Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm A


CN.24.A

(Hc 27,30-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35)

 

Chúng ta đang sống trong năm hồng phúc, năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha. Chúa nhật tuần trước Đức Mẹ cho ba em Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta thấy hỏa ngục, và Đức Mẹ dạy : hy sinh hãm mình lần chuỗi cầu nguyện cho những người tội lỗi. Chúa nhật hôm nay chúng ta noi gương bố mẹ chị Lu-xi-a giải quyết những xáo trộn trong gia đình.

Sách “Sự Lạ Fatima” của lm Nguyễn Hữu Thy viết : “Gia đình của Lu-xi-a vốn đơn sơ chất phác và nghèo khổ, đã hoàn toàn bị xáo trộn và càng trở nên túng thiếu hơn, nhà cửa ngày đêm bị đủ mọi thành phần dân chúng đến xâm nhập quấy rầy, ruộng đất bị mất mát, các nguồn lợi nuôi sống gia đình trở nên eo hẹp” (sđd, trang 136).

      Chị Lu-xi-a viết cho Đức Ông phụ trách Trung Tâm Hành Hương Fatima như sau : “Ba con để ý thấy chiên đã giậm hư và súc vật ăn hết tất cả những gì trên đường đi qua. Năm đó đúng vào mùa trồng bắp, và tất cả đã bị hư hết không thu hoạch được nữa. Ba nói : Thế là mất toi 20 thùng bắp rồi, cả đậu và bí đỏ mà ba đã trồng xen kẽ ở giữa” (sđd,139).

       Chị viết tiếp : “Những người lạ mặt cứ đi thẳng vào nhà chúng con, và nêu ra đủ thứ câu hỏi tò mò, bất lịch sự, và nhiều khi còn có những câu hỏi đầy mưu mô quỉ quyệt, đến nỗi nhiều khi không biết phải xử sự ra sao nữa” (sđd,142).

       Chị còn kể : “Vào năm Đức Mẹ hiện ra, gia đình con chẳng còn mong chờ gì vào vụ mùa ở Cova Da Iria nữa. Tất đều bị hư hại hết. Nhưng ba con lại thêm : Nếu quả thật là Đức Mẹ đã hiện ra thì Ngài sẽ giúp gia đình mình. Nhưng mẹ con nói ngay : Đức Mẹ hả ? Ai bảo ông đó là Đức Mẹ ? Chẳng phải là ma quỉ và nó đang xâm nhập vào nhà mình đấy sao ? Gia đình mình đang êm ấm hạnh phúc, thì bây giờ cứ bị đám người bám sát vào như đỉa, triền miên đến gõ cửa và xin gặp nói chuyện với con bé. Nếu chúng ta không đáp lại nguyện vọng của họ, thì họ chẳng rời nhà” (sđd, 141).

 Chị nhận xét : “Trong thời gian xảy ra biến cố hiện ra, thì trong khi mẹ con tỏ ra hay bức xúc nóng nảy; còn ba con giữ được thái độ bình tĩnh tin tưởng phó thác hơn. Nên mỗi lần mẹ con đầy lo lắng nhắc đến chuyện đó và cho rằng tất cả chỉ là một việc bày đặt lừa gạt, thì ba con lại nhẹ nhàng an ủi mẹ con bình tĩnh. Ba con nói : Bà vội nóng nảy làm gì ! Chúng ta chưa biết được, liệu đó có phải là sự thật không, nhưng chúng ta cũng chưa thể biết chắc được đó là việc lừa đảo. Tốt nhất chúng ta chờ đợi xem !” (sđd, 136).

Mẹ thì nóng nảy, ba thì bình tĩnh. Lời Chúa trong thánh lễ sẽ giúp chúng ta tìm được câu trả lời ai đúng ai sai.

       “Lời Chúa Chúa nhật tuần trước dạy chúng ta những thái độ phải có với người anh em phạm tội làm cực lòng cộng đoàn tín hữu. Hôm nay Lời Chúa muốn giáo huấn chúng ta xử trí thế nào đối với người anh em lỗi phạm đến mình” (Đc.Nguyễn Sơn Lâm, Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm A, trang 316).

Bđ1 : Bđ1 là những lời của ông Ben Sira. “Theo chỉ dẫn trong sách, tác giả là một nhân hào ở Giê-ru-sa-lem, một kinh sư từ thiếu thời đã tỏ ra tha thiết mến yêu và miệt mài với Luật Mô-sê. Ông luôn quan tâm truyền đạt cho người khác (24,34 ; 33,18), nhất là giới trẻ quý tộc tại thủ đô, những kiến thức và kinh nghiệm của ông. Đó là lý do khiến ông mở trường dạy (51,23). Cung cách phát biểu của ông (33,19) làm cho chúng ta phỏng đoán được có lẽ ông là một viên chức có hạng tại Giê-ru-sa-lem (39,4), nằm trong tổ chức hành chánh nào đó, dưới quyền của vị thượng tế. Vốn đã ham tự mình tìm kiếm khôn ngoan (51,13-20), ông còn lợi dụng những cuộc du hành ra ngoại quốc (34,9-11), đôi khi với công tác chính thức nào đó (34,4), để học hỏi thêm. Trong những cuộc xuất ngoại đó, đôi khi ông gặp những cảnh huống khó khăn, nhưng Thiên Chúa đã cho ông vượt qua được (34,12 ; 51,1-7). Điều đó đã mang lại cho ông những kinh nghiệm quý báu. Dầu sao thì rút cục đời ông cũng khá sung sướng êm đềm bên cạnh người bạn đời mà ông chọn lựa kỹ càng (36,21-27), và với những đứa con được ông giáo dục nghiêm khắc để tránh những bất trắc có thể xảy ra (30,7-13 ; 42,5)…Trong Huấn ca, ông tổng hợp đạo lý cổ truyền với sự khôn ngoan chung của nhân loại mà ông đã đào sâu nhờ kinh nghiệm riêng. Huấn ca là một tác phẩm cần thiết cho những người Do-thái muốn giữ nguyên căn tính của mình giữa một thế giới đang biến chuyển mau lẹ. Họ có thể tìm thấy ở đây một cẩm nang đời sống thực hành giúp họ trung thành với Thiên Chúa, với dân tộc. Dù có bị sức ép mạnh từ bên ngoài, cộng thêm sự suy thoái của một số người từ bên trong Do-thái giáo, người dân của Chúa cũng không được phép đầu hàng trước trào lưu Hy-lạp hoá (Nhóm CGKPV, mạng KTCGKPV, Dẫn Nhập sách HC).

Đoạn sách HC đọc trong bđ1 dạy : Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tớm” (Hc 27,30). Muốn tránh hãy nhớ đến sự tha thứ của Chúa đối với mình : “Người với người cứ nuôi lòng giận hờn, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành” (Hc 30,3).

BTM : Kinh sư Hanina dạy : “Ai xin người lân cận tha thứ, không được xin quá ba lần”. Kinh sư Jchuna cũng dạy : “Nếu một người phạm tội một lần, hãy tha thứ, hai lần hãy tha thứ, bà lần cũng hãy tha thứ, nhưng lần thứ tư thì không tha thứ nữa”. Người Việt Nam cũng nói : “Sự bất quá tam, một lần tha ba lần chém”.

Trong BTM, thánh Phê-rô hỏi Chúa : “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải 7 lần không ?” (Mt 18,21).

Các thầy dạy trong Cựu Ước dạy tha đến 3 lần, thánh Phê-rô tha đến 7 lần. Thế là hơn rồi. Nhưng Chúa lại dạy : “Thầy không bảo là đến 7 lần, nhưng là 70 lần 7” (Mt 18,22).

Rồi Chúa kể câu chuyện ông vua, tức là Thiên Chúa, tha thứ vô bờ bến, tha nợ 10 vạn nén vàn. Còn loài người thì độc ác vô cùng, đã được Thiên Chúa tha trắng cho món nợ suốt đời không thể trả được, thế mà  người ta nợ mình có 100 đồng, thì không tha.

“Chúng ta là tội nhân trước mặt Chúa. Tội chúng ta nhiều và nặng vô cùng. Thế mà Chúa vẫn tha thứ. Trong khi đó chúng ta lại không biết bỏ qua một vài xúc phạm nhỏ bé của anh em” (Đc.Nguyễn Sơn Lâm, sđd, 319).

Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phao-lô “có vẻ dứt khoát và quyết liệt hơn lời dạy của Chúa Giê-su. Không những không được giận hờn, mà còn không được đoán xét… Chúng ta đã hoàn toàn sống dưới quyền của Chúa, thì chúng ta không còn quyền đoán xét và xét xử nhau. Mọi xích mích giữa chúng ta bây giờ phải được đệ lên trước mặt Chúa để tùy Người phán xét…Người đã thương xót tha thứ vô vàn cho chúng ta lẽ nào chúng ta bất nhân đến nỗi còn muốn hạch tội anh em” (Đc.Nguyễn Sơn Lâm, sđd, trang 322)..

Ông Santos, bố của chị Luxia, bình tĩnh xử sự trong sự mất mát và xáo trộn, nhờ ông phó thác nơi Chúa. Lời Chúa trong thánh lễ cũng dạy : một khi chúng ta nhớ đến sự tha thứ của Chúa, thì chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho đồng loại (17-9-2017).

———————————————-

CN.24.A

Thánh linh mục tử đạo Luca Vũ Bá Loan là người cao tuổi nhất trong số 118 thánh tử đạo ở Việt Nam : 84 tuổi. Thánh nhân sinh năm 1756 tại xứ Bút Đông, Hà Nội. Tính tình hiền lành vui vẻ, thương giúp người nghèo, người đau yếu.

Khi dâng lễ, cha Loan sốt sắng trông giống như thiên thần. Ngài thường khuyên nhủ giáo dân : “Cử hành thánh lễ misa là một việc cao trọng nhất trên trần gian. Không có gì đáng để chúng ta phải cử hành thánh lễ vội vàng. Việc thờ phượng Chúa cần phải làm cho nghiêm trang sốt sắng”.

Hai ông bá hộ và ký lục trong làng là người ngoại giáo. Vì thâm lạm công quĩ, hai ông bị mất chức. Để chuộc tội, hai ông tố cáo cha Loan là linh mục. Chính hai ông bắt cha Loan giải lên Hà Nội. Thấy cha, quan mắng hai ông : “Quân ngu dại. Sao chúng mày đang tâm bắt người hiền lành đạo đức, già nua đáng tuổi cha ông chúng mày thế này !”. Quan Hà Nội đành phải bắt cha, nhưng quan dặn những người lính canh tù : không được đánh đập, gông cùm, xiềng xích cha, và cho phép người ta đến thăm nuôi cha. Bổn đạo các xứ đến thăm cha, tranh nhau xin cha làm di chúc cho phép họ được rước xác cha về chôn ở giáo xứ họ. Cha bảo : “Xác tôi cũng là tro bụi, chết rồi cũng tanh hôi cho giòi bọ rúc rỉa, anh chị em xin làm gì !

Ngày 5-6-1840,  cha bị điệu ra pháp trường Cửa Ô Cầu Giấy. Thấy ngài già yếu, quân lính cáng ngài, ngài cám ơn để ngài đi bộ. Quan đi ngựa, mời ngài lên ngựa, ngài cũng khước từ. Quan chỉ định người lính chém đầu cha, cả 10 người chạy trốn, vì sợ ông già về báo oán. Cuối cùng quan đành chỉ định một người Miền Nam, tên là Minh. Anh cũng sợ và nói với cha : “Cháu lạy cụ, việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ tha cho. Cháu sẽ cố gắng giúp cụ chết êm ái. Khi cụ về trời, xin cụ nhớ đến cháu nhé !”. Cha Luca Vũ Bá Loan đưa đôi mắt hiền từ nhìn anh, rồi gật đầu.

Tha thứ cho nhau là một điều cần thiết cho cuộc sống, cuộc sống chung gia đình, cuộc sống chung cộng đoàn và cuộc sống chung giáo xứ. Nhưng thực tế cho thấy : dễ gì tha thứ cho nhau.

 Bđ1 : Để dễ dàng tha thứ cho nhau, sách Huấn Ca, bđ1, dạy chúng ta :

1.Nhìn đến tội lỗi của mình : “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy sự báo thù của Đức Chúa. Tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,1-2).

2.Cần sự tha thứ của Chúa : “Người với người cứ nuôi lòng giận hờn, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành ! Nó chẳng thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình. Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?” (Hc 28,3-5).

3.Nghĩ đến sự chết : “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn” (Hc 28,6).

BTM : BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu  bảo chúng ta nhìn đến lòng tha thứ quảng đại vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta nợ Chúa 10.000 yến vàng, tức là 60.000.000 ngày công, khoảng 180 năm tiền lương. Ai sống đến 180  năm mà trả nợ. Người ta nợ chúng ta có 100 quan tiền, tức là 100 ngày công, hơn 3 tháng lương, chúng ta không tha. Chúng ta nợ Chúa một món nợ kếch xù, không thể trả, vậy mà Chúa tha hết. Chúa Giêsu bảo : “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).

Bđ2 : Tóm lại, như thánh Phaolô nói trong bđ2 : “Nếu chúng ta sống cho Chúa, chết cho Chúa” (Rm 14,8), thì chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho nhau.

Cha thánh Gioan Vianney, cha sở xứ Ars nước Pháp, nói : “Càng sống gần với loài người, càng thấy loài người độc ác. Càng sống gần với Thiên Chúa, thì càng thấy Thiên Chúa tốt lành” (11-9-2011).

———————————————–.

CN.24.A

 

13 tháng 5 năm 1981

Lúc 5 giờ 19 chiều, một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Alì Agca dùng súng bắn Đức cố Gia1o Hoàng Gioan-Phaolô.II vào bụng và tay trong lúc Ngài đi quanh trong quảng trường Thánh Phêrô. Ngài bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện Gemelli và trải qua cuộc giải phẫu trong 6 tiếng đồng hồ. Ngài phải ở laị trong bệnh viện này trong 20 ngày.

17 tháng 5 năm 1981 (4 ngày sau)

Đức Giáo Hoàng đọc kinh truyền tin tại bệnh viện Gemelli. Ngài nói: Xin mọi người hãy cầu nguyện cho người anh em đã bắn tôi, tôi thực tâm tha thứ cho anh.

23 tháng 12 năm 1983. (2 năm rưỡi sau)

Trước lễ Giáng Sinh hai ngày, Ngài vào nhà tù Rebibbia để thăm anh Alì Agca, đã sát hại Ngài vào ngày 13 tháng 5 năm 1981. Ngài xin chính phủ Ý tha thứ cho anh và thả anh về Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong biến cố khủng bố tháp đôi tại Hoa Kỳ, vào ngày 11-9-2001, cũng chính Đức Giáo hoàng GP.II nói : “Thế giới không thể có hòa bình nếu thiếu sự tha thứ.” Đức Giáo hoàng đã sống tha thứ, đã sống theo Lời Chúa đọc trong thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1 : bđ1 đọc sách Huấn Ca. Ông Ben Xi-ra, tác giả sách Huấn Ca, sống vào cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ II trước Chúa giáng sinh. Ông là một nhà trí thức, một bậc thầy khôn ngoan ở Giêrusalem. Ông sợ dân Do Thái của ông tiêm nhiễm văn hóa Hy Lạp, mà lơ là với đạo Chúa. Giáo huấn của Chúa còn qúi giá hơn văn hóa Hy Lạp. Ông đã viết sách Huấn Ca khoảng năm 180. Và 50 năm sau, cháu ông đã dịch sang tiếng Hy Lạp.

Ông Ben Xira đã coi việc oán hờn và giận dữ là điều ghê tởm. Chỉ những kẻ tội lỗi mới có biệt tài oán hờn và giận dữ. Trong sách Huấn Ca ông viết : “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.” (27,30) Chẳng những là điều ghê tởm, mà khi cầu khẩn cũng chẳng được Chúa nhậm lời. Sách Huấn Ca viết : “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành ! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình ! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?” (28,3-5) Sách Huấn Ca còn chỉ cho cách để biết tha thứ, đó là nghĩ đến cái chết. Sách viết : “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn.” (28,6).

Bài Tin Mừng : Bài TM về sự tha thứ chúa nhật hôm nay thánh Mt kể lại trong phần nói về đời sống chung, đời sống cộng đoàn, đời sống Hội Thánh. Muốn sống chung, muốn đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn yêu thương vui vẻ phải có sự tha thứ. Không có sự tha thứ không thể sống chung. Đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn chắc chắn sẽ buồn thảm, căng thẳng, và sẽ đi tới đổ vỡ.

Chính vì ở đời, người ta trả thù nhau, nên không bao giờ có hòa bình, có yêu thương. Chẳng hạn như chiến tranh Irắc ngày nay. Chẳng những có sự hiềm thù giữa Mỹ và Hồi giáo, mà cả giữa phái Sunni và phái Sít của Hồi giáo với nhau. Giả sử dùng bạo lực chiến tranh mà giải quyết sự bất hòa thì cũng đưa đến phá hoại, đổ nát. Như chiến tranh VN biết bao người chết, biết bao cây cầu sụp đổ, biết bao mái nhà đổ nát. Tới nay chiến tranh đã chấm dứt 30 năm. Nhưng hậu qủa vẫn còn : rừng núi bị chất độc khai quang, sông ngòi bị ô nhiễm, con người bị tàng tật què quặt, nền kinh tế so với các nước lân bang bị thụt lùi… Đấy là chưa nói đến lòng hận thù vẫn chưa gột được sạch. Vì thế, phải có sự tha thứ hoàn toàn, tha thứ vô hạn định.

So với luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5,38), hay theo như kiểu nói của người VN “qúa tam ba bận”, thì tha đến 7 lần như thánh Phêrô nói cũng là tiến bộ lắm rồi. Thế nhưng, tha đến 7 lần vẫn chưa hết chiến tranh, chưa xóa được lòng thù hận. Chỉ khi nào như Chúa dạy hôm nay là tha “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha hoài, tha miết, thì cửa nhà mới ấm êm, mới có hòa bình yêu thương.

Nhưng lòng người có hạn, làm sao chịu đựng mãi nổi. Tha hoài mà chịu đựng nổi và tâm hồn vẫn bình an, thì phải nâng tâm hồn lên với Chúa, hãy nhớ lời kết câu chuyện Chúa kể hôm nay : “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35).

Sự tha thứ của chúng ta với người khác sánh sao bằng sự tha thứ của Chúa với mình. Như câu chuyện Chúa kể, người ta nợ mình có 100 quan tiền, còn mình nợ Chúa những 10.000 yến vàng. 1 yến vàng bằng 6.000 quan tiền; 10.000 yến vàng bằng 60.000.000 quan tiền. Thời Chúa Giêsu 1 quan tiền là 1 ngày công. Người ta nợ mình 100 quan tiền là 100 ngày công, có hơn 3 tháng công. Còn mình nợ Chúa 60 triệu quan tiền, tức là 60 triệu ngày công, khoảng độ 180 năm, 3 đời người trả cũng chưa xong. Ông William Barclay, một nhà Kinh Thánh Anh giáo, đưa ra một hình ảnh rất sống động, để so sánh cái nợ của người ta với cái nợ của mình. Nếu trả bằng tiền Anh thì 100 quan tiền chỉ cần một người bỏ vào túi áo, túi quần đem trả là xong. Còn 10.000 yến vàng phải cần 8.600 người mang, mỗi người mang một cái bao đựng tiền nặng 27 kg; và nếu xếp hàng một, mỗi người cách nhau 80cm, thì 8.600 người sẽ làm thành một hàng dài 8 cây số. Mình nợ Chúa thì vô kể, còn người ta nợ mình thì có đáng chi.  Phải nghĩ như vậy thì mới tha thứ hoài được.

Bài đọc 2 : Như trong việc sửa lỗi của bài TM chúa nhật trước, muốn sửa lỗi cho nhau phải cầu nguyện để biết ý Chúa, thì việc tha thứ của bài TM hôm nay cũng cần phải nhớ đến cái nợ của mình với Chúa thì mới tha thứ nổi. Nói như thánh Phaolô trong bđ2 hôm nay : “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14,8)

Tóm lại, vì Chúa mà sửa lỗi cho nhau, thì cũng vì Chúa mà tha thứ cho nhau. Có Chúa thì mới sửa lỗi và tha thứ cho nhau được (11-9-2005)

————————————

CN.24.A

Thánh Catarina, bổn mạng nhiều chị em phụ nữ của giáo xứ chúng ta. Bà nói một  câu nổi tiếng này : “Khi giận dỗi chẳng những người bị giận đau khổ, mà cả người giận cũng đau khổ”. Như vậy, cả hai người đều đau khổ, mà có khi người giận đau khổ hơn, bởi vì người bị giận nghĩ rằng : mình có lỗi gì cho đáng để bị giận dỗi. Nên người bị giận chẳng thèm để ý, cho qua. Nhưng người giận thì cho là mình đúng, nên cứ giận mãi trong lòng, đâm ra đau khổ nhiều hơn, lâu hơn.

Bởi vậy muốn hết đau khổ phải thứ tha cho nhau, bỏ qua cho nhau, đừng giận dỗi nữa.

 

Bđ1 :  Phải tha thứ cho nhau để khỏi khổ, mà còn phải tha thứ cho nhau vì những lý do mà sách Huấn Ca trong bđ1 hôm nay nêu ra :

  1. Giận dỗi là điều ghê tởm, chỉ có người tội lỗi mới phạm : “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó thì kẻ tội lỗi có biệt tài” (Hc 27,30).
  2. Chính bản thân mình cũng yếu đuối tội lỗi cần Chúa thứ tha, thì phải tha thứ cho người ta : “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành. Nó chẳng biết thương người đồng loại mà lại dám xin ơn tha tội cho mình. Nó chỉ là loài hèn yếu mà để tâm oán hờn, thì ai sẽ đem lại cho nó ơn tha tội ?” (Hc 28,1-5).

Kinh Lạy Cha cũng dạy : “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Nợ ở đây không phải là nợ tiền, nợ bạc mà là nợ tội với nhau.

  1. Lý do cuối cùng mà sách Huấn Ca dạy đừng giận hờn là : “Hãy nhớ đến ngày tận số mà thôi đừng giận ghét. Nhớ mình phải hư nát và phải chết mà trung thành giữ các điều răn” (Hc 28,6).

Chẳng hạn mẹ thày Hòa hôm nay, giả như lòng bà còn giận dỗi ai thì có lợi gì không ? Chẳng có lợi gì khi cái chết đến.

Biết vậy nhưng chúng ta vẫn ghét nhau, vẫn giận nhau hoài.

 

BTM : Ông thánh Phêrô trong BTM hôm nay hỏi Chúa Giêsu : “Nếu anh em con cứ phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải 7 lần không ?” Đức Giêsu đáp : “Thầy không bảo là đến 7 lần, nhưng là đến 70 lần 7” (Mt  18,21-22). 70 lần 7 là bao nhiêu lần ? – 490 lần. 1 lần chúng ta không tha huống chi là 490 lần.

 

Bđ2 :  Tại sao vậy ? Tại vì chúng ta không yêu Chúa. Nếu chúng ta yêu Chúa thì chúng ta tha cho nhau ngay. Thánh Phaolô trong bđ2 dạy rằng : “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,4).

Thánh Gio-an Gu-al-bert (12-7), người Italia. Anh ngài bị một người khác giết. Ngài nuôi lòng báo thù cho anh. Cha ngài cũng thúc giục ngài. Ngài đi tìm kẻ ám sát anh ngài. Tay ngài cầm một thanh gươm. Tên sát nhân vội quì xuống, hai tay giơ cao lên đầu, bắt chéo nhau giống hình Thánh Giá. Thánh Gualbert thấy hình Thánh Giá chợt nhớ đến Thánh Giá Chúa Giêsu. Hôm đó cũng là ngày thứ sáu Tuần thánh. Thánh Gioan Gualbert liền quăng thanh kiếm đi, nâng kẻ thù đứng dậy và nói : “Tôi không thể giết anh để báo thù cho anh tôi, bởi vì Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã xin Chúa Cha tha cho kẻ giết mình”. Thánh Gioan Gualbert ôm hôn kẻ sát nhân, rồi bước vào nhà thờ. Ngài quì xuống dưới chân Thánh Giá cầu nguyện.  Thật lạ lùng, tượng chịu nạn Chúa trên Thánh Giá cúi đầu xuống như  bằng lòng cử chỉ tha thứ của ngài. Ngài còn được Chúa gọi đi theo Chúa. Ngài xin vào tu dòng Biển Đức, một dòng khổ tu.

Chúng ta chỉ có thể tha thứ, không giận hờn, khi chúng ta nhớ đến Chúa, yêu Chúa. Rồi chúng ta bắt chước Chúa  trên Thánh Giá tha thứ (16-9-1990)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành