Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm A
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM A
20-9-2020
—————-
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hội Yên
Giáo họ Phước Kiều
GIÁO HUẤN SỐ 42
SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI KHỦNG HOẢNG (tt)
Là Giáo hội, chúng ta không thể vô cảm trước những bi kịch ấy của các bạn trẻ. Chúng ta không bao giờ được phép trơ lì trước các bí tích ấy, vì bất cứ ai không biết khóc thì không thể làm một người mẹ. Chúng ta muốn khóc lên để chính xã hội có biết cách sinh sản, trở thành một nơi hứa hẹn của sự sống. Chúng ta khóc lên khi nghĩ về tất cả những người trẻ đã bị tước đi mạng sống do nghèo đói và bạo lực, và chúng ta kêu gọi xã hội trở thành một người mẹ ân cần hơn. Tất cả nỗi đau này không phai nhạt đi; nó còn đó với chúng ta, vì thực tế nghiệt ngã không còn có thể bị che giấu được nữa. Điều tệ hại nhất chúng ta có thể làm, đó là hùa theo cái tinh thần thế gian mà giải pháp của nó duy chỉ là ru ngủ người trẻ với những thông điệp khác, với những bận tâm khác, với những theo đuổi tầm thường vớ vẩn (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 75).
————————-
CN 25 TN A
(Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27; Mt 20,1-16a)
Ghen tương phá vỡ mối dây huynh đệ
Cần phải có mối dây thân ái, nhưng con người thật dễ rơi vào những ghen tương nhỏ nhen gây hại cho mối dây đó. Đây là lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 13-2-2017, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Suy niệm bài đọc1 nói về chuyện Cain và Aben, Đức Phanxicô nói rằng, “Đây là lần đầu tiên trong Kinh thánh chúng ta nghe từ “anh em” và chúng ta nghe về câu chuyện tình anh em đáng ra phải lớn lên và tươi đẹp, nhưng lại kết thúc trong hủy hoại. Một câu chuyện bắt đầu với sự đố kỵ. Cain thấy bất bình bởi của lễ của mình không làm đẹp lòng Chúa, và anh bắt đầu nuôi cảm giác oán giận, một cảm giác mà Cain có thể kiểm soát, nhưng lại không làm được. Cain chọn bám mình trong cảm nghĩ này, và cứ thế để nó lớn lên. Tội lỗi Cain phạm phải sau này, bắt nguồn từ cảm nghĩ đó mà ra. Những hận thù giữa chúng ta cũng bắt đầu như thế, từ một tia lửa nhỏ của ghen tương đố kỵ, và cuối cùng nó lớn lên quá nhiều đến nỗi chúng ta chỉ nhìn cuộc đời theo kiểu cái dằm thành khúc gỗ. Cuộc đời chúng ta cứ phát triển theo kiểu đó và cuối cùng nó hủy hoại mối dây huynh đệ, hủy hoại tình thân ái. Dần dần, người ta trở nên bị ám ảnh, bị sự dữ lớn dần lên mỗi ngày. Và từ đó dẫn người ta đến tách lìa khỏi anh em mình, biến anh em thành kẻ thù phải tiêu diệt. Sự thù địch này cuối cùng hủy hoại gia đình, dân tộc, mọi thứ! Đây là chuyện đã xảy ra khi Cain giết em trai mình. Và phải ngăn chặn sự dữ này ngay lập tức, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu cay đắng và oán giận đầu tiên.
Cay đắng không có tính Kitô. Đau đớn thì có, nhưng cay đắng thì không. Oán giận không có tính Kitô. Khi Chúa hỏi Cain: “Em trai con đâu?” Cain đã trả lời: “Con không biết, con là người canh chừng em trai con sao?” Đúng là thế, anh em là người canh chừng cho nhau. Và Chúa đã nói với Cain: “Máu của em trai ngươi từ mặt đất đã vang đến ta.” Mỗi người chúng ta có thể nói là mình chưa từng giết ai, nhưng bất kỳ ai oán giận anh em mình là giết người đó rồi. Chúa Giêsu đã nói, “Nếu xúc phạm anh em mình, là đã giết người đó trong lòng rồi.” Và chúng ta hãy nghĩ đến những người phải chịu thảm cảnh chiến tranh, bị đuổi ra khỏi quê hương bởi họ không được xem là huynh đệ ở đó. Tình cảnh giết chóc này bắt nguồn từ một thứ nhỏ, và lớn dần lên. Bao nhiêu người nắm quyền trên thế giới này nói rằng: “Tôi để tâm đến khu vực này, tôi để tâm đến lợi nhuận từ mảnh đất này… Nếu một quả bom rơi và giết 200 đứa trẻ, thì đó không phải là lỗi của tôi, mà là lỗi của trái bom. Tôi chỉ để tâm đến mảnh đất mà thôi.” Tất cả bắt đầu với những cảm giác khiến bạn muốn tách rời, Đây là tiến trình của những cuộc giết chóc đẫm máu, và máu của biết bao nhiêu người trên thế giới ngày nay đang kêu lên Chúa.
Chúng ta hãy nguyện xin Chúa giúp chúng ta lặp lại lời Ngài nhắc nhở chúng ta: “Anh em của con đâu?” và nghĩ về những người mà chúng ta đã tiêu diệt bằng cái lưỡi của mình, những người trong thế giới đang bị đối xử tàn tệ bị xem như món đồ chứ không phải người anh em, hãy nghĩ về những nơi mà người ta quan tâm đến địa bàn hơn là đến tình thân ái huynh đệ.”(Trang mạng Phanxicô, J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng)
Đức giáo hoàng Phanxicô nói : “Ghen tương phá vỡ mối giây huynh đệ”. Lời Chúa trong thánh lễ cũng dạy chúng ta như thế.
Bài đọc 1 : Bđ1 đọc trong sách của ngôn sứ I-sai-a. Cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao OP giới thiệu ngôn sứ I-sai-a như sau : “I-sai-a nghĩa là ‘Giavê cứu độ’. Thân phụ ông là cụ A-mốt. Có lẽ là gia đình quí phái ở Giê-ru-sa-lem. Theo cổ truyền của các Ráp-bi thì ông mang huyết thống hoàng tộc. Lập gia đình và ít là có hai người con, cả hai đều mang tên tượng trưng ‘số còn sót sẽ trở về’ và ‘cướp bóc sắp xảy ra’…
Cá nhân ông có những năng khiếu tự nhiên rất đặc biệt. Trí khôn sắc sảo và sáng sủa. Ông thành thạo với các vấn đề khó khăn nhất của thời đại. Có một ý chí mãnh liệt, quả cảm, sẵn sàng lãnh trách nhiệm một cách dứt khoát, không do dự, hành động khẳng khái, không sợ sệt. Nhưng trước hết ông đã là con người của lòng tin, sống đạo một cách sâu xa. Từ ngày được Thiên Chúa gọi, có thể nói ông đã đặc biệt trở thành ‘vị ngôn sứ của sự thánh thiện và uy quyền của Thiên Chúa’. Ngoài ra ông còn là một thi sĩ biệt tài. Dồi dào một cách tự nhiên (xuất khẩu thành chương) và đầy hình ảnh sống động… Người ta thường so tài văn sĩ của ông với tài của sách Gióp.
Về chính trị, ít nhất ông phải được coi là một trong các người ảnh hưởng vào hạng nhất trong nước, vì ông biết rõ đường lối chính trị của triều đình (kể cả những chuyện riêng tư của hoàng gia); ông lui tới hoàng cung và tiếp xúc dễ dàng với đức vua (x.7,3-17v.v ); ông chẳng hế hấn gì đưa ra những điều người ta không muốn nghe. Có người cho rằng: I-sai-a xứng đáng được gọi là ‘thủ lãnh các ngôn sứ’, vì giọng văn và sứ điệp của ông thật phong phú. (Các Sách Ngôn Sứ 2006, trang 84).
Cha Hồ thông viết về bài đọc 1 như sau : “Bản văn này là một trong những sứ điệp sau cùng ngôn sứ I-sai-a ngỏ lời vói những người lưu đày ở Babylon. Họ mong chờ Thiên Chúa ra tay giải phóng họ khỏi kiếp lưu đày tha hương, nhưng vài nhóm họ tỏ ra nghi ngờ và nhụt chí.
Trở về với Thiên Chúa không gì khác hơn là tránh xa mọi điều gian ác: ‘Kẻ bất lương bỏ đường lối mình đang theo, người gian ác hãy bỏ tư tưởng mình đang có…Hãy trở về với Chúa, Thiên Chúa chúng ta. Người sẽ xót thương vì rộng lòng tha thứ” (Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 291).
Qua bđ1, người Ít-ra-en “nghi ngờ và nhụt chí’, cần “tránh xa mọi điều gian ác”, “trở về với Chúa” thì mới tránh khỏi ghen tương, phá vỡ tình huynh đệ.
Bài Tin Mừng : Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV viết : “Truyện dựa vào phong tục của người địa phương thời xưa. Người ta chia ngày làm 12 giờ, tính từ lúc mặt trời mọc, và chỉ quen nói tới giờ thứ ba (9g), giờ thứ sáu (12g), và giờ thứ chín (3g chiều)…
Trước hết truyện muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa (ông chủ) đối với dân ngoại, những người được gọi vào Hội Thánh (vườn nho) của Người thời sau hết (17g). Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho họ mọi quyền lợi và đặc ân như người Ít-ra-en, những người đã được gọi từ đầu (thợ được thuê từ sáng). Cách đối xử khoan dung và quảng đại này làm cho những người Ít-ra-en bực bội, bởi vì họ tưởng mình bị thiệt thòi, thua kém dân ngoại. Được chọn trước dân ngoại, Ít-ra-en đã tưởng rằng Thiên Chúa phải mắc nợ họ. Nhưng thái độ của những người cằn nhằn ông chủ cũng giống như người Pha-ri-sêu lên Đền thờ cầu nguyện vậy (x.Lc 8,9-14).
Truyện còn ngụ ý rằng Thiên Chúa làm gì cho ai cũng là bởi tình thương mà thôi : Tôi muốn cho người làm sau chót được bằng bạn…; và người ta phải tôn trọng cách xử sự của Người : chẳng lẽ tôi lại không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao ? Kẻ không chấp nhận việc Người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc tội ghen tị. Khi người ta đặt nặng các ơn ban hơn là tình yêu ban ơn cũng là hơn chính Đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà chỉ ích kỷ (trang 2170).
Bài đọc 2 : Bđ2 đọc thư của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-líp-phê. Cha Hồ Thông giới thiệu bđ2 như sau : “Thành phố Philipphê thuộc miền Maxêđoan là thành phố Châu Âu đầu tiên đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phaolô đã quyết định mạo hiểm trên lục địa này; ở đây các cộng đoàn Do Thái thì thưa thớt, và lương dân thì đông đảo. Vào năm 49 hay 50, thánh nhân đặt chân lên thành phố. Ngài luôn dành cho các tin hữu Philipphê trọn tấm lòng biết on và yêu mến của mình. Các tin hữu giúp đỡ thánh nhân trong khi thánh nhân lâm cảnh túng thiếu. Chỉ duy từ họ mà thánh nhân đã chấp nhân giúp đỡ.
Thư gửi các giáo hữu hình thành nên một chứng liệu đặc biệt. Hơn hết các bức thư nào khác, bức thư này vén mở cho chúng ta con người nội tâm của thánh Phaolô, những đức tính và tâm tình gắn bó của thánh nhân vào Đức Kitô. Dù tâm tình thẳng thắn và bộc trực, những lời khuyên bảo của thánh nhân lại chan chứa những niềm tin tưởng vô bờ” (Hồ Thông, sđd, trang 292).
Chúng ta đọc lại một vài dòng chữ thánh Phaolô viết : “Thưa anh em, Đức Ki-tô tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết : đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi… Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô” (Pl 1,20c-21.27a).
Bái đọc 1 và bài Tin Mừng cho chúng ta biết những gì làm tác hại tình huynh đệ. Trái lại, bài đọc 2 giúp chúng ta sống tốt đẹp tình huynh đệ.
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin giúp chúng con biết thương yêu nâng đỡ nhau, tránh ghen tương, ích kỷ làm hủy hại tình huynh đệ.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành