Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29
“Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri”.
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.
Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: “El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
Xướng: Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy.
Xướng: Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao.
Bài Ðọc II: Gc 5, 1-6
“Của cải các ngươi bị mục nát”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Allluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: ” Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47
“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Xây dựng tinh thần hiệp nhất – diệt trừ óc bè phái
Bài đọc 1 Sách Dân Số cho chúng ta thấy khi ông Giôsuê muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bảy mươi vị Kỳ Mục của mình, đã xin Môsê ngăn cản hai ông En-đát và Mê-đát nói tiên tri. Tại sao ông Giôsuê ghen tương với 2 ông và xin ngăn cản hai ông không được nói tiên tri vì hai ông này có tên trong danh sách 70 kỳ mục, nhưng không đến Lều có Hòm Bia Thiên Chúa ngự, có ông Môsê, ông Giôsuê ở đó. Hai ông này ở tại lều của mình mà Thần Khí vẫn xuống trên các ông nên các ông nói tiên tri tại lều của mình. Vì vậy, ông Giôsuê cho là không thuộc về phe mình mà nói tiên tri là không được, phải loại trừ họ ra. Cho nên, ông Môsê đã trả lời với ông Giôsuê: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!”. Ông Môsê dạy cho ông Giôsuê bài học hãy có tinh thần hiệp nhất, loại trừ óc bè phái. Rồi, đến Bài Tin Mừng, Thánh Máccô kể khi ông Gioan thấy có người không thuộc về Nhóm Mười Hai Tông Đồ đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, ông đã ngăn cản người ấy. Tưởng là có công lớn, ông đem khoe với Chúa Giêsu. Nhưng ông không ngờ trước phán quyết của Chúa: “Đừng ngăn cản người ta làm gì! Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Câu trả lời của ông Môsê và Chúa Giêsu thật đáng giá, vì chính thức lên án một tấm lòng hẹp hòi, một khối óc cục bộ bè phái, không có tinh thần hiệp nhất. Thái độ khép kín, phe nhóm như thế không đúng tinh thần cởi mở của Chúa Giêsu: “Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi”, “đừng dập tắt Thánh Thần”. Không phải chỉ có Giôsuê hay Gioan, mà Giáo Hội cũng đã nhiều lần muốn bảo vệ cái độc quyền nhân danh Đức Chúa của mình. Lịch sử Giáo Hội cũng là một chuỗi biến cố đau thương làm cho những trang sử của Giáo Hội mất đi vẻ trong sáng, hiệp nhất. Con người luôn bị cám dỗ áp đặt cho chính Thiên Chúa cái suy nghĩ hẹp hòi của chính mình. Bởi đó, Cộng Đồng Vatican II đã đánh dấu một trang sử mới của Giáo Hội về chính mình, về thế giới, về những tôn giáo khác, về những người không tin. Không còn là thái độ lên án, khinh thường miệt thị nữa, mà là một thái độ trân trọng thực sự và đối thoại chân thành. Từ thái độ tự cao tự đại, tưởng mình độc quyền chân lý chuyển sang thái độ khiêm tốn biết giới hạn của mình, đồng thời nhìn ra cái chân, cái thiện, cái mỹ nơi người khác, nơi các dân tộc khác, trong các nền văn hoá khác.
Cho nên, trong bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ liên tôn tại Indônêsia ngày 5-9-224 vừa qua, Ngài nói rằng: “Cần phải nhắc đến việc xây dựng một đường hầm dưới lòng đất – “đường hầm thân hữu” – nối liền Đền thờ Hồi giáo Istiqlal và Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Lên Trời. Đó là một dấu chỉ hùng hồn, cho phép hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ “đối diện”, mà còn “kết nối” với nhau. Thực tế, lối đi này cho phép một cuộc gặp gỡ, đối thoại, và khả năng thực sự của việc “khám phá và thông truyền ‘khoa thần bí’ của việc sống chung, hòa nhập, gặp gỡ, […] để lao mình vào dòng thác này, dòng thác hỗn mang nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một dòng người thể hiện tình liên đới, một cuộc hành hương thánh” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 87). Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục đi theo con đường này, để tất cả cùng nhau, mỗi người vun đắp linh đạo và thực hành tôn giáo của mình, chúng ta có thể bước đi tìm kiếm Thượng Đế và góp phần xây dựng các xã hội cởi mở, đặt nền tảng trên sự tôn trọng và yêu thương nhau, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, thái độ cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được.
Người môn đệ Đức Kitô hôm nay phải có trái tim rộng lớn, cởi mở như Thầy Giêsu, sẵn sàng bắt tay hợp tác với mọi người và mời gọi mọi người cộng tác vào những việc tốt, việc hữu ích cho những người chung sống quanh ta dù, trong giáo xứ, giáo phận dù họ khác biệt niềm tin hay tôn giáo. Đừng bao giờ kỵ thịnh họ, loại trừ hay cấm cản ai, nhất là những người thành tâm thiện chí xây dựng hòa bình và tính hiệp nhất yêu thương. Tinh thần quảng đại bao dung, đoàn kết và hiệp nhất của Đức Kitô không cần biên giới, không chấp nhận bị ràng buộc trong một phe nhóm, hội đoàn, giáo xứ hay một tổ chức nào. Tinh thần đó phải vượt lên trên mọi khác biệt dân tộc, tôn giáo hay niềm tin… vì Thần Khí Chúa được ban cho mọi người không phân biệt ai. Vì vậy, ngauy tại giáo xứ, hội đoàn hay lành xóm chúng ta đang sống, chúng ta hãy lấy tinh thần của Lời Chúa hôm nay mà sẵn sàng cộng tác, liên đới chung tay với các tăng ni phật tử, các anh em tín đồ của nhiều đạo khác để làm công tác từ thiện bác ái, thăm viếng bệnh nhân, chăm sóc các cô nhi quả phụ, dạy học, canh tác nông lâm nghiệp để xóa đói giảm nghèo… Có gì tuyệt vời cho bằng chân lý yêu thương của Đức Kitô được mọi người anh em Phật Giáo, Khổng Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Công Giáo cùng nhau chia sẻ và phấn đấu thực hiện câu Lời Chúa Giêsu dạy: “Phàm ai hoạt động trong đức ái là đã thuộc về Đức Kitô” (Mc 9,41). Bởi vì bất cứ người tốt việc tốt từ đâu, ở phía nào, cũng đều được Chúa chấp nhận. Bất cứ hành động công bằng nào, công việc bác ái yêu thương hiệp nhất đều sẽ được Chúa thưởng công như Lời Chúa Giêsu hôm nay quả quyết: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em là người của Đức Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Ngược lại, Chúa cũng không làm ngơ trước một hành động xấu, chia rẻ gây cớ cho người nào vấp phạm sa ngã phạm tội, làm điều gian ác, kỳ thị, óc bè phái loại trừ, kết án nhau… Cho nên, Chúa bảo ai làm gương xấu cho kẻ khác vấp phạm thì “thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn”. Chúa còn dùng kiểu nói cường điệu: “chặt tay, cưa chân, móc mắt”, nếu những chi thể quý báu ấy nên cớ cho mình vấp phạm để mất sự sống đời đời, vì “thà cụt tay, què chân, mù mắt còn hơn là phải vào hỏa ngục đời đời”.
Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa ban mỗi người chúng ta ơn can đảm để chúng ta cương quyết dứt khoát từ chối đi theo gương mù gương xấu, làm cớ cho người ta vấp phạm tội: gây chia rẻ, óc bè phái, thói kỳ thị loại trừ nhau trong cuộc sống. Đồng thời biết vui lòng và hăng hái xây dựng tình đoàn kết, hiệp nhất và yêu thương nhau từ trong gia đình, giáo xứ ra xã hội. Amen.
SUY NIỆM II
KI-TÔ HỮU – NGÔN SỨ CỦA THIÊN CHÚA
(Hội An 29/9/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
“Chớ gì toàn dân đều là ngôn sứ” (Ds 11,29). Lời này của Mô-sê phản ánh ý muốn của Thiên Chúa trên toàn dân của Ngài. Thiên Chúa muốn toàn dân Ngài loan báo về Ngài cho thế giới và Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Ngài cho toàn dân, để ai nấy có khả năng thi hành bổn phận ngôn sứ.
- “Chớ gì toàn dân đều là ngôn sứ”
Theo Thánh Kinh, ngôn sứ không chỉ là người tiên báo tương lai, mà hơn hết, ngôn sứ là người biết Thiên Chúa, thường chuyện trò với Thiên Chúa và nói cho mọi người biết điều Chúa nói.
Cựu ước lẫn Tân ước cho chúng ta biết rõ ý muốn này của Thiên Chúa. Sách Dân Số thuật lại, có 70 người tụ họp lại cùng Mô-sê trong Lều Hội Ngộ và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ, nên họ mở miệng nói về Thiên Chúa. Bấy giờ có hai người dù được ơn Chúa Thánh Thần ban xuống, nhưng hôm ấy họ không ở trong Lều Hội Ngộ với Mô-sê và 70 anh em, hai người này cũng nói lời Thiên Chúa cho mọi người nghe. Lập tức, người ta trình cho Mô-sê biết để ra lệnh cho hai người này phải im tiếng. Họ tưởng rằng Mô-sê sẽ cấm hai người kia không được nói lời Chúa, nhưng bất ngờ, Mô-sê nói: “Chớ gì toàn dân đều là ngôn sứ.” Trong Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại trường hợp tương tự. Thánh Gioan thấy có người nhân danh Chúa mà trừ quỷ, ông liền trình bày với Chúa để ngăn cấm. Nhưng Chúa Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản họ… Ai không chống lại các con là ủng hộ các con” (Mc 9,39-40).
Sở dĩ Thiên Chúa muốn dân của Ngài đều nói lời Chúa, bởi Ngài không phải Thiên Chúa câm lặng. Lời của Ngài là lời sáng tạo, lời tha thứ, lời cứu độ. Từ thời Cựu ước cho đến Tân ước, Thiên Chúa luôn tỏ cho nhân loại biết về Ngài: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Cựu Ước cho biết, Thiên Chúa phán một lời, mọi sự hiện hữu. Toàn bộ vũ trụ hiện hữu nhờ lời Thiên Chúa nói, chứ không do một “big bang” mơ hồ nào. Giữa dân Chúa trong Cựu ước, Thiên Chúa dùng các ngôn sứ loan báo lời Chúa cho dân Ngài trong mọi hoàn cảnh. Thiên Chúa chọn gọi và cho họ tham dự vào việc làm cho tiếng nói của Thiên Chúa vang khắp cùng trái đất. Ngôn sứ Isaia ý thức ơn gọi này nên đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con.”
Đến thời Tân Ước, mặc dù Lời của Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong Chúa Giê-su, nghĩa là mọi lời của Thiên Chúa nói với con người được trọn vẹn trong Chúa Giê-su, để nhờ nghe lời Chúa Giê-su, mọi người được ơn cứu độ, Thiên Chúa cũng tiếp tục ban cho những ai đã lãnh bí tích Rửa Tội được chia sẻ sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giê-su. Được ơn làm ngôn sứ là có nhiệm vụ loan báo cho mọi người biết Thiên Chúa và Con Một của Ngài là Chúa Giê-su cùng Thánh Thần của Ngài. Sứ mạng làm ngôn sứ được Chúa Giê-su trao ban rõ ràng: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16). Ngài còn ban cho các ngôn sứ mọi thời đại ơn cần thiết để thi hành sứ mạng: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9). Đức Phanxicô tóm tắt ơn gọi ngôn sứ của mỗi Ki-tô hữu như sau: “Được rửa tội và được sai đi.”
- Thiên Chúa ước muốn mọi tín hữu thi hành bổn phận ngôn sứ
Chúa Giê-su muốn tất cả mọi người đã được lãnh bí tích Rửa Tội nhớ lại ơn gọi làm ngôn sứ và thực thi bổn phận ngôn sứ. Thánh Phaolô nhắc lại cho mọi Ki-tô hữu ý muốn này của Chúa Giê-su: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ,” vì thế, không một ai được phép đứng ngoài bổn phận loan báo Tin Mừng. Đã có thời ai nấy hiểu rằng nhiệm vụ nói Chúa cho người khác là nhiệm vụ độc quyền của linh mục, tu sĩ và giáo dân tự cho mình đứng ngoài nhiệm vụ ngôn sứ ấy. Vì thế, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại khẳng định của Công Đồng Vatican II: “Những ai gia nhập Hội Thánh Công giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân này… Phải nhớ rằng: “Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng, nhưng do đặc ân của Chúa Ki-tô. Nếu họ không đáp lại hồng ân này bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi, mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn” (Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 11). Vì thế, làm ngôn sứ loan báo Chúa cho mọi người trong thời đại của mình là bổn phận của mọi người đã được lãnh bí tích Rửa Tội, đến nỗi họ phải nói như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Đây không phải là một lựa chọn, mà là một ơn gọi cho mỗi Ki-tô hữu, vì Chúa Thánh Thần đã được ban xuống trên mỗi người cho bổn phận này.
Vậy, là Ki-tô hữu giáo dân, chúng ta thi hành bổn phận ngôn sứ này thế nào? Có nhiều cách gia đình thực thi nhiệm vụ ngôn sứ. Khi vợ chồng sống chung thủy, yêu thương nhau là họ công bố tình yêu của họ đang phản ánh tình yêu của Thiên Chúa yêu thế gian và tình yêu của Chúa Giê-su yêu Hội Thánh; khi cha mẹ hướng dẫn và làm gương cho con cái sống tình mến Chúa trên hết mọi sự, biết thờ phượng, cầu nguyện và học giáo lý của Chúa, biết hòa thuận và khoan dung với nhau, bấy giờ họ đang làm nhiệm vụ loan báo Chúa trong gia đình. Con cái diễm phúc biết bao khi có cha mẹ như chiếc máy lọc nước, lọc những thứ ô nhiễm giữa cuộc đời bằng lời dạy dựa vào lời Chúa, không thản nhiên để con cái mình lao vào thế giới ảo, thế giới mạng cách vô trách nhiệm. Con cái không được nghe cha mẹ nói về Chúa, thì chúng sẽ đi tìm những thứ ngoài Chúa.
Thì ra việc thi hành bổn phận ngôn sứ đang trong tầm tay mỗi Ki-tô hữu chúng ta. Nhưng, nếu không có ơn Chúa, chúng ta không làm được gì và không muốn làm điều Chúa dạy.
Xin Chúa cho chúng con sống ơn gọi ngôn sứ và dựa vào Chúa để vượt thắng những thử thách của nhiệm vụ ngôn sứ trong môi trường chúng con.
SUY NIỆM III
ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP
Đừng nghĩ rằng mình có quyền ưu tiên
Khi thánh Máccô viết cho các độc giả của mình, Nhóm Mười Hai đã phân tán, một vài người đã qua đời Tuy vậy, cộng đoàn được thành lập xưa kia quanh Ðức Giêsu vẫn là kiểu mẫu cho mọi cộng đoàn Qua trình thuật, thánh Máccô nhắc lại cho các tín hữu thời ấy về cách sống họ phải có với nhau cũng như về mối tương quan của họ với thế giới bên ngoài: không được tự cho mình quyền ưu tiên trên người khác, việc phục vụ, sự bình an
Kẻ trừ quỷ
Câu chuyện khởi đầu với đề nghị của ông Gioan về việc có người không ở trong hàng ngũ môn đệ mà lại lấy danh Ðức Giêsu để trừ quỷ Các môn đệ muốn xin Thầy cấm không cho người ấy làm như vậy
Ðề nghị này diễn tả tham vọng của một số người trong dân Chúa muốn có những đặc quyền và độc quyền, kể cả quyền trừ quỷ Ðức Giêsu cho thấy thái độ ngược lại: Người luôn hướng ra ngoài những biên giới hữu hình, những cơ chế, với mục đích làm cho việc phục vụ được mở rộng và đạt được hiệu quả tối đa Xét cho cùng, sự hiện diện của Ðức Giêsu cũng như của Hội Thánh chính là dẹp tan sức mạnh của Xatan để Nước Thiên Chúa được lan rộng Chỉ có những ai kết hiệp với Ðức Kitô, Ðấng duy nhất đã chiến thắng ma quỷ, mới có thể làm được công việc này
Do đó, thay vì cấm đoán, Ðức Giêsu đã dạy các môn đệ hãy biết trân trọng và cộng tác với những người, cách này cách khác, đang làm cho Nước Thiên Chúa được lan rộng thêm Những người này có thể không thuộc vào số những môn đệ của Ðức Kitô, nhưng vẫn có thể là những cộng tác viên của Người: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”
Ngoài ra, theo tác giả Tin Mừng thứ hai, Thần Khí được ban tặng cho hết mọi người và không cơ cấu nào có thể ràng buộc Thần Khí của Ðấng Phục Sinh: Người là Ðấng vượt lên trên mọi cộng đoàn nhân loại, mọi hoạt động xã hội, mọi gia đình tôn giáo Thần Khí luôn chống lại mọi hình thức địa phương hóa Hội Thánh, mọi ý định muốn trói buộc sự năng động mà Người là nguồn mạch
Chính vì vậy, người môn đệ Ðức Kitô không thể viện cớ bảo đảm sự chính thống để rồi đồng hóa sự thuộc về Ðức Kitô với một quan niệm loại trừ, gạt bỏ hết những ai không cùng niềm tin với mình Nước Thiên Chúa không chỉ ở đây hay ở đó, nhưng ở bất cứ nơi đâu có những con người thiện chí
“Ai cho anh em uống một chén nước…”
Người Kitô hữu là đại diện của Ðức Kitô Ðây là một trách nhiệm cao cả Tuy nhiên, ở đây, trong câu nói của Ðức Giêsu, người môn đệ là cả một cộng đoàn trở nên bé nhỏ, và do đó là người phục vụ chứ không phải là người lãnh đạo Tuy thế, trong cộng đoàn cũng như nơi từng người, Ðức Giêsu vẫn luôn hiện diện Người môn đệ nhỏ bé nhất vẫn là tượng trưng cho Ðức Kitô Phẩm giá cao quý này đòi buộc họ phải sống đúng theo Ðức Giêsu mong muốn, đồng thời cũng buộc người khác phải nhìn người môn đệ ấy là chính Ðức Kitô
“… Làm cho một trong những kẻ bé mọn sa ngã…”
Ðó là làm cớ cho người khác lung lạc trong việc gắn bó với Ðức Kitô Hành động này đi ngược với việc phục vụ, đón tiếp, và xây dựng bình an Ðây là tội nặng và đáng chịu hình phạt nặng nề: chịu cột cối đá vào cổ và quăng xuống biển
Trong Tin Mừng, các kẻ bé mọn có thể hiểu là những người hèn kém, ít học, bị coi thường Còn trong đời sống Kitô hữu, kẻ bé mọn là những người có lòng tin yếu kém, ít am hiểu Thái độ nghiêm khắc của Ðức Giêsu nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư Người dành cho loại người này Qua đấy, Ðức Giêsu cũng muốn tố cáo thái độ độc quyền của những thủ lãnh tôn giáo: giải thích Kinh Thánh, đóng cửa không cho những kẻ muốn vào Theo Ðức Giêsu, hành động này là sự huỷ hoại chính mình khi huỷ hoại người khác, bởi vì làm như thế là tự cho mình quyền nắm giữ Thần Khí và có quyền tự do làm bất cứ điều gì theo ý mình
Tiếp đến, Ðức Giêsu nói đến sự trầm trọng của gương xấu theo mối nguy mà nó gây ra cho mỗi người Các chi thể của con người như tay, chân, mắt, mũi, v v là những bộ phận cho phép con người hoạt động và tạo nên những mối tương quan Con người phải điều khiển những hoạt động và tương quan của mình để tạo nên sự sống, chứ không phải gây ra tội lỗi hay sự chết Ðây là một lựa chọn có giá trị tuyệt đối: người ta không thể coi bất cứ điều gì có tầm quan trọng hơn sự sống – sự sống vĩnh cửu Ðiều gì đi ngược với sự sống này, phải bị loại bỏ dứt khoát
Dĩ nhiên, câu nói của Ðức Giêsu không thể hiểu theo nghĩa chặt Ðàng khác, cũng thật là vô ích khi cố tìm xem những tội nào mà tay, chân hay mắt có thể là cơ hội Mà giả như có cắt bỏ những phần thân thể này cũng không loại trừ được nguy hiểm
Qua khẳng định này, Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh đến việc chọn lựa, và người ta phải đặt sự sống vĩnh cửu lên trên mọi giá trị khác, kể cả những gì thân thiết nhất Như vậy, trong suốt bản văn này, vấn đề được nêu lên cho người môn đệ Ðức Kitô là: cuộc sống và hành động của họ có làm cho họ, và cho người khác, được sống hay phải chết?
Thuộc về Đức Kitô
Bài Tin Mừng hôm nay đề ra cho chúng ta hai sứ điệp:
Sứ điệp thứ nhất. Người xua đuổi quỷ là người tốt; họ là đối thủ hữu hiệu chống lại cái ác, và do vậy, họ được liên kết cách thực sự với Ðức Kitô Có thể gặp thấy những người này ở khắp nơi, kể cả ở ngoài số những môn đệ chính thức của Ðức Kitô
Nét đặc trưng của người môn đệ Ðức Kitô là không được ngăn cản những người này hoạt động, viện cớ rằng họ không nhận quyền từ Ðức Kitô
Sứ điệp thứ hai. Ðức Giêsu yêu cầu chúng ta phải là những người trung tín đến mức phải loại trừ tất cả những gì gây trở ngại cho việc gắn bó với Người Những ai nghĩ rằng bình an và sự công chính của Thiên Chúa là điều có thể thực hiện, cho dù phải trả giá là một cái chân hay một con mắt, những người ấy trở thành anh hùng trong lịch sử nhân loại Ðây không phải là trường hợp những người quá bận tâm để cứu lấy những đồ đạc của mình, và được đánh đổi bằng một vài thoả hiệp
Chúng ta hiểu rằng hai sứ điệp này không dễ thực hiện Tuy nhiên, trong lý thuyết, nó cũng cho chúng ta cảm thấy vui thích Sứ điệp thứ nhất phù hợp với tinh thần thoáng đạt, bao dung mà con người ngày nay đang hướng đến Sứ điệp thứ hai phù hợp với tính trung thực đang được khuyến khích khắp nơi
Nhưng phải chăng Ðức Giêsu chỉ nói với chúng ta như thế?
Ðể ý một chút, ta nhận ra một điểm chung: thuộc về Ðức Kitô Kẻ trừ quỷ phải “nhân danh Ðức Giêsu”, kẻ bé nhỏ nhận ly nước “vì thuộc về Ðức Kitô” và kẻ có những chọn lựa là để “vào trong Nước Thiên Chúa”
Như thế, trong mọi hoạt động, dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, ta cũng phải nhận ra dấu vết của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa Chúng ta phải để cho ngọn lửa Thánh Thần thanh luyện các phán đoán và cách ứng xử của chúng ta Nhờ đó, chúng ta nhận ra cách tích cực nơi chính mình và nơi người khác – dù người ấy còn xa lạ với Kitô giáo – dấu chỉ của Thần Khí Ðức Giêsu Thần Khí luôn mời gọi chúng ta sống thánh hơn, và do đó, tinh thần thoáng đạt hơn Thánh Kinh luôn mời gọi chúng ta chân thành hơn, và như vậy, tự do hơn