Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm A


CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Ngày 15/10/2023

CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Đông Vinh

GÍAO HUẤN SỐ 47
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Những người theo thuyết Pê-la-gi-ô (tt)

Một khi chúng ta tin rằng mọi sự lệ thuộc vào cố gắng của con người như được chuyển tải bởi các qui tắc và các cơ cấu của Giáo hội, chúng ta sẽ vô tình làm cho Tin Mừng trở nên phức tạp, và ta trở nên cho một đề án vốn không chừa mấy chỗ để đón nhận ân sủng. Thánh Tôma Aquinô nhắc chúng ta rằng những giáo huấn của Giáo hội bổ sung vào Tin Mừng phải được đặt ra cách chừng mực, ‘để đời sống của tín hữu không trở thành gánh nặng’, vì nếu chẳng vậy thì tôn giáo của chúng ta sẽ trở thánh một dạng đày đọa (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 59).

LỜI CHÚA

(Is 25,6-10a; Pl 4,12-14; Mt 22,14)

Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài

Xướng: Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

 

Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20

“Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}

“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.}

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Charles de Foucauld (1858 – 1916)

Charles de Foucauld sinh năm 1858, thuộc một gia đình quí tôc ở Strasbourg, nước Pháp. Lớn lên sau cuộc cách mạng Pháp, nên Foucauld không mấy quan tâm về tôn giáo, thích hành động nên gia nhập quân đội nhưng đến năm 1881 thì bị cho giải ngũ vì tai tiếng xấu. Foucauld ham thích mạo hiểm và say mê vùng đất sa mạc nên xin vào làm cho Sở Địa dư Pháp và nhận làm một cuộc thám sát đầy nguy hiểm trong xứ Morocco, Phi châu.

Khi đến thăm người chị và say sưa kể lại những thành tích của mình tại Bắc Phi, thì người cháu gái nhỏ đã hỏi Foucauld: “Những việc làm của cậu thật là oai hùng, nhưng cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?” Câu nói của cô bé đã thức tĩnh Foucauld và từ đó đức tin Công giáo truyền thống của gia đình đã sống lại, vĩnh viễn thay đổi hẵn quan niệm vô thần và cuộc sống trụy lạc của Foucauld: “Khi tôi nhận biết có một Thiên Chúa, tôi không thể làm một việc gì khác hơn là sống vì Chúa. Ơn gọi đời sống tu trì bắt đầu từ lúc này cũng như Đức Tin của tôi.”

Foucauld làm một cuộc hành hương đến Đất Thánh, đi theo bước chân của Chúa Giêsu trên các nẻo đường mà Chúa Giêsu đã đi qua. Sau đó thì Foucauld xin vào dòng khổ tu (Trappists) và đã tu nhiều năm trong một tu viện ở Syria. Nhưng đời sống bình lặng của nhà tu không đáp ứng khát vọng của Foucauld. Điều làm cho Foucauld khắc khoải chính là cuộc đời của Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa là một người lao công nghèo khó. Chúa Giêsu đã làm thợ mộc trước khi đi rao gỉang Tin Mừng.

Khi suy nghĩ như vậy Foucauld muốn đem những ý tưởng đó ra thực hành. Trong ba năm Foucauld đã đến làm lao động trong tu viện dòng Clara nghèo khó ở Nazareth. Theo Foucauld thì Nazareth là bất cứ nơi nào trên thế giới. Sau đó Foucauld đã xin theo học để làm linh mục.

Sau khi chịu chức Foucauld trờ lại Algeria, sống ở sa mạc Béni-Abbès tại biên giới Morocco. Ý nguyện của Charles là phát triển một kiểu mẫu đời sống tu trì chiêm niệm, một cộng đoàn Tiểu đệ, sống giữa những người nghèo với tinh thần nghèo khó, yêu thương và phục vụ. Trong lề luật của Hội dòng, Foucauld đã viết: “Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói mà chính bằng đời sống của chúng ta.”

Foucauld đã sống ở Béni-Abbès trong 15 năm, khi nhận thấy vùng này đã trở nên đông đúc thì dời đến một nơi thanh tịnh hơn là Tamanrasset, chính ở đó Foucauld bị quân Tuareg phản loạn giết chết.

Đời sống bỏ đạo của Charle de Foucauld trước khi trở lại giống như những người được mời dự tiệc cưới, nhưng đã không dự, còn giết các đầy tớ, cả con trai đi mời để chiếm vườn nho.

Bài Tin Mừng (Mt 22,1-14) : cha Nguyễn Công Đoan viết : ‘Dụ ngôn này có hai mũi dùi : Mũi thứ nhất chĩa vào  những kẻ đã được mời trước mà không thèm đến dự là người Ítraen.

Mũi thứ hai vào một trong những kẻ đầu đường xó chợ đã được mời vào thế chỗ, nhưng lại không mặc áo cưới, tức là những người đã tin, đã gia nhập Hội thánh, nhưng lại không sống đạo. Hội thánh không phải là hãng bảo hiểm sinh mạng vô điều kiện, phép rửa không phải là bùa hộ mệnh, nhưng là khởi đầu cuộc sống mới, và Hội thánh là bàn tiệc Nước Trời ngay bây giờ cho những ai muốn thật sự theo Chúa Giêsu, mặc lấy Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Người, nhờ Lời Chúa và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng (Tin Mừng Mát-thêu, trang 152).

Bài đọc 1 (Is 25,6-10) : Cha Kevin O’sullivan viết về bđ1 : ‘Ngôn sứ Isaia thi hành sứ mạng tại Giêrusalem từ năm 742 đến 700 tCN. Ngài chống đối mạnh mẽ đời sống bất trung và thế tục của dân Chúa chọn. Ngài cũng nói tiên tri về thời thiên sai sẽ đến. Bài đọc hôm nay ngài dùng hình ảnh bữa đại tiệc để nói đến những chúc phúc và hạnh phúc mà vương quốc thiên sai mang đến : ‘Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc thịt béo, rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên nùi này Ngài sẽ bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân và tấm màn trùm lên muôn nước’ (Is 25,6-7). Bữa tiệc xảy ra ở Sion, nhưng không chỉ dành cho dân Cựu Ước. Bữa tiệc chiến thắng xảy ra ở Giêrusalem. Chúa Kitô chiến thắng cuộc chiến trên đồi Canvê và vương quốc thiên sai khởi đầu từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống’ (The Sunday Readings, trang 350-351).

Bài đọc 2(Pl 4,12-14). ngay từ bài đọc Chúa nhật 25 TN, thánh Phaolô đã nói đến những trợ giúp mà dân Philip dành cho ngài khi ngài bị tù. Ngài bảo đảm là họ sẽ được Thiên Chúa ban thưởng cho hành động bác ái mà họ dành cho ngài (Cha Kevin, sđd, trang 352).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

ước gì ân sủng Chúa

vừa mở đường cho chúng con đi,

vừa đồng hành với chúng con luôn mãi

để chúng con sốt sáng thực hành

những điều Chúa truyền dạy.

Chúng con cầu xin

SUY NIỆM II

Y PHỤC TIỆC CƯỚI CHIÊN THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Anh chị em vừa nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn xong thắc mắc gì không? Chứ tôi thắc mắc 2 điều: (1) được nhà vua mời tiệc cưới là hãnh diện, sung sướng lắm sẵn sàng đi liền chứ? Tại sao có người không thèm điếm xỉa tới lời mời, nhiều người từ chối không đi, mà lý do từ chối đâu phải cha chết mẹ chết mà những lý do tầm thường không đáng từ chối. Đã không đi dự tiệc cưới thì thôi đàng này bắt các đầy tớ của vua đi mời giết là sao? Điều thắc mắc thứ 2 là ông chủ sai các đầy tớ ra các ngã đường, gặp ai bất luận xấu tốt, cũng mời vào đầy tiệc cưới. Rõ ràng ở ngoài đường người ta đang mặc áo cũ, áo vá, áo lao động dơ dáy hay không mặc áo… mời phải đi liền thì đi thôi chuyện bình thường, tại sao ông chủ trách phạt người kia không mặc áo đi ăn cưới?

Các nhà chú giải Thánh kinh nói rằng phong tục đám cưới của người Do Thái có hai giai đoạn. Lời mời được gửi đi trước, nhưng không nói rõ ngày và giờ của tiệc cưới. Khi chủ nhà chuẩn bị tiệc xong xong, mới sai đầy tớ đi mời khách dự tiệc cưới đi ngay. Cho nên, người khách sẵn sàng áo cưới và chờ đợi khi mời thì đi vào tiệc cưới ngay. Còn có người khách nghĩ rằng phải chờ đợi rất lâu mới có tiệc, nên họ vẫn không cần quan tâm, đi lao động, đi thăm nông trại…Thình lình vua mời vào dự tiệc cưới, họ chưa sẵn sàng nên viện đủ lý do không đi là vậy.

Thiên Chúa là chủ tiệc. Thiên Chúa luôn thiết đãi một bữa tiệc chứa chan hạnh phúc cho con người. Nhưng tiếc thay, con người đã từ chối lòng tốt của Thiên Chúa. Ngay từ đầu trong vườn địa đàng, Thiên Chúa ban phúc lành con người, cho họ sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho người thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất, ban đủ mọi lương thực cho người hưởng dùng, không phải lao động cực nhọc gì. Rồi chiều chiều Thiên Chúa đi dạo với con người trong vườn địa đàng. Thế nhưng, Adam đã từ chối chung bàn với Thiên Chúa. Ông muốn loại trừ Thiên Chúa. Ông muốn bước đi theo lối đi của ông. Một lối đi theo ý mình. Một lối đi không có Thiên Chúa. Hậu quả là đau khổ và sự chết đã đi vào kiếp người. Cũng từ đây tình yêu của Thiên Chúa hiệp thông với con người suốt dọc dài lịch sử ơn cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục kiên nhẫn mời gọi, dẫn dắt con người trở về trong sự hiệp thông với Ngài. Các tiên tri và Chúa Giê-su đều dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về niềm vui của sự xum vầy bên Chúa và bên nhau trong hoan lạc hạnh phúc. Như bài đọc 1, Tiên tri Isaia nói rằng ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người.

Thiên Chúa luôn cho thì nhiều, còn con người đáp trả chẳng bao nhiêu. Rõ ràng, qua mọi thời đại con người vẫn tìm nhiều cách để khước từ lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa. Nhiều người vẫn đang tìm cho mình một lối đi không có Thiên Chúa. Một thế giới không có Thiên Chúa chỉ dẫn đến chiến tranh hận thù, nghị kỵ và kết án lẫn nhau. Cho nên Đức Cố giáo hoàng Bênêdictô XVI dạy rằng một thế giới không có Thiên Chúa là “một hỏa ngục” (Đức Benêđictô XVI, Sứ điệp ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 26). Cụ thể, Cain từ chối Thiên Chúa nên giết em mình Abel. Đavít không muốn Thiên Chúa điều khiển mình nên phạm tội ăn nằm với vợ vị tướng trung thành của mình vàcrồi âm mưu giết luôn vị tướng ấy để chiếm người vợ ta. Rồi, mới đây, vì cuộc sống không có Chúa hai thanh niên, một anh ở huyện Phú Ninh, anh ở Huyện Tiên Phước cầm súng bắn hai nữ lao công ở Quảng Ngãi chỉ lời qua tiếng lại thôi.

Có nhiều người hôm nay nhân danh đạo tại tâm để từ chối việc đến nhà thờ, ngay cả thánh lễ Chúa nhật họ vẫn dửng dưng xem thường. Họ quên rằng tâm đó phải thể hiện ra bên ngoài bằng thái độ giữ đạo chân thành, sống đạo thực tế bằng việc hy sinh, yêu thương, công bằng, tha thứ, không giả dối, không khoe trương. Đây là điều mà Chúa Giê-su đã từng nói rằng không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai nghe và thi hành Lời Chúa, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Cho nên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Thượng Hội đồng Giám mục thế giới đang diễn ra ở Roma: “Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức…”

Bên cạnh giữ đạo tại tâm, còn có nhiều lần từ chối buổi tiệc của Chúa, họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhai, tranh thủ làm ăn, đi lễ đói ai lo. Cho nên, lo đồng tiền bát gạo trước, rồi khi rãnh mới tranh thủ đi lễ. Họ là những người thờ thần tài trên cả Thiên Chúa. Họ say mê tìm kiếm của cải trần gian mau qua, mà lãng quên giá trị vĩnh cửu là Nước Trời. Họ là những người sống theo chủ nghĩa thực dụng. Cái gì có lợi trước mắt là làm ngay. Họ quên rằng: mọi sự thế gian này sẽ qua đi, và những gì họ đã một đời bán mạng để tìm kiếm cũng thuộc về người khác. Công việc tìm kiếm danh vọng của họ chỉ là “dã tràng xe cát biển đông”. Vì vậy, Chúa Giêsu luôn nhắc nhở: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”(Lc 9, 25).

 Hình ảnh vị khách đã không mặc áo cưới có thể là chính chúng ta. Vì khi chúng ta chịu phép rửa tội, Linh mục trao cho chúng ta chiếc áo trắng hay khăn trắng tượng trưng và nói: “Obace đã trở nên tạo vật và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy ông (Obace) hãy nhận lấy chiếc áo trắng này và hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, để ông (Obace) được sống muôn đời”. Rõ ràng, Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta có thể nhận lời hoặc chối từ mặc chiếc áo trắng. Khi dọn tiệc Thánh Thể, Chúa mong chúng ta tới dự đến tham dự tiệc trong tâm thế mặc lấy chiếc cưới đó là mặc tâm tình tình của Chúa, sự Thánh thiện của Chúa. Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm cao quý của mỗi người, hình ảnh của Thiên Chúa. Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu của Thiên Chúa. Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24). Vì vậy, chúng ta mang danh Kitô hữu nhưng đôi lúc chúng ta đến dự tiệc Thánh Thể vẫn chưa mặc y phục áo cưới vì còn nếp sống chứa phù hợp với tư cách của người môn đệ Chúa, với Lời Chúa dạy, còn ganh ghét, chia rẻ, ích kỷ, oán thù, bao thói hư tật xấu, còn so đo tính toán sự đời sống đạo theo kiểu đạo hồi hồi có hồi không, còn gian dối, còn tội lỗi… Chính những sự ấy là lúc chúng ta chưa dám mặc lấy Đức Kitô là Chúa của đời tôi, chưa dám thi hành ý Chúa trong đời mình, chưa mặc y phục lễ cưới Chiên Thiên Chúa.

Vì vậy ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết hiệp hành với Chúa và Hội Thánh bằng việc hiệp thông mật thiết với Chúa qua kinh nguyện sáng tối, siêng năng lãnh nhận các bí Tích, đồng thời hăng hái tham gia vào các hoạt động tông đồ, mục vụ của giáo xứ hầu xây dựng Giáo Hội và nhất là tích cực thi hành sứ vụ thương xót, yêu thương, hy sinh, tha thứ của Chúa Giêsu cho mọi người từ trong gia đình ra xã hội mình đang sống. Đấy chính là những y phục lễ cưới chúng ta luôn sẵn sàng để mọi lúc chúng ta được Thiên Chúa mời vào thường hưởng bữa tiệc thiên quốc là sự hạnh phúc, bình an, thánh thiện và ân sủng từ bây giờ cho đến ngàn thu. Amen.

SUY NIỆM III

TIỆC THÁNH LỄ ĐÃ SẴN

(Hội An 15/10/2023)

Lm. Giusse Nguyễn Văn Thú

            Bài đọc I từ sách ngôn sứ Isaia và bài Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêu đều nói về bữa tiệc. Chúa Thánh Thần đã kết nối cả hai bài đọc chặt chẽ với nhau, để công bố với mọi người bữa tiệc Thiên Chúa hứa trên núi thánh nay đã dọn sẵn và Chúa đang chờ đợi thái độ của mỗi người đối với bữa tiệc thánh ấy.

  1. Bàn tiệc được dọn sẵn

            Bữa tiệc không chỉ là thời gian ăn uống, mà hơn cả, là thời gian gặp gỡ, đem mọi người đến với nhau, là thời gian của tình bằng hữu, của tương quan giữa người với người. Thánh Kinh dùng hình ảnh bữa tiệc nói về Nước Trời hay Vương Quốc Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia nói đến bữa tiệc Thiên Chúa sẽ thiết đãi không chỉ dành cho dân Israel, mà còn cho mọi dân tộc, mô tả giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa với nhân loại. Các ngôn sứ luôn kêu gọi và hướng dẫn dân Chúa ngóng đợi bữa tiệc giao ước này. Dù đối mặt với gian nan hay nghịch cảnh, dân Chúa được khích lệ hướng về bữa tiệc thánh do Thiên Chúa thiết đãi: tiệc thịt thì béo, rượu thì ngon. Ở đó, Thiên Chúa sẽ lau khô dòng lệ, cất khăn tang che phủ và cho dân Chúa được kết hiệp với Chúa, mọi người vui mừng vì được ơn cứu độ. Sách Khải Huyền gọi tiệc cưới Thiên Chúa thiết đãi là tiệc phúc lành cho những ai tham dự (x. Kh 19,9).

            Bữa tiệc của Thiên Chúa diễn ra trên núi thánh. Trong thánh kinh, núi cao là nơi Thiên Chúa thực hiện những biến cố quan trọng. Thiên Chúa thử lòng tin của Abraham trên núi cao, ban Lề Luật cho dân trên núi Sinai, Chúa Giê-su ban các Mối phúc trên núi cao và đã chịu chết trên núi Sọ. Từ thánh giá trên núi cao, Thiên Chúa thiết đãi nhân loại bữa tiệc cứu độ, lương thực là chính Mình và Máu Con yêu dấu của Ngài. Điều ngôn sứ Isaia tiên báo và ngàn năm dân Israel ngóng đợi, nay được Thiên Chúa thực hiện trên núi cao thánh giá: dòng lệ được lau khô, ơn cứu độ ban xuống cho mọi người.

Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói đến bữa tiệc thánh hằng ngày Thiên Chúa thiết đãi trong thánh lễ dành cho mọi dân tộc trên thế giới và mọi người được mời tham dự. Thánh Lễ trên bàn thờ hôm nay là bữa tiệc thánh trên núi cao được ngôn sứ Isaia loan báo.

  1. Hãy mặc áo cưới vào dự Tiệc

            Nếu bài đọc I ngợi khen lòng trung thành của Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa ban tiệc thánh, thì bài Tin Mừng với dụ ngôn tiệc cưới đòi hỏi thái độ của mỗi chúng ta trong tiệc thánh lễ hôm nay. Dụ ngôn nói đến nhân vật vua và người con, tượng trưng cho Thiên Chúa và Chúa Giê-su, Con của Thiên Chúa.

Nhiều người được mời trước tiên đến dự thánh lễ, nhưng họ khước từ, vì họ đang có nhiều mối bận tâm khác. Họ không đếm xỉa đến lời mời của Chúa, thậm chí nổi giận với những ai đến nhắc nhở. Tuy vậy, Thiên Chúa không nản lòng, vẫn tiếp tục sai các tín hữu đi mời gọi nhiều người khác, bất kể, ai cũng được mời tham dự thánh lễ, vì Thiên Chúa không muốn có chỗ trống trong thánh lễ. Thiên Chúa không sợ con người đầy thương tích của chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta. Thiên Chúa sai Giáo Hội tiếp tục ra đi khắp nơi mời mọi người đến dự tiệc thánh và đó là bổn phận Giáo Hội. Tiệc hy tế và phục sinh đã sẵn, thánh lễ đã sẵn, “phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Thánh lễ đích thực là bữa tiệc thánh, trong đó Chúa Giê-su tự hiến làm của ăn cho mọi người tham dự. Lần đầu tiên khi nghe nói về thức ăn này, người nghe đã bối rối, đòi buộc Chúa Giê-su phải nhấn mạnh sự thật: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Ngài, các ông không có sự sống nơi mình các ông”. Do đó, Chúa mời gọi mọi người tham dự tiệc thánh lễ hằng ngày, bữa tiệc Chúa bảo đảm: “Ai ăn sẽ được sống đời đời”. Cha Charles E. Miller khẳng định: “Đó là bữa tiệc định mệnh của chúng ta được nên một với Con Chiên trên trời”. Nói đến đây, chúng ta nên dừng lại tự hỏi: Bao năm qua chúng ta đáp lại lời mời tham dự thánh lễ thế nào? Mỗi khi tiếng chuông nhà thờ vang lên là lúc Chúa gởi thiệp mời chúng ta đến dự tiệc thánh, chúng ta mau mắn như người vui mừng vì được Chúa mời đến dự tiệc thánh của Ngài không? Chúa mời gọi mọi người đi vào dự tiệc, còn tôi chọn chỗ nào trong tiệc thánh hay lảng vảng bên ngoài?

Tham dự tiệc thánh lễ chưa đủ, người tham dự còn phải mặc y phục lễ cưới. “Sao bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới?” Nhiều người trực giác nghĩ đến trang phục đi dự thánh lễ. Mọi chùa chiền, nơi cung điện tôn nghiêm, người ta đòi hỏi khách tham quan phải ăn mặc trang nghiêm, không thể mặc trang phục đi bar hay vũ trường đến nơi tôn nghiêm. Vậy, đến nhà thờ tham dự thánh lễ, trang phục của bạn có nói lên đức tin và niềm tôn kính của bạn đối với Chúa và mọi người không? Nhìn trang phục, biết tư cách. Nhưng ở đây, lời Chúa muốn nhấn mạnh đến chiếc áo cưới ân sủng chúng ta nhận được ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Ki-tô hữu có bổn phận giữ sạch chiếc áo cưới ân sủng đó tinh tuyền cho đến khi đi vào dự tiệc cưới Con Chiên trên trời. Và nay, tiệc thánh lễ là bữa tiệc báo trước bữa tiệc thiên đàng, mời gọi chúng ta tham dự và mặc chiếc áo tinh tuyền, thánh thiện đó, bởi tiệc thánh không phải “ân sủng giá rẻ”, nghĩa là muốn được ân phúc mà không phải vâng lời Thiên Chúa và sống thánh thiện. Nếu chúng ta đã làm bẩn hoặc thậm chí xé rách chiếc áo ân sủng đó, Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta cho số mệnh, nhưng ban bí tích Hòa Giải khôi phục chiếc áo cưới về tình trạng ban đầu cần thiết cho tiệc thánh lễ.

Vậy, xin Chúa cho chúng ta mau mắn đáp lại lời mời tham dự tiệc thánh lễ hằng ngày và luôn mặc áo cưới ân sủng, áo cưới thánh thiện của ngày Rửa Tội cho xứng với bàn tiệc thánh lễ.