Chúa Nhật XXV TN – Năm C


Chúa Nhật XXV TN – Năm C

22-9-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ HộiYên

Đền Phước Kiều

GIÁO HUẤN SỐ 43

Phân định những hoàn cảnh “bất qui tắc” (tt)

Lịch Giáo phận trang 104

Những người li dị và đang sống một sự kết hợp mới, chẳng hạn, có thể thuộc về nhiều hoàn cảnh rất khác nhau, dù vậy ta cũng không phân loại xếp hạng mục hoặc khép họ vào những phạm trù quá cứng nhắc, đến nỗi không còn chỗ cho một phân định cá nhân và mục vụ phù hợp. Một sự kiện có thể xảy ra là sự kết hợp lần thứ hai đã ổn định theo thời gian, với những đứa con mới, chứng tỏ có sự trung thành, có sự cống hiến quảng đại, dấn thân sống đức tin Kitô giáo, ý thức tình trạng bất qui tắc của mình và rất khó quay trở lại mà lương tâm không cảm thấy rằng mình không thể tránh khỏi lại rơi vào những sai lỗi mới. Hội thánh nhận biết những hoàn cảnh trong đó “người nam và người nữ, vì những lý do hệ trọng – như nuôi dạy con cái – không thể thỏa mãn sự đòi buộc phải chia tay”. Cũng một trường hợp của những người đã nỗ lực nhiều để cứu cuộc hôn nhân đầu tiên của họ và đã bị bỏ rơi một cách bất công, hoặc trường hợp của “những người đã kí kết một khế ước thứ hai nhằm mục đích nuôi dạy con cái, và đôi khi trong lương tâm họ chủ quan tin rằng cuộc hôn nhân trước đây của họ đã đổ vỡ vô phương  cứu vãn, chưa bao giờ thành sự”. Có một trường hợp khác nữa, đó là một sự kết hợp  mới xảy ra từ một cuộc li dị chưa lâu, với tất cả những cuộc khổ đau vì hoang mang gây ra cho con cái và toàn thể gia đình, hoặc trường hợp của một người liên tục bỏ bê bổn phận gia đình. Cần phải thấy rõ rằng đó không phải là lí tưởng mà Tin Mừng đề ra cho hôn nhân và gia đình. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định rằng các Mục tử phải luôn luôn làm sao để “phân định thật thích đáng”, với một cái nhìn phân định rõ ràng các hoàn cảnh. Chúng ta biết rằng không có “những toa thuốc đớn giản” (Niềm Vui của Tình Yêu số 298).

————————————————

Chúa Nhật XXV TN – Năm C

(Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)

Lời Chúa các chúa nhật mấy tuần nay dạy những nhân đức thật quí giá: CN 22 dạy nhân đức khiêm nhường và hiền lành, CN 23 dạy nhân đức từ bỏ và vác thập giá, CN 24 dạy nhân đức thương người tội lỗi, CN 25 hôm nay dạy về tiền bạc.

Bđ1: Lời Chúa trong bđ1 nghe thật não nuột, buồn thảm. Ngôn sứ Amốt sống trước Chúa Giêsu gần 800 năm. Nước Ítraen thời ngôn sứ giầu có thịnh vượng : có nhiều nhà giầu, đồng thời cũng có nhiều nhà nghèo. Nhà giầu thì làm ăn bất chính, nhà nghèo thì bị bóc lột.

Người giầu tham lam đến nỗi bỏ cả lễ lạy, có đi thì chỉ mong lễ cho nhanh, để về buôn bán: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sabát để ta bày thóc ra?” (Am 8,5a).

Người giầu dùng mọi cách bất chính để đánh lừa thiên hạ: “Ta sẽ làm cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ” (8,5b).

Người giầu chỉ biết trọng đồng tiền, coi nhẹ phẩm giá con người: “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục ta cũng đem ra bán” (8,6).

BTM: Người quản lý trong BTM thánh lễ hôm nay cũng gian lận. Người nợ chủ 100 thùng dầu, anh bảo ghi bớt lại còn 50, người nợ 1000 dạ lúa thì bảo bớt lại còn 800 dạ (Lc 16,5-7).

Tiền bạc là phương tiện để sinh sống, chứ không phải là cùng đích của đời người. Nếu đặt tiền bạc làm chủ, còn mình làm đầy tớ, thì như Chúa nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Người ta thường nói: “Tiền vào thì Chúa ra”.

Bđ2: Tuần trước, Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta yêu thương và cầu nguyện cho người tội lỗi. Tuần này, thánh Phaolô trong bđ2 khuyên dạy chúng ta cầu nguyện cho những người gian lận, tham lam tiền bạc, đặc biệt cho vua chúa và những người cầm quyền, để “chúng ta được an cư lạc nghiệp” (1Tm 2,2).

Trong truyện các thánh tử đạo VN, nhiều vị thà chết để thờ Chúa, chứ không thờ tiền.

Thánh Giuse Trần Văn Tuân là một nông dân của giáo xứ Nam Điền, giáo phận Bùi Chu. Ngài chỉ biết chăm chỉ làm ăn, phụng thờ Thiên Chúa, giúp đỡ mọi người. Trong làng có người ghét đạo, và tham tiền, đã báo cáo cho nhà cầm quyền biết nhà thánh Tuân chứa chấp các đạo trưởng, linh mục, để được tiền thưởng.

Thánh Giuse Tuân bị bắt. Quan bắt khai chỗ trú ẩn của các đạo trưởng, ngài không khai. Ngài bị đánh 30 roi, thịt bị móc ra, máu chảy lai láng. Vợ con và dân làng chứng kiến trận đòn chí tử, nhưng không hề khuyên ngài chối Chúa, một lòng cầu nguyện cho ngài bền lòng vững chí.

Bị điệu ra tòa để tra khảo, quan dịu dàng dụ dỗ:

Này ông Tuân, ông chỉ là một giáo dân. Ta biết ông hiền lành, được nhiều người thương mến. Ta không muốn kết án tử hình ông, vì ông còn có bổn phận nuôi nấng vợ con. Vậy hãy nghe ta. Ông bước qua thập giá, ta tha cho về với vợ con.

Thánh Giuse Trần Văn Tuân nhã nhặn trả lời:

Bẩm quan lớn, quan lớn dạy tôi bước qua Thánh Giá Chúa tôi, thì tôi không thể làm theo lời quan được. Quan lớn thương cho tôi về với gia đình thì tôi muôn vàn đội ơn quan lớn. Nếu quan lớn kết tội, thì tôi sẵn sàng chịu chết vì Chúa tôi.

Cuối cùng quan bảo:

Chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi ông suy nghĩ trước sau mà bỏ đạo Gia Tô, vì đạo này là đạo của Tây, vua đã cấm. Vậy hôm nay chúng tôi mong ông vâng lệnh vua và nghe lời khuyên của chúng tôi mà bỏ đạo. Chúng tôi sẽ tha và trọng thưởng cho nhiều vàng nhiều bạc.

Thánh Giuse Tuân khẳng khái đáp:

Bẩm lạy các quan, tôi xin cám ơn các quan. Tôi xin sẵn lòng chịu chết chứ không thể bỏ đạo được. Được sống và được thưởng tiền bạc thì quí trọng thật. Nhưng bỏ Chúa để lấy tiền bạc thì không bao giờ tôi làm. Tôi nhất định không bỏ đạo, không bước qua Thánh Giá, dù phải chết thì tôi sẵn lòng chịu chết.

Ngài bị chém đầu tại pháp trường Bẩy Mẫu Nam Định ngày 7-1-1862 dưới thời vua Tự Đức.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành