Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm B
CN.25.B
23-9-2018
—————————–
Giáo huấn số 43
NGƯỜI CAO NIÊN (tiếp theo)
Lịch Giáo Phận trang 107
“Thiếu ký ức lịch sử là một khiếm khuyết nghiêm trọng của xã hội chúng ta”. Nghĩ rằng “mọi sự đã qua rồi” là một tâm thức thiếu trưởng thành. Biết và có thể nhận định trước những biến cố đã qua là khả năng duy nhất để xây dựng một tương lai có ý nghĩa. Không thể giáo dục mà không có ký ức : “Xin anh em nhớ lại những ngày đầu” (Dt 10,32). Những câu chuyện của các cụ rất tốt cho trẻ em và người trẻ, vì họ đặt chúng trong mối liên hệ với lịch sử đã sống của gia đình hay của thôn làng và đất nước. Một gia đình mà thiếu kính trọng và chăm sóc ông bà, vốn là ký ức sống động của mình, sẽ là một gia đình rời rã; ngược lại, một gia đình còn nhắc nhớ đến “quá khứ” là gia đình có tương lai. Bởi thế, “trong một nền văn minh mà không có chỗ cho người cao niên hoặc người cao niên bị loại bỏ vì tạo ra vấn đề, thì xã hội đó đã nhiễm vi khuẩn sự chết”, ngay từ lúc bị nhổ khỏi cội rễ của mình. Hiện tượng của ngày nay, đó là người ta cảm thấy mồ côi vì không còn sự kế tục giữa các thế hệ, bị mất gốc và thiếu niềm tin vốn cho ta sức sống, thách thức chúng ta phải làm cho gia đình mình trở thành một nơi, trong đó trẻ con có thể bén rễ sâu vào thửa đất của lịch sử công thể (Niềm Vui của Tình Yêu số 193).
—————————–
CN.25.B
(Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37)
Trong số 118 thánh tử đạo Việt Nam, có hai vị thánh trẻ : đó là thánh Tôma Trần Văn Thiện 18 tuổi, tử đạo ngày 21-9-1838 tại Nhan Biểu, Quảng Trị; và thánh Anrê Phú Yên cũng 18 tuổi, tử đạo ngày 26-7-1644 tại Phước Kiều, Đà nẵng.
Thánh Tôma Thiện quê ở gíao xứ Trung Quán, Quảng Bình, một giáo xứ nằm trên khu du lịch Phong Nha. Từ bé ở với cha sở giáo xứ Mỹ Lương, đến 18 tuổi được gọi về chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Ngài đi với người chị tên là Sao. Giữa đường gặp nữ tu Mađalêna Yến. Nữ tu cho biết : Quan quân đang vây bắt đạo, chủng viện đã giải tán, cha giám đốc, các cha và các chủng sinh đã phải trốn đây đó. Nhưng thánh Tôma Thiện đáp : “Dầu không gặp cha giám đốc, con cũng phải đến tận nơi. Cha đã gọi, không lẽ chưa đến đã bỏ về.” Thánh Tôma Thiện tiếp tục lên đường. Đến nơi thì bị bắt.
Quan dụ dỗ :
– Nếu con bỏ đạo, ta sẽ gả con gái cho, và sẽ lo liệu cho làm quan.
Tuy còn trẻ, tương lai đầy hứa hẹn, thánh Tôma Thiện cũng khảng khái đáp :
– Con chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế.
Quan cho đánh 40 roi. Máu chảy ướt cả áo quần. Quan truyền tống giam trong ngục gần 2 năm, cho đến ngày 21-9-1838 bị xứ giảo, cổ bị cột giây thừng, hai người lính cầm hai đầu giây kéo cho tới khi tắt thở.
Bài Tin Mừng : Thánh Tôma Thiện trả lời quan : “Con chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế”.
Chúng ta mong điều gì ? Chức quyền trên trời hay danh vọng trần thế ?
BTM thánh lễ hôm nay cho biết : ngay các tông đồ cũng chỉ mong danh vọng trần thế. Chúa Giêsu mới vừa nói với các ngài rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Thế mà trên đường về nhà “các ông đã cãi nhau xem ai là người làm lớn hơn cả.” (Mc 9,34).
Trong tập sách “Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô”, cha Nguyễn Công Đoan viết : “Mác-cô cho chúng ta cảm tưởng Thầy trò lặng lẽ tiếp tục đi, không ai nói gì với ai nữa. Lại về đến nhà ở Ca-phác-na-um. Vẫn Đức Giê-su lên tiếng trước : “Dọc đường anh em đã bàn tán sự gì vậy ?”. Mác-cô lại cho chúng ta một bất ngờ. Dọc đường các ông đâu có im lặng suy nghĩ về điều Thầy nói mà họ không hiểu ! Khi bị Thầy hỏi thì các ông như học trò bị bắt quả tang đang nói chuyện trong lớp thay vì nghe giảng bài . “Các ông làm thinh”. Tại sao ? “Vì khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Thế là chân đi đàng sau Thầy, nhưng lòng thì đi ngược chiều với Thầy. Điều đáng hỏi Thầy để hiểu thì không hỏi, lại quay ra cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả (trang 151).
Chúa dạy : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
Cha Đoan viết tiếp : “Rồi Người minh họa bằng hình ảnh một trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường gợi chúng ta nghĩ tới sự đơn sơ trong trắng, nhưng trong Kinh Thánh thì “trẻ nhỏ không kể”, là số không. Người đưa ra một định luật ngược đời : muốn làm người lớn hơn cả thì phải trở thành số không ! Chính Người tự đồng hóa với trẻ nhỏ : “Ai tiếp đón một trẻ nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (sđd trang 152)
Bđ2 : Ở đời người ta ham muốn đủ thứ, nhưng trên hết là quyền hành, là làm lớn, vì làm lớn thì có tất cả : danh vọng, tiền bạc, lạc thú…
Thánh Giacôbê trong bđ2 đã viết : “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em ? Chẳng phải là bởi chính những khóai lạc của anh em gây chiến trong con ngừoi của anh em đó sao ? Thật vậy, anh em ham muốn.., nên anh em chém giết, anh em ganh ghét…,anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,1-2). Đức Phật dạy : phải diệt dục.
Bđ1 : Thánh Giacôbê bảo vì tham lam đã gây nên xung đột, chiến tranh, chém giết… Còn tác giả sách Khôn Ngoan trong bđ1 thì bảo : tại không tin có thưởng phạt, có đời sau, có người lành kẻ dữ.
Sách Khôn Ngoan viết : “Phường vô đạo lên tiếng nói : Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và kết cục đời nó sẽ thế nào” (Kn 2,12.17).
Theo sách Khôn Ngoan, lý do xảy ra sự dữ là do không tin có Chúa, không có đạo đức, không biết ăn ngay ở lành. Còn theo thánh Tôma Thiện, sự dữ sẽ không xảy ra, nếu “không màng chi danh vọng trần thế”, song chỉ mong “chức quyền trên trời”.
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho gia đình chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành