Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(St 2, 18-24; Dt 2, 9-11; Mc 10, 2-12)

Bài Ðọc I: St 2, 18-24

“Cả hai nên một thân thể”.

Trích sách Sáng Thế.

Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.

Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.

Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn.

Xướng: Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel.

Bài Ðọc II: Dt 2, 9-11

“Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 2-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

TÍNH THÁNH THIÊNG VÀ BẤT KHẢ PHÂN LY CỦA HÔN NHÂN

(Hội An 6/10/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

              “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Câu hỏi người biệt phái hỏi Chúa Giê-su vẫn mang tính thời sự, ngay cả nơi Ki-tô hữu ngày nay và câu hỏi này luôn gây tranh luận.

  1. “Có được phép ly dị không?”

              Nại vào lý do Mô-sê cho phép ly dị chỉ với điều kiện trao cho người vợ một tờ ly dị, người biệt phái tuy hỏi thử Chúa Giê-su, nhưng chính họ gián tiếp thừa nhận có tình trạng ly dị trong cộng đoàn Do Thái và cũng chính qua câu hỏi này, họ mở đường ly dị cho nhiều người, những người mà chính họ có trách nhiệm bảo vệ tính thánh thiêng và bất khả phân ly của hôn nhân. Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2015, một số giám mục Đức cùng những người ủng hộ đã yêu cầu Giáo Hội cho những ai đã ly dị và tái hôn được rước lễ, như thể hợp thức hóa việc ly dị của họ. Thậm chí nhiều người vẫn tưởng tòa án hôn phối tại các giáo phận là nơi cho phép người Công Giáo ly dị, mà không biết rằng tòa án hôn phối chỉ có nhiệm vụ xác nhận đôi hôn phối nào đã thành sự và đôi hôn phối nào chưa thành sự để tuyên bố tiêu hôn. Tóm lại, tình trạng ly dị đã xảy ra thời Mô-sê cũng như thời Chúa Giê-su cũng đang nở rộ tàn phá gia đình thời nay, trong đó có nhiều gia đình Công Giáo. Vậy, chúng ta theo bước người biệt phái đến hỏi Chúa Giê-su: “Vợ chồng có được phép ly dị nhau không?”

              Chúng ta không tìm đến người này hay trào lưu đang thịnh hành nào khác để tìm câu trả lời. Chúng ta cũng không tìm câu trả lời từ đám đông hay dựa vào lối sống của đám đông để xoa dịu sự sai lầm của mình, vì chân lý không thuộc đám đông. Chính Chúa Giê-su không dựa vào một người đời nào để giải thích, kể cả Mô-sê, nhưng Chúa đưa dẫn con người mọi thời đại tìm câu trả lời từ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi sự tốt đẹp theo thánh ý Ngài và thiết lập mối dây liên kết hôn nhân theo mẫu tình yêu của Ngài, bằng cách trở về “từ lúc khởi đầu cuộc sáng tạo.” Chúa Giê-su quả quyết ý định ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân và chúc phúc cho hôn nhân như sau: “Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,6-9).

              Với đức tin và lòng kính sợ Thiên Chúa, với tấm lòng thánh thiện và chân thành quý trọng tính thánh thiêng và sự cao trọng của hôn nhân trước mặt Thiên Chúa, hai người nam nữ Công Giáo cử hành bí tích hôn phối trong Hội Thánh và trước mặt Thiên Chúa, với lời giao ước rằng họ phải “chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.” Dựa vào giới luật hôn nhân của Thiên Chúa từ thuở ban đầu đó, Đức hồng y Müller đã tóm tắt tính bất khả phân ly của hôn nhân Ki-tô Giáo như sau: “Giáo Hội không thể cho phép ly dị trong trường hợp hôn nhân bí tích đã được thành sự và hoàn hợp. Đây là tín điều của Giáo Hội. Tôi nhấn mạnh: tính bất khả phân ly tuyệt đối của một hôn nhân bí tích đã thành sự không phải là chỉ là một học thuyết; đúng hơn, đó là tín điều được Giáo Hội quả quyết. Trong trường hợp hôn nhân thành sự bị phá bỏ trên thực tế, thì một cuộc hôn nhân dân sự khác không được phép thay thế.”

              Như vậy, tìm lại thánh ý Thiên Chúa về hôn nhân là con đường Giáo Hội phải đi, không có con đường nào khác ngoài con đường Thiên Chúa muốn.

  1. Đừng để lòng chai dạ đá

              Vậy, tại sao Mô-sê và nhiều luật lệ hiện nay cho phép viết tờ đơn ly dị? Chúa Giê-su trả lời: “Vì lòng chai dạ đá của các ngươi.” “Lòng dạ chai đá” ám chỉ đến trái tim tội lỗi, phản nghịch Thiên Chúa. Tội lỗi là mối đe dọa rất thực trong tâm hồn và cuộc sống chúng ta, mục tiêu cuối cùng của tội lỗi là chia cắt chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách phá vỡ hôn nhân và hạnh phúc gia đình cùng mọi mối liên hệ. Mối tương quan bền chặt nhất là mối tương quan vợ chồng cũng có thể bị phá vỡ, nếu chúng ta không luôn tìm kiếm sự hoán cải và hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân, nhất là giữa vợ chồng và con cái. Không tìm kiếm hòa giải và hoán cải là tình trạng “lòng chai dạ đá.”

              Ngày nay có nhiều người “lòng chai dạ đá.” Họ nói họ tin Chúa, nhưng họ không vâng lời Chúa. Họ thề hứa trước mặt Chúa yêu thương nhau trọn đời, nhưng họ dễ dàng nại lý do để xé bỏ lời cam kết trước mặt Chúa. Họ được Chúa nhắn nhủ yêu thương nhau, nhưng họ thiếu hoán cải những khi “say nắng” với ai đó. Họ đi dự lễ ngày Chúa Nhật, nhưng từ thứ Hai đến thứ Bảy, họ cứ mải “lòng chai dạ đá” trước việc bảo vệ tính bất khả phân ly của hôn nhân. Nơi họ, có một trái tim cứng cỏi, dẫu họ vẫn hiểu theo lời Chúa Giê-su dạy, ly dị và tái hôn chỉ đơn giản là một danh xưng khác của tội ngoại tình.

              Theo Đức ông Charles Pope, chúng ta cần tự hỏi: thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Tô-ma More và Fisher đã hy sinh mạng sống để bảo vệ sự bất khả phân ly của hôn nhân, tại sao chúng ta không? Tại sao ít người Công Giáo theo gương các ngài để nhấn mạnh tính thánh thiêng và bất khả phân ly của giao ước hôn nhân? Ngày sau cùng, liệu chúng ta có được Chúa Giê-su khen về hôn nhân: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, các ngươi đã giữ vững lời Ta dạy và truyền lại nguyên vẹn cho mọi người”? Đừng để thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Tô-ma More và Fisher đứng lên chống lại chúng ta, vì các ngài tuyên bố rõ ràng bằng mạng sống của các ngài về tính bất khả phân ly của hôn nhân, còn chúng ta mơ hồ; các ngài làm vang lời Chúa dạy về tính bất khả phân ly của hôn nhân, còn chúng ta nín thinh, các bục giảng cũng im lặng về tình trạng ly hôn và tái hôn. Chúng ta quá dễ dãi với nền văn hóa ly dị và tái hôn. Một cuộc trở lại với thánh ý Chúa về hôn nhân là điều cần có để chứng minh chúng ta thuộc về Chúa.

              Xin Chúa cho mọi người, cách riêng các đôi hôn nhân ý thức tính thánh thiêng và bất khả phân ly của hôn nhân, vì đó là ơn gọi và ân sủng Thiên Chúa ban cho các đôi hôn nhân. Xin Chúa giúp đỡ cho những người đang khó khăn trong hôn nhân và củng cố những cuộc hôn nhân tốt đẹp. Trên hết, xin cho chúng con đừng quên rằng ân sủng của Chúa không bao giờ thiếu đối với những người đang sống đời hôn nhân và những người có bổn phận công bố tính bất khả phân ly của Chúa truyền cho các đôi hôn phối. Xin thánh Gioan Tẩy Giả, Tô-ma More và Fisher cầu cho chúng con.

SUY NIỆM II

THIÊN CHÚA ĐÃ PHỐI HỢP…

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ

Những người biệt phái mở đầu cuộc tranh luận với Ðức Giêsu qua câu hỏi về vấn đề ly dị  Họ không có ý tìm hiểu vấn đề, trái lại có ý thử Ðức Giêsu và tìm cách hại Người  Họ dựa vào Luật Môsê để nói rằng được phép rẫy vợ  Theo luật này, chỉ cần người chồng thấy người vợ không đẹp lòng mình nữa, vì khám phá nơi nàng có điều gì chướng thì anh ta có quyền viết cho nàng một chứng thư ly dị, và đuổi nàng ra khỏi nhà  Những người biệt phái đề cập đến tương giao nam-nữ theo khía cạnh pháp lý bằng cách quy chiếu vào một quyền bính nhân loại

Ðức Giêsu không nhìn vấn đề theo khía cạnh này, nhưng theo chương trình của Thiên Chúa  Do đó, Người nói rõ với họ Luật Môsê đã cho phép như thế vì lòng dạ lì lợm của con người, chứ ý Thiên Chúa không phải như vậy  Ðó là một sự nhượng bộ phát sinh từ hoàn cảnh lịch sử và cần phải được chỉnh đốn lại cho phù hợp với chương trình của Thiên Chúa  Nước Thiên Chúa đã đến nơi Ðức Giêsu Kitô, tất cả những gì không phù hợp với Nước Thiên Chúa, phải bị loại bỏ  Trong xã hội, lề luật có mục đích là giúp con người tiến bộ  Theo quan điểm Kitô giáo, lề luật có mục đích giúp con người thi hành thánh ý Thiên Chúa và làm cho chương trình của Người được hoàn thành  Nếu người ta biến lề luật thành tuyệt đối bằng cách nêu ra các thứ quyền, khi ấy, người ta đã khép kín lại nơi chính mình và quên mất giá trị ơn gọi của mình là tiến lên phía trước  Và như thế, họ cũng khép kín trước Thiên Chúa là Ðấng kêu mời họ tiến lên phía trước

“Lúc khởi đầu    Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ”  Khẳng định này cho thấy người nam và người nữ đều được Thiên Chúa dựng nên, và vì vậy họ bình đẳng với nhau  Chương trình của Thiên Chúa, đó là người nam và người nữ cùng nhau tiến bước, hoà hợp với nhau, người này làm cho người kia được sống  Người vợ không phải là một món đồ thuộc quyền sở hữu của người chồng và có thể bị anh ta bỏ rơi bất cứ lúc nào

Hơn thế nữa, khẳng định của Ðức Giêsu còn nhấn mạnh đến việc hai người nam nữ thu hút nhau, bù đắp cho nhau và khắng khít với nhau để tạo nên một cộng đoàn, một nếp sống  Ðời sống lứa đôi không phải là chiếm hữu nhưng là một cuộc phiêu lưu, trong đó mỗi người khám phá và thăng tiến chính mình qua việc gặp gỡ người bạn đời của mình  Ðời sống này đòi mỗi người trung tín đến cùng như chương trình của Thiên Chúa  Chấp nhận phiêu lưu là chấp nhận lời mời trung tín đến cùng  Tại sao người chồng lại có thể viện cớ người vợ có điều gì chướng để từ bỏ nàng? Phải chăng vì anh ta đã đặt khát vọng và cảm tính của mình lên trên kế hoạch của Thiên Chúa? Chỉ có ai khám phá và sống tình yêu, người ấy mới có thể đi đến cùng của cuộc phiêu lưu

Dĩ nhiên tình yêu này không làm giảm giá trị của tình dục, như người ta vẫn nghĩ; trái lại, chính tình yêu là cách hiểu về tình dục cách đúng đắn nhất: đặt nó vào trong toàn bộ ơn gọi làm người, và như vậy, tương đối hoá nó

Yêu thương và trung tín

Ðời sống hôn nhân quả là một thực tại sâu sắc: đời sống ấy có tính cách thiêng thánh vì là công trình của Thiên Chúa, và từ đời sống ấy có thể phát sinh một con người mới, có linh hồn bất tử, có tự do, có khả năng yêu mến và hiểu biết theo đúng hình ảnh của Thiên Chúa  Ngay từ khi được sáng tạo, người nam và người nữ, vốn xa cách và khác biệt nhau, được mời gọi sống chung với nhau để làm nảy sinh tình yêu

Khi tình yêu ngự trị trong cuộc sống này, thì đời sống lứa đôi trở thành một thực tại thánh, trở thành một phần trong thân thể Ðức Kitô, bởi vì có tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong đó  Thánh Phaolô ghi nhận: “Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh”. (Ep 5,32)

Cũng như Ðức Kitô và Hội Thánh chỉ là một thân thể và không ngừng sinh ra những người con mới qua bí tích Thánh Tẩy, thì người nam và người nữ cũng thực hiện một cuộc hoà hợp nơi đứa con của mình  Từ hai, họ làm nên một, một thân xác, một con người

Như vậy, là người nam hay người nữ, mỗi người chỉ thực sự là mình khi được yêu mến và mỗi người cũng chỉ thực sự là mình khi biết yêu mến  Chính tình yêu tạo nên mối tương giao duy nhất: từ hai, họ làm nên một, không còn tính cách nào khác

Trong cuộc sống lứa đôi, mỗi người cảm nghiệm sự hiệp nhất này  Ðây không phải là sự tan biến, mất hút – dấu chỉ của sự chết, nhưng là một sự trao tặng: mỗi người vẫn tự do khi hiệp nhất với nhau để diễn tả về tình yêu Thiên Chúa và cùng tiến bước về với Thiên Chúa

Trong cuộc sống lứa đôi, hai người cùng đi vào cuộc phiêu lưu làm con cái Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở bên cạnh họ  Chính điều này làm cho họ liên kết chặt chẽ với nhau, và nhờ đó họ cùng nhau sống mầu nhiệm sáng tạo, sống giao ước, cùng nhau đảm nhận những khó khăn, những thách đố, và cùng nhau đón nhận Nước Thiên Chúa

Thế nhưng, có những người lầm lẫn về chính mình và về người khác, những người chỉ sống bí tích hôn nhân như một nghi lễ, những người coi bí tích hôn nhân như cao điểm của trí tưởng tượng, được một vị thần trong mây chúc lành, để rồi cuối cùng, họ xa rời nhau  Ðối với những người này, ai được quyền phân xử, ai được quyền ném đá vào họ? Thưa chỉ có Thiên Chúa  Chỉ có Người mới biết họ như thế nào

Sau cùng, sự trung tín không phải là đặc tính dành riêng cho đời sống lứa đôi  Trong nhiều cuộc dấn thân khác, vẫn phải có những người trung tín phục vụ  Khi người ta phá đổ sự dấn thân được thể hiện trong tinh thần tự do và trách nhiệm, tức là dứt khoát lìa bỏ dân Thiên Chúa, thì đó là chia rẽ  Mà chia rẽ dẫn đến cái chết  Mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi lập giao ước, để sống và làm cho sống

Con đường nên thánh

Hôn nhân không chỉ là tế bào nền tảng, nguyên thuỷ, gắn liền với mầu nhiệm sáng tạo, nhưng còn là con đường nên thánh  Ở đây, thánh thiện không có nghĩa là sự hoàn hảo luân lý, nhưng là một công trình thiêng liêng và mỗi người đều trung thành thể hiện

Thánh thiện bởi vì tạo nên sự hiệp nhất như Thiên Chúa đã muốn khi dựng nên con người  Và sự hiệp nhất này được diễn tả trong tình yêu  Phá vỡ sự hiệp nhất này chính là phá đổ công trình của Thiên Chúa, là làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa đã dựng nên: đó là ngoại tình  Xưa kia các ngôn sứ đã dùng từ ngữ này để nói về những người bỏ quên Thiên Chúa mà chạy theo các ngẫu tượng

Như thế, hôn nhân là con đường nên thánh  Ðời sống lứa đôi tạo nên một cộng đoàn sống động, trong đó tình yêu ngự trị, hay nói cách khác, chính Thiên Chúa ngự trị  Hẳn không phải là tình cờ khi Ðức Giêsu muốn cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến, Người đã thực hiện phép lạ đầu tiên trong một tiệc cưới

Ðàng khác, câu chuyện Tin Mừng này cũng nhắc nhở mỗi người phải trở về với thánh ý của Thiên Chúa  Người ta không được quyền nại ra bất cứ điều gì để né tránh, để không thực hiện chương trình của Người  Trái lại, người ta phải can đảm sửa lại những sai lệch do tình trạng yếu đuối hay đam mê của mình

Dù vậy, phải nói rằng khẳng định của Ðức Giêsu không có ý giải quyết tất cả những vấn đề cụ thể và pháp lý của cuộc sống lứa đôi  Người chỉ muốn đặt đời sống đó trước chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa, trước tình yêu không thay đổi, một tình yêu lớn hơn mọi tình trạng của con người  Trung tín chính là trở về với tình yêu này

Cuối cùng, bài Tin Mừng này được đặt sau những lời Ðức Giêsu nói về chuyện đi theo Người, vác lấy thập giá  Chúng ta có quyền hiểu rằng, nếu như đời sống lứa đôi là con đường cần phải đi, thì phải đi đến cùng  Và chính con đường này dẫn đến sự sống đích thực

 

 

SUY NIỆM

Lễ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Lời Chúa: Cv. 1,12-14; Gl. 4,4-7; Lc 1,26-38

Sức Mạnh Hoán Cải Chữa Lành Của Kinh Mân Côi

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

          Tạp chí Reader’s Digest của Mỹ có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêxa Calcutta và một thương gia người Mỹ tên là Jim Caiso: trên chuyến máy bay từ Chritiamy về Thanasity, thương gia trẻ ấy ngồi kề bên Mẹ Têrêxa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến là Mẹ Têrêxa. Khi những người khách cuối cùng ngồi vào yên vị trên máy bay, máy bay bắt đầu cất cánh, Jim thấy Mẹ Têrêxa và 1 Soeur khác từ từ rút  tràng chuỗi ra từ túi áo. Tuy không phải là một người công giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi: “Anh có thường lần chuỗi không?” Anh trả lời: “Thưa không”. Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói: “Vậy thì hãy bắt đầu lần chuỗi đi”. Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêxa. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Tôi có cảm tưởng như mình đã được gặp một người nữ tu đích thực của Chúa”. Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà bị ung thư giai đoạn cuối. Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Têrêxa và trao cho người bạn và nói: “Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị”. Mặc dù không phải là người Công giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và đã được khỏi bệnh. Giờ đây chị trả lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ được cho người nào khác. Trong thời gian đó, bà chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng tinh thần sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng: “Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu”. Tràng chuỗi mân côi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy và đều được ơn lành như ý. Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, tràng chuỗi có sức mạnh giúp tất cả những ai mang tràng chuỗi ấy canh tân tâm hồn và đã nhận được ơn do việc canh tân mang lại. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh đều vui vẻ cho mượn, và luôn căn dặn họ: “Khi nào không cần dùng nữa thì vui lòng cho tôi xin lại, vì có thể sẽ có người khác cần đến tràng chuỗi ấy”.

Lời Kinh Mân Côi là lời kinh tuyệt vời nhất vì trong Lời Kinh ấy chất chứa tình mẫu tử với những cung bật diệu kỳ qua những ngắm trong các mầu nhiệm: Vui, Thương, Mừng, Sáng, đặc biệt là Kinh Kính Mừng.

 Kinh Kính Mừng xuất phát từ Thánh Kinh và Thánh Truyền. Phần đầu của lời kinh “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” chính là lời chào thiên thần Gapriel khi ngài truyền tin cho Mẹ Maria trong Tin Mừng chúng ta vừa mới nghe: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”(Lc 1, 28) và lời của bà Isave vui mừng kêu lớn tiếng khi vừa nghe tin Mẹ Maria đến thăm bà: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”(Lc 1, 42). Phần sau của Kinh: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen” chính là lời của Giáo Hội, và cũng là lời cầu xin của mỗi khi chúng ta đọc để tuyên xưng mầu nhiệm Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội đang tha thiết để khẩn cầu Mẹ luôn nhớ đến và chuyển cầu con cái của Mẹ trên bước đường lữ thứ trần gian khi đang sống này và khi giờ lâm tử. Điều đáng chú ý ở đây, đọc cả Kinh Kính Mừng chỉ trong mười lăm giây đồng hồ nhưng chúng ta có biết rằng đó là cả một lời kinh kỳ diệu nối kết tâm tình con thảo vào với mầu nhiệm Đức Maria trên đỉnh vị thế là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ con người; Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của mỗi người chúng ta. Chính vì thế Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi lúc mọi nơi, mọi lúc: “cầu cho con khi này và trong giờ lâm tử”.

Vì vậy, “cầu cho con khi này và trong giờ lâm tử” là thế nào? Là thứ nhất, khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta được sống gần gũi với Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta. Cho nên, thật vui biết bao khi chúng ta sinh ra trong cuộc đời vừa có một người mẹ trần gian nhưng cũng vui hơn nữa khi chúng ta lại có một người Mẹ trên Thiên quốc! Khi ấy, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Thiên Chúa cho ta được bình an khi gian nan, thánh thiện tránh xa mọi tội lỗi và Thiên Chúa sẽ chữa lành bao bệnh tật nếu Chúa muốn, và nhất là Mẹ Mân Côi sẽ cầu bầu cho trong giờ lâm tử được chết lành ân sủng Chúa. Thứ hai, khi chúng ta bị thương thân xác đau quá chịu không nỗi hay khi bác sĩ chích thuốc, mổ xẻ chữa bệnh ta đau qua chịu không nỗi kêu lên: “mẹ ơi, con đau quá hay mẹ ơi giúp con”. Vậy, trong lúc này chúng ta đọc kinh Kính Mừng như lời kêu xin với Mẹ Maria: “Kính mừng Maria…” hay “Thánh Maria… cầu cho con khi này” để Mẹ ủi an, xoa dịu cơn đau, ban mình bình an chịu đựng và xin Chúa chữa mau lành bệnh như câu chuyện phép lạ tràng hạt của Mẹ Têrêxa kể trên. Và cuối cùng, khi đọc kinh Kính Mừng, đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng, bổi bổ. Nhưng là đức tin nào? Thưa, đó là đức tin vào một Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần luôn yêu thương chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ tới giá trị mà một người mẹ trần gian mang lại cho chúng ta sự tự tin, lời an ủi, động viên như thế nào khi ta còn nhỏ và lớn lên thành người thì đối với người Mẹ Mân Côi, qua những lời kinh đơn sơ này, Mẹ lại mang đến cho ta những ơn ích thiêng liêng của đức tin còn lớn lao hơn biết mấy và làm con Thiên Chúa như Lời Chúa trong bài đọc 1 xác tín: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà (Mẹ Maria), và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Dt 4,4-5).

Vì vậy, Thánh Bênađô nói: “Kinh Kính Mừng làm cho quỉ dữ trốn chạy, hỏa ngục run sợ“. Còn thánh Bônaventura nói: “Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng”. Và Thánh Anphongsô: “Nhờ Kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng” Lạy Nữ Vương rất Thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con. Amen.