Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20
“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.
Trích sách Khôn Ngoan
(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8
Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).
Xướng: Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.
Xướng: Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.
Xướng: Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.
Bài Ðọc II: Gc 3, 16 – 4, 3
“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.
Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 29-36
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
PHỤC VỤ BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝ
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Mấy ngày sau con bão Yagi đi qua các tỉnh miền miền bắc, kéo theo mưa to xảy ra lũ lụt sạt lỡ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Và hơn một tuần qua, có rất nhiều đoàn từ thiện đổ về các tỉnh phía bắc để làm từ thiện, giúp đỡ phục vụ bác ái chia sẻ vật chất tinh thần, nhưng có có rất nhiều người lợi dụng việc từ thiện bác ái này mà đánh bóng tên tuổi, làm màu, phông bạt… Cho nên, mấy ngày nay, trên mạng xã hội, người ta nói nhiều về từ: “phông bạt”, “làm màu”. Những từ này xưa nay chưa nghe thấy bao giờ? Phông bạt là gì? Với nghĩa đen thì phông bạt được hiểu là những vật dụng được dùng để che nắng, che mưa. Còn hiểu theo nghĩa bóng thì phông bạt được sử dụng để chỉ một phong cách làm việc phục vụ bác ái khoe danh, đánh bóng tên tuổi nhưng thực sự bên trong lại không có gì. Thuật ngữ “phông bạt” được nhiều người sử dụng theo nghĩa bóng, dùng để châm biếm, mỉa mai một cá nhân, tập thể nào đó có lối sống giả tạo, phục vụ bác ái để khoe mẽ vẻ hào nhoáng, xa hoa, đẹp đẽ trên mạng xã hội, song thực tế lại khác xa. Ví dụ, rao trên mạng làm từ thiện bác ái cho người đó, nhà đó, cơ qua đó 500 triệu mà thực tế có 5 ngàn. Còn từ “làm màu” có nghĩa là làm cho bản thân trở nên nổi tiếng, tỏ vẻ làm bác ái từ thiện nhưng rất “lố” bịch, giả tạo không được thành-thật và tự-nhiên. Ví dụ, làm từ thiện một chỗ cũng bị ngập lụt nhưng nước chỉ tới mắt cá chân mà giả vờ đi thuyền mang áo phao đi làm từ thiện bác ái, quay phim chụp ảnh kêu gọi mọi người ủng hộ đóng góp chung tay giúp đỡ người nghèo khổ lụt lội khủng khiếp.
Cho nên, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học đó là hãy sống khiêm nhường phục vụ bác ái hết mọi người với tinh thần chí công vô tư, không phông bạt hay làm màu như thế, không xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu.
Trước hết, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn của Ngài nhưng các môn đệ không muốn nghe, lại còn vô tâm tranh giành với nhau ngôi thứ xem ai sẽ làm lớn hơn. Đó là hai thái độ trái ngược rõ rệt: Chúa Giêsu thì quyết tâm đi vào con đường từ bỏ, khổ giá, chịu xỉ nhục để phục vụ và hiến cả mạng sống cho mọi người. Ngược lại, các môn đệ lại sợ khổ, sợ khó, không muốn phục vụ anh em mà chỉ thích làm lớn, muốn địa vị cao, thích được người ta khen, hầu hạ… Thấy tâm trạng các môn đệ chưa ổn, chỉ hám danh, thích phông bạt, làm màu, Chúa phải họp các ông lại trong vòng thân mật và giải thích thêm: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Rõ ràng, Chúa đã khẳng định: có quyền hành, có tiền là có cơ hội, là phương tiện phục vụ bác ái tốt hơn, rộng rãi hơn và đạt tới nhiều người hơn, chứ không phải chỉ để làm màu, phong bạt cho cá nhân thêm tự đắc, tự phụ, trục lợi, bắt người khác kính nể và phục dịch mình.
Rồi, để cho các môn đệ hiểu rõ hơn và nhớ kỹ hơn, Chúa Giêsu lấy em bé làm ví dụ qua việc phục vụ bác ái. Chúa muốn chỉ cho các môn đệ thấy bản chất của trẻ em thật quý đó là sự quên mình, lòng khiêm nhường, đơn sơ, không chút tham vọng, không tự đắc, không tìm tư lợi, không phông bạt hay làm màu. Vì vậy, Ngài dạy các môn đệ và cả chúng ta khi làm việc phục vụ bác ái với Chúa và tha nhân cũng vậy. Thay vì nghĩ đến mình, thay vì qui mọi sự về mình, chúng ta hãy nghĩ đến kẻ khác, hãy giúp đỡ người khác, vì Chúa coi tất cả những gì chúng ta làm cho người khác là làm cho Chúa. Lời nhắn nhủ này đưa chúng ta tới những cử chỉ cao đẹp: yêu mà không mong được yêu lại, hy sinh mà không cần ai biết đến. Đó mới là tình thương chân thực, cao thượng và vô vị lợi, chí công vô tư. Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Giacôbê dạy: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình”.
Trong xã hội, là người ai cũng thích làm lớn, thích được khen ngợi, thích phong bạt, thích nhiều người ủng hộ theo phe mình và ưa địa vị cao trọng, đó là cái tật cố hữu của loài người từ ngày tạo thiên lập địa, chứ không phải chỉ là tật xấu của các môn đệ Chúa Giêsu và cả chúng ta. Những tật xấu này trái ngược với tinh thần Tin Mừng của Chúa, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải loại bỏ, vì Tin Mừng chủ trương sống phục vụ bác ái trong khiêm nhường, phục vụ quên mình, quảng đại cho đi không cần đền đáp, phục vụ không tính toán, coi mình không là gì hết, bởi vì hễ ai trở nên bé nhỏ trước mặt loài người, kẻ ấy sẽ được cao trọng trước Thiên Chúa. Sự phục vụ bác ái khiêm nhường ở đời này là điều kiện và là mức đo sự cao trọng trong nước trời. Vì thế, Thánh Phaolô chí lý nói rằng: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,3-7).
Tóm lại, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường và sẵn sàng bác ái phục vụ lẫn nhau theo chân lý Tin Mừng, nhất là những người bệnh tật ốm đau già yếu, nghèo khổ, bất hạnh vì bão lũ lụt lội sạt lỡ ở các tỉnh phía bắc. Chúng ta hãy nhớ: tất cả chúng ta đang sống là để yêu thương và phục vụ nhau vì tất cả là anh em của Chúa Giêsu và hình ảnh Thiên Chúa. Cuộc sống chỉ đáng sống và công chính khi chúng ta biết sống để phục vụ bác ái người khác và như thế cũng là đang phục vụ Thiên Chúa. Một cuộc sống như thế cao đẹp và có ý nghĩa biết bao. Xin Thiên Chúa cho chúng ta luôn có tinh thần khiêm nhường và hành động bác ái phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong chân lý Tin Mừng. Amen.
SUY NIỆM II
ĐƯỜNG PHỤC VỤ
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP
Đấng Mêsia phục vụ
Ðức Giêsu đang trên đường Con Người đang tiến đến cuộc Thương Khó, và lần thứ hai, Người báo trước cho các môn đệ về biến cố này, cũng như về cuộc Phục Sinh
Trong lần loan báo trước, các môn đệ không hiểu điều Ðức Giêsu muốn nói, các ông – qua đại diện là Phêrô – đã ngăn cản Người Nhưng Người vẫn đưa các ông đi theo và dần dần giáo huấn các ông về vai trò của một Ðấng Mêsia chịu đau khổ Lần đó, Ðức Giêsu đã nói đến sự cần thiết phải mang lấy thập giá của mình mà đi theo Người
Trong lần loan báo này, các môn đệ cũng không hiểu điều Ðức Giêsu muốn nói, nhưng các ông không dám hỏi Các ông chẳng hiểu gì về cuộc sống ở phía bên kia và vẫn cảm thấy khó chấp nhận quan niệm về một Ðấng Mêsia là Tôi Tớ Chính vì vậy, trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu nhận thấy phải giải thoát các ông khỏi tình trạng u tối
Về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các môn đệ: “Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Ðức Giêsu muốn kiểm nghiệm lại tình trạng u tối của các ông Các môn đệ không dám trình bày lại, vì các ông đã tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong Vương Quốc trần thế mà các ông đang trông đợi Ða số các môn đệ xuất thân là những người hèn kém trong xã hội, nên các ông ước mơ trở thành những người có uy tín, có chức quyền, và được nắm quyền chỉ huy
Khi loan báo cuộc Thương Khó, Ðức Giêsu cũng báo trước cuộc Phục Sinh, nhưng các môn đệ không hiểu Thật ra, người ta có thể nghĩ đến cái chết của ai đó, nhưng hầu như chẳng có ai muốn nghĩ nhiều đến cuộc sống sau đó, như là chuyện không thể Còn nếu nói đến cuộc sống của một người đã chết rồi sống lại, quả thật, điều này ngoài tầm hiểu biết của con người
Ðứng trước tương lai không thể hiểu nổi này, các môn đệ đứng yên tại chỗ, lấy hiện tại làm vĩnh cửu Các ông lo tổ chức xã hội nhỏ bé của mình và tranh luận xem ai là người lớn nhất
Ðức Giêsu đã trả lời cho các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, phải làm người rốt hết. Ai muốn làm người lớn, phải nên như trẻ nhỏ. Ai muốn làm thầy, phải là người phục vụ”. Câu trả lời của Ðức Giêsu quả là một nghịch lý Tuy vậy, đây không phải là những nhận định lý thuyết, nhưng là những mẫu gương cụ thể mà Người Tôi Tớ đau khổ không ngừng đưa ra
Cuộc đời và cái chết của Ðức Giêsu là một bằng chứng sống động về điều này: Ðể trở thành người lớn nhất, phải trở nên người bé nhất, trở thành người phục vụ Phục vụ tất cả mọi người, kể cả một đứa trẻ
Trong thế giới mới do Ðức Giêsu thiết lập, người ta trở thành người lớn khi người ta là tôi tớ, thay vì có tôi tớ Trong thế giới này, đứa trẻ chính là hình ảnh của Thiên Chúa Quả là một điều lạ thường!
Trẻ nhỏ là tương lai
Ðón nhận Ðấng Phục Sinh, đó là đón nhận cuộc sống mới do Người đem lại Sự sống ấy không chỉ là sự yếu ớt của đứa trẻ mà người ta cần bảo vệ, nhưng là một tương lai mà Ðức Kitô đòi người ta phải chấp nhận, phấn dấn mình vào.
Quả thế, đứa trẻ đáng được yêu thương vì sự ngây thơ và giản dị, nhưng hơn thế, vì nó là dấu chỉ về một cuộc sống mở ra và luôn mới mẻ Ðứa trẻ là một nhân tố đem lại một hy vọng đặc biệt, là một cuộc sống luôn hướng về phía trước, đón nhận thêm những điều mới Ðức Giêsu đồng hóa đứa trẻ với con người được phục sinh, bởi vì phục sinh là khởi đầu cho sự sống mới này và cuộc sống này được trao tặng cho từng người Như thế, cần phải đón nhận cuộc sống bên kia như đón nhận một đứa trẻ
Tuy vậy, Ðức Giêsu nhìn những đứa trẻ như thế nào khi Người ôm chúng vào lòng và chúc lành cho chúng?
Ngoài những đặc tính mà ai ai cũng thấy, chắc chắn đứa trẻ cũng có những khuyết điểm, những thiếu sót Ðức Giêsu không phải là người cuối cùng biết rằng trẻ nhỏ cũng có những hình thức mặc cảm, cũng có những thái độ ghen tương, ma mãnh và dối trá. Nói như thế không có nghĩa là kết tội trẻ nhỏ, nhưng để nêu lên một vấn đề khác: giáo dục Thông thường, trẻ em có khuynh hướng quy tất cả về mình Ðây là một sự kiện về tâm lý chứ không phải về luân lý Do đó, nhiệm vụ của những người có trách nhiệm giáo dục không phải là dùng Tin Mừng để đưa ra những lời khuyên đạo đức, nhưng là thổi vào cuộc sống của đứa trẻ luồng gió Tin Mừng để nó dần dần tự khám phá điều này: phải yêu thương người khác như chính mình
Cũng do tính ích kỷ này, trẻ em thường có thái độ vô ơn: nó không hiểu được những hy sinh nhọc nhằn cha mẹ phải chịu Trong khi đó, nên tảng của lòng tin Kitô giáo là tạ ơn Nhà giáo dục sẽ phải hướng dẫn đứa trẻ từ đời sống tự nhiên đến đời sống siêu nhiên
Như vậy, để hiểu rõ thái độ của Ðức Giêsu với các trẻ em, cần phải vượt qua những đặc tính mà theo thói quen, người ta thường gán cho chúng, đồng thời phải hiểu điều được tượng trưng nơi đứa trẻ theo quan điểm đức tin: đứa trẻ luôn ở trong tình trạng tiếp nhận Chính trong tình trạng này, đứa trẻ đi vào đời sống Kitô giáo . Phải chăng đó không phải là tình trạng của người lãnh bí tích thánh tẩy: sống tuỳ thuộc vào tình yêu đối với Thiên Chúa của mình?
Như thế, chẳng có gì là lạ lùng khi mà Nước Trời thuộc về các trẻ nhỏ và những ai giống như chúng! Có gì là lạ lùng khi tiếp đón đứa trẻ trong tinh thần này, bởi vì đó là đón tiếp Thần Khí của Thiên Chúa
Nên bé nhỏ để giống Đức Giêsu
Về phần mình, chúng ta tranh luận gì trên những nẻo đường đời? Có lẽ chúng ta cũng bối rối khi Ðức Giêsu đặt vấn đề này với chúng ta! Khi nói lên điều người ta vẫn ấp ủ trong lòng, mỗi người bày tỏ điều sâu kín nhất của chính mình. Phải chăng chúng ta cũng mơ ước được nắm quyền chỉ huy? Hãy nghe lời Ðức Giêsu nói với các môn đệ mà tìm cách để phục vụ người khác cách tốt nhất và giúp đỡ những ai đang cần Mỗi người hãy quan tâm biến đổi đời mình nên giống Ðức Giêsu qua việc đón tiếp những người yếu đuối, người bé mọn, coi họ như những sứ giả của Thiên Chúa Ðó là con đường tốt nhất để mỗi người gặp được Ðức Giêsu và trở nên giống Người
Ngoài ra, khi mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, trở nên bé nhỏ, Ðức Giêsu không có ý bảo chúng ta phải từ khước những hồng ân đã lãnh nhận, hay tránh né các trách nhiệm được giao phó, nhưng là thẳng thắn chấp nhận tình trạng của mình với những giới hạn, những yếu đuối, nhất là ý thức được tình trạng lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa, Ðấng ban cho ta mọi sự Khi mơ ước chỗ nhất, chúng ta cắt đứt sự tuỳ thuộc này Khi tìm chỗ cuối hết, dù công khai hay âm thầm, chúng ta để cho Thiên Chúa xếp đặt như ý Người muốn Chỉ có chỗ này mới chắc chắn
“Trẻ em mãi mãi là hình ảnh rõ nét nhất, đúng Tin Mừng nhất của Chúa. Trẻ em đón nhận Ðức Kitô chứ không tranh cãi. Chúng để cho Người lôi cuốn chứ không tìm cách độc quyền chiếm hữu Người. Trẻ em chính là hiện thân của thái độ tự do phó thác và yêu thương…
Chỉ có một cách không bị vấp ngã vì cớ Ðức Kitô, ấy là hoá nên trẻ nhỏ, đơn sơ, nghèo nàn. Chỉ có một hạng người Ðức Kitô không bao giờ là cớ vấp ngã cho họ là các trẻ nhỏ…”
(Juan Arias Thiên Chúa mà tôi không tin, bản dịch của Lưu Tấn, tr 64)
SUY NIỆM III
ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO SỰ CAO CẢ
(Hội An 22/9/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Tham vọng làm người lớn nhất, người có nhiều quyền hành nhất, người được nhiều người hâm mộ nhất dường như nằm sẵn trong mỗi con người. Theo các nhà tâm lý, nhu cầu sâu xa nhất nơi mỗi người đòi được mọi người tôn trọng cũng là dấu hiệu muốn làm lớn. Ngay cả những môn đệ của Chúa Giê-su cũng tranh nhau làm người lớn nhất, mẹ của hai môn đệ Gioan và Giacôbê cũng xin cho hai con mình ở vị trí cao nhất bên cạnh Chúa. Mười môn đệ tức tối với hai em Giacôbê. Phải chăng mọi người không nên ước muốn làm người lớn nhất? Trước ước muốn làm người lớn nhất của các môn đệ, Chúa Giê-su dạy ta điều gì?
- Chúng ta được tạo dựng cho sự cao cả
Điều bất ngờ là khi chúng ta tìm câu trả lời có nên ước muốn làm người lớn nhất không, thì trong thông điệp “Được Cứu Rỗi trong Niềm Hy Vọng,” Đức Bênêđictô đã trích dẫn ý của thánh Augustinô khẳng định: “con người được tạo dựng nên cho sự cao cả, cho chính Thiên Chúa… để được Thiên Chúa lấp đầy (số 33). Đức Bênêđictô còn thêm: “Thế gian mang lại cho bạn sự thoải mái, nhưng bạn không được tạo dựng cho sự thoải mái, mà là cho sự cao cả.” Thực vậy, sự cao cả đầu tiên của chúng ta là được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài, dù là nam hay nữ, dù là Ki-tô hữu hay chưa là. Thiên Chúa yêu chúng ta và chúng ta là con cái của Ngài. Hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ là cơ thể vật lý của chúng ta, mà còn mọi sự bên trong chúng ta, gồm một tâm hồn hướng về Thiên Chúa, tìm niềm vui trong Chúa và được thôi thúc làm tất cả những gì được Chúa mời gọi làm. Thiên Chúa nói rõ hơn với dân của Ngài: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,2). Dân Chúa được cao cả vì được Thiên Chúa làm cho cao cả. Thánh Phê-rô còn khẳng định: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1Pr 2,9), vì thánh nhân biết rằng Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài là Chúa Giê-su cho chúng ta, để tất cả những ai tin vào con của Ngài thì trở thành dân thánh, dân vương giả, dân riêng của Thiên Chúa.
Như vậy, được nên cao cả không do những nỗ lực của chúng ta, mà do Thiên Chúa làm cho ta nên cao cả nhờ ân sủng Chúa ban. Vì thế, nếu nhìn vào bản thân, chúng ta sẽ không thấy sự cao cả của chúng ta, nhưng nhìn vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, nhất là nhìn vào Chúa Giê-su trên thánh giá, chúng ta mới thấy Chúa làm cho chúng ta cao cả và mời gọi chúng ta sống cao cả, vì Chúa tạo dựng chúng ta cho sự cao cả, là cho Thiên Chúa. Nhưng đối với Chúa Giê-su, thế nào là sống cao cả, làm lớn?
- Càng cao cả, càng làm người phục vụ
Sự lớn lao và cao cả của Ki-tô hữu khác xa với ước muốn làm lớn của người đời đeo đuổi. Nhiều người tranh đua trở thành ngôi sao điện ảnh, gương mặt nổi bật của ngành thể thao, một tài năng sáng chói của âm nhạc, học thuật hay khoa học được nhiều người biết đến và đôi khi mong trở thành một doanh nhân lương cao, một chính trị gia được nhiều người ngưỡng mộ. Những người muốn làm lớn trên thế giới đều mong muốn được bốn thứ: quyền lực, danh vọng, tiền bạc và ảnh hưởng trên số đông. Không chỉ trong lãnh vực xã hội, mà ngay cả trong lãnh vực tôn giáo, tham vọng làm lớn theo quan niệm của người đời vẫn gặm nhấm tâm hồn nhiều người, mà thoạt nhìn vào chiếc áo họ mặc tưởng họ thanh thoát khỏi những tham vọng làm lớn ấy. Giacôbê và Gioan mà vẫn bị cám dỗ như thế! Tuy nhiên, sự vĩ đại không do tiền bạc, danh vọng, quyền lực hay có nhiều người hâm mộ tạo nên, mà là do phục vụ. Chúa Giê-su đã quả quyết: “Ai muốn làm người lớn nhất, thì hãy làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
Là Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su là Đấng rất cao cả, nhưng Ngài không ngần ngại khiêm hạ trở thành người bé mọn để chạm đến nỗi khao khát được tha thứ trong thâm tâm mỗi con người. Trong đêm trước khi bị treo trên thánh giá, Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ phục vụ, để làm gương phục vụ cho các môn đệ. Thánh sử Mát-thêu cho biết, gương sống đời phục vụ của Chúa Giê-su được Chúa Cha chứng nhận: “Đây là người tôi tớ trung thành Ta đã tuyển chọn, đây là Người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người” (Mt 12,18). Đối với Chúa Giê-su, làm lớn không phải để thống trị như người đời, nhưng để phục vụ và từ khi Chúa làm gương mẫu người tôi tớ phục vụ, thì phục vụ không còn là tình trạng hèn hạ của những người thấp kém, mà là lối sống của những người muốn sống cao cả, muốn làm lớn. Chúa nói: “Các con gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13,13-14). Theo cha Michael J. Graham, S.J., một nhà giáo dục người Mỹ, phục vụ cũng là hình thức cầu nguyện được nối dài tiếp sau khi đầu gối đứng dậy ra đi vào thế giới. Nói cách khác, đời Ki-tô hữu là cuộc đời phục vụ sau khi gặp Chúa và theo gương Chúa.
Vì vậy, tôi tự hỏi đã có gì thay đổi trong tôi sau khi nghe lời Chúa, gặp Chúa? – Tôi khát khao làm lớn và có hiểu làm lớn là phục vụ không? Tôi có ra sức phục vụ Chúa qua việc thờ phượng Chúa và sống theo những lời Ngài dạy không? Tôi có dành thời giờ phục vụ giáo xứ như bổn phận của một người tín hữu không? Tôi có phục vụ gia đình mà Chúa giao cho tôi không? Tôi nhớ lời Chúa: “Ai muốn làm người lớn nhất, thì hãy làm người phục vụ mọi người.”
Lạy Chúa, Chúa làm gương và chờ đợi con ra tay phục vụ, xin Chúa cho con theo gương Chúa phục vụ với một tâm hồn quảng đại, không sợ hy sinh hay thương tích, không sợ mất công, tiếc của, vì mọi việc con phục vụ minh chứng con được nên giống Chúa và đang theo Chúa.