Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm A
CN.26.A
(Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32)
Chị Luxia tường thuật cho Đức cha giáo phận về việc Giaxinta tiết lộ Đức Mẹ hiện ra như sau : ” Đức cha đã biết rằng em (Giaxinta) là một người, khi vì vui vẻ không thể cầm hãm, đã tiết lộ những điều chúng con đã ước định với nhau. Ngay chính giữa trưa hôm ấy khi chúng con đang trầm tư suy nghĩ, Giaxinta đột nhiên hứng khởi kêu lên : ‘Ôi, Bà đẹp chừng nào !’ Con nói : ‘Chị không thể biết được sẽ xẩy ra làm sao, nếu em không giữ kín, lại đi nói cho người ta biết’. Em trả lời : ‘Không, em không nói đâu, đừng lo.’ Hôm sau, Phanxicô chạy đến bảo con : ‘Tối hôm qua ở nhà, Giaxinta đã nói tất cả câu chuyện ra rồi.’ Giaxinta lắng nghe lời buộc tội, không nói một lời. Con nói với em : ‘Em thấy đấy, chuyện này chị đã nghĩ sẽ xẩy ra mà.’ Em nói : ‘Có cái gì trong em không thể giữ im lặng được.’ Giaxinta nói rồi khóc. Con nói : ‘Ờ đừng khóc nữa, đừng nói bất cứ cái gì cho bất cứ ai nữa về những điều Đức Bà đã nói với chúng ta.’ Em nói : ‘Nhưng em đã nói ra rồi.’ Con hỏi : ‘Em đã nói những gì ?’ Em trả lời : ‘Em nói Đức Bà hứa sẽ đưa chúng em về thiên đàng.’ Con nói : ‘Chị nghĩ trước em sẽ nói như vậy.’ Em nói : ‘Tha cho em, em sẽ không nói với bất cứ ai bất cứ điều gì nữa.’” (Fatima, Hồi Ký, Nxb Trái Tim Đức Mẹ,1990, trang 40).
Chị Luxia kể tiếp : “Ít lâu sau, cha xứ đòi chúng con đến và hỏi chúng con nhiều điều. Giaxinta chỉ cúi đầu xuống, và thật khó làm cho em mở miệng nói một vài lời. Khi ra ngoài, con hỏi em : ‘Sao em không trả lời cha ?’ Em đáp : ‘Vì em đã hứa không bao giờ nói gì với bất cứ ai nữa.” (Sđd,trang 46).
Câu chuyện “nhanh miệng” của Giaxinta muốn nói đến tật xấu của loài người là “vội nói”, chưa nghĩ đã nói. Còn Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay dạy chúng ta “nói đi đôi với làm”, chứ không chỉ “nói suông”.
Bđ1 : Sách Kinh Thánh ấn bản 2011, Nhóm CGKPV đã chú giải như sau : “Đây là một trong những đoạn văn ‘cấp tiến‘ nhất của Ed vì đề cập và giải quyết một trong những vấn đề luân lý quan trọng trong Cựu Ước, vấn đề trách nhiệm tập thể và cá nhân. Não trạng chung của người Ít-ra-en trước lưu đày là nguyên tắc liên đới : mọi người trong tập thể đều có trách nhiệm liên đới với điều lành hay điều ác của cá nhân trong tập thể đó (x.14,12-20 chú thích n)…Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã làm sáng tỏ giáo lý về thưởng phạt : Thiên Chúa công chính và Người trả cho ai nấy xứng việc mình làm… Ê-dê-ki-en xứng đáng là người vô địch về tư tưởng trách nhiệm cá nhân trong Cựu Ước. Ở đây đánh dấu một bước tiến quan trọng trong giáo lý về thưởng phạt so với các ngôn sứ thời trước lưu đày” (Sđd, trang 1834).
BTM : Nhóm CGKPV cắt nghĩa BTM hôm nay như sau : “Qua dụ ngôn, Chúa Giê-su cho thấy điều quan trọng không phải là nói, mà làm theo ý muốn của Thiên Chúa, như ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính , nghĩa là thực hành và giảng dạy người ta thi hành điều Thiên Chúa muốn, nhờ đó mà người ta được nên công chính – Ngoài nghĩa Chúa Giê-su áp dụng, một số các thánh Giáo phụ còn hiểu người con thứ nhất tượng trưng cho dân ngoại, ban đầu đã không biết nghe lời Thiên Chúa nói qua lương tâm (luật tự nhiên), nhưng sau đã tin lời Chúa Ki-tô và gia nhập Giáo Hội. Còn người con thứ hai tiêu biểu cho dân Do-thái, sau khi đã cam kết, thề ước qua luật Mô-sê, cuối cùng đã từ khước Chúa Ki-tô” (Sđd, trang 2174-75).
Bđ2 : Bđ2 thánh lễ là đoạn thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Philipphê ở nước Hy Lạp ngày nay. Philipphê là cộng đoàn đầu tiên ở Âu châu đón nhận Tin Mừng, cũng là cộng đoàn thánh Phaolô thương yêu nhất. Qua đoạn thư, thánh Phaolô đã căn dặn : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ich cho người khác” (Pl 2,4).
Được thế, chúng ta lãnh nhận trách nhiệm của mình đối với việc mình làm, đồng thời thực hành những điều Chúa dạy, chứ không chỉ nói suông trên môi trên mép (1-10-2017)
———————————–
CN.26.A
Thánh tử đạo Việt Nam trẻ tuổi nhất là chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện 18t, tiếp đến là cha thánh Carôlô Cornay, tên Việt Nam là Tân, người Pháp 28t. Cha là con thứ ba của hai ông bà Cornay làm nghề bán vải. Khi học đại chủng viện Poitiers, cha được nghe một linh mục Hội Thừa Sai Paris giảng về những cuộc bắt đạo ở Trung Hoa, cha xin được sang Trung Hoa giảng đạo.
Ngày 17-9-1831 cha xuống tầu ở hải cảng Bordeaux. Lênh đênh trên biển gần 7 tháng tầu mới cập bến Macao. Cha được sai tới Tứ Xuyên, Trung Hoa. Vì tình hình cấm đạo gắt gao không thể đi thẳng đến Tứ Xuyên, cha phải đi qua Sơn Tây Việt Nam, rồi đi bộ vào Vân Nam Trung Hoa. Đường vào Vân Nam cũng khó khăn, bề trên đành phải để cha ở lại giảng đạo ở Sơn Tây Việt Nam, và cha được coi giáo xứ Bầu Nọ.
Bầu Nọ chưa phải là giáo xứ toàn tòng, lương giáo sống chung với nhau. Anh Đức, người lương, đứng đầu một nhóm trộm cắp, gây thiệt hại của cải dân làng. Anh bị bắt, nhưng rồi được tha. Anh nghi người Công giáo tố cáo anh. Anh trả thù người Công giáo. Anh cho vợ anh giả đò học đạo để chôn giấu vũ khí trong nhà cha Cornay Tân. Rồi anh báo chính quyền cha Cornay Tân và người Công giáo theo Pháp âm mưu lật đổ chính quyền. Ngày 20-6-1837 chính quyền tỉnh Sơn Tây đem 1500 quân lính đến bao vây giáo xứ, đào được vũ khí và bắt cha Cornay Tân. Cha bị đeo gông và bị nhốt trong cũi khiêng về nộp cho quan tỉnh Sơn Tây.
Nhiều lần dụ dỗ cha bỏ đạo và nhận tội nổi loạn, cha cương quyết phủ nhận. Không những cha không bước qua Thánh Giá, mà còn ôm hôn Thánh Giá. Lính lấy giây da đầu có móc sắt đánh cha. 50 lần đánh là 50 lần móc thịt da cha. Cha bị vua Minh Mạng kết án lăng trì.
Thư viết về cha mẹ, có đoạn cha viết như sau : “Cha mẹ yêu quí, xin cha mẹ đừng buồn về cái chết của con. Đây không phải là ngày than khóc mà là ngày vui mừng. Xin cha mẹ hãy nghĩ rằng : sau những đau khổ ngắn ngủi con phải chịu, trên trời con sẽ luôn nhớ đến cha mẹ. Xin cha mẹ nhận tấm lòng thảo hiếu của con”.
Ngày 20-9-1837 cha bị điệu ra pháp trường Sơn Tây. Một bà giáo dân theo cha tới pháp trường nói với cha : “Cha ơi, lên thiên đàng cha nhớ chúng con ở Bầu Nọ. Chúng con thương cha lắm”.
Thấy cha còn trẻ mới 28t, quan tỉnh Sơn Tây thương hại, truyền chặt đầu trước, rồi mới chặt chân, chặt tay và mổ bụng. Thấy cha can đảm, một người lính đã ăn gan cha để dược can đảm như cha.
Lời Chúa thánh lễ mấy chúa nhật vừa qua nói đến những nhân đức cần phải có để đời sống chung với nhau được hài hòa, vui vẻ, đầm ấm.
CN.23 : nói đến sự sửa lỗi cho nhau
CN.24 : nói đến sự tha thứ cho nhau
CN.25 : nói đến sống theo ý Chúa
CN.26 hôm nay : nói đến sự thật thà, đừng đổ tội cho người khác, mà hãy khiêm nhường nhận tội mình.
BTM : BTM hôm nay Chúa Giêsu kể câu chuyện “Hai Người Con”. Người cha xin hai người con đến làm vườn nho. Người con thứ nhất nói không đi, nhưng đã đi làm; còn người con thứ hai nói đi, nhưng lại không đi làm. Người con II nói mà không làm, giả dối, không có sự thành thật.
Bđ1 : Thời ngôn sứ Edêkien trong bđ1, những người Ítraen bị lưu đày ở nước Babylon cho rằng : họ bị lưu đày vì tội lỗi của cha ông; còn họ đâu có tội gì mà bị Thiên Chúa phạt. Vì thế, họ đã kêu trách Thiên Chúa là “không ngay thẳng”. Chúa bảo : “Hỡi nhà Ítraen, hãy nghe đây : Phải chẳng đường lối của Ta không ngay thẳng, hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng ?” (Ed 18,25). Chúa muốn nói rằng : vì tội lỗi của cha ông mà họ đã bị lưu đày; tuy nhiên, cũng vì tội lỗi của họ mà họ đang bị lưu đày. Hậu quả lưu đày do tội cha ông để lại, và còn bị tiếp tục vì tội lỗi của họ. Thế mà họ không nhận ra tội lỗi của họ mà ăn năn hối cải, cứ đổ tội cho cha ông.
Bđ2 : Lòai người chúng ta dường như ai cũng giống như dân Ítraen thời ngôn sứ Edêkien : thấy tội người ta, chứ không thấy tội của mình. Nói như Chúa Giêsu : thấy cái rác trong mắt người ta, còn cái xà trong mắt mình thì không thấy (Mt 7,3). Chỉ vì con người kiêu ngạo. Vì thế thánh Phaolô trong bđ2 khuyên dạy hãy noi gương Chúa Giêsu sống khiêm nhường : “Đứng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3). Khiêm nhường sẽ nhận ra tội mình.
Thánh linh mục Cornay Tân bị bắt vì một người đàn bà giả đò học đạo, để chôn giấu vũ khí. Người Ítraen còn phải sống trong cảnh lưu đày, vì không nhận ra tội mình mà ăn năn. Người tín hữu Philipphê chia rẽ nhau vì không biết khiêm nhường nhận tội mình.
Như vậy, cuộc sống chung trong gia đình, trong cộng đòan, trong giáo xứ, cần có sự thành thật, cần có lòng khiêm nhường để nhận ra tội lỗi của mình (25-9-2011).
.
————————————————-
CN.26.A
Hôm nay ngày 28-9, Giáo Hội Philippin mừng kính các vị thánh của nước mình. Trong số các vị thánh có thánh Lorensô Ruiz. Ngài sinh năm 1600. Cha mẹ đặt tên thánh là Lorensô, vì ngài sinh vào ngày lễ thánh Lorensô.
Năm 1603 cha và hai anh của thánh Lorensô Ruiz đã tử trận trong cuộc chiến chống lại người Tây Ban Nha xâm chiếm nước Philippin, nghĩa là ngài mồ côi khi mới 3 tuổi. Chẳng bao lâu sau ngài mồ côi mẹ. Một cha dòng Đaminh đã đem ngài về nuôi và cho ăn học. Lớn lên thánh Lôrensô trông coi nhà thờ của giáo xứ Binondo. Ngài lập gia đình và sinh được 3 người con.
Vợ chồng con cái đang đầm ấm yêu thương nhau, bỗng xảy ra một vụ án : một người Tây Ban Nha bị ám sát gần nhà thánh Lôrensô. Chính quyền nghi ngờ thánh Lôrensô là thủ phạm. Được Đức cha Phanxicô Let yêu thương, tìm cách đưa đi trốn. Thánh nhân xuống thuyền cùng với các cha đi Macao, không ngờ thuyền dạt vào nước Nhật. Thánh Lôrensô giúp các cha trong công việc truyền giáo cho người Nhật. Nhật hòang ra lệnh cấm đạo. Thánh Lôrensô Luiz bị bắt cùng với các cha.
Nhìn các cha bị tra tấn dã man, thánh Lôrensô sợ hãi, ghé tai vào một người lính hỏi nhỏ : “Nếu tôi chối đạo, liệu tôi có đước tha không ?” Vừa nói xong, thánh Lôrensô hối hận ngay. Ngài xin Chúa tha thứ cho sự yếu đuối của mình, đồng thời cũng xin Chúa ban cho mình được sức mạnh để tuyên xưng danh Chúa.
Khi quan bảo chối đạo, thánh Lôrensô dõng dạc trả lời : “Tôi là người tín hữu của Chúa Kitô, tôi tuyên xưng sự thật này cho đến chết, tôi sẵn sàng thí mạng sống tôi cho Thiên Chúa.”
Quan cho đánh đòn, đổ nước đầy bụng, cho lính đứng lên bụng đạp. Nước, máu chảy ra cả miệng, cả mũi, cả tai. Tưởng rằng hành hạ như thế đủ làm cho thánh Lôrensố sợ hãi chối đạo, song thánh nhân đã can trường nói : “Tôi không bao giờ bỏ đạo. Tôi là Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chết cho Thiên Chúa và sẵn sàng dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn mạng sống, nếu tôi có.” Quan tức giận nói : “Mày tự quyết định bản án cho mày !” Thánh Lôrensô bị chôn ngược đầu xuống đất. Hôm đó là ngày 26-9-1637. Thi thể của ngài bị đốt thành tro và bị ném xuống biển.
Chỉ trong một phút thánh Lôrensô đã sa ngã : “Nếu tôi chối đạo, liệu tôi có được tha không ?”; song cũng chỉ trong một phút ăn năn thánh Lôrensô đã được phúc tử đạo.
Bđ1 : Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Edêkien trong bđ1 cũng nói lên tầm quan trọng của lòng sám hối ăn năn : “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình… Nó sẽ sống, nó không phải chết” (Ed 18,27.28). Đồng thời Lời Chúa cũng nói đến sự tai hại của sự ỷ lại, kiêu ngạo : “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà làm điều bất chính, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết” (18,26).
BTM : BTM thánh lễ hôm nay, Chúa Giêsu kể câu chuyện “Hai Người Con” : người con thứ I nghe cha bảo đi làm vườn nho thì anh từ chối không đi; nhưng sau đó anh hối hận và anh đi làm (Mt 21,29); người con thứ II nghe cha bảo đi làm, anh đồng ý, nhưng rồi anh lại không đi làm (21,30).
Chúa Giêsu đã ví những người thu thuế và gái điếm là người con thứ I : tuy tội lỗi tầy đình, nhưng nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, họ đã ăn năn hối cải (21,31); còn những nhà lãnh đạo Do Thái thì giống như người con thứ II : họ nghe thánh Gioan rao giảng, nhưng tự hào mình đạo đức không sám hối ăn năn (21,32).
Như thế, thánh Lôrensô, người thu thuế và cô gái điếm đã thống hối ăn năn, vì họ khiêm nhường nhận ra tội lỗi của mình; còn những nhà lãnh đạo Do Thai vì kiêu ngạo, đã không nhận ra tội lỗi của mình, để thống hối ăn năn.
Bđ2 : Đức khiêm nhường nhận tội lỗi, còn tính kiêu ngạo làm cho người ta đâm ra cố chấp, không nhìn nhận tội lỗi của mình. Thanh Phaolô trong bđ2 dạy các tin hữu Philipphê của nước Hy Lạp hãy sống khiêm nhường : “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).
Thánh Phaolô còn đem gương khiêm nhường của Chúa Giêsu để các tin hữu Philipphê soi gương : “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng hòan tòan đã trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (2,6-8).
Lời Chúa trong thánh lễ và câu chuyện thánh Lôrensô Luiz đề cao lòng ăn năn sám hối và khiêm nhường. Xin Chúa giúp chúng ta sống khiêm nhường để nhận ra tội lỗi của mình (28-9-2008).
————————————————-
CN.26.A
Bài Tin Mừng : Bài TM chúa nhật vừa qua, câu chuyện “những người thợ làm vườn nho”, và câu chuyện “hai người con” của bài TM chúa nhật hôm nay đều nói lên lòng thương của Chúa đối với những người tội lỗi.
Những người thợ giờ thứ sáu, giờ thứ chín và giờ thứ mười một, tức là những người thợ làm từ 12g trưa, 3g và 5g chiều, là người con thứ nhất “nói là không đi, nhưng sau đó, hối hận lại đi” (21,29) tức là những người thu thuế, những cô gái điếm. Những người làm vườn nho từ tảng sáng, tức 6g sáng hay người con thứ hai “nói đi, rồi lại không đi” (21,30), tức là những thượng tế và kỳ mục, những nhà lãnh đạo Do Thái.
Những người tội lỗi đã bị những nhà lãnh đạo Do Thái ghét bỏ, còn Chúa thì Chúa thương. Chúa nói với những nhà lãnh đạo Do Thái : “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (21,31).
Câu chuyện “hai người con” Chúa Giêsu kể có mục đích nói lên lòng yêu thương những người tội lỗi, những người bị xã hội Do Thái gạt bỏ. Song, sau một thời gian dài, khoảng 80 năm sau, nghĩa là tới khi thánh Mátthêu chép vào sách, thì câu chuyện lại nhắm sang vấn đề khác. Đó là vấn đề người Do Thái khước từ, chối bỏ Chúa Giêsu, còn dân ngoại thì tin nhận Chúa. Vì thế, thánh Mt thêm câu 32, tức là câu : “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.” (21,32).
Hơn nữa, trong các sách Tin Mừng khác không có câu chuyện “hai người con”, chỉ có một mình thánh Mt chép lại. Ngài chép lại và xếp sau câu chuyện “các thượng tế và kỳ mục hỏi về quyền bính của Chúa Giêsu”. Thấy Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem được dân chúng đón rước tung hô, nhất là đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ, thì họ hỏi Chúa : “Oâng lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai cho ông quyền ấy ?” (21,23). Chúa Giêsu không trả lời, mà hỏi họ lại : “Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ? Họ mới nghĩ thầm : Nếu mình nói : Do Trời, thì ông ấy sẽ vặn lại : Thế sao các ông lại không tin ông ấy ? Còn nếu mình nói : Do người ta, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giêsu : Chúng tôi không biết.” (21,25-26).
Sở dĩ Chúa Giêsu hỏi họ về phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả, vì họ đã khước từ phép rửa của thánh Gioan. Thánh Luca ghi lại : “Nghe ông (Gioan Tẩy Giả) giảng, tồn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pharisêu và các nhà thông luật, thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.” (7,29-30).
Tóm lại, qua câu chuyện “hai người con”, thánh Mt muốn nói rằng : những nhà lãnh đạo Do Thái, kể cả dân Do Thái đã khước từ, đã chối bỏ và đã không tin Chúa Giêsu; trái lại những người tội lỗi và dân ngoại thì tin Chúa Giêsu, nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình.
Bài đọc 2 : Bđ2 của thánh lễ đọc thư của thánh Phaolô gửi giáo đồn Philípphê. Thư này được đọc liên tiếp 4 chúa nhật, từ chúa nhật tuần trước, chúa nhật 25, đến chúa nhật 28. Thánh Phaolô đã đến rao giảng và thành lập giáo đồn Philípphê ở Hy Lạp vào năm 49, 50. Philípphê là thành phố Aâu châu đầu tiên đón nhận Tin Mừng, và cũng là một giáo đồn rất dễ thương, được thánh Phaolô qúi mến, đến nỗi ngài chỉ nhận sự trợ cấp của giáo đồn này. Khi ở tù tại Eâphêsô năm 55 hay 56, ngài đã viết cho dân Philípphê lá thư này.
Trong đoạn thư chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay, và cũng được đọc trong buổi lễ chiều thứ sáu tuần thánh, Chúa Giêsu chịu chết, thánh Phaolô đã nói đến đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường chính là yếu tố của sự đồn kết, thánh Phaolô viết : “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhượng mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.” (2,2-4). Và hãy bắt chước Chúa Giêsu khiêm nhường. Ngài viết : “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hồn tồn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (2,5-9).
Như vậy, lý do các nhà lãnh đạo Do Thái đã khước từ thánh Gioan Tẩy Giả và khước từ cả Chúa Giêsu là vì kiêu ngạo, họ cho mình là con cái ông Ap-ra-ham thì cần gì nữa. Chính thánh Gioan đã tố cáo tính tự mãn, kiêu căng của họ : “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng : Chúng ta đã có tổ phụ Apraham. Vì tôi nói cho các ông hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cái ông Apraham.” (Mt 3,9)
Bài đọc 1 : Bđ1 thánh lễ đọc sách ngôn sứ Eâdêkien. Ngôn sứ được gọi rao giảng lời Chúa trong thời dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon, tức là ở nước Irak ngày nay. Qua ngôn sứ, Thiên Chúa lên án kẻ tự cao tự đắc và yêu thương kẻ khiêm nhường. Thiên Chúa phán : “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 18,26-27)
Thực tế trong cuộc sống, chúng ta cũng ghét, cũng không muốn sống với người kiêu ngạo, mà chỉ yêu mến và muốn sống với người hạ mình khiêm nhường (25-9-2005)
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành