Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm A


CN.25.A

(Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a)

Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với ba em : Luxia (10 tuổi), Phanxicô (9 tuổi), và Giaxinta (6 tuổi). “Luxia giữ vai trò ‘phát ngôn viên’ chủ chốt của biến cố. Giaxinta, tuy bé nhất, nhưng đơn sơ nhí nhảnh, năng động gây được nhiều chú ý. Phanxicô bản chất tự nhiên, hiền lành, ít nói” (Nguyễn Hữu Thy, Sự Lạ Fatima, trang 163).

Chị Luxia kể cho Đức cha giáo phận Leiria-Fatima về Phanxicô như sau : “Bản chất của Phanxicô hiền hòa và nhường nhịn. Khi chơi với chúng con em thắng, nhưng ai muốn cãi lại, em lập tức nhường ngay, và chỉ vỏn vẹn nói : ‘Cậu cho là cậu thắng hả ? Vậy cũng được ! Đối với tớ chẳng sao cả’ (Sđd,163).

Chị Luxia còn kể : “Nếu có đứa nào muốn lấy một vật gì đó của Phanxicô, em liền nói : ‘Cứ lấy đi ! Tớ cũng không cần đâu’… Có lần Phanxicô tới chơi với chúng con và mang theo  một chiếc khăn tay có in hình Đức Mẹ Nadarét, mà người nào đó tặng em ở bãi biển. Em đem khoe với con, và cả lũ trẻ, đứa nào cũng lấy làm ngạc nhiên thích thú. Thế là chiếc khăn được chuyền từ tay người này sang tay người khác, và sau một chốc thì chiếc khăn tự nhiên biến mất. Mọi người đi tìm, nhưng chẳng thấy đâu cả. Liền sau đó, con thấy chiếc khăn nằm trong túi một đứa bé. Khi con giằng muốn đòi lại thì nó bảo là của nó, có người cũng đã cho nó ở bãi biển giống như trường hợp Phanxicô vậy. Bấy giờ Phanxicô tới giàn hòa nói : ‘Thôi, nhường cho nó đi ! Chiếc khăn đối với em cũng chẳng là gì cả.’ Bấy giờ con nghĩ rằng sau này một khi Phanxicô lớn lên, thì cái lỗi chính của em sẽ là không bao giờ biết phiền hà gì cả” (sđd,165).

Qua lời tường thuật của chị Luxia, Phanxicô “nhường nhịn” và “không biết phiền hà” phản ảnh tinh thần của Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Lời Chúa trong bđ1 là đoạn sách ngôn sứ Isaia phần hai, được gọi là “Sách An ủi” (Is 40-55). Ngôn sứ loan báo những người Ít-ra-en đang bị lưu đày ở Babylon sắp được Thiên Chúa giải phóng, trở về quê hương xứ sở, vì Thiên Chúa “xót thương”, “rộng lòng tha thứ” (Is 55,7).

BTM : Qua dụ ngôn “Thợ Làm Vườn Nho” trong BTM Chúa nhật hôm nay, Thiên Chúa là đấng “xót thương” và “tha thứ”.

Thiên Chúa là ông chủ mướn thợ làm vườn nho không kể giờ giấc, chỉ biết xót thương. Ngài mướn 5  hạng thợ sau đây :

1- Thợ từ tảng sáng (6 giờ)

 2- Thợ từ giờ thứ ba (9 giờ)

 3-  Thợ từ giờ thứ sáu (12 giờ)

 4-  Thợ từ giờ thứ chín (15 giờ)

 5-  Thợ từ giờ thứ mười một (17 giờ).

Đến chiều ông chủ trả công ai nấy cùng một đồng.

Những người vào làm trước nhất cằn nhằn : “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12).

Ông chủ trả lời : “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận  với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt 20,13-15).

Trong tập sách “Lời Chúa Cho Mọi Người”, hai anh em linh mục Bernard và Louis Hurault cắt nghĩa : “Qua bao nhiêu thế kỷ, Thiên Chúa kêu gọi nhiều dân tộc khác nhau làm việc trong vườn nho của Người. Trước hết, người gọi ông Áp-ra-ham… Sau đó, vào thời ông Mô-sê, nhiều nhóm người khác đã gia nhập đoàn với nhóm dân ông để ra khỏi nước Ai Cập … Tiếp theo khi Chúa Ki-tô đến, Tin Mừng được loan báo cho những dân tộc khác… Họ gia nhập Hội Thánh và làm thành khối Ki-tô giáo…Trong dụ ngôn mọi  người đều ngang hàng với nhau và nhận cùng một quan tiền như nhau. Chớ gì ai nấy vui mừng vì, đang lúc thất nghiệp, lại được kêu đi làm việc(sđd,2005,116).

Trong tập sách “Tin Mừng Chúa Nhật Năm A” viết theo ông William Barclay, tác giả vô danh viết : “Những người làm mướn công nhật hoàn toàn sống nhờ vào lòng thương xót, vào cơ hội làm việc. Họ luôn sống trong đe dọa bị đói. Lương công nhật là một đồng, nếu họ thất nghiệp một ngày, thì con cái sẽ bị đói, vì không ai có thể để dành với số tiền một đồng một ngày. Đối với họ một ngày thất nghiệp là một tai họa…Nhà chú giải Motefiore gọi dụ ngôn này là ‘một trong những dụ ngôn lớn nhất và rực rỡ nhất’” (trang 245).

Bđ2 : Thư Phi-líp-phê của thánh Phao-lô trong bđ2 là một lá thư tràn đầy niềm vui, dẫu ngài viết khi đang ở trong tù. Phi-líp-phê là thành phố đầu tiên ở Hy Lạp thánh Phao-lô đến rao giảng Tin Mừng. Khi bị tù đày, ngài muốn “ra đi để được ở với Chúa” (Pl 1,23). Khi nghĩ đến giáo hữu thì ngài muốn “ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (24).

Tóm lại, Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay giúp chúng ta vui ở đời này vì Chúa và vì anh em, cũng như Phanxicô muốn nhịn nhường, vì không muốn phiền hà (24-9-2017)   

————————————————-

CN.25.A

Ngày 17-9-1798, đúng năm Đức Mẹ hiện ra ở La Vang, cách nay 213 năm, linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu tử đạo tại pháp trường Bãi Dâu, Huế. Ngài sinh tại giáo xứ Kim Long. Cha ngài đi theo nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn và bị tử trận. Vì hòan cảnh sinh nhai, mẹ con dời về giáo xứ Thợ Đúc.

Theo gương cha ngài, 15 tuổi ngài đi theo nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn. Cũng vì bại trận, ngài phải trốn ra miền Bắc. Tại miền Bắc ngài theo nhà Trịnh. Anh em nhà Trịnh tranh quyền diệt trừ nhau. Sự đời thay trắng đổi đen, ngài chán nản ra khỏi quân đội. Ngài gặp được một vị linh mục. Vị linh mục giúp ngài tìm được ý nghĩa cuộc đời. Ngài đi tu. Lúc đó ngài đã 30 tuổi. Sau 7 năm tu luyện, ngài được chịu chức linh mục. Ngài xin phép về Huế thăm mẹ.

Xa nhau đã 12 năm, mẹ con gặp nhau vui mừng kể sao cho xiết. Thấy mẹ già phải ở nhờ nhà hàng xóm, ngài xin phép bề trên ở thêm ít ngày để làm cho mẹ một mái nhà. Nhà Tây Sơn nghi ngờ người Công giáo theo nhà Nguyễn ra lệnh cấm đạo. Nhà Tây Sơn cho lính đến bao vây các xứ đạo. Trong đó có xứ Thợ Đúc và bắt được cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu.

Thấy cha bị bắt, mẹ ngài khóc, nói : “Ôi con tôi ! Con về thăm mẹ để bây giờ người ta bắt con, mẹ đau lòng lắm. Chúa ơi, người ta bắt con của con rồi !”.

Cha an ủi : “Thiên Chúa đã ban cho con được diễm phúc làm chứng cho Ngài. Con vui mừng tạ ơn Chúa. Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ hãy cùng con cảm tạ Chúa.

Khi cha bị giam trong tù, đôi ba lần mẹ ngài vào thăm. Bà nói :”Hằng ngày mẹ cầu xin Chúa cho con kiên trung chịu mọi hình khổ vì Chúa. Mẹ xin Chúa giúp con trung thành với Chúa đến giờ phút cuối cùng”.

Cha Triệu cảm động thưa lại : “Xin Chúa gìn giữ mẹ bình an. Con hứa với mẹ, con sẽ trung thành với Chúa cho đến chết. Xin mẹ cứ an tâm”.

Sau 40 ngày tù tội, tra tấn, xiềng xích, ngày 17-9-1798 cha bị điệu đến pháp trường Bãi Dâu. Mẹ ngài cũng đi theo đến pháp trường. Khi lý hình sửa soạn vung lưỡi gươm chém đầu ngài, bà khích lệ : “Tuy đau đớn trong lòng, nhưng mẹ vâng theo thánh ý Chúa. Lên thiên đàng con nhớ cầu cho mẹ.

BTM : Mấy tuần nay trong thánh lễ, Giáo Hội cho chúng ta đọc các BTM của thánh Mt nói về đời sống chung. Trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, người ta có thể sống chung với nhau được, nếu người ta : 1/ biết sửa lỗi cho nhau (CN.23), 2/ biết tha thứ cho nhau (CN.24), 3/ biết cư xử với nhau theo ý Chúa. (CN.25 hôm nay).

Qua câu chuyện “Những Người Thợ Làm Vườn Nho”, ông chủ, tức là Thiên Chúa, trả lương không theo sức lao động, theo giờ làm việc, mà theo lòng quảng đại rộng rãi  của ông đối với hoàn cảnh của mỗi người. Trái lại những người thợ từ đầu ngày thì bủn xỉn, ghen tị. Ông chủ trả lời với những người thợ đó : “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt 20,15).

Bđ1 : Ngôn sứ Isaia trong bđ1 cũng cho chúng ta thấy lòng Chúa khác với lòng người. Chúng ta ghen ghét nhau, để mãi trong bụng; còn Chúa thì sẵn sàng tha thứ, bỏ qua hết : “Kẻ gian ác…, người bất lương,,,, mà trở về với Đức Chúa, Người sẽ xót thương…, sẽ rộng lòng tha thứ” (Is 55,7).

Bđ2 : Bđ2 là một đoạn thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Philípphê ở Hy Lạp. Ngài viết khi ngài bị giam tù ở Êphêsô, một thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu ngài được chết tử đạo thì “được về ở với Chúa” (Pl 1,23); còn nếu được tha thì được về ở với các tín hữu. Hai đàng, đàng nào cũng tốt cả. Thế nhưng, tốt hơn hết là tuân theo ý Chúa, chứ không theo ý mình : “Dù tôi sống hay tôi chết, vì đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1, 20c).

Bà mẹ của cha thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu cũng đã sống theo ý Chúa. Lúc đầu thấy cha bị bắt thì bà khóc, buồn bã than thở : “Chúa ơi, người ta bắt con của con rồi !”. Nhưng sau đó, bà thay đổi. Bà không theo ý mình, mà theo ý Chúa. Bà đi theo cha Triệu tới pháp trường. Bà khích lệ cha : “Tuy đau đớn trong lòng, nhưng mẹ vâng theo thánh ý Chúa. Lên thiên đàng con nhớ cầu cho mẹ.

Chúng ta sống theo ý  ai ? Theo ý của tiền tài, của danh vọng, của quyền hành, của thế gian, hay theo ý Chúa ? Theo ý Chúa, cuộc sống chung sẽ vui vẻ, hạnh phúc (18-9-2011)

———————————————-

.CN.25.A

Để kiếm tiền chơi cờ bạc, trai gái và hút xách, hai thanh niên ngoại giáo đã tố cáo với chính quyền là nhà ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng ở Cù Lao Giêng, An Giang chứa chấp các đạo trưởng, các linh mục.  Quan quân đến vây nhà ông câu, bắt ông tra khảo, xem ông giấu các cha ở đâu. Ông không khai. Không muốn ông bị đánh đòn thêm nữa, cha Phêrô Đoàn Công Quí ra đầu thú.

Biết ông câu là người tốt, rộng rãi giúp đỡ nhiều người, không phân biệt lương giáo, nhất là những người bệnh tật và các trẻ em mồ côi, quan bảo ông giả đò bước qua Thánh Giá, để được về với gia đình; nhưng ông nhất quyết không bước qua Thánh Giá. Ngày 31-7-1859, ông bị cột giây vào cổ, 6 người lính kéo hai đầu giây cho đến khi ông tắt thở.

Ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng khi cho không phân biệt lương giáo, mà theo nhu cầu cần thiết. Sống hay chết không theo ý muốn của mình, mà theo ý muốn của Chúa.

BTM : Câu chuyện trả lương cho những người làm vườn nho trong BTM thánh lễ hôm nay đã nói lên lòng bác ái rộng rãi của Thiên Chúa.

Thánh  Phêrô hỏi Chúa Giêsu : “Chúng con đã bỏ mọi sự theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?” (Mt 19,27). Để trả lời Chúa Giêsu kể câu chuyện  trả lương cho 5 hạng thợ làm vườn nho :

Hạng I : làm từ 6g sáng

Hạng II : làm từ  9g sáng

Hạng III : làm từ 12g trưa

Hạng IV : làm từ 3g chiều

Hạng V : làm từ 5

Tất cả 5 hạng thợ, ông chủ đều trả lương bằng nhau. Vì thế, hạng thợ I đã cho ông là không công bằng.

Đối với người đời, đối với thế gian, công lao được tính theo sức lao động, theo giờ làm việc; nhưng đối với Thiên Chúa, tiền lương, phần thưởng được tính toán, được trả bằng tình thương.

Câu chuyện cũng còn muốn nói đến dân ngoại. Tuy dân ngoại được gọi vào làm vườn nho của Chúa, được theo đạo muộn hơn dân Do Thái; nhưng họ vẫn được Thiên Chúa đối xử ngang bằng với dân Do Thái. Thiên Chúa không phân biệt đối xử trước sau, sớm muộn. Thiên Chúa phân biệt theo lòng mến, tình thương của mỗi người : “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu; còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (20,16).

Bđ1 : Ngôn sứ Isaia trong bđ1 đã nói đến sự khác nhau giữa Thiên Chúa và loài người : “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8). Lòng của Chúa thì rộng rãi, còn lòng của lòai người thì bủn xỉn, ghen tị : “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (55,9).

Bđ2 : Bđ2 cho thấy sự do dự của thánh Phaolô. Khi chọn giữa sự sống và sự chết, chọn sự nào : chết thì được về với Chúa; còn sống thì giúp ích cho các tín hữu. Thánh Phaolô viết cho cộng đòan Philípphê : “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em” (Pl 1,23).

Thánh Phaolô đã chọn theo ý Chúa. Vì thế thánh Phaolô đã khuyên dạy các tín hữu Philípphê : “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” (1,27a).

Hôm nay xin Chúa giúp chúng ta theo gương Chúa Giêsu sống và cư xử theo tình thương, theo gương thánh Phaolô sống và chết theo ý Chúa, theo gương thánh Emmanuel Lê Văn Phụng không phân biệt lương giáo (21-9-2008)

—————————————–

CN.25.A

Có một câu chuyện người Do Thái nào cũng kể cho nhau nghe, đến nỗi thành chuyện cổ dân gian như những chuyện cổ tích của Việt Nam. Chuyện được ghi trong sách Talmud, sách Huấn Giáo của người Do Thái. Dĩ nhiên thời Chúa Giêsu ai cũng thuộc lòng.

Câu chuyện đó là : Có một vị vua đã thuê nhiều thợ phục dịch cho mình. Trong số đó có một người làm việc tích cực hơn. Nhìn thấy thế, Đức vua không bắt anh làm việc nữa, đưa anh đi đi lại lại dạo chơi với mình. Đến chiều các người thợ tiến đến để được trả công. Người thợ đi dạo với vua cũng được trả công bằng những người khác. Thấy vậy, các người thợ phàn nàn với Đức vua : chúng tôi đã mệt mỏi làm việc suốt ngày, còn anh này chỉ làm có 2 giờ, còn tòan đi dạo chơi, thế mà cũng được tiền công bằng chúng tôi sao ? Đức vua trả lời :  đó là vì trong 2g anh này làm việc nhiều hơn các anh trong trọn cả 1 ngày (Kho Báu Các Dụ Ngôn, trang 166-167).

Qua câu chuyện, Đức vua chưa chắc đã có tính rộng rãi thương người, cùng lắm là công bình. Tiền công ông trả theo khối lượng, theo năng xuất, theo kiểu giao khoán ngày nay. Có điều là anh làm giỏi, chỉ cần 2g mà năng xuất bằng cả ngày của người khác. Anh  làm việc vì năng xuất hơn là vì yêu, vì phục vụ.

Dụ ngôn Chúa Giêsu kề, ông chủ chẳng những công bình, trả sòng phẳng đúng như hợp đồng, mà còn có lòng thương, thương người thợ đến làm muộn. Vườn nho của mình không phải là thiếu thợ làm, ông phải đi mướn thêm; song vì ông “thấy còn những người ở không, đang ngồi ngoài chợ…, không ai thuê” (Mt 20,3.7). Ông thương họ, ông muốn ai cũng có công ăn việc làm. Tiền công của ông không chỉ căn cứ theo hợp đồng,  theo giao khoán, mà còn dựa trên tình cảnh của người thợ.

Dụ ngôn Chúa Giêsu muốn nói rằng : đạo Cựu Ước dựa trên năng xuất, công trạng; còn đạo Tân Ước dựa trên tình yêu. Người Công giáo, người theo Chúa Giêsu phải thay đổi não trạng, thay đổi bậc thang giá trị, phải đặt tình yêu lên trên tất cả. Chân trời phải mở rộng, cuộc đời phải làm vỡ tung các giới hạn của lối sống trần tục.

Cha Monfort xin các bậc làm cha mẹ : “Khi bế cháu đến nhà thờ xin chịu phép rửa tội thì đồng thời phải nhớ đến bổn phận : là dậy cho cháu biết chiều kích phục sinh của cuộc sống, tức là giúp cháu biết từ bỏ chính mình và chọn lựa tình yêu. Đó là khắc ghi vào tâm trí cháu một lối phán đoán theo gương Chúa Kitô, tức là lội ngược dòng đời, nơi mà thành công thường đồng nghĩa với quyền lực và tiền bạc. Đó là cho cháu biết các mối phúc thật, tức là cho cháu biết cách sống đại độ, chí can trường và lòng nhiệt thành. Đó là bày tỏ cho cháu niềm vui của Chúa Kitô, là vạch ra nơi cháu nẻo đường của Thiên Chúa”.

Kết thúc dụ ngôn Chúa Giêsu kể : “Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ : mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại trả công cho họ bằng chúng tôi, là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. Ông chủ mới trả lời cho một người trong bọn họ : Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một đồng sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm việc sau chót cũng được bằng bạn, chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý sử dụng của cải tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, đâm ra ghen tức. Thế là những người đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (10,11-16).

Những người làm từ sáng sớm cằn nhằn là người Do Thái. Họ được biết Chúa từ lâu. Những người thợ làm sau chót là những dân ngoại, mới được biết Chúa.

Dụ ngôn ”Những Thợ Làm Vườn Nho” hôm nay có lẽ vẫn giá trị với chúng ta ngày nay. Phải chăng chúng ta là những người mang danh là đạo dòng, đạo gốc, là bậc giáo sĩ, tu sĩ, là những thành viên hội nọ đòan thể kia… lại là những người kém hơn những tân tòng, những người mới vào đạo…

Thánh Phaolô trong bđ2 là gương mẫu nếp sống yêu thương, bao dung. Ngài không giữ đạo vì thiên đàng hay vì lợi ích của các tín hữu, mà vì Chúa Kitô.

Trong việc cứu trợ theo lời kêu gọi của Đức cha, nếu chúng ta cho không phải vì dư thừa, hay vì để có công trước mặt Chúa, mà cho vì yêu thương, vì tiếng Chúa mời gọi, thì chúng ta đã sống được bài học của Lời Chúa hôm nay (23-9-1990)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành