Chúa Nhật XXIV TN – Năm C
Chúa Nhật XXIV TN – Năm C
15-9-2019
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tam Thành
GIÁO HUẤN SỐ 42
Phân định những hoàn cảnh bất qui tắc (tt)
Lịch Giáo Phận trang 103.
Điều quan trọng là làm sao hội nhập hết mọi người, phải giúp mỗi người tìm ra cách thế riêng để tham dự vào công đoàn Hội thánh, để họ cảm thấy mình được chạm đến bởi một lòng thương xót “vô cùng đại lượng, vô điều kiện và vô cầu”. Không ai có thể bị kết án mãi mãi, bởi vì đó không phải là lối suy nghĩ của Tin Mừng! Tôi không chỉ muốn nói đến những người đã li dị và đang sống một kết hợp mới, nhưng nói đến mọi người, đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tất nhiên, nếu ai đó phơi bày một tội khách quan như thế đó là một phần của lí tưởng Kitô giáo, hoặc muốn áp đặt một điều gì đó khác với những gì Hội thánh dạy, thì người ấy không thể tự cho là mình đang dạy giáo lý hay rao giảng, và theo nghĩa đó là tách mình ra khỏi cộng đoàn (cf.Mt 18,17). Người ấy cần phải nghe loan báo lại sứ điệp Tin mừng và được mời gọi hoán cải. Thế nhưng, ngay cả đối với một người như thế, vẫn có thể có một cách nào đó để họ tham gia vào đời sống của cộng đoàn, ví dụ, như dấn thân trong các công tác xã hội, trong các buổi họp cầu nguyện, hoặc theo cách nào đó do sáng kiến cá nhân người ấy có thể đề nghị, cùng với sự phân định của vị mục tử, Về cách xử lý những hoàn cảnh được gọi là “bất qui tắc”, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã đạt đến một sự đồng thuận chung mà tôi ủng hộ : “Khi những người đã li dị và tái hôn, hoặc chỉ đơn thuần là sống chung. Hội thánh phải giúp cho họ hiểu khoa sư phạm ân sủng Thiên Chúa trong đời sống của họ và giúp họ đạt đến sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa nơi họ”, điều này luôn khả thi nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần (Niềm Vui của Tình Yêu số 297).
—————————————-
Chúa Nhật XXIV TN – Năm C
(Xh 12,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15.1-32)
Lời Chúa trong hai chúa nhật vừa qua dạy chúng ta phải có những đức tính quan trọng trong cuộc đời. CN 22 dạy dức khiêm nhường và hiền lành, CN 23 dạy đức từ bỏ và thập giá. CN 24 hôm nay dạy một nhân đức mà ít có tôn giáo nào dạy, đó là lòng thương yêu người tội lỗi.
Bài TM: Câu chuyện “người cha nhân hậu” trong bài TM, ngày trước thường gọi là câu chuyện “đứa con hoang đàng”. Câu chuyện làm rung cảm mọi người. Con tim ai đó dù có chai đá mấy cũng phải rúng động. Cảnh người cha ôm hôn đứa con hoang đàng cảm động biết bao: “Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20)
Đứa con hoang đàng đã biết tội mình nặng nề: “Con thật đắc tội với Trời và với cha” (15,18). Anh mong người cha tha thứ, và chỉ xin được là người làm công để có miếng ăn: “Con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa, xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (15,19). Nhưng người cha không để đứa con nói lời xin làm người làm thuê, song còn bảo các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng” (15,22).
Người con cả ở ngoài đồng về, nghe người đầy tớ nói: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ” (15,27), người anh cả “liền nổi giận không chịu vào nhà” (15,28). Người cha phải ra năn nỉ: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,32).
Người cha nhân hậu là Thiên Chúa, người anh cả là loài người chúng ta, và người con hoang đàng là người tội lỗi. Thiên Chúa thương yêu người tội lỗi, còn loài người thì ghét bỏ.
Bđ2: Lòng Chúa thương người tội lỗi thể hiện cụ thể nơi thánh Phaolô. Trong thư gửi thánh Timôthê trong bđ2, thánh Phaolô kể: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót” (1Tm 1,13). Thánh Phaolô còn quả quyết: “Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1,15).
Bđ1: Qua câu chuyện trong bđ1, chúng ta phải cầu nguyện cho người tội lỗi. Dân Do Thái đã làm con bò vàng, coi con bò vàng là TC, là đấng giải phóng họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. TC nổi giận bảo ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng” (Xh 32,9). Nhờ ông Môsê van xin, Thiên Chúa đã dịu nét mặt lại và tha thứ cho dân Do Thái.
Các dòng tu xuất hiện trên trần gian cũng là để cầu nguyện cho người tội lỗi. Thứ bẩy ngày 14-9 vừa qua lễ Suy Tôn Thánh Giá, bổn mạng của dòng Mến Thánh Giá. Dòng Mến Thánh Giá không những là dòng VN, mà còn là dòng hiện diện đầu tiên tại VN.
Năm 1658 được chọn làm giám mục cho GHVN, Đức cha Lambert viếng mộ thánh Phanxica Chantal. Người đã nẩy ý định lập dòng Mến Thánh Giá cho GHVN. Năm 1664 Công đồng đầu tiên của GHVN tại Thái Lan đã quyết định thành lập dòng Mến Thánh Giá. Năm 1669 Đức cha đi tầu buôn của người Pháp, từ Thái Lan sang thăm Đàng Ngoài VN. Mặc dầu lấy danh nghĩa là linh mục tuyên uý cho tầu Pháp, nhưng người Hòa Lan theo Tin Lành biết là giám mục, đã báo cáo với nhà cầm quyền VN. Đức cha không thể đi ra ngoài khu vực Phố Hiến, Nam Định. Chúa quan phòng lo liệu cách khác: ông quan bảo vệ Đức cha là người Công giáo. Ông làm ngơ cho Đức cha làm các việc tôn giáo. Trong hơn 5 tháng ở Phố Hiến, Đức cha làm bốn việc quan trọng: 1- ban phép Thêm Sức, 2- phong chức linh mục cho 7 thày giảng, 3- họp hội nghị, 4- thành lập và chủ toạ lễ khấn cho các chị dòng Mến Thánh Giá.
Đức cha làm các việc này ở đâu ? Có lẽ chỉ có hai nơi : 1- trên tầu Pháp, 2- trong nhà ông Raphael de Rhodes. Ông Raphael de Rhodes là cậu bé của xứ đạo Cây Trâm, Tam Kỳ, Đà Nẵng ngày nay. Cậu tập cho cha Alexandre de Rhodes nói tiếng Việt. Vì mến cha, cậu lấy tên cha đặt tên cho mình. Lớn lên cậu vào hội Thày Giảng. Sau cậu xuất tu làm thông ngôn cho các nhà buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan ở Phố Hiến. Cậu cũng là người góp tiền của xây Nhà Thờ Hà Nội ngày nay.
Khi giảng đạo ở Miền Bắc, năm 1628 cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ, lập Hội Thày Giảng. Thấy cha tổ chức cho những anh thanh niên độc thân sống chung với nhau phục vụ Chúa và đồng loại, các thiếu nữ và các bà góa cũng muốn cha tổ chức cho giới mình như vậy. Cha không tổ chức cho nữ giới, vì nhiều lý do, trong đó có lý do sợ các quan hiểu lầm, vì các quan thường có nhiều vợ. Không được cha Đắc Lộ tổ chức thì các chị tự động tổ chức lấy. Khi sang VN, Đức cha Lambert đã biến các chị thành những nữ tu dòng Mến Thánh Giá.
Ngày lễ Tro ngày 19-2-1670 Đức cha chủ toạ lễ khấn cho các chị, đứng đầu là hai chị Phaola và Anê. Lễ khấn tổ chức vào ban sáng thì ban chiều tầu Đức cha phải nhổ neo về lại Thái Lan, nhưng vì gặp bão to gió lớn, tầu còn đậu lại ở cảng 22 ngày. Lợi dụng những ngày trên tầu, Đức cha viết một lá thư gửi hai chị Phaola và Anê có đoạn sau đây : “Các con không còn thuộc về chính các con nữa, nhưng là thuộc về Đức Giêsu Kitô… Phải năng ghi tạc vào lòng mục đích chính mà các con đã tự đặt cho mình là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu và hằng ngày phải cầu xin Người bằng lời cầu nguyện, bằng nước mắt, bằng việc làm, bằng việc hãm mình, để kẻ ngoại đạo và những bổn đạo xấu được ăn năn trở lại…” (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 65).
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta thương yêu và cầu nguyện cho người tội lỗi. Một người tội lỗi trở lại là niềm vui to lớn. Chúa Giêsu bảo : “Triều thần Thiên Chúa, ai nấy cũng vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” (Lc 15,10).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành