Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 Kn 7,1-7; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30

Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11

“Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.

Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 12-13. 14-15. 16-17

Ðáp: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).

Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai. – Ðáp.

Xướng: Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13

“Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 17-27

“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.}

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

KHÔN NGOAN

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Chúng ta vừa nghe tác giả Sách Khôn Ngoan, trong bài đọc 1 cầu nguyện rằng: “Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi”. Chúng ta thầy tác giả gì cùng Chúa? Thưa xin Thần Khí Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan (Viết hoa) là ai? Như chúng ta biết, sách Khôn Ngoan biên soạn năm 50 trước Chúa Giêsu giáng sinh. Cho nên, khi viết Sách Khôn ngoan, tác giả xin Thần khí Đức Khôn Ngoan để dạy chúng ta rằng Thiên Chúa hiện diện và hoạt động khắp mọi nơi, thông biết hết mọi sự và yêu hết mọi loài. Cho nên, tác giả đã đồng hóa Đức Khôn Ngoan là Thiên Chúa Ba Ngôi và nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan là chính Ngôi Lời làm người sau này sẽ là Chúa Giêsu. Vì thế, tác giả nói rằng khi có Đức Khôn Ngoan đến với mình rồi, thì tôi quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể”. Vì vậy, Cựu ước ứng nghiệm Tân ước, bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Máccô kể câu chuyện chàng thanh niên khôn ngoan ở đời giàu có tốt lành đến gặp Chúa Giêsu, Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp, có nghĩa làm gì để có Thiên Chúa làm gia nghiệp, tức là có Đức Khôn Ngoan làm gia nghiệp đời này và đời sau, mà để có Thiên Chúa làm gia nghiệp rồi thì nói như Sách Khôn Ngoan có nhiều của cải không điếm suể. Chúa Giêsu thấy anh khôn ngoan như thế nên Chúa nhìn và đem lòng yêu thương anh. Chúa Giêsu bày cho anh cách thế để có Thiên Chúa làm gia nghiệp, anh nghe xong thì không đáp ứng được vì anh khôn nhưng không ngoan vì anh còn tính toán, ham mê thú vui, của cải ở đời nên anh thanh niên bỏ đi buồn bã vì không thể theo Chúa.

Câu chuyện người thanh niên có thể là câu chuyện của mỗi người. Cũng như chàng thanh niên, bình thường ta giữ và sống đạo rất dễ dàng và sốt sắng. Sáng đi lễ, chiều tối đọc kinh, không làm điều gì gian ác, không bất công tham lam của người khác. Nhưng khi gặp khó khăn, thử thách giữa cuộc sống với việc sống đạo, với gia đình, với kinh tế tài chính gia đình hay với sự nghiệp của chính bản thân mình, chúng ta phải dối diện với chọn lựa giữa việc theo Thiên Chúa và những khó khăn thử thách, những  giá trị trần gian, chính lúc ấy, chúng ta nao núng buâng khuâng và rất nhiều người đã vì những sự ấy mà bỏ Chúa. Chẳng hạn, có những người khi còn nghèo túng thì giữ đạo rất tốt nhưng khi đứng trước những thử thách, những cám dỗ tiền  bạc danh vọng của mà họ sống gian dối, đánh mất lương tâm Công giáo. Có những người khi còn nhỏ thì rất khôn ngoan sống đạo tốt, nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì vì đam mê thú vui trần gian mà sống bê tha tội lỗi, không đến nhà thờ hay có đến chỉ là hồi có hồi không. Và rồi có những người vốn con nhà đạo gốc rất thánh thiện, nhưng khi gặp cám dỗ về tiền tài danh vọng mà đành bỏ Chúa, bỏ đạo.

Theo suy nghĩ của người đời, những ai có tiền của, địa vị, danh vọng đó là những người tài khéo khôn ngoan. Nhưng đó chỉ là khôn ngoan nhất thời kiểu trần gian. Vì cuộc sống trần gian có hạn. Con người ai cũng phải chết. Chết rồi có ai mang theo được của cải, địa vị danh vọng, chức quyền vào thế giới bên kia đâu, cuộc sống sau cái chết mới là quan trọng, vì là cuộc sống vĩnh cửu không bao giờ phai tàn. Vì vậy, Chúa muốn cho ta chọn con đường khôn ngoan của Thiên Chúa để đi theo Ngài, gắn bó với Ngài và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống ngõ hầu đạt tới hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu. Vì thế, Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giê-su trả lời chí lý: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

Ước gi, qua lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết rằng người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng, biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm những giá trị vĩnh cửu. Như thế yêu mến Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp là chìa khóa của sự khôn ngoan. Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự vì Chúa chính là gia nghiệp và hạnh phúc của con. Amen.

SUY NIỆM II

LỜI MỜI LÊN CAO HƠN

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Còn thiếu một điều

Mặt giáp mặt, Đức Giêsu và chàng thanh niên giàu có

Chàng thanh niên đến gặp Đức Giêsu và trình bày khát vọng của mình – cũng là khát vọng sâu xa nhất của con người, của cuộc sống: “Tôi phải làm gì để hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Mối quan tâm của anh hướng thẳng đến điều cốt yếu  Mối quan tâm này phù hợp với toàn bộ tinh thần Tin Mừng: Đức Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người biết rằng họ được Thiên Chúa mời gọi sống chính sự sống của Thiên Chúa  Vậy phải làm gì để đạt được mục đích này? Đức Giêsu trả lời từ từ

“Tuân giữ các điều răn”

Trước tiên, câu trả lời của Đức Giêsu rất đơn giản: mười điều răn đã ghi rõ và bất cứ ai đã nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa cũng đều biết  Trong câu trả lời, Đức Giêsu chỉ kể ra 2 phần của mười điều răn, tức là thái độ đối với tha nhân  Tuy nhiên, một loạt những phủ định trong câu trả lời của Đức Giêsu không làm cho chàng thanh niên thỏa mãn  Anh cảm thấy rõ ràng những điều này không làm cho cuộc sống tròn đầy  Anh đã tuân giữ những điều đó từ thuở nhỏ, và anh nhận thấy dường như toàn bộ cuộc sống đã được ấn định trong những tương giao xã hội không thay đổi và tạo nên một thứ trật tự ổn định  Anh thèm tự do, anh mơ đến một thế giới khác

Đức Giêsu hiểu rằng người đối thoại muốn xin một điều gì đó khác với giáo huấn xưa nay của các nhà thông thái  Người nhìn anh và đem lòng yêu mến  Người đề nghị với anh một đòi hỏi cao hơn, không có ghi trong lề luật

“Hãy đến theo tôi”

Đức Giêsu mở ra một con đường khác, con đường Người đang đi  Con đường dẫn đến sự sống đời đời phải đi qua việc bắt chước Người, phải sống chung với Người, bởi vì không có cách nào khác để hiểu được nét mới mẻ mà Người muốn mạc khải  Đi theo Đức Giêsu có nghĩa là chấp nhận một cuộc đời nay đây mai đó, đầy bất trắc và thiếu thốn  Để có thể đi theo Đức Giêsu, trước hết phải thoát khỏi tất cả những gì ràng buộc, phải trở nên nhẹ nhàng  Chính vì vậy, Đức Giêsu đưa ra cho chàng thanh niên một đề nghị thực hành: “Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Sau đó, hãy đến theo tôi”.

Có lần Đức Giêsu đã nói Nước Trời ví như một viên ngọc quý, và người lái buôn khi tìm được liền bán tất cả tài sản để mua viên ngọc ấy (x  Mt 13,45-46)  Viên ngọc ấy là sự sống đời đời, có giá trị hơn mọi của cải trần gian  Nhưng ai là người có đủ say mê để dám liều như thế? Chỉ có người nào muốn làm môn đệ Đức Kitô, muốn đi theo Người mới đủ can đảm như thế

 Nghe câu trả lời, chàng thanh niên sa sầm nét mặt  Đối với anh, đề nghị của Đức Giêsu quả là một điều liều lĩnh, liều lĩnh quá lớn  Thế là giấc mơ của anh tan tành, anh buồn rầu bỏ đi

Nói cho cùng, đề nghị của Đức Giêsu thật khó mà chấp nhận: nó vượt quá suy nghĩ của con người  Chính Đức Giêsu nói: “Những người có của mà vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao… Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.

Chàng thanh niên không chấp nhận lời đề nghị của Đức Giêsu, anh bỏ đi  Anh không hiểu rằng, để được hưởng sự sống đời đời, cần phải để Thiên Chúa làm việc  Anh thiếu một điều gì đó, và điều này làm cho anh thiếu tất cả  Người ta không trao tặng Thiên Chúa điều gì, một khi người ta không sẵn sàng trao tặng tất cả  Sự hiến dâng trọn vẹn này được cô đọng trong lời mời: “Hãy đến theo tôi”  Đi theo Đức Giêsu không phải chỉ là đời sống đạo đức hay khổ chế, nhưng là gắn bó với Người, đặt tất cả vào Người, Đấng đang trên đường thực hiện tình yêu của Thiên Chúa

Khi ông Phêrô đặt câu hỏi về phần thưởng, Đức Giêsu trả lời ngược lại  Người muốn ám chỉ đến gia đình mới do các Tông đồ tạo nên, một gia đình mà ngay ở đời này đã cho người ta cảm nghiệm được mối tương giao đích thực, mối tương giao nảy sinh trong dòng tinh yêu phát xuất từ Thiên Chúa  Đối với người môn đệ Đức Kitô, cộng đoàn thay thế và tượng trưng gia đình, của cải và công việc

Chỉ là người quản lý

Trong thực tế, điều vững chắc có phải là điều người ta có, điều người ta là? Phải chăng của cải lại không tạo nên một sự an toàn tưởng tượng và làm sai lệch sự an toàn duy nhất, an toàn đích thực? Tiền bạc vẫn luôn là vấn đề, mặc dù ngày nay được nêu lên bằng nhiều từ ngữ khác  Đây không phải chỉ là vấn đề cá nhân, nhưng còn là vấn đề của cộng đoàn, của tập thể  Người ta vẫn tìm thấy những nhà giảng thuyết – có vẻ như hiểu biết sâu xa, xác định rằng sự nghèo khó đích thực là ở trong tâm hồn, và Tin Mừng chỉ nhắm đến những của cải chiếm hữu cách bất hợp pháp

Thực ra, vấn đề không chỉ là chuyện tổ chức: trước hết cần phải thay đổi não trạng, phải học nhìn sự vật, nhìn của cải theo nhãn quan của Thiên Chúa  Chỉ có cái nhìn này mới cho phép mỗi người dám thực sự đem của cải để phục vụ tương giao nhân loại

Đức Giêsu đã cho thấy mối tương giao của Người với sự giàu có; trong chuyện này, Đức Giêsu là người tấn công  Người lật đổ bàn đổi tiền trong đến thờ, Người trình bày tiền bạc như một tên bạo chúa: không ai có thể vừa phục vụ tiền bạc, vừa phục vụ Thiên Chúa được  Người cảnh cáo những loại của cải bất chính vì Người đã tuyên bố: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”

Phải nói rằng, tiền bạc tự nó không tốt không xấu  Nó là phương tiện để trao đổi, và theo khía cạnh này, nó tốt vì giúp cho đời sống xã hội được dễ dàng hơn  Nó là phương tiện cũng như người ta có căn nhà  Thế nhưng nó trở nên xấu khi nó được phân phối không đều, và nhất là nó làm cho con người quyến luyến với nó mà quên đi mục đích cốt yếu của mình là sự sống vĩnh cửu, là Thiên Chúa

Vì vậy, tương quan giữa tiền bạc với từng cá nhân Kitô hữu hay mỗi cộng đoàn được đặt lại từ cơ bản  Thật là quá đơn giản khi người ta nghĩ rằng tiền bạc chỉ là một thứ tai nạn và chỉ xảy ra cho người khác  Phải nói rằng nó là một chứng ung thư  Và như mọi chứng bệnh khác, nó sẽ phát triển và lan rộng ra mãi

Do đó, người Kitô hữu không được ảo tưởng về tiền bạc, không được cho rằng mình vượt lên trên những thứ ngẫu nhiên này và cứ giữ kín những nguồn lợi và tài khoản, vừa đáng nghi ngờ, vừa ngược với Tin Mừng

Như thế, là người nam hay người nữ, là tu sĩ hay không, khi chấp nhận chia sẻ của cải, thì không nhằm để giữ cho tay mình được sạch, nhưng là để làm chứng rằng mình chỉ là người quản lý, chứ không phải là sở hữu chủ những của cải trần thế, và mình có những món nợ với người nghèo, tức Thiên Chúa

Gắn bó với sự giàu sang đích thực

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết từ bỏ lối đạo đức chỉ lo tìm sự hoàn hảo, để đi đến thứ lý luận của đức tin, để chúng con không còn coi mình là trung tâm, nhưng là chọn lựa sống theo Tin Mừng, đi theo Đức Giêsu. Khi ấy, đối với chúng con, chẳng còn vấn đề tìm xem điều nào là giới răn, điều nào là lời khuyên. Khi ấy, chúng con chẳng tự mình tìm Nước Trời, chẳng tự mình tìm kiếm ơn cứu độ, nhưng là chính Chúa, Đấng có thể làm tất cả, hoạt động trong chúng con. Bởi vì đó chính là Tin Mừng.

* * * * *

Lạy Chúa, xin giật tung khỏi con mọi trung tâm điểm giả tạo. Nhất là, xin đừng để con biến chính mình thành trung tâm điểm.

Xin giúp con hiểu, một lần thay cho tất cả, là ngoài Chúa, 

tất cả chúng con và mọi sự nơi chúng con, đều trở nên kỳ quặc.

(theo Dom Helder Camara)

 

SUY NIỆM III

TÔI ĐANG THIẾU GÌ ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI

(Hội An, 12/10/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Người tham gia chương trình “Ai là Triệu Phú?” ngày càng nhiều, bởi ai cũng mơ  thoáng chốc mình trở thành triệu phú. Không chỉ muốn thành triệu phú, nhiều người còn muốn thành tỷ phú nhanh chóng với chỉ một vài tờ vé số, trở nên giàu có như các ca sĩ, người mẫu, như những người có quyền lực v.v. Có những cuốn sách dạy làm giàu từ bàn tay trắng. Ai cũng tưởng một khi giàu có, người ta sẽ không thiếu thốn sự gì. Có phải một khi giàu có người ta sẽ không thiếu thốn sự gì, hay sự giàu có vật chất bắt đôi mắt chúng ta nhìn xuống đất, trong khi đôi mắt chúng ta được tạo dựng còn để nhìn lên trời để thấy những của cải thiêng liêng, của cải đích thực?

  1. Chúa Giê-su là Đấng tôi tìm gặp

Giàu sang làm thỏa mãn con người ư? Phần đông chúng ta tưởng như thế, nhưng của cải của nhà phú hộ trong dụ ngôn người nhà giàu và Lazaro vẫn không thể mua được một giọt nước nhỏ trên lưỡi cho mát trong cơn lửa thiêu (x. Lc 16, 24) và sự giàu có của chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay không làm thỏa mãn niềm khao khát sâu xa trong lòng, khiến anh đến thưa với Chúa: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” (Mc 10,17). Họ là những người giàu có, không thiếu thứ gì, thậm chí, chàng thanh niên giàu còn có sức khỏe, còn nghiêm túc gìn giữ luật lệ từ thuở nhỏ, chẳng ai trách được điều gì. Trước con mắt người đời, anh là người vừa giàu, vừa có đức, nhưng tự thâm tâm anh vẫn đang thiếu một điều mà của cải và sức khỏe không làm thỏa mãn, đó là cơn khát sự sống đời đời đang cháy bỏng trong tâm hồn anh.

Vậy, chàng trai giàu có đang thiếu điều gì để được sự sống đời đời? Đúng hơn, câu hỏi phải là “anh ta đang thiếu ai?”, vì không có điều gì có thể làm anh thỏa niềm khao khát hạnh phúc đích thực, mà chỉ Chúa Giê-su mới là Đấng làm nảy sinh nơi anh niềm khao khát hạnh phúc và Ngài là hạnh phúc của anh. Chúa Giê-su chính là Đấng chàng thanh niên đang thiếu. Đó là lý do Chúa Giê-su nói với anh: “Hãy theo Ta.”

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II từng xác tín vào Chúa Giê-su khi nói với giới trẻ thế giới (2000) như sau: “Khi bạn mơ ước hạnh phúc, thì Chúa Giê-su chính là Đấng bạn tìm kiếm. Ngài đợi chờ bạn khi không có gì làm bạn thỏa lòng. Ngài là vẻ đẹp hấp dẫn bạn, là Đấng khơi lên sự khát khao sung mãn trong bạn…, là Đấng đọc thấy những chọn lựa chân thật trong lòng bạn, những chọn lựa mà những người khác cố gắng dập tắt.” Đức Gioan Phaolô II còn nói thêm: “Chỉ trong Chúa Giê-su, chúng ta mới tìm được tình yêu đích thực và sự sung mãn cuộc sống. Vì vậy, tôi mời các bạn hãy nhìn lên Chúa Giê-su…, Đấng ban cho bạn ý nghĩa cuộc đời.”

Tóm lại, của cải và sự giàu có vật chất không đem lại cho chàng trai giàu có và chúng ta sự sống đời đời, mà sự sống đời đời chúng ta tìm kiếm có tên và có gương mặt là Giê-su Nazareth, Đấng đang ở trong bí tích Thánh Thể. Có phải bạn đang thiếu Chúa Giê-su không? Có phải nơi bạn đang thiếu mối tương quan với Chúa Giê-su không?

  1. “Hãy theo Ta”

Thật bất ngờ, sau khi nghe Chúa Giê-su trả lời và hướng dẫn để được hưởng sự sống đời đời, thì chàng trai này “sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi.” Câu trả lời của Chúa không như anh mong muốn! Thánh sử Mát-cô cho biết lý do, “vì anh ta có nhiều của cải.” Anh quên rằng tiền bạc có thể mở hết mọi cánh cửa, nhưng chắc chắn không mở được cửa thiên đàng. Nếu anh ta vui lòng đến với Chúa Giê-su và đi theo Chúa, thì anh không còn là một người ẩn danh, mà phải là người được kể tên trong số môn đệ của Chúa. Nếu anh vẫn cứ đặt niềm tin vào sự sung túc của cải thế gian này, anh sẽ không được niềm vui đích thực và đạt được ý nghĩa cuộc đời. Đáng tiếc cho anh và cũng có thể đáng tiếc cho chúng ta, những người thuở ban đầu lòng từng rạo rực muốn được sống với Chúa, nhưng kết cục đáng buồn vì quá quyến luyến mọi sự thế gian. Đáng tiếc cho anh và cũng có thể đáng tiếc cho chúng ta, những người từng được Chúa yêu thương hướng dẫn để được sự sống đời đời mà lại không dám bước theo Chúa, chỉ vì trái tim không thể tách rời khỏi sự an toàn giả tạo của thế gian. Anh thanh niên và chúng ta tưởng rằng chỉ cần có của cải và giữ những điều luật buộc là được hạnh phúc đời này và đời sau, nhưng sự sống đời đời và hạnh phúc đích thực là được biết Chúa Giê-su và đi theo Ngài, sống thân thiết với Ngài. Anh thanh niên và chúng ta không hiểu giá trị của người theo Chúa nên không dám dấn bước sống làm người môn đệ Chúa, không như người buôn ngọc dám bán hết những gì mình có để mua lấy viên ngọc quý, mua lấy thửa ruộng có kho báu.

Không phải chỉ người giàu có mới có nguy cơ ham muốn của cải, bởi lòng ham muốn của cải chực chờ ùa vào chiếm tâm hồn mọi người. Ai nghĩ rằng của cải làm được mọi sự, thì họ cũng làm mọi sự để có của cải, vì thế tâm hồn họ không có chỗ cho Chúa. Vậy, điều gì đang ràng buộc khiến chúng ta quay lưng với Chúa? Phải chăng lòng ham muốn của cải và mọi thứ thỏa mãn trần tục đã chiếm lấy tâm hồn và làm bận tâm trí chúng ta? Phải chăng vì chúng ta nghĩ “thời giờ là vàng bạc,” nên không dám dành thời giờ tham dự thánh lễ để thờ phượng Chúa, không dành thời giờ để đọc lời Chúa và đọc kinh trong gia đình? Phải chăng vì chúng ta nghĩ của cải bảo đảm cho sự sống đời này và thế là đủ, nên không còn dành thời giờ chuyện trò, giáo dục đức tin, thúc giục con cái học giáo lý và sống đời môn đệ Chúa? Hãy nhớ, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”!

Ước gì chúng ta không như viên đá cuội dưới lòng suối, mát mẻ, nhẵn thín vì vẻ sung túc, nhưng tâm hồn thì khô khốc bên trong vì xa cách Thiên Chúa và không sống như người môn đệ Chúa. Xin Chúa cho chúng ta xác tín: Chúa là Niềm Vui và Hạnh Phúc của chúng con, cho con theo Chúa.