Chúa Nhật XXVI TN – Năm C


Chúa Nhật XXVI TN – Năm C

29-9-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Trung Phước

GIÁO HUẤN SỐ 44

Phân định những hoàn cảnh “bất qui tắc” (tt)

Lịch Giáo Phận trang 106

Tôi đồng ý với những nhận định của nhiều Nghị phụ Thượng Hội Đồng, các ngài muốn khẳng định rằng “những người đã được rửa tội mà li dị và tái hôn về mặt dân sự cần phải được hội nhập nhiều hơn vào cộng đoàn Kitô hữu theo nhiều cách khác nhau, trong khi tránh mọi dịp gây gương xấu. Lý do của việc hội nhập là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ, để không những họ biết mình thuộc về Thân Thể Chúa Kitô, là Hội thánh, mà còn có thể có một kinh nghiệm thuộc về Hội thánh tràn đầy niềm vui và sinh nhiều hoa trái. Họ là những người đã được rửa tội, là anh chị em, những người Chúa Thánh Thần đổ xuống muôn vàn ân huệ và đặc sủng vì thiện ích của mọi người. Họ có thể tham gia vào nhiều việc phục vụ khác nhau trong Hội thánh: do đó, cần phân định xem có thể vượt qua những hình thức loại trừ nào đang được thi hành trong lãnh vực phụng vụ, mục vụ, giáo dục và cơ chế. Không những không được làm cho họ thấy bị dứt phép thông công, mà còn làm cho họ cảm thấy có thể sống và trưởng thành như những thành viên sống động của Hội thánh, cảm thấy Hội thánh như một người Mẹ luôn đón nhận họ, ân cần trìu mến chăm sóc họ và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống và Tin Mừng. Việc hội nhập này cũng cần thiết cho việc chăm sóc và giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái họ, là những đối tượng phải được xem là quan trọng nhất (Niềm Vui của Tình Yêu số 299).

 —————————

Chúa Nhật XXVI TN – Năm C

(Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)

BTM Chúa nhật tuần trước là dụ ngôn “Người quản gia bất lương“. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su dạy chúng ta hai bài học:

1- Dùng tiền bạc mà tạo lấy bạn bè (Lc 16,9)

2- Con cái thế gian khôn khéo hơn con cái ánh sáng (Lc 16,8).

Nghe Chúa Giê-su dạy, các người Pha-ri-sêu cười nhạo Chúa. Thánh Luca ghi lại: “Người Pha-ri-sêu, vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ: ‘Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời, lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16,14-15).

Để các người Pha-ri-sêu hiểu hậu quả của việc xử dụng tiền bạc không đúng, Chúa Giê-su kể hai ví dụ: 1- vấn đề ly dị, 2- chuyện ông nhà giầu và anh La-da-rô nghèo khổ.

Ví dụ 1: việc ly dị.

Theo tục lệ người Do-thái, khi ly dị vợ, người chồng cho người vợ một số tiền đền bù. Với số tiền ấy, họ cảm thấy vô tội, yên tâm trong việc ly dị. Nhưng theo Chúa, việc vợ chồng không phải là việc tiền bạc, người đàn bà không phải là đồ vật, để dùng tiền mà mua bán, có tiền thì không mắc tội. Vì thế, Chúa Giê-su bảo: “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình, và ai cưới người đàn bà bị rẫy thì cũng phạm tội ngoại tình” (Lc 16,18).

Ví dụ 2: Người giầu có và anh La-da-rô nghèo.

Ông nhà giầu ăn mặc lụa là gấm vóc, tức là ăn mặc những bộ quần áo sang trọng và đắt giá, đắt giá cả một tháng lương. Ông cũng mỗi ngày ăn tiệc linh đình. Thật là một cuộc đời đầy đủ phủ phê.

Trái lại cuộc đời của anh La-da-rô rất là bất hạnh: ăn mặc rách rưới, thân xác  ghẻ chốc, bụng đói, thèm những mẩu bánh lau tay trên bàn ăn rớt xuống.

Ngày xưa người Do-thái ăn bằng tay, họ chưa có muỗn dĩa, khăn ăn. Lấy bánh mì lau tay, rồi vất xuống đất. Anh La-da-rô thèm được những mẩu bánh lau tay đó. Song chẳng ai thương, cùng lắm có con chó thương anh, đến liếm những mụn nhọt của anh. Sau cùng cả hai cùng chết: ông nhà giầu xuống hỏa ngục; anh La-da-rô lên thiên đàng.

Ông nhà giầu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục? Ông đâu có đuổi anh La-da-rô ra khỏi nhà? Ông đâu có cấm anh lượm bánh? Ông đâu có chửi mắng, khinh bỉ anh?

Ông nhà giầu không đối xử tàn tệ anh, nhưng ông đã “không lo làm giầu trước mặt Chúa” (Lc 12,21). Ông không dùng tiền của “mua lấy bạn bè” (Lc 16,9).

Một nhà Kinh Thánh cho rằng: “Tội ông nhà giầu không phải tội làm những sai trái, mà là không làm gì (William Barlay, The Gospel of Luke, 214).

Một trái tim vô cảm. Một cái nhìn vô tâm. Một cử chỉ dửng dưng. Cũng đã là tội rồi.

Câu chuyện chưa dừng tại đó. Ông nhà giầu còn có 5 anh em. Ông xin cho La-da-rô hiện về bảo, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Nhưng câu chuyện cho chúng ta câu trả lời: “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,31).

Ông Mô-sê và các ngôn sứ chỉ về các giới luật của Chúa. Giới luật Chúa đã dạy rằng: “Nếu trong nhà ngươi có người nghèo túng, ngươi đừng đóng cửa lòng ngươi lại, ngươi đừng rút bàn tay ngươi về. Ta truyền cho ngươi: ngươi phải mở lòng ngươi ra, phải giơ bàn tay ngươi ra” (Đnl 15,7-11).

Đối với một người Do-thái, ba việc đạo đức quan trọng nhất là: cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Ông nhà giầu ngày ngày yến tiệc linh đình, nên ông đâu còn giờ để cầu nguyện, để ăn chay, để bố thí. Ông dùng tiền bạc mua hạnh phúc bản thân, ông đâu biết dùng tiền bạc để mua bạn bè, mua lấy Nước Trời.

Đó là ý nghĩa của hai bản văn Tin Mừng về tiền bạc trong hai Chúa nhật: Chúa nhật 25 và Chúa nhật 26.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành