Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C


CN.24.C

(Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32)

11-9-2016

Chúa nhật ngày 4-9-2016 vừa rồi, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô phong thánh cho Mẹ Tê-rê-xa Cal-cut-ta. Chị Ngọc Mai trong báo Thanh Niên tường thuật :

Mẹ Teresa đã chính thức được tuyên thánh vào ngày 4.9. Giáo hoàng Francis (Phan-xi-cô) cử hành lễ phong thánh và tuyên bố quyết định trọng đại này tại quảng trường Thánh Peter (Phê-rô) ở Vatican, trước hàng nghìn tín đồ Công giáo.

Theo The Independent (Báo Độc Lập), hàng trăm nữ tu của Dòng Thừa sai Bác Ái và khoảng 1.500 người vô gia cư đã có mặt tại quảng trường Thánh Peter để chứng kiến buổi lễ trang trọng này. Bên cạnh đó, 13 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ một số nước cũng tham gia buổi lễ này.

Mẹ Teresa (1910 – 1997) được biết đến là người đã dành cả cuộc đời để phục vụ những người bất hạnh với câu nói nổi tiếng: “Nếu có người nghèo trên mặt trăng, chúng tôi cũng sẽ đến đó”. Bà là người sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái, hiện có khoảng 4.000 nữ tu hoạt động tại hơn 100 quốc gia.

Mẹ Teresa đã nhận được 124 giải thưởng từ nhiều tổ chức, chính phủ, bao gồm: Giải Nobel Hòa bình (năm 1979); Huy chương Tự do do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trao tặng (1985); Huy chương vàng của Ủy ban Hòa bình Liên Xô (1987)… Năm 2010, chính phủ Ấn Độ đã cho phát hành đồng xu 5 rupee có in hình Mẹ Teresa.

Năm 2003, Giáo hoàng John-Paul II (Gioan-Phaolô) đã cử hành lễ phong chân phước cho Mẹ Teresa. Khi đó, khoảng 300.000 tín hữu đã có mặt tại Vatican để dự buổi lễ“.

Đọc hai câu chuyện dưới đây để biết dân chúng trên thế giới yêu mến “Mẹ Tê-rê-sa” biết chừng nào !

1- Vị Thánh Nghèo

Mẹ Tê-rê-sa đi làm việc trong các xóm nghèo nàn dơ dáy, gọi là xóm ổ chuột, từ năm 1948. Vì thế, Mẹ và các chị em Dòng của Mẹ trở nên quen biết với những khuôn mặt thảm não nhất trên thế giới này. Trong những năm đầu, Mẹ không có xe riêng, Mẹ phải dùng những phương tiện chuyên chở công cộng. Sau này, vì sức khoẻ và tuổi già yếu, Mẹ đã cho phép mình được có xe. Mẹ thường đi bộ đến nơi làm việc trong các xóm ổ chuột nghèo nàn nhất thế giới. Mẹ thường nhủ mình và bảo các chị em dòng: “Mở mắt ra mà nhìn”. Câu chuyện sống động này Mẹ thường hay nhắc lại khi có dịp:

“Tôi không bao giờ quên, một hôm tôi xuống phố, và chợt thấy vật gì động đậy ở trong rãnh. Tôi gạt bùn đi, và thấy đó là một người. ông ta bị sâu bọ rúc rỉa, và sau khi đem về nhà, chúng tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ để lau lọt cho ông. Người sống dơ bẩn trong rãnh này, sau cùng đã nói:

– Tôi đã sống như con vật trên đường phố, nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần, được yêu mến và được săn sóc. Và ngay khi chúng tôi còn cầu nguyện với ông, cầu nguyện cho ông, ông nhìn vào một Sơ mà nói:

– Sơ ơi, tôi sắp đi về nhà Chúa, rồi ông chết. Trên mặt ông nở nụ cười rạng rỡ. Tôi chưa hề thấy nụ cười nào giống như thế.

2-  Gặp Chúa Ki-tô Trong Thân Thể Người Nghèo

“Khi Ta mình trần, con đã…Lần kia Mẹ Têrêsa kể:

Một thiếu nữ đã tìm đến Ấn Độ xin gia nhập hội Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi. Chúng tôi có một qui định là người đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Bởi vậy, tôi đã nói với thiếu nữ:

– Con đã nhìn thấy vị Linh mục dâng Thánh lễ, con đã thấy Ngài cầm Thánh Thể trong tay cách cung kính và mến yêu chừng nào, con cũng hãy đi và làm như thế nơi nhà hấp hối, bởi vì con tìm gặp được Chúa Giêsu trong thân thể của người anh em khốn khổ đó.

Người thiếu nữ ra đi. Một thời gian sau cô trở lại với một nụ cười thật tươi mà có lẽ tôi chưa bao giờ trông thấy. Cô vui vẻ nói với tôi:

– Thưa Mẹ, con đã sờ đến thân thể Chúa Kitô suốt ba tiếng đồng hồ.

Tôi hỏi cho biết sự thể đã diễn ra thế nào ? Cô đáp:

– Con vừa đến nhà hấp hối thì thấy người ta mang tới một cụ già vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy ông đầy những thương tích và bùn dơ hôi hám. Con đã tắm rửa cho ông thật sạch sẽ và băng bó các vết thương của ông, con biết rằng làm như thế là con đã chạm đến thân thể Chúa Kitô.

Mẹ Tê-rê-sa đã sống Lời Chúa dạy trong thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Sách Xuất Hành trong bđ1 kể : “Đức Chúa phán với ông Mô-sê : Dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói : Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập. Đức Chúa phán với ông Mô-sê : Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng… Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông. dịu lại… Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe” (Xh 32,7…14).

BTM : Lòng của Chúa nhân từ thật bao la ! Chúa là người cha đã tha thứ cho đứa con hoang đàng. Người cha đã nói với với đứa con cả thiếu lòng thương xót : “Con à, chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31.32).

Bđ2 : Trong bđ2, qua thư gửi ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô cảm nhận được lòng đại lượng thương xót của Chúa : “Tôi là kẻ lộng ngôn bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót… Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người  nơi tôi là kẻ đầu tiên” (1Tm 1,13.15-16).

Mẹ Têrêsa đã sống theo lời dạy của Chúa, mà thương xót những người khốn khổ nhất. Chúng ta cũng hãy noi gương mẹ trong Năm Thánh xót thương này, để những người khốn khổ, tội lỗi, những người làm buồn lòng chúng ta, nếm được mật ngọt lòng thương xót của Chúa trong tấm lòng thương xót và tha thứ của chúng ta.

————————–

CN.24.C

12-9-2010

Lời Chúa trong hai chúa nhật vừa qua dạy chúng ta phải có những đức tính quan trọng trong cuộc đời. CN 22 dạy đức khiêm nhường và hiền lành, CN 23 dạy đức từ bỏ và thập giá. CN 24 hôm nay dạy một nhân đức mà ít có tôn giáo nào dạy, đó là lòng thương yêu người tội lỗi.

Bài TM : Câu chuyện “người cha nhân hậu” trong bài TM, ngày trước thường gọi là câu chuyện “đứa con hoang đàng”. Câu chuyện làm rung cảm mọi người. Con tim ai đó dù có chai đá mấy cũng phải rúng động. Cảnh người cha ôm hôn đứa con hoàng đàng cảm động biết bao : “ Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20)

Đứa con hoang đàng đã biết tội mình nặng nề : “Con thật đắc tội với Trời và với cha” (15,18). Anh mong người cha tha thứ, và chỉ xin được là người làm công để có miếng ăn : “Con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa, xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (15,19). Nhưng người cha không những không cho đứa con nói lời xin làm người làm công, làm thuê, lại còn bảo các đầy tớ : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng” (15,22). Tóm lại, cậu hoàn toàn được trả lại danh dự và quyền lợi làm con.

Ở ngoài đồng về, nghe người đầy tớ nói : “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ” (15,27), người anh cả “liền nổi giận không chịu vào nhà” (15,28).  Người cha phải ra năn nỉ : “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,32).

Người cha nhân hậu là Thiên Chúa, người anh cả là loài người chúng ta, và người con hoang đàng là người tội lỗi. Thiên Chúa thương yêu người tội lỗi, còn loài người thì ghét bỏ.

Bđ2 : Lòng Chúa thương người tội lỗi thể hiện cụ thể nơi thánh Phao-lô. Trong thư gửi thánh Ti-mô-thê trong bđ2, thánh Phao-lô kể : “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót” (1Tm 1,13). Thánh Phao-lô còn quả quyết : “Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1,15).

Bđ1 : Qua câu chuyện trong bđ1, chúng ta phải noi gương ông Mô-sê cầu nguyện cho người tội lỗi. Dân Do Thái đã làm con bò vàng, coi con bò vàng là TC, là đấng giải phóng họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. TC nổi giận bảo ông Mô-sê : “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng”(Xh 32,9). Nhờ ông Mô-sê van xin, Thiên Chúa đã dịu nét mặt và tha thứ cho dân Do Thái.

Các dòng tu xuất hiện trên trần gian cũng là để cầu nguyện cho người tội lỗi. Thứ ba ngày 14-9 lễ Suy Tôn Thánh Giá, bổn mạng của dòng Mến Thánh Giá. Dòng Mến Thánh Giá là dòng VN đầu tiên.

Năm 1658 được chọn làm giám mục cho GHVN, Đức cha Lambert (Lăm-be) viếng mộ thánh Phan-xi-ca Chan-tal (Xăng-tan). Người đã phát kiến ý định lập dòng Mến Thánh Giá cho GHVN. Năm 1664 Công đồng đầu tiên của GHVN tại Thái Lan đã quyết định thành lập dòng Mến Thánh Giá. Năm 1669 Đức cha đi tầu buôn của người Pháp, từ Thái Lan sang thăm Đàng Ngoài VN, miền Bắc. Mặc dầu lấy danh nghĩa là linh mục tuyên uý cho tầu Pháp, nhưng người Hoà Lan theo Tin Lành biết ngài là giám mục, đã báo cáo với nhà cầm quyền VN. Đức cha không thể đi ra ngoài khu vực Phố Hiến, Nam Định. Chúa quan phòng lo liệu cách khác : ông quan bảo vệ Đức cha là người Công giáo. Ông làm ngơ cho Đức cha làm các việc tôn giáo. Trong hơn 5 tháng ở Phố Hiến, Đức cha làm bốn việc quan trọng : 1- ban phép Thêm Sức, 2- phong chức linh mục cho 7 thày giảng, 3- họp hội nghị, 4- thành lập và chủ toạ lễ khấn cho các chị dòng Mến Thánh Giá.

Đức cha làm các việc này ở đâu ? Theo cha Đỗ Quang Chính, có lẽ chỉ có hai nơi : 1- trên tầu Pháp, 2- trong nhà ông Alexandre de Rhodes (A-léc-xăng đờ Rốt). Ông Rhodes là cậu bé của xứ đạo Cây Trâm, Tam Kỳ, Đà Nẵng bây giờ. Cậu tập cho cha Alexandre de Rhodes nói tiếng Việt. Vì mến cha, cậu lấy tên cha đặt tên cho mình. Lớn lên cậu vào hội Thày Giảng. Sau, cậu xuất tu làm thông ngôn cho các nhà buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan ở Phố Hiến. Cậu cũng là người góp tiền của xây Nhà Thờ Hà Nội ngày nay.

Khi giảng đạo ở Miền Bắc, năm 1628 cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ, lập Hội Thày Giảng. Thấy cha tổ chức cho những anh thanh niên độc thân sống chung với nhau phục vụ Chúa và đồng loại, các thiếu nữ và các bà goá cũng muốn cha tổ chức cho giới mình như vậy. Cha không tổ chức cho nữ giới, vì nhiều lý do, trong đó có lý do sợ các quan hiểu lầm, vì các quan thường có nhiều vợ. Không được cha Đắc Lộ tổ chức thì các chị tự động tổ chức lấy. Khi sang VN, Đức cha Lambert  đã biến các chị thành những nữ tu dòng Mến Thánh Giá.

Lễ Tro ngày 19-2-1670 Đức cha chủ toạ lễ khấn cho các chị, đứng đầu là hai chị Phao-la và A-nê. Lễ khấn tổ chức vào ban sáng thì ban chiều tầu Đức cha phải nhổ neo về lại Thái Lan, nhưng vì gặp bão to gió lớn, tầu còn đậu lại ở cảng 22 ngày. Lợi dụng những ngày trên tầu, Đức cha viết một lá thư gửi hai chị Phao-la và A-nê có đoạn sau đây : “Các con không còn thuộc về chính các con nữa, nhưng là thuộc về Đức Giêsu Kitô… Phải năng ghi tạc vào lòng mục đích chính mà các con đã tự đặt cho mình là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu và hằng ngày phải cầu xin Người bằng lời cầu nguyện, bằng nước mắt, bằng việc làm, bằng việc hãm mình, để kẻ ngoại đạo và những bổn đạo xấu được ăn năn trở lại…” (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 65).

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta thương yêu và cầu nguyện cho người tội lỗi. Một người tội lỗi trở lại là niềm vui to lớn. Chúa Giêsu bảo : “Triều thần Thiên Chúa, ai nấy cũng vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” (Lc 15,10).

————————————–

CN.24.C

16-9-2007

Chúng ta đang được diễm phúc sống trong năm kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma. Thứ năm vừa rồi là ngày 13-9, ngày Đức Mẹ hiện ra lần thứ V, lần áp chót.

Một người kể lại : “Từ hôm trước, tôi thấy dòng người vô tận đi bộ từ xa tới Fa-ti-ma để thấy Đức Mẹ hiện ra… Tôi cảm động sâu xa và đã hơn một lần nước mắt tôi chảy xuống khi thấy lòng sùng kính, lời cầu nguyện và đức tin nhiệt thành của hàng ngàn người hành hương lần hạt trên đường đi…” (Fatima Dấu Hiệu Vĩ Đại, t.75).

Cha quản hạt Qua-res-ma kể lại : “Đám đông lúc nào cũng cầu nguyện…Bỗng nhiên người ta nghe thấy tiếng kêu la vì ngạc nhiên và vui mừng. Hàng ngàn cánh tay giơ lên hướng về một điểm trên bầu trời. ‘Nhìn kìa, Người kia kìa ! Người ở đây dưới đó !’… Không một gợn mây trên bầu trời. Tôi đưa mắt và bắt đầu xem xét bầu trời kỹ hơn…Tôi ngạc nhiên thấy rõ ràng và phân biệt được một trái cầu ánh sáng đang từ đông tiến sang phía tây, lướt từ từ và uy nghi qua không khí… Khi dòng người tiến tới, họ có thể thấy đám mây trắng nhỏ đậu lại trên cây sồi nơi ba em đang ngây ngất quì gôi… Người ta nghe Lu-xi-a kêu lên : ‘Quí vị phải cầu nguyện!’…Tôi không bao giờ quên được ấn tượng sâu sắc khi thấy hàng ngàn người hành hương đang quì xuống vì tiếng nói của một em bé 10 tuổi, đầm đìa nước mắt và cầu nguyện” (Sđd, tr.76).

Còn chị Lu-xi-a thì kể : “Khi gần tới giờ, chúng con mới tới nơi, nên phải khó khăn chen lấn rẽ qua đám đông. Quần chúng chen chúc chật cả lối đi. Ai cũng muốn gặp chúng con và nói với chúng con. Người ta không còn phân biệt giai cấp, địa vị. Quần chúng và ngay cả quí ông quí bà sang trọng cũng chen lấn để đến gần chúng con. Nếu may mắn vào được, họ quì ngay xuống để xin chúng con nói với Đức Mẹ về những ước nguyện của họ. Chẳng đến gần được thì từ xa họ lớn tiếng nói : ‘Vì tình yêu Chúa, làm ơn xin Đức Mẹ chữa con tôi bị què…, chữa con tôi bị mù…, chữa con tôi bị điếc…, cho chồng tôi ở trận địa được bình an…, con tôi ở chiến trường được bình an…, chữa tôi khỏi lao phổi…, cho tội nhân trở lại… Hết mọi khổ đau như tụ cả về đây. Một số người trèo lên ngọn cây hay tường cao để thấy chúng con đi qua và kêu lớn tiếng với chúng con…Nhờ những người mở đường, chúng con tới đồi Cô-va đa I-ri-a. Chúng con lần hạt với dân chúng. Liền sau đó chớp sáng. Đức Mẹ hiện ra trên cây sồi và bảo : ‘Hãy tiếp tục lần hạt để chiến tranh chấm dứt. Trong tháng 10, Thiên Chúa sẽ đến cùng Đức Mẹ sầu bi, thánh Giuse cũng sẽ đến với Chúa Hài Đồng để chúc lành cho thế giới…’

Con xin Đức Mẹ : ‘Người ta có nhờ con xin Mẹ nhiều điều : chữa lành bệnh nhân, người điếc, người câm…

Đức Mẹ trả lời : ‘Được, Mẹ sẽ chữa một số, không phải tất cả. Tháng 10 Mẹ sẽ làm một phép lạ để mọi người tin. Rồi Đức Mẹ bay lên như thường lệ’” (Sự lạ Fatima, tr. 204-205).

Chưa lần nào Đức Mẹ hiện ra nhanh chóng như lần này.

Lần đầu tiên hiện ra, 13-5, Đức Mẹ hỏi ba em : “Các con có bằng lòng dâng mình cho Chúa và chịu khổ đau Chúa gửi đến như việc đền tạ tội lỗi và nài xin ơn tha thứ cho tội nhân không ?”.

Lần thứ ba, ngày 13-7, Đức Mẹ thúc giục : “Hãy hy sinh cầu nguyện cho tội nhân”.

Lần thứ tư, ngày 13-8, Đức Mẹ buồn và bảo : “Hãy cầu nguyện thật nhiều và hy sinh cho các tội nhân. Có nhiều linh hồn sa hoả ngục, vì không có ai hy sinh cho họ”.

Như thế, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima để cứu các tội nhân.

Bđ1 : Bđ1 kể lại câu chuyện Thiên Chúa tha thứ tội cho dân Ít-ra-en. Qua ông Mô-sê TC vừa ban 10 giới răn, thế mà họ đã phản bội  TC, bắt chước dân ngoại đúc và thờ con bò vàng.

Gọi là “bò vàng”, vì tuy làm bằng gỗ nhưng trát bằng vàng. Con bò vàng là hình tượng các thần dân ngoại thờ : thần Sin (thần mặt trăng) của người Ma-duk ở Ba-by-lon, thần Thot và O-si-ris của người Ai Cập, thần El của người Phê-ni-xi. Bò vàng là thần sinh sản, thần mưa, thần phì nhiêu. Vua Gia-rốp-am của Ít-ra-en cũng đúc hai con bò vàng thờ ở hai đền thờ tại Đan và Bê-then (1V 12,28). Ngôn sứ Hô-sê đã tố cáo tội thờ tà thần : “Chúng là người mà lại hôn kính những con bê” (Hs 13,2).

BTM : Ba dụ ngôn trong BTM cũng nói đến lòng thương xót của TC đối với các tội nhân : dụ ngôn người chănn chiên để 99 con chiên đi tìm 1 con chiên lạc, dụ ngôn bà góa tìm 1 trong 10 đồng bạc bị mất, và dụ ngôn “người cha nhân hậu” (“ngưới con hoang đàng”).

Bđ2 : Ngày xưa ông Mô-sê là trung gian giữa TC và dân Ít-ra-en. Ngày nay Chúa Giê-su chẳng những là trung gian, mà còn là Đấng “gánh tội trần gian”. Thư gửi ông Ti-mô-thê trong bđ2, thánh Phao-lô đã viết : “Đức Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi” (1Tm 1,15).

Thời đại khủng bố này, lòng thương xót và tha thứ lại càng quí giá biết bao !

———————————

CN.24.C

12-9-2004

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật hôm nay còn lời nào cảm động hơn ? Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và tha thứ.

Bài đọc 1 : Sách Xuất hành trong bđ1 kể việc Chúa tha thứ cho dân Is-ra-el tội thờ bò vàng. Sau ba tháng ra khỏi Ai Cập, dân Is-ra-el tới sa mạc Xi-nai. Chúa bảo ông Mô-sê lên núi và ở với Chúa 40 đêm ngày, rồi Chúa ban cho hai bia đá gồm 10 giới răn. Thấy ông Mô-sê ở trên núi lâu qúa, dân chúng nói với ông A-ha-ron ; “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho ông Mô-sê, là người đã đưa chúng tôi lên từ Ai Cập” (Xh 32,1). Thế là ông A-ha-ron đúc một con bò vàng cho dân. Dân hô to : “Hỡi It-ra-en, đây là thần của ngươi, đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32,5). Ông A-ha-ron còn dựng một bàn thờ để kính tôn con bò vàng. Rồi họ tổ chức lễ tế và mở tiệc ăn mừng.

Thiên Chúa bảo ông Mô-sê : “Hãy đi xuống vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai cập. Chúng đã vội đi ra ngòai con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó…Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32,7-10).

Trước hết, chúng ta thấy lòng ông Mô-sê đối với dân của ông. Ông không cần Chúa cho ông một dân mới, ông vẫn muốn gắn bó với dân cũ, vì thế ông nói với Chúa : “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài” (Xh 32,11). Ông Mô-sê đã đưa ra 3 lý do để xin Chúa đừng tiêu diệt : 1/ Dân mà Chúa đã đưa ra khỏi Ai cập, 2/ Người Ai cập sẽ rêu rao là Chúa ác tâm, đưa dân ra khỏi Ai cập, để giết chết, 3/ Chúa hãy nhớ lại lời Chúa hứa với các tổ phụ Ap-ra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp. Nhờ lời cầu khẩn của ông Mô-sê Chúa đã thương và tha thứ.

Bài đọc 2 : Bđ2 đọc thư thánh Phao-lô gửi cho ông Ti-mô-thê. Ông Ti-mô-thê là người Lys-tra, ngày nay là một thành phố của nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cha là người Hy lạp, ngọai giáo, mẹ là người Do thái. Năm 49 trong hành trình truyền giáo lần II, thánh Phaolô trở lại thăm Lys-tra, ông Ti-mô-thê đi theo truyền giáo với thánh Phao-lô. Khi được ra khỏi tù ở Rôma, thánh Phao-lô đi thăm Ê-phê-sô và để Ti-mô-thê ở lại phục vụ.

Trong thư thánh Phao-lô đã nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Người viết : “Trước kia tôi là kẻ lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót”. Chúng ta đã biết thánh Phao-lô là kẻ bắt bớ đạo thánh Chúa. Chính Ngài tự khai với người Do thái : “Tôi đã bắt bở đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà”. Thánh Phaolô cũng đã nhúng tay vào việc ném đá thánh Stê-pha-nô. Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại như sau : “Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô” (Cv 7,58). Sách Cvtđ viết tiếp : “Ông Sao-lô thì cứ phá họai Hội Thánh : ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8,3). Lý do Chúa thương xót, chính thánh Phao-lô viết : “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1Tm 1,16).

Bài Tin Mừng : Một tác giả Kinh Thánh đã viết về thánh Lu-ca, người đã viết 3 dụ ngôn trong bài TM đọc thánh lễ hôm nay, như sau : “Thi sĩ Dante (Đan-tê) đã viết : Luca là một “scriba mansuetudinis Christi” (Scríp-ba man-su-ê-tu-đi-nít Chris-ti), một văn sĩ viết về lòng thương xót của Chúa Ki-tô. Lòng thương xót đi tới cao độ bằng những lời nói của người cha với “đứa con hoang đàng”. Để làm dịu lòng giận dữ của người con cả, ông nói : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32).

Thánh Lu-ca đã viết về Thiên Chúa cách mới mẻ, nhưng thánh Luca đã không sáng tác ra người cha chạy đàng trước đứa con, chết và sống lại, và ngạt thở bởi những vòng tay ôm quàng. Chỉ có Chúa Giê-su mới sáng tác ra dụ ngôn này, để xóa hẳn đi những hình ảnh giận dữ, báo thù mà các tôn giáo, cả các Kitô giáo, vẽ về Thiên Chúa. Chỉ Chúa Giê-su, vì chỉ có Người mới biết Thiên Chúa là ai. Đó là bộ mặt rất mới mẻ trong sách TM Đức Giê-su Ki-tô mà thánh Luca viết : Thiên Chúa khác với những gì người ta nói. Đấng rất gần đến giữa chúng ta, để ôm chúng ta trong vòng tay” (Jean Puyo, l’Évangile de Luc, trang 8).

Qủa thật, đọc dụ ngôn người cha nhân hậu, chúng ta không thể nghĩ có một người cha nào yêu thương và thương xót như thế. Chẳng những không phạt, mà còn : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng” (Lc 15,22-24). Áo nói đến danh dự, nhẫn nói đến uy quyền, và dép nói đến người tự do, người cha đã phục hồi tất cả quyền lợi, danh dự làm con cho người con hoang đàng. Vì thế, khi đứa con trở về, muốn nói : “Con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như như một người làm công cho cha vậy“; nhưng người cha đâu cho cậu nói  ‘xin coi con như một người làm công cho cha’. Nói đến câu “chẳng còn đáng gọi là con cha nữa“, thì người cha đã ngắt lời, bảo các đầy tớ đem áo, đem nhẫn, đem dép và bắt bê béo giết ăn mừng.

Có khi nào chúng ta cảm thấy lòng thương của Chúa, bộ mặt nhân từ của Chúa chưa ? Nhìn Chúa nằm chết trên thánh giá, làm sao không nhìn ra khuôn mặt nhân hậu và lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi khi chúng ta vào nhà thờ, nhìn thánh giá, lòng chúng ta cảm thấy sung sướng, nhẹ nhõm, vì chúng ta có một người cha chỉ biết yêu thương và tha thứ tội lỗi chúng ta. Để rồi chúng ta hứa với Chúa : chúng ta cũng theo gương Chúa : thương xót và tha thứ cho những người làm mất lòng chúng ta.

Linh mục Nguyễn Trung Thành