Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm B


CN.24.B

16-9-2018

———————————–

Giáo Huấn số 42

NGƯỜI CAO NIÊN

Niềm Vui của Tình Yêu số 192

Lịch Giáo Phận trang 106

Thánh Gioan-Phaolô II mời gọi chúng ta chú ý đến chỗ đứng của người già trong gia đình, bởi lẽ có những nền văn hóa, “do hậu quả của sự phát triển kỹ nghệ và đô thị một cách vô trật tự, đã và vẫn còn tiếp tục đẩy người cao niên vào những hoàn cảnh sống bên lề không thể chấp nhận được”. Những người cao niên giúp ta nhận thức “tính liên tục giữa các thế hệ” với “đặc sủng xóa bỏ hố phân cách”. Nhiều lần chính các ông bà đảm bảo việc truyền đạt các giá trị lớn lao cho các con cháu mình và “nhiều người có thể nhận thấy ông bà đã khai tâm đời sống đức tin cho mình”. Lời lẽ của các ngài, những sự âu yếm của các ngài hay chỉ với sự hiện diện của các ngài cũng đã giúp các em nhận ra rằng  lịch sử không bắt đầu từ nơi chúng, và chúng ta là những người thừa kế của một cuộc hành trình dài  và cần phải tôn trọng hậu cảnh là những gì đến trước chúng ta. Những ai phá vỡ mối liên kết với lịch sử sẽ gặp khó khăn khi muốn dệt nên các tương quan ổn định và cũng khó nhìn nhận rằng họ không phải là những ông chủ của thực tại. Do đó, sự quan tâm đến người cao niên làm nên nét khác biệt của một nền văn minh. Liệu trong một nền văn minh người ta có quan tâm đến người già không ? Có chỗ cho người già không ? Nền văn minh này sẽ tiến bộ nếu biết tôn trọng sự khôn ngoan, sự khôn ngoan của những người cao niên.

——————————–

 

CN.24.B

(Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35)

Ngày 18-1-1615 cha Buzomi (Bu-dô-mi), người Ý, tới Đà Nẵng giảng đạo. Có lần đi dạo ở bãi biển Hội An, cha thấy người ta đang diễn một vở tuồng. Đứng lại xem, cha thấy : “Một con hát ra sân khấu với cái bụng độn rất to. theo sau là một con hát giắt một em nhỏ. Con hát bụng độn hỏi em nhỏ : ‘Con nhỏ có muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng ?’. Em nhỏ thưa : ‘ có’. Tức thì con hát đứng bên tìm cách nhét em nhỏ vào trong chiếc bụng độn giữa tiếng cười thỏa chí của khán giả. Hài kịch được diễn lại mấy lần, mà người đứng xem vẫn không chán” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giíao Ở Việt Nam, tập I, trang 51).

Cha Hồng viết tiếp : “Nhờ câu chuyện đó mà cha Buzomi hiểu ra là người thông dịch đã dịch sai câu mời gọi người tân tòng muốn lãnh nhân phép rửa tội. Dân chúng hiểu lầm đem ra chế diễu cho người theo đạo là bỏ quốc gia dân tộc, trở thành người Hoa Lang” (Sđd,tr.51)

Qua câu chuyện, người Việt Nam gọi đạo chúng ta là “Hoa Lang”.

“Hoa Lang” nghĩa là gì ?

  • Theo cha Nguyễn Văn Trinh : “Người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong buôn vải, trên vải có in hình hoa lang, (hoa của cây rau lang), vì vậy dân chúng gọi người Bồ Đào Nha là người Hoa Lang” (Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập 2, trang 199).
  • Theo ông An Chi, “Tục của nước Tân La (Triều Tiên), chọn trong con em các gia đình cao sang những người xinh đẹp mà tô son điểm phấn, gọi là hoa lang. Vậy hoa lang hẳn phải là những trang thanh niên trắng trẻo, hồng hào, và đặc điểm này có lẽ chính là cơ sở cho cách dùng hai tiếng đang xét theo phép ẩn dụ để chỉ người Bồ Đào Nha chăng, vì nói chung họ cũng là những người hồng hào, trắng trẻo ?” (Chuyện Đông Chuyện Tây, tập 4, trang 251).

Về sau người Việt gọi là đạo “Da Tô”. Chiếu chỉ của vua Tự Đức năm 1861 viết như sau : “Mọi tín đồ Datô giáo phải thích tự vào hai bên má. Một bên chữ “Datô tả đạo”. một bên tên xã huyện của tội nhân”.

Thánh Phaolô  Đổng, 60 tuổi, người giáo xứ Cao Xá, Thái Bình, giữ sổ sách cho họ đạo, gọi là thủ bạ. Ngày 25-11-1861, quân quân vây làng Cao Xá, đặt Thánh Giá trên các lối ra vào trong làng. Ai ra vào cũng phải bước qua Thánh Gía. Thánh Đổng không bước qua, dù bị đánh đập rất tàn nhẫn. Cuối cùng họ nhốt ngài vào một chiếc cũi khiêng qua Thánh Giá. Trong tù, ngài bị khắc trên má bốn chữ “Datô Tả Đạo”, tả nghĩa là tà, là sai. Thánh nhân đã lấy mảnh sành xóa chữ “tả” khỏi má. Vì xóa chữ “tả” ra khỏi má, mà ngài bị phạt nhịn đói nhiều ngày, và ngày 3-6-1862 ngài bị chém đầu. Trước khi bị chém, ngài cầu nguyện : “Chớ gì sống chết tôi giữ một lòng kính mến  Chúa luôn. Amen” (Bùi Đức Sinh, Gáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II,461)

 BTM : “Datô” chính là chữ “Kitô”. Trong  BTM hôm nay, thánh Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu  : “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). “Kitô” nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Đấng Thiên sai.

Đối với người Do Thái bấy giờ, chữ “Kitô” được hiểu là một ông vua, một vị tướng được Thiên Chúa sai đến, để đánh đuổi quân xâm lược Rôma, dành lại nền độc lập cho nước Do Thái. Chúa Giêsu không phải là người làm chính trị, làm quân sự; song là Đấng cứu thế xóa tội trần gian. Vì thế , Chúa mới bảo thánh Phêrô : Đấng Kitô là Đấng “phải đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,30).

Bđ1: 550 năm trước, ngôn sứ I-sai-a đã mô tả Đấng Kitô là “người tôi tớ đau khổ”. Khuôn  mặt “người tôi tớ đau khổ” của ngôn sứ Isaia khác nào khuôn mặt của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó. Chúng ta hãy đọc một câu trong bđ1 để cảm nhận nỗi thương đau của Chúa : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6).

Bđ2 : Chiêm ngắm khuôn mặt “người tôi tớ đau khổ” của ngôn sứ Isaia, hay khuôn mặt Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta mới cảm nhận được nỗi sợ hãi của thánh Phêrô khi Chúa bảo ông : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Theo Chúa phải vác thập giá, phải chịu đau khổ. Nói như thánh Giacôbê trong bđ2 : “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Thánh Phaolô Đổng biết theo Chúa phải vác thập giá, phải đau khổ. Vì thế, trước khi bị chém đầu, ngài đã cầu nguyện để được đi đến trọn đường : “Chớ gì sống chết tôi giữ một lòng kính mến Chúa luôn. Amen”.

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho gia đình chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành