Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm A
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Lễ Truyền giáo
18-10-2020
——
Đóng góp cho quỹ truyền giáo HĐGMVN
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Sơn Trà, Giáo xứ Thánh Giuse
GIÁO HUẤN SỐ 46
NHỮNG KHAO KHÁT, NHỮNG TỔN THƯƠNG VÀ NHỮNG TÌM KIẾM
Người trẻ ý thức rằng thân xác và tình dục có một tầm quan trọng thiết yếu cho đời sống và cho tiến trình trưởng thành trong căn tính của họ. Nhưng trong một thế giới thường xuyên tôn thờ tình dục, việc giữ gìn một mối tương quan lành mạnh với thân xác mình và giữ một đời sống tình cảm yên ả thì không hề dễ dàng. Vì lý do này và nhiều lý do khác, luân lý tình dục thường được thấy như một nguồn gây “khó hiểu và dị ứng đối với Giáo hội, trong mức độ mà Giáo hội được coi như một nơi phán xét và lên án”. Tuy nhiên, người trẻ cũng biểu lộ một khát vọng rõ ràng muốn thảo luận những vấn đề về sự khác biệt giữa căn tính nam nữ, về tính hỗ tương giữa hai giới, và về tính dục đồng giới (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 81).
—————-
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21)
Cuối thế kỷ 16 mở cửa Hội An, chúa Nguyễn Hoàng đã chú ý dành nơi này cho người Hoa và Nhật đến trú ngụ và buôn bán. Cuối thế kỷ 16, nhóm người Hoa đến đây sinh sống vì lý do kinh tế, nhưng sang thế kỷ 17 lại thêm tàn quân nhà Minh thoát khỏi Trung Quốc xin tỵ nạn chính trị, vì nhà Thanh nổi lên lật đổ nhà Minh. Trường hợp người Nhật tới Hội An cư trú từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17 là do mấy cuộc cấm đạo (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773 trang 22).
Phái đoàn cha Buzomi đến Đàng Trong (ĐT), xem ra mục đích chính là để giúp Nhật kiều Công giáo tại Hội An. Sau khi tiếp xúc với người Việt, nhận ra đây là cánh đồng truyền giáo phì nhiêu. Vì vậy, có lẽ ngay từ cuối năm 1615, phái đoàn cha Buzomi đã chuyển hướng: Tích cực giới thiệu Tin Mừng cho người Việt là chính (ĐQC, sđd, trang 23).
Lễ Phục sinh năm 1615, cha Buzomi sung sướng được dâng lễ tại ngôi nhà nguyện ở Cửa Hàn và đón nhận 10 tân tòng (Lm Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 58).
Một hôm di dạo trên bờ sông, thấy một đoàn hát tuồng đang làm trò cho dân chúng coi. Dừng lại, cha Buzomi được chứng kến vở hài kịch sau đây: Một con hát bước ra sân khấu với cái bụng độn rất to, theo sau là một con hát giắt một em nhỏ. Con hát bụng độn hỏi em nhỏ: “Con nhỏ có muốn vào bụng Hòa Lang chăng?” Em nhỏ thưa: có. Tức thì con hát đứng bên tìm cách nhét em nhỏ vào cái bụng độn giữa tiếng cười thỏa chí của khán giả. Hài kịch được diễn lại mấy lần mà người đứng xem vẫn không chán (Nguyễn Hồng, sđd, trang 60).
Năm 1617, Áo Môn sai cha Pina (Ý) đến ĐT giúp cha Buzomi. Cha Pina có tài học tiếng. Cha là người giảng không cần thông ngôn (Nguyễn Hồng, sđd, trang 61-62).
Mùa thu năm 1617, trời hạn hán. Nông dân mất mùa. Các ông sãi và dân chúng cho rằng tại các cha giảng đạo mới, Trời Phật giận, phạt mất mùa. Dân chúng đến tố cáo với Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Sãi vương không tin, nhưng để dân chúng khỏi giận dữ, nhà vương khuyên các cha về Áo Môn, khi yên ổn thì trở lại (NH, sđd, trang 62-63).
Thuyền các cha bị gió bão, không đi được, phải ở lại trên bờ sông. Vì nắng mưa, các cha bị bệnh. Năm 1618 các cha được ông Trần Đức Hòa, quan phủ Qui Nhơn đưa về Nước Mặn (Gò Thị). Thỉnh thoảng ông đến thăm và sai đầy tớ cung cấp thực phẩm. Ông còn làm nhà nguyện, sai cả 1000 tráng đinh khiêng đến dựng cho các cha (NH, sđd, trang 64).
Năm 1623 cha Pina mở địa điểm Thanh Chiêm, Phước Kiều (ĐQC, sđd, trang 53)
Năm 1624 bề trên sai cha Đắc Lộ đến ĐT. Cha ở Thanh Chiêm, học tiếng Việt với cha Pina và cậu bé Cây Trâm, Tam Kỳ, Raphael Rhodes.
Năm 1625 cha Pina và cha Đắc Lộ ra Huế rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi (ĐQC, sđd, trang 72)
Ngày 15-12-1625 cha Pina ra khơi để lấy đồ lễ. Gặp bão, thuyền bị đắm. Vì mặc áo dòng, cha bị chết chìm (ĐQC, sđd tr. 53 và NH, sđd, trang 79).
Cha Đắc Lộ biết nói sỏi tiếng Việt, năm 1627 bề trên sai cha ra ĐN (Đàng Ngoài) giảng đạo.
Năm 1640 cha Đắc Lộ trở lại Đàng Trong 4 đợt.
Năm 1641 bà Ngọc Liên mời cha Đắc Lộ vào Phú Yên giảng đạo và rửa tội cho 90 người, trong đó có thầy Anrê-Phú Yên (ĐQC, sđd, trang 73).
Ngày 26-7-1644 thầy Anrê-Phú Yên tử đạo tại Thanh Chiêm (ĐQC, sđd, trang 74).
Ngày 17-6-1645 cha Đắc Lộ bị bắt và bị giam 22 ngày ở Hội An (ĐQC, sđd, trang 102).
Ngày 3-7-1645 cha Đắc Lộ vĩnh biệt Việt Nam đi Áo Môn, rồi đi Rôma, xin Tòa Thánh gửi giám mục sang Việt Nam (ĐQC, sđd, trang 102).
Hôm nay ngày truyền giáo, chúng ta vắn tắt nhìn lại những ngày truyền giáo khởi đầu của các cha thừa sai trên quê hương Việt Nam. Chặng đường đức tin từ Áo Môn đến Đà Nẵng năm 1615, rồi từ Đà Nẵng vào Qui Nhơn năm 1618, từ Đà Nẵng ra Huế năm 1625, từ Đà Nẵng vào Phú Yên năm 1641 giống như một phép lạ.
Đọc Lời Chúa trong thánh lễ truyền giáo hôm nay, những việc Chúa làm giống như những phép lạ. Thật ngạc nhiên.
Bài đọc 1: bài đọc 1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. I-sai-a có nghĩa là “ơn cứu độ của Thiên Chúa” hay là “Thiên Chúa là ơn cứu độ”.
Đoạn sách bđ1 nói về việc Thiên Chúa chọn vua Ky-rô, vua Ba Tư, là dụng cụ của Thiên Chúa, để giải phóng Gia-cóp và Ít-ra-en: “Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ” (Is 45,4-5).
Sách “Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước” của cha Nguyễn Ngọc Rao viết : “Trước kia quân Can-đê không những phát lưu dân chúng mà thôi, họ còn lấy cả các tượng thần của các dân thất trận về đặt ở Ba-by-lon nữa. Các đồ thờ đã bị Na-bu-cô-đô-nô-xo xung công, vua cũng bắt trả về. Sự uyển chuyển về chính trị và tinh thần tự do của vua Ky-rô quả là rất đáng ngạc nhiên” (trang 439).
Cha Rao cho là “đáng ngạc nhiên”, đúng là phép lạ. Dân Chúa, Ít-ra-en, bị bắt đi lưu đày, đền thờ bị phá đổ, đạo bị cấm. Thế mà nay, sau 50 năm, được thả về quê hương, các đồ thờ được trả lại, Đền thờ được xây lại. Đúng là phép lạ!
Bài Tin Mừng: Sách “Bốn Tin Mừng” năm 2004 của nhóm GKPV viết : “Người Do Thái, kể cả nhóm Pha-ri-sêu, vẫn dùng đồng quan Rô-ma trong thị trường chung Pa-lét-tin hồi đó. Đồng tiền này mang hình và danh hiệu hoàng đế Rô-ma, bởi vì đúc tiền là quyền của người nắm quyền tối thượng trên một dân tộc. Cho nên, dùng tiền Rô-ma là nhận quyền hoàng đế trên dân tộc mình. Vậy thì tất nhiên phải nộp thuế cho hoàng đế Rô-ma.
Thế nhưng, Chúa Giê-su nói thêm, bên trên quyền lợi của hoàng đế là quyền lợi của Thiên Chúa, cũng phải trả cho Người. Có hai quyền lợi: của Thiên Chúa và của người ta; không phải song song với nhau và càng không đối nghịch nhau… Danh hiệu hoàng đế Rô-ma có chữ thần linh, vì hoàng đế tự coi mình là thần linh. Điều này có thể gợi cho người Do Thái nhớ ngay lời tuyên xưng: Thiên Chúa là duy nhất và giới răn thờ phượng một mình Thiên Chúa. Vây thì Chúa Giê-su trả lời: nộp thuế thì cứ nộp, vì sống dưới quyền cai trị của đế quốc và xử dụng đồng tiền của đế quốc…nhưng thờ phượng một Thiên Chúa thôi, không có thần nào khác.
Chúa Giê-su hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?”. Họ đáp: “Của Xê-da”. Bấy giờ Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da trả về cho Xê-da; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Nghe vậy, họ kinh ngạc bỏ Người mà đi” (Mt 22,20-22).
Vua là vua, phải vâng lời vua. Nhưng vua không phải là thần linh, Vua xưng mình là thần linh, vua đã chiếm quyền Thiên Chúa, phải đòi vua trả lại quyền cho Thiên Chúa.
Những lời Chúa Giê-su nói đầy ngạc nhiên.
Bài đọc 2: đọc thư của thánh Phao-lô gửi cộng đoản Thê-xa-lô-ni-ca. Nhóm CGKPV viết : “Năm 50, trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai, thánh Phao-lô dừng chân tại Thê-xa-lô-ni-ca, sau khi đã rao giảng tại Phi-líp-phê. Cùng đi với ngài có Xi-la và Ti-mô-thê (Cv 17,1-10; 1 Tx 2,1-16).
Cv 17,2 nói ngài ở lại đó 3 tuần. Có lẽ hơn, vì ngài còn hành nghề dệt vải (1 Tx 2,9), tiếp nhận nhiều đợt trợ cấp của Hội Thánh Phi-líp-phê (Pl 4,16), chinh phục cho Chúa một vài người Do-thái và một số người ngoại (1 Tx 1,9 ; Cv 17,4). Hầu hết thuộc giới bình dân trong xã hội (1 Tx 4,11… ; 2 Tx 3,6-12).
Như nhiều nơi khác, người Do-thái không chịu được lời rao giảng của thánh Phao-lô và đứng lên chống đối kịch liệt. Họ còn tố cáo đủ điều, khiến ngài phải vội vã ra đi (Cv 17,5-10).
Thứ 1 Thê-xa-lô-ni-ca
Ngài xuống Bê-roi-a gần đó. Người Do-thái vẫn tìm theo quấy phá (Cv 17,13), khiến ngài phải đi tiếp xuống A-then. Xi-la và Ti-mô-thê đến đó sau ngài (Cv 17,10-15).
Ngài nhớ thương cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca non nớt phải bỏ lại (1 Tx 2,17), không biết làm sao để củng cố đức tin cho họ (1 Tx 3,10). Nhiều lần ngài muốn trở lại thăm viếng mà không được (1 Tx 2,18). Cuối cùng, sốt ruột quá, ngài sai Ti-mô-thê trở lại Thê-xa-lô-ni-ca để lấy tin tức và củng cố đức tin của anh em (1 Tx 3,1-5).
Thế là vào năm 50, từ Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết cho Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca bức thư đầu tiên của ngài, đồng thời cũng là những trang đầu tiên của Tân Ước ! (2 Pr 3,15-16). (Nhập đề thư).
Ngài viết : “Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời của anh em, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần và niềm xác tín sâu xa” (1Tx 1,4-5b)
Anh chị em Thê-xa-lô-ni-ca được thánh Phao-lô đến rao giảng Tin Mừng. Thật là phép lạ. Ngạc nhiên biết bao.
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin giúp chúng con nhớ mãi ơn đức tin chúng con được lãnh nhận, và giúp chúng con sống “tốt đạo đẹp đời” để làm sáng danh Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành