Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm A
CN 26 TN A
Ngày 01/10/2023
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN A
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hà Tân
Giáo họ Phú Quý
GIÁO HUẤN SỐ 45
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Những người theo tân thuyết Pê-la-gi-ô
Thế nhưng, một số Kitô hữu vẫn cố đi con đường khác, đó là con đường công chính hóa bằng nỗ lực riêng của mình, tức tôn thờ ý chí con người và những khả năng của họ. Kết quả là sự tự mãn mang tính trịch thượng và qui ngã, đánh mất tình yêu đích thực. Điều này được diễn tả nơi nhiều cách nghĩ và cách làm có vẻ rất khác nhau: nỗi ám ảnh về lề luật, sự miệt mài bận tâm về những thuận lợi chính trị và xã hội, mối quan tâm quá chi li về phụng vụ, giáo lý và Thánh Thể của Giáo hội, thái độ kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, và mối bận tâm quá đáng về những chương trình tự lực và sự thành tựu cá nhân. Một số Kitô hữu bỏ thời giờ và sức lực cho những điều này, hơn là cho phép chính mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần trên con đường yêu thương, hơn là khao khát chuyển đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng và khao khát tìm kiếm những người lạc mất trong những đám đông đang khát vọng Đức Kitô (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 57).
LỜI CHÚA
Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Người nữ tu Mến Thánh Giá thế kỷ 17
Có thể nói, ngay từ những ngày đầu khai sinh, Dòng Mến Thánh Giá đã hiện diện trong hoàn cảnh xã hội vô cùng khó khăn, gian nan thử thách. Mặc dù nguy nan bao vây tư bề, các Nữ tu Mến Thánh Giá vẫn hòa nhập vào nhịp sống của Giáo hội và xã hội bằng sự dấn thân không biết mệt mỏi. Các chị không ngừng thi hành sứ mạng truyền giáo theo tinh thần Đấng sáng lập trong sự âm thầm và lòng yêu mến Giáo hội. Hình ảnh ‘Các bà mụ Mến Câu Rút’ ở Đàng Trong đã khá quen thuộc với đa số giáo dân Việt Nam. Hình ảnh quen thuộc nhất có lẽ là từng nhóm hai người Nhà Mụ quẩy gánh thuốc viên, hoặc hai Dì Nhà Phước tay trong tay mang đầy thuốc gia truyền, rảo khắp các nẻo đường bán thuốc chữa bệnh cho người bình dân như một kế sinh nhai khiêm tốn, và thi hành sứ mạng tông đồ là tìm trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử để rửa tội, và khuyên bảo người ta chăm lo phần rỗi linh hồn (Hiệp Thông số 116, tháng 1&2 năm 2020, trang 142-143)
Hình ảnh ‘Người Nữ Tu Mến Thánh Giá’ diễn tả bài học ‘làm hơn nói’ trong Lời Chúa Chúa nhật 26 TN Năm A hôm nay.
Bài Tin Mừng (Mt 21,28-32) : Đức Giáo hoàng Phanxicô giảng ngày 1-10-2017 : ‘Lời Chúa thách đố con người chúng ta qua dụ ngôn ‘hai người con’ trả lời cha mình, khi ông bảo chúng ra vườn nho làm việc : người con thứ nhất ‘thưa không’ với cha, nhưng rồi sau đó, lại ra vườn làm việc; còn người con thứ hai thưa hai tiếng ‘xin vâng’, nhưng rồi lại không đi làm. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa người con thứ nhất là tay làm biếng và người con thứ hai là kẻ giả hình. Chúng ta hãy thử tưởng tượng mà xem điều gì đã xảy ra giữa hai người con này. Trong con tim của người con thứ nhất sau tiếng ‘con không đi’, vẫn còn vang vọng lời mời gọi của cha mình; còn trong quả tim của người con thứ hai, thì trái lại, sau tiếng ‘con đi’ , giọng nói của người cha đã bị mất hút ngay. Kỷ niệm về người cha đã giúp cho người con thứ nhất thoát được sự lười biếng; còn trong khi đó, người con thứ hai, mặc dầu đã biết lời cha yêu dấu của mình là điều tốt dẹp, nhưng lại phủ nhận ‘lời nói’ bằng hành động. Thật thế, lời cha dạy đã không còn có thể thấm nhập vào tâm hồn của người con này được nữa, anh đã chấp nhận một cuộc sống hai mặt mà không cần bàn cãi gì thêm. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su đặt ra trước mắt chúng ta hai con đường – chúng ta ai ai cũng có cảm nghiệm này rồi – vâng chúng ta không sẵn sàng thưa vâng bằng cả lời nói lẫn hành động, bởi vì chúng ta là những tội nhân. Nhưng khi chúng ta chọn sống như những tội nhân trên bước đường hành trình, những tội nhân vẫn cố gắng lắng nghe Lời Chúa, và khi sa ngã, thì biết ăn năn và chỗi dậy như người con thứ nhất, hay khi chúng ta chọn sống như những tội nhân ngồi một chỗ. những tội nhân luôn sẵn sàng thanh minh thanh nga, và chỉ có biết xử sự bằng lời nói, dựa theo điều gì thích hợp với mình ‘(JB Lưu Văn Lộc, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, tang 172-273).
Bài đọc 1(Ed 18,25-28) : một ý niệm rất dễ xảy ra nơi người Do Thái, qua lịch sử, tất cả đều nghĩ rằng : tội lỗi của cha mẹ họ để lại hậu quả nơi con cái. Ngay các Tông đồ cũng không bỏ ý niệm này. Khi họ thấy một người mù, các ngài hỏi Chúa : ‘Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?’ (Ga 9,1-2). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói : mỗi người có trách nhiệm về tội lỗi của mình, vì mỗi người có tự do. Người tốt có thể phạm tội; người xâu có thể sám hối, trơ về đường ngay nẻo chính (Kevin O’Sullivan, The Sunday Readings A, trang 338-339).
Bài đọc 2(Pl 2,1-11) : Bè phái và chia rẽ luôn là một phần trong đời sống của Giáo hội. Tuy nhiên, Tin Mừng kêu gọi tín hữu mặc lấy tấm gương tự hạ của Đức Kitô. Những ai bắt chước Người sẽ không còn tham vọng cá nhân, và cũng sẽ không còn xem chính mình hơn người khác. Những người như thế sẽ được Thiên Chúa vinh danh và sống an bình trong cộng đoàn (tFrank J. Matera, Dòng Tên Việt Nam, Thư Phaolô, trang 92).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha,
chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng
cách tỏ tường hơn cả,
xin không ngừng ban ơn
giúp chúng con đạt tới Nước Trời
và chúng con hết lòng theo đuổi.
Chúng con cầu xin.
SUY NIỆM II
TRI HÀNH HỢP NHẤT
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Chuyện kể rằng: Thomas Mertin mồ côi cha mẹ lúc lên mười sáu tuổi, hai mươi tuổi ông theo Đảng Cộng Sản, lúc hai mươi ba tuổi thì trở lại đạo Kitô, hai mươi bốn tuổi làm phóng viên cho tuần báo New York, sau khi nghỉ phóng viên đến hai mươi sáu tuổi từ bỏ mọi sự cuốn gói đi theo Chúa. Thomas Mertin đến ở nhà Dòng Kentucky và trở thành tu sĩ sống đời chiêm niệm. Trong tập sách tự thuật về “Cuộc Đời Của Mình”, Thomas mô tả lại những bước đầu tiên của cuộc trở lại như sau: Lúc đó tôi vừa mới xong trung học và đang dùng xe lửa để đi thăm khắp nơi Âu Châu với một cuộc sống khá phung phí. Một hôm nằm trong khách sạn, tôi chợt ý thức về những tội lỗi của mình, tất cả mọi sự qua đi thật nhanh. Tôi như được soi sáng để nhìn biết sự khốn cùng của tâm hồn tôi. Tôi nhất định thoát ra khỏi hoàn cảnh này, khỏi những ồn ào và lần đầu tiên Thomas Mertin đã ý thức là mình đã có kinh nghiệm cầu nguyện, cầu nguyện để xin Thiên Chúa giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc và kể từ đây phải vâng và làm theo thánh ý Chúa để được bình an”.
Chúa Giêsu qua câu chuyện người cha và hai đứa con này muốn nói với chúng ta: Muốn vào Nước Trời, vấn đề không phải chỉ nói “có”ngoài môi miệng mà phải làm theo ý của Chúa Cha. Hai người con, không có người nào đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha. Cả hai đều không làm cha mình hài lòng. Nhưng người con thứ nhất rõ ràng là tốt hơn người con thứ hai. Bởi vì, tuy lúc đầu anh đã nói “không”, rồi sau đó anh đã đi làm ngay, thì thật là tốt biết mấy!
Trong cuộc sống đức tin, chúng ta thường cũng có hai hành động này: Thứ nhất nói nhiều hơn làm, chúng ta hứa hẹn đủ điều, nhưng rồi không làm gì cả. Thứ hai làm nhiều hơn nói, họ không hứa hẹn, không ba hoa khoác lác, nhưng làm những việc đạo đức, nhân hậu, tốt lành, có khi làm một cách kín đáo. Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta rất bối rồi lúng tùng với hai động thái này như chính Thánh Phaolô cũng từng bị: “sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,18).
Lời hứa không bao giờ có thể thay thế được việc làm, và lời nói hoa mỹ không bao giờ thay thế được nghĩa cử. Người con thứ hai tỏ ra lịch sự bên ngoài, khi lễ phép trả lời; “Thưa cha, vâng ạ”. Nhưng rồi lại không đi làm. Lễ phép suông là một việc giả dối, hảo huyền. Lễ phép thật là vâng lời, thực hiện một cách sẵn lòng, vui vẻ. Vì vậy, Chúa Giêsu dạy chỉ thi hành Lời Chúa mới xứng đáng vào Nước Trời: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Cho nên, người Kitô hữu đích thực là người đón nhận mệnh lệnh của Cha với thái độ vâng phục và kính trọng đồng thời chấp hành mệnh lệnh trọn vẹn trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Ngày nay, người ta thường nói: “Con đường dài nhất là con đường từ đầu đến tay”, còn người Kitô hữu chúng ta cần phải để cho Lời Chúa “đi từ lỗ tai đến tim óc và cuối cùng đến đôi tay, đôi chân”. Nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai thôi- tai này lọt qua tai kia là hết- Nhiều người khác đã để cho Lời Chúa đánh động quả tim và trí tuệ, nhưng rồi họ ngừng lại tại đó, không dám đi xa hơn, vì sợ phải hy sinh, từ bỏ… Rốt cuộc Lời Chúa vẫn là cái gì mông lung, không thực tế, không liên hệ gì đến đời thường: đời sống làm ăn, đời sống gia đình, đời sống tình cảm… Lời Chúa vẫn bị nhốt trong nhà thờ, trong các cuộc tĩnh tâm, các buổi cầu nguyện chia sẻ… Làm sao để Lời Chúa được “đến đôi tay và cuộc sống thường ngày”, nghĩa là được đem ra thực hành ở giữa chợ, ở trường học, ở cơ quan, nơi gia đình, giáo xứ và cả ở những nơi giải trí… Chỉ như thế, lời thưa xin vâng sống trọn ý và Lời Chúa dạy mỗi ngày sắt son, kiên trì và sống động hơn.
Quả thực, con đường đi từ việc lắng nghe Lời Chúa, thấm vào con tim trí óc đến đôi tay và cả con người là một con đường dài và gian khổ. Để đi trên con đường này, người kitô hữu phải được giải phóng khỏi cái tôi nặng nề, với những lo toan và sợ hãi, những tính toán và vun quén cho mình. Biết rung động trước nỗi khổ của người khác, biết chia sẻ cho đi mà không cần tính toán, biết tìm an ủi người ốm đau bệnh tật, biết đón nhận thánh ý Chúa và thi hành thánh ý Ngài trong cuộc sống khi thịnh vượng hay lúc gian nan khốn khó. Vì vậy, Thánh Gioan đã cảnh giác chúng ta: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm thực sự” (1Ga 3,18).
Thời Chúa Giêsu, những người Luật Sĩ và Biệt Phái Pharisêu bị lên án dữ dội vì họ giả hình- nói mà không làm, đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng tránh né cho chính mình. Ngày nay cũng vậy: có Pharisiêu thời xưa thì cũng có Pharisiêu ngày nay: dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác, tự chước chuẩn cho mình. Điều răn Chúa dạy nghe và thuộc lòng đó nhưng còn phạm như cơm bữa.
Kitô giáo là một tôn giáo của đức tin. Nhưng đức tin bên trong của chúng ta phải được thể hiện ra hành động: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Chúa Giêsu đã định nghĩa Kitô hữu là “ánh sáng cho thế giới” và “Muối men cho đời”. Thế giới hôm nay cần thấy việc tốt của chúng ta trước khi họ tin nhận giáo lý của Chúa Kitô. Họ tin vào Đạo vì thấy những người dám sống đạo, dù phải chịu thiệt thòi và nguy hiểm như Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống và giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su”.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa soi sáng giúp chúng ta nhận ra thánh ý Chúa trong những việc làm hàng ngày, trong những biến cố xảy ra trong đời sống của chúng ta và xin Chúa ban cho chúng ta được ơn can đảm chu toàn đến cùng, xin Chúa gìn giữ mỗi người trong bình an của Chúa hầu kiên trì sống đức tin thực hành trong cuộc sống. Amen.