Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

13-9-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tam Thành

GIÁO HUẤN SỐ 41

SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI KHỦNG HOẢNG (tt)

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Hc 27,30-28,7; rm 14,7-9; mt 18,21-35)

 

Ám sát: Ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Gioan-Phaolô II bị ám sát ở Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma. Mehmet Ali Ağca là xạ thủ đã để trong xách của ông khẩu súng bán tự động Browning nòng 9mm, chờ xe giáo hoàng đi qua.

Mehmet Ali Ağca đã học xong khóa huấn luyện trong số các nhóm băng đảng Đông Âu dưới bàn tay của KGB và tổ chức Hồi giáo và quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ của “Những con sói xám”. Hôm đó chiếc xe giáo hoàng mở rộng ra, giáo dân bồng trẻ em đưa đến tay giáo hoàng và ngài tươi cười ban phép lành, ôm chào. Khi Đức Giáo hoàng chỉ cách tên sát nhân ba mét thì y bắn hai đến sáu phát. Oral Çelik, tên tòng phạm ở cách đó hai mươi mét có nhiệm vụ gieo hỗn loạn, ném lựu đạn và bắn súng. Để nương theo hoảng loạn, hai kẻ sát nhân sẽ trốn vào tòa đại sứ Bungari. Nhưng hai phụ nữ đã lật ngược dự trù thảm sát này.

Sự tiết lộ của Fatima trở thành thực tế

Oral Çelik chỉ bắn một phát và chạy trốn, không làm nổ lựu đạn. Mehmet Ali Ağca chạy trốn thì bị một nữ tu dí xuống đất… Nhưng một viên đạn đã trúng thẳng vào Đức Gioan-Phaolô II, viên đạn thứ nhì lướt qua cùi chỏ và trúng hai phụ nữ khác, Ann Odre người Mỹ và Rose Hill, người Jamaicain. Sự việc xảy ra giống lời tiết lộ một cách kỳ lạ. Năm 1917, Đức Mẹ nói với ba mục đồng: “Một giám mục mặc áo trắng (…) bị một nhóm lính bắn nhiều phát bằng súng và tên”…

Trước khi nữ tu khống chế tên sát nhân thì có một phụ nữ khác, người này chưa bao giờ được nhận diện, đưa tay ra hất tên sát nhân hoặc làm thay đổi hướng đi của các viên đạn. Một cử chỉ bí ẩn nhưng như được quan phòng.

Đức Giáo hoàng bị mổ trong tình trạng nguy kịch 5 tiếng đồng hồ, trong khi đám đông giáo dân đến trước bệnh viện cầu nguyện. Ngài sống sót trước sự ngạc nhiên vô cùng của Mehmet Ali Ağca. Ngày 23 tháng 12 năm 1983, khi Đức Gioan-Phaolô II vào tù thăm tên sát nhân, hắn hỏi ngài: “Vì sao ông còn sống, tôi đã nhắm bắn chính xác và viên đạn giết người cực mạnh”. Đức Thánh Cha trả lời: “Một bàn tay bắn, một bàn tay dẫn đường”, ngài muốn ám chỉ đến “bàn tay vô hình của Mẹ Maria” đã làm lệch đường đi của viên đạn.

Viên đạn giết người ở trên vương miện của Nữ vương Hòa bình

Theo lời yêu cầu của Đức Gioan-Phaolô II, viên đạn sau đó được gắn vào triều thiên của Đức Mẹ Fatima. Bởi vì viên đạn đã chạm đến “bàn tay vô hình của Đức Mẹ”, nên nó thành thánh tích.

Cũng như các thánh tích của Sự Thương Khó Chúa Kitô – mũ gai và đinh – các dụng cụ giết người trở thành biểu tượng của cứu rỗi, viên đạn “giết người” trở thành một trong các hạt châu báu trên vương miện của Nữ vương Hòa bình.

Lòng kính mến Đức Mẹ Fatima

Tuy nhiên Đức Gioan-Phaolô II không bắt đầu kính mến Đức Mẹ từ năm 1981. Ngài mất mẹ lúc lên 9 tuổi. Mẹ Maria như trở thành người mẹ thay thế mẹ ruột. Năm 15 tuổi, Karol Wojtyla đứng đầu một hiệp hội thanh niên thánh hiến cho Mẹ Maria. Tuy nhiên ngài chưa bao giờ đặt chân đến Fatima trước ngày 13 tháng 5-1981. Ngày ngài bị mưu sát trùng với ngày tiết lộ bí mật thứ nhì nên đã thuyết phục ngài đi hành hương đến đền thánh Đức Mẹ. Ngài đến Fatima ba lần và theo lời xin của Đức Mẹ, ngài bằng lòng nêu lên “dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ”. Lời dâng hiến này được dâng ngày 25 tháng 3 năm 1984 và bao gồm “toàn thế giới, kể cả nước Nga”, lúc đó nước Nga còn sống những năm cuối cùng dưới ách cộng sản (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch).

Tóm lại :

 13 tháng 5 năm 1981

Lúc 5 giờ 19 chiều, một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Alì Agca dùng súng bắn Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô.II vào bụng và tay trong lúc Ngài đi quanh quảng trường Thánh Phêrô. Ngài bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện Gemelli và trải qua cuộc giải phẫu trong 5 tiếng đồng hồ. Ngài phải ở laị trong bệnh viện này trong 20 ngày.

 17 tháng 5 năm 1981 (4 ngày sau)

Đức Giáo Hoàng đọc kinh truyền tin tại bệnh viện Gemelli. Ngài nói: Xin mọi người hãy cầu nguyện cho người anh em đã bắn tôi, tôi thực tâm tha thứ cho anh.

 23 tháng 12 năm 1983. (hơn 2 năm sau)

Trước lễ Giáng Sinh hai ngày, Ngài vào nhà tù Rebibbia để thăm anh Alì Agca, đã sát hại Ngài vào ngày 13 tháng 5 năm 1981. Ngài xin chính phủ Ý tha thứ cho anh và thả anh về Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong biến cố khủng bố tháp đôi tại Hoa Kỳ, ngày 11-9-2001, Đức Giáo hoàng GP.II nói: “Thế giới không thể có hòa bình nếu thiếu sự tha thứ.”.

Đức Giáo hoàng đã sống tha thứ, theo Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay

Bài đọc 1 : bđ1 đọc sách Huấn Ca. Ông Ben Xi-ra, tác giả sách Huấn Ca, sống vào cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ II trước Chúa giáng sinh. Ông là một nhà trí thức, một bậc thầy khôn ngoan ở Giêrusalem. Ông sợ dân Do Thái của ông tiêm nhiễm văn hóa Hy Lạp, mà lơ là với đạo Chúa. Giáo huấn của Chúa còn quí giá hơn văn hóa Hy Lạp. Ông đã viết sách Huấn Ca khoảng năm 180. Và 50 năm sau, cháu ông đã dịch sang tiếng Hy Lạp.

Ông Ben Xira đã coi việc oán hờn và giận dữ là điều ghê tởm. Chỉ những kẻ tội lỗi mới có biệt tài oán hờn và giận dữ. Trong sách Huấn Ca ông viết : “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.” (27,30) Chẳng những là điều ghê tởm, mà khi cầu khẩn cũng chẳng được Chúa nhậm lời. Sách Huấn Ca viết : “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (28,3-5) Sách Huấn Ca còn chỉ cho cách để biết tha thứ, đó là nghĩ đến cái chết. Sách viết : “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn.” (28,6).

Bài Tin Mừng: Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV giải nghĩa : “Mỗi nén vàng thời xưa là 6.000 quan, tương đương với 6.000 ngày công.  10.000 nén là qúa nhiều  so với 100 quan là 100 ngày công – Chúa Giêsu có ý làm  nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác. Điều cần lưu ý là: trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương  hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải  vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm của họ” (trang 2167).

Bài đọc 2: Trong bđ2 thánh Phaolô dạy : “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa. Vậy dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa… Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em?” (Rm 14,8.10).  Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết : “Thân phận chúng ta đã là những tên nô bộc sống hoàn toàn dưới quyền của Chúa thì chúng ta không còn quyền đoán xét và xét xử nhau nữa. Mọi xích mích giữa chúng ta bây giờ phải được đệ lên trước mặt Chúa để tùy Người phân xử. Chúng ta chỉ còn phận sự chu toàn trách nhiệm của mình và sẽ phải trả lẽ về chính mình ở trước mặt Chúa” (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Phụng Vụ A, trang 321-322). Như vậy, chúng ta có bổn phận “sửa lỗi”, chứ không phải ‘xét đoán”, “kết án”.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin giúp chúng con nên giống như Mẹ biết “thương yêu sửa lỗi”, chứ không phải “kết án, rêu rao.”

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành