Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm B


CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM B

26-9-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Đông Vinh

GIÁO HUẤN SỐ 44

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Ki-tô (tt)

Tình bạn với Đức Giê-su không thể bị gãy đổ. Người không bao giờ rời bỏ chúng ta, ngay cả dù có những lúc dường như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần Người, Người tỏ mình cho chúng ta (x. Gr 29,14). Người vẫn ở bên ta, dù ta đi tới đâu (Gs 1,9). Người không bao giờ phá vỡ giao ước của Người. Người chỉ yêu cầu rằng chúng ta không bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).  Nhưng cho dù chúng ta đi lạc khỏi Người, “Người vẫn trung thành, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13) (Tông huấn Đức Ki-tô Hằng sống, số 154).

—————-

CN 26 TN NĂM B

(Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48)

Đụng độ với cha Futici

Ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cha Futici yêu cầu cha Chevreul dâng lễ và giảng. Cha Chevreul viết : “Tôi liền lợi dụng cơ hội để tuyên bố công khai mình là  Cha Chính của Đức cha hiệu tòa Béryte (Đc Lambert de la Motte) và được sai đến Đàng Trong với tư cách đó. Đang giữa bài giảng, tôi công bố cho dân chúng biết điều đó. Cả cha Futici và ông Jean de la Croix đều hết sức ngỡ ngàng, không dám phản đối. Tôi cũng lấy uy quyền mà ban cho nhà nguyện một ơn toàn xá, theo như Đức Thánh Cha đã ban cho chúng tôi dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Hôm ấy tôi đã giải tội và cho nhiều người rước lễ trong thánh lễ.

Cử chỉ đột ngột và thiếu thận trọng, cũng như những trao đổi trước đã làm cho cha Futici bất mãn và chạm tự ái vì như truất quyền của dòng Tên. Bao nhiêu công khó của dòng Tên đổ vào Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài để truyền đạo, qua lời tuyên bố của cha Chevreul, như thành bọt biển. Từ đây các Cha dòng Tên như làm công cho các thừa sai Pháp. Một bầu khí ngột ngạt giữa hai Cha cứ dầy đặc. Còn ông De la Croix yêu cầu nhà chúa trục xuất ngay cha Chevreul, nhưng bất thành. Thấy tình trạng xung khắc ngày càng nặng, cha Chevreul cùng người thông ngôn thuê thuyền vào Cửa Hàn (Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, Tập 3, trang 144).

Để tránh nhà cầm quyền Bồ Đào Nha nhúng tay vào việc đạo, Tòa Thánh muốn bãi bỏ ‘Quyền Bảo Trợ’ dành cho họ và lập Bộ Truyền Giáo. Hội Thừa Sai Paris nẩy sinh vì lý do đó, và gây ra sự chia rẻ. Các Bài đọc thánh lễ hôm nay cũng nói lên lòng ghen tị và chia rẽ.

Bài đọc 1 (Ds 11,25-29): Sách Dân Số kể: “Con cái Ít-ra-en khóc lóc mà nói: ‘Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ăn cá bên Ai Cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi (11,4-6) … Ông Mô-sê nghe thấy dân tụm năm tụm bẩy theo thị tộc mà kêu khóc tại lều của mình. Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận. Ông khổ tâm và thưa với Đức Chúa: ‘Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: ‘Hãy bồng nó vào lòng như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng?  Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn? Một mình con không thể gánh cả dân này được vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi thì hơn – ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa! (11,10-15).

Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy tập họp lại cho Ta 70 người trong số kỳ mục Ít-ra-en, những kẻ ngươi biết là kỳ mục và ký mục trong dân. Ngươi sẽ đem chúng đến Lều Hội Ngộ.  Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên chúng, chúng sẽ cùng với ngươi mà gánh vác dân này, và ngươi sẽ không phải vác một mình nữa (11,16-17).

 Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên 70 kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn (11,25)

 Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-dát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Ông Giô-suê, con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: ‘Thưa Thầy, xin Thầy ngăn cản họ!” Nhưng ông Mô-sê trả lời; ‘Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người, để họ đều là ngôn sứ !’ Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ (11,26-29).

Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em Bernard và Louis Hurault viết: “Đoạn văn mô tả ông En-đát và Mê-đát cho chúng ta thấy rằng không phải Thiên Chúa luôn luôn ban Thần Khí của Người qua trung gian Phẩm trật. Đúng là En-đát và Mê-đát có mặt trong danh sách các kỳ mục, nhưng lúc ấy họ không ở bên ông Mô-sê. Cũng thế, các vị lãnh đạo trong dân Thiên Chúa đừng ngạc nhiên vì đôi khi Thần Khí được thông ban cho những nơi mà họ không có mặt và không có sự can thiệp của họ. Đó là trường hợp ông Cô-nê-li-ô (Cv 10) và thánh Phao-lô (Cv 9). Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người là ngôn sứ (11,29)  (Nhóm CGKPV chuyển ngữ trang 227).

Bài Tin Mừng (Mc 9,38-43.45.47-48): Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay: “Người vừa dạy các ông dẹp ‘cái tôi cá thể’ thì ông Gioan lại chìa ra ‘cái tôi tập thể’: thưa thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỉ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta’. Thế ra theo Thầy không đủ, phải theo chúng con nữa! Ông muốn Thầy trò trở thành một phe nhóm. Đức Giê-su đưa ra một nguyên tắc cởi mở: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta’.

Áp dụng nguyên tắc cởi mở ấy, Mc gom vào đây những lời giáo huấn về thái độ phải có đối với những người bé mọn.

 “Ai cho anh em uống một chén nước, vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu “(9,41)

“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ mà ném xuống biển còn hơn” (9,42).

 Tại sao Người khắt khe như vậy? Vì Nước Trời đáng giá hơn hết mọi sự, đáng cho người ta đánh đổi bất cứ cái gì, kể cả một phần thân thể của mình.

 “Nếu tay anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì chặt nó đi. Thà cụt một tay mà vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt (9,43).

Đức Giê-su nêu lên giá trị tuyệt đối của Nước Trời, đáng đánh đổi tất cả đến mạng sống của chúng ta nữa.

Người cũng cho chúng ta biết phải chọn giữa Thiên Đàng và Hỏa Ngục, chứ không có chỗ thứ ba. Đồng thời Người cũng dùng hình ảnh lửa và muối để nói về con đường vào Thiên Đàng cũng đầy thử thách như phải luyện bằng lửa, có lẽ ám chỉ tới lời sách ngôn sứ Ma-la-khi : “Ai chịu nổi ngày Người đến ? Ai đứng được khi Người xuất hiện ? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt, Người sẽ ngồi để luyện kim lấy bạc. Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật theo lẽ công chính (Ml 3,2).

Muối cũng là một yếu tố quan trọng để của lễ được trọn vẹn

 Các ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm các ngươi dâng tiến, các ngươi không được để lễ phẩm các ngươi thiếu muối của giao ước Thiên Chúa các ngươi, các ngươi phải dâng mình cùng với mọi lễ tiến của các ngươi (Lv 2,13).

“Muối giao ước của Thiên Chúa” giúp các môn đệ “sống hòa thuận với nhau”.

Lần đầu loan báo Cuộc Thương Khó thì Đức Giê-su nói điều kiện để làm môn đệ là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Lần này thì Người giải thích thế nào là từ bỏ chính mình: trở nên số không, trở nên người rốt hết, người phục vụ mọi người. Đi theo Đức Giê-su là vào trong Giao Ước Mới, nên phải sống hòa thuận với nhau, đừng tranh giành địa vị, đừng gây phe cánh, nhưng mỗi người hãy trở nên người rốt hết và phục vụ mọi người. Đó là bài học cuối cùng và long trọng nhất, dưới mái nhà ở Ga-li-lê (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 152-154).

Bài đọc 2 (Gc 5,1-6): Bài đọc 1 nói sự chia rẽ bởi sự ghen tỵ. Bài Tin Mừng nói sự chia rẽ bởi phe đảng. Bài đọc 2 nói sự chia rẽ bởi lòng tham. Thánh Gia-cô-bê viết: “Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên óan trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5,4).

Sách “Kinh Thánh” của nhóm CGKPV viết: “Đoạn này thánh Gia-cô-bê thẳng thắn tố cáo những người giầu ăn ở bất công, đàn áp người nghèo, giọng điệu cũng giống như mấy ngôn sứ thời trước (Is 5,8-10; Gr 5,26-30; Am 8,4-8)  và gần với Tin Mừng (Mt 6,19) : kho tàng của người giầu bị mối mọt ăn và làm chứng chống lại họ trong ngày phán xét” (trang 2704).

Sách Giáo Lý viết: “Thánh Âu-tinh coi ganh tị là “thói xấu của ma quỉ”.

“Ganh tị sinh ra thù ghét, nói xấu và vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác được may lành” (số 2539, trang 702).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành