Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm A – Khánh Nhật Truyền Giáo


CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A

Ngày 22/10/2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Chính Trạch

GIÁO HUẤN SỐ 49

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Có thể có vô số lý thuyết về điều gì làm nên sự thánh thiện, với những giải thích và những sự phân biệt khác nhau. Suy tư như thế có thể hữu ích, nhưng không có gí khai trí hơn là hướng về  để nghe lời Chúa Giêsu và nhìn cách người giảng dạy sự thật. Chúa Giêsu giải thích một cách vô cùng sung dị đâu là ý nghĩa việc nên thánh khi người trao cho chúng ta Các Mối Phúc (Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Các Mối Phúc giống như một căn cước Kitô hữu. Vì thế nên có ai hỏi : ‘Người ta phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt ?’ thì câu trả lời thật rõ. Chúng ta phải làm , mỗi người theo cách của mình, những gì Chúa Giêsu day chúng ta trong Bài Giảng Tên Núi. Trong Các Mối Phúc, chúng ta gặp thấy một chân dung của vị Tôn Sư, và chúng ta được mời gọi phản chiếu chân dung này trong đời sống hằng ngày của mình. Từ ‘hạnh phúc’ hay ‘được chúc phúc’, vì thế, trở thành từ đồng nghĩa với ‘thánh thiện’. Nó diễn tả sự thật rằng những ai trung thành với Thiên Chúa và lời của Ngài, bằng cách trao hiến chính mình, thì đạt được hạnh phúc đích thực (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 63&64).

LỜI CHÚA

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Xh 22,20-26; 1Tx 1, 5c-10; Mt 22,34-40

BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6

“Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Bài trích sách tiên tri I-sa-i-a.

Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, và vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: Tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi, các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha. Tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, họ sẽ tuyên-rao lời ca ngợi Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5

Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).

1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia.

2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

 

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 2, 1-8

“Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi”.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi cho Ti-mô-thê.

Trước tiên, cha khuyên con hãy cầu nguyện, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý. Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Kitô, cũng là Con Người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm tông đồ. Cha nói thật chứ không nói dối, và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 28, 19-20

All. All. – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – All.

 

PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20

“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con. Và đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Đó là lời Chúa.

LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN A

BÀI ĐỌC I: Is 45, 1. 4-6

“Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại: Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c

Đáp: Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

2) Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh.

3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa.

4) Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

 

BÀI ĐỌC II: 1 Tx 1, 1-5b

“Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em”.

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an. Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

All. All. – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – All.

 

PHÚC ÂM: Mt 22, 15-21

“Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Đức Mẹ thời các Thánh Tử Đạo Viêt Nam

Một hoàng đệ cỡi ngựa tiêu khiển, hóng mát ngoài thành Huế, gặp một ngôi nhà trống. Ông hoàng nhận ra là một ngôi nhà thờ, ông đi lục soát khắp nhà thấy tượng Đức Mẹ, ông chứi rủa và truyền cho lính : ‘Nhà này sẽ dùng làm sân khấu’, Vài ngày sau rước các tài tử đến múa hát (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Na, tập 2, trang 16).

Trong nhà giam, thánh Phaolô Tống viết Bường khuyên các đồng bạn dũng cảm làm chứng cho Tin Mừng, ‘cậy trông Đức mẹ nâng đỡ phù trì, ban ơn bền vững đến cùng’. (Sđd, trang 45)

Cha Cornay Tân (28 tuổi) bị bắt tại Bầu Nọ (Sơn Tây) ngày 20-6-18370. Cha kể lại trong lá thư : ‘Thứ năm ngày 22-6, đoàn quân áp giải từ sớm. Suốt đường trường tôi cầu nguyện, nói chuyện và ca hát không ngừng. Dân chúng tụ tập và khen tôi vui vẻ’. Giọng hát của cha rất hay và truyền cảm, đông người đến coi. Mấy ngày liền quan bảo cha hát. Cha thích hát những thánh ca tôn vinh Đức Mẹ (Sđd, trang 69).

Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ quê Đại Đăng, Ninh Bình, thường tìm nơi thanh vắng trong vườn để đọc kinh Mân côi (Sđd trang 78).

Cha Hạnh ra tòa nhiều lần. Mỗi lần quan đưa ra mẫu ảnh Đức Mẹ bảo cha đạp lên cha kính cẩn cầm lấy hôn. (Sđd,trang 111).

Các thánh Tử Đạo đã chạy đến Đức Mẹ để xin sức mạnh. Chúng ta noi gương các ngài xin Đức Mẹ giúp chúng ta mến Chúa yêu người.

Bài đọc 1(Xh 22,20-26) : Cha Kevin O’’Sullivan viết về bđ1 : ‘Khi Thiên Chúa giải thoát Ítraen ra khỏi Ai Cập, trên núi Xinai Ngài ký kết với họ một giáo ước. Trong bđ hôm nay là những lời căn dặn sống tốt với mọi người : ‘Người ngoại kiều , ngươi không được ngược đãi và áp bức … Mẹ góa, con côi các ngươi không được ức hiếp (c.20-21)… Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thí ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân, nó sẽ lấygì mà ngủ ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ’ (c. 25-26) ( The Sunday Readings, trang 363).

Bài Tin Mừng(Mt 22,34-40) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về btm : ‘Phe Xa-đốc vừa độn thổ ví hai cái NGU, ‘không biết quyền năng của Thiên Chúa và không biết Sách Thánh’ thì phe Pha-ri-sêu lại kéo tới với một câu hỏi có vẻ nghiêm túc và trực tiếp liên quan đến Lề Luật , thử xem Chúa Giê-su thạo Sách Thánh tời mức nào. Chúng ta đọc thuộc lòng ‘đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn’, nhưng các thầy dạy luật Do Thái đã tạo ra một rừng 613 điều, gồm giới (cấm làm) và răn (phải làm) khiến chính họ cũng hoa mắt. Họ tưởng Chúa cũng hoa mắt. Nhưng họ hỏi : ‘Trong sách luật Mô-sê điều răn nào là điều răn trọng nhất’, thì Chúa cứ sách Luật Mô-sê mà trả lời. Chúa đọc cho họ nghe câu kinh mọi người Do Thái đều thuộc : ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngưới hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi’. Ba chữ ‘hết’ thâu gồm toàn thể con người, ‘hết mình’ . ‘Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất’. Chúa quảng đại, họ hỏi một, mà Chúa dạy hai : ‘còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là : ‘ngưới phải yêu người thân cận như chính mình’. ‘Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy’. Thế là Chúa còn bảo ngầm họ rằng Mô-sê và các sách ngôn sứ mới thật là Lời Thiên Chúa, là Luật; còn cánh rừng gồm những ‘lệ’ họ đặt ra là của loài người. Chúa đã có lần tố cáo họ ; ‘Các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa’ (Mt 15,6) (Tin Mừng Mt, trang 186).

Bài đọc 2(1Tx 1,5c-10): cha Kevin viết về bđ2 : ‘Thánh Phaolô viết 6 câu trong bài đọc 2 không chỉ khen ngợi người Thes chấp nhận đức tin trong hoàn cảnh khó khăn, mà đời sống đức tin  của họ là gương mẫu cho những người Hy Lạp (The Sunday Readings, trang 365) : ‘Anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận Lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Chúa Thánh Thần ban. Bởi vậy anh em đã nêu gương cho mọi tín hữu niền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khi-a’ (1Tx 1,6-7).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến

và biết yêu thương những điều Chúa truyền dạy

hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban

Chúng con cầu xin.

SUY NIỆM II

HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA NƠI CHÚNG TA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Sách Sáng Thế kể việc Thiên Chúa tạo dựng con người và Ngài phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,26-27). Hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta đó là hình ảnh nào? Sách giáo lý Hội Thánh Công giáo nói đó là con người có xác và linh hồn bất tử, trí khôn, ý chí và tự do (số 656-673). Vì vậy, Sách giáo lý dạy rằng: “Là một thực thể có xác có hồn, con người, nhờ chính điều kiện có xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên, nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa. Vì vậy con người không được khinh miệt sự sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và sẽ được sống lại trong ngày sau hết” (số 636).

Những hình ảnh ấy, con người mang trong mình từ khi được thụ thai trong lòng mẹ, con người có những đức tính giống Thiên Chúa, nếu mỗi ngày biết trau dồi phát triển thêm, thì con người càng trở nên giống Chúa hơn ngược lại nếu không gìn giữ và trao dồi thì hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chúng ta sẽ lu mờ và thậm chí không còn nữa. Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay nhắc lại chúng ta trong dịp tranh luận với nhóm Pharisêu: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Của Thiên Chúa đó là gì?

Thiên Chúa là sự thật đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta, trong và với chúng ta. Ngài là sự thật, sự sống và là chân lý vĩnh cửu, nên Ngài rất ghét những kẻ giả hình: bề ngoài thơn thớt nói cười mà bề trong nham hiểm giết người không gươm. Rõ ràng, những người Pharisêu hôm nay đến gài bẫy để bắt lỗi Chúa thế mà họ chỉ dùng toàn những lời tâng bốc xu nịnh: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”. Chúng ta thấy câu hỏi có ác ý, có mưu mô xảo quyệt để gài bẫy Chúa Giêsu nói sai sự thật là bắt Chúa liền. Chúa Giêsu đã từng biết họ là bọn giả hình nên Chúa bảo họ cho Ngài xem một đồng tiền vẫn đóng thuế đó là đồng tiền nào? Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da“. Thời ấy ở Palestine, dân chúng tiêu dùng hai thứ tiền: (1)khi đóng thuế vào đền thờ thì bắt buộc phải dùng tiền Do Thái, bởi vì theo luật Do Thái, không một hình ảnh sinh vật nào được đưa vào khu vực đền thờ, mà tiền ngoại quốc lại thường có hình người hay vật, còn tiền Do Thái chỉ có số và niên hiệu mà không có hình ảnh gì. Trái lại, khi nộp thuế cho chính phủ bảo hộ thì phải dùng tiền Rôma, tiền có hình vua Xêda. Vậy ai có trên tay đồng tiền Xêda tức là họ hiển nhiên họ đã đổi tiền Do thái ra Xêda để đóng thuế. Chúa bảo đưa Chúa xem không phải là Chúa không biết thứ tiền ấy, mà Ngài chỉ muốn đưa họ vào chính cái bẫy mà họ đã gài định mưu hại Chúa. Nghĩa là Chúa làm cho họ thú nhận bằng lời nói và việc làm họ bằng lòng đóng thuế cho Xêda rồi. Chúa sẽ không trả lời câu họ hỏi có nên hay không nên nộp thuế mà Ngài chỉ nói: “Của Xêda thì trả về Xêda, của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa”, nghĩa là các ông đã có tiền của Xêda tức là các ông đã sẵn sàng đóng thuế cho Xêda rồi, còn hỏi làm gì nữa? Hãy đưa cái của nợ ấy mà hoàn lại cho Xêda, thế là xong. Câu trả lời của Chúa bao hàm một ý nghĩa về quyền lợi của chính phủ và quyền của Thiên Chúa.

“Của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa”, vậy, chúng ta nợ Chúa những gì? Chúng ta nợ tất cả. Ngoài những đức tính, những khả năng tự nhiên của bản tính loài người, linh hồn, trí khôn, ý chí, tự do chúng ta nhận được khi thụ thai làm cho chúng ta nên giống hình ảnh Thiên Chúa… Chúa còn in vào trong tâm hồn chúng ta, trao cho chúng ta nhiều hình ảnh khác nữa. Cụ thể, lúc chịu phép rửa tội, Chúa đã in vào trong tâm hồn chúng ta một hình ảnh Con Chúa, hình ảnh Chúa Kitô, một hình ảnh thật tốt, không thể tẩy xoá đi được, hình ảnh của sự tinh tuyền thánh thiện. Đây là dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức. Ấn tín này là lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Thiên Chúa. Nhờ ấn tín, người Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; họ được tham dự vào chức tư tế, tiên tri và vương đế của Người theo nhiều cách. Họ là thành phần trong Hội thánh theo những bậc sống và phận vụ khác nhau; như thế, ơn gọi của họ là phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội thánh.

Vì vậy, hôm nay, Chúa Giêsu đòi và mong muốn chúng ta trả lại cho Chúa hình ảnh mà Chúa đã trao cho chúng ta không những chỉ một hình ảnh y nguyên như lúc chúng ta nhận được nơi Chúa. Cho nên, hằng ngày chúng ta hãy tự cảnh tỉnh mình đừng để hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chúng ta ra lu mờ dần do tội lỗi đồng thời chúng ta có nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chúng ta được nguyên vẹn ngày càng thêm rõ ràng, tươi đẹp và thánh thiện bằng tích cực siêng năng lãnh nhận các Bí tích, đọc và suy niệm Lời Chúa, kinh nguyện với Chúa trong mọi hoàn cảnh và xa lánh các dịp tội, nhất siêng năng lần hạt Mân côi.

Hôm nay, toàn thể Hội Thánh mừng lễ Khánh nhật truyền giáo, qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta rà xét lại hình ảnh Thiên Chúa và Chúa Kitô nơi người chúng ta sáng, rõ và đẹp ở mức độ nào? Có sáng đủ để như Lời Chúa Giêsu dạy rằng cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy chưa? Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết gìn giữ và làm cho hình ảnh Thiên Chúa chân thật, thánh thiện và đầy yêu thương nơi mỗi người hầu làm chứng và loan truyền hình ảnh Thiên Chúa sống động cho  những người chưa biết Chúa, những người tội lỗi và những người hèn yếu trong xã hội như Thánh nữ Têrêxa Calcutta không chỉ làm cho người ta biết và yêu mến Chúa bằng những lời nói suông, nhưng Mẹ nói về Chúa Giêsu, Mẹ tỏ bày con người Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống yêu thương phục vụ của Mẹ. Do đó, truyền giáo thiết yếu đối với Mẹ Têrêxa là dùng cả cuộc sống của mình để làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu, truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà thiết yếu là chia sẻ một cuộc sống yêu thương như Thiên Chúa đã yêu thương và ở cùng chúng ta, đúng như Lời Đức giáo Hoàng Phaolô IV nói: “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Amen.

SUY NIỆM III

CHÚNG TA THUỘC VỀ THIÊN CHÚA

(Hội An 22/10/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Tin Mừng hôm nay mở đầu với tình trạng khó khăn của Chúa Giê-su, vì nhóm người Pharisêu tìm cách gài bẫy Chúa. Họ xin Chúa cho họ lời khuyên có nên nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê hay không? Cái bẫy của họ ở chỗ: nếu Chúa khuyên họ nên nộp thuế cho Cêsarê, thì họ sẽ tố cáo Chúa là kẻ phản quốc, vì khuyến khích người dân nộp thuế và tôn người xâm lăng quốc gia Do Thái là vua; nếu Chúa bảo đừng nộp thuế cho người Rôma, họ sẽ tố cáo Chúa là người chống lại hoàng đế Cêsarê. Họ đặt Chúa Giê-su vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan về chính trị. Nhưng đối với Chúa Giê-su, thoát ra khỏi bẫy người Pharisêu giăng không khó. Ngài chỉ vào hình trên đồng tiền và hỏi những người chung quanh: “Hình và danh hiệu này của ai?” Họ đáp: “Của Cêsarê”. Chúa bảo: “Cái gì của Cêsarê, thì hãy trả cho Cêsarê”. Câu trả lời cho những người giăng bẫy không khó, nhưng lời hướng dẫn của Chúa lại thách thức mọi người: “Cái gì của Thiên Chúa, thì hãy trả cho Thiên Chúa”, bởi lời hướng dẫn đó chất vấn thực tại trước mắt chúng ta: Ai là Chúa của tôi và cái gì thuộc về Ngài để tôi phải trả?

  1. Ai là Chúa của bạn?

            Ai là Chúa của bạn? Đây là câu hỏi rất quan trọng, nhất là đối với Ki-tô hữu, và cũng là câu hỏi Ki-tô hữu mọi thời phải chạm mặt.

            Thời ngôn sứ Samuel, dân Do Thái từ bỏ Thiên Chúa và trình bày với Samuel ý nguyện của họ: “Hãy cho chúng tôi một vị vua” (1Sm 8,6). Họ không muốn Thiên Chúa làm vua của họ nữa. Họ muốn một con người làm vua của họ. Thời Chúa Giê-su, khi đưa Chúa Giê-su ra trước đám đông, quan Philatô đã hỏi đám đông muốn đóng đinh Chúa Giê-su: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các ngươi sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả ngoài Cêsarê” (Ga 19,15). Họ khước từ Chúa Giê-su và khẳng định Cêsarê là vua của họ! Vì thế, trả lời cho câu hỏi ai là Chúa của bạn rất quan trọng. Quan trọng, bởi câu trả lời đó sẽ ảnh hưởng đến cả vận mệnh của tôi và chi phối mọi hành động của tôi trong cuộc sống.

            Vào thế kỷ thứ nhất, thời Giáo Hội tiên khởi, các tín hữu đã phải đối diện với câu hỏi quan trọng đó rồi. Thập niên 90 của thế kỷ thứ nhất, hoàng đế Rôma, Domitian, cho đúc tượng của ông và vào ngày lễ, thần dân phải cúi đầu thờ ông như vị thần, nếu không muốn chết. Trong hoàn cảnh ấy, Ki-tô hữu phải đối diện rất rõ ràng với câu hỏi ai là Chúa của họ, vì liên hệ đến mạng sống của họ.

Các Ki-tô hữu tiên khởi đã trả lời và tuyên xưng đức tin bằng mạng sống của mình: Chúa Giê-su là Chúa của chúng tôi. Trong ngục tù thánh Phaolô cũng như nhiều tín hữu thời Rôma xác tín: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21), vì Chúa Giê-su là Chúa của họ, chứ không phải Cêsarê hay ai khác. Đồng tiền in hình Cêsarê vẫn có sức quyến rũ như từng quyến rũ Giu-đa, nhưng các tín hữu hiểu rõ Giu-đa không phải là bậc thầy của sự ác, cũng chẳng phải là nhân vật quyền lực của bóng tối, ông chỉ là người chóa mắt trước những đồng tiền có in hình Cêsarê, thế là Giuđa gục ngã. Còn các tín hữu sống chết với Chúa Giê-su: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” Các ngài nhớ lời Chúa dạy: ngoài Chúa ra, không có chúa nào khác và các tín hữu tiên khởi xác tín mình thuộc về Thiên Chúa.

  1. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa

            Nhìn vào đồng tiền in hình Cêsarê, người Pharisêu trả lời: “Của Cêsarê”, vậy hình ảnh của Thiên Chúa ở đâu để chúng ta trả cho Ngài những gì thuộc về Ngài?

            Chắc chắn không có hình Chúa trên đồng tiền, nhưng nơi mỗi con người có hình ảnh Thiên Chúa. Lời Chúa trong sách Sáng Thế mạc khải như thế: Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Đức Bênêđictô trích lời của một tác giả vô danh viết rằng: “Hình ảnh của Thiên Chúa không in trên vàng, nhưng trên mỗi con người… Vì vậy, hãy giữ sự thánh thiện của bạn cho Thiên Chúa… Cêsarê đã yêu cầu hình ảnh của ông in trên mọi đồng tiền, còn Thiên Chúa đã chọn con người để con người phản ánh vinh quang của Thiên Chúa”. Thánh Augustinô còn đặt câu hỏi: “Nếu Cêsarê lấy hình ảnh của mình in trên đồng xu, chẳng lẽ Thiên Chúa không đòi hỏi con người phải khắc hình ảnh thần linh của Ngài trên con người sao?” Do đó, dù là nam hay nữ, hãy tạ ơn Chúa vì đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Vì vậy, hãy trả cho Thiên Chúa con người tinh khôi của bạn như thuở ban đầu được tạo dựng và như lúc chúng ta được tha thứ hết mọi tội lỗi và được làm con Chúa.

            Còn hơn hình ảnh, bí tích Thánh Thể còn là Mình Máu Chúa Giê-su. Ngài không phải đồng tiền, mà là Thiên Chúa. Đồng tiền không mua được sự sống đời đời, còn Chúa Giê-su ban cho chúng ta sự sống đời đời. Vì thế, hãy trả ơn Thiên Chúa bằng sự thờ phượng đầy lòng mến của chúng ta.

            Giáo Hội thuộc về Thiên Chúa, của Thiên Chúa, chứ không phải của một ai khác. Chính Chúa Giê-su thiết lập Giáo Hội và Giáo Hội sống nhờ Ngài. Vì thế, đừng ai nghĩ mình có quyền trên Giáo Hội và đòi Giáo Hội phải đáp ứng nhu cầu của mình, thay vì được Giáo Hội hướng dẫn sống sứ mạng Thiên Chúa giao. Cho ngày truyền giáo này, Đức Phanxicô lấy chủ đề “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh” để thôi thúc tín hữu để lòng mình được Chúa Thánh Thần gợi hứng khi đọc lời Chúa và khi tham dự bí tích Thánh Thể, nhờ từ “một Giáo Hội Thánh Thể”, chúng ta đích thực là “một Giáo Hội truyền giáo” (Đức Bênêđictô XVI). Ý thức mình thuộc về Chúa Giê-su, Giáo Hội phải thi hành sứ mạng đó.

            Gia đình là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và là hình ảnh của tình yêu Chúa Giê-su yêu thương Giáo Hội. Vậy, dấu vết Thiên Chúa, hình ảnh của Thiên Chúa còn ghi đậm nét trong đời sống gia đình chúng ta không?

            Xin Chúa cho chúng ta xác tín Thiên Chúa là Chúa của chúng ta, ngoài Chúa ra không có chúa nào khác. Và xin cho chúng ta biết dùng bản thân, gia đình và Giáo Hội làm sống động sự hiện diện của Chúa trong ta và ta làm sáng Danh Chúa qua đời sống truyền giáo và qua con người thuộc về Thánh Thể của chúng ta.