Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B – Khánh Nhật Truyền Giáo
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Is 2, 1-5; 1Tm 2,1-8; Mt 28,16-20)
Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
Trích sách Tiên Tri Isaia.
Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-5
Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. – Ðáp.
2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8
Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.
Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ — và tôi nói thật, chứ không nói dối — làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.
Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài đọc sau đây:
Bài Ðọc II: Cv 1, 3-8
Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.
Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 28, 19-20
Alleluia, alleluia! – Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16,15-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.
Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
CHỨNG NHÂN LOAN BÁO TIN MỪNG
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Hôm nay ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu xem: Truyền giáo là gì? Lời Chúa dạy chúng ta phải truyền giáo thế nào?
Trước hết, truyền giáo là gì? Truyền là tuyền bá, truyền thông, chuyển giao, rao giảng, loan truyền… Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin Mừng hay Phúc âm… Như vậy, truyền giáo là truyền bá đạo Chúa, là rao giảng Phúc âm, là loan truyền chân lý của Chúa cho người khác. Đó là ý nghĩa thứ nhất, nghĩa hẹp, nghĩa chặt và chính xác. Đàng khác, truyền giáo còn có nghĩa là thành lập những cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự Thánh Thể, bác ái như Giáo hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là “trồng” Giáo hội vào các dân tộc, các địa phương, cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu, thành một đoàn chiên. Theo ý nghĩa này, truyền giáo không phải chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng còn là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống, đạo Chúa là đạo sự sống, là nguồn mạch sự sống, có khả năng thay đổi, biến cải những con người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ mất Chúa trở thành tìm lại được Chúa. Truyền giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa Kitô mà chúng ta đã có sang cho anh em mình. Cho nên, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay ra lệnh cho các môn đệ và chúng ta là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.
Vì thế, truyền giáo luôn có 2 chiều kích: chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho những người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở rộng nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa vì vậy Lời Chúa bài đọc 2 trong thư Do Thái dạy: “hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”. Còn truyền giáo theo chiều sâu đó là làm cho những người đã biết và yêu mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm những công việc ấy nơi những người khác để Nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người Công giáo sốt sắng, đạo đức như Lời Chúa trong bài đọc 1 ca tụng: “núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”.
Và như vậy tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ truyền giáo. Việc truyền giáo không của riêng ai và không phải là một việc làm tùy sở thích, muốn làm hay không cũng được. Nhưng đây là một bổn phận, một nhiệm vụ bắt buộc. Chúng ta phải có bổn phận sống một đời đạo đức, sốt sắng, thánh thiện để làm gương tốt cho họ, để giúp cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa. Mỗi người chúng ta phải coi đây là vấn đề sống đạo, là vấn đề sinh tồn của Giáo Hội và là trách nhiệm của chính mình. Cho nên, trong sứ diệp truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “ngày nay, trong một thế giới bị xâu xé bởi sự chia rẽ và xung đột, Tin Mừng của Chúa Kitô là tiếng nói ngọt ngào và mạnh mẽ, mời gọi con người gặp nhau, nhìn nhận nhau là anh chị em và vui mừng về sự hòa hợp trong sự đa dạng. Thiên Chúa muốn “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4). Vì vậy, trong các hoạt động truyền giáo của mình, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta được sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, “không phải như một người áp đặt một nhiệm vụ mới, nhưng như một người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng mong ước”.
Vậy chúng ta phải truyền giáo thế nào? Có rất nhiều cách. Nhưng cần thiết phải thi hành hai cách này là cầu nguyện và đời sống chứng nhân: Cầu nguyện cho việc truyền giáo là cách thức rất quan trọng: cầu nguyện cho những người đi truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, Lời Chúa. Cụ thể như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo Hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê. Vậy, chúng ta có cầu nguyện cho việc truyền giáo không? Nếu không thì đó là tội thiếu sót, bỏ việc phải làm như trong kinh cáo mình chúng ta đọc ngay đầu lễ. Thứ hai là truyền giáo bằng chính đời sống chứng nhân của mình: Đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất, đó là truyền giáo bằng đời sống tốt lành và thánh thiện của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp thánh htiện ấy có sức lôi cuốn hơn mọi mọi lời nói như Đức Thánh giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Mẹ Têrêxa Calcutta chứng nhân sống động cho Tin Mừng của Chúa trong việc phục vụ người nghèo, bệnh tật, người mồ côi, người sắp chết vì Mẹ tin Chúa đang ngự trong những người ấy, nên phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa. Vì thế, nhờ đời sống chứng nhân của Mẹ mà mọi người khắp thế giới không xa lạ với Kitô giáo, Mẹ Têrêxa đã trình bày được khuôn mặt dễ thương dễ mến của Chúa, làm cho mọi người yêu mến đạo Chúa. Mẹ xứng danh là nhà truyền giáo của thế kỷ 20.
Ước gì, qua Lời Chúa ngày lễ truyền giáo hôm nay, xin cho mỗi người biết tha thiết cầu nguyện, biết yêu mến Lời Chúa, sống chứng nhân Tin Mừng của Chúa bằng chính đời sống đạo đức thánh thiện hy sinh và phục vụ hết mọi ngừi người chung quanh chúng ta. Amen.
SUY NIỆM II
ĐƯỢC CHỌN GỌI ĐỂ PHỤC VỤ TRUYỀN GIÁO
(Hội An 20/10/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Sự cao cả không đương nhiên xuất phát từ trí thông minh, giàu có, số sách viết ra, danh tiếng hay kiểm soát quyền lực. Sự cao cả cũng không do chúng ta có nhiều người ủng hộ trên facebook hay số đông người theo dõi trang blog của chúng ta v.v. Chúng ta được tạo dựng nên không cho sự danh tiếng, nhiều của cải hay thu tóm quyền lực, mà là cho sự cao cả. Nhưng điều quyết định làm cho chúng ta nên cao cả là phục vụ. Chúa Giê-su đã dạy như thế: “Ai muốn làm lớn giữa các con, thì phải làm người phục vụ” (Mc 10,43).
- Chúa Giê-su, Đấng đến phục vụ loan báo Tin Mừng
Chẳng lẽ tôi phải làm tôi tớ của mọi người, cứ lo phục vụ mọi người sao? Chẳng lẽ tôi phải phục vụ để mọi người xem tôi như tấm thảm chùi chân sao? Làm tôi tớ như thế, phục vụ như thế không bạc nhược sao? không hèn hạ sao? Nhưng chúng ta tự hỏi: Chúa chúng ta là ai? Ngài là tấm thảm chùi chân sao?
Chúa Giê-su là Chúa của chúng ta, Ngài không là Đấng bạc nhược hay hèn mọn. Ngài là Thiên Chúa quyền năng cao cả. Tin Mừng theo thánh Gioan mạc khải: “Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 13,3). Ngài là Đấng quyền năng không như quyền lực thường thấy trên thế giới, nhưng Ngài đến để phục vụ.
Hành động phục vụ được Chúa Giê-su thực hiện như một người tôi tớ hèn mọn có chủ ý sâu xa, đó là làm vinh danh Chúa Cha và đem ơn cứu độ cho nhân loại. Giữa những người nghèo đói, Chúa ban bánh nuôi sống họ và ban cho họ Tin Mừng cứu độ. Giữa những người tội lỗi, Chúa ban ơn tha thứ cho họ. Đến với những người phung cùi, tật bệnh, Chúa làm phép lạ chữa lành họ. Suốt cuộc đời Chúa phục vụ và hiến thân mà không một chút mặc cảm hèn hạ, ngay cả cúi xuống rửa chân cho những người môn đệ tội lỗi của mình, nhất là thí mạng trên thánh giá vì bạn hữu của mình. Lòng Chúa Giê-su yêu mến và vâng phục Chúa Cha trên hết mọi sự đã trở nên sức mạnh nơi Ngài vượt thắng thái độ phản đối của Phê-rô ngăn Chúa rửa chân phục vụ và không đoái hoài cơn cám dỗ của dân Do Thái tôn Ngài làm vua để khỏi phục vụ.
Do đó, nếu chúng ta cảm thấy hèn hạ khi phục vụ anh chị em mình, ấy là vì chúng ta không biết chúng ta đang thờ phượng ai và đang thuộc về Đấng nào. Nếu chúng ta nhận biết chúng ta được Thiên Chúa cứu độ và cho ta làm con Thiên Chúa, làm tông đồ của Chúa, thì chúng ta sẽ có niềm vui phục vụ như Chúa Giê-su, Đấng chúng ta tôn thờ đã nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,14-15). Lời Chúa dạy chúng ta phục vụ tha nhân không thể rõ ràng hơn. Vì thế, nhận biết chúng ta thuộc về Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta đến với người khác và phục vụ người khác.
- Được chọn gọi để phục vụ truyền giáo
Chúng ta là những người được chọn gọi để phục vụ, nhất là được Thiên Chúa giao cho bổn phận phục vụ công cuộc truyền giáo. Mỗi Ki-tô hữu khi được lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều có sứ mạng truyền giáo. Đây không phải là điều lựa chọn, mà là ơn gọi của dân Thiên Chúa và là bổn phận đáp ứng lệnh truyền giáo của Chúa Giê-su. Vì thế, thánh Gioan Henry Newman quả quyết: “Thiên Chúa tạo nên tôi để làm những việc phục vụ nhất định. Ngài đã giao cho tôi một số việc mà Ngài không giao cho người khác. Tôi có sứ mạng của tôi.” Thiên Chúa không giao sứ mạng truyền giáo cho những người chưa biết Chúa, nhưng chỉ giao cho chúng ta, những người môn đệ của Chúa. Do đó, dẫu chúng ta khác nhau về địa vị, về tài năng và kinh nghiệm, nhưng tất cả Ki-tô hữu đều có thể phục vụ truyền giáo, đưa dẫn và giúp người khác biết và tin tưởng và kính mến Chúa. Không cần có bằng đại học hay tài sản lớn thế nào mới có thể phục vụ truyền giáo, chỉ cần nơi mỗi chúng ta có một trái tim đầy ân sủng và một linh hồn khao khát nên giống Chúa Giê-su, Đấng đến để phục vụ cứu độ con người. Hành động phục vụ như thế là một quà tặng quý giá dâng lên Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta.
Vậy, chúng ta có ý thức bổn phận phục vụ theo gương Chúa Giê-su không? Chúng ta có nhớ mình được Chúa chọn gọi để phục vụ truyền giáo không? Cha Timothy Radcliffe, nguyên tổng quyền dòng Đaminh, chia sẻ: “Tôi không thể ngủ khi anh chị em mình phải chiến đấu.” Chúng ta có thể dùng lời đó để nói với chính mình: Tôi không thể ngủ khi anh chị em tôi đang nỗ lực truyền giáo, nhất là đang phục vụ những nơi cam go, nguy hiểm đến tính mạng. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn anh chị em tôi đang ra sức phục vụ ngay tại giáo xứ của tôi, vì việc truyền giáo, việc làm sáng danh Chúa là trách nhiệm của tôi tại giáo xứ. Đảm trách ngay bổn phận phục vụ cho việc truyền giáo là đòi hỏi khẩn thiết cho mỗi chúng ta: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng.”
Chúng ta cần nghe lại chia sẻ đầy chân thành của thánh Phaolô: “Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy. Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới ngày đó” (2Tm 1,11-12). Vậy, chẳng lẽ chúng ta đang xấu hổ về Tin Mừng của Chúa nên không cùng mọi người loan báo Chúa Giê-su? Chẳng lẽ chúng ta cứ che giấu Tin Mừng vì sợ hãi hay thờ ơ? Chẳng lẽ chúng ta như người đặt đèn dưới đáy thùng mà không dám loan báo Chúa vang trên mái nhà, cho đến tận tai người nghe, thậm chí nín thinh trước con cái vì sợ không làm chúng vui lòng?
Xin Chúa cho chúng ta biết nghe lời Chúa và theo gương Chúa manh dạn phục vụ tha nhân, nhất là cùng với anh chị em trong Hội Thánh phục vụ truyền giáo. Xin cho chúng ta vui mừng vì được phúc đưa dẫn người khác đến với Chúa và được thấy họ trở nên con Thiên Chúa trong Hội Thánh.