Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm A
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
11-10-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Nhượng Nghĩa
GIÁO HUẤN SỐ 45
SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI KHỦNG HOẢNG (tt)
Một số người trẻ “cảm thấy các truyền thống gia đình có tính đè nén ngột ngạt, và họ thoát ly khỏi chúng do bị thúc đẩy bởi một nền văn hóa toàn cầu hóa vốn nhiều khi bỏ mặc họ chới với không điểm tựa. Tại những vùng khác trên thế giới, các vấn đề không chỉ là xung đột thế hệ giữa giới trẻ và người lớn, mà còn có tình trạng ghẻ lạnh xa rời nhau. Đôi khi người lớn mất khả năng – hay thậm chí không dám thử – truyền thụ những giá trị căn bản của đời sống, hoặc giả họ cố gắng bắt chước giới trẻ. Mối tương quan giữa giới trẻ và ngưới lớn như vậy có nguy cơ dừng lại ở bình diện tâm cảm, không đụng chạm gì đến các phương diện giáo dục và văn hóa. Thật tai hại cho giới trẻ biết bao, dù một số người không nhân ra điều này! Chính người trẻ đã cho biết rằng tình trạng ấy làm cho việc truyền thụ đức tin trở nên vô cùng khó khăn tại một số nước không có tự do biểu đạt, những nơi mà người trẻ bị ngăn chặn tham dự vào đời sống Giáo hội (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 80)
————————-
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Is 25,6-10a; Pl 4,12-14; Mt 22,1-14)
CHUỖI MÂN CÔI VỚI THẦY ANRÊ PHÚ YÊN
(Hội An, ngày 1 tháng 12 năm 2010)
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Có lẻ chưa bao giờ trong lịch sử phong thánh lại có những chứng từ sống động và đồng tình rõ rệt như thế. Các thánh tích từ các tấm vải tấm máu đào như áo dài, con dao mỗ xẻ, tóc … được giữ gìn rất chu đáo.
Có một chi tiết khá thú vị mà qua đó chúng ta hiểu thêm về lòng tôn sùng Đức Mẹ của thầy giảng Anrê Ranran (Phú Yên). Từ lúc bị bắt cho đến khi chịu chết, nếu tôi không lầm, thầy Anrê không bao giờ nói đến tên Mẹ Maria. Phải chăng thầy không yêu mến Đức Mẹ? Nhưng làm sao thầy không yêu mến Mẹ được? Tôi cứ suy nghĩ mãi về trường hợp nầy. Là môn đệ các linh mục Dòng Tên, hơi khác các Dòng khác, chúng tôi được huấn luyện chú tâm vào việc yêu mến Chúa Kitô và vai trò trung gian duy nhất của Người. Dòng Tên vẫn yêu mến Mẹ Maria qua Hiệp Hội Thánh Mẫu, khuyến khích con cái mình tận hiến cho Thiên Chúa qua tay Mẹ Maria với khẩu hiệu “Per Mariam ad Jesum” ( Qua (Mẹ) Maria đến với (Chúa Giêsu ) và dĩ nhiên ý tiếp theo là qua Chúa Giêsu đến với Thiên Chúa. Nhiều người chỉ nói hoặc viết “Nhờ Mẹ đến với Chúa” là dịch thuật không trung thực câu nói trên và có thể gây ngộ nhận về giáo lý. Anh em Tin Lành có thể lên án chúng ta vì lối giải thích đó.
Trở lại với thầy Anrê, may mắn thay, trong các kỷ vật của thầy Anrê có tràng hạt Mân Côi
Nhân chứng 10 Andre Dias trả lời câu hỏi số 8 rằng:
“Những ai đã chứng kiến cái chết này và những ai biết được cái chết này đều coi thầy là thánh tử đạo thực sự; và chẳng hạn một số người giữ những thánh tích, và quí trọng chúng, và chính nhân chứng cũng có vài sợi tóc của thầy Anrê tử đạo, và một vài hột của chuỗi mân côi và con dao mà nhân chứng đã dùng để xẻ thi thể vị tử đạo để ướp xác
Nhân chứng 12 Andre Norete ghi nhận
“Thầy Anrê được dân Kitô giáo ở Đàng Trong cũng như ở Macao đây, nhìn nhận như một vị thánh tử đạo và được cung kính như thế, chính nhân chứng cũng có một mảnh của chiếc áo dài và một hạt trong tràng chuỗi của thầy mà nhân chứng vô cùng quý mến; hiển nhiên và mọi người ai cũng biết rằng thi thể của thầy đang ở Học viện của Dòng Tên trong thành phố này; nhưng nhân chứng không biết Thiên Chúa có thực hiện phép lạ nào do sự chuyển cầu của thầy Anrê hay chưa”
Một vài hạt chuỗi nói lên cả một tràng hạt mà người ta đã tìm thấy trong túi áo của thầy. Như vậy thầy Anrê ngoài chiếc áo dài trắng như nhân chứng số năm mô tả có lẻ còn mặc bên trong chiếc áo cụt (bà ba) có túi đựng tràng chuỗi nữa. Trong một thư điện tử gửi cho tôi, cha Roland Jacques Dương Hữu Nhân OMI cho biết hiện nay trong một bảo tàng quan trọng tại Bồ Đào Nha, ngài phát hiện còn lưu giữ một số di vật của thầy Anrê trong đó có một mẫu ảnh thánh, điều mà người quản trị bảo tàng không lưu ý đến và chưa có sử gia nào phát hiện.
Những thắc mắc của tôi đã được giải tỏa. Thầy Anrê trong đêm bị bắt chờ giờ luận tội chắc đã cùng ông già Anrê Kẻ Chiêm (Cacham) lần hạt rất sốt sắng. Linh mục Alexandre de Rhodes trong cuốn Hành trình và Truyền Giáo có ghi lại:
“thầy Anrê bị điệu tới quan trấn, bị tố cáo là giáo dân và là thầy giảng. Rồi chúng dẫn thầy vào ngục, nơi đã có một chứng nhân Chúa cũng tên là Anrê. Cả hai thức suốt đêm, coi như đêm cuối cùng đời mình, cả hai yên ủi lẫn nhau, với niềm tin tưởng ngày mai cả hai sẽ về thiên quốc”.
Lòng yêu mến Mẹ Maria nơi thầy cũng nồng cháy như lòng thầy yêu mến Chúa Giêsu, Con Mẹ. Hãy yêu mến Mẹ như thầy và hãy lần hạt chuỗi Mân Côi sốt sắng như thầy.
Xin Mẹ hãy gấp rút giúp Giáo Hội nâng người con yêu của Mẹ lên hàng Hiển Thánh!
Những ai nghe lời Mẹ siêng năng lần chuỗi sẽ được Thiên Chúa ban ơn lành như Lời Chúa trong thánh lễ tiên báo.
Bài đọc 1: Ngôn sứ I-sai-a thi hành sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem từ năm 742 đến năm 700 tCN. Ông mạnh mẽ chống lại sự bất trung và ham mê thế tục của dân giao ước. Ông cũng tiên báo nhiều điều về thời thiên sai. Thời thiên sai hạnh phúc chẳng khác gì một bữa tiệc: “Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân và tấm màn trùm lên muôn dân nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (Is 25,6-8).
Bài tin mừng: Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết: “Qua bài Tin Mừng, thánh Mát-thêu muốn phác họa một cách vắn tắt lịch sử ơn cứu độ loài người. Người muốn nói đến việc thành lập Nước Trời do Chúa Cứu Thế. Đó chẳng khác gì một bàn tiệc linh đình mà Isaia đã tiên báo. Chúa bắt đầu mời dân Do Thái đến dự. Họ đã từ chối nghe lời Môsê và các tiên tri. Chúa sai Con của Người đến hoàn thành sứ mạng cứu thế và dạy các tông đồ đi loan báo cho người Do Thái. Họ từ chối và bắt bớ các tông đồ. Chúa phải sai các tông đồ đến với dân ngoại…
Hội Thánh hiện nay gồm hết mọi dân tộc, nhưng hãy còn pha trộn người tốt và người xấu… Hằng ngày mọi người đều được mời dự tiệc thánh. Tuy nhiên người ta không được quên Ngày Chúa sẽ trở lại. Bấy giờ chúng ta có mang áo dự tiệc không tức là chúng ta có đời sống công chính và các việc lành phúc đức không? Nhiều tác giả vẫn quen dùng hình ảnh “áo cưới” để nói đến những công việc này. Và ở đây thánh Matthêô muốn chúng ta nghĩ về ngày chung thẩm, ngày Chúa Kitô trở lại. Có như vậy chúng ta mới hết thắc mắc vì sao đã cho người ra đầu đường gặp ai thì mời vào dự tiệc mà sau đó lại đòi người ta phải có áo cưới. Là vì giữa thời gian được mời vào Hội Thánh và ngày chung thẩm, người ta ai cũng có thời giờ và bổn phận trang trí đời sống của mình bằng sự công chính và các việc lành phúc đức (Giải Nghĩa Lời Chúa Năm Phụng Vụ A, trang 346).
Bài đọc 2 : Chúa nhật tuần 25, chúng ta đã nói về Philip là thành phố Hi Lạp, đồng thời là thành phố đầu tiên ở Âu châu đón nhận Tin Mừng. Khi bị tù đầy và thiếu thốn, thánh Phaolô sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của giáo đoàn.
Trong bđ2 hôm nay, thánh Phaolô còn nhắc lại sự giúp đỡ này và Thiên Chúa sẽ trả ơn họ. Ngài viết : “Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giầu sang của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 4,12-14.19).
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần chuỗi, để được lãnh nhận những ơn lành Chúa ban.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành