Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C


CN.25.C

(Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)

18-9-2016

 

Trong tác phẩm “Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam”, cha Nguyễn Hồng kể : “Cuộc bách hại đạo đã bắt đầu với cái chết của thầy Anrê-Phú Yên cứ mỗi ngày một đi lên và lan rộng ra. Bắt từ tỉnh Chăm (Quảng Nam) , quan trấn cho lính đi lục soát các nhà có đạo để tịch thu ảnh tượng. Nhiều người đã mau tay giấu được, vì thế lính tráng phải dùng lối đe dọa tra tấn để bắt trao nộp. Trong số đó phải kể là bà trùm Ma-đa-lê-na và cụ An-tô-ni-ô. Biết bà trùm đã giấu trong nhà một mẫu ảnh Chúa Cứu Thế, trước đây vẫn treo ở nhà thờ, chúng tra tấn, cùm chân bà suốt một đêm ròng, bà nhất định không chịu xưng, cuối cùng chúng phải chịu. Còn cụ Antôniô Tề, một người đàn anh giầu có trong làng và là ông tổ dựng đạo ở làng đó, công cuộc truyền giáo của cụ kết quả đến nỗi lúc đó trong làng không còn ai là người ngoại giáo cả. Nghe tin cơn cấm cách bắt đầu, lo rằng trong làng có ai vì sợ mà nản lòng chăng, cụ liền cho hội dân làng lại và khuyên họ bền vững giữ đạo, rồi bảo họ đem tất cả ảnh tượng đến nhà cụ để cụ đem giấu đi, nếu lính đến khám và có phải nộp tiền thì cụ nộp thay cho tất cả” (tập I, tr.170).

Cụ Antôniô đã biết dùng tiền của như Chúa Giêsu dạy trong Bài Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay : “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).

Bđ1 : Trước hết, trong bđ1, Chúa đã dùng ngôn sứ A-mốt vạch bộ mặt gian tham bóc lột của hạng nhà giầu trong nước Ít-ra-en vào thế kỷ 8 trước Chúa giáng sinh : “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo trong xứ” (Am 8,4).

Nhà giầu đã dùng mọi cách gian dối đồi bại, để bóc lột : “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm” (8,5b), “làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ” (8,5c), “lấy tiền bạc mua đứa cơ bần” (8,6a), “đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ” (8,6b), “cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán” (8,6c).

Thậm chí chẳng còn lòng nào với các việc đạo đức, chỉ nghĩ túi sao đầy : “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa, bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra” (8,5a).

BTM : Khi chúng ta đọc câu này trong BTM “Ông chủ khen tên quản gia bất lương đã hành động khôn khéo” (Lc 16,8), xem ra Chúa Giê-su khen người quản gia. Không phải vậy, chính câu này Chúa đã vạch trần bộ mặt bất lương của người quản gia. Nếu tên quản gia không bất lương thì làm sao anh bị tố cáo là “đã phung phí của cải ” (Lc 16,1), để rồi anh bị “từ nay không được làm quản gia nữa“.

Chúa Giê-su khen anh vì anh đã “hành động khôn khéo” (16,8), để thoát cảnh : “Cuốc đất thì không nổi” (16,3a), “ăn mày thì hổ ngươi” (16,3b).

Anh đã khôn khéo bằng cách bảo người nợ 100 thùng dầu : “Ngồi xuống mau, viết 50 thôi” (16,6), và bảo người  nợ 1000 dạ lúa : “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại 800 thôi“. Hắn ghi sổ một cách gian lận để các con nợ trả ít hơn cho chủ. Điều này các con nợ mang ơn hắn (William, Barcley,The Gospel of Luke,208).

Qua câu chuyện, Chúa Giêsu dạy : “Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh viễn” (Lc 16,9).

Các rabbi Do-thái nói : “Kẻ giầu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo giúp kẻ giầu ở đời sau” (William Barcley,sđd,209)

Thánh Am-brô-si-ô cũng nói : “Bụng của người nghèo, nhà của bà góa, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa còn mãi đời đời“. (Wlliam Barcley, sđd,209).

Người Do-thái tin rằng : “Việc bác ái giúp người nghèo còn mãi trong ngân khoản đời sau. Của cải thật của con người không là những gì họ gìn giữ, mà là những gì họ cho đi” (William Barcley, sđd,209).

Bđ2 : Trong BTM, Chúa khen người quản gia bất lương đã làm cho không ít người ngạc nhiên. Trong bđ2, thư thánh Phao-lô khuyên dạy chúng ta : “Dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi ngươi, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp, mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tm 2,1).  

Trong phần chú giải Kinh Thánh của nhóm CGKPV còn ghi : “Trong số có vua Nê-rô, hoàng đế Rô-ma lúc bấy giờ (người bắt đạo). Điều đó chứng tỏ lòng đại lượng của thánh Phao-lô, đồng thời hé mở cho thấy các mối lo ngại của người về tương lai Hội Thánh” (trang 2650). Trên mấy dòng chữ, sách còn ghi : “Lời cầu nguyện của Hội Thánh có tính cách đại đồng, phổ quát. Tính cách này còn thấy hiện rõ trong Lời Nguyện Giáo Dân hay Lời Nguyện Cho Mọi Người trong ngày đại lễ và Chúa nhật hiện nay“.

Lời Chúa trong thánh lễ và gương cụ An-tô-ni-ô Quảng Nam khích lệ chúng ta quảng đại dùng tiền mua lấy Nước Trời, đồng thời sốt sắng cầu nguyện cho mọi người, nhất là những nhà lãnh đạo, để giúp chúng ta sống an cư lạc nghiệp.

———————————————

CN.25.C

19-9-2010

Thánh Giuse Trần Văn Tuân là một nông dân của giáo xứ Nam Điền, giáo phận Bùi Chu. Ngài chỉ biết chăm chỉ làm ăn, phụng thờ Thiên Chúa, giúp đỡ mọi người. Trong làng có người ghét đạo, và tham tiền, đã bá cáo cho nhà cầm quyền biết nhà thánh Tuân chứa chấp các đạo trưởng, linh mục, để được tiền thưởng.

Thánh Giuse Tuân bị bắt. Quan bắt khai chỗ trú ẩn của các đạo trưởng, ngài không khai. Ngài bị đánh 30 roi, thịt bị móc ra, máu chảy lai láng. Vợ con và dân làng chứng kiến trận đòn chí tử, nhưng không hề khuyên ngài chối Chúa, một lòng cầu nguyện cho ngài bền lòng vững chí.

Bị điệu ra toà để tra khảo, quan dịu dàng dụ dỗ :

Này ông Tuân, ông chỉ là một giáo dân. Ta biết ông hiền lành, được nhiều người thương mến. Ta không muốn kết án tử hình ông, vì ông còn có bổn phận nuôi nấng vợ con. Vậy hãy nghe ta. Ông bước qua thập giá, ta tha cho về với vợ con.

Thánh Giuse Trần Văn Tuân nhã nhặn trả lời :

Bẩm quan lớn, quan lớn dạy tôi bước qua Thánh Giá Chúa tôi, thì tôi không thể làm theo lời quan được. Quan lớn thương cho tôi về với gia đình thì tôi muôn vàn đội ơn quan lớn. Nếu quan lớn kết tội, thì tôi sẵn sàng chịu chết vì Chúa tôi.

Cuối cùng quan bảo :

Chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi ông suy nghĩ trước sau mà bỏ đạo Gia Tô, vì đạo này là đạo của Tây, vua đã cấm. Vậy hôm nay chúng tôi mong ông vâng lệnh vua và nghe lời khuyên của chúng tôi mà bỏ đạo. Chúng tôi sẽ tha và trọng thưởng cho nhiều  vàng nhiều  bạc.

Thánh Giuse Tuân khẳng khái đáp :

Bẩm lạy các quan, tôi xin cám ơn các quan. Tôi xin sẵn lòng chịu chết chứ không thể bỏ đạo được. Được sống và được thưởng tiền bạc thì quí  trọng thật. Nhưng bỏ Chúa để lấy tiền bạc thì không bao giờ tôi làm. Tôi nhất định không bỏ đạo, không bước qua Thánh Giá, dù phải chết thì tôi sẵn lòng chịu chết.

Ngài bị chém đầu tại pháp trường Bẩy Mẫu Nam Định ngày 7-1-1862 dưới thời vua Tự Đức.

Cuộc đời của thánh Giuse Trần Văn Tuân làm nổi bật bài học “tiền bạc” Lời Chúa dạy trong thánh lễ hôm nay.

Lời Chúa các chúa nhật mấy tuần này dạy những nhân đức thật quí giá : cn.22 dạy nhân đức khiêm nhường hiền lành, cn.23 dạy nhân đức từ bỏ và thập giá, cn.24 dạy nhân đức thương người tội lỗi, cn.25 hôm nay dạy về tiền bạc.

Bđ1 : Lời Chúa trong bđ1 nghe thật não nuột, buồn thảm. Ngôn sứ A-mốt sống trước Chúa Giê-su gần 800 năm. Nước Ít-ra-en thời ngôn sứ giầu có thịnh vượng : có nhiều nhà giầu, đồng thời cũng có nhiều nhà nghèo. Nhà giầu thì làm ăn bất chính, nhà nghèo thì bị bóc lột.

Người giầu tham lam đến nỗi bỏ cả lễ lạy, có đi thì chỉ mong lễ cho nhanh, để về buôn bán : “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát để ta bày thóc ra ?” (Am 8,5a).

Người giầu dùng mọi cách bất chính để đánh lừa thiên hạ : “Ta sẽ làm cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ” (8,5b).

Người giầu chỉ biết trọng đồng tiền, coi nhẹ phẩm giá con người : “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục ta cũng đem ra bán” (8,6).

BTM : Người quản lý trong BTM thánh lễ hôm nay cũng gian lận. Người nợ chủ 100 thùng dầu, anh bảo ghi bớt  lại còn 50, người nợ 1000 dạ lúa thì bảo bớt lại còn 800 dạ (Lc 16,5-7).

Tiền bạc là phương tiện để sinh sống, chứ không phải là cùng đích của đời người. Nếu đặt tiền bạc làm chủ, còn mình làm đầy tớ, thì như Chúa nói : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Người ta thường nói : “Tiền vào thì Chúa ra”.

Bđ2 : Tuần trước, Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta yêu thương và cầu nguyện cho người tội lỗi. Tuần này, thánh Phaolô trong bđ2 khuyên dạy chúng ta cầu nguyện cho những người gian lận, tham lam tiền bạc, đặc biệt cho vua chúa và những người cầm quyền, để “chúng ta được an cư lạc nghiệp” (1Tm 2,2).

    Thánh Giuse Trần Văn Tuân thà chết để thờ Chúa, chứ không thờ tiền bạc.

—————————————

CN.25.C

23-9-2007

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay và tuần sau nói về của cải tiền bạc. Tiền bạc của cải đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người. Nhìn ngoài đường, con người bị quay cuồng như con thiêu thân, như chiếc chong chóng, cũng chỉ vì đồng tiền. Ngày xưa người ta ví “có tiền mua tiên cũng được”, còn ngày nay thì người ta bảo : “Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là thước đo của con người…”. Tiền của làm cho con người hạnh phúc, song cũng làm cho con người đau khổ, bạc bẽo. Vì thế, người VN cũng gọi đồng tiền là “đồng bạc”.

Trong phép lạ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima của cải cũng làm cho chị Luxia đau khổ. Chị Luxia kể : “Trong gia đình con còn một chuyện rắc rối khác mà người ta bảo đầu mối là tại con. Co-va da I-ri-a là đám rẫy của gia đình con. Nửa rẫy thấp, đất có thể trồng ngô, rau và khoai. Nửa rẫy cao có nhiều cây dầu, sến xanh và thông. Nhưng từ khi dân chúng tập trung tới đó, đặc biệt vào mỗi tháng, gia đình con không thể trồng tỉa được. Người ta giẫm lên ngô khoai. Nhiều người lại cỡi lừa tới để chúng ăn cả hoa mầu và giẫm nát phần còn lại. Má con phàn nàn về sự  thiệt thòi này. Có lần má bảo con : ‘Còn mày khi nào mày muốn ăn, mày ra xin bà đẹp cho mày ăn’. Các chị con phụ họa : ‘Ừ, mày thì ăn những cây mọc ở Co-va da I-ri-a ấy” (Sự Lạ Fatima,tr.97).

Bài Tin Mừng : Dụ ngôn “Người Quản Lý Bất Lương” trong BTM thánh lễ hôm nay cho biết : vì của cải mà anh quản lý bị mất việc. Ông chủ nói với người quản lý : “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Lc 16,2).

Theo cha Vũ Phan Long, người quản lý Do Thái ngày xưa có nhiều quyền : “Tại Paléttin, người quản lý không được trả lương; anh toàn quyền thay mặt chủ để giao dịch làm ăn. Nếu anh biển thủ, thì không có một hành vi pháp lý nào có thể giúp chủ thu hồi của cải cả; ông chủ chỉ có thể phạt bằng cách trách mắng, tiết lộ hành vi bất lương của anh ta để làm anh ta mất tiếng tốt, rồi thải hồi anh thôi…Rất có thể là ông chủ rất thường xuyên đi vắng, nên đã giao việc quản lý công việc làm ăn cho một người quản lý. Anh này không phải chỉ là một người tôi tớ được đặt đứng đầu những tôi tớ khác (như ở 12,42), mà là một nhân viên của ông chủ, được huấn luyện, được tin tưởng và được giao quyền thay chủ. Anh này có thể hành động nhân danh chủ trong những giao dịch : theo cách thông thường, anh này cho những người khác mượn của cải của ông chủ với một phần hoa hồng hoặc lãi được cộng thêm vào biên nhận; trong biên nhận này thường chỉ ghi số nợ, nghĩa là phần vốn cộng với phần lãi. Đây là tập tục rất thông dụng bên vùng đông Địa Trung Hải, Ai Cập dưới thời Hy Lạp và Rôma, Paléttin, Xyri, At-xy-ri và Babylon” (Các Bài Tin Mừøng Luca dùng trong Phụng Vụ, NXB Lời Chúa, 2006, tr.291.292).

Khi bị ông chủ cho thôi việc, người quản gia liền nghĩ bụng : “Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ” (16,3-4).

Rồi anh gọi những con nợ đến. Người nợ 100 thùng dầu ô-liu thì anh bảo lấy biên lai nợ ghi lại 50; còn người nợ 1000 dạ lúa thì viết lại 800 (16,5-7). Sở dĩ anh quản lý chỉ cho vay dầu và lúa, vì luật Môsê cấm cho vay ăn lời. Cha Vũ Phan Long giải thích : “Vì không có lương, người qủan lý có thể cho vay lấy lãi. Thật ra luật Môsê cấm cho vay lấy lãi (x. Xh 22,25; Lc 25,36; Đnl 23,20-21), nhưng người Do Thái có cách xoay sở : người ta bảo là Luật nhằm che chở những người túng cực khỏi bị bóc lột. Do đó nếu chứng minh được là người vay mượn đã có một phần của cải anh muốn mượn, và như vậy phần vay mượn không là cấp bách, thì có thể lấy lãi. Chẳng hạn dầu và lúa : ai mà chẳng có đủ dầu để đốt một cái đèn ? Ai lại không có đủ lúa để làm một cái bánh ? (Mishna). Ở đây, anh quản lý tha phần lãi (qúa đáng) để trả lại nguyên vốn cho chủ” (Sđd.tr.191).

Vì người quản lý không có lương, nên anh được lấy phần lời, phần lãi. Phần lời lãi thuộc về anh, nay anh không lấy nữa, anh cho các con nợ. Các con nợ nhớ ơn anh mà đón tiếp anh. Anh đã khôn khéo xoay sở để khỏi cuốc đất và ăn mày, nên ông chủ đã khen : “Tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo” (16,8a).

Bài đọc 1 : Sách ngôn sứ Amos đọc trong bđ1 thánh lễ đã tố cáo những nhà phú hộ làm ăn ma lanh, làm giầu trên xương máu của người dân trong vương quốc Ítraen.

Một là mong cho những ngày nghỉ lễ chóng qua để buôn bán : “Bao giờ ngày mùng một qua đi cho ta bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa bát để ta bày thóc ra” (Am 8,5a).

Hai là làm nhỏ cái đấu lại, qủa cân nặng thêm : “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho qủa cân nặng thêm” (8,5b).

Ba là bán lúa nát gạo mục : “Lúa nát gạo mục ta cũng đem ra bán” (8,6b).

Bốn là mua bán con người bằng đôi dép, đồng tiền: “Ta lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ” (8,6a).

Người đời đã khôn khéo xoay sở để có miếng ăn, có đồng tiền. Thế mà con cái của Chúa không biết khôn khéo để chiếm lấy nước thiên đàng : “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (16,8b).

Bài đọc 2 : Có cách nào để người ta biết ăn ngay ở lành, để những người tham ô nhũng lạm biết thương dân thương nước ? Trong thư gửi cho ông Timôthê, người học trò của mình đang làm giám mục ở Êphêsô, thánh Phaolô đã mách cho một phương pháp : đó là cầu nguyện : “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tm 2,1-2).

Vua chúa và nhà cầm quyền thời thánh Phaolô bắt đạo. Thế mà thánh Phaolô bảo cầu nguyện cho họ, chỉ vì  Thiên Chúa là “Đấng muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4) và Chúa Kitô là “Đấng đã tự hiến làm giá cứu chuộc mọi người” (1Tm 2,6).

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đã từng dạy : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

——————————————

CN.25.C

PH.19-9-2004.

Lời Chúa chúa nhật tuần qua nói đến lòng thương yêu của Thiên Chúa. Lời Chúa chúa nhật hôm nay nói đến tính ích kỷ, tính tham lam của con người. Lòng Chúa thì tốt lành, còn lòng người thì độc ác.

Bài đọc 1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay đọc trong sách ngôn sứ Amốt. Amốt là ngôn sứ đầu tiên có sách vở để lại. Ngôn sứ là một người chăn cừu ở Tơ-cô-a, một làng nhỏ bé, không cách xa Be-lem, nơi Chúa Giêsu sinh, là bao nhiêu. Tơ-cô-a thuộc vương quốc Giu-đa, Miền Nam. Song ngài lại được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ, rao giảng Lời Chúa tại vương quốc Is-ra-el, Miền Bắc. Ngài họat động vào thời vua Giê-rô-bô-am II khỏang giữa thế kỷ 8, trước Chúa giáng sinh. Thời vua Giê-rô-bô-am là một thời bình an và thịnh vượng. Kinh tế phát triển không kém gì thời vua Salômôn, kéo dài cả 40 năm.

Thế nhưng, chỉ hạng quyền thế mới giầu có; còn dân đen, người thấp cổ bé miệng đã nghèo lại nghèo hơn. Sự giầu sang là do áp bức, do bóc lột. Hãy nghe ngôn sứ cất tiếng : “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (Am 8,4). Rồi ngôn sứ vạch tội ác của bọn nhà giầu :

1/ Mong cho những ngày lễ, việc thờ phượng chóng xong, để buôn bán : “Các ngươi thầm nghĩ : bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sabát, để ta bày thóc ra” (8,5a) ?  

2/ Gian xảo : “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho qủa cân nặng thêm; ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ…Cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán” (8,5b.6b).

3/ Biến con người thành đồ buôn bán : “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ” (8,6).

Thật là một xã hội bất nhân và bất công. Ngôn sứ cảnh cáo : “Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề : Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (8,7).

Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay cho chúng ta biết sự trơ trẽn, lạnh lùng của đồng tiền. Đồng tiền đánh mất lương tâm, đánh mất tình nghĩa. Ông chủ bảo người quản gia : “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (Lc 16,2). Anh không còn lương tâm, không còn biết phân biệt phải trái tốt xấu, nên anh đã tham ô, đã thụt két của ông chủ. Anh cũng chẳng còn con tim, anh chỉ biết đến đồng tiền, nên anh không còn nhớ ơn ông chủ. Ông chủ đã tín nhiệm cho anh làm quản lý, tình nghĩa đó anh đã quên.

Khi bị ông chủ sa thải, người quản lý nghĩ bụng : “Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ” (Lc 16,3-4). Thế là anh quản gia “cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy’ ? Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô-liu’. Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi’. Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’. Người ấy đáp : ‘Một ngàn thùng lúa’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi’” (16,5-7).

Phải lấy dầu ở 150 cây ô-liu mới được 100 thùng, tức là 365 lít. Phải gặt 42 mẫu ruộng mới được 50 thùng lúa, tức là 364.000 kg lúa. Tóm lại 100 thùng dầu và 50 thùng lúa tương đương với 500 ngày công, gần hai năm trời lao động vất vả.

Người quản lý trong xã hội Do Thái có rất nhiều quyền, “có thể cho người khác vay tài sản của chủ. Thường họ không có thù lao, nên khi lập hợp đồng, thì hay ghi số lượng trội hơn số lượng cho vay, để đến lúc hòan trả, họ thu lấy số dư làm của riêng. Trong dụ ngôn này, có thể người quản gia tính lại để chủ thu hồi số tài sản của ông, và như vậy lần này hắn hy sinh số dư đáng lẽ thuộc về hắn. Người chủ sẽ không bị thiệt, mà con nợ lại rất biết ơn hắn. Vậy phải hiểu hắn bất lương không phải vì sửa đổi số lượng kỳ này, nhưng vì những thao túng trước đó. Kỳ này hắn khôn khéo, nên mới được khen” (CGKPV, Tân Ước, trang 336).

Qua dụ ngôn người quản gia, Chúa Giêsu đưa ra ba bài học:

1- Bài học thứ nhất là : “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng, khi xử sự đối với đồng lọai” (Lc 16,8). Vì đồng tiền, vì sự sống ở đời này, người ta khôn khéo, xoay sở đủ cách. Còn con cái sự sáng, con cái của Chúa thì chậm chạp, lừng khừng trước Tin Mừng của Chúa, trước hạnh phúc Nước Trời.

2- Bài học thứ hai là : “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (16,9), nghĩa là dùng tiền bạc làm việc thiện, giúp người nghèo, để người nghèo giúp đưa vào Thiên đàng.

3- Bài học thứ ba là trung tín : “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em” (16,12). Của cải dành riêng là Nước Trời.

Bài đọc 2 : Thư thánh Phao-lô gửi cho ông Ti-mô-thê có một điều lạ, đó là lời khuyên này : “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền” (1Tm 2,1-2). Vua chúa và nhà cầm quyền thời thánh Phao-lô đều là những người bắt đạo, độc ác. Vậy mà thánh Phaolô lại bảo cầu nguyện cho họ. Bởi vì thánh Phao-lô bảo : “Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2,3-4). Như vậy dù họ độc ác thế nào, cũng hãy cầu nguyện cho họ, để họ cũng được cúu độ, vì Chúa muốn cứu mọi người, không trừ một ai, kể cả kẻ ác, người xấu.

Như vậy, Chúa muốn chúng ta là con cái Chúa đừng đặt đồng tiền lên trên tất cả. Song tình nghĩa mới là quan trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà khinh khi những người làm ăn bất chính; trái lại, hãy cầu nguyện cho họ, vì Chúa muốn cứu vớt mọi người.

Linh mục Nguyễn Trung Thành