Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm B
CN.28.B
14-10-2018
Giáo Huấn số 46
MỘT TRÁI TIM LỚN
Lịch Giáo Phận trang 113
Ngoài tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng và con cái, còn có gia đình mở rộng mà ta không thể
bỏ qua. Thật vậy, “tình yêu giữa người nam và người nữ trong hôn nhân, từ đó mở rộng ra hơn, tình yêu thương giữa các thành viên trong cùng một gia đình – giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em, giữa bà con thân thuộc – nhận được hồn sống và sự nâng đỡ bởi một sức năng động nội tại đưa dẫn gia đình đến một tình hiệp thông mỗi lúc một sâu xa và đậm đà hơn, làm nền tảng và nguyên lí cho cộng đoàn hôn nhân và gia đình”. Trong khung cảnh ấy còn có các bạn hữu và các gia đình thân hữu, và cả những cộng đoàn gia đình hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, trong những dấn thân xã hội và trong đức tin (Niềm Vui của Tình Yêu số 196).
———————————————
CN.28.B
(Kn 7,7-11; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30)
Trong số 118 Thánh Tử Đạo Việt Nam, có một vị thánh là chủng sinh. Đó là thánh Tôma Trần Văn Thiện. Quê ngài là xứ Trùng Quán, tỉnh Quảng Bình. Ai đi thăm động Phong Nha là đặt chân vào vùng đất quê hương của ngài.
Mặc dầu trên đường đi, một nữ tu cho biết chủng viện đã giải tán vì quan quân bắt đạo, nhưng ngài quyết định đi tiếp. Ngài nói : “Cha Bề trên đã gọi thì phải đến”. Chỉ sau hai ngày đặt chân lên đất chủng viện Di Loan, thánh Tôma Trần Văn Thiện bị bắt.
Bị đưa ra tòa án, quan đầu tỉnh hỏi :
– Ngươi có phải là người theo đạo Da-tô không ?
Ngài thưa :
– Phải, tôi là người theo đạo.
Quan nói :
– Ngươi bỏ đạo đi, ta sẽ tha cho về.
Ngài đáp :
– Đạo dạy tôi thờ kính Thiên Chúa là đạo thật. Tôi không thể bỏ. Dầu có phải chết, tôi cũng không bỏ.
Biết không thể dùng uy quyền bắt thánh nhân bỏ đạo, quan dùng tiền bạc, danh vọng để quyến rũ.
Quan dụ dỗ :
– Này chú, hãy nghe ta bước qua thập tự. Ta rất thương chú. Ta sẽ gả con gái ta cho chú, và ta sẽ lo liệu cho chú làm quan. Con gái ta rất dễ thương.
Thánh Tôma Thiện đáp :
– Thưa quan lớn, tôi chỉ mong được chức quyền trên trời, chứ không mong chức tước ở thế gian này.
Ngài bị điệu ra pháp trường. Ngài quì xuống đón chờ phúc tử đạo. Ngài bị xử giảo. Giây thừng tròng vào cổ. Hai người lính cầm hai đầu giây kéo. Ngài tắt thở khi mới được 18 tuổi.
BTM : Người thanh niên Tôma Trần Văn Thiện chẳng mong vợ đẹp con khôn, quyền cao chức trọng, chỉ mong chức quyền trên trời, nhất quyết đi theo Chúa đến chết. Còn người thanh niên trong BTM vì tham lam tiền bạc của cải mà không dám bước theo Chúa.
Thánh Mác-cô kể : trên đường đi Giê-ru-sa-lem chịu chết, một người thanh niên đến gặp Chúa và xin Chúa :
– “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Mc 10,17).
Chúa Giêsu bảo :
– “Hẳn anh biết các điều răn : chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10,19).
Người thanh niên thưa :
– “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10,20).
Nghe người thanh niên nói, có lẽ Chúa rất phục, nên thánh Mác-cô ghi lại : “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21).
Trong BTM thánh lễ hôm nay, thánh Mác-cô kể ba lần Chúa đưa mắt nhìn :
– Cái nhìn thứ nhất là yêu mến : “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21), khi anh ta nói : “tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10,20).
– Cái nhìn thứ hai là tiếc xót, vì khi Chúa nói : “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo” (Mc 10,21), thì “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,22). Và “Chúa rảo mắt nhìn chung quanh…” để xem có ai dám bỏ thế gian đi theo Chúa không ?
– Cái nhìn thứ ba là hy vọng, vì các môn đệ mặc dầu đã bỏ mọi sự đi theo Chúa, nhưng khi nghe Chúa nói : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (Mc 10,23), thì “Các môn đệ sững sờ” (Mc 10,24). Chúa đã nhìn thắng vào các môn đệ và nói : “Đối với loài người thì không thể được…Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27). Chúa quả quyết : “Chẳng hề có ai mà bỏ nhà cửa, anh em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm” (Mc 10,29-30).
Bđ1 : Trong thời Cựu Ước, bđ1 cho biết : vua Sa-lô-môn đã quí Đức Khôn Ngoan, quí hơn mọi sự ở đới, Sách Các Vua kể : Vua đi dâng lễ tế cho Thiên Chúa, đêm đến Thiên Chúa hiện ra nói với vua :
– “Ngươi xin gì cứ xin, Ta sẽ ban cho” (1V 3,5).
Vua Sa-lô-môn thưa :
– “Xin ban cho tôi tớ Chúa một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái, chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế ?” (1V,39).
Thiên Chúa phán :
– “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì nay, Ta làm theo như lời ngươi. Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3,11-12).
Bđ2 : “Một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn” chính là “một tâm hồn biết lắng nghe Lời Chúa”. Lời Chúa giá trị biết bao ! Thư Hip-ri bđ2 viết : “Lời Chúa sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Hr 4,12).
Chúng ta đang sống trong tháng Mân Côi. Ngày mai, 15-10, chúng ta mừng kính thánh Têrêsa Avila, nước Tây Ban Nha. Từ khi có trí khôn mổi ngày ngài lần một chuỗi dâng kính Đức Mẹ. Khi 12 tuổi, ngài quì trước ảnh Đức Mẹ và xin Đức Mẹ nhận ngài làm con, và ngài hứa sẽ sống xứng đáng là con Đức Mẹ.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành