống an toàn chốn Viện tu để làm tông đồ của lòng thương xót Chúa. Mẹ đã đon đả ra đi để băng bó vết thương của bao con tim rạn vỡ. Mẹ đã làm cho bao người nhận ra được tình yêu Thiên Chúa đang tuôn chảy trên cuộc đời họ và giúp họ cảm nhận được tình thương yêu thương xót vẫn còn ngự trị trong tâm hồn con người. Mẹ Têrêsa chính là nhịp cầu nối kết con người với trái tim thương xót của Chúa Giêsu. Toàn bộ cuộc đời Mẹ là một chứng từ cho niềm vui sứ vụ hy sinh phục vụ người nghèo khổ, bệnh nhân hay khuyết tật hết tình và hết mình.

Mỗi người có hoàn cảnh riêng, khả năng riêng, và một sở thích riêng… không ai giống ai, nhưng mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi từ bỏ để dấn thân bước theo Ngài làm môn đệ của Lòng Thương Xót Chúa. Chắc chắn Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì vượt quá sức của chúng ta. Điều mà Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta hãy sống tốt giây phút hiện tại của đời mình bằng cách sống và thi hành lòng thương xót Chúa cho tha nhân qua việc làm thương xác và linh hồn người ta một chân thành và cụ thể nhất. Cầu chúc tất cả anh chị em luôn sống trong tình yêu Chúa, và lấy Chúa làm đích điểm cho đời mình, để trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta có thể thốt lên như lời của thánh tông đồ Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang

 

CN 23 TN NĂM C

4-9-2022

  • Ngày 5,6-9-1885 Văn Thân cũng cố

tuyến phòng thủ

  • Ngày 7-9 trận chiến hỏa công bất thành
  • Ngày 8-9 trận chiến hai mũi giáp công
  • Ngày 9-9 Văn Thân kéo súng thần công đại bác

lên Trà Kiệu

  • Ngày 10-9 trận đại pháo suốt ngày
  • Ngày 11-9 giáo dân đột kích đồi Kim Sơn

(Phạm Cảnh Đáng, Đi Tìm Đức Mẹ Trà Kiệu, 47-58)

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hội Yên

Giáo họ Phước Kiều

GIÁO HUẤN SỐ 41

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Các môi trường thích hợp (tt)

Trong tinh thần này, các cơ chế của chúng ta cần phải cung cấp cho người trẻ những nơi chốn mà họ xem như của mình, họ có thể thoải mái đến và đi, cảm thấy nồng nhiệt và sẵn sàng gặp gỡ các bạn trẻ khác, khi gặp khó khăn chán nản hay khi vui mừng hân hoan, Một số nơi chốn như vậy đáng có sẵn tại các nguyện đường nhỏ và các trung tâm của giới trẻ, thường cung cấp một môi trường thoải mái và thân thiện giúp tình huynh đệ triển nở, nơi mà các chàng trai và các cô gái có thể gặp nhau, họ có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc, trò chơi, thể thao, cũng như suy niệm và cầu nguyện. Tại những nơi như thế, người ta có thể được cung ứng nhiều thứ mà không phải chi trả quá nhiều. Cũng vậy, có thể có sự tiếp xúc cá nhân, là điều thiết yếu để chuyển trao sứ điệp, nó không thể được thay thế bởi bất cứ qui trình hay sách lược mục vụ nào (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 218).

CN 23 TN NĂM C

Kn 9,13-18; Plm 9b.10-12; Lc 14,25-33

Ba thiếu nữ xứ Đông

Cha Đắc Lộ kể : năm 1640 Trịnh Tráng ra lệnh cấm đạo. Lệnh được dán trước nhà các cha dòng Tên ở Thăng Long. Vì các cha dạy ai theo đạo thì chỉ có một vợ một chồng, cấm chồng chung vợ chạ. Người có quyền, người giầu có thời đó, chẳng những có một vợ, mà còn có nhiều vợ. Vì luật nhất phu nhất phụ của Đạo đụng chạm đến cấp trên, đến giới nhà giầu. Nên, Trịnh Tráng ra lệnh cấm, và truyền đốt ảnh tượng, chuỗi, sách giáo lý…

Lính đột nhập khám xét nhà các cha suốt 8 ngày, đốt hết mọi thứ. Ở các địa phương các quan cũng sai quân tới lục xét từng nhà giáo dân.

Ở xứ Kẻ Đông, (Hải Dương) ngày nay, có ba cô trinh nữ can đảm, thà chết chứ không bỏ Chúa, không làm trái luật Chúa dạy.

Khi biết tin có lệnh cấm đạo, ba thiếu nữ ở xứ Đông (Hải Dương) là những người đã khấn hứa với Chúa sống khiết tịnh, viết một bức thư cho các cha ở Kinh Đô tỏ ý định ra trước mặt nhà vương xưng mình là kẻ có đạo, và sẵn sàng đổ máu để tỏ ra mình là con nhà có đạo. Ba thiếu nữ ấy tên là Vitta, Monica, Nympha đều tỏ ra can đảm khi gặp thử thách vô cùng lớn lao trong ngày đầu tiên của lệnh cấm đạo.

Cô Vitta : lần kia cô bị một người lính thình lình bắt cô đưa vào nơi vắng vẻ, tuốt gươm dí vào ngực, dọa sẽ giết cô, nếu cô không chịu chiều theo ý anh. Vitta chẳng tỏ ra sợ hãi, hiên ngang nói cho anh biết: ‘Dạ, anh có thể lấy mạng tôi, xác tôi đã dâng cho Thiên Chúa’; rồi cô đưa cổ, ưỡn ngực, nói tiếp: ‘Cứ đâm chém chỗ nào anh muốn, tôi sẵn sàng  chết cả ngàn lần còn  hơn là ưng thuận điều bất nhã anh yêu cầu và phạm tội đến Thiên Chúa, Đấng tôi phụng th

 

Người lính quá bỡ ngỡ và thán phục lòng gan dạ của cô, nên thả cô ra.

Hai cô Mônica Nympha : Trong một chuyến đi Kinh Thành (Kinh đô, Hà Nội) có cụ bà Phanxica cùng đi để chịu các bí tích hầu có sức mạnh giữ vững đức tin trong cơn cấm đạo, hai cô Mônica và Nympha bị lính tuần tra bắt, tra hỏi về đạo cùng với những lời đe dọa, nhưng hai cô đâu có sợ, nên bị lính chôn đứng dưới hố sâu, lấp đất tới cổ, rồi bỏ đi. Suốt một đêm trời chịu trận như vậy, đến sáng có người tín hữu đi qua cứu hai cô dẫn vào Kinh Thành, cho ở tại một nhà kín đáo. Thế là hai cô âm thầm sống trong nhà đó, có cả cô Vítta cũng chạy thoát về đây. Ba thiếu nữ này cứ sống chung như vậy để giữ mình đồng trinh sạch sẽ, lại còn lôi cuốn được thêm 5,6 cô khác cũng một lý tưởng khiết trinh trọn đời, làm thành một tiểu cộng đoàn trinh nữ, sống đời sống các thiên thần như cha Đắc Lộ kể (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 42-43).

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật tuần trước nói đến đức khiêm nhường, vác thánh giá và hạ mình. Lời Chúa tuần này nói về sự bỏ mình và hy sinh. Ba thiếu nữ xứ Đông đà sống Lời Chúa hôm nay

 

Bài TM (Lc 14,25-33) : Chúa Giêsu trong bài TM đòi hỏi những ai theo Chúa phải đặt Chúa lên trên, trên gia đình, trên mạng sống : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).

Coi Chúa trọng hơn gia đình, trọng hơn mạng sống là một chọn lựa, một tính tóan khôn ngoan, giống như sự chọn lựa tính tóan của người xây tháp : “Ai muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính tóan phí tổn xem mình có hòan thành nổi không ?” (Lc 14,28).

Đi theo Chúa là kết quả của sự suy nghĩ gây cấn, giống như sự suy nghĩ của ông vua trước khi ra trận : “Có vua nào đi giao chiến, trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?” (Lc 14,31).

Bđ1 (Kn 9,13-15): Đặt Chúa lên trên còn giống như người Do Thái, vào những năm 100 trước Chúa Giêsu sinh ra. Họ bị dao động, bị chao đảo, không biết chọn Chúa hay chọn sự lôi cuốn của thế gian, của văn hóa Hy Lạp. Sách Khôn Ngoan trong bđ1 có lẽ là sách cuối của Cựu Ước, do một người Do Thái đao đức sống ở Ai Cập viết. Sách viết : “Những gì thuộc hạ giới chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới có ai dò thấu nổi hay chăng ?” (Kn 9,16

                                                                                                                                                                                                                                            Bđ2 (Plm 10,12-17): Đi theo Chúa đòi hỏi phải từ bỏ quyền lợi, từ bỏ lối sống cũ của mình, như ông Phi-lê-môn trong bđ2. Ông Philêmôn ở Cô-lô-sê có người nô lệ tên là Ô-nê-xi-mô . Không biết lý do gì khiến anh nô lệ trốn đi. Khi bị giam tù ở Rôma, thánh Phaolô gặp anh. Thánh Phaolô đã rửa tội cho anh và bảo anh trở về lại với chủ. Theo luật thời đó, người nô lệ một khi đã trốn mà bị bắt lại thì chỉ có chết. Nhưng thánh Phaolô đã xin ông Philêmôn tha giết anh. Hơn nữa, thánh Phaolô còn yêu cầu ông Philêmôn đừng coi anh là nô lệ, song hãy coi anh là một đồng đạo, một người anh em trong Chúa Kitô, bình đẳng ngang hàng với mình. Thánh Phaolô viết : “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến” (Plm 15-16).

Như vậy, đi theo Chúa là đặt Chúa lên trên

là đặt nhẹ tình cảm gia đình

là đặt nhẹ mạng sống

là từ bỏ sự hấp dẫn của thế gian

là từ bỏ quyền lợi và lối sống cũ.

Đặt nhẹ và từ bỏ như thế làm sao không đau khổ, nhưng Chúa Giêsu đã bảo: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).

 Cầu nguyện

Tv 89,13.17

Từ buổi mai,

xin cho con được no say tình Chúa

để ngày ngày được hớn hở vui ca

Xin cho con được vui hưởng

lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa của con

Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố

Xin củng cố việc tay chúng con làm.

 

Lm Giuse Nguyễn Trung Thành